LÁ THƯ B5

Lưu Thanh Bình


Thể mến,
Sáng nay chủ nhật dậy muộn, nằm trên giường nghe tiếng ve kêu râm ran ngoài vườn chợt nhớ nay đang là tháng năm, đất trời đã lặng lẽ chuyển sang hè (bên ấy chắc vẫn còn mùa xuân , vì mình thấy hình ảnh hoa xuân ở Seattle tràn ngập trên blog của nhà văn Lý Lan). Mùa hè, mùa của ve kêu phượng nở, của hoa thơm trái ngọt, của những cuộc chia ly và cũng là mùa của bao sĩ tử miệt mài sôi kinh nấu sử. Mùa hè cũng là mùa có nhiều kỷ niệm trong đời học sinh bọn mình. Hè về, những nhánh phượng đỏ rực rỡ sau văn phòng thầy Hiệu trưởng ngày hai lượt sáng chiều chào đón, những bóng áo trắng chui ra đồng nghiêng ngó lắng tai nghe hướng dế kêu dưới những đống lá sắn héo úa và mắt láo liêng tìm củ sắn rài chỉ nhỏ cở ngón cái người lớn, vỏ dính sát rất khó bóc nhưng ngọt ơi là ngọt. Mùa hè sân trường khô ráo với những đám cỏ chỉ xanh non nhú lên từ mặt đất như mời gọi những đôi chân háo hức cất vội cặp bồi bên hông phòng thí nghiệm rồi tung tăng với trái banh quên cả đất trời mặc cho áo sứt bâu, quần sờn gối, cổ áo thâm kim… Tình bạn khắng khít thâm sâu phải chăng được vun đắp từ sân trường ? (*)

Miền Nam Việt Nam chỉ có hai mùa mưa nắng, hầu như không có đích thực mùa thu hay mùa đông. Mùa hè với những đám mây đen chợt đến chợt đi, mang đến những cơn mưa rào làm dịu đi không khí oi nồng ngột ngạt và rửa sạch bụi trên những đám lá ven đường. Những cơn mưa nặng hạt, chỉ thoảng qua  trong chốc lát rồi ngưng, bầu trời lại xanh cao vời vợi và nắng tiếp tục gay gắt như trước. Khách qua đường nhìn quanh, vội vàng dừng xe ven lộ để cởi bỏ cái áo mưa vì chợt thấy mình …không giống ai. Thời tiết thật giống tính khí dân Nam bộ: mau giận nhưng cũng mau quên. Một cơn gió nhẹ thoảng qua trong vườn làm rơi rớt những giọt nước mưa còn đọng dưới đuôi lá, là dịp cho những anh chàng sắm vai quân tử che chở cho những bóng hồng e ấp: cởi áo khoác, nón che cho bạn, đưa tay cho bạn vịn nhảy mương, phủi kiến vàng trên vai và lót tấm trải cho bạn ngồi (hởi ôi sập bẫy rồi mà không biết !). Mùa hè, mùa của học thêm. Sáng học ở trường, chiều xuống Sài Gòn học luyện thi Toán Lý Hóa ở các trung tâm Minh Đức, Lê Kim Luyện, Văn Học, Nguyễn Công Trứ… Có lúc lại theo bạn theo bè lên Bình Dương học thêm tại nhà thầy Nguyễn Kim Long gần bến xe ngựa, con đường nhỏ bên hông chợ Thủ.

Trường Trịnh Hoài Đức chúng ta may mắn tọa lạc trong vùng cây trái đặc sản Nam Bộ, những ngày hè cũng là những ngày hội của hoa thơm trái ngọt đua nhau khoe hương khoe sắc. Hầu như lớp nào cũng có vài bạn nhà ở trong vườn măng, không Bình Nhâm, Hưng Định thì cũng An Sơn, An Thạnh. Đi chơi vườn là một cái thú không gì sánh bằng, qua đó lưu lại thật nhiều kỷ niệm trong đời học sinh. Thể chắc cũng còn nhớ những lần cả lớp kéo nhau đi chơi vườn nhà Hùng ở Bình Nhâm, gần chùa Phước Lộc Thọ. Vườn nhà bạn Hùng khi ấy rất rộng, hơn một mẫu toàn là cây ăn trái: mít, dâu, bòn bon, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm mà nhiều nhứt là măng cụt. Những thân cây măng cụt hàng hàng lớp lớp đứng thẳng giữa những giồng đất xẻ mương tiêu nước rữa phèn. Nhớ lại những lần đùa nghịch long trời lở đất, cả đám xúm vô túm hai tay hai chân Sên quẳng xuống mương cái “ùm”, sình đất văng đầy trên vải áo trắng cả bọn. Nhìn tấm hình chụp B5 đi chơi vườn măng đăng trên trang nhà, mới thấy thời gian sao qua nhanh quá. Mới hồi nào quần xanh áo trắng, áo bỏ trong thùng, những khuôn mặt thơ ngây nay tóc pha hai màu đen trắng, gương mặt hằn những vết chân chim.

Chơi nhà bạn Hùng ở Bình Nhâm
Đi chơi nhà bạn Hùng ở Bình Nhâm

Nhớ cầu Ngang với lần cả bọn tắm sông cầu Đò, mình bị chết hụt, may nhờ có Hùng kéo lên bờ. Cầu Ngang với hai bóng hồng Lan, Huệ làm xao xuyến trái tim bao chàng trai trẻ mà mới rồi mình và Từ Minh Tâm có nhắc lại. Cầu Ngang với cầu treo Bình Sơn đi tắt về An Sơn thật đẹp mà người lạ đi cũng thật hồi hộp…Năm tháng qua mau, ký ức về những cuộc đi chơi hè lùi dần về dĩ vãng, những lo toan bận rộn của tuổi trưởng thành vào đời với những ngã rẽ bất định khiến chúng ta ngày càng xa nhau dù trong tâm tưởng vẫn không quên những người bạn lứa tuổi hoa niên dưới mái trường Trịnh Hoài Đức. Bạn mới, công việc mới, thử thách mới …là dịp cho những chú chim non qua đó bộc lộ và hình thành dần tính cách của mỗi người. “ Giang san dễ đổi, bản tánh khó dời ”, quả thật Thể cứ nhớ lại cá tánh của từng nhân vật B5, giờ nghiệm lại cũng không khác thời đi học bao nhiêu. Sống trong một xã hội chọn đồng tiền làm tín ngưỡng, làm một con người bình thường không phải dễ, đúng như Bành Văn đã nói : “đời nhiều áp lực, làm người khó ...  (**)”.

Một lần nữa mùa cây trái lại về. Nghe tiếng ve kêu bồi hồi nhớ lại những cuộc vui chơi thời cơm cha, áo mẹ, công thầy. Thật vô tư , thật hồn nhiên, thật trong sáng. Nếu mình nhớ không lầm, lần cuối bọn mình chơi vườn là mùa hè năm 1972 . Đã bốn mươi năm nước chảy qua cầu. Chơi nhà Hùng ở Bình Nhâm (được đãi) ăn dâu, chôm chôm, măng cụt; chơi nhà Sên ở Bình Chuẩn ăn khoai mì nước dừa; chơi nhà Thành ở Bến Thế ăn bánh ướt nóng ngay tại lò bánh tráng của chị Xuân và leo cây trường hái trái; chơi nhà Sang ở Phú Văn ăn bưởi hồng và bòn bon ngọt lịm. Còn nhớ có lần nhóm B5 kéo xuống nhà mình chơi, ba má mình dành trọn  căn phố lầu ở bờ sông cho cả bọn tha hồ phá phách suốt đêm. Kẻ nào đó cao hứng lên sân thượng tưới nước xuống khiến đám ghe xuồng ở “bến tắm ngựa” lãnh đủ. Lại còn xách chiếc Pick up ra thâu âm lén, chừng phát ra nghe lại làm cả đám cười lăn lộn.  

Năm nay âm lịch nhuần hai tháng tư nên mùng năm tháng năm đến trễ, vào ngày hội trái cây thì mưa đã già rồi. Thời hoàng kim của khu du lịch Cầu Ngang đã qua, nay (2012) nhìn khách thập phương đi chơi lèo tèo thật cám cảnh Kim Trọng trở lại vườn Thúy. Đi chơi vườn bây giờ là phải về Bến Tre, Tiền Giang kìa. Không thiếu một loại cây trái nào của Lái Thiêu, nhất là tấm lòng hiếu khách khỏi chê, đồ ăn đồ uống ngon bổ rẻ. Một đĩa hột xoài bự tổ chảng, gọi là bát bửu nghĩa là có tám món trái cây gọt sẵn, ướp lạnh gồm thơm (khóm), sa pô chê, xoài, đu đủ, mận…bên trên thêm mớ đá bào, vừa ăn vừa nghe ca cổ quá đã. Chưa kể món canh chua độc đáo. Mấy cô thôn nữ chèo đò mặc toàn áo bà ba màu hồng đưa khách luồn lách trong con rạch có đám cây dừa nước che rợp mát. Vậy đó. Bao giờ cầu Ngang được vậy ?

Hôm kia cả lớp tập trung gần bốn mươi bạn đi viếng tang Bùi Công Tân, nhìn tấm hình bạn mình thật ngậm ngùi, một số phận tài hoa bạc mệnh, một người bạn được cả lớp và thầy cô yêu thương. Nhớ năm lớp 11, giờ văn của thầy Duật, khi cả lớp đã “sôi nước” thì thầy yêu cầu Tân hát một bài thay đổi không khí. Không chút ngần ngại, bạn chơi liền bài “Thu Quyến Rũ” hay làm sao. Kỳ văn nghệ Trịnh Hoài Đức lên truyền hình năm nào,  Tân là một trong nhóm tứ ca hát bài “Những bước chân âm thầm”. Giờ Tân đã về với cát bụi, nói như anh Dũng, người anh của Tân là có buồn nhưng cũng có mừng, mừng cho Tân thoát khỏi kiếp nạn sống khổ với bệnh nan y. Cám ơn các bạn B5 xa nữa vòng trái đất, khi hay tin cũng kịp gởi tiền về phúng viếng. Bây giờ mình xin nói thật, Thể là một trong những bạn B5 hải ngoại luôn sốt sắng gởi quà Tết về cho Tân mỗi năm.  

Tháng bảy tới bên ấy có ngày hội cựu học sinh Trịnh Hoài Đức, địa điểm gần nhà chắc là Thể không bỏ lỡ dịp may, không biết Bành Văn có dự được không ? Lại còn Bích Liên ở Texas, Hòa Nam và Có ở Seatle nữa. Nhớ lần trước về Việt Nam , Có trầm ngâm bên bàn tiệc, nói rằng ở bển không bao giờ có cảnh này, bia rượu ê hề nhưng bạn bè thì thiếu thốn lắm. Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không về dự Đại hội quậy tưng. Mình nhớ lại sau Tết, vợ mình dọn tủ lạnh, thấy còn nửa thùng bia, hối mình uống mau cho trống chỗ. Than ôi mình đâu phải thằng bợm rượu, không bạn không bè làm sao uống nổi cái thứ nước đắng nghét ấy. “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” mà.

Chúc Thể và gia đình luôn vui khỏe.


( 5-2012 )

(*)     Xem bài “ Sân trường yêu dấu ” của Lưu Thanh Bình trên trang nhà.
(**)    Xem bài “ Nhắc chuyện xưa về những người bạn tốt khóa 12” của Bành Văn.