Những giọng ca truyền cảm
(Tường trình cuộc họp mặt Trịnh Hoài Đức online tháng 5/2020 -
phần 2).

Phóng viên không chuyên nghiệp.


    ... Sau phần giới thiệu thành phần tham dự, phần tiếp theo là văn nghệ và phát biểu tự do.

    Đầu tiên, Anh Lành cho phát một bài hát do cô Ngọc Quí là phu nhân của thầy Đoàn Phế trình bày. Bài hát nầy có tựa đề là Biết Đâu Tìm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Hôm qua khi thử máy, cô Quí có hát bài Ai Lên Xứ Hoa Đào mà thấy kỹ thuật truyền thanh và truyền hình còn yếu nên tiếng hát và tiếng nhạc không rõ. Hôm nay BTC tìm trên youtube được một bài hát có ý nghĩa do cô thâu sẵn. Bài nầy rất hay. Do thời gian có hạn nên BTC chỉ phát một đoạn ngắn bài Biết Đâu Tìm. Bạn có thể nghe lại cô hát đầy đủ theo link dưới đây (xin click vào link, vừa nghe hát vừa đọc tiếp):

    Bài Biết Đâu Tìm: https://www.youtube.com/watch?v=NAH58klUDVI


    
    Bài hát hay và có ý nghĩa quá phải không bạn?. Hội chúng ta có cô Quí hát như một ca sĩ chuyên nghiệp. Thật là hay và cảm động ! (Chiều hôm đó, cô Quí có gọi điện thoại cho phóng viên nói cũng ngạc nhiên khi BTC tìm được bài hát mà cô hát cũng lâu!).

    Tiếp theo là phần hát và xen kẻ kể chuyện kỷ niệm THD, chuyện vui, đố vui...

    CHS & CGS Nguyễn văn Xây kể rằng hồi năm 199... mấy, khi vợ anh đi làm ở một hãng may ở Missouri. Ngồi kế bên là một phụ nữ. Hỏi thăm thì biết cô ấy ở Bình Dương. Cô đã từng làm ở Trịnh Hoài Đức và có biết thầy Xây.  Buổi chiều thầy Xây đến đón vợ thì mới biết người nầy là Chị Sáu - lao công của Trịnh Hoài Đức. Trái đất nầy tuy lớn mà lại nhỏ. Ra đến nước Mỹ lại gặp người quen cũ!!

    CHS Bích Liên kể tiếp câu chuyện học Trịnh Hoài Đức. Cô nói hồi nhỏ rất quý mến một thầy dạy Toán nhưng lại không nhớ tên. Thầy gầy và rất dễ thương nhưng không hiểu sao Hòa Nam lại đặt thầy biệt danh là "đồng chí Hô" !!!. Đúng là học trò tinh quái !!!

    Tiếp tục chương trình, Phương Chi từ Hòa Lan hát tặng buổi họp bản nhạc Xin Còn Gọi Tên Nhau. Bạn hát hay, rất tiếc tiếng ca tiếng nhạc hơi nhỏ...

    Sau Phương Chi, mọi người đề nghị anh Diệp hát. Để anh Diệp chuẩn bị máy, Minh Tâm hào hứng xin kể một chuyện vui. Chuyện như sau:

    Trong một lớp học, cô giáo dạy hình học cho học sinh. Cô vẽ một vòng tròn và nói: "Đây là một vòng tròn". Tiếp theo, cô vẽ một đường thẳng đứng xuyên qua tâm vòng tròn và giảng: "Đây là đường kính".
    Đám học trò nhỏ mà quỷ quái ở dưới xì xầm: Cô vẽ giống cái ... mông.
    Cô giáo nghe được bực mình lên mét với thầy hiệu trưởng học trò không chịu học hình học.
    Thầy hiệu trưởng xuống tới lớp. Nhìn lên bảng ... Thầy hỏi:
    "Đứa nào bậy quá, vẽ cái ... mông trên bảng"....

    
    Tiếp tục chương trình, anh Diệp trình bày nhạc phẩm Niệm Khúc Cuối của Ngô Thụy Miên. Do ít thì giờ nên anh chỉ hát một lần ...

    Sau anh Diệp, Thầy Phế ra câu đố vui:
    Trong ca dao Việt Nam có câu:

    Thương nhau cởi áo cho nhau
    Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

    Đố là ... con gì? Và có mấy con?

    và đề nghị sau tiết mục kế tiếp thì mới có lời giải.

    Trong khi chờ mọi người suy nghĩ về câu đố của thầy Phế, GS Trần Anh đọc một bài thơ mới sáng tác nói về Hoa Phượng Đỏ và Trường Xưa Trịnh Hoài Đức. Rất tiếc phóng viên ghi lại bài thơ nầy không kịp. Hy vọng sẽ email để xin thầy Anh và đăng vào đặc san xuân kỳ tới.

    Sau khi thầy Anh đọc thơ xong, anh Lành kể tiếp một chuyện vui (xin ghi chép đại ý, chuyện có thể khác một chút):

    Trong giờ lịch sử, cô giáo hỏi trò A:
    - Ai là người ăn cắp nỏ thần An Dương Vương?
    Trò nầy trả lời:
    - Em không biết nhưng không phải em.
    Cô giáo kêu trời và sau đó mời phụ huynh của trò A vô để mét.
    Ba của trò A gặp cô giáo và nói:
    - Tôi bảo đảm con tôi rất ngoan, không bao giờ ăn cắp nỏ thần An Dương Vương gì đó.... Mà cái nỏ bao nhiêu để tôi đền tiền là xong.
    Cô giáo buồn quá mới lên mét với ông Hiệu Trưởng:
    - Tôi hỏi ai ăn cắp nỏ thần An Dương Vương thì học trò không biết mà phụ huynh cũng không biết.
    Thầy Hiệu Trưởng mới nói:
    - Có cái nỏ thần mà cô cũng tính làm lớn chuyện làm mất điểm thi đua. Thôi cứ nói "đồng chí" Dương Vương gì đó làm báo cáo lên đi, rồi hùn tiền nhau mua đền chớ gì....


    Sau hai câu chuyện Minh Tâm giơ tay xin giải câu đố của thầy Phế: Đó là con lừa mẹ (xin hiểu hai ý). Thầy Phế nói tiếp còn có con lừa cha nữa. Nếu kể tất cả sẽ là 2 con lừa...

    Thầy Phế đố tiếp: Có một con vật nhỏ bé nhưng thông minh hơn con người và con người phải coi con đó là cố vấn. Hỏi là con gì?

    Trong khi chờ đợi mọi người tìm lời giải, GS Trần văn Anh đọc tiếp một bài thơ mới sáng tác.

    Minh Loan đoán câu đố của thầy Phế là con chuột , nhưng thầy nói chưa đúng. Thầy còn nói hồi nảy anh Diệp có trả lời rồi. Đó là xin "ý kiến" mọi người và câu trả lời là... con kiến.... A ha, thầy mình đố mẹo.

    Sau đó anh Lành cho phát bài hát Còn Gặp Nhau... một bài hát rất có ý nghĩa phổ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.

CÒN GẶP NHAU

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu một chút tình thương
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng nhau hết mọi người.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao
Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý, lẽ huyền vi
An nhiên tự tại – lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ!
-Tôn Nữ Hỷ Khương-


Tiếp tục chương trình, CHS Dương Náo (k 5) hát tặng bài Mười Năm Tình Cũ.

Sau đó thầy Phế kể một câu chuyện vui hơi "mặn" như sau:

Có một tên cướp giết người như ngóe bị đày xuống địa ngục. Diêm Vương dẫn tên nầy đủ mọi tầng địa ngục để hắn chọn nơi thụ hình. Chỗ nào hắn cũng lắc đầu.
Cuối cùng tới một tầng kia hắn thấy TT Clinton và Monica đang yêu nhau đúng như lúc họ đang làm ở Tòa Bạch Ốc
.
Tên tướng cướp thấy vậy mới nói:
- Được quá. Cho tôi ở đây.
Diêm Vương mới phán:
- Được, cho mầy vô ......  thay Monica....


Kể xong chuyện vui, thầy Phế ra tiếp câu đố:
- Có một xe điện chạy hướng bắc nam. Hỏi khói sẽ bay hướng nào?

Ngọc Sương nhanh nhẩu: xe chạy hướng bắc nam, khói bay hướng nam bắc.
Không đúng thầy trả lời. Từ từ suy nghĩ, sau tiết mục tới sẽ có câu trả lời.    

    Anh Lành nói mội người chuẩn bị: 1, 2, 3 cười để anh chụp một tấm hình kỷ niệm. Tấm hình nầy sau nầy được đăng lên net (xem bài tường trình số một). Không biết sao, có vài bạn không thấy mình trong hình và phàn nàn quá!  Ai biểu không ngồi yên làm chi !!! Hồi xưa đi học mà chạy lung tung là đã bị phạt rồi ...

    Sau đó cô Ngọc Dung phu nhân thầy Nguyễn Trí Thành kể một câu chuyện vui. Tiếc rằng lúc đó tiếng nói hơi nhỏ nên phong viên không ghi chép được.

    Minh Tâm nối tiếp chương trình với câu chuyện vui:

    Nhà tôi có con két biết nói, mà nó nói nhiều câu bậy bạ quá. Do đó tôi phạt nó bằng cách bỏ vô tủ lạnh và nói với nó là mầy phải nói it đi và nói cho đàng hoàng.
    Tính bỏ vô tủ 24 giờ, nhưng chỉ 30 phút sau tôi đem nó ra. Từ đó, nó đổi tánh và nói rất đàng hoàng.
    Hỏi sao nó giỏi vậy?
    Con két trả lời: Xin ông chủ cho biết mấy con gà trong tủ lạnh bị tội gì mà nó bị vặt lông hết !!! (Sợ chưa?)


    Sau đó, Cô Đức kể câu chuyện kỷ niệm Trịnh Hoài Đức...

    Câu chuyện thứ nhứt: Một hôm cô vào phòng nghỉ của giáo sư thì thấy có một dĩa trái cây như chôm chôm măng cụt... rất ngon để tặng cô. Hết giờ nghỉ, cô lên lớp dạy và hỏi ai đã tặng cô trái cây thì không ai trả lời. Đó là kỷ niệm rất dễ thương cho thấy các em rất khiêm tốn, tặng quà mà tặng lén, không đề tên người tặng.    
    Câu chuyện thứ hai: Một hôm học trò nữ tặng cô một củ sắn nhỏ, được bóc vỏ sẵn. Cô hỏi: Các em ăn cắp sắn phải không? . Không đâu cô, tụi em chỉ mót sắn mà thôi.
Củ sắn nầy mới thu hoạch và rửa sơ bằng nước giếng ở rẩy. Thế nhưng nó ngọt lắm đó !
    Câu chuyện thứ ba: Cô liên lạc được với CHS Trịnh Hoài Đức là nhờ anh Nguyễn Ngọc Phát. Một hôm anh tới sở cô làm và nhận ra cô. Phó Giám Đốc sở cô làm là người Việt Nam. khi nghe anh Phát gọi cô là cô thì ngạc nhiên và nói: "Sao cô có học trò "lớn" như vậy ?" (Thật ra, cô và học trò chỉ cách nhau có vài tuổi mà thôi. Thậm chí anh Trần Kim Huê - học trò cô ở khóa 1 cũng bằng tuổi cô).


    Sau đó Minh Tâm xin được hát một bài. Trong khi chờ anh Lành "load" bài hát. Minh Tâm kể chuyện vui như sau:

    Có một cô nọ dẫn chó đi chơi ở bãi biển. Tình cờ cô thấy một cái chai đóng nút. Tò mò cô mở nút ra. Một làn khói từ chai bốc ra. Một vị thần hiện lên và nói:
    - Ta đã bị nhốt trong cái chai nầy đã 1000 năm. Nay được ngươi thả ra. Vậy ngươi có điều ước muốn gì thì ta sẽ giúp cho.
    Suy nghĩ một chút, cô gái trả lời:
    - Tôi rất thích con chó nầy. Xin thần hãy biến nó thành một chàng hoàng tử đẹp trai.
    Trong chốc lát, con chó hóa thân ngày thành một hoàng tử đẹp trai và vị thần biến mất.
    Thích thú, cô gái dẫn "con chó" chàng trai về nhà.
    Buổi tối, cô gái nói:
    - Chúng mình yêu nhau đi anh.
    Chàng trai buồn rầu đáp:
    - Cô chủ ơi, cô có nhớ hồi trước cô đã từng "thiến" tôi không !!!
    - !!!
    (anh Tâm nầy là chuyên gia BB !!!)


    Anh Lành đã "load" bài hát, Minh Tâm tặng bài Hồi Tưởng một bài hát nói về tình bạn.

    Thúy Hồng kể câu chuyện vui như sau:

    Có một ông sư đi khất thực. Đường xa khát nước ông ghé vô nhà kia xin nước uống. Cô chủ nhà đưa cho ông chai nước. Ông khát quá nên đưa chai lên uống liền. Cô chủ nhà mới nói:
    - Sư ở đừng tu nữa, để tôi lấy cho. (ý là nói để lấy cái ly rót nước ra mà vì gấp quá nên nói vậy)
    Nhà sư lại đáp lại:
    - Cô khỏi lấy, để thầy tu... (ha ha !)

    CHS Kim Nên nhắc lại kỷ niệm học Trịnh Hoài Đức. Chị nhớ bài thơ Củ Sắn của GS Đặng văn Danh và đọc cho mọi người nghe. Chị còn kể:

    Lúc học lớp đệ thất hay đệ ngũ gì đó, lớp chị có 95% là người miền Nam. Một hôm có cô Phụng là giám thị người Bắc vào nói: "Mấy em con gái sao thích ăn củ đậu quá!". Ngẫn ngơ, mọi người không hiểu củ đậu là củ gì. Hỏi Minh Lan thì mới biết. Củ đậu chính là tiếng miền Bắc để nói ... củ sắn.

    Lúc nầy chuông đồ hồ đã điểm 12 tiếng. Buổi họp mặt đã kéo dài 3 giờ. Tuy mọi người vẫn còn lưu luyến nhưng cuộc vui nào cũng phải kết thúc và anh Lành nói mọi người say good bye rồi đếm 1, 2, 3 chấm dứt cuộc họp, màn hình tắt. Hy vọng tương lai sẽ có những buổi họp mặt tương tự đầy thú vị khác...
Ghi chú: Bài tường trình nầy tuy dài mà vẫn ghi chép không đủ mọi diễn tiến của buổi họp mặt, sau nầy nếu được quý thầy cô và anh chị cùng tham gia thì vui lắm ...)

Dư âm về cuộc họp mặt Trịnh Hoài Đức online