Trường Xưa Trong Trí Nhớ
Hoàng Anh
Phần 3:
HIỆU TRƯỞNG
Thời Pháp, ở mỗi miền có một vị thanh tra liên tỉnh
(inspecteur interprovincial) hay thanh tra tỉnh ( inspecteur provincial)
để đôn đốc, kiểm sóat về học vụ ở địa phương. Sau 54, mỗi tỉnh
có một Ty Tiểu Học để quản trị tất cả các trường tiểu học trong
tỉnh. Ở tại tỉnh, ông hiệu trưởng trường trung học tỉnh lỵ còn
kiêm luôn việc kiểm sóat các trường bán
công và tư thục khi cần, và đại diện Nha Trung Học bên
tòa hành chính tỉnh về học vụ trung học.
Do tình hình giáo dục luôn thay đổi, nên
những dòng giới thiệu sơ lược trên có thể giúp
ta nhớ lại vai trò và chức trách của vị Hiệu Trưởng
thời xưa ra sao. Một cách tổng quát thì Hiệu Trưởng là
ngừơi đứng đầu nhà trường. Với vai trò lãnh đạo, vị
này là người chịu trách nhiệm chính cho mọi thành
bại, danh thơm hay tiếng tốt cho ngôi trường đó. Đây là
một trách nhiệm hết sức nặng nề, khó khăn. Để hòan thành
đựơc nhiệm vụ, ngòai năng lực về chuyên môn, khả năng
lãnh đạo, còn đòi hỏi nhiệt tình cao độ để có
thể cống hiến hết tâm sức cho công việc của mình. Một
khi đã viết về trường cũ, thì các thầy Hiệu Trưởng là
những vị mà chúng ta rất nên nhắc đến.
Tuy nhiên, công việc của người lãnh đạo, có
tính chất cô đơn, những đóng góp và thất
bại của họ, đôi khi chỉ riêng họ biết, không thể thổ lộ
cho người khác. Viết về họ, là để làm sống lại một hình
ảnh, hơn là làm công việc đánh giá quá
trình làm việc hay tính chất cá nhân.
Trải qua 20 năm, trường THĐ đựơc điều hành bởi chín đời
Hiệu Trưởng, có vị ngồi ở nhiệm sở một thời gian khá dài,
có vị nhanh, nay dù có nhiều cố gắng chúng tôi
chỉ có thể liệt kê ra đây tên tuổi và
niên hạn làm vịêc của quý vị đó, có
thể gần đúng nhưng khó mà chính xác một
cách tuyệt đối. Phần cụôc đời và chân dung của
từng vị, cũng như thế, đây là hạn chế đáng tiếc
chung cho tác phẩm này. Như đã nói, chúng
tôi chỉ còn biết hy vọng trong tương lai, nhờ đựơc sự trợ giúp
của quý vị, hay may mắn, tình cờ có thể tìm
đựơc những tư liệu mới sẽ bổ sung, chỉnh sửa cho đầy đủ và chính
xác hơn.
Các đời Hiệu Trưởng trường trung học THĐ
1.Nguyễn Văn Trương 1956-1957
2.Trương Văn Di
1957-1963
3.Nguyễn Thanh Liêm
1963-1964
4.Đặng Trần Thường
1964-1965
5.Nguyễn Đức Lâm
1965-1966
6.Nguyễn Trí Lục
1966-1969
7.Lê Tấn Lộc
1969-1972
8.Nguyễn Văn Phúc
1972-1974
9.NguyễnVăn Hộ
1974-1975
1. Nguyễn Văn Trương (1956-1957):
Trường THĐ đã khai giảng khoá I nhưng ban Giám Hiệu
nhà trường chưa thành lập hoàn chỉnh, gíao viên
cũng chưa có. Trong giai đọan đầu, Ty Tiểu Học phải đảm trách
việc quản lý nhà trường và cử xuống một vài giáo
viên để coi sóc học sinh. Việc dạy và học phải đợi đến
ngày mùng năm tết, tức tháng 01-1955 mới thực
sự tiến hành. Lúc bấy giờ có một số giáo viên,
vốn đang là sinh viên các trường Luật, Kiến Trúc,
Y Khoa những năm cuối của đaị học đựơc điều về từ Sài Gòn
làm công việc giảng dạy. Thầy Nguyễn Văn Trương đang làm
vịêc ở Sài Gòn được cử về giữ chức Hiệu Trưởng
đầu tiên của trường vào thời điểm này.
Thầy sinh năm 1905 trong một gia đình đông con, quê
gốc là xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu
Một. Cha thầy là ông Nguyễn Văn Giài, một thầy giáo
làng rất chăm lo cho sự học của các con. Nhờ vậy các
con ông đều chăm học và có nhiều người thành tài
như người con trưởng là Thầy Trương. Người thứ tư là Nguyễn
Văn Lịch, người thứ bảy là Nguyễn Bá Bang đều đổ đạt cao.
Ông Lịch du học bên Pháp, đỗ cử nhân văn khoa ở
Sorbonne về nước năm 1950, vô khu tham gia kháng chiến, sau
chết vì bệnh viêm khớp. Trong một tác phẩm của Hồ Hữu
Tường( có thể là quyển Phi Lạc náo Hoa Kỳ), ông
đã được hình tượng hóa thành một nhân
vật trong tác phẩm đó. Điều này có thể do mối
quan hệ quen biết thời hai người còn du học bên Pháp
với nhau. Ông Nguyễn Bá Bang tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông
Dương, tham gia kháng chiến và hy sinh năm 1953, thành
một liệt sĩ cách mạng.
Thầy Trương tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương, chung trường
với thầy Di. Có lẽ vì vậy mà thầy và thầy Di
sớm là bạn thân với nhau từ thời sinh viên. Những ngày
rảnh rổi, hai Thầy cùng với một sinh viên Y Khoa, sau này
là Đốc tờ Vị (nhà gần công ty Thành Lễ), thường
ngồi trên chiếc xe hơi do Thầy Di cầm lái, chạy về nhà
Thầy Trương ở Bến Súc để thưởng thức những thú vui của
đồng quê như tắm sông, săn bắn hay câu cá…Khi Thầy
Di là Hiệu Trưởng trường Cộng Đồng Búng thì Thầy Trương
đang làm Chánh văn phòng ở Nha Học Chánh, Sài
Gòn.
Thầy có dáng người tầm thước, tính tình hơi
nóng nảy, nghiêm khắc và nghiêm túc trong
công việc nhưng rất hiền lành và khá tình
cảm. Tính cách thầy và thầy Di có hơi giống
nhau nhưng Thầy có vẻ phóng khóang hơn, không
nổi tiếng nghiêm khắc như Thầy Di.
Sau một niên học, Thầy được chuyển về Sài Gòn làm
Hiệu Trưởng trường trung học Petrus Ký. Đến năm 1970, vì bệnh,
Thầy qua Pháp để điều trị rồi định cư luôn bên ấy cho
đến khi mất. Gia đình Thầy đã chuyển hài cốt của Thầy
về lập mộ tại Cù Lao Phố, Biên Hoà. Trên phần mộ
có di ảnh của Thầy.
Người mang kiếng đen đứng giữa hai cô là thầy Nguyễn văn
Trương, hiệu trưởng đầu tiên của trường trung học Trịnh Hoài
Đức. Người mặc áo vest góc phải là thầy Văn, dạy môn
văn. Ảnh chụp năm 1956
2. Trương Văn Di (1956-1963):
Thầy Trương Văn Di, sinh năm 1905 tại xã Hiệp Ninh, quận
Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Cưới vợ là bà Trần
Thị Ngọc (1912-1972), sinh tại Phú Cường, Thủ Dầu Một. Thầy sinh
ra và lớn lên trong vùng đất còn hoang vắng,
việc học chưa được mọi người coi trọng, trường lớp thiếu thốn và
xa xôi nên đi đến trường là điều hết sức khó khăn.
Thế nhưng nhờ lòng hiếu học và bẩm sinh thông tuệ, thầy
đã vượt qua mọi trở ngại để đeo đuổi việc học cho đến khi thành
tài. Thầy tiếp tục ra học trường Y Khoa Hà Nội, nhưng sau
thì chuyển sang trường Cao Đẳng Sư Phạm, Hà Nội và
học tại đây cho đến khi tốt nghiệp.
Trước tiên Thầy nhận nhiệm sở tại trường Lycee’ Pe’trus Ký
Sài Gòn, sau mới chuyển đến Lycee’ Nguyễn Đình
Chiểu Mỹ Tho. Mấy năm sau, thầy được bổ nhiệm làm Thanh tra Nha Học
Chánh tại Sài Gòn, rồi khỏang 1952, được điều về làm
hiệu trưởng trường Tiểu học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng, thường
được gọi ngắn gọn là trường Cộng Đồng Búng. Trường Cộng Đồng
Dẫn Đạo (E’cole commumaute’ de pilote) là loại trường kết hợp dạy
chữ kèm với dạy nghề (dệt may, nữ công, gia chánh, âm
nhạc, chăn nuôi…), trường có đất đai khá rộng ở gần đó
làm cơ sở thực hành cho học sinh về nông nghiệp (phía
ngã ba An Sơn ). Cả miền Nam lúc đó chỉ có ba
trường theo mô hình tân tiến này. Đến năm
1956, Thầy thay thế Thầy Trương kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng THĐ. Để
có thể cùng lúc quản lí cả hai trường, Thầy
Di cho mở một cái cổng nhỏ ở cuối hàng rào ngăn cách
hai trường và đặt văn phòng ở bên Cộng Đồng Búng.
Thỉnh thoảng Thầy lại bất ngờ rảo bộ sang bên THĐ để giám sát
tình hình.
Đến năm 1960, trường tư thục An Mỹ đựơc ông Trần Văn Trai hiến
tặng để lập thêm trường công lập thứ hai cho tỉnh. Thầy Di đựơc
giao làm Hiệu Trửơng luôn cả trường này. Thầy thường
đi chiếc xe hiệu Peugeot 203 đến cả hai trường nằm cách xa
nhau để chăm lo công việc, chiếc xe ấy nay vẫn còn để trong
garage gia đình. Ngày 17-11-1973, Hội Phụ Huynh trường An
Mỹ có tặng thầy tấm bảng bày tỉ lòng biết ơn, với dòng
chữ: “Chân thành tri ân Hiệu Trưởng đầu tiên trường
trung học An Mỹ. NHIỆT TÂM GIÁO DỤC”.
Công việc quá bận rộn như thế, vậy mà Thầy còn
góp phần quan trọng xây dựng thành lập thêm được
hai ngôi trường nữa: trường trung học Nguyễn Du ở Biên
Hoà và trường Trung học Tây Ninh (ở tỉnh Tây Ninh).
Thời còn làm việc, Thầy Di nổi tiếng là rất nghiêm
khắc, Thầy Cô và học sinh đều nể sợ. Thầy làm việc theo
tinh thần khoa học, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên
quyền lợi cá nhân hay bè phái. Có lần họp
học sinh, để khuyến khích tinh thần thượng võ và rèn
luyện thể chất, Thầy đề cao võ thuật và kêu gọi người
nào có võ Tân Khánh ra thi đấu với Thầy.
Bạn bè đề cử Phan Văn Cang (nay đã mãn phần, người
em học chung lớp là Phan Văn Lang, hiện ở Mỹ). Cang bước ra, chỉ
dùng một chiêu nhỏ, chưa động thủ thì Thầy đã
bị gạt té. Cả đám học trò tinh qúai có
dịp cười ồ, vậy mà Thầy không có vẻ gì giận dỗi.Thực
ra Thầy là người rất ham thích thể thao, nhất là môn
săn bắn, và giỏi võ. Thầy còn lưu lại hai quyển tập
do chính Thầy viết tay, có hình ảnh minh hoạ các
thế võ cổ truyền, hướng dẫn khá cặn kẽ.
Thầy hay đi xe hơi, có lần vừa qua khỏi ngả tư Phú
Văn, tình cờ nghe lóm được nhóm học sinh THĐ đang chạy
xe đạp nói xấu về Thầy. Thầy cúp đầu xe trước mặt họ và
thắng xe lại. Bọn học trò hét lên một tiếng thất thanh
“Thầy Di” rồi quăng xe đạp mạnh đứa nào đứa nấy cắm đầu chạy. Một
cựu học sinh kể lại kỷ niệm về Thầy Di:
“Vẫn biết, nhứt quỉ, nhì ma
thứ ba học trò, tôi vẫn thắc mắc từ đâu và lý
do nào có hai tên gọi (Surnom) dành riêng
cho hai ông Hiệu Trưởng trên xứ mình. cng Đốc Pháp
trường Nguyễn Trãi được gọi là Ông Già Chuồn.
Oâng Đốc Di trường THĐ là Ông Già Rô.
Cùng thời Đệ Tam THĐ, học trên
lầu vào buổi trưa, gió thổi hiu hiu, gặp giờ Công Dân,
dễ ngủ gục lắm. Thỉnh thoảng ông Đốc di đi bộ từ văn phòng bên
Cộng Đồng qua thanh tra. Vô phước cho thằng nào bị ổng bắt
dặp đang ngủ gục là cấm túc hai ngày chúa nhật.
Cho nên, ngó qua cửa sổ thấy ổng là báo động
cho anh em:Ê, coi chừng, già Rô qua kìa! Cả lớp
chưa hay hết là ông đã tới, đứng sau lưng thằng Lưỡng.
Nó đâu có biết, còn trả lời diễu:Già Rô
qua hả! Kao lấy Aùch Rô kao bắt! Quý vị chắc đoán
được kết quả rồi.”
(Danh Đen, Những ngày chưa quên)
Trường Kỹ nghệ ở Búng là nơi dành cho học sinh di
cư từ miền Bắc sau 54. Thầy Di cũng đã có công vận động
để tiếp thu luôn cơ sở này, lập thành trường THĐ nữ.
Thầy Di rời THĐ năm 1963, an dưỡng tuổi già tại ngôi nhà
mà Thầy đã trải qua bao nhiêu bùôn vui ở
đó suốt mấy mươi năm cho đến lúc cuối đời. Khi bị bệnh nan
y vào giai đoạn cuối, Thầy vẫn chứng tỏ khí tiết khẳng khái
của một nhà giáo, một nhà trí thức khi bình
thản chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật và giữ được vẻ ung dung
khi tiếp các bạn bè đồng liêu cũ hay người quen đến
thăm khiến mọi ngừơi cũng đều nể phục nghị lực và sức sống mạnh mẽ
của ông giáo già sắp lìa đời đó. Thầy mất
ngày 16-05-1982, nhầm ngày 23-04 năm Nhâm Tuất, được
mai táng tại xã Phú Hoà, Bình Dương.
Nhà thầy nằm trên đường Trừ Văn Thố, đối diện tiệm thuốc
đông y Nguyễn Văn Khê, căn nhà ấy nay do con thầy cư ngụ,
kiến trúc vẫn như xưa.Trong nhà còn giữ gìn cẩn
thận chiếc xe hiệu “Amica” của Thầy đi làm thưở còn sinh tiền.
Chiếc xe nay vẫn còn chạy được, thỉnh thoảng con Thầy lấy chạy ngoài
đường, gây sự kinh ngạc lẫn thích thú cho người nhìn
thấy. Đã có nhiều khách tìm đến xin được chiêm
ngưởng chiếc xe hiếm hoi này và gợi ý mua với giá
rất cao nhưng đều bị từ chối. Ngoài ra trong nhà vẫn còn
lưu lại một số đồ đạc của Thầy như các bộ chén dĩa của
Trung quốc, các bộ ly cổ Aâu Châu và những chai
rượu quý hiếm cả trăm năm nay còn nguyên vẹn.
Di ảnh Thầy Di trên bàn thờ ở nhà thầy
3. Nguyễn Thanh Liêm(1963-1964)
Đến năm 1963, sau 8 năm dồn hết sức lực và tâm huyết để
củng cố và phát triển ngôi trường mới, Thầy Di nhường
nhiệm vụ này lại cho một nhà giáo dục đáng kính
khác: Thầy Nguyễn Thanh Liêm.
Thầy Liêm sinh năm 1934 tại làng Tân Mỹ Chánh,
quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, nhưng lớn lên ở bên ngoại, tại làng
Phú Túc, quận Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (sau đổi thành
quận Hàm Long, tỉnh Kiến Hoà, nay là Bình Đại,
Bến Tre). Thầy học trường trung học Le Myre de Vilers rồi lên Petrus
Ký. Thầy tốt nhgiệp Cao Đẳng Sư Phạm, có bằng Cử Nhân
Giáo Khoa Việt Hán, và sau này lấy bằng Tiến
sĩ ở Mỹ (Ph.D về Reseach and Evaluation in Education).
Làm hiệu trưởng Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương trong
một niên khóa (1963-1964).Rời THĐ, Thầy Liêm về trường
trung học Petrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn, rồi chuyển
qua công tác tại bộ Giáo Dục, đảm nhiệm nhiều chức vụ
quan trọng như Phụ tá Đặc Biệt ngang hàng Thứ Trưởng đặc trách
Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo dục từ tháng
6 năm 1971. Thầy cũng là Chủ Tịch Hội đồng Cải Tổ Chương Trình,
và Chủ Tịch Hội Đồng Cải Tổ Thi Cử. Chức vụ sau cùng là
Thứ trưởng Bộ Giáo Dục, bên cạnh giáo sư Tổng Trưởng
Nguyễn Duy Xuân, trong tháng cuối của miền Nam .
Hiện nay ở nước ngoài, Thầy vẫn đang nỗ lực làm những gì
tốt đẹp cho quê hương, dân tộc, có lẽ cho đến lúc
tàn hơi của Thầy.
Thầy Liêm đảm nhận chức vụ hiệu trưởng trường trung học Trịnh Hoài
Đức tuy chỉ có một thời gian ngắn, nhưng số học sinh thưở đó
nay nhiều người vẫn còn nhớ đến Thầy, và Thầy cũng không
quên giai đoạn ngắn ngủi này. Trong một bài viết của
Thầy tìm được trên internet, có đoạn: “ Tôi đã
có dịp làm hiệu trưởng trường trung học Trịnh Hoài Đức,
là trường trung học công lập lớn nhất của tỉnh Bình Dương.
Trường nằm ngay trên đất của xã An Thạnh, bên cạnh chợ
Búng. Tôi đã có nhiều dịp ăn bánh bèo
và bún rất ngon ở đây.”
Dù đã có lúc giữ chức vụ khá cao trong
bộ máy chính quyền cũ, Thầy không muốn xen vào
việc chính trị, mà chỉ quan tâm đến giáo dục và
văn hoá mà thôi. Ở hải ngoại, Thầy vẫn không ngừng
hoatỉ động trên lĩnh vực tâm huyết của đời mình. Thầy
đã thành lập Lăng Ông Đức Tả Quân Lê Văn
Duyệt Foundation và phát hành tập san Nghiên
Cứu Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long. Ngoài ra, Thầy còn phụ
trách chương trình Người Đẹp Việc Đẹp của đài VHN-TV
( Little Saigon, Nam Cali). Thầy cũng là nhà biên khảo
với khả năng sáng tác đa dạng về lịch sử, văn hoá, giáo
dục…., đặc biệt là viết về vùng Đồng Nai, Cửu Long, quê
hương yêu dấu của Thầy.
3. Đặng Trần Thường (1964-1965):
Thầy là người miền Bắc, dáng tròn trịa, có
hơi bệ vệ. Sau cụôc đảo chánh năm 1963, tình hình
giáo dục tại các trường trên tòan miền Nam bắt
đầu trải qua một giai đọan đầy khó khăn. Ở một số nơi, học sinh nổi
lên đả đảo hiệu trưởng và ban giám hiệu các trường
đưa đến tình trạng hỗn lọan,vô trật tự. Tại trường THĐ, tình
trạng rải truyền đơn, viết khẩu hiệu trên tường diễn ra thường xuyên.
Sau một thời gian Thầy được chuyển về Sài Gòn làm
Giám Đốc Nha Khảo Thí.
4. Nguyễn Đức Lâm(1965-1966):
Có tài liệu ghi Thầy tên là Nguyễn Ngọc Lâm,
nhưng Thầy Nguyễn Văn Phúc còn nhớ khá rõ Thầy
là Nguyễn Đức Lâm. Năm 1965 khi Thầy Phúc về trường THĐ
dạy học thì Thầy Lâm đang là Hiệu Trưởng. Ít người
nhớ và biết về Thầy, vì thời gian công tác ở
đây ngắn ngủi, hay vì Thầy không có điều chi nổi
bật? Thầy là người miền Nam, từ Sài Gòn được điều về
đây. Thời gian Thầy đảm nhận nhiệm vụ, người Mỹ bắt đầu đổ quân
vào Việt Nam, chiến tranh lan tràn, và tình hình
an ninh xã hội ngày càng lộn xộn hơn. Trên con
đường đến trường, từ đoạn ngả ba An Sơn, thỉnh thỏang học sinh lại kinh hòang
khi bất ngờ nhìn thấy những xác ngừơi nằm bên lề đường.
Vào tới lớp rồi mà vẫn chưa hòan hồn, nhiều người trong
buổi học cứ bị ám ảnh mãi bởi những hình ảnh ghê
rợn đã nhìn thấy. Tình trạng này kéo
dài đến khỏang năm 70 thì mới bắt đầu tạm yên.Năm 1966,
lần đầu tiên một loại máy xuất hiện ở Việt Nam thu hút
sự quan tâm của mọi ngươiụ đựơc gọi là Vô Tuyến Truyền
Hình, nhờ hai chiếc phi cơ bay trên bầu trời Sài Gòn
phát sóng. Hồi đó máy còn hiếm, cả làng
hoặc khu phố chỉ có một hai máy nên xem rất vất vả, khó
khăn. Thế nhưng vào lớp, bọn học sinh cũng có chuyện để kể
lể hay bàn tán say sưa về tuồng Cải Lương hay các phim
Mỹ như Combat hay Batman đã xem tối qua. Lúc này, mọi
người cũng đang lên cơn sốt với các truyện võ hiệp của
Kim Dung đọc trên nhật báo hàng ngày. Vào
trường rồi mà có anh cứ còn ngâm nga “Nhạc Linh
San vẫn thờ ơ. Khúc ca Phúc Kiến ngây thơ chết người”.
Tình hình là thế, tuy nhiên việc dạy và
học vẫn diễn ra khá tốt. Giai đoạn này trường có nhiều
giáo sư giỏi như Thầy Huỳnh Phan Anh, Thầy Anh Việt Thu, Nguyễn Đông
Ngạc, Trần Nhật Duật…các giáo sư gốc Bình Dương cũng
bắt đầu có mặt như Thầy Nguyễn Văn Đô, Thầy Nguyễn Văn Phúc,
Thầy Nguyễn Bé Tám …
6. Nguyễn Trí Lục (1966-1969):
Người Bắc, dáng cao, trán hói, anh Thầy là
Nguyễn Trí Thành cũng dạy THĐ từ những năm đầu. Có
vài sự kiện đáng nhớ xảy ra trong thời kỳ này, vui
buồn hay dở tùy cảm nhận riêng của mỗi người, nhưng đã
gây nên sự xôn xao và quan tâm của cả trường
thời ấy, nên cũng xin ghi lại nơi đây:
_ Một hôm người lao công tên Cân báo cáo
về những vết chân trên tường phía cầu thang lên
lầu mà anh phát hiện được. Một vài người nữa đến nơi
quan sát, nhận thấy có điều khả nghi, nên báo cho
chính quyền địa phương về sự việc ấy. Quận trưởng Lái Thiêu
lúc đó là ông trung tá Nguyễn Văn Của cùng
lính tráng đến tận nơi xem xét. Ngay lập tức có
thông báo cho tòan thể học sinh đựơc rời trường về nhà
và ông quận trưởng ra lệnh cho lính tráng súng
ống sẵn sàng bao vây khu vực, cùng với hai chiếc trực
thăng quần thảo trên bầu trời đọc loa kêu gọi đầu hàng.
Mọi người chờ đợi trong sự hồi hộp, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Mấy
tiếng đồng hồ sau, những người ẩn nấp trên mái la phông
phát tín hiệu đầu hàng và lần lượt trèo
xuống. Tất cả có ba người nam và một nữ. Đây là
một trạm cứu thương của các chiến sĩ Giải Phóng và họ
đã khéo léo ẩn núp trên ấy từ thời gian
qua, nay do sơ suất mà bị phát hiện.
_ Năm 1967, có mấy người Hàn Quốc đến trường để dạy võ
Thái Cực Đạo cho học sinh. Một hôm có truyền đơn rải
trong các phòng học cảnh báo mọi người không đựơc
học võ, vì vậy hôm đó chưa ai dám lên
phòng tập. Vào buổi sáng, một trái mìn
dấu trong thùng rác đặt phía nhà để xe phát
nổ dữ dội. Hai võ sư người Hàn chết tại chỗ và vài
người nữa bị thương. Sự kiện gây xúc động mạnh cho học sinh
năm ấy.
_Vui nhất và đáng nhớ nhất những năm đó trong lòng
bọn học sinh là kỳ cắm trại và buổi biểu diển văn nghệ cuối
năm ở trường, khi có mặt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Miên
Đức Thắng và ca sĩ Khánh Ly, lúc ấy đều là những
nghệ sĩ trẻ mới nổi nhưng tài năng đầy triển vọng và đã
sớm tạo đựơc sự hâm mộ rộng rải trong giới sinh viên, học sinh.
Tuy sống trong bối cảnh chiến tranh lọan lạc như thế, nhưng mái trường
vẫn cứ là khung trời bình yên, thơ mộng cho tâm
hồn thơ ngây của tuổi học trò. Về kỷ niệm với Thầy, học sinh
còn nhớ chuyện Thầy Lục để ý cô Hà Thị Liên.
Cô Liên rất duyên dáng, nhỏ nhẹ, giọng miền Bắc
thanh tao, du dương nên học sinh rất thích giờ dạy của cô.
Chỉ phiền nỗi là cứ lúc nào cô dạy thì Thầy
Lục thường đi ngang ra vẻ như đi kiểm tra nhưng bọn học trò cũng không
vừa, biết ngay ý Thầy. Cứ giờ của cô Liên thì bọn
nhỏ ngồi đâu đó ngay ngắn, sợ “ổng” đi từ sau lưng tới mà
bắt gặp thì mệt với “ổng”. Về sau đúng như bọn nhóc
dự đoán, Thầy và cô cưới nhau.
Một học sinh ghi lại vài chuyện còn nhớ về Thầy :
“Thầy Nguyễn Trí Lục: thầy làm
hiệu trưởng trong thời gian có nhiều biến động xã hội như biến
cố Tết Mậu Thân, đo đó vịêc điều hành có
khó khăn nhưng do thầy có tài tổ chức nên công
việc tiến triển bình thừơng. Năm tôi học lớp đệ thất và
đệ lục (1965-1966), trường tổ chức Lễ phát thưởng tại Hội Trường Tỉnh
Lỵ rất xôm tụ. Mỗi kỳ có lễ trong tỉnh, học sinh đi lễ với
đồng phục chỉnh tề đã cho thấy trường có quy củ nề nếp.”
(Hoài Hương, Nhớ về THĐ Bình
Dương)
Bấm vào đây để đọc phần
tiếp theo