Nhứt quỷ nhì ma …
(Phóng sự chuyến du ngoạn Yosemite và Bắc Cali ngày thứ 1)
Phóng viên không chuyên nghiệp


Lời mở đầu:

Sau bao nhiêu ngày mong đợi, chuyến du ngoạn Bắc Cali đã được thực hiện và thành công ngoài sự mong đợi của Ban Tổ Chức. Anh chị em CHS và gia đình đã có những ngày thật vui vẻ bên nhau. Hình như ai cũng mở lòng và trở lại thời hoc sinh đầy thơ mộng nhưng phá phách cũng dữ. Nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò!. Trong thời gian du ngoạn, anh chị CHS đã thật lòng kể lại những chuyện vui buồn và quậy phá của mình hồi nhỏ để cười vui và thấy thương thầy cô đã dạy đám học trò nhà quê mà phá như quỷ. Bài phóng sự nầy cố gắng ghi lại những giây phút đầy kỷ niệm trong chuyến đi. Xin nói trước, bây giờ ai cũng ở tuổi trên dưới 60 mà lại không có thầy cô đi theo nên có những câu chuyện hơi “cấm trẻ em” mong quý độc giả bỏ qua cho những đoạn có thể hơi … “bậy bạ”. Ngoài ra, vì nhớ đâu nói đó nên ghi chép có thể không đúng thứ tự, mong quý độc giả thông cảm cho phóng viên. Bài phóng sự nầy dài tới “mấy cây số" nên chia ra làm 3 phần, phần nào cũng dài thoòng, mong quý bạn thông cảm từ từ đọc đừng bỏ qua đoạn nào vì rất uổng …
Bây giờ xin mời đọc phần một …

Ngày 1:

Đêm qua, phóng viên ngủ không được vì thao thức sợ trễ giờ. 8 giờ xe mới chạy mà lúc 7 giờ sáng đã chuẩn bị xong xuôi và nhờ con gái đưa ra văn phòng công ty Phước Hạnh là … "Điểm Hẹn Anh Hùng" cho buổi sáng hôm nay. Tưởng mình sớm mà thiên hạ còn sớm hơn. Vợ chồng anh Nguyễn văn Xây (Missouri), Võ thị Thoại (San Jose), Từ thị Cảnh (Nam Cali), Hà Như Nga (Florida)  … đã có mặt. Kim Nên thì đang đi mua đồ ăn sáng. Riêng anh Diệp thì phải chờ chị Thuỷ đến gởi xe và phải lo mua nước chai thêm cho đoàn nên tới sau một chút. Tay bắt mặt mừng, coi bộ ai nấy hớn hở và vui vẻ quá. Phóng viên thấy Minh Tâm còn tặng cho mỗi gia đình một quyển sách do anh viết về du ngoạn trên cruise để đọc lúc nhàn rỗi trên xe, nhưng anh đã lầm vì sau nầy mới thấy là chuyến đi hào hứng quá nên ít ai đọc. Dù sao đó cũng là một món quà văn nghệ để dành về nhà “ngâm kíu”.

Phóng viên lo đi sớm nên không có thì giờ mua đồ ăn sáng. Đâu có sao, chị Kiều vợ anh Diệp, và chị Cảnh đã cho mấy cái bánh bao, mấy ổ bánh mì rồi. Người Việt mình rất hay, đi chơi là lo vụ bao tử nên không bao giờ sợ đói. Cũng nhờ vậy mà trưa nay nếu giờ ăn trưa có gấp rút phóng viên cũng có cái để bỏ bụng. Cám ơn chị Kiều, chị Cảnh.

Phái đoàn của “phe ta” lúc đầu ghi tên được 46 người. Vào giờ chót có 4 người không đi được vì bị bịnh và 2 người ở Việt Nam không qua được nên quân số tổng cộng là hơn một trung đội. Chính xác là phe ta có 40 chiến sĩ từ Canada, Texas, Missouri, Florida, Oklahoma, San Jose đến .. Lứa tuổi trung bình đều thuộc loại “khứa lão” khoảng 55-73. Số ghế trống còn lại khoảng 11 chỗ do “phe bạn” là những hành khách mua trực tiếp của công ty du lịch. Trong số đó có một phóng viên của một tờ báo địa phương là Viet Weekly là anh Phong. Hình như hội Trịnh Hoài Đức đi đâu cũng gặp phóng viên. Hên hay xui, hồi sau sẽ rõ …

Do phe ta đông hơn phe bạn nên Hội Ta “chiếm chánh quyền” và làm chủ tình hình từ đầu đến cuối chuyến đi mà không gặp phản ứng nào. Không chừng phe bạn cũng ham vui nên thấy phe ta vui quá mà “hùa” theo chăng?

Thời tiết sáng nay cũng thật tuyệt, ít mây và nắng ấm, nhiệt độ khoảng 65-75 độ F hứa hẹn sẽ cho những tấm hình đẹp trong một chuyến du lịch hằng mong ước.

Khởi hành:

Đúng 8 giờ, quân số đã đầy đủ. Phe ta lên đường. Phương tiện là một xe buýt lớn có 55 chỗ. Trên xe có TV và phòng vệ sinh. Tài xế là một người Mỹ tên Anderson. Trưởng đoàn do công ty du lịch đề cử là anh Thành. Anh chào mừng phái đoàn, sau đó phát cho mỗi người một chai nước để dùng trong ngày.


Ông Bầu Huynh (phu quân Kim Nên), Tâm, Kim Nên, anh Nguyễn văn Diệp
Hình chụp trước chiếc xe buýt của đoàn trong công viên Yosemite


Tiếp theo, anh Diệp đã chào mừng đoàn cũng như quý hành khách đi theo. Sau đó anh cho chiếu DVD về buổi họp mặt ngày hôm qua do đạo diễn “không chuyên nghiệp”: Phan hồng Liêm thực hiện.

Cùng lúc, chị Kim Nên cũng đi thâu tiền tip (mỗi người 6 đô một ngày, vị chi là 18 đô cho ba ngày). Tiền nầy tuy nói là tip nhưng công ty áp đặt và đoàn phải trả. Sau nầy có người phàn nàn. Chuyện nầy từ từ sẽ biết.

Sau phần thủ tục thì tới phần sinh hoạt. Ai có chuyện vui, câu đố hay hát hò gì thì tham gia. Mới sáng sớm, thiên hạ còn chưa tỉnh ngủ nên không khí có phần lắng đọng. Do đó anh Tâm đành phải mở màn với ba câu đố và ba câu chuyện vui.

Trước khi đố, anh cũng xin quý bạn tha lỗi vì những câu chuyện của anh toàn là hư cấu (tức là đặt ra và không có thật) mà lại hơi “bậy bạ”, nhưng mà phe ta và phe bạn cũng đều ở lứa tuổi lục thập mà lại không có trẻ em theo cùng nên chắc không ai ngại. (chắc quý độc giả cũng vậy nên xin phép trước).

Anh Tâm kể ba câu chuyện vui, trong đó có một chuyện mà về sau có người nhắc tới. Do đó phóng viên xin kể lại ở đây để mọi người cùng cười vui một chút trước khi đọc tiếp. Đó là câu chuyện vui về chữ hỉ:

Có một cặp vợ chồng kia mới cưới nhau, chú rể là người Hoa, cô dâu là người Huế.
Đêm động phòng, sau khi yêu nhau, cô dâu mới hỏi chú rể:
-    Xong hĩ ?
Chú rể nghe không rỏ tưởng là Song Hỉ, nên yêu cô dâu tiếp tục.
Yêu xong, cô dâu hỏi:
-    Ngủ hĩ ?
Chú rễ tưởng là Ngũ Hỉ (năm điều vui) nên yêu cô tiếp tục mấy lần nữa.
Hai người yêu nhau đến nổi giường bị xập. Cô dâu hỏi chú rể:
-    Xập hĩ ?
Chú rễ tưởng cô dâu nói Thập Hỉ nên dù mệt cũng rán làm nhiệm vụ tới đủ 10 lần.
Hai người vui vẻ đến nổi đạp trúng cái vách tường khiến cho nó bị xập. Cô dâu mới hỏi:
-    Xập dách hĩ ?
Chú rễ tưởng cô dâu hỏi Thập Dách Hỉ mà sức của anh đã mòn, lực anh đã cạn nên nói:
-    Em ơi, anh hết sức rồi, không ngờ em mạnh quá !!!

Đây là câu chuyện sạo chơi cho vui chớ không có thật, nhưng cách kể chuyện của anh cũng hay nên khiến cho bà con có dịp cười thoải mái. Thậm chí có người nhớ hoài chữ hỉ tới mấy ngày sau cũng nhắc lại. Đó là chuyện sau.

Những phút nói thật:

Anh Diệp tiếp nhận micro, kể lại một kỷ niệm vui với thầy Nguyễn vũ Hải.

Số là vì ngồi ngay bàn đầu nên thỉnh thoảng anh hay “bị” thầy Hải nhờ đi mua giùm một bao thuốc Bastos xanh ở cái quán cóc bên kia đường cho thầy. Trong khi đó, ở tại lớp thầy đang gọi học trò lên trả bài hay chứng minh toán.

Tâm lý chung của học trò là ai cũng sợ mình bị thầy gọi lên trước vì sau một giấc ngủ dài, bài học đêm trước có thể đã “theo ông bà hết rồi". Vì thế anh tìm đủ mọi cách để “trì hoản chiến”. Mua thuốc xong nhưng anh cứ la cà ở phía ngoài, chờ cho thầy gọi sổ xuống phía dưới, qua khỏi vần D thì mới vô. Có lần thầy hỏi: ”Quán nước bên kia đường, sao em đi lâu dữ vậy?". Anh trả lời là: “Tại cô bán thuốc lá đi đâu mất phải kiếm một lúc mới thấy”. Cũng với cùng một câu hỏi như trên, có khi anh nói là: “Hôm nay có cả đoàn xe nhà binh thật dài đi qua đường nên em phải đợi đoàn xe chạy qua hết rồi mới băng qua đường được”. Hôm khác thì…tại…bị…miễn sao đừng bị kêu lên trả bài trước là được.

Nghe nói tới thầy Nguyễn vũ Hải, anh Nguyễn văn Xây (K3) cho biết hồi xưa anh có học toán và sợ thầy lắm. (Nhưng cũng nhờ vậy mà anh giỏi toán và trở thành giáo sư Toán của trường Trịnh Hoài Đức trước 1975). Anh kể:

Khi thầy Hải vô lớp ban B thì hỏi:
-    Mấy anh ngon hả? Giỏi toán lắm hả? Dám ngồi ban B.
Thế là có vài anh sợ quá xuống văn phòng xin đổi qua ban A.
Hôm sau thầy Hải vô lớp ban A và hỏi:
-    Mấy anh kia, học giỏi Toán sao không qua ban B học, sẽ có tương lai hơn?
Thế là có vài anh lại xuống văn phòng xin đổi qua ban B.
Chuyện lòng vòng tới cả tuần mới xong.

Anh Xây còn kể chuyện học thầy Tô Hoà Dương (dạy văn). Đám học trò quỷ K 3 nghich ngợm, bỏ vô hộp phấn toàn là cắc kè. Khi thầy mở hộp ra, dám cắc kè trong hộp nhảy tưng tưng ra ngoài khiến thầy hết hồn phải sợ hãi và ngồi thụp xuống. Tội nghiệp thầy quá!. Anh Xây nói bây giờ có hối hận thì cũng muộn màng vì thầy đã ra người thiên cổ.

Sau những tràng cười vui vẻ thì tới phần ca hát tập thể. Kim Nên đã hướng dẫn cả đoàn hát một bài hát có tựa là Gặp Nhau. Ai nấy cùng hát vang theo sự hướng dẫn của “Bà Bầu Kim Nên”.

Tiếp theo chương trình, Kim Nên đã đọc rất diễn cảm bài thơ của anh Luân Hữu Đức đã sáng tác nhân dịp họp mặt lần thứ 2. Bài thơ nói về tuổi học trò và một mối tình không đoạn kết. Anh Đức là một trong 3 người lớn tuổi nhứt đoàn (73 t). Anh bị bịnh ung thư nhưng đã được chửa khỏi (giống như anh Toàn
(73 t) chồng của chị Cảnh – K1).


Bà bầu Kim Nên đang hát


Sau phần ngâm thơ, Minh Lan đã hát một bài và được cả đoàn khen ngợi bằng một tràng pháo tay ròn rã.

Thuý Hồng tiếp tục chương trình với chuyện mấy cô nữ sinh bên trường Nữ đi xe lam về ngang trường Nam. Lúc đó trời nắng dữ và có một anh nam sinh đón xe. Xe ngừng. Anh nầy thấy cả xe toàn nữ nên không dám lên dù trời đang nắng gắt. Mấy cô có xít vô trong nhường chỗ thì anh cũng nhứt định không lên. Mắc cở dữ vậy ta!. Nữ sinh Trịnh Hoài Đức hiền lắm mà!.

Thuý Hồng kêu Thanh Nga kể tiếp. Cô nầy nhớ một câu chuyện rất hay.

Số là để tập cho học sinh quen nói chuyện trước đám đông, thầy Lê vĩnh Thọ tổ chức thuyết trình văn học. Ba cô nữ sinh bên trường nữ sẽ qua trường Nam thuyết trình trước một nhóm nam sinh. Trình bày xong, anh Võ Hùng Phong (con của thầy Võ Kim Lân) mới đặt câu hỏi:
-    Xin quý bạn cho biết thế nào là tình yêu?
Không biết anh Phong có thích cô nào hay không mà đặt câu hỏi khó quá. Một cô trong thuyết trình đoàn trả lời:
-    Tình yêu là sự kết hợp giữa hai tâm hồn.
Nghe đúng quá phải không. Hội trường vỗ tay khen rần rần. Ai dè Võ Hùng Phong hỏi thêm:
-    Tôi thấy không đúng lắm. Thí dụ như tôi yêu một “người nào đó” mà người ấy không yêu tôi thì có phải là tình yêu không?
Không biết “người nào đó” là ai đây ta? Các thuyết trình viên đỏ mặt và bối rối thấy rõ. Thanh Nga nhanh trí trả lời:
-    Thật ra tình yêu không thể định nghĩa được. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Làm sao định nghĩa được tình yêu” kia mà.

Thầy Lê vĩnh Thọ khen hay và hội trường cũng đồng ý như vậy.

Huê Mỹ cho biết Võ hùng Phong bây giờ là Giám Đốc Đài Truyền Hình Bình Dương. Hy vọng anh sẽ đọc được câu chuyện nầy để nhớ về một giai đoạn đầy hoa mộng của tuổi học trò.

Thanh Nga nói tiếp: Nhân đọc trang nhà THĐ có thấy nhắc tới bạn Phát làm Phó Giám Đốc hải quan Tân Sơn Nhứt. Đó là bạn cùng khoá với Thanh Nga. Anh tên Võ Tấn Phát và thường bị nữ sinh gọi là Tấn Phát “Trại Hòm” vì ở Bình Dương có trại hòm tên là Tấn Phát. Mong anh Phát nếu có đọc được bài viết nầy mà nhớ kỷ niệm xưa thời học THĐ để dễ dãi với anh chị em CHS hay GS khi có dịp đi ngang “cửa ải” Tân Sơn Nhứt khi về thăm quê cũ.

Huê Mỹ nghe chuyện nữ sinh bị nam sinh hỏi khó mới cầm micro nói:
-    Hồi xưa mấy anh nam sinh cũng quậy lắm. Mấy ảnh chọc mấy cô là phá chớ không phải yêu vì có lần mấy ảnh nói:
-    “Nữ sinh như cục c… trôi sông”.
Tức qua, Huê Mỹ suy nghĩ mấy đêm liền ra câu thơ tiếp theo:
-    “Nam sinh như con chó đói, ngồi trông trên bờ”.
Ăn miếng trả miếng, đâu có vừa gì phải không bạn?

Nhờ có những câu chuyện thời học trò mà thời gian trôi qua rất nhanh. Lúc 11 giờ phái đoàn tới thị trấn Solvang.

Solvang:

Solvang (có nghĩa là cánh đồng ánh sáng) nằm ở Santa Barbara – California là một thị trấn do những giáo viên người Đan Mạch lập ra từ năm 1911. Dân số ở đây chỉ có 9000 người. Thị trấn nầy có những kiến trúc theo phong cách Đan Mạch như cối xay gió, nhà cửa, tiệm quán có mái dốc sơn màu sặc sỡ.


Đi Đan Mạch?
Không phải chỉ ở làng Đan Mạch Solvang - California


Do sáng nay đường hơi kẹt xe nên phái đoàn tới trễ và chỉ có 30 phút ở đây để đi xả bầu tâm sự, chụp vài tấm hình kỷ niệm, mua đồ ăn trưa để ăn trên xe mà thôi. Chuyến đi nầy thiết kế hơi bận rộn, đi chơi khá vội vã nên mệt lắm. May có các chương trình phụ diễn nhiều vui vẻ bù lại nếu không thì sẽ thất bại.

Do có một nhóm khách hiểu lầm giờ giấc nên tới 11:45 đoàn mới khởi hành từ Solvang đi Hearst Castle. Dọc đường xe chạy dọc bờ biển, đoàn ăn trưa trên xe vừa ngắm cảnh vừa nghe anh Thành kể chuyện của anh lúc mới qua Mỹ.

Anh cho biết lúc đó ảnh tới làm việc ở một vùng kia. Hai vợ chồng dành dụm mua được một chiếc xe cũ với giá rẻ. Mua xong, cả nhà kéo nhau ra tiệm mua sắm. Mua xong, ra bãi đậu xe mới ngớ ra là không biết xe mình là xe nào trong số cả ngàn chiếc xe đang đậu trong bãi. Nhà quê ra tỉnh mà!. Thế là cả nhà phải tìm quán để ăn trưa. Lúc đặt món cũng không biết tiếng Anh mà chỉ vào món bánh pizza của một ông khách vừa bưng ra mà thôi. Mãi tới chiều tối, khi mọi người lấy xe về hết thì mới biết xe mình là xe nào…

Những lời thú tội muộn màng:


Thanh Nga tiếp tục chương trình với chuyện bạn Nguyễn thị Huyền phá thầy Phan kỳ Nam (dạy Vạn Vật). Một hôm hai đứa đi trực phòng giám thị. Thấy xe của thầy Nam dựng ở đó mà không có thầy. Bảng số xe là của tnh Tây Ninh. Huyền kêu Nga canh coi không có ai tới thì lấy phần viết lên yên xe hai câu thơ:

Lấy chồng người miệt Tây Ninh
Kéo giếng 20 sãi, thất kinh ông bà!

Hôm sau thầy Nam vô lớp thì biết ngay thủ phạm nhưng thầy hiền nên không phạt gì.

Huyền là đứa “quậy” lắm. Nó đã từng đi xe đò Bình Dương xuống Búng mà không trả tiền vé. Hay vậy đó!. Bây giờ bạn có biết Huyền làm gì hay không? Nó đã đi tu. Chắc để sám hối tội lỗi đã làm hồi thời trung học.

Huê Mỹ nghe xong chuyện trên mới tiếp rằng: “Mấy bạn phá cũng chưa bằng Huê Mỹ”.

Trời!. Chắc hôm nay vui quá nên cả đoàn, từ người một, lên “Tự Thú Trước Bình Minh” sao ta!.

Huê Mỹ kể rằng: Thầy Nguyễn Thiện Thuật có một cái xe Yamaha mới, màu xanh . Thầy cưng xe lắm. Thế mà mấy cô không biết bằng cách nào ăn cắp được chìa khoá xe của thầy. Huê Mỹ  cởi xe của thầy chạy vù ra chợ Búng mua một gói bánh tiêu thiệt lớn. Về tới trường còn không biết cái thắng ở đâu để ngừng chỉ  biết nhả ga chạy từ từ. Đem bánh vô mời thầy thì thầy giận – không ăn.

Rồi có một lần thầy đi một đôi giày mà chắc trời mưa nên đạp bùn dơ quá. Huê Mỹ mới chọc: “Chừng nào thầy chết nhớ tặng cho em đôi giày nhe thầy”.

Quá quắt chưa. Đúng là nữ sinh Trịnh Hoài Đức.

Ai dè, thầy bị xe đụng. Bữa đưa thầy vô nhà thương, thầy còn nói giỡn: “Nếu tôi có mệnh hệ nào thì nhớ tặng cho Huê Mỹ đôi giày”. Ai dè câu nầy lọt tới tai cô giám thị là cô Thịnh mà hôm qua chúng ta đã gặp. Cô mời Huê Mỹ lên và “quay em như dế” về tội giỡn mặt với thầy Thuật .

Còn kỷ niệm với thầy Cửu thì vì thầy hơi lùn nên mỗi lần lên trả bài mà thầy ngó lơ chỗ khác thì  Huê Mỹ (cao) và lại làm điệu bộ so sánh chiều cao khiến cho cả lớp cười rùm. Về sau thầy ít gọi Huê Mỹ lên trả bài vì biết chuyện đó.

Thầy đi xe vespa hay lambretta gì đó, mà thầy lùn nên sợ xe tắt máy lắm, thế mà đám nữ sinh khi thấy thầy ra thì cứ giả bộ đi rề rà ở giữa đường khiến cho thầy chạy chậm xe mà tắt máy để chọc thầy chơi đến nổi thầy phải vào lớp dặn rằng: Các em nhớ chừa chỗ cho thầy chạy xe về khỏi bị tắt máy.

Lúc 2 giờ, xe tới Heart Castle. Lâu đài ở trên lưng chừng núi, muốn lên đó, sau khi mua vé, khách phải chờ xe đặc biệt để chở lên. Trong lúc chờ xe, phóng viên khám phá ra người bạn đi cùng chuyến hôm nay là Lâm thị Hiệp nhà ở Búng. Bạn nầy học cùng lớp với Lê thị Phùng, Nguyễn Hữu Hiệp … Bạn còn cho biết khoá 11 có tới 8 bạn tên Hiệp như Huỳnh võ Hiệp, Nguyễn Hữu Hiệp (nam) (cả hai đã mất) còn Lâm thị Hiệp thì lưu lạc phương trời San Jose. Bạn nào có quen với Hiệp xin liên lạc email: hiepthilam@hotmail.com

Lâu đài Hearst:

Lúc 2:30 đoàn lên xe đặc biệt để chạy theo sườn núi lên dốc cao dần. Từ đây nhìn ngược về phía biển phong cảnh rất đẹp. Xe chỉ chạy 10 phút là tới lâu đài.

Heast Castle là lâu đài của một tỉ phú tên là William R. Hearst. Ông nầy là một ông chủ báo, chủ hầm mỏ … Toà nhà nằm ở thành phố San Simon, khoảng giữa Los Angeles và San Francisco cách mỗi nơi khoảng 400 km. Lâu đài do kiến trúc sư Julia Morgan thiết kế và xây dựng từ năm 1919 tới 1947. Khi ông Hearst chết năm 1951, kiến trúc giao lại cho tiểu bang quản lý vì con cháu không có tiền để đóng thuế thổ trạch.

Lâu đài nầy có 56 phòng ngủ, 61 phòng tắm, nằm trên lô đất rộng 0.5 km2. Ở đây có hai hồ tắm một bên ngoài và một bên trong nhà. Bên trong còn có một rạp hát, phòng chơi bi da. Bên ngoài có sân quần vợt và cả một đường băng nhỏ dành cho máy bay.


Hồ tắm kiểu Ý phía ngoài lâu đài Hearst


Có 5 tua khác nhau để đi xem lâu đài. Giá vé một tua là 22.5 đô la. Phái đoàn được hướng dẫn đi xem phía trước lâu đài, phòng ăn, phòng đánh bi da, rạp hát … Sau đó tự do đi thăm hồ tắm bên ngoài và bên trong.

Nhận xét của phóng viên là kiến trúc của lâu đài nầy thua xa các lâu đài ở Châu Âu (nhưng nước Mỹ mới thành lập chỉ hơn 200 năm nên lâu đài nầy mới trở thành di tích lịch sử). Hổ tắm nói dát vàng thật ra không đúng. Gạch lót thấy lóng lánh như vàng nhưng chắc chắn không phải là vàng thiệt. Tuy nhiên bên ngoài lâu đài là một vườn hoa đẹp với các tượng rất mỹ thuật. Ở đây còn có một sân ngắm cảnh biển cũng khá thú vị để chụp hình.

Lúc 4 giờ đoàn từ giã Hearst Castle để đi Fresno

Từ đây về Fresno đường còn xa nhưng các anh hùng có vẻ thấm mệt nên sau khi anh Đức đố  ba câu cho vui thì cả đoàn xem chiếu DVD Thuý Nga trong khi đó ai ngủ thì ngủ, ai thức thì ngắm cảnh các vườn cây trái hai bên đường.

Lúc 7:30 xe về tới Fressno. Trời vẫn còn nắng. Đoàn ghé một nhà hàng Tàu để ăn tối theo kiểu tự chọn. Về tới khách sạn Days Inn thì đã gần 9 giờ.

Days Inn là một khách sạn cở 2 sao, phòng ốc cũng sạch sẽ. Sau khi phóng viên nhận chìa khoá phòng thì thấy nước trong bồn tắm nóng hoài mà không chịu lạnh phải gọi nhân viên đến sửa. Còn Cao Mỹ Châu và Huê Mỹ mới tội nghiệp: lúc đầu thì phòng đang có người bên trong, sau khi đổi phòng khác thì chìa khoá lại mở của không được. Chị Kim Nên lại phải chạy lên phòng tiếp tân để khiếu nại. Mãi 30 phút sau mới xong. Tội nghiệp Bà Bầu lo lắng hổm rày đã khan tiếng và muốn bịnh rồi!


Hôm nay quả là một ngày khá dài nhưng vui!!!


Bấm vào đây để đọc tiếp phần hai