Sân trường yêu dấu

Lưu Thanh Bình



*

Bạn đã từng tuột theo tay vịn cầu thang xuống lầu chưa?Bạn đã từng nhảy từ tấm đan cửa sổ xuống đất chưa?và nhất là bạn đã từng đánh nhau với lũ trẻ ngoài cánh đồng chưa?

*

Sân trường nhạt nắng

Nếu ai có hỏi thuở đi học trường Trịnh Hoài Đức tôi mong gì nhất thì tôi xin nói thật lòng : không gì sướng bằng được… nghĩ học vì thầy cô vắng mặt đột xuất (em xin lỗi quý thầy cô, em không có ý trù ẻo mà là tụi nó đó). Nhất là được nghĩ hai tiết cuối. Nắng chiều đã dịu, gió nổi lên hiu hiu, móc áo lên hàng rào kẽm gai và miệt mài đuổi theo trái banh: hào hứng, vô tư, trong sáng. Bóng đá có sức hấp dẫn ghê gớm, một phần vì tính đồng đội của nó làm gắn kết tình bạn bền chặt theo thời gian. Các bạn lớp tôi nhà ở khắp nơi quanh tỉnh: Thị xã, Lái Thiêu, Búng, Bình Chuẩn.  Xa hơn có Vĩnh Phú, Nhị Bình, Đồng An. Chỉ vài ngày đầu nhập học còn xa lạ, sau đó nhanh chóng quen mặt biết tên và trở thành thân thiết nhờ… cái sân trường. Bao năm sinh hoạt dưới mái trường, có xó xỉnh hóc kẹt nào mà bọn mình không biết. Sân bóng chuyền trước phòng thí nghiệm, phòng bóng bàn kế cạnh đó và dĩ nhiên cả một không gian bao la là cái sân bóng đá, biết bao kỷ niệm vui buồn.

Là học sinh, thường cha mẹ chỉ cho tiền dằn túi để đi xe và uống nước nên cả đội phải hùn nhau mua banh, sau đó phân công giữ, khi banh bị mềm thì lấy cây kim chọc vào đầu vòi, xì hết hơi rồi đưa ống bơm xe đạp vào mà bơm. Gặp trái banh chất lượng kém thì một thời gian sau méo mó hình ô-van, giống như trái bưởi. Có hai rủi ro: một nếu banh ghim vô hàng rào kẽm gai thì bị lủng ruột phải đem vá, hai là nếu banh rơi trúng cửa chớp phòng thí nghiệm thì lủi đi cho nhanh trước khi thầy giám thị tới. Sau đó thì cử một đại diện đi theo tò tò thầy để xin lại trái banh, nếu thầy không cho thì ... ăn cắp. Phòng giám thị ở giữa tầng trệt chứ đâu. Thật ra thầy chỉ cảnh cáo nên lờ đi, chứ nếu quyết liệt thì còn banh đâu mà chơi nữa (mời các bạn đọc bài “Chuyện xưa trường cũ” có nhắc tới chi tiết này).

Năm đệ thất lớp mình có một tay hộ pháp nổi tiếng với chiêu lấy thịt đè người. Đức to con nhưng vụng về, xoay trở chậm. Một lần bị lùa banh qua hai chân (gọi là xỏ lỗ ghèn), thế là hắn bèn quay lại nắm cổ áo nhấc bổng đối phương lên. Tên này có lỗi với cô Liên: Khi cô kiểm tra Anh Văn (giáo trình English for today), chỉ có mấy câu đơn giản như: This is a box - This is a chair mà hắn nhìn cô trân trân, ấp úng không nói nên lời (mình đoán hắn đang nghĩ How beautiful you are! ). Cô vừa giận vừa ngượng. Vì học trễ đến mấy tuổi nên Đức không kịp lấy đệ nhứt cấp thì phải đi lính rồi.

Nguyễn Vinh Quy có hai bàn tay to bè, chỉ cần xoè một bàn tay ấn lên quả bóng là nhấc lên luôn, đặc biệt bạn đá thuận cả hai chân là trường hợp rất hiếm lúc bấy giờ. Xin nói thêm về người bạn này, một học sinh học cũng giỏi mà chơi cũng giỏi, được thầy thương bạn mến. Năm 1978 bạn tốt nghiệp Kỹ thuật Phú Thọ, trường giữ lại làm giảng viên. Sau đó sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Một lần tiễn bạn về nước cả nhóm kéo nhau ra sân bóng đá chơi, Quy đã bị đột quỵ tại chỗ, không kịp chở đến bệnh viện. Khi hủ tro cốt của bạn về đến quê nhà ( Thanh An, Dầu Tiếng) nhóm bạn B5 có đến viếng thắp hương. Trong hình ảnh cũ B5, bạn đứng thứ hai từ phải sang.

Khi sắp đội hình, kẻ nào to con thì đá hậu vệ, kỹ thuật khá thì đá tiền vệ hoặc tiền đạo, còn thủ môn là vị trí mà không ai thèm. Thắng thì không được kể công, thua thì bao nhiêu tội nợ trút lên đầu. Giữ gôn dở nhất là Hạ Quang Quỳnh, một lần bị tấn công tới tấp, hắn quýnh quáng ôm banh chạy vào … sau gôn. Bọn mình bị thua lãng xẹt. Quỳnh cũng đã mất sau một cơn bạo bệnh.

Giải bóng đá toàn trường (sau Tết) năm 1971, lớp B5 khoá 12 vào chung kết với lớp B5 khoá 11, trọng tài do Ty Thể Thao cử xuống. Lớp B5 của đàn anh Từ Minh Tâm đại bại vì lo học thi, thì giờ đâu mà tập dượt (he he). Phần thưởng chính là trái banh đá trận đó và một bộ áo (không có quần).

*

Đường về ôi quá xa

Nhiều buổi chiều trời mát, bọn mình chơi mãi mê nên nắng đã tắt từ hồi nào không hay. Đến khi sực nhớ thì cả bọn ngưng chơi, hối hả rủ nhau đi tắm. Hồi đó khuôn viên hai trường Trịnh Hoài Đức và Nông Lâm Súc chỉ cách nhau cái hàng rào kẽm gai thấp, mà bên ấy lại có cây nước bơm tay tắm rất đã nên cả bọn đá xong hay kéo nhau qua đó tắm. Chạy đà lấy trớn, chống hai tay lên đầu cọc trụ xi măng rồi … phi thân qua. Năm đệ thất còn tắm truồng các bạn ạ. Còn mấy năm về sau thì có mặc quần, khi múc nước tắm thì một tên chổng mông hai tay chống đất, để tên kia xối từ thắt lưng xuống. Sau đó thì đổi vai. Chia tay trước cổng trường, kẻ xuôi về Lái Thiêu, người ngược lên Thị xã, hẹn ngày mai… tái ngộ.

Hồi đó xe đò kiểu cổ (gọi là xe đò đít vịt bầu) thường đón khách đi gần lên cửa sau, băng ghế gỗ, trần có hàng chữ : “xin đừng đưa tay ra ngoài nguy hiểm”. Khi gần qua cầu Bình Lợi thì lơ xe rao lớn : "Bà con cô bác qua cầu đừng xả rác ngheeee". (Bởi vì nếu lính gác cầu bắt được thì anh ta phải chạy bộ ngược lại mà nhặt). Những hôm về muộn, xe đò chuyến chót không còn, đành phải đi bộ xuống chợ Búng đón xe lam về.

Xe Lambretta còn gọi là xe lam đầu bò, có mui như mui xe ngựa, hai ghế súp hai bên bác tài thì một là bánh sơ cua, một là thùng đồ dết. Khi ngồi thì một tay giơ lên bám chắc vào mui, còn một tay vịn lưng ghế bác tài. Nếu trời mưa thì trùm lại kín mít bằng một cái Poncho. Không sướng bằng xe Lambro: cabin ấm áp nhờ có kiếng chắn gió và không sợ … té xuống đường. Bọn mình rất khoái ngồi trước xem bác tài khởi động: đầu tiên là dỡ nệm ngồi lên, đạp cần phạch phạch mấy cái, khi nào ống pô phẹt ra mấy làn khói đen là xong, thả nệm ngồi xuống và ghé mông vào cạnh tài xế.  Đó là mấy ông đánh xe ngựa lên đời. Nhà nước cho vay trả góp, trả dần gọi là xe lam “hữu sản hoá”. Dấu vết còn lại là cái nón nỉ và đôi dép Nhật. Không biết mấy ổng có bằng lái không nhưng chạy ác chiến lắm, xe ba bánh nhưng nhiều khi chỉ chạy có hai bánh thôi. Báo hại mấy người ngồi ghế súp bằng gỗ té nghiêng ngã, mà dù có la thì bác tài cũng đâu có nghe. Về tới nhà thì phố đã lên đèn, mau mau đem nhúng áo vào thau nước để tránh thâm kim, tuy nhiên cổ áo thường đóng bụi bẩn khó giặt và mau sờn.

*

Chiến thuật và kỹ thuật

Có câu đố vui làm sao biết con gà luộc nằm trên đĩa là gà trống hay gà mái?  Câu trả lời đúng là con gà mái thì trên lưng nó bị trầy. Còn muốn biết bạn nào là đệ tử túc cầu giáo thì cứ khám đầu gối, dứt khoát phải có vài ba vết sẹo. Lối đá cũng thể hiện tính người: cay cú có, tiểu xảo có, lém lỉnh có và nhiều nhất là nóng nảy. Thường những kẻ to mồm lại là những tay chết nhát khi đánh nhau thì lĩnh đi đâu mất , trong khi mấy tay lầm lì ít nói lại đáng ngại vô cùng (Hình như trên chiến trường cũng vậy). Trong bóng đá có từ “nhập kê”, để diễn tả tình huống cả hai vào bóng quyết liệt cùng một lúc, rất dễ xảy ra chấn thương. Nhưng thường thì một trong hai yếu bóng vía hơn sẽ bỏ bóng nhảy sang bên. Hai lỗi rất khó nhận định là việt vị và chuồi bóng trong chân đối phương (tackling), mãi đến bây giờ cũng vậy. Người Mỹ gọi môn bóng đá là Soccer, không sao hiểu được hai lỗi này. Nhưng chính hai lỗi này giúp bọn mình gân cổ lên cãi, cãi chầy cãi cối cũng được, cuối cùng là dấu luôn trái banh, nghĩ chơi. Thời đó chiến thuật phổ biến là 2-3-5 và phòng thủ khu vực, nên khi bị ép sân thì chỉ có hai hậu vệ và ba tiền vệ chống trả với năm tiền đạo đối phương. Mãi về sau này (sau 1970) mới có cải tiến 4-2-4. Còn chiến thuật tổng lực của Hà Lan -ruồi bu đít ngựa- thì chưa ra đời.

Trong tấn công và dứt điểm, có hai kỹ thuật tuyệt chiêu làm mê mẩn người xem là vô lê -vừa chạy vừa sút, tung cả hai chân -và đờ mi vô lê-một chân trụ, một chân sút-thường là chân thuận. Nhà văn Duyên Anh gọi là “ngã bàn đèn”. Thời ấy thần tượng của dân ghiền bóng đá là Pele và Garincha chớ chưa có Maradona với chiêu bàn tay của Chúa. Tôi xem đi xem lại nhiều lần đoạn Video quay cảnh Maradona qua một loạt ba cầu thủ Anh qua luôn thủ môn rồi sút vào lưới. Thật là thần sầu quỷ khốc. Chỉ có thể kết luận rằng anh ta có con mắt thứ ba ở sau lưng. Nên mới được FIFA vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nhưng đời tư thì quá tệ hại : nghiện rượu, nghiện ma tuý, quan hệ bừa bãi nên con rơi con rớt tùm lum. Có hai quan điểm trái ngược về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng đời tư là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chỉ có Chúa mới có quyền phán xét. Cầu thủ đã cống hiến hết mình ngoài sân cỏ rồi, còn ngoài đời thì anh ta cũng là con người với hỉ nộ ái ố như bao người khác. Anh có quyền sống cho riêng mình. Quan điểm thứ hai ngược lại, cho rằng khi anh đã nổi tiếng trở thành người của công chúng, thu nhập có được từ sự nổi tiếng đó thì nhất cử nhất động đều là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Không phải chỉ sắm tròn vai về chuyên môn mà cả đạo đức nữa. Năm 2002, nước Nhật không cho Maradona vô dự khán trận chung kết World Cup là vì vậy.

*

Lời nói dối thật thà

Đá với bọn A3 thường thắng dễ nhưng với B4 thì có ăn có thua (như Manchester United và Arsenal). Một lần các bạn B4 dồn ép quyết liệt, banh chỉ lẩn quẩn nửa dưới không lên được và cuối cùng sau môt cú sút của Chín lừa bóng lăn chầm chậm qua sau vạch gôn, vừa lúc thủ môn B5 cũng quờ tay ra bắt được. Một màn cải vả xảy ra, và Minh Đức (thủ quân B4) hỏi mình là người đứng gần, kẻ đàng hoàng nhất trong đám lộn xộn, câu trả lời là không nhìn thấy rõ, nhưng thực ra banh đã qua vạch rồi. Mình nói mà không dám nhìn mặt bạn. Dĩ nhiên mình nói dối một phần vì áp lực của các bạn đồng đội , nếu bảo là banh đã qua vạch thì chắc chắn cả đám sẽ nổi cơn thịnh nộ, nhưng chủ yếu là mình không đủ dũng cảm. Bao nhiêu năm qua rồi, mà việc này không phai như mới xảy ra ngày hôm qua.

Chắc các bạn còn nhớ trường hợp Văn Quyến ( Nghệ An), một tuyển thủ quốc gia có tài thiếu đức đã bán độ trong trận Việt Nam-Miến Điện cách đây vài năm. Không hiểu khi làm lễ thượng kỳ, mắt nhìn lên lá cờ tay đặt lên ngực anh ta nghĩ gì trong đầu. Bán độ cấp câu lạc bộ thì có nhiều, nhưng bán… cấp đội tuyển thì gọi là gì nhỉ? Dù tuyên án nặng cho vừa lòng FIFA, nhưng sau đó người ta giãm đi thời gian thụ án chỉ còn phân nửa. Và giờ thì đá lại bình thường, dự kiến sẽ được gọi lại đội hình quốc gia. Nếu là một cầu thủ miền Nam thì tôi tin án sẽ tuyên nặng hơn nhiều. Cũng cần nói thêm cho công bằng, Quyến có năng khiếu bóng đá bẩm sinh, lối đá mà thời bọn mình gọi là “khôn banh”, giờ báo chí ca tụng là “có cảm giác bóng tốt”.

*

Đem chuông đi đấm xứ người

Đặc điểm của sân Lái Thiêu (ấp Trưởng) là sân cát nên ảnh hưởng đến lối đá của các cầu thủ địa phương qua nhiều thế hệ: thích phô diễn kỹ thuật cá nhân, chuyền banh cự ly ngắn, kéo rê và bật tường 1-2. Lối đá này rất phá sức và triển khai tấn công chậm. Nhưng đẹp và fairplay. Còn sân Phú Mỹ, Bình Chuẩn và Trường Công Binh là sân đất gò, cứng nên thích hợp với lối đá chuyền dài vượt tuyến và đua tốc độ. Chỉ cần hai ba đường chuyền là banh đã qua phần sân đối phương và uy hiếp khung thành. Thể lực phải tốt và không ngại va chạm.  Đội bóng trường Trịnh Hoài Đức có cả hai trường phái trên, vì thành phần chính là cầu thủ xuất xứ từ hai địa phương trên. Những năm 71, 72 mình có tham gia đội bóng của lớp và của trường. Xin kể lại một vài kỷ niệm :

1. Học sinh đá với nghĩa quân Bình Chuẩn:

Sân bóng gần ngã tư, gần nhà một bạn học B5 và cũng là cầu thủ lớp mình. Sên là con nhà quê, rất thật tình và chăm học. Nhà bạn có mấy sào đất chuyên trồng cây thuốc lá. Mẹ có nghề tráng bánh tráng. Bánh tráng dẻo chấm nước tương giầm tỏi ớt, ngon không thua bánh tráng Tân An. Chơi nhà bạn, mình rất mê món khoai mì nấu nước dừa cuốn bánh tráng rau sống. Bạn mất vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, khi hạ huyệt có tiểu đội lính bồng súng chào. Trong ảnh cũ B5 bạn đứng ngoài cùng bên trái. Trận cầu hôm đó thật ra là lớp B5 đá giao hữu với đội thiếu niên của xã, hết hiệp một lớp mình đã dẫn trước hai bàn. Thế là một số “người lớn” nóng mũi bắt đám thiếu niên cởi áo ra cho họ mặc, có người áo ngắn cũn cởn lòi cả rún thật tức cười. Nhưng họ cũng chỉ chạy nhanh đá bậy thôi chứ có rơ rác gì đâu. Nên thua thêm hai trái. Bắt đầu đá xấu và muốn ăn thua đủ. May có người rỉ tai : "Tụi học sinh này là con ông cháu cha, con tướng con tá không đó, đụng vô coi chừng à". Nhờ vậy thoát nạn. Thắng mà run muốn chết.

2. Đóng cổng Thành Công Binh:

Thoạt tiên theo dự định, đây là trận giao hữu Trịnh Hoài Đức-Bồ Đề. Nhưng giờ chót bên Bồ Đề hụt quân số nên chen vào một số dân địa phương (Xóm Miễu Tử Trận-Gò Cầy). Đội bóng B5 dễ dàng làm chủ thế trận và dẫn bàn trước. Lại đá xấu, bỏ banh đá người và đốn giò. Nghỉ giữa hiệp, trọng tài bỏ cuộc sau khi cảnh cáo sẽ có đánh nhau, và khuyên nên ra về. Quả nhiên giữa hiệp hai thì vỡ trận, phe Bồ Đề về trước sau khi thầm thì to nhỏ với nhau điều gì đó. Cảm thấy có điều bất thường nên cả bọn mình cũng nhanh nhanh rút lui. Khi đến Đài Chiến Sĩ (quen gọi là Miễu Tử Trận) thì chúng mình bị chận mất đường về. Một số tay anh chị cầm dây xích quay vòng vòng, một số cầm mã tấu và cây hèo mặt đằng đằng sát khí. Thật là tiến thoái lưỡng nan, chẳng lẽ chạy bỏ xe lại ? May có mấy bạn quen cả hai bên làm trung gian hoà giải nên thoát nạn. Trong số địch thủ nghe nói có mấy người sau trở thành danh thủ, có mặt trong đội học sinh miền Nam dự giải vô địch học sinh Đông Nam Á năm 1974 tại Philippine.

3.Trung học An Mỹ:

Hồi đó đường vào trường An Mỹ dân cư thưa thớt, hai bên đường cây cối rất nhiều. Có khi trận đấu diễn ra ở sân sau trường, cũng có khi đá ở sân Phú Hữu gần đó. Phải công nhận trường An Mỹ nằm ở vị trí đẹp, khuôn viên thoáng đãng nhiều bóng cây xanh mát thật yên tĩnh (nhưng mất an ninh). Đá với An Mỹ, đội bóng Trịnh Hoài Đức chúng ta chỉ huề và thắng chứ chưa bao giờ thua. Còn nhớ có một cô nàng lai Tây đen, hình như tên Hoà to con và vui vẻ lắm. Hội cựu học sinh An Mỹ cũng rất mạnh, hàng năm tổ chức họp mặt rất chu đáo, nề nếp (nhận xét của một quan chức Sở Giaó Dục Bình Dương, cựu học sinh THĐ).

4. Đại bại tại Chủng viện Giuse:

Chủng viện toạ lạc trên khu đất cao, gần trường công binh. Sân bóng nằm trong khuôn viên Chủng viện, có tường bao. Hôm đó là ngày chủ nhật, rất đông phụ huynh đến viếng thăm. Tuổi tác chủng sinh cũng sàn sàn như bọn mình, tóc hớt cao và xem ra hơi khờ, có lẽ tại sống nội trú. Cũng vì vậy mà đa số đội tuyển Trịnh Hoài Đức có tâm lý xem thường địch thủ. Vào trận mới thấy nhầm, họ đá hăng say và nhanh nhẹn, phối hợp thật chính xác chứng tỏ đã có quá trình tập luyện lâu dài. Lại thêm cái loa phóng thanh tường thuật trận đấu thật là cố ý thiên vị, không công bằng tí nào. Thỉnh thoảng lại còn châm vào mấy câu chế giễu, làm ức chế tâm lý đội tuyển Trịnh Hoài Đức.Trọng tài cũng là người của họ. Kết quả , ta thua 0-2. Trận này có thầy Em làm trưởng đoàn. Trước khi chia tay, thầy đãi một chầu chè nhưng cả đám buồn hiu. Uổng công thầy từ Sài gòn lên, kể như mất toi một ngày chủ nhật.

*

Bên kia dốc…

Cứ như thế tuổi thơ qua đi qua đi,bọn mình lớn dần theo năm tháng và có những quan tâm khác, sân trường không còn hấp dẫn nữa nhưng tình bạn thì vẫn vậy. Rời ghế nhà trường đã lâu,thầy cô bạn bè người còn kẻ mất nhưng hình bóng sân trường không bao giờ phai trong tôi.


Những con người ra đi… không thể gì tái tạo

Những vũ trụ riêng tư không lặp lại bao giờ

Tôi cứ muốn kêu lên, kêu to lên điều ấy

Trước đời người đều đặn tựa thoi đưa

E.Eptusenko- Bằng Việt dịch

Đầu năm nay được Trần H mời dự đám cưới (con trai Trần H lấy vợ, chứ không phải Trần H). Vì bạn học B4, chung khóa nhưng khác lớp nên mình có dịp gặp lại nhiều bạn cũ đã lâu không liên lạc như Tấn điên, nhà trước ở cua Hàng Gòn (vì sở trường của hắn là hậu vệ, nên đá rát lắm). Hay Minh Đức thủ quân B4, Paul, Ông Náo, Chín lừa, Thuận, Hồng, Ba còm… Đa số tóc muối tiêu cả rồi. Trước khi nhập tiệc, lòng đã dặn lòng là uống ít thôi; mà sao vui bạn vui bè, thời gian qua nhanh quá, toàn là cụng ly chớ có gắp miếng nào đâu. Lại hôm rồi hứng chí có bạn đề nghị chia phe đá ăn .. bia. Thật là hào khí ngất trời nhưng nhìn lại gần nửa lớp đang vác cái thùng nước lèo, kèm theo thấp khớp và tim mạch nên thôi, bèn cám cảnh sinh tình như sau :

Ta về ta đá sân ta,

Dù chai dù sạn sân nhà vẫn hơn ,

Sân nhà tuy có hơi…tà

Nhưng là sân ruột không (phải) là sân…thuê (!)

Danh sách cầu thủ ghi theo trí nhớ ít ỏi còn lại:

Lớp B5: Quy, Hùng C, Thịnh, Mão, Đực, Rõ, Văn, Tân, Tánh, Sang, Khánh Hoà, Thể,Bình, Trường, Đức, Quang, Quỳnh, Phương và một số săn sóc viên: Hùng B, Quốc, Lắm… (cung cấp chanh, nước đá, bông gòn, thuốc đỏ và vỗ tay).
Lớp B4: Ong Náo, Paul, Chín(Lừa), Minh Đức,Vượng, Thuận, Tánh
Lớp A3: Du, Ba, Tấn, Hồng…


Lớp đệ tứ A5 -năm 1969 -sau lưng là cánh đồng An Thạnh.
Hàng ngồi từ trái qua : Rõ, Văn, Quang, Sang, Được, Đực
Hàng đứng :Sên,?, Thòn, Trường, Bình, Mão, Quy, Hoà.


Lưu Thanh Bình.

(9/2009)