Phở có mặt ở Bình Dương sớm nhất miền Nam?
Nguyễn Ðạt/Người Việt
March 8, 2017
 


Xe phở hẻm gần chợ Lái Thiêu, Bình Dương. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

BÌNH DƯƠNG (NV) – Nhiều người cho rằng món phở vốn dĩ từ miền Bắc đã xuất hiện đầu tiên tại Sài Gòn từ đợt di cư của hàng triệu người miền Bắc năm 1954. Theo chúng tôi biết điều này không đúng nhờ các tác phẩm của học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Bình Nguyên Lộc và nhà văn Sơn Nam, khi đề cập tới phở.
Nhà văn Sơn Nam từng khẳng định phở xuất hiện đầu tiên ở miền Nam vào những năm 1940 tại chợ Lái Thiêu, thuộc tỉnh Bình Dương.
Có người còn cho rằng phở xuất hiện tại Sài Gòn từ năm 1923, khi kịch tác gia Vi Huyền Ðắc vào sinh sống ở đây. Năm đó kịch tác gia Vi Huyền Ðắc đã lập một gánh phở trên đường Mac Mahon -sau là đường Công Lý, hiện nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuy nhiên gánh phở của Vi Huyền Ðắc tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, dân Sài Gòn chỉ quen ăn bánh canh, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang mà thôi.
Những năm 1940 trở về sau, tại Sài Gòn cũng có xuất hiện vài hàng phở, như học giả Vương Hồng Sển đã ghi lại trong cuốn hồi ký Sài Gòn Tạp Pí Lù của ông.
“Nay có ít câu về tô phở. Khi tôi từ Sóc Trăng năm 1947, chạy lên trên nầy, tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài Gòn nầy, những năm tao loạn 1945-1946, và khi tôi có được một mụn con trai, lối những năm chung quanh 1950, vợ chồng tôi và con luôn ngồi xích lô máy từ chợ Bà Chiểu, xuống Sài Gòn, nếm ba tô phở đường Turc, rồi đưa nhau đi xem xinê, rồi trở về nhà cũng bằng xích lô mà vẫn chưa xài hết một trăm bạc… Tô phở đường Turc, anh ba bò bán mỗi tô 10 đồng, gọi thêm một chén thịt 5 đồng là ê hề, thịt cục nào cục nấy lớn bằng một tô thịt vụn ngày nay…”
Nhà văn Bình Nguyên Lộc trong hồi ký “Sài Gòn 50 Năm Trước” đăng nhiều kỳ trên nhật báo phát hành tại Sài Gòn cũng xác nhận thời gian có phở rất sớm tại Sài Gòn.
“Lạ lắm là họ không có bán phở. Làng Phú Nhuận như là một làng miền Bắc, bên nách Sài Gòn, vậy mà cũng chẳng có phở thứ thiệt là khó hiểu. Phở chỉ bán lối năm 1935 thôi. Nhưng đó cũng là một thắng lợi. Phở đã toàn thắng hủ tiếu từ năm 1960.”
Trong hồi ký nói trên, nhà văn Bình Nguyên Lộc ghi nhận: Ðồng bào miền Bắc vì sinh kế đã di cư từng đợt lẻ tẻ vào Sài Gòn thời gian ấy thường sinh hoạt kiếm sống với 3 nghề nghiệp chính, là may mặc, giặt ủi, đóng giày. Một số lượng lớn làm việc trong các đồn điền cao su. Ðặc biệt số bà con miền Bắc sinh sống tại Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương lại nổi tiếng với nghề thợ mộc.
Nhà văn Sơn Nam, người được xem như một nhà Nam Bộ Học, đã khẳng định nghề nấu phở của người miền Bắc di chuyển vào miền Nam, bắt đầu từ chợ Lái Thiêu.
Sơn Nam ghi nhận trong “Ðịa Chí Sông Bé,” do nhà xuất bản Tổng Hợp Sông Bé xuất bản năm 1991: “Theo ký ức của người trong cuộc, nay còn sống, thì nghề nấu phở bò ở Sài Gòn đã phát sinh từ chợ Lái Thiêu. Vài người về Hà Ðông thăm quê xứ, khi trở vào, thử nấu phở được người Bắc ưa thích, sau đó, người địa phương, người Hoa cũng ham chuộng vì lạ miệng, bổ khỏe, tô hủ tiếu tuy hoàn chỉnh nhưng thỉnh thoảng cần trở bữa, phở hồi trước năm 1945 ở Lái Thiêu nấu theo công thức ‘chính gốc’, nước có cà chua, tí gừng, không dùng rau. Khi Cách Mạng Tháng Tám vừa nổi lên, ở Lái Thiêu có tổ chức bốn xe phở…”
Chúng tôi có người bạn đang thực hiện một công trình địa chí học, Hoàng Anh, tiếc thay ông đã mất hai năm nay, công trình biên soạn cuốn địa chí “Người Và Ðất Bình Dương” của ông bị dang dở. Lúc sinh thời, ông cho chúng tôi biết, cha ông có quen vài người Bắc lập nghiệp tại Lái Thiêu bằng nghề nấu phở. Một người mở tiệm phở nhỏ ở bến xe Bình Dương cũ, sau này là công viên Phú Cường, nhưng ế ẩm vì lúc đó người Bình Dương không thích hợp khẩu vị với món phở. Người này đã dẹp tiệm ở Bình Dương, về Sài Gòn mở tiệm phở lấy tên là Phở Tàu Thủy, thoạt đầu ở đường Nguyễn Thiện Thuật, gần khu chợ Bàn Cờ. Khi người này mất, không còn ai trong gia đình tiếp tục nghề nấu phở nữa.
Người mở tiệm phở tại chợ Lái Thiêu, lấy tên tiệm phở là Cây Bàng, từ Hà Nội vào miền Nam từ thuở niên thiếu. Ông sinh sống bằng nghề nấu phở tại chợ Lái Thiêu tới khi mất, người con của ông tiếp tục nghề nấu phở, vẫn là tiệm phở Cây Bàng từ thuở trước. Rất tiếc hiện nay chợ Lái Thiêu phát triển lớn hơn trước rất nhiều, tiệm phở Cây Bàng bị khuất lấp, khó tìm. Và cũng rất tiếc người bạn của chúng tôi đã mất, nên không còn dịp dẫn chúng tôi tới thưởng thức tô phở của tiệm phở thuộc lớp đầu tiên xuất hiện ở miền Nam, tại chợ Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương.
Như vậy, phở Bắc xuất hiện đầu tiên tại chợ Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, như ghi nhận của nhà văn Sơn Nam là đáng tin cậy.
Vừa qua chúng tôi có dịp tới Lái Thiêu, tiếc rằng không có nhiều thời gian để tìm ra tiệm phở Cây Bàng trong chợ Lái Thiêu. Chúng tôi đi lòng vòng chung quanh, thấy xe phở trong một con hẻm gần khu chợ. Tô phở chúng tôi thưởng thức ngang với tô phở loại ngon của Sài Gòn hiện nay, giá lại rất rẻ: 20 ngàn đồng/tô; trong khi tô phở ngon tại Sài Gòn có giá ít nhất 35 ngàn/tô.
--------------------------------------------------

Mời đọc tiếp…. bài của Hoàng Anh

Tiệm phở lâu đời nhất Miền Nam