TIỆM PHỞ LÂU ĐỜI NHẤT
Ở MIỀN NAM
Hoàng Anh
Phở ( Việtnamese noodle soup ), nem, chả giò là những
món ăn được coi như tiêu biểu cho ẩm thực của người Việt, nhất
là phở.
Thế kỉ thứ 19, người Anh có câu nói nổi tiếng để khoe
khoang đất đai thuộc điạ của họ “ Mặt trời không bao giờ lặn
trên xứ sở của người Anh “. Câu nói này nay không
còn đúng nữa, tuy nhiên mượn ý đó ta có
thể nói không ngoa rằng mặt trời không bao giờ tắt trên
tô phở nghi ngút khói của người Việt. Bởi ngày
nay ở đâu có người Việt là ở đó có phở,
mà người Việt đã có mặt hầu như khắp nơi trên
thế giới nên phở, cùng với chiếc áo dài, cũng
nhờ vậy trở thành những vật thể đại biểu rực rỡ cho văn hoá
Việt Nam ở xứ người.
Đã có rất nhiều bài viết ca ngợi hay giới thiệu về phở,
thế nhưng dù ra đời mới khoảng độ trăm năm, lịch sử và nguồn
gốc tên gọi món ăn này vẫn còn nhiều bóng
mờ chưa soi tỏ hết.
Trước nhất hãy nói về tên gọi, có nhiều giả thuyết
khác nhau. Có người cho rằng khi quảy gánh hàng
các bà luôn rao to “ xáo bò…o…” hoặc rao
theo giọng Quảng Đông “ Ngần nhục pha-ấn đây…” hoặc “ Nhục ngân
phấn_a…” rồi lại bớt còn “phấn…a” hoặc “ phón…a”. Sau cùng
chỉ còn một âm là “phở… đây". Ta thấy giữa phấn
và phở khó có sự tương đồng, hơn nữa một món
ăn thuần Việt, lại là một món ăn bình dân thì
vì sao lại dùng chữ Tàu mà đặt tên
cho nó, trong khi kho từ vựng của ta không thiếu từ để đặt tên
cho món ăn và ta cũng không có tập quán
gọi tên món ăn bằng chữ Tàu vay mượn như thế.
Gần đây hơn, một giả thuyết khác được nêu
ra, phở có nguồn gốc từ chữ Tây chớ không phải của Tàu.
Món ăn pot-au-feur, thời người Pháp còn cai trị, được
người Việt đọc gọn lại là feur, biến âm thành phở. Trong
tự điển Larousse, đó là món ăn làm bằng thịt
bò hầm với cà rốt, tỏi tây, củ cải… Mô tả này
giống như món ăn nay ta thường gọi bò kho, thường ăn
kèm với bánh mì hoặc nấu với hủ tíu thành
món hủ tíu bò kho. Phở không giống như thế, vã
lại cho tới năm 1954, Hà Nội chưa biết tới hủ tíu, nên
giả thuyết trên có vẻ dễ chấp nhận về mặt ngữ âm, nhưng
vẫn có điều gì đó khiến chúng ta phải nghi ngờ
tính xác thực của nó. Ngày trước người Pháp
gọi phở là “Soupe Chinoise“ có nghiã là cháo
Tàu, nhưng có lẻ tên này để chỉ hủ tíu
Nam thì đúng hơn. Ngày nay, khi phở đã là
món ăn phổ biến và trở thành quốc hồn quốc tuý
của Việt Nam được nhiều người nước ngoài ưa chuộng, nhất là
người Mỹ, họ vẫn gọi theo âm Việt “ pho “.
Về mặt tên gọi thì mơ hồ như vậy, thế nhưng về nguồn gốc xuất
xứ thì có thể nói rằng cũng như thịt chó, phở
là một đặc sản của miền Bắc. Theo ông Nguyễn Đình Rao,
chủ tịch câu lạc bộ ẩm thực Unesco Hà Nội cho rằng cái
nôi của phở là thành phố Nam Định. Không biết nhận
định của ông chính xác đến đâu, nhưng phở chỉ trở
thành món ăn tinh tế khi nó về đến Hà Nội. Do
vậy cũng có ý kiến cho rằng Hà Nội chính là
nơi khai sinh ra phở.
Ngày xưa nhân dân ta ở ngoài Bắc ít ăn thịt
bò vì hiểu lầm rằng ăn thịt bò thì nóng
và gầy. Người ta chỉ ăn thịt bò mỗi năm một lần vào
dịp hội làng. Có một món ăn phổ thông là
thịt trâu xào ăn với hành và bún ( gọi
là bún xáo trâu), điểm thêm ít rau
thơm, rau răm, tiêu, ớt… Món ăn này được mọi người
hoan nghênh nhất là ngươi bình dân, lao công,
phu khuân vác bến tàu. Khi người Pháp qua cai
trị nước ta, đến cuối thế kỉ 19 cũng chỉ có vài cưả hàng
bán thịt bò ở Hà Nội, nhưng thường bị ế ẩm nhất là
xương bò luôn luôn còn lại. Do sáng kiến
của một số bà bán thịt trâu xào bún, không
dùng thịt trâu nấu nước súp mà đi mua thịt dư
và xương bò để nấu vì loại này rất ngọt và
rẻ (vì bán ế ). Nhưng khổ nỗi nước súp thịt bò
ăn với bún không được ngon lắm, các bà này
lại thêm sáng kiến dùng bánh bột mỏng (bánh
cuốn chay xắt nhỏ) thay cho bún lại cảm thấy ăn rất ngon miệng. Về
sau lại thay bằng bánh phở càng hấp dẫn. Gia vị cũng thay rau
răm bằng rau mùi (ngò tàu ). Từ đó phở chính
thức ra đời.
Năm 1918 mới có hai quán phở đầu tiên ở phố Hàng
Quạt (nay là phố Lương Văn Can) và phố Hàng Đống,
đều ở Hà Nội. Nhà văn Thạch Lam có lẻ là người
đầu tiên có công đưa phở vào tác phẩm văn
chương, trong tập “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943). Sau đó
là Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội, khoảng 1952), Nguyễn Tuân
(Phở, 1952). Phải nói rằng nhờ các ông mà phở
thêm nổi tiếng, cũng như nhờ phở, mà ngày nay người ta
còn nhớ nhiều đến các ông.
Nghe đâu năm 1923, cụ Vi Huyền Đắc là người đầu tiên mang
phở từ Bắc vào Nam khi lập một gánh phở trên đường Mac
Mahon ( nay là Nam Kỳ Khởi Nghiã )( Lưu Vĩ Lân TTCN 34-99).
Ông Phan Nghị (mất tháng 7 năm 2004) thì cho rằng phở
chỉ mới xuất hiện ở Sài Gòn vào những năm 51-52 cùng
một thời gian với hai nhà hát ả đào, một ở xóm
Monceau và một ở xóm Đại Đồng (tương tự bia ôm ngày
nay ). Cả hai thứ này đều rất xa lạ với người Sài Gòn
thửơ đó, cho nên họ chỉ cầm cự đưọc một thời gian rồi dẹp tiệm.
Người ta chỉ thích hủ tíu, hoành thánh, bánh
xếp nước… Chỉ có một tiệm phở được gọi là “Phở Tuyệc”, nằm
trên đường Turc ( nay thuộc khu vực Đồng Khởi ) là kiên
trì bám trụ. Phải đợi tới sau năm 1954, phở mới thực sự thực
hiện một bước nhảy vọt từ Bắc vào Nam. Như vậy, có thể nói
phở khởi đầu sự bành trướng của nó vào giữa thập niên
50 tới giữa 60.
Trong tác phẩm hồi kí của mình, nhà học gỉa lão
thành Vương Hồng Sễn kể rằng:
“Nay có ít câu về tô phở. Khi tôi từ
Sốc Trăng năm 1947, chạy lên trên nầy, tôi không
được mục kích cảnh sống trên đất Sài Gòn nầy,
những năm tao loạn 1945-1946, và khi tôi có được một
mụn con trai, lối những năm chung quanh 1950, vợ chồng tôi luôn
và con ngồi xích lô máy từ chợ Bà Chiểu,
xuống Sài Gòn, nếm ba tô phở đường Turc, rồi đưa nhau
đi xem xinê, rồi trở về nhà cũng bằng xích lô mà
vẫn chưa xài hết một trăm bạc…
Tô phở đường Turc, anh ba bò bán mỗi tô 10$, gọi
thêm một chén thịt 5$ là ê hề, thịt cục nào
cục nấy lớn bằng một tô thịt vụn ngày nay…”
Qua những dòng này ta có thể suy đoán rằng như
vậy phở đã vào Sài Gòn vào khoảng thập
niên 40 của thế kỉ trước. Để một gia đình gốc miền Tây
phải đón xe xích lô máy đi ăn phở và đọng
lại rõ ràng sâu đậm trong kí ức maĩ nữa thế kỉ
sau như vậy, phở phải là món ăn được biết đến nhiều lắm đối
với dân Sài Gòn dạo ấy.
Điều đáng ngạc nhiên là tình cờ đọc bài
viết của nhà văn Sơn Nam, một người miền Nam lão làng
khác, một nhà Nam Bộ Học có nhiều uy tín ở đất
phương Nam này, chúng tôi lại khám phá
được lắm điều thú vị về phở.
“ Theo ký ức của người trong cuộc, nay còn sống, thì
nghề nấu phở bò ở Sài Gòn đã phát sinh
từ chợ Lái Thiêu. Vài người về Hà Đông thăm
quê xứ, khi trở vào, thử nấu phở được người Bắc ưa thích,
sau đó, người điạ phương, người Hoa cũng ham chuộng vì lạ miệng,
bổ khoẻ, tô hủ tiếu tuy hoàn chỉnh nhưng thỉnh thoảng cần trở
bưã, phở hồi trước năm 1945 ở Lái Thiêu nấu theo công
thức “chính gốc”, nước có cà chua, tí gừng, không
dùng rau. Khi cách mạng tháng tám vưà
nổi lên, ở Lái Thiêu có tổ chức bốn xe phở. Lấy
phúc lợi để nuôi quân du kích, phương thức ấy gọi
là: “sinh sản tự túc”( Sơn Nam. Địa Chí Sông Bé)
Giai đoạn từ những năm 20-30 đến 54 có mấy đợt di cư của người Bắc
vào BD đề làm trong các đồn điền cao su, định cư rải
rác ở chợ Thủ Dầu Một, khu Bùi Chu ( Dĩ An ) và ngã
ba Rạch Bắp, Bến Cát thành một khu vực nhưng vì không
thích nghi được đời sống nơi đây nên dần dần dọn đi nơi
khác. Một người trong số này về mở một nơi bán phở nhỏ
ở bến xe Bình Dương cũ ( nay là công viên Phú
Cường), nhưng bán ế ẩm có lẽ vì hồi ấy người
Bình Dương chưa biết ăn phở nhiều. Ông về Sài Gòn,
sau hùn với một người khác nưã mở tiệm phở Taù
Thuỷ trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Đến khi ông mất, người con
không còn nối nghiệp cha nưã, chuyển qua nghề khác
làm ăn. Đặc điểm của tô phở hồi đó là không
có giá và rau sống như ngày nay, trên bàn
chỉ có nước mắm và chanh ớt, ớt xắt lát nghiêng
nhưng miếng to trông rất hấp dẫn, rau thì có rau
om, ngò, rau húng lủi…
Nhiều người cho rằng từ thập niên 50 trở đi, phở mới theo người bắc
vào Nam. Trước đó miền Nam chỉ có bánh canh,
hủ tíu Mỹ Tho và hủ tíu Nam Vang…Thế nhưng ở Lái
Thiêu phở Cây Bàng đã có từ trước thời điểm
này lâu, ngày nay vẫn còn bán, chủ nhân
nay còn sống và tuổi đã ngoài chín mươí.
Điểm đáng lưu ý là theo mô tả của những người
đã ăn tô phở nơi đây hồi xưa thì cách nấu
còn mang nhiều đặc điểm của tô phở miền Bắc, có
cà và rau răm, củ cải trắng, tiêu, hành lá,
rau mùi ( ngò tàu). Khác với tô phở ngày
nay có thêm giá sống, giá trụng, mùi tây
( ngò gai ), rau quế, rau om, kinh giới… Phở Lái Thiêu,
xưa còn được gọi là phở đồn điền, bởi nó đã theo
bước chân những người Bắc đi “Tân Thế Giới” ( cách nói
đùa ám chỉ thế hệ đầu tiên những người Bắc vào
Nam từ thập niên 20-30 ) tới Lái Thiêu lập nghiệp. Thế
hệ người Bắc tiên phuông này đã phát triển
vùng đất Lái Thiêu thành cái nôi
ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyên nghề chạm khắc
sừng mộc, khảm xà cừ, lược, quạt, qủa tráp…và phở. Tại
đầu chợ “ mới “ Lái Thiêu, nay là chợ Tân Thới,
phía mé sông ra gặp ngã tư Quốc lộ 13, cặp đường
rày xe lửa cắt ngang đường qua rạp hát mới, nay là nhà
thờ Thiên Chuá Giáo, từ một xe phở đầu tiên dần
nổi lên một dãy dài hàng phở toàn ngưòi
Bắc bán. Khi người Pháp theo chân quân đội Anh
vào miền Nam Việt nam giải giới quân đội Thiên Hoàng,
tiến chiếm Lái Thiêu cuối năm 1945, phở Lái Thiêu
tàn lụi dần. Đến ngày nay, vết tích của thời đó
chỉ còn lại quán phở Cây Bàng bên chợ cũ
( chủ nhân đầu tiên là ông Niên Bà
Nan (Liên, Lan ), hiện do con cháu trông coi việc buôn
bán, và một quán phở Mỹ Lan, người miền Nam, bên
chợ mới góc đường Quốc lộ 13 ngã tư đường vô rạp hát
Phương Lạc. Phở hồi đó không có diã rau, giá
sống, ớt tương chanh bày ra bàn. Nước lèo (giọng Hoa
“ léo” nước súp nấu phở ) thì nấu toàn
xương bò, xương heo, thêm vào cà chua (tô
mát ), gừng nướng, nêm muối đường, nước mắm, không dùng
bột ngọt. Về rau chỉ có hành và rau răm. Thịt chỉ có
“tái“ thôi, chưa có nạm gàu béo chi cả.
Có người còn nói rằng do thời 45 chiến tranh, kinh tế
khó khăn nên thịt bò khan hiếm, người ta đã thay
bằng phở heo, phở ngưạ, phở tôm. Chẳng biết điều này thực hư
thế nào nhưng chúng ta biết rằng người BD không bao giờ
ăn thịt ngưạ, nên chuyện này chúng tôi chỉ ghi
lại theo lời tác giả Lý Thân ( báo Tin Sáng
số tháng 5-2004). Riêng chúng tôi thì thấy
có điều hoài nghi.
Chủ nhân của phở Cây Bàng, tên là Vũ Văn
Búp, sinh năm 1910, tuổi Tý, nay đã 94 tuổi,vẫn còn
sống nhưng sức khoẻ đã suy yếu. Ông quê ở phố Hàng
Bột, Hà Nội, vào Nam lúc mới 13 tuổi. Ông có
tay nghề thợ mộc rất giỏi. Thời Pháp, ông tham gia Việt Minh
và hoạt động ở vùng rừng Cò Mi. Sau vì lính
Tây bố ráp ác liệt qúa, ông phải trở về
thành, nhân có dịp may là ông Liên
chủ tiệm phở qua đời, bà chủ tên là Lan bỏ nghề chuyển
qua bán dưa cải nên sang tiệm lại cho ông cũng là
chỗ con cháu trong nhà. Từ đó ông tiếp tục bán
phở cho đến khi gìa mới để lại cho người con tên là Vũ
Như Bản kế tục sự nghiệp, đó là người chủ hiện giờ. Tiếc rằng
hiện nay tiệm nằm trong khu vực chợ, bị các sạp hàng che khuất
mất lối đi nên người ngoài khó lòng vào
được mà thưởng thức tô phở thuộc loại lâu đời nhất miền
Nam ngày nay vẫn còn bán này. Theo lời con cháu
ông thuật lại, ông Búp đã tiếp nhận tiêm
phở này từ những năm 40, còn ông bà Liên
Lan bán trước đó đã lâu nhưng không xác
định được chính xác thời gian. Tuy vậy cũng đủ để nói
rằng tô phở đã vào BD khá lâu, việc có
người cho rằng trước cả Sài Gòn như ông Sơn Nam nói
là có thể tin được. Về chi tiết có cả chục xe phở bán
để lấy tiền cung cấp cho kháng chiến vào năm 45 tại chợ Lái
Thiêu cũng rất có lí vì người Lái Thiêu
hồi đó theo Việt Minh khá đông, ngay bản thân ông
chủ quán Cây Bàng như phần trên đã kể, cũng
là một người kháng chiến trở về.
Tại chợ Búng còn có quán phở Cây Xoài,
cũng là tiệm phở thuộc hàng thâm niên của BD. Chủ
nhân tuổi Sửu, nhỏ hơn chủ quán Cây Bàng một tuổi.
Ông người gốc huyện Ân Thị, tỉnh Hưng Yên, vô
Nam hồi mới mười một tuổi, định đi Dầu Tiếng làm đồn điền, nhưng sống
lây lất ở vùng Cầu Kho làm nghề chụp hình. Cũng
vì tránh nạn Tây bắt bớ đánh đập mà về
chợ Búng, BD, cưới vợ là bà Nguyễn Thị Phương và
thuê mặt bằng mở tiệm phở từ năm 55. Lúc đầu dân xung
quanh thấy bảng hiệu “phở “ không hiểu là món gì,
chủ nhân phải giải thích đó là món hủ tiú
nấu bằng thịt bò, khác với hủ tiú Tàu nấu bằng
thịt heo, dân làng hiếu kì mới bắt đầu chiụ ăn thử. Hiện
nay tiệm phở vẫn nằm nguyên vị trí ngày xưa, góc
đường quốc lộ 13 cũ và Thủ Khoa Huân, gần chợ Búng. Phở
Cây Xoài, cũng như nhiều tịêm ăn khác, có
thương hiệu là do khách hàng đặt cho, nhờ thấy cây
xoài gần tiệm. Ở đây bán từ sáng tới tối, hồi
trước tô phở có nhiều thịt, nghe nói vì gần vùng
làm bò lậu, giá rẻ nên nước phở rất ngọt. Còn
nước phở trong, theo lời chủ nhân giải thích, ấy là do
thường xuyên chịu vớt nước bọt trong nồi lúc sôi.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong truyện ngắn : “ Cho tay
này lấy tay kia” có kể mẫu chuyện khá khôi hài
như sau :
“ Giáo sư H.vỗ vào bụng 17, nhe răng ra cười mà rằng
:
- Vài hôm, anh về, rán mà ăn phở, anh gầy
lắm rồi!
Cả bọn sinh viên đều cười rộ lên. Giáo sư H. là
người miền Bắc. Họ ngỡ Giáo sư quảng cáo cho món ăn
của quê hương ông nên cười chế nhạo tự ái địa phương
của ông ta.
Giáo sư như đoán hiểu, day lại giải thích bằng ngoại
ngữ :
- Các anh đừng lầm. Người bình dân này không
mong ăn đưọc gan sống, trứng sống hoặc các thức ăn bồi bổ klhác.
Món ăn bổ nhứt và rẻ tiền nhứt mà hắn có thể
hưởng được là món phở. Tôi khuyên thiết thực chớ
không phải vì tự ái địa phương, mà cũng không
đùa…
…Giáo sư bị sinh viên gán cho tục danh là ông
“ Thầy phở” vì ai ra về, ông ấy cũng căn dặn ăn phở cả.”
( Ký Thác )
Kể chuyện này, cũng tạm có thể kết thúc câu chuyện
dài về phở, và ngừoi BD có đi đâu, nhớ nhắc cho
người khác biết về cái tiệm phở lâu đời nhất ở miền Nam,
ở Bình Dương, ai cãi, thì kêu họ kể
thử một tiệm phở nào khác đi!