Free Web Hosting by Netfirms
Web Hosting by Netfirms | Free Domain Names by Netfirms

Trường Xưa Trong Trí Nhớ

Hoàng Anh

Phần 4

THẦY CÔ

Phấn trắng là phấn trắng thôi
Trong tay Thầy phấn hóa lời yêu thương
Bảng đen là tấm gỗ vuông
Bên Thầy bảng hóa thành đường em đi.

Số Thầy Cô đã giảng dạy tại trường THD trong hai mươi năm là rất nhiều, không thể kể ra hết. Giờ đây người còn, người mất, kẻ chân trời, người góc bể. Tất cả đều đã đóng góp công sức vào việc đào tạo bao nhiêu thế hệ học sinh ở  trường THD và lưu lại những hình ảnh rất đẹp trong lòng học sinh nơi đây, với lòng biết ơn và thương nhớ. Phần này mới tạm ghi lại được chân dung một số vị, những người mà may mắn chúng tôi tìm được tư liệu, thứ tự trình bày theo sự ngẫu nhiên. Những vị còn lại, mong rằng sẽ được sự cộng tác của các Thầy Cô và các đồng môn THD để bổ sung thêm trong tương lai.

1. Nguyễn Mạnh Cẩm

 Thầy là người miền Bắc di cư vào nam, có mặt tại THĐ từ thưở ban đầu. Dáng người cao, mảnh khảnh, tóc bềnh bồng. Vào lớp thầy thường đứng, ít khi ngồi, mắt thì nhìn xa xôi trên trần nhà. Thế nhưng khi đã bắt đầu nói thì say sưa và học sinh bị cuốn hút như nuốt từng lời của thầy. Nửa thế kỷ sau, hai người học sinh của thầy ngày tháng xa xưa ấy, thầy Phúc và Thầy Phát, nay đã đến tuổi cổ lai hy vẫn còn hứng thú cùng nhau nhắc lại thầy Cẩm và đoạn văn thầy giảng trong quyển “Một thời để yêu và một thời để chết” của nhà văn Đức Remarque. Phải nói rằng thầy Cẩm có khả năng khêu gợi rất lớn lòng đam mê vẻ đẹp của văn chương nghệ thuật cho học sinh. Năm 1995, khi ở nước ngoài, Thầy có bài viết khá cảm động về ngôi trường THĐ : “ Trường xưa kỷ niệm”, nay thầy Phúc vẫn còn lưu giữ. Khi viết Thầy lấy bút hiệu là Nguyễn Đức Cẩm,  Đức là tên người vợ của Thầy. Hiện nay Thầy và Cô đang sống ở Hoa Kỳ, do bị bệnh nên nay Thầy không còn đựơc khoẻ lắm.

2. Phạm Ngọc Em

Nguyên quán Quảng Ngãi, đậu Tú tài phần I, về dạy tại trường từ buổi đầu, vừa dạy vừa tiếp tục học, dạy cả trường công và trường tư. Gia đình đông người, lại khó khăn nên thầy phải ra sức làm việc để lo sinh kế cho cả nhà. Tuy vậy thầy dạy dỗ học sinh hết sức nhiệt tâm, có nhân cách, được nhiều người kính trọng. Sau giữ chức Giám Học của trường. Nhà ở Sài Gòn, sau qua Canada và mãn phần ở đó cách đây vài năm.

3. Nam Phong

Trường có giáo sư dạy vẻ như thầy Lê Bình, Thầy Khương, Thầy Duy…Có lẽ do đặc điểm nghề nghiệp, khi sáng tạo nhà họa sĩ phải làm trong im lặng lâu ngày thành thói quen, mà các thầy dạy vẻ có vẻ trầm tính và công việc phẳng lặng, ít để lại dấu ấn gì rõ nét lắm. Vui nhất phải nói là các giáo sư dạy nhạc, ấn tượng sâu đậm thì có ba người:  thầy Nam Phong, Thầy Nguyễn Bé Tám và Thầy Anh Việt Thu.

Thầy Nam Phong, tên thật là Nguyễn Trường Xuân, sinh năm 1932. Thân sinh của Thầy là cụ Nguyễn Văn An, thường được gọi là ông Đốc An, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học Bình Dương, và giữ chức Hội Trưởng Hội Phụ Huynh trường THĐ trong nhiều năm.

Thầy được mời dạy môn nhạc, khoảng 1956-1957. Được nhiều người biết danh nhờ Thầy viết khá nhiều sách dạy nhạc Tây Ban Cầm, thời đó bày bán đầy các hiệu sách. Nhạc phẩm sáng tác như : Một mùa hè, Sinh viên Việt Nam (phát thanh trên đài Pháp Á 1951), Mưa rơi biên thùy…
Đến 1992, bệnh tim mạch tái phát, Thầy về Paris ghé thăm hội âm nhạc S.A.C.E.M lần cuối rồi chuẩn bị lên đường về nước.
Năm 1993 Thầy từ giả cõi đời tại quê nhà qua cơn nhồi máu cơ tim. Thầy để lại một số tác phẩm chưa hoàn thành, các bản thảo đang viết dở dang. Trước khi mất Thầy trăn trối, căn dặn người em ruột là Thầy Nguyễn Trung Thu, cùng ngừơi đệ tử ruột đang dạy học tại Pháp có trách nhiệm phải hoàn thành tốt các việc Thầy đang làm dang dở, sớm bắt tay vào việc lo xuất bản sách nhạc mới dành cho độc gỉa trình độ trung cao thì mới an lòng nhắm mắt.

4. Nguyễn Bé Tám

 
Guitar và Clarinet (1927) Juan Gris.

Quê ở Bến Thế, là giáo sư dạy nhạc từ buổi đầu trường mới thành lập và gắn bó lâu nhất với trường. Thầy giảng rất sinh động, nói năng say sưa, hấp dẩn, nhưng đôi khi lại đi ngoài đề. Xuất thân từ một vùng nông thôn, chiến tranh thường xảy ra, gia đình nhiều người đi làm cách mạng, nhưng có lẽ do có lòng say mê và  năng khiếu đặc biệt về âm nhạc mà Thầy chọn con đường dạy học. Thầy có chiếc xe vespa xanh màu nước biển, tay và cổ áo thường gài nút trông rất nghiêm túc. Có tính lễ nghi thái quá thành ra hơi kiểu cách, và khi có chuyện tức giận phải rầy la học sinh thì quát tháo rất nặng lời. Người thương người ghét Thầy thì đủ cả, nhưng phải nhìn nhận rằng Thầy đã góp công rất lớn về phương diện văn nghệ và tạo nên không khí sinh động vui nhộn cho trường và là một trong những khuôn mặt giáo sư để lại nhiều ấn tượng nhất.
 

Từ trái, hai người ngồi là Thầy Nguyễn Kim Lân và Thầy Nguyễn Bé Tám.

Công tác tại trường một thời gian sau 75, Thầy chuyển về Trung Học Sư Phạm Sông Bé, có lúc nuôi dê để có thêm thu nhập. Nhìn thầy chăn bầy dê, đôi khi  gần cả trăm con, dễ nhớ hình ảnh của ông Tô Vũ trong chuyện Tàu thời xưa. Thời gian sau thầy nghĩ dạy, làm đủ thứ nghề lặt vặt những năm sau, chắc để đủ sức nuôi một bầy con còn nhỏ và khá đông. Lúc đó, học trò cũ của thầy khó mà không nghe nhớ hình ảnh thầy vận hết hơi, nhắm mắt phùng môi chìm đắm trong tiếng kèn clarinet  cao vút du dương và sầu thảm năm xưa.

Hiện nay con cái thầy đã lớn, có công ăn việc làm, cụôc sống thầy có phần thanh thản, ung dung.

Mừng cho thầy, đấng cao xanh dường như luôn vẫn có nhiều cảm tình với người nghệ sĩ?

5. Anh Việt Thu
 


Cùng thời với thầy Bé Tám, còn có một giáo viên dạy nhạc nữa, nếu thầy Bé Tám đảm trách các lớp nhạc ở trường nam, thì người kia ở trường nữ, đó là Anh Vịêt Thu.

Anh Việt Thu thật ra là bút hiệu của một nhạc sĩ nổi tiếng ở miền nam trước 75, còn tên thật của Thầy là Hùynh Hữu Kim Sang. Sinh năm 1940, quê ở Cái Bè-An Hữu (Tiền Giang). Bút danh của thầy theo lời của người bạn là Vũ Anh Sương xuất phát từ câu chuyện gia đình. Tên Việt Thu là em trai của thầy, do phải bảo bọc người em nên đặt tên như thế để luôn nhớ trách nhiệm làm anh.

Thầy dạy nhạc tại THĐ trong các năm 1964, 1965, rồi chuyển về làm việc tại Sài Gòn.

Thầy sáng tác từ rất sớm, nhạc phẩm đầu tay “Giòng An Giang” ngay lập tức nổi tiếng. Tứ đó, Thầy sáng tác khá đều tay và có nhiều nhạc phẩm đi vào lòng người và sống mãi với thời gian. Thầy được coi là một trong những nhạc sĩ đưa những âm điệu nhẹ nhàng bình dân vào nhạc cùng với các nhạc sĩ Trúc Phương, Châu kỳ, Minh kỳ, Lam Phương…(như điệu boléro, ballade, habanara…) và đã từng đỗ hạng ưu khóa I trường Quốc Gia Aâm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn.

Âm nhạc của Thầy mang đậm tình quê hương dân tộc, khát vọng hòa bình rất chân thành. “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải lạnh lùng nắng hạ vàng rơi phủ bờ vai, lời ai ru gió hiu hiu buồn…Tôi xin đa tạ lời ca tiếng ru êm đềm ôi lời ca đã xua chinh hciến. Xin đa ta mẹ quê vất vả thật thà…” (Đa tạ)

Khi về THĐ, Thầy phụ trách giảng dạy bên trường nữ và trở thành một hiện tượng khi chinh phục được lòng mến mộ rất đặc biệt của học sinh dành cho mình. Một giai thọai đựơc truyền tụng trong nhà trường về câu chuyện “ vòng tay học trò” giữa Thầy và cô nử sinh hoa khôi của trường. Một anh học sinh thời đó, nay tuổi đã ngọai lục tuần nhớ lại: “Thầy Thu rất đẹp trai, tui là nam mà còn mê thì chuyện ấy không có gì là lạ cả”. Và anh vẫn còn nhớ bài hát điệu valse ngọt ngào bát ngát hương vị sông nước Cửu Long Thầy đã dạy:

“Dòng An Giang sông sâu nước biết, dòng An Giang cây xanh lá thắm, lã lướt về qua Thất Sơn…
Dòng An Giang đáy nước in sâu, nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa, nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô…Đây những người thôn nữ xinh duyên dáng chuyền tay dắt nhau múc mấy vầng trăng đổ đi…”

Lương bổng thời đó rất khá nhưng do tính tình nghệ sĩ nên Thầy cũng túng thiếu dài dài. Một kỷ niệm đáng nhớ về Thầy là dịp lễ tất niên năm ấy, tổ chức tại Hội trường Búng. Thầy chỉ huy nhóm ca sĩ của mình trình bày nhạc phẩm “Lòng mẹ”. Thầy chọn một nam sinh, anh Du là giọng hát chính đề khởi xướng. Bản nhạc làm cả hội trường xao xuyến. Thầy Bé Tám cho học trò của mình hát “ Hè về” cuả Hùng Lân, một bản nhạc “ruột” của tuổi học trò. Nhờ sự đua tranh của hai Thầy, quan khách và học sinh hôm ấy đựơc dịp thưởng thức một chương trình âm nhạc học đường hào hứng, sôi nổi và xuất sắc, sau này không có cơ hội lập lại được.

Thầy mất khỏang thời gian gần sự kiện 1975 tại Sài Gòn. vào thời điểm những ngày cuối cùng của chế độ miền nam, nhạc phẩm “Trên đầu súng quê hương” do thầy sáng tác được phát thường xuyên trên làn sóng phát thanh, truyền hình, và là nhạc phẩm sau cùng còn được phát trước những ngày cuối cùng của chế độ. Hiện còn bà vợ là cô Trần Nữ Hiệp và người con trai Việt Bằng sống ở Sài Gòn.

Tác phẩm:

Cuốn Theo Chiều Giĩ
Da Tạ
Dường Chúng Ta đi
Giịng An Giang
Hai Vì Sao Lạc
Máu Chảy Về Tim
Mình Nhớ Nhau Khơng
Một Mình Thơi
Mùa Xuân Hát Cho Em
Người đi Ngồi Phố
Nhớ Nhau Làm Gì
Như Giọt Sầu Rơi
Tám điệp Khúc
Trên đầu Súng
Vuốt Mặt …

6. Tô Hoà Dương

Vào lớp, thầy Dương thường bố trí một vài em canh cửa, sợ thầy Di đến giám sát bất ngờ, vì Thầy thích kể chuyện, nhất là những truyện do ba của Thầy sáng tác, nhà văn Bình Nguyên Lộc. Bình Nguyên Lộc, quê ở huyện Tân Uyên, thế nên cả hai nơi Biên Hoà và Bình Dương đều có thể tự hào xem Bình Nguyên Lộc là nhà văn của quê hương mình. Ông sáng tác đa dạng, sung mãn, đã xuất bản nhiều tác phẩm biên khảo, thơ, truyện dài (vài chục cuốn), truyện ngắn (được cho là cả ngàn truyện, dù kiểm tra được chắc chắn thì khoảng vài trăm, đủ để được nhìn nhận là người viết truyện ngắn nhiều nhất Việt Nam). Điều đáng nói là sáng tác của ông có rất nhiều bối cảnh tại Bình Dương, nơi ông đã từng có thời gian làm vịêc và sinh sống trước khi chuyển về Sài Gòn.

Em Thầy là Tô Mỹ Hạnh cũng dạy tại trường Nữ, dù thời gian dạy ngắn nhưng có nhiều tình cảm giữa cô và trò nơi đây. Chuyện này đã tạo nguồn cảm hứng cho nhà văn Bình Nguyện Lộc viết một truyện ngắn tựa đề là Diễm Phượng, chắc là để tặng cho cô con gái. Một lá thư dài cô viết cho người học sinh tên Nguyễn Thị Nga, có ướp nhiều hoa lá khô, nay vẫn còn đựơc gìn giữ cẩn thận, đủ nói lên tình cảm của họ ngày ấy. 
Anh của Thầy, Tô Dương Hiệp, từng học tại trường tiểu học TânThới , Lái Thiêu, sau là Giám Đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, đã mất trứơc năm 75.

Hiện nay Thầy Dương và Cô Hạnh đang sống ở nước ngoài.

7. Lê Vĩnh Thọ
 


Thầy sinh năm 1942 tại Bắc Việt. Sau vào Nam sống ở Phan Rang, học Đại học Sư Phạm Sài Gòn, khoa Việt Hán. Tốt nghiệp, dạy ở Trà Vinh, Thốt Nốt, trước khi chuyển về THĐ vào năm 1971.

Có thời gian bị động viên đi sĩ quan, nhờ khả năng văn chương nên không phải vào đơn vị tác chiến. Từng nằm trong ban biên tập tạp chí Văn Học Sài Gòn. Thầy là người tài hoa, sáng tác thơ văn từ thời còn trẻ, đã xuất bản chung với Luân Hoán và Phạm Thế Mỹ một thi tập và nhiều bài viết đăng trên các tạp chí văn chương có uy tín thời đó.

 Là giáo sư phụ trách các lớp C của trường, tức ban văn chương. Sớm nổi tiếng là người có khả năng dạy học quyến rũ, thu hút học sinh, nhưng tính tình có vẻ khép kín nên ít giao lưu với bạn bè.

Thầy Võ Tấn Phước, một đồng nghiệp dạy chung trường, có những nhận xét về Thầy Thọ như sau:

“Lê Vĩnh Thọ người tầm thước, da thịt hồng hào sáng sủa, mái tóc bềnh bồng, ánh mắt sáng và nhanh, nhìn ai như thầy hết cả ruột gan người ta, thuộc hạng đẹp trai. Đặc biệt cái mũi cao thẳng tắp nở nang, đầu mũi tròn trịa, đều đặn, kín đáo. Mỗi lần gặp Thọ, tôi kín đáo quan sát và nghĩ thầm trong đầu bạn mình có cái mũi tốt như vậy, đặc biệt là sơn căn cao đầy, tiếp giáp thẳng với ấn đường, không gãy khúc, đứt đoạn, mặt mũi phân minh, mắt sáng môi hồng, tại sai đời lại vất vả, bôn ba, thiếu trứơc hụt sao đến vậy? Có lẽ tại dáng đi.
….Lê Vĩnh Thọ nghiêm trang, ít cười, ít nói, nhưng khi nói thì hùng biện, lưu loát, lập luận vững chắc, đôi khi châm chọc không kiêng dè, dễ làm mích lòng ngừơi đối thoại.”
(Lê Vĩnh Thọ, Thời ở Trịnh Hoài đức Bình Dương)

Sau 75, làm nhiều nghề để mưu sinh, có lúc phải chạy xe thồ chở than từ Phú Giáo, Chơn Thành về Sài Gòn rất vất vả, có khi còn bị bắt, lỗ nặng. Vợ thầy bán nước mía tại nhà, giúp chồng gánh vác việc sinh kế trong một gia đình khá đông con. Đã vậy vẫn chưa được yên, có lần Sở TTVH cho xe xuống tịch thâu rất nhiều sách, những người bạn thân quí nhất của thầy. Mất sách, với một nhà giáo, một nhà thơ thì dĩ nhiên đau đớn hơn mất mấy bao than nhiều lần.

Qua sự giới thiệu của bạn bè, thầy nhận dạy một vài lớp Anh Văn ở Sài Gòn cho đến nay. Khi bầy con của thầy trưởng thành, có công ăn việc làm, đời sống của thầy cũng dần trở nên nhàn nhã. 

Hiện nay thầy sống cuộc đời ẩn dật, ít giao lưu, vui với con cháu và thỉnh thoảng nâng ly rượu với vài bạn bè hoặc dăm đứa học trò thân thích, những người sau bao cuộc đổi dời dâu biển, vẫn còn quý cái khí tiết  bất năng khuất của một kẻ sĩ như Thầy.

Tác phẩm đã xuất bản:

 1.Hoà bình ơi hãy đến (Chung với Luân Hoán, Phạm Thế Mỹ)
2.Lục bát ca ( Chung với Luân Hoán, Vĩnh Điện)
3.Nhịp buồn sáu tám

Bấm vào đây để đọc phần tiếp theo