Free Web Hosting by Netfirms
Web Hosting by Netfirms | Free Domain Names by Netfirms

Trường Xưa Trong Trí Nhớ

Hoàng Anh

Phần 2 :

TRƯỜNG THĐ, 20 NĂM …
(tiếp theo)

Trong những năm dưới thời thầy Di việc tập luyện đi diễu hành đựơc chú trọng. Đoàn học sinh THĐ đã từng tham dự nhiều cuộc diễu hành trong những buổi lễ trong và ngoài tỉnh và tạo đựơc ấn tượng tốt với quan khách dự kháng. Việc ăn mặc tuy quy định cụ thể như thế, nhưng nói chung thì khá giản dị, quần áo học sinh tự mua sắm, những người nghèo vẫn có thể sử dụng áo hay quần cũ mặc từ năm trứớc bị úa vàng hay phải vá lại.
 

Nữ sinh THD, khoá I, trong bộ đồng phục

Khi đi học, mỗi người chỉ cần cầm theo một cái cặp bồi hay túi xách nhỏ, đủ đựng một hai quyển tập. Cánh nam sinh, nhiều anh cứ bỏ tập trong bụng, đi hai tay không thảnh thơi như đi dạo mát. Thầy cô vào lớp, không có sổ giáo án, có người còn chẳng cần cầm sách giáo khoa, cứ thao thao giảng bài.

“Riêng thầy Nguyễn Vũ Hải dạy Tóan thì chúng tôi rất bái phục,vì Thầy gần như thuộc lòng hết mấy cuốn sách Tóan viết bằng tiếng Pháp dày cộm mà thầy vẫn mang theo hàng ngày để dạy học. Có khi thầy ra đề tóan mà không cần nhìn vào sách. Cách dạy của thầy rất phong phú và hào hứng, nên hầu như học sinh nào cũng thích.”
 (Quê cũ trường xưa, Nguyễn Văn Diệp)

Nếu chăm chỉ lắng nghe, về nhà học sinh chỉ cần bỏ qua vài tiếng đồng hồ là có thể giải quyết xong bài học, hay bài tập chuẩn bị cho buổi học hôm sau. Rồi tha hồ mà đi chơi, đọc sách, đánh đàn, đá banh...,hiếm có ai đi học thêm. Hồi đó, người ta chưa thể tưởng tượng đựơc cảnh học thêm như thời nay. Những anh chị học giỏi muốn tranh đua có tên trong bảng danh dự thì việc siêng năng tự học là chính, hoặc tham gia các lớp học hè ở trường Nguyễn Trãi, Nghĩa Phương, Bồ Đề... Nhờ không phải quá vướng bận với bài học trong lớp, rảnh nhiều, mà học sinh có thời giờ để đocỉ sách, tập luyện thể thao, văn nghệ, cho nên đã ai học giỏi, thì thường cũng có ít nhất vài khả năng đặc biệt trong bộ môn nào đó. Do vậy không lạ tại sao thời đó trường THD có khá nhiều nhà thơ, nhà văn, tay đàn tay trống tài danh “tuổi măng còn măng sữa ” như thế!

Môn văn có giờ thuyết trình, hình thức này giúp cho học sinh tự nghiên cứu và luyện làm việc theo nhóm. Giờ thuyết trình rất vui với những pha chất vấn thừơng là hóc búa của lớp và phần trả lời của tổ thuyết trình, có khi sắc sảo, nhưng thường là lúng ta lúng túng, ngớ nga ngớ ngẩn nên khuấy động đựơc những tràng cười vở lớp. Tuy vậy, nhờ họat động này, học sinh trao dồi đựơc khả năng hùng biện trứơc đám đông nên ăn nói cũng dạn dĩ hơn, mỗi khi làm báo, họ mới dám mon men đến “học đòi” phỏng vấn thầy cô, và viết đựơc nhiều bài phỏng vấn khá duyên dáng trên bích báo, như tờ Hoa nắng, tờ Xuân Hồng...Trường cũng có phòng D9ạo, nơi các Thầy Cô thay phiên nhau trực để tư vấn cho học sinh về nhiều mặt trong đời sống, quan trọng nhất là việc định hướng nghề nghiệp cho họ.

Bên cạnh việc dạy và học, các phong trào văn nghệ, thể thao, du lịch, báo chí, hoạt động từ thiện đúng là rất sôi nổi, phong phú. Hàng năm trường đều có tổ chức nhiều cuộc thi treo giải thưởng và đựơc sự tham gia rất hào hứng của học sinh. Một cựu học sinh, tên Hoài Hương kể về những kỷ niệm này như sau:

“Trường còn tổ chức cắm trại tại chùa Hội Khánh, du ngoạn Vũng Tàu…những lần đi này đã làm cho tôi có rất nhiều kỷ niệm và biết nhiều hơn về quê hương đất nước. Trong trại sinh hoạt học sinh do Ty Thanh Niên tổ chức (tại Phú Lợi), Trịnh Hoài Đức cùng các trường bạn như Nông Lâm súc và các đoàn thể thanh niên như Nghĩa Sinh, Hướng Đạo…đã tranh đua rất hào hứng”

“Về văn nghệ: Ngoài các chương trình văn nghệ nội bộ như phát thưởng hay có mời Khánh Ly và Trịnh Công Sơn về hát ở trường năm 1967. Trịnh Hoài Đức đã tổ chức đựơc hai buổi hát tại rạp Thanh Bình năm 1971 để gây qũy hiệu đoàn, và một chương trình văn nghệ trên Đài Truyền Hình Sài Gòn. Chương trình này rất thành công, không những giới thiệu Trịnh Hoài Đức mà còn làm cho người xem biết nhiều hơn về quê hương Bình Dương trái ngọt cây lành. Theo tôi được biết chỉ có hai trường có chương trình văn nghệ trên Đài Truyền Hình Sài Gòn lúc đó là trường Mạc Đỉnh Chi và Trịnh Hoài Đức của Bình Dương.  

“Về xã hội: học sinh Trịnh Hoài Đức cũng tham gia các sinh hoạt xã hội như cứu trợ nạn lụt miền Trung, chúng tôi tổ chức văn nghệ hay xổ số để gây quỷ cứu trợ. Năm 1972 lại tổ chức giúp đồng bào chiến nạn từ Bình Long về tại trại tạm cư Phú Văn, ở đây ngoài giúp đỡ thực phẩm, tiền bạc, chúng tôi còn đến đào hầm vệ sinh và làm các vịêc công ích khác”
(trích từ www.trinhhoaiduc.netfirms.com)

Cuối năm thường là thời điểm của báo chí, giai phẩm, thiệp tết, cắm trại, và văn nghệ. Về báo chí, trường đã sớm xây dựng thành phong trào ngay từ những khoá đầu tiên. Thế nên thầy Nguyễn Đức Cẩm, dạy từ khoá một, bốn mươi năm sau, khi đã định cư ở nước ngoài vẫn còn nhớ:

“Có nên kể những kỷ niệm về các hoạt động báo chí của chúng ta hồi đó chăng? Chắc là nên. Tôi đã làm việc tại nhiều trường, sau này có trường lớn gần trăm lớp, chưa có nơi nào mà bích báo phong phú như ở trường Trịnh Hoài Đức nhỏ xíu ngày ấy. Tôi nhớ lại một trường ở Gia Định, nhà trường cấp giấy, mực vẽ, tiền bạc, thúc dục, khuyến khích …Nhưng bích báo chỉ cố được hai trang, hai tờ thì đúng hơn. Bích báo Trịnh Hoài Đức qua mặt tất cả, hàng chục trang giấy croquis khổ lớn, dán kín tường cầu thang, lối lên lầu. Mầu sắc đẹp, sắp xếp cân đối, nghệ thuật như những bức tranh. Còn bài vỡ thì, tương ứng với cấp lớp hồi đó có thể gọi là rất hay được. Mà chúng ta làm gì được cấp ngân khoản báo tường. Làm gì có nâng đỡ … Nhưng chúng ta thích, chúng ta yêu quốc văn, chúng ta biết sắp xếp công việc. Và chúng ta đã làm được.

Có nên kể đến tờ nọâi san của chúng ta chăng ? Chắc là nên, các trường lớn nhỏ thường có nội san vào dịp Tết, hay dịp cuối niên khóa. Trịnh Hoài Đức không cần đợi dịp nào cả. Tờ nội san “ Bút Ngày Xanh” in ronéo, dự tính ra định kỳ, hoàn toàn không có một phương tiện nào. Không biết còn ai giữ được một tập nào không nhỉ ? Còn ai nhớ nội dung chăng ? Về phần tôi, cho đến nay tôi có viết rải rác một số bài đăng báo và có tật quên hết những gì mình viết mà chỉ nhớ văn người. Bởi vậy, khi có người nhắc lại bài “Dâu Bình Dương” Thì tôi mới nhớ mình đã cho in một bài trong nội san “Bút Ngày Xanh”. Nhưng tôi hoàn toàn quên nội dung bài đó không rõ dài ngắn, hay dở ra sao ? Hồi tưởng mãi thì hình như tôi kết luận bằng mấy chữ “…vẻ dịu dàng và tha thướt của Bình Dương” thì phải. Mô tả vẻ đẹp của Bình Dương bằng mấy từ ngữ “ Dịu dàng và tha thướt”, tôi không hề chỉ cố viết cho bóng bẩy, chải chuốt.Tôi thật sự cảm nhận vẻ đẹp đó, qua cái nhìn riêng của tôi,vào những năm cuối thập niên 1950.”
(Thư viết 1995)

Phong trào bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, vũ cầu của trường rất sôi động hào hứng và gặt hái được nhiều thành tích cao trong những lần tranh giải. Nhờ có sẵn sân banh làm nơi tập luyện, đội tuyển bóng tròn của THĐ là đội mạnh trong khối học sinh. Thế nhưng cứ lâu lâu lại có vài đường banh “ điệu nghệ” của các cầu thủ nhí bay thẳng vào cửa kính của phòng thí nghiệm. Các thầy giám thị nhiều khi phải phạt lên phạt xuống vất vã lắm mới dẹp yên đươcỉ cái nạn này. Đội bóng bàn có lẽ phát trỉên mạnh vào đầu thập niên 70, một phần là nhờ vào sự tham gia của một vài thầy có khả năng với bộ môn này như thầy Lưu Đức Trung, Nguyễn Văn Hiệp, Từ Văn Nhung, thầy Lập…Thầy Trung thường dắt đội bóng bàn THĐ thi đấu với nhiều trường ở thành phố. Trong phòng bóng bàn của trường, hiện tượng nổi bật lúc đó là các cầu thủ tí hon mới học lớp tám, lớp chín như Phú Yên, Phú Cường, Sa Công Danh, Nông Vĩnh Trị… các tay vợt nhí này đánh rất cừ khôi, qua mặt các anh chị lớn và cả các thầy nữa. Thành tích sáng chói nhất có lẽ là bóng chuyền. Đội tuyển dứơi sự dẫn dắt của thầy Đoàn Phế (hiện ở Canada), thi đấu với nhiều nơi trong và ngoài tỉnh và thường giành chiến thắng. Thành tích đáng kể là đã từng đạt hạng nhất năm 1971 trong Đại hội thể thao tòan tỉnh, và huy chương bạc tòan vùng III khi thi đấu tại Vũng Tàu. Các tuyển thủ nòng cốt đã góp phần làm vang danh bóng chuyền THD ngày ấy là Nhản, Lực, Nguyện, Thạnh, Tuấn, Hậu. Hai dự bị là Tâm và Phước. Đáng nói thêm là các tài năng thể thao cừ khôi này thường lại học hành cũng rất xuất sắc như Từ Minh Thạnh, Từ Minh Tâm sau đều lá giáo sư đại học…

Chính nhờ các hoạt động ngoại khoá hay sinh hoạt học đường này mà những giờ đến trường là những giờ vui vẻ, hạnh phúc của thời hoa niên. Mái trường, đúng nghĩa là mái ấm gia đình thứ hai của học sinh THĐ.

Kể từ ngày thành lập đến năm 1975, trường đã mở được cả thảy 20 khoá.Đến niên học 74-75, trường có tổng cộng 60 lớp học, với 3000 học sinh., 120 giáo chức. Nếu so sánh với 3 phòng học và 150 học sinh, 12 giáo viên của năm đầu tiên, ta sẽ thấy sự phát triển vượt bậc của nhà trường. Trải qua chín đời hiệu trưởng, các công trình của nhà trường lần lượt được xây dựng thêm.

 
Trước phòng thí nghiệm, nhân ngày lễ khánh thành tượng danh nhân Trịnh Hoài Đức, năm 1972.

Trong ảnh có mặt toàn thể phái đoàn Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên do Thầy Nguyễn Thanh Liêm là trưởng đoàn, các thân hào nhân sĩ địa phương, cùng ban Giám Hiệu nhà trường, các Thầy Cô.

Ngoài khối văn phòng và các phòng lớp cơ bản, trường có dồ án xây dựng để phát triển liên tục hàng năm như thành lập sân vận động, phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, thư viện, sân bóng chuyền, phòng bóng bàn, hội trường, sân khấu, công viên…Chỉ hơn một thập niên sau thì các hạng mục này đều hoàn thành đúng như dự kiến, biến nơi đây thành một ngôi trường lý tưởng để đào tạo học sinh về cả ba mặt văn thể mỹ trong tỉnh không nơi nào sánh kịp.

Đầu năm học, học sinh phải đóng số tiền nhỏ có tính tượng trưng gọi là tiền niên liễm. Từ đó đến suốt năm, họ không còn phải đóng bất cứ khỏang tiền nào nữa. Đã vậy, các học sinh nhà nghèo và có thành tích học tập tốt còn được lãnh học bổng hàng tháng để trợ giúp các em trong việc học.

Từ ngày thành lập, trường đã sớm tạo được danh tiếng và uy tín. Kỷ luật nhà trường rất nghiêm, học sinh nào không thuộc bài hay bị phạt thì bị hai ngày chủ nhật cấm túc phải đến trường tự học, dưới sự giám sát của một giáo viên. Tuy trong thời buổi chiến tranh loạn lạc và xã hội đang trải qua nhiều biến động, nhưng học sinh nói chung là lễ độ, ngoan ngoãn. Ở các lớp lớn, tình cảm nam nữ cũng bắt đầu chớm nở nhưng vẫn hồn nhiên, trong sáng. Thế nên dù các loại truyện và phim về đời sống du đảng như “Điệu ru nước mắt”, “Loan mắt nhung”…có xuất hiện trên thị trừơng, thì ở đây chưa có trường hợp gây hấn nào đáng kể. Chủ trương chung của ngành giáo dục là chuyện chiến tranh nên gạt ra
khỏi học đường, học sinh yên tâm học hành, không phải tung hô hay đả đảo ai. Do vậy cho dù cũng có những rối ren không tránh khỏi trong giai đọan đó, dù xuất thân từ những địa phương và thành phần khác nhau, bạn bè vẫn thương yêu, trìu mến nhau. Ai làm gì thì làm, bạn vẫn là bạn. Thầy cô không quan tâm đến thành phần hay gốc gác của học sinh, đối xử với mọi người bình đẳng. Những học sinh nhà nghèo mà học giỏi luôn là hình mẫu đựơc ca ngơị, quý trọng. Ngược lại con quan chức, nhà giàu mà học kém là điều đáng xấu hổ, dễ bị chọc quê. Tình nghĩa thầy cô bạn bè nói chung đựơc coi trọng hơn mọi điều khác. Mấy mươi năm sau, mỗi người mỗi cảnh nhưng tình cảm chân thành, hồn nhiên của thời áo trắng vẫn còn giữ đựơc, đó là điều hết sức đáng quý.

Trong suốt hai mươi năm họat động, nhà trường đã đào tạo rất nhiều nhân tài ưu tú cho điạ phương và đất nước, số người thành danh từ ngôi trường này trên nhiều lãnh vực đến nay khó mà kể ra hết. Được thi đậu và học tại trường THD, do đó là một niềm vinh dự đối với học sinh và mối yên tâm lớn cho các bậc làm cha mẹ.

Dù đang ở nơi nào đó trên nước Việt Nam hay đất khách quê ngừơi, thì mỗi khi nhớ lại trường trung học THĐ, những ai đã từng trải qua năm tháng dưới mái trường này chắc có lẽ đều nghe lòng mình thóang rung động bao kỷ niệm buồn vui. Đó là một khung trời của kỷ nịêm, của yêu thương, của những hồn nhiên và vụng dại khó quên. Còn nhớ một đoạn văn đọc thời còn cắp sách đó : “Trời tặng mùa hạ những đoá phượng lớn. Mùa hạ tặng lại học trò, thế nên hoa phượng là hoa của học trò, nở vào mỗi mùa bãi trường, mùa thi. Phải chăng cậu bé, cô bé hôm qua ta gặp trên đường, khi vừa vạch qua một bên lớp lá phượng cũ, tình cờ nhìn thấy bước chân của kỷ niệm, lần đầu theo mẹ đến trường hay lần cúôi bùi ngùi rời xa lớp học”( Phượng vĩ, Duyên Anh)

Lần đầu đến trường, lá ngoài đường không rụng nhiều, và trên trời mây cũng không bàng bạc, nhưng đó là lúc mà cánh đồng lúa đang xanh mứơt rập rờn đến tận những vườn cây ở xa. Lòng của các cô cậu học trò lớp Đệ Thất đầy hãnh diện vì từ đây mình được là học sinh trường Trịnh Hoài Đức. Ngôi trừơng mới đẹp làm sao với những dãy phòng thẳng tấp, và khu lầu vươn lên cao đầy kiêu hảnh, hiên ngang. Từ đây, từng ngày trôi qua sẽ chất đầy trong ký ức của họ những kỷ niệm ngọt ngào, những hình ảnh không nhạt phai trong bụi phủ của thời gian. Đó là những lúc chui rào ra cánh đồng quậy phá các mương củ sắn, hay đào xới đất để tìm bắt dế. Đó là lúc tan trường như bầy ong vở tổ chen nhau trên những chiếc xe đò, xe lam hay lang thang trên con đường đầy những cánh bướm trắng để xuống chợ Búng. Ngồi trong lớp học hồi đó, lúc nào cũng được nghe tiếng ru êm đềm của những cơn gió, lúc thoang thoảng, lúc lồng lộng nhưng bao giờ cũng thơm ngát hương của đồng nội. Nhớ nhất là những ngày cuối năm, khi nông dân đốt rạ trên đồng, khói lam tỏa ngát trời chiều, phủ mờ những cánh cò trắng nhịp nhàng thong thả xa dần ở phía những ngọn tre…

Trường có nhiều cây điệp đỏ. Mùa hè, hoa đỏ rực, ve kêu ran cả tai, hoà cùng tiếng ve từ những khu vườn bên kia đường tạo thành khúc nhạc biệt ly trầm buồn đến não nuột. Những ngày cuối tháng tư năm 75, chiến tranh đã diễn ra ở vùng Thạnh Quý, An Sơn. Trước trường, những chiếc xe GMC đổ quân, những người lính trang bị đầy súng đạn tiến quân vào phiá những khu vườn, nơi mà vào những giờ nghỉ học bọn học trò hay kéo nhau vào đó để kiếm trái cây hay chia phe bắn bì, rượt đuổi chí choé qua những mương nứơc trong veo. Nhưng chiến tranh của học trò thì khác với chiến tranh của người lớn nhiều. Bấy giờ, đứng ở sân trường có thể thấy rõ cảnh máy bay thả bom phiá cúôi vườn cây, tiếng bom rung cả mặt đất làm lũ ve cũng bặt im vì khiếp sợ. Còn vài hôm nữa thôi thì hết tháng tư, chiến tranh đã đến gần quá rồi, một số bạn đã xuống Sài Gòn, số khác về quê, sân trường vắng vẻ, lác đác vài nhóm học sinh tay cầm cặp bồi đi lang thang trong sân trường vắng lặng như còn nắm nuối với mái trường không muốn rời xa. Ai nấy hoang mang, lo lắng, buồn thiu, nhưng cuối cùng rồi cũng phải chia tay, để lại sau lưng những cành điệp đỏ rực rở, rưng rưng trên nền trời xanh lặng ngắt.

Lần cuối bùi ngùi rời xa lớp học, chưa biết khi nào gặp lại, càng không biết rằng, cùng với lịch sử của đất nước, trường THĐ cũng bắt đầu sang một trang khác.

Giờ đây, rất may là trường vẫn còn đó, vẫn mang tên cũ, nhưng trường Nam đựơc xây dựng lại hoành tráng, hiện đại hơn trước nhiều. Trường Nữ vẫn giữ nguyên nhưng cũng đã có kế hoạch xây mới, chắc chẳng bao lâu nữa thôi. Chỉ có con đường dẫn vào trường thì đã hoàn toàn khác trước. Không còn cảnh nắng bụi mưa lầy, nhà cửa hai bên xây dựng nhiều, phần lớn khang trang. Đi trên con đường phẳng phiu và rộng thênh thang ấy, có ai còn nhớ lại hình ảnh của thủa nào đã mờ xa?

“Hay là còn, đó là hình bóng xa mờ của những em bé áo dài trắng, đầu đội nón lá, đi trên các bờ ruộng quanh trừơng, đó là hình bóng của những cánh diều vào mùa gió, những cánh diều đã đựơc nói đến rất nhiều trong tờ bích báo “Hoa Nắng”.

Bỗng một mùi phân chuồng thoang thoảng đâu đây. Mỹ nhìn lại thì thấy cái chuồng bò nơi góc ruộng bắp ngày xưa vẫn còn. Cái chuồng bò này chỉ có nàng và vài nữ sinh thi sĩ chú ý tới mà thôi.
Mùi phân chuồng thơm chứ không hôi đâu. Nó thơm hương đồng áng, hương của một nông trại hẻo lánh nào, hương ấm của một gia đình nông dân đủ ăn.”
(Bình Nguyên Lộc, Diễm Phượng)

 

Mừng cho các học sinh thời nay có thể ngồi học trong những phòng lớp mát mẻ sang trọng, nhất là đựơc sống trong cảnh thái bình, sung túc. Mai đây rời mái trường, cuốn theo dòng đời dâu biển, rồi mười năm, hai mươi năm sau, không biết các em có còn giữ lại trong lòng mình những nhớ nhung, những ân tình tha thiết với nơi mình đã từng ngồi học, như chúng tôi, thế hệ của một thời đã qua hay không?

Hàng năm, ngày 1-05 được chọn là dịp họp mặt truyền thống của cựu học sinh THĐ. Vào các khoá đầu, học sinh thường phân biệt đựơc thứ tự các khoá. Càng về sau, hầu hết đều không biết mình là khoá mấy mà chỉ nhớ năm vào học thôi.Tuy số người trở về không đầy đủ, đó vẫn là những giây phút rất cảm động và chứa chan xúc cảm của bao thế hệ học sinh nơi đây. Thầy cô và học trò giờ đều đã già, nhìn tóc ai cũng thấy bạc màu. Chỉ có thể phân biệt được giữa thầy cô và học trò nhờ tiếng xưng hô đầy trìu mến, kính trọng hơn là nhờ nhìn hình dáng bên ngoài. Dịp này, là lúc mọi ngừơi tha hồ mà kể lại chuyện của ngày xưa.

Tiếng cười vang lên rộn rã, nhưng đôi lúc cũng có những giọt lệ chầm chậm lăn trên đôi gò má nhăn nheo. Bao nhiêu hình bóng của ngày xưa ngỡ đã quên đi, sao bỗng lại hiện về. Mới đâu đây thôi, mà đã mấy mươi năm, thời gian đi nhanh quá! Lời than cũ, nhưng sao nghe ai nói đó mà vẫn thấy chạnh lòng.

Vâng, hồi ấy….

Bấm vào đây để đọc phần tiếp theo