Trường Xưa Trong Trí Nhớ

Hoàng Anh

Phần 3:

HIỆU TRƯỞNG
(tiếp theo)

7. Thầy Lê Tấn Lộc (1969-1972):

Sinh quán Bạc Liêu, trú quán Vĩnh Long sinh năm 1935 (Thầy có người em là nhà văn Kiệt Tấn, tức Lê Tấn Kiệt, đang sinh sống tại Paris). Nhờ học giỏi -thầy đậu thủ khoa  trong kỳ thi tuyển sinh viên khóa I Đại Học Sư Phạm, ban Triết- thầy được học bổng du học tại đại học Sorbonne (Paris). Sau khi tốt nghiệp, thầy trở về Việt Nam nhập ngũ, và sau khi giải ngũ được chuyển về dạy Triết tại THĐ từ năm 1966.

Nhắc đến thầy Lộc, học sinh vẫn còn nhớ hình ảnh một ông thầy đẹp trai, phong độ và dạy học có vẻ “tài tử”. Phong cách phóng khoáng, thầy mang dáng dấp hơi “Tây”. Nhiều học trò cảm thấy thích môn Triết và tư tưởng được mở mang khai phóng nhờ  những luồn tư tưởng triết học do thầy chuyển đạt. Vào lớp, thầy nói lưu loát, ít khi dùng đến sách giáo khoa, thầy cũng hay sắp đặt bàn ghế thành hình vòng cung, trước mặt mỗi người để một bảng tên hay có khi chỉ cần số thứ tự. Thầy chuộng lối hướng dẫn cho mọi người được tham gia đóng góp ý kiến hay thảo luận. Phương pháp mà ngày nay người ta hay nói đến: “Lớp học lấy trò làm trung tâm” hoá ra đã được thầy áp dụng từ rất lâu.

Năm 1969 thầy là Hiệu Trưởng. Đến tháng 6 năm 1971, Bộ Giáo Dục đựơc mở rộng thành Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, cơ cấu tổ chức và nhân sự có nhiều thay đổi. Trong kế hoạch “địa phuơng hóa giáo dục”, năm 1972 Bộ thiết lập 4 khu Học Chánh để đại diện Bộ bên cạnh các Vùng Chiến Thuật và điều hành các Sở Học Chánh sẽ được thiết lập tại các tỉnh nhằm tập trung hai ngành trung và tiểu học thành một cơ sở giáo dục thống nhứt. Năm này, thầy rời trường THĐ đảm nhiệm chức vụ Trưởng Khu Học Chánh Vùng III . Các Khu Học Chánh sau đó bị giải thể sau hai năm họat động qua kế hoạch “cải tổ hành chánh” theo đường lối mới của Phủ Tổng Thống.

Một học sinh viết về thầy:

“Thầy Lê Tấn Lộc: rất năng động và nhiều sáng kiến. Trường THĐ trong thời gian thầy làm Hiệu Trưởng (1969-1972) rất phát triển và nổi bật cả về học tập cũng như về sinh hoạt học đường. Về học tập, học sinh đậu cao và đựơc tuyển vào các trường đại học nhiều. Về văn nghệ, trường đã tổ chức được hai buổi đại nhạc hội gây quỷ hiệu đoàn tại rạp Thanh Bình và một chương trình văn nghệ trên đài trùyên hình quốc gia. Về thể thao, đội bóng chuyền THĐ đoạt giải vô địch tỉnh Bình Dương năm 1971. Những thành tích của THĐ đã giúp thầy Lộc đựơc thăng chức Trưởng Khu III Học Chánh (Miền Đông Nam Phần) (Hoài Hương, Nhớ về THĐ, BD)


 

Thầy Lộc tại Văn phòng Hiệu Trưởng trường THĐ năm 1970

Năm 1980, cam lòng rời bỏ quê hương, thầy sang định cư tại Canada. Qua sự giới thiệu của một số giáo sư cũ tại đại học Sorbonne, thầy trở lại đại học nầy hoàn tất học trình tiến sĩ đã bỏ dở dang khi thầy về nước nhập ngũ theo lệnh động viên…
Tại Montréal, thầy đã đảm nhận chức vụ Tổng thư ký và Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Trung Tâm Văn Bút Québec (1991-2006). Và công tác với các báo Việt Luận (Úc), Dân Việt (Đức), Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai, Cửu Long, Sài Gòn Nhỏ, Tân Văn, Văn, Văn Học, Việt Nam Tự Do, Thế kỷ 21 (Hoa Kỳ), Thời Báo, Sóng, Nắng Mới (Canada)…

Năm 1995, thầy bị chứng nhồi máu cơ tim (infarctus du myocarde) nhưng may mắn không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe tổng quát.

Nhân một lần về nước năm 2003, sau 28 năm biệt xứ, Thầy có ghé thăm lại trường cũ và học trò xưa…mà thầy đã ghi lại trong một bài viết, tựa đề Sổ tay hành trình (III) - “Quê hương ruồng bỏ”.

Email: letanloc_35@yahoo.ca

8. Nguyễn Văn Phúc (1972-1973):

Khi nói đến trường THĐ, có một người không thể không nhắc đến là Nguyễn Văn Phúc. Thầy sinh năm 1942 tại xã An Thạnh, gần chợ Búng.Thầy nguyên là học sinh khoá đầu tiên của trường THĐ. Gia đình nghèo, may nhờ đậu được vào THĐ, việc học ở trường công lập là gần như miễn phí, lại có học bổng nên thầy có thể đeo đuổi vịêc học đến lớn. Tốt nghiệp Cử Nhân Triết khóa 5 tại đại học Sư Phạm Đà Lạt, chung lớp với một sinh viên sau này là Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát. Nhận nhiệm sở tại THĐ từ 1965, giảng dạy, và đảm nhận thêm công việc của một Phụ Tá Giám Học (1969-1971).

Năm 1972, thầy Phúc thay thế thầy Lê Tấn Lộc làm hiệu trưởng THĐ. Trong khỏang thời gian ngắn ngủi này, Thầy đã cho chỉnh trang công viên trước văn phòng trường và đặt nhà điêu khắc lừng danh Lê Thành Nhơn đúc pho tượng danh nhân THĐ đặt giữa chiếc hồ nhỏ trong công viên. Thầy cũng cho phục hồi và phát triển thư viện của trường đã ngưng họat động thời gian trứơc đó. Đồng thời một dãy phòng học mới được xây cất, đối diện phòng Thí nghiệm, kết nối dãy lầu và phía phòng học dọc hàng rào trường Cộng Đồng. Như vậy, đến lúc này, những hạng mục công trình chính của trừơng tạm xem như đã hòan chỉnh, bốn phía của sân banh đựơc vây quanh bởi các dãy phòng, ở chính giữa dựng lên một cột cờ. Ngoài hành lang các phòng học, vài hàng chữ được viết khá to, từ xa vẫn đọc đuợc, như : “Bây giờ ráng học, ngày sau giúp đời” .

Hệ thống quản lý giáo dục quốc gia lúc này có nhiều cải tổ do nhu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ của tình hình giáo dục trong cả miền Nam. Nha Trung Học không còn đủ sức trực tiếp điều hành công việc giáo dục của tất cả các trường trung học trên phạm vi cả nước, do vậy từ 1973, Sở Học Chánh ra đời. Đây là cơ quan giáo dục địa phương coi cả trung tiểu học phổ thông và chuyên nghiệp trong tòan tỉnh. Sở này thuộc Nha Học Chánh Bộ Giáo Dục, lúc này trên tòan quốc có cả 50 Sở Học Chánh đặt tại 48 tỉnh và 2 thị xã ( Đà Nẳng và Vũng Tàu). Đến 1974, Sở Học Chánh lại chuyển thành Ty Văn Hóa Giáo Dục).
Năm 1973, thầy Phúc được thăng chức Chánh Sở Học Chánh Bình Dương và giữ chức vụ nầy cho đến 1975. Chức hiệu trưởng THĐ giao lại cho thầy Nguyễn văn Hộ.

 
Thầy Phúc và nhà văn Sơn Nam

Sau 1975, hoạt động của trường trung học THĐ bị gián đoạn hết mấy năm. Thầy làm đủ thứ nghề như đan sọt, làm vỏ xe, cẩn trứng tranh sơn mài để kiếm sống. Đến 1983 bắt đầu nhận dạy Anh Văn tại trường Nguyễn Đình Chiểu, thị xã.

Đến khi trường THĐ được khôi phục hoạt động vào tháng 01 năm 1991, thầy được Sở Giáo Dục Sông Bé mời ra đảm nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng trường THĐ. Đầu niên khoá 1991-1992, Thầy từ chức, lấy lý do sức khỏe. Sau, Thầy lại được mời làm Hiệu Trưởng trường trung học dân lập Trí Nhân ( đường quốc lộ 13 cũ, gần chợ Cây Dừa, phường Hiệp Thành) được thêm vài năm rồi nghỉ hưu.

 

Thầy có dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt nghiêm nghị, có vẻ nhiều suy tư, nét mặt của những triết gia, nhưng nụ cười thì chơn thật và hiền hậu. Thầy không có cái uy lực của một tướng lãnh làm người ta khiếp sợ, nhưng đủ khiến hocỉ sinh có lòng nễ trọng. Các đồng sự nhắc đến Thầy, đều cảm phục Thầy là một vị Thầy có nhân cách đáng kính.

Thầy là người có nhiều kỷ niệm vinh quang và cay đắng sâu đậm với mái trường THĐ, có thể nói không ai có nhiều duyên nợ gắn bó với mái trường này như thầy. Thầy hiện sống cuộc đời của một ẩn sĩ trơ trọi một mình trong khu vườn xanh mát và u tịch gần ngôi trường cũ.

Rất may không có tiếng trống trường để khua động tâm tư của một tấm lòng đã trải qua quá nhiều yêu thương và nỗi ngậm ngùi trong cõi người ta nhiều dâu bể như thầy…
 
9. Nguyễn Văn Hộ (1973-1975):

Sau khi nhận nhiệm sở mới, điều băn khoăn của thầy Phúc là chọn người kế nhiệm mình làm HT THD. Một số người thầy nhắm đến thì vì lý do này khác mà đều không thực hiện được. Vì vậy thầy đành phải kiêm nhiệm luôn cả hai công việc, vừa cũ vừa mới. Được khoảng 2 tháng sau thầy mới bổ nhiệm người kế vị mình, đó là thầy Nguyễn Văn Hộ, giáo viên đang dạy tại trường Trinh Hoài Đức.

Thầy có dáng người thấp, mặt hơi vuông, miệng rộng, tính tình hiền lành. Thầy sinh ngày 29-09-1943 tại Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Thầy dạy Sử Địa tại THÐ từ 15-09-1967 đến 27-10-1973 thì nhận chức Hiệu Trưởng đến 30-04-75


 Thầy Hộ và Thầy Phúc

Thầy nhận chức vụ chưa bao lâu thì Phước Long thất thủ, báo hiệu chiến cuộc sắp đến hồi gay cấn nhất. Tình hình càng lúc càng sôi động, chiến tranh đã nổ ra ở khu vực An Sơn, Thạnh Quý. Từ trường có thể nhìn thấy cảnh máy bay ném bom ở xa, khói bốc đen ở chân trời, phía những vườn trái cây xanh mát và bình yên thưở nào. Có hôm, miểng bom bay lạc cả đến sân trường. Thầy Cô nhiều khi đã cố nói hết sức lớn nhưng phải cho lớp ngừng học vì không ai đủ sức át nỗi tiếng bom.

Trong bối cảnh như thế, Thầy chưa thể làm gì được nhiều cho trường, nhưng đáng nhớ là năm đó Thầy vẫn cố gắng tổ chức một mùa lễ tất niên rất nhiều kỷ niệm. Khói lửa điêu tàn còn ở nơi xa, thì dưới mái trường hiền hoà này, thầy trò vẫn có đêm lửa trại, có văn nghệ, có chè, có cháo thật tươi vui và hồn nhiên, mặc cho những cuộc chia tay sắp đến. Còn nhớ những khúc đồng ca vang vang ngày ấy: “ Gặp nhau đây, rồi chia tay. Ngày dài như đã vụt qua trong phút giây”. Năm đó còn có cả phong trào thi đua làm báo tường, với nhiều giải thưởng giá trị. Tờ “Xuân Hồng” của lớp 9A9 lãnh giải nhất khối Đệ Nhất Cấp đã được phần thưởng đến 4000 đồng (Lúc đó gạo mới chỉ 150 đồng một ký ). Lớp 10C lãnh giải nhất khối Đệ Nhị. Vân Kim Liên, bút hiệu Thục Vũ Kha Ly, học sinh nữ lớp này, với bài “Mùa xuân trên đỉnh bình yên” lãnh giải nhất về thơ của trường. Nhận xét về thời kỳ ở trường THÐ,

Thầy có cảm nghĩ sau:

“Tôi đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp Giáo Dục. Suốt 37 năm làm Giáo Dục, có vui, có buồn lẫn lộn. Nhưng cái vui, vui về tinh thần, về tình nghĩa Thầy Trò, về tình cảm đồng nghiệp và tình người, là động lực, là sức mạnh giúp tôi vượt qua những lúc buồn, những lúc chán nản. Năm 1963, sau khi đỗ Tú Tài 2, tôi trúng tuyển vào 2 trường: Quốc Gia Hành Chánh và Đại Học Sư Phạm, sau khi học thử 1 tuần ở cả hai trường, tôi quyết định chọn con đường dạy học. Đến bây giờ, tôi vẫn bằng lòng với nghề dạy học, không có gì phải hối tiếc, vì đối với tôi dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là cái nghiệp!
Thời gian ở trường THÐ chỉ là 1/5 thời gian dạy học của tôi, nhưng THÐ đã ghi dấu ấn đọng lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ phai. Trường còn nghèo, cơ sở vật chất thiếu thốn, lại gần bom đạn; nhưng học trò đựơc tuyển chọn của cả tỉnh ham học, thông minh lễ phép là rường cột của tương lai.
Tôi rất mong trường vẫn giữ tên trường THPT THÐ.
Thầy Cô THÐ gồm những Thầy Cô trẻ mới ra trường là những người tốt nghiệp giỏi của các trường Đại Học Sư Phạm, và các thầy cô lớn tuổi từng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở các nơi về để chờ về Sài Gòn. Sự kết hợp đồng bộ giữa năng lực và kinh nghiệm! Thầy Cô muốn đem hết cái Tâm, cái sức dạy dỗ các em nên người!”.


Sau 75, thầy Hộ giảng dạy tại nhiều trường như trường trung học cấp III Dầu Tiếng, Trung học Sư Phạm Sông Bé, đến 1980 chuyển về Sài Gòn dạy tại Trung học Sư Phạm thành phố. Năm 2004 Thầy nghỉ hưu sau 37 năm trong nghề dạy học. Tuy vậy Thầy vẫn làm thêm với chức danh trưởng Phòng Đào Tạo trường Trung cấp Tư Thục Kinh tế-Kỹ Thuật Phương Nam, quận Tân Phú, HCM.

Hiện đang sinh sống tại địa chỉ 150/4, Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, tp. HCM, với gia đình: một bà mẹ già đã 90 tuổi, vợ và 4 con, 2 cháu nội ngoại.

Số điện thoại của thầy: 0909596330
email: lamkhanh1212@yahoo.com

Bấm vào đây để đọc phần tiếp theo