Cà phê Cát
Đằng
Nằm ở trung tâm Sài Gòn -
Gia Định, cà phê Cát Đằng vừa được khai trương tại số
62 Trần Quang Khải, quận 1, đã trở thành điểm hẹn lý tưởng
cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ có địa
điểm thuận lợi, Cát Đằng còn thuyết phục nhiều người
về chất lượng các dịch vụ.
Vốn là một rạp hát cũ được
nâng cấp toàn bộ, Cát Đằng với diện tích hơn 1.000 m2 được
thiết kế hài hòa, rộng rãi, thoáng mát, mang phong cách Tây
phương không quá cầu kỳ. Những dãy ghế được kê san sát
cạnh lối đi, những mảng tường được trang trí đèn neon
rực rỡ, song vẫn toát lên không gian nhẹ nhàng, ấm cúng,
thư thái. Ở đây có nhiều thức uống phong phú: cà phê, sinh
tố khoai môn, kem 3 màu, cocktail, trà sữa... đặc biệt bổ
dưỡng, khoái khẩu. Giá mỗi loại chỉ từ 5.000 đồng - 15.000
đồng. Cát Đằng còn phục vụ điểm tâm và cơm trưa văn
phòng với thực đơn phong phú.
Khu ca nhạc với sân khấu
hiện đại, hàng đêm phục vụ chương trình ca múa nhạc tạp
kỹ với sự tham gia của các ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Thu
Minh, Thanh Thảo, Lương Chí Cường, Lý Hải, nhóm tấu hài
như: Trung Dân, Bạch Long, Thanh Tùng, Tấn Hoàng... Mỗi đêm
Cát Đằng còn có chương trình biểu diễn ánh sáng rực rỡ.
Ở khu cà phê máy lạnh, bạn có thể hội họp bạn bè để
nghe những VCD nhạc mới chọn lọc, các chương trình truyền
hình cáp hay đọc đủ các loại báo...
Quán cuối
tuần: Cà phê lưng trời
Đó là những quán cà phê
toạ lạc trên sân thượng của những toà nhà cao nhất nhì
TP HCM. Mỗi quán một phong cách riêng, thích hợp với nhiều
đối tượng khách hàng.
Quán cà phê Panorama nằm ở
tầng 33 của Saigon Trade Centre (Trung tâm thương mại Sài Gòn),
toà nhà cao nhất thành phố. Bạn có thể nhìn thấy gần như
toàn cảnh Sài Gòn khi ngồi uống cà phê hay ăn kem ở đây,
nghe những điệu nhạc du dương, êm dịu. Không khí ấm cúng
làm cho bạn cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn. Cảnh đẹp
nhất là vào buổi tối, khi thành phố đã lên đèn, giống
như một bức tranh đầy màu sắc.
Trên tầng 15 của toà nhà
Landmark hiện diện một quán cà phê thơ mộng không kém gì
Panorama. Đó là quán cà phê mang tên Le Caprice. Cái đặc biệt
của Le Caprice là bầu không khí thiên nhiên của đất trời.
Vào những buổi chiều cuối tuần, ngồi nhâm nhi ly cà phê,
ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống, cảnh những tàu bè xuôi
ngược
trên sông Sài Gòn. Xa xa là cánh đồng xanh bạt ngàn xen lẫn
những toà nhà, căn hộ của khu đô thị mới. Nhất là vào
những đêm trăng thanh, ngồi ngắm trăng bên cạnh người yêu,
nghe tiếng gió vi vu thổi bên tai thì không còn gì tuyệt vời
hơn. Đến Le Caprice các bạn còn được thưởng thức những
bản nhạc sống nổi tiếng thế giới của ban nhạc nước
ngoài (vào các buổi chiều tối).
Bar Saigon là một quán cà phê
- bar toạ lạc trên một góc sân thượng nhỏ (tầng 9) của
toà nhà Delta Caravelle. Điểm khác biệt của bar Saigon so với
các quán cà phê tầng cao là vừa máy lạnh, vừa thiên nhiên.
Bạn có thể ngồi trong phòng có mái che để thưởng thức
những bản nhạc nổi tiếng, vui nhộn của các ca sĩ nước
ngoài. Bạn có thể vừa uống cà phê vừa lắc lư theo điệu
nhạc. Nếu không thích bạn cũng có thể ra ngoài sân để
trò chuyện cùng bạn bè, ngắm cảnh thành phố. Khung cảnh
lịch sự, sang trọng và vui nhộn sẽ làm cho bạn cảm thấy
thư giãn và thoải mái hơn vào các ngày nghỉ cuối tuần.
Lưu ý là giá thức uống ở
các quán cà phê này khá đắt, từ 25.000 trở lên. Nhưng không
vì thế mà nơi đây ít khách. Nếu bạn muốn thử đi thư
giãn vào các ngày cuối tuần, nhất là buổi tối thì phải
gọi điện thoại đặt bàn trước, bằng không thì sẽ không
có chỗ để ngồi, nhất là ở quán Panorama.
Panorama: 37 Tôn Đức Thắng,
Q.1, Tel: 9100492
Le Caprice: 5B Tôn Đức Thắng,
Q.1, Tel 8228337
Bar Saigon: 19-23 Công Trường
Lam Sơn, Q.1, Tel: 8234999
Cà phê Hà Nội
Quán cuối
tuần: Café Phố
Sáng tới điểm tâm, trưa
qua "làm" suất cơm văn phòng hoặc fast-food, tối cùng bạn
nhâm nhi ly cà phê. Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể đến
đây. Nằm ở con đường nổi tiếng của Hà Nội – Lý Thường
Kiệt, quán Café Phố có một không gian rất tuyệt.
Cả quán café là một ngôi
biệt thự hai tầng cổ nên chẳng cần thiết kế gì thêm,
tự nó đã có nét quyến rũ riêng. Uống cà phê, khách thường
thích ngồi ngoài sân sát hàng rào. Còn muốn dùng bữa, xin
mời lên phòng ở tầng 2.
Món ăn ở đây khá đa dạng.
Từ những món nhanh, đơn giản như: cháo gà, bánh mì, đến
những thứ là lạ như miến xào hến (10.000 đồng), gà xé
tương mè Trung Hoa (25.000 đồng), mì Ý xốt bò xay (25.000 đồng)…
Đến Café Phố nếu tinh mắt
bạn sẽ nhận ra hai cựu cầu thủ của đội Công an Hà Nội:
anh Văn Hùng chủ quán và anh Ngọc Điệp làm quản lý.
Một thời là đồng đội
của nhau, bây giờ hai anh lại giúp nhau trong cuộc sống. Nếu
bạn mê sân cỏ, hãy đến đây vào những buổi có tường
thuật trực tiếp bóng đá, tha hồ mà bình luận với các
anh.
Nếu cần đặt phòng để
tổ chức sinh nhật hoặc liên hoan, bạn có thể đặt trước
qua điện thoại hay đến trực tiếp tại địa chỉ 15 Lý
Thường Kiệt, Hà Nội.
Quán cuối
tuần: Style Café - một phong cách lãng mạn
Từ tháng 11 năm trước, ở
ngã năm giao điểm giữa phố Bà Triệu, Nguyễn Du, Hồ Xuân
Hương xuất hiện một ngôi quán với cái tên Style.
Quán gồm 3 phòng lớn và một
khuôn viên ngoài trời, được trang trí theo trường phái roman
với những bức ảnh độc đáo. Những chiếc ghế sắt uốn,
bàn đá tròn, đồ trang trí nội thất xinh xắn bày khắp nơi
cùng với ánh đèn ấm áp và tiếng nhạc du dương làm cho
khách có cảm giác thư thái, dễ chịu. Riêng tầng hai là một
phòng 40 m2 có 2 bức tranh ấn tượng được chính chủ quán
thiết kế mẫu. Không gian ở đây vừa cách biệt, yên tĩnh,
có thể hòa mình với thiên nhiên ở khu vườn sân sau, lại
vẫn có thể tiếp xúc với không khí náo nhiệt của phố
phường.
Hiện tại, hình thức kinh
doanh thành công nhất ở đây là dịch vụ ăn trưa văn phòng.
Nằm tại một khu vực tập trung nhiều đơn vị kinh doanh,
công sở, văn phòng, hình thức này đang thu hút rất đông
thực khách. Giá mỗi suất cơm đĩa dao động từ 12.000-20.000
đồng. Đồ tráng miệng được khuyến mại là 1 ly sữa chua
hoặc 1 đĩa kem caramen. Từ 14/3, quán mở một hình thức phục
vụ mới: bàn tiệc cho 6 người với ba loại giá 180.000 đồng,
300.000 đồng và 420.000 đồng. Giá cả các loại đồ uống
tương đối dễ chịu: cà phê đen 4.000 đồng/tách, cà phê
sữa 6.000 đồng/tách, cà phê sữa tươi 10.000 đồng/tách,
các loại trà Dilmah từ 4.000-5.000 đồng/cốc... Quán cũng có
nhiều loại rượu và đồ uống cao cấp lên tới vài trăm
nghìn, đúng như phương châm của quán: "Giá cả phải chăng,
đa dạng và đáp ứng được mọi yêu cầu".
Đặc biệt, quán có một số
hình thức dịch vụ khá độc đáo như tặng thẻ "VIP card"
cho khách hàng thường xuyên (đến quán ít nhất 4 lần/tuần).
Với thẻ này, các bữa tiệc, liên hoan... của bạn được
giảm giá 20%, bữa ăn gia đình được giảm 15%. Khách hàng
được đánh giày miễn phí vào hai khoảng thời gian nhất
định là 9-10 giờ sáng, 2-4 giờ chiều và điều đặc biệt
thú vị là mỗi ngày một câu chuyện cười được in trên
giấy làm quý khách được thư giãn.
Mỗi tuần
một địa chỉ: City View café
Nằm trên tầng cao nhất của
tòa nhà “hàm cá mập” (số 7 Đinh Tiên Hoàng), City View café
là một điểm thu hút nhiều thực khách, đặc biệt là khách
nước ngoài. Chỉ cần 5.000 đồng cho một ly trà Lipton là
bạn đã có một góc ngồi tĩnh lặng trên độ cao gần 20
m, để vừa nhâm nhi ly trà, nghe nhạc vừa ngắm nhìn phong
cảnh Hồ Gươm.
Nhà hàng phục vụ từ các
loại đồ uống nhẹ như trà Lipton, cà phê… rượu các loại,
đến các đồ ăn điểm tâm sáng và ăn nhẹ lúc đêm khuya.
Thực đơn cho buổi sáng có tới hơn 10 loại bánh mì, giá
từ 7.000-19.000 đồng/suất. Đặc biệt tại đây còn có các
loại bánh khá đặc biệt của nhà hàng như: bánh chuối mật
ong
và bánh sôcôla (8.000 đồng/suất), bánh chuối tổng hợp (10.000
đồng/suất), các loại bánh sandwich như: bò, gà, cà chua và
món sandwich mang tên nhà hàng, các loại mì xào, xúc xích rán
(giá từ 18.000-25.000 đồng/suất).
Ông Nguyễn Văn Thuận, quản
lý nhà hàng, cho biết hiện nay City View café đang hoạt động
thử nghiệm và sẽ chính thức khai trương vào cuối tháng
2 (sau khi đã đưa hệ thống thang máy vào sử dụng). Để
tạo nét độc đáo và khai thác thế mạnh vị trí nằm ngay
sát Hồ Gươm của khu nhà, từ nay đến khi khai trương, sẽ
lắp đặt hệ thống ống nhòm phục vụ khách có thể ngắm
nhìn phong cảnh Hà Nội rõ hơn.
Những quán
ăn dân dã giữa lòng Sài Gòn
Mấy năm gần đây, giữa Sài
Gòn đã mọc lên nhiều quán ăn bán những món dân dã đặc
trưng của từng miền, thu hút khách khá đông. Trước tiên
là món ăn xứ Huế: Quán Ngự Bình (số 82 cư xá Nguyễn Văn
Trỗi, quận Phú Nhuận) có đủ những món ăn mang đậm hương
vị cố đô mà không gian và cách bài trí cũng rất Huế.
Còn về ẩm thực xứ Bắc,
có lẽ hương vị một tô phở bốc khói là món sẽ làm nhiều
người nhớ đến đầu tiên. Và từ rất lâu, Sài Gòn có
nhiều tiệm phở nổi tiếng, bởi đến bây giờ nó đã trở
thành món ăn ưa thích của nhiều người chứ không còn là
riêng của cư dân xứ Bắc. Ăn phở cũng tùy theo gu của từng
người, nhưng có lẽ hiện nay vị phở của quán Dậu ở khu
cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 được dân ăn phở sành
điệu của Sài Gòn cho là ngon nhất.
Muốn ăn những món khác của
xứ Bắc, thì đến quán Dáng Xưa ở số 33 Cao Thắng hoặc
Hương Xưa ở 84 Bùi Thị Xuân và 43 Lý Tự Trọng. Những nơi
này hầu như không thiếu một món gì, kể cả món chả rươi
hiếm có và đọt lan chấm tương bần đạm bạc.
Với những món ăn ở xứ
Quảng Nam, thì hiện nay quán Phú Hương ở số 21 đường Sao
Mai, phường 7, quận Tân Bình, được đa số dân xứ Quảng
lập nghiệp ở Sài Gòn cùng có chung nhận xét là “y như
rứa”... sau khi đến ăn mì Quảng, cao lầu, cháo gà lòng
thả, bún cá ngừ, cá nục cuốn bánh tráng, mít trộn, ruột
già xào nghệ... Đến quán Phú Hương không chỉ ăn món Quảng
mà còn được nghe những câu nói “đặc Quảng” giữa những
thực khách với nhau, thường là thăm hỏi nghe vừa ngồ ngộ,
vừa làm cho những người tuy chẳng biết nhau cũng dễ bắt
chuyện sơ giao.
Một địa chỉ khác là quán
Ngon số 138 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuy mới mở nhưng nơi này đang
thu hút một lượng khách khá đông từ sáng đến khuya, do
quán có những yếu tố khá độc đáo. Quán là một biệt
thự nằm giữa trung tâm Sài Gòn, được bài trí nên một
khung cảnh hết sức Việt Nam. Với những bụi chuối xanh mướt
bao quanh đan dài xen lẫn với cau, một cỗ xe bò nằm ở góc
vườn. Gánh bông cúc trắng nằm hờ hững như cô bán hàng
vừa đi đâu đó bên một mái ngói cũ kỹ, sàn lót gạch tàu
cùng những bộ bàn ghế đen tuyền mang dáng cũ xưa, dễ gợi
nhớ trong mỗi người về một chỗ ngồi của những bậc
sinh thành.
Hiện nay, tại đây có đến
gần cả trăm món ăn thức uống của khắp mọi miền, từ
món cơm nắm tép của vùng đồng quê Bắc Bộ đến cơm nếp
muối vừng của vùng Tây Bắc xa xôi. Giá cả cũng không đắt
là bao, chỉ nhỉnh hơn một vài nghìn đồng so với khi ăn
ở một nơi nào đó.
Quán cuối
tuần: Vườn Hồng
Người ta thích đến Vườn
Hồng vào buổi chiều, vì không gian ở đây rộng, thoáng,
lộng gió vào lúc trời vừa dịu nắng. Cung cách phục vụ
ở đây theo dạng nhà hàng, nhưng giá nhiều món ăn chỉ nhỉnh
hơn quán bình dân một chút, đặc biệt là các loại hải
sản như tôm, cá cua, ghẹ...
Dù mới khai trương nhưng số
lượng món ăn trong thực đơn rất nhiều, chừng hơn 300 món.
Trong những chiếc hồ chứa thuỷ hải sản sống của nhà
hàng có tới mấy chục loại cá, cua, ghẹ, tôm... Từ những
loại cá đang là thời thượng như cá chình, cá diêu hồng,
cá chim trắng, chim xanh... đến các loại thông dụng như cá
trê, cá lóc...
Cũng như những nhà hàng khác,
tại đây cũng có nhiều món riêng của mình. Món bò nướng
Vườn Hồng khá độc đáo. Miếng thịt bò được ép thật
mỏng như miếng bò khô, tẩm uớp các loại gia vị khá lạ,
khi ăn không dai như bò nướng bình thường mà cũng không cứng
như khô bò, thật ngon.
Gỏi hải sản sò lụa cũng
là một món riêng ở đây, lấy sò lụa làm nguyên liệu chính
để làm gỏi, điểm thêm một ít hải sản khác như mực,
tôm... ăn lạ miệng. Hay như món xôi chiên phồng với chiếc
bánh chỉ bằng đầu 3 ngón tay, có lẫn đậu xanh trong xôi
nên ăn vừa giòn, vừa dẻo, vừa bùi.
Địa chỉ: 102 Cống Quỳnh,
phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP HCM.
Giá tham khảo
• Xôi chiên phồng: 2.000 đồng/cái
• Bò nướng Vườn Hồng:
25.000 đồng/đĩa
• Gỏi sò lụa: 25.000 đồng/đĩa
• Cá tai tượng chiên xù:
60.000 đồng/con
• Gà nướng: 60.000 đồng/con
• Bồ câu: 30.000 đồng/con
Quán cuối
tuần: Nhâm nhi dưới bóng tre
Quán Tre (96 Cao Thắng, quận
3, TP HCM) có mấy bụi tre vàng khá lớn. Bên trong là một sân
vườn thật rộng với nhiều cây xanh thoáng mát. Mọi thứ
dường như được trang trí thật hết sức tự nhiên, tạo
cảm giác thoải mái, thư giãn cho thực khách.
Thực đơn gần 300 món của
quán là một bộ sưu tập khá phong phú về những món ăn dân
dã, truyền thống của nhiều địa phương. Có những món đơn
giản quen thuộc như bầu, mít nấu tôm, các món gỏi, món
nướng từ các nguyên liệu dễ tìm như gà, lươn, thịt các
loại… nhưng cũng có nhiều món khá ấn tượng, độc đáo
từ nguyên liệu đến cách chế biến.
Như món gà ác nướng ống
tre chẳng hạn. Con gà ác nhỏ xíu, lọt thỏm vào trong cái
ống tre bằng cổ tay, thịt gà ác sau khi nướng không mềm
như các loại gà khác mà khô quắt lại, nhưng như vậy lại
cho một cảm giác rất lạ khi ăn, thịt dai nhưng thật ngọt.
Có những món quen, nhưng nhờ
tìm được cách chế biến vừa miệng mà hơi khác một chút
về khẩu vị lại có thể giữ được khách. Món chả cá,
cháo gà thì thật quen, nhưng trong chả cá quán Tre có thêm
một ít lá thìa là nồng nồng, cay cay; trong nồi cháo gà có
thêm một ít đậu xanh cà đãi vỏ thật bùi, thật béo, tạo
cảm giác khỏe người sau khi ăn
Quán cuối
tuần: Đời Xưa
Cái tên quán khiến nhiều
người nghĩ đến những món ăn có từ đời xưa, nhưng thật
sự những thức ăn của quán chỉ đặc biệt nhờ kỹ thuật
chế biến.
Món chả giò cá lóc của quán
Đời Xưa (18 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM) không giống bất
cứ loại chả giò nào có trên thị trường. Cá lóc còn tươi
được lóc lấy thịt, cuộn chung với nhân là thịt nạc và
một số nguyên liệu khác. Lớp da cá sạch vảy được lạng
thật mỏng, dùng để thay cho bánh tráng khi cuốn chả giò,
rồi áo một lớp thật mỏng bột chiên tôm và đem chiên giòn.
Cuộn chả giò cá lóc vì thế vừa thật giòn vừa thật mềm,
ngọt nhờ được chế biến khi cá còn thật tươi.
Món lạ ở Đời Xưa khá nhiều,
như món chả mực viên chiên; món cá diêu hồng nướng cà
tím thoang thoảng mùi khói than dân dã; món gà hấp nồi đất
độc đáo hay món lẩu hoa bốn mùa với các loại rau dùng
chung được thay bằng các loại hoa có thể ăn được như
hoa bí, điên điển, súng, so đũa…
Có khi món ăn trở nên lạ
không phải là sự thay đổi hoàn toàn về nguyên liệu, mà
chỉ cần gia giảm một chút gia vị, thêm một chút nước.
Như món nghêu hấp sả đựng trong chiếc niêu đất nhỏ. Nồi
nghêu được hấp chung với thật nhiều sả, thật nhiều nước,
rồi nêm nếm gia vị cho thật vừa ăn lại trở thành một
món dùng vào cuối bữa để giảm bớt nặng bụng, giã bớt
bia rượu bằng cách chỉ húp lấy nước. Có người ngạc
nhiên: cái thứ nước luộc nghêu mọi khi nhạt thếch, không
hiểu người ta nêm nếm thứ gì mà… ngon hơn cả nghêu.
Không khí quán ấm cúng. Cách
trang trí quán khá lạ, nhưng xem chừng đang trong giai đoạn
hoàn thiện nên chưa tạo được ấn tượng. Mặc dù quán
mới khai trương (đổi chủ) nhưng nhân viên phục vụ khá
nhanh nhẹn, hiểu ý khách. Không gian quán không lớn, nên khi
cần chỉ gọi là nhân viên quán đến phục vụ ngay.
Quán cuối
tuần: Món Thái Lan ở quán Tím
Dẫu bán đủ thứ thức ăn,
từ cơm trưa văn phòng đến các món nhậu lai rai nhưng quán
Tím "mạnh" nhất vẫn là các món ăn Thái. Trong thực đơn
của quán có hơn 60 món ăn, chia thành từng nhánh riêng biệt:
lẩu, gỏi, đồ xào, đồ tươi sống... đủ để hớp hồn
thực khách.
Món gỏi sơm tầm là một
món ăn pha trộn giữa gỏi đu đủ, tôm khô, ba khía và xôi
nếp được nấu trong ống tre. Vị bùi của xôi nếp và tôm
khô rất hảo với các thứ gia vị đi kèm, tạo cho món ăn
này sự hấp dẫn không chỉ ở mùi vị mà còn ở màu sắc
và cách trang trí. 35.000 đồng một phần gỏi như vậy cho
2 người ăn thì cũng không đắt. Nếu đi 4 người, bạn có
thể chọn các món như gỏi nghêu Thái Lan hay cá trê chiên
xù (đều 60.000 đồng). Món kể sau được thực hiện khá
thú vị: cá trê được băm cho bầm giập ở phần mình cá,
sau đó đem chiên xù, cả con cá chín phồng lên như chà bông,
ăn kèm với xoài xanh và nước chấm hảo hạng.
Món cơm chiên thơm cũng ngộ.
Cơm, tôm thịt, lạp xưởng, hột điều... được nhồi vào
một quả thơm khoét ruột và đem chiên vàng, người ăn sẽ
tận hưởng vị chua của thơm, vị béo của thịt mà cơm vẫn
giữ được độ nóng. Ngoài ra, danh mục các món ăn Thái Lan
nơi đây còn có món thịt bò phơi nắng hay phơi sương rồi
đem nướng. Chủ quán vốn có 20 năm kinh doanh nhà hàng ở
Mỹ bảo đảm với thực khách về vệ sinh của món ăn phơi
nắng phơi sương này.
Ngoài các món ăn Thái Lan,
các món ăn Trung Hoa hay thực đơn thuần túy Việt Nam, đặc
biệt là các bữa cơm gia đình cũng được nhiều người thưởng
thức. Có thực khách còn "kết" quán này bởi phong cách trang
trí nhẹ nhàng với màu tím dịu dàng xuyên suốt từ tầng
trệt lên tới tầng thượng.
Thích thú nhất là giữa không
gian không quá ồn ào mà cũng không quá tĩnh lặng. Đó là
nét khá đặc biệt của quán Tím, 39 Bis, Mạc Đĩnh Chi, quận
1, TP HCM, ĐT: 8231370.
Quán cuối
tuần: Thử món "tây" ở Bảy Nị
Các món ăn được giảm béo
một chút, bớt bơ, phô mai, tăng thêm vị mặn… để phù
hợp khẩu vị người Việt. Chính vậy món tây ở Bảy Nị,
người Việt ăn vẫn thấy vừa miệng mà người Âu cũng cảm
thấy có chút gì đó là lạ, quen quen.
Bao quanh quán Bảy Nị, 291
Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM, là một hàng dương xanh
mướt, như một lớp rèm tự nhiên phủ quanh, vừa kín đáo,
ấm cúng lại vừa nhẹ nhàng, không khí mát mẻ được giữ
lại ngay cả giữa trưa hè.
Có thể tìm ở đây những
món tôm cocktail, nui ống xốt thịt bằm, sa lát cá ngừ, bê
đút lò, thỏ nấu vang trắng… Món tôm cocktail đựng trong
trái dừa, cùng với tôm thẻ là các loại trái cây, hải sản,
khá lạ miệng.
Thịt bê đút lò mềm, ngọt
thơm mùi phô mai. Đặc biệt, món chân bê hầm mì Italy thường
được lên bảng vàng. Phần chân bê được lấy từ trên
móng một chút, có lý do của nó: nếu như chân bê lấy từ
những vị trí khác sẽ nhiều thịt, ăn mau ngán. Lấy từ
trên móng, thì chỉ được hai khoanh nhưng lại có nhiều gân,
ăn vừa giòn vừa ngọt. Thời gian hầm kéo dài từ 6 đến
8 tiếng đồng hồ.
Quán cuối
tuần: Đi ăn đồ biển
Thực khách ở TP HCM đã quen
thuộc với quán Phố Biển (93 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang,
quận 1). Tất cả cá, mực, ốc... ở đây đều được chuyển
từ Nha Trang vào bằng máy bay nên còn tươi rói.
Ngoài các món ốc hấp gừng,
cua rang me, Phố Biển còn có món rất lạ: ốc cồi mai. Thứ
ốc này gắn chặt vào đá biển, thịt vươn ra ngoài dài hơn
cả gang tay. Người bắt phải lấy dao xẻo từng khúc thịt
và đưa lên mặt nước. Ốc cồi mai mà nướng lên, thế nào
các đấng mày râu cũng điên đảo vì... tốn bia.
Nhiều quý ông đến quán thường
thích món mắt cá ngừ đại dương. Mắt cá to gần bằng bát
cơm, nếu nấu với rau ngót hoặc măng chua ăn vừa ngọt, vừa
bổ. Có một món ăn chơi mà thực khách sẽ thích thú là loại
cá cơm miệng nhỏ bằng đầu tăm, trộn với gỏi xoài, chỉ
5.000 đồng/đĩa. Trứng cá thu được chế biến theo nhiều
kiểu như chiên giòn, hấp nấm, cần tây... Một đĩa chỉ
20.000 đồng, đủ cho 3 người ăn.
Các món hải sản ở Phố
Biển tuân thủ nguyên tắc không tẩm bột. Chàng đầu bếp
cho rằng với mực ống, cá mú đỏ... ăn tự nhiên ngon hơn.
Nếu tẩm bột để chiên giòn thì sẽ mất đi chất biển.
Ngồi trong quán, khách có cảm
giác như đang ở trong lòng một con tàu, với mành lưới giăng
xung quanh, vài chiếc đèn bão khá lãng mạn. Cửa ra vào được
cách điệu như cửa kính con tàu... càng làm thực khách cảm
thấy gần với biển.
Quán cuối
tuần: Đi ăn quán miệt vườn
Những ngày cuối tuần, hẳn
không ít người thèm cái thú được trở về quê để thưởng
thức một nồi cháo cá, cháo gà dung dị, thưởng thức gió
đồng, hương lúa, vườn cây. Để thưởng thức quán miệt
vườn người ta đành phải chịu khó lặn lội ra ngoại thành.
Đi trên con đường Tân Thuận,
qua khỏi trạm thu phí Bình Chánh khoảng 500 m, rẽ trái, rồi
đi ngoằn ngoèo gần một cây số đường đất đỏ, người
ta mới có thể đến được với dãy quán Vườn Táo (ấp
3, ấp 4 xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM). Có đến các
quán vào ngày cuối tuần, người đi lần đầu hẳn sẽ ngạc
nhiên không hiểu vì sao một khu vực hẻo lánh như vậy mà
lại thu hút nhiều khách đến thế. Khách ngồi chật cả các
chòi tranh, hết ăn uống lại treo mình lơ lửng nghỉ ngơi
trên các chiếc võng được giăng xung quanh chòi để rồi...
làm tiếp một chầu buổi chiều trước khi ra về. Những người
đến muộn đành phải chấp nhận trải chiếu trên các khoảng
trống của vườn cây.
Chủ quán Vườn Táo là những
người biết khai thác ưu thế "quê mùa" của mình. Những chòi
tranh đơn sơ được lắp ghép từ những mảnh ván đầu thừa
đuôi thẹo, những cột kèo cây nhà lá vườn. Người ta vẫn
còn thấy cảnh chủ quán làm gà, làm cá ở sàn nước, nấu
ăn bằng những bếp củi, bắt gà ở trong chuồng tre hay vớt
cá ngay dưới ao. Món chủ lực của các quán miệt vườn này
đương nhiên là cháo cá. Những nồi cháo được bày lên cùng
với một đĩa rau đắng và một chén nước mắm ngọt dịu.
Món lạ ở các quán ở đây là món gỏi gà trộn rau nhút,
ăn rất ngon miệng. Rắn rằn ri cá làm ba món cũng là món
đặc sản ở đây. Thức ăn hoàn toàn là đồ tươi sống,
không qua tủ lạnh, khi gọi món ăn có khi phải chờ hơi lâu.
So với các quán ở thành phố,
giá cả ở các quán miệt vườn này khá mềm. Một nồi cháo
cá 4 người ăn chỉ vào khoảng 35.000-50.000 đồng. Điều đặc
biệt là chủ quán không tính thêm tiền các tô cháo “tăng
cường”. Gà khoảng 40.000-60.000 đồng/con. Rắn 60.000-100.000
đồng/kg tùy loại. Điều thú vị cho các thực khách trẻ
là khi đến mùa táo, họ có thể leo trèo tìm hái những trái
chín trên cành tráng miệng. Thỉnh thoảng chủ vườn còn khuyến
mãi cho khách một đĩa táo hay mãng cầu cây nhà lá vườn.
Cung cách phục vụ của các "nhân viên", hầu hết là con cháu
chủ vườn, nhiệt tình và chân chất đúng hiệu miệt vườn.
Quán cuối
tuần: Chợ quê trong quán Ngon
Giữa TP HCM hối hả, tấp
nập, người chủ quán Ngon lại tạo ra được một hàng chuối
xanh ngắt, ngăn cách quán với thế giới bên ngoài. Tới đây,
khách tưởng mình đang lạc vào một không gian khác, giữa
các dãy bàn thấp dưới mái ngói, cùng những cô bán hàng
mặc áo lụa, tà áo phất phới như thực, như mơ.
Quán có 90 món ăn đặc trưng
của ba miền, được chế biến khéo léo và giữ nguyên hương
vị địa phương. Mì Quảng làm bằng gạo lứt, vẫn còn màu
nâu hồng của gạo, thịt và tôm được ướp xào cho đậm
đà. Các món bắc như cơm nắm muối vừng, bánh tôm Hồ Tây,
bún chả... ở đây cũng làm vừa lòng thực khách. Đặc biệt,
món cơm nắm dân dã rất đắt hàng. Từng nắm cơm vắt chặt
nhưng mềm, chấm với moi xào thịt mỡ thái chỉ, vị mặn,
ngọt hòa quyện với nhau làm mềm đầu lưỡi. Nghệ thuật
ẩm thực phương Nam góp mặt với hủ tiếu Mỹ Tho, bún mắm,
hủ tiếu Nam Vang.
Khi ăn xong món chính, các vị
khách thường dạo một vòng qua các quang gánh ngoài sân, thưởng
thức đồ tráng miệng như xôi, chè cuốn... Ở đây có món
sương sa hột lựu làm từ củ năn xắt nhỏ, bao bột bên
ngoài, ăn giòn, dẻo, cùng vị bùi của đậu xanh và béo của
nước dừa. Muốn giải khát, khách có thể lựa chọn trong
đủ loại nước ép trái cây tự nhiên: cóc, ổi, nho, dưa
hấu...
Có khá nhiều người nước
ngoài đến quán Ngon, thưởng thức món ăn và cảm nhận nét
văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Đây cũng là một địa chỉ
lý tưởng để tiếp khách bởi thức ăn phong phú, phù hợp.
Không khí của quán không ồn ào mà toát lên cái gì đó rất
nhẹ nhàng, tạo cho bữa ăn thêm phần thú vị.
Địa chỉ: 138 Nam Kỳ Khởi
Nghĩa, quận 1, TP HCM.
Quán cuối
tuần: Đình làng Nam An
Giữa trung tâm thương mại
sầm uất Savico Kinh Đô trên đường Nguyễn Huệ (TP HCM), bên
lũy tre xanh xinh xắn có ngôi đình của làng quê Việt Nam mang
tên Nam An được thiết kế chuyên phục vụ những món ăn
Việt.
Trong mỗi chi tiết, từ trang
trí, màu sắc, cách bày biện trên mỗi bàn ăn đều được
chắt lọc, lựa chọn từng nét tinh tuý để lấy văn hoá
bày biện hỗ trợ cho văn hoá ẩm thực.
Nếu như đã thử dùng qua
một lần các món ăn ở đây, dễ nhận thấy trong cách chế
biến, nêm nếm tất cả các món, từ đĩa dưa góp muối chua,
tô canh ngót, canh chua, đĩa cá kho hay chiếc bánh xèo, cuốn
chả giò, cuốn gỏi cuốn đều giữ nguyên khẩu vị Việt
Nam, không thay đổi để phù hợp với khẩu vị của nguời
nước ngoài như một số nơi khác.
Vì vậy, các món ăn không
chỉ hấp dẫn khách nước ngoài muốn tìm tòi, khám phá một
nét gì đó của ẩm thực Việt Nam mà chúng còn hấp dẫn
cả khá nhiều người Việt. Món cơm tay cầm, cũng với những
hạt cơm béo ngậy thật dẻo, thật chắc, lớp cơm cháy bên
dưới chiếc thố đất thật giòn, những sợi thịt gà xé,
loại gà ta chắc và ngọt thịt, lại nghe thoang thoảng một
mùi sả thơm thật dễ chịu. Món lẩu ngót cá bông lau với
mùi thơm của thật nhiều thìa là cũng rất hấp dẫn...
Giá tham khảo
* Bò tái chanh: 49.000 đồng.
* Bò bóp thấu: 49.000 đồng.
* Cánh gà chiên nước mắm:
55.000 đồng.
* Lươn chiên giòn: 59.000 đồng.
* Thịt kho nước dừa: 49.000
đồng.
* Lươn xào sả ớt: 49.000
đồng.
* Cơm tay cầm gà xé: 55.000
đồng.
* Lẩu lươn, cá, thập cẩm:
65.000 đồng.
* Tả pí lù: 79.000 đồng.
* Lẩu ngót cá hú hoặc cá
lóc: 49.000 đồng.
Quán cuối tuần: Nhịp Sống
Thành Phố
Người đàn bà oằn lưng trên
gánh hàng rong. Xa xa chiếc máy tính khoác trên mình bộ cánh
hiện đại. Những hình ảnh đan xen đó phác hoạ những chi
tiết dòng chảy cuộc đời ở quá khứ và hiện tại. Nó
hiện diện một cách khiêm tốn nhưng trang trọng ở Nhịp
Sống Thành Phố (29 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP HCM).
Khách vào quán, điều đầu
tiên là sơ lược qua bản tin nóng. Rồi những lời bình, những
câu chuyện râm ran đã tạo nên một nhịp đập hối hả trong
không gian tĩnh lặng. Hình ảnh gợi tò mò ở đây là buồng
điện thoại dưới chân cầu thang, mang dáng dấp kỳ bí của
căn hầm bí mật. Buồng điện thoại được thiết kế với
nhiều loại âm thanh. Phong cách tương phản giữa sự ấm cúng
và nhịp đập hối hả của cuộc sống. Cà phê ở đây như
không còn hương vị vật chất thuần tuý mà nó đã được
nâng lên thành nghệ thuật.
Ngoài không gian cà phê đặc
biệt Nhịp Sống Thành Phố còn phục vụ cơm trưa văn phòng
với thực đơn phong phú, giá cả rất dễ chịu, điện thoại:
9302169.
Quán cuối
tuần: Mây Bốn Phương
Một biệt thự với khuôn
viên rộng được cải tạo thành quán ăn nên trông có vẻ
ấm cúng, gần gũi, nằm trong một con hẻm khuất cắt ngang
đường Vườn Chuối. Thực khách đến với quán Mây Bốn
Phương đa phần là khách quen, chịu "gu" của quán và mang tính
cách gia đình, bằng hữu thân mật.
Không cố hấp dẫn thực khách
bằng những món ăn thời thượng, những tên gọi lạ tai…
các món ăn của quán vẫn chỉ là những món quen thuộc, cổ
điển như mực chiên giòn, mực hấp gừng, gỏi cá, tôm lăn
bột chiên, gà hấp muối, cánh gà chiên bơ, gà hấp bia, bò
lúc lắc… Và một phần sự thu hút lại nằm ở không gian
ấm cúng, khẩu vị phù hợp với những người quen món ăn
chế biến theo cách miền Nam.
Nói đến món ăn miền Nam
là phải nói đến vị ngọt quen thuộc, khi nêm nếm, chế
biến. Và cái khéo của cách chế biến ở đây là mỗi món
ăn lại có những vị ngọt riêng. Món gỏi cá tái chanh chua
ngọt, món tôm xào sa tế ngọt pha lẫn chút cay là lạ, món
bò cuốn phô mai ngọt sắc sảo nhưng không quá béo…
Món gỏi cá được xem là
món ruột của quán, những lát cá chẽm sống, thật tươi,
được tái bằng chanh trộn kèm với gừng thái sợi, dọc
hành chẻ nhỏ như sợi chỉ… Miếng cá dai, lẫn với hành,
gừng giòn giòn… cộng hưởng với vị ngọt đằm thắm của
nước chấm khá độc đáo.
Không chỉ có cá dùng làm
gỏi, tất cả các nguyên liệu từ mực, tôm, thịt các loại
cho các món khác đều đuợc giữ rất tươi trước khi chế
biến. Và vì vậy, có những món như mực hấp gừng, chỉ
cần chấm với muối tiêu chanh nhưng vẫn ngọt, vẫn giòn.
Giá hầu hết các món đều
chỉ 20.000-30.000 đồng/đĩa.
Hãy nhớ đến Mây Bốn Phương
tại 35/3 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TP HCM và cùng
thưởng thức món ăn.
Quán cuối tuần: 3T
Quán nằm trên tầng thượng
toà nhà hơn 100 tuổi ở đường Tôn Thất Thiệp (TP HCM). Ấn
tượng đầu tiên khi bạn đến đây là không gian thoáng đãng
trong nét rêu phong cổ kính.
Nội thất thiết kế độc
đáo. Lò nướng đặt dưới bàn tạo cảm giác thoải mái
và lạ mắt, bàn ghế toàn bằng tre Đằng Ngà tạo một màu
chân quê bình dị.
Thức ăn là một “thế giới”
để bạn khám phá. Món chủ lực của quán là chả giò 3T,
hương vị của nó “độc” đến mức tìm khắp Sài Gòn
không nơi nào có. Ngoài ra, còn có cật quanh lửa hồng, cá
ngát măng cua, tôm xỉn, ếch nướng ống tre, chồn nướng
mọi, bò chưng trái dừa. Ngoài ra rượu cần cũng được xem
là món lạ nơi đây.
Cái tên đầy ấn tượng,
chất lượng tuyệt hảo. Còn giá cả ở đây cũng khá hấp
dẫn chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng/đĩa.
Quán cuối tuần: Hoàng Oanh
quán
Quán bình dị như nhà "thủy
tạ" nằm chồm ra bờ biển Cần Giờ. Một bên quán là chợ
Cần Giờ và bên kia là Lăng Ông Thủy Tướng cho nên mùa nào,
ngày nào ngư dân nơi đây đánh bắt được thứ gì thì gần
như quán có thứ hải sản đó.
Đặc biệt, con cá khoai tươi
hiếm thấy ở các chợ nội thị thì dường như có quanh năm
ở đây. Cá khoai tươi mềm như sương sáo, xương giòn tựa
sợi bún tàu nhưng mảnh hơn nhiều, có thể nhai luôn như gân.
Lẩu là món đặc trưng ở
đây, lẩu ngót cá khoai ngọt và thơm lạ; chủ yếu cá nấu
với cà chua, rau ngổ, hành ngò. Cá ngát, cá dứa cũng thế,
nấu chua cho hương vị chân chất của các loài cá biển này
- không thêm mỡ, hành phi... mà chính độ béo từ con cá tự
dấy lên hương thơm dung dị.
Bên cạnh nhiều loại cá biển
còn các thứ ốc, sò, hào, cua, ghẹ... Muốn ăn hải sản "nóng
hổi" hơn, bạn có thể ra mua hàng tận nhà ghe mang về quán
chế biến dùng tại chỗ; đoạn đường đi chỉ chừng 100
m trở lại. Không những thưởng thức đồ biển tươi xanh
mà giá cả khá rẻ, một cái lẩu trung bình chỉ 30.000 đồng.
Cuối tuần, nếu có dịp đi
Cần Giờ, tiện đường, bạn có thể ghé Hoàng Oanh quán để
thưởng thức hải sản và nghe sóng biển rì rào
Địa chỉ cuối tuần: Cối
xay gió
Đến quán Cối xay gió gặp
chàng Don Kishote, ăn món thịt lợn hai đầu da. Nhiều người
bảo đấy là món “độc chiêu” chỉ có ở Cối xay gió
(góc đường Trần Quốc Toản và Huỳnh Định Của, TP HCM).
Đến với quán này, bạn không
thể bỏ qua bộ sưu tập 11 món mực vừa to vừa tươi như
mới câu từ biển lên. Nào mực nướng lò bát quái, mực
tươi chiên cối xay gió, mực nướng cái bang... Chưa hết,
trong thực đơn còn có hơn 100 món ăn cho bạn lựa chọn với
những cái tên là lạ như cháo Thị Nở, cơm cháy vùng Vịnh...
Giá từ 7.000 đến 55.000 đồng/món. Nếu muốn đãi bạn bè,
bạn sẽ có một thực đơn với giá ưu đãi: 8 món chỉ có
275.000 đồng.
Đến đây, bạn còn có cơ
hội trúng thưởng tivi, máy đánh trứng, quạt máy, bình pha
trà, máy sấy tóc... Cối xay gió sẽ có nhiều điều bất
ngờ dành cho bạn.
Quán ăn gia đình Dìn Ký
Quán ăn Dìn Ký nằm cạnh
quốc lộ 13, thuộc xã Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Dương, cách
cầu Bình Triệu 6 km. Quang cảnh thiên nhiên tạo cho mọi người
cảm giác thư thái ngay khi vừa đặt chân đến.
Gọi là quán ăn, nhưng thật
ra Dìn Ký còn là khu vui chơi giải trí mini. Chỉ cần 40.000
đồng, nhóm bạn dưới 5 người sẽ có ngay một giờ lênh
đênh trên sông nước. Trên 10 người, giá 80.000 đồng. 15.000
đồng bạn sẽ được phục vụ trọn gói dịch vụ hồ bơi,
hồ massage, xông hơi.
Các trò tiêu khiển phổ biến
đều có ở đây: karaoke 20.000 đồng/giờ, cầu lông, billard
10.000 đồng/giờ... Khi dạ dày lên tiếng, các món ăn bốc
khói sẽ sẵn sàng trước mặt bạn. Hải sản đút lò 35.000
đồng, cá chém đút lò 34.000 đồng, cua đút lò 40.000 đồng,
cá lóc nướng trui 80.000 đồng.
Các món lạ miệng bạn nên
thử là cà ri Ấn Độ 26.000 đồng, gà con nhồi cơm 35.000
đồng.
Quán cuối tuần: Miss Saigon
Ngay giữa trung tâm TP HCM, tìm
được một địa điểm ẩm thực thoáng mát, sang trọng như
Miss Saigon là hơi khó. Nhà hàng mang tên “Cô gái Sài Gòn”
này tọa lạc tại địa chỉ 86 bis Lê Thánh Tôn, quận 1.
Nhà hàng chia làm hai khu. Trong
nhà có trang bị máy lạnh, sức chứa khoảng 170 khách. Ngoài
trời là một khu vườn cảnh xanh tốt và rộng lớn, nằm
kề bên hông của Bảo tàng Cách mạng. Sức chứa của khu
vườn có thể lên đến 600-700 thực khách. Vào buổi chiều
muộn, hoặc buổi tối, khu vườn thật thơ mộng. Nếu bạn
đi cùng người yêu, sẽ có một góc thì thầm lý tưởng.
Sinh nhật, tiệc cưới tổ chức ở đây cũng thật thú vị.
Thưởng thức món ngon
Nhà hàng mở cửa từ 10h.
Có vô số món ăn để bạn lựa chọn. Phần lớn là các món
đậm đà hương vị Việt Nam. Những món được nhiều người
ưa thích là: sườn chiên Kinh Đô (35.000 đồng/đĩa), ốc bươu
nhồi thịt hấp lá gừng (35.000 đồng/đĩa), gỏi cá bông
chuối (40.000 đồng/đĩa), lẩu chua cay Miss Saigon (70.000-90.000
đồng)...
Món gỏi cá bống mú Miss Saigon
là đặc sản được ưa chuộng ở đây. Đặc biệt vào thứ
bảy và chủ nhật hằng tuần, bạn sẽ được phục vụ tiệc
buffet với trên 25 món nướng và các món ngon miệng khác, chỉ
60.000 đồng/người lớn, 40.000 đồng/trẻ em.
Quán cuối
tuần: Hương đồng nội
Chủ nhân của địa chỉ ẩm
thực này là dân miền Tây chính hiệu. Anh đã mang nhiều món
ăn “sặc mùi” hoang dã của quê mình lên TP HCM để khai
trương Hương đồng nội. Quán của anh toạ lạc tại 19B Nguyễn
Thị Diệu, quận 3.
Bạn sẽ thích thú với các
món ăn từ thời khẩn hoang Nam Bộ: Thịt le le xào bầu hoặc
hầm sả béo ngậy; Gà tre nướng đất sét, hấp lá chanh ngọt
lừ; Chuột đồng Cao Lãnh rô ti, nướng sả ớt, xào lá cách
thơm phức...
Giá cả dễ chịu
Các món gà 55.000-60.000 đồng/con.
Le le giá cao hơn 130.000 đồng/con, đó là món ăn cực ngon của
Hương đồng nội. Trong khi đó, chuột đồng chỉ 12.000 đồng/con.
Quán cuối tuần: Vợ thằng
Đậu
Chủ nhân của quán là nghệ
sĩ Lê Vũ Cầu. Anh đã từng vào vai thằng Đậu trong vở hài
kịch mang tên “Vợ thằng Đậu”. Quán nằm cách trung tâm
TP HCM khoảng 16 km. Từ Sài Gòn đi Thủ Đức, đến ngã tư
Bình Thái rẽ vào đường Đặng Văn Bi một đoạn ngắn, là
đến quán này.
Một khung cảnh thơ mộng miền
quê mở ra trước mắt bạn. Nép mình dưới tán lá xanh mát
là những túp lều xinh. Đấy sẽ là nơi thú vị để “bù
khú” với bạn bè. Nhưng cũng có những “góc thầm” yên
tĩnh dành sẵn cho hai người.
Điều hấp dẫn trước hết
dĩ nhiên phải là món ăn. Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu nói: “Tôi
đưa vào món ăn hương vị miền quê”. Bạn sẽ thấy có
nhiều món thật dân dã, giá bình dân. Như gà hấp xôi (60.000
đồng), gà nấu ống tre (40.000 đồng), gỏi mít, gỏi măng,
gỏi bắp chuối (10.000- 15.000) đặc biệt là món gà nướng
“vợ thằng Đậu” do Lê Vũ Cầu chế biến (55.000 đồng)...
Bữa ăn của bạn thêm ngon
miệng khi được phục vụ chương trình ca nhạc. Rất có thể
bạn sẽ được chính nghệ sĩ Lê Vũ Cầu hát hoặc đóng
kịch theo yêu cầu đấy.
Địa chỉ
cuối tuần: Quán Đo Đo
Quán Đo Đo của nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh nằm ở 10/14 Lương Hữu Khánh, quận 1, TP HCM, độc
đáo với món bánh tráng đập. Món này hết sức đơn giản,
chỉ có bánh tráng nướng giòn rồi dán lên một lớp bánh
ướt, bẻ nhỏ ra, chấm với mắm cái thật đậm đà. Cầu
kỳ hơn thì có thể ăn chung với thịt luộc, thịt nướng,
cứ miếng trước tiếp miếng sau cho tới lúc no mà không thấy
ngán.
Tại đây còn có món bún cá
ngừ giản dị. Cá ngừ kho nhạt thật nhiều nước như kiểu
nấu ngót, nhưng chỉ kho độc với mỗi dứa (khóm), ăn chung
với bún, rau sống khi còn thật nóng dễ khiến người ta liên
tưởng đến những hôm trời miền Trung rét căm căm, cả gia
đình quây quần bên nồi cá ngừ kho chan với bún. Cái khó
của món ăn này giữa Sài Gòn là kiếm cho được cá ngừ
thật tươi để khi ăn miếng cá thật chắc để cảm được
cái vị ngọt lừ của cả cá lẫn nước.
Cá ngừ kho ở quán Đo Đo
tuy không thật tươi, thịt cá khi kho ra hơi đỏ hồng chứ
không được trắng như cá mới đánh dưới biển lên, nhưng
chừng mực nào đó vẫn còn được vị ngọt của cá, không
bủng, không chát.
Nướng -
món ăn thời thượng
Tại TP HCM, hiện không thể
đếm xuể có bao nhiêu quán, tiệm, nhà hàng, thi nhau khoe có
món nướng đặc sản. Nhiều nhà đầu tư vào ngành ăn uống
đã bỏ số tiền lớn ra thuê, hoặc cải tạo mặt bằng để
dựng lên bảng hiệu "Quán nướng đặc sản", "Làng nướng".
"Làng nướng" thực ra chỉ
là một địa điểm ăn uống có sân vườn. Sau khi một Làng
nướng xuất hiện ở gần trung tâm thành phố, thì có ngay
những làng nướng khác mọc lên ở các quận, huyện. Hai chữ
"làng nướng" thường được kèm theo một địa danh hay một
quận huyện nào đó, như Làng nướng Cây Sung, Làng nướng
Cây Thị, Làng nướng Thủ Đức chẳng hạn. Từ Làng nướng
Nam Bộ, người ta đã nhanh chóng lập ngay Làng nướng Tây
Nam Bộ.
Rồi thấy "làng" không bề
thế lắm, người ta đã khai sinh ra "phố nướng". Sau đó,
người ta còn "cách tân" thành những phố nướng đặc thù,
mang những cái tên khá ấn tượng. Mang màu sắc và hương
vị của cả ba miền đất nước thì có Phố nướng Bắc
Trung Nam. Lại có nơi bạo hơn khi trương bảng Khu phố nướng
không có nghĩa là "nhà nhà đều nướng, người người đều
nướng" mà chỉ mang ý nghĩa "khu phố có nhiều quán nướng".
Chịu khó tìm hiểu và thống
kê, người ta có thể nhận diện được gần 200 món nướng.
Từ món đơn giản nhất đến món công phu. Những món bình
dân nhất, là cà tím nướng, đậu bắp nướng... Những món
khá hơn một chút thì có ốc nướng, nghêu nướng, cua nướng,
sò nướng, ếch nướng... Những món "đặc sản nướng" thì
có nem Thủ Đức nướng, chuột Đồng Tháp nướng... Những
món nướng phổ thông nhất là gà ta nướng, bò nướng, cá
nướng...
Chỉ riêng món gà nướng,
bò nướng đã có hàng chục kiểu. Bình thường, các món nướng
thường được nướng tại bàn ăn, ngoài bàn ăn, nướng trên
vỉ lớn, vỉ kẹp, trên than và trên cả cồn. Có những món
nướng rất công phu như món bò nướng ống tre là bò thịt
tẩm gia vị, dồn vào ống tre tươi rồi nướng bằng than.
Cá lóc là loài thủy sản
được thực khách khoái ăn nhất. Cá lóc có thể nướng bầu,
bọc đất sét nướng, gói giấy bạc nướng, gói lá chuối
nướng, hoặc để nguyên con nướng gọi là cá lóc nướng
trui. Món cá lóc nướng trui đúng là món nướng đặc biệt
của miền Tây Nam Bộ nói riêng, của cả Nam Bộ nói chung.
Theo những người sành ăn,
"nướng" là nghệ thuật ẩm thực cao. Nướng có lửa ngọn
hay không có ngọn, đặt xa hay gần lửa than, khi ăn trình bày
ra sao, ăn lúc nào, chấm với loại nước chấm nào..., tất
cả đều đòi hỏi tay nghề của đầu bếp và nghệ thuật
thưởng thức của người ăn.
Món nướng có thể nhắm với
rượu, bia, để thưởng thức đầy đủ hương vị toát ra
từ thịt cá, từ gia vị, từ lá gói, từ khói và lửa. Món
nướng còn được cuốn với rau sống, rau thơm, khế chua,
chuối chát, bánh tráng rồi chấm nước mắm pha khéo hoặc
các loại mắm phù hợp với mỗi món.
Nướng là kiểu ăn thời xưa,
nhưng lại được người đang sống ở thời đại văn minh
yêu thích, trân trọng và nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực
chất lượng cao.
Quán cuối
tuần: Bún suông tôm Thanh Thế
Món bún suông tôm nổi tiếng
ở Sài Gòn từ thập niên 60, giờ đây, nhà hàng Thanh Thế
(số 9, Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP HCM), đang khôi phục lại
món ăn này gần đúng với khẩu vị nguyên thủy của nó.
Bún suông là món bún nước
đặc thù Nam Bộ với nước lèo được nấu và lấy cốt
từ chất ngọt của đùi giò heo. Bà chủ nhà hàng Thanh Thế
khi xưa đã cải tiến món ăn này một chút cho có vẻ Tây
nhưng vẫn mang đậm hương vị Việt. Tô bún suông tôm Thanh
Thế khi dọn ra cho thực khách có màu vàng óng ánh trên mặt
bún nhờ được điểm thêm một chút gạch tôm và cua tạo
vị thơm và béo. Những miếng thịt heo ba chỉ được thái
thật mỏng xen kẽ với những miếng chả tôm bùi và giòn
làm cho tô bún thêm phần đậm đà.
Lạ nhất là người ta có
thể ăn bún với bánh… paté chaud. Món bánh mì nướng nhân
thịt có thể ăn kèm hoặc nhúng trực tiếp vào nước bún
đang nóng hổi.
Giờ đây món bún suông Thanh
Thế vẫn là bún tôm, chả tôm, gạch cua… ăn với bánh paté
chaud. Theo một số thực khách đã từng thưởng thức món
bún suông tôm Thanh Thế hơn hai mươi năm trước thì món bún
suông tôm Thanh Thế ngày nay vẫn chưa tìm lại được hương
vị đậm đà như xưa. Nhưng cái "thần" của món ăn này thì
đã đạt được 80-90% so với trước.
Giá của tô bún suông có kèm
thêm bánh paté chaud là 18.000 đồng/tô, nhưng thực khách có
thể cảm nhận được đó là tìm thấy một món ăn xưa đang
được khôi phục trong một chốn ăn quen - nhà hàng Thanh Thế.
Cũng có cái khác, đó là nhà hàng được trang bị lại tươm
tất, khang trang, nhân viên phục vụ cũng chu đáo, ân cần.
Trong tháng 6, nhà hàng Thanh Thế sẽ tặng một ly rượu vang
và một món khai vị miễn phí cho khách đến ăn tại nhà hàng.
Quán cuối
tuần: Ngôi sao may mắn
Là một nhà hàng cao cấp mang
phong cách Hong Kong, tọa lạc tại khu trung tâm Sài Gòn trong
toà nhà Lucky Plaza. Tại đây thực khách có thể tận hưởng
bầu không khí ấm cúng thoải mái và thưởng thức những
món ăn độc đáo do chính các đầu bếp người Hong Kong thực
hiện.
Các món ăn của Ngôi sao may
mắn đều mang phong cách cung đình của người Trung Quốc,
được nghiên cứu và chế biến theo kinh nghiệm gia truyền
nên mỗi một món ăn đều rất bổ dưỡng cho sức khoẻ,
đặc biệt hầu hết các món ăn này được chế biến không
có nhiều gia vị.
Món bào ngư tại nhà hàng
được hầm nhừ rất lâu và công phu (khoảng 3 ngày) và nấu
rất kỳ công. Hoặc những món được chế biến tinh xảo
như: cá mặt quỷ hấp, yến dừa tươi... Dụng cụ làm bếp
đều được nhập khẩu trực tiếp từ Hong Kong để đảm
bảo độ lửa và độ chín tới của món ăn. Ngôi sao may mắn
không những mang lại cho thực khách hương vị độc đáo của
Hong Kong mà còn có thể hoàn toàn yên tâm vì giá cả bình
dân và cung cách phục vụ hoàn hảo.
Quán cuối
tuần: Điểm tâm kiểu Tàu
Thực đơn của người Hoa
rất phong phú, đa dạng. Gần đây, hàng loạt các hàng bán
điểm tâm kiểu này đã phát triển trong TP HCM mà món ăn của
nó luôn tạo cho thực khách sự hấp dẫn.
Nhiều món ngon lạ miệng
Món điểm tâm có gần 50 loại
khác nhau rất hấp dẫn. Món bánh cuốn Thanh Trì tráng mỏng,
chả quế dai và ngọt vị thịt, nước mắm lại có vị thanh
kiểu Bắc, thì món bánh cuốn kiểu Tàu vỏ bánh dày, bánh
to bằng một bàn tay được xếp thành lát mỏng và dài với
nhân tôm hoặc thịt cuốn bên trong, nước chấm được pha
chế từ nước tương có vị chua rất dịu và vị ngọt đằm,
rưới thêm chút dầu mè tạo mùi thơm hấp dẫn. Nhân bánh
cuốn được làm từ nguyên liệu tôm tươi. Mặt bánh ẩn
hiện màu đỏ hồng của bốn con tôm to đã bóc vỏ, bánh
cuốn xá xíu đã tẩm ướp ngòn ngọt... Một đĩa bánh thường
có ba cái, khách lấy từng bánh vào chén rồi dùng với chút
nước tương ớt cho đậm đà thêm.
Món được phụ nữ ưa thích
là món bánh khoai môn xốp nhân tôm thịt. Mỗi chiếc bánh
có hình tròn như quả trứng với lớp vỏ bọc ngoài làm từ
khoai môn ăn vừa dẻo vừa béo lại bùi bùi, nhân bên trong
là tôm tươi, thịt nạc và nấm được băm nhuyễn ướp gia
vị vừa ăn. Phủ thêm lớp áo ngoài là bột xốp nên sau khi
chiên giòn ăn nóng, mùi thơm và vị khoai dậy lên khá ngon.
Theo những câu chuyện kể
về phong tục của người Hoa thì bánh củ cải vốn là món
ăn thôn dã của những người lao động nghèo. Đến thời
vua Càn Long của nhà Thanh, món bánh củ cải được những
đầu bếp hoàng cung chế biến thành món sang trọng. Còn ở
quán điểm tâm này, bánh củ cải cũng vị bột gạo, cũng
những sợi củ cải thái mỏng, bánh củ cải sệt mùi thơm
tự nhiên của củ cải trắng quyện với vị thơm của thịt
xá xíu, của trứng, của lạp xưởng...
Bánh củ cải có hai dạng,
bánh hấp, bánh chiên. Bánh hấp có vị mặn rất dịu, người
thích có thể ăn 2-3 cái không ngán. Bánh củ cải chiên thường
được bọc thêm một lớp trứng tươi nên có màu vàng nhạt
trông đẹp mắt, ăn dễ ngán, nhưng bánh cứng và có vị béo
thì ngon hơn.
Món chả giò điểm tâm cũng
có đủ khẩu vị như chả giò Việt Nam, gồm các loại nhân
tôm thịt, tôm cua, thịt xá xíu, thịt nấm... Vỏ cuốn chiếc
chả giò được làm bằng tàu hũ ky nên có vị dai và đậm
đà hơn bánh tráng bột gạo và được chế biến theo hai cách
chiên hoặc hấp. Chả giò điểm tâm chỉ bé bằng ngón tay,
khi hấp có rưới lớp nước xốt dầu hào ăn béo nhưng không
ngán. Chả giò chiên lại có vị giòn tan hầu như không bị
ỉu nhờ lớp tàu hũ ky bọc rất dày.
Dịch vụ
kiểu hiện đại
Điểm tâm sáng ở nhà hàng
Hoa này khá rẻ, từ 12.000 đến 15.000 đồng/món. Tầng một
của quán có hai kiểu bàn ghế cao bàn ghế thấp, tuỳ theo
thói quen ưa thích mà khách có thể chọn. Khách đi ăn theo
nhóm bạn và gia đình có thể dùng điểm tâm ở các tầng
trên có nhiều loại bàn từ 4 chỗ đến 12 chỗ. Các trang
thiết bị trong quán khá hiện đại, các loại cà phê, nước
nóng đều có bình ủ inox loại lớn. Nhân viên mặc đồng
phục áo thun gọn gàng. Trên bàn ăn luôn có sẵn các chén
sứ trắng tinh, tách trà và bình trà nóng pha đúng khẩu vị
Hoa cho khách uống thoải mái.
Một điểm thu hút của quán
là việc phục vụ tốt. Món điểm tâm nhiều là vậy, nhưng
tất cả đều được chuẩn bị sẵn, khách gọi món được
nhân viên phục vụ nhanh nhờ họ đưa vào các lò hấp hoặc
nướng làm nóng và đưa ra bàn ngay sau vài phút.
Ngoài ra, quán điểm tâm này
còn có các món quen thuộc như há cảo, xôi nếp, bánh xếp,
bánh hẹ, bánh bao sữa, bánh bao xá xíu... cùng với các món
mì, hủ tíu với đủ các loại thịt heo, gà, cá, tôm tươi,
tim, gan, cật...
Lạ miệng hơn có các món
mì sườn nấu kiểu Hong Kong, mì ca-ri dê nấu kiểu Ấn Độ,
mì thập cẩm có bánh tôm chiên theo kiểu Quảng Châu...
Đến quán điểm tâm này,
bạn có thể ăn bữa sáng nhẹ và đủ chất, hoặc có thể
ăn một bữa tiệc thịnh soạn cho cả gia đình với vài chục
món khác nhau.
Địa chỉ: số 18 đường
Ký Hoà, quận 5 (bán từ 7h đến 13h)
Gà nướng
đất sét
Vào mùa gặt, ở miệt đồng
huyện Thốt Nốt, TP HCM, nông dân rất khoái làm món gà nướng
đất sét. Sau một ngày lao động cật lực ngoài đồng, lúc
chiều mát, thợ gặt tụ tập lại. Sẵn gà, sẵn đất ruộng,
sẵn rơm, chỉ cần thêm một chai rượu đế, mươi phút sau
là mọi người đã có thể quây quần bên món nướng thơm
phức, cùng nhâm nhi hớp rượu nồng giữa cánh đồng lộng
gió.
Gà (còn nguyên lông) được
cắt tiết và phao câu. Tiếp đó là khéo léo moi ruột. Mở
một lỗ ngay vị trí phao câu. Một tay giữ cổ gà, tay kia
luồn qua lỗ mở, rút dần ruột gà và lục phủ ngũ tạng
gà. Cuối cùng, rút bầu diều và cuống họng gà. Nếu sơ
suất, bầu diều vỡ, thức ăn trong diều tràn trong khoang bụng
gà, thì coi như... uổng công - vì để giữ vị ngọt đậm
cho thịt gà, không thể dội nước rửa khoang bụng gà. Lòng
gà được làm sạch và nhồi lại vào bụng, sau đó dùng chỉ
hoặc dây lạt khâu kín các vết cắt nơi cổ gà và lỗ mở
(để đất sét đắp lên không tràn vào bụng gà). Nhúng gà
cho ướt nước từ đầu đến chân; sau đó đắp đất sét
kín lên cả con gà. Đất sét phải nhồi vừa đủ dẻo để
làm tăng độ kết dính với lông và gỡ ra dễ dàng khi gà
chín. Đắp đất hơi dày để khi nướng, đất đủ độ nóng
làm chín thịt gà. Loáng cái, con gà bỗng biến thành... tảng
đất sét to.
Vùi "tác phẩm" của mình vào
giữa đội rơm khô (bó rơm to khoảng sải tay) giữa đồng
và châm lửa nướng, anh Sáu, một người dân trong vùng nói:
"Tuyệt chiêu của món này là tận dụng nguyên liệu sẵn có,
cách làm đơn giản, nhanh chóng nhưng hương vị thì ngọt béo
đậm đà, rất riêng và lạ, khác hẳn món "gà nướng" bán
đầy ở trên thành phố. Chỉ một con "kê" với mấy xị đế
và nhúm rau ớt hái lẹ ngoài ruộng là cánh thợ gặt có thể
phong lưu sau một ngày gặt hái. Còn gì sướng bằng!".
Rơm cháy đượm cộng với
nhiệt tỏa ra của tro rơm khiến đất sét ngả mầu trắng.
Sức nóng của đất sét đã nướng chín đều con gà. Khi hai
đội rơm đã tàn là lúc gà chín. Gỡ đất ra đến đâu,
lông gà dính theo bong ra từng mảng đến đó. Khác hẳn vẻ
xấu xí ban đầu, "tác phẩm" giờ đây thật đẹp mắt: con
gà sạch bong, da vàng sậm, tứa mỡ lấm tấm, thịt trắng
phau.
Gà nướng được xé thịt,
vài trái cà chua và dưa leo xắt lát, mớ rau thơm và muối
tiêu chanh. Nhấp ngụm rượu đế nồng nàn tình quê và nhai
chầm chậm miếng "mồi" thịt gà, nghe trong vị rượu cay nồng
dậy lên vị thịt ngọt lịm và vị béo từ mỡ gà quyện
với mùi rau thơm và vị mằn mặn, chua chua của muối tiêu
chanh. Rồi ngụm rượu như trôi theo vị man mát của miếng
dưa leo giòn rụm mà thấm dần xuống bao tử. Phút chốc, những
hương vị này như hòa lẫn và lan tỏa chầm chậm khắp người.
Địa chỉ
cuối tuần: Quán bên sông
Nếu bạn đã quá quen thuộc
với các nhà hàng, quán xá “đóng khung” trong những bức
vách kín bưng, bàn ghế xếp san sát... bạn có thể chọn một
quán ngoài trời, bên dòng nước trong xanh để cùng gia đình,
bè bạn thư giãn. Bạn đến quán Thạnh Lộc, ngay chân cầu
An Lộc đường Nguyễn Oanh, quận 12 TP HCM để thưởng ngoạn
các món ăn dân dã.
Quán có những món chủ chốt
như: rắn ri, cua đinh, gà nước, thỏ, cá chìa vôi, cá ngác...
và mỗi loại có tới 5-6 cách nấu nướng khác nhau.
Rắn ri, cá xắt khúc hầm
sả như tên gọi, có một ít cháo, đậu, củ cải trắng,
nấm rơm và nước dừa, hầm nhừ bày trên cái lẩu hay trên
bếp gas để giữ độ nóng. Thịt rắn mềm tựa như gà tơ,
da giòn tan với vị thơm, ngọt rất riêng biệt. Giá một nồi
chừng 100.000 đồng cho 4 người dùng, tuỳ vào cân lượng
con rắn.
Bồ câu ra ràng hay chim cu nướng
muối ớt là món chỉ tẩm, xát muối ớt rồi đem nướng
nên hương vị của thịt tăng thêm; giống như dưa hấu phải
chấm muối ớt thì dưa mới ngọt vậy. Muốn chế biến, chẳng
khó khăn vì đã có chim nướng ngũ vị, tiềm thuốc bắc hay
nấu cháo đậu xanh và mỗi món là một “gu”, một sắc
thái cho khẩu vị. Giá 20.000 đồng/con.
Cua đinh cũng có lắm món như
nấu cà ri; nấu đậu xanh củ cải; với chuối xanh; hầm thuốc
bắc hay xào gừng hoặc nướng ngũ vị. Tiết cua đinh được
“trích” trực tiếp tại bàn cho vào rượu, nhâm nhi thật
nồng cay với các món thịt của nó.
Nhiều nơi khác thường sử
dụng các loại cá khá quen thuộc như chẽm, chép, rô phi, điêu
hồng... Thạnh Lộc lại chọn đặc sản cho quán là cá chìa
vôi, cá ngác nước lợ.
Chế biến hai loại cá này,
đơn giản là nấu với măng chua (măng muối tươi trắng, không
qua luộc trước), nấu ngót theo kiểu Nam Bộ hay chưng tương,
hoặc đặc biệt hơn, cá chìa vôi còn nấu cháo nấm rơm hay
bóp gỏi củ hành cũng khá ngon.
Đã đến đây, không mấy
ai chịu ngồi trong lồng quán, mặc dù không có vách ngăn,
tứ bề gió lộng, thực khách thường chọn những bàn kê
dưới hàng dừa dài dọc theo con sông nhánh của sông Sài Gòn,
nước mấp mé chỗ bạn ngồi chỉ vài ba thước. Lâu lâu
lại có con đò đưa qua lại, gió nhẹ và sóng bập bềnh,
không gian tự nhiên thú vị. Cảm giác “về làng” hiện
rõ, bạn có thể diện kiến rắn, rùa, chim... được bày xung
quanh quán.
Gần kề phố thị nhưng sông
nước, cỏ cây xào xạc đã “ngăn cách” được nhịp sống
ào ạt đó để bạn thưởng thức món ngon trong bối cảnh
dân dã.
Quán cuối
tuần: Cá hồi Alaska nấu kiểu thôn dã
Từ căn gác nhỏ bé rộng
chừng 20 m2, bạn sẽ được ngắm toàn cảnh khuôn viên dinh
Thống Nhất với những thảm cỏ xanh, nghe được cả tiếng
lao xao của gió tạo cảm giác thanh thản và thư giãn, được
thưởng thức các món ăn độc đáo chế biến từ cá hồi.
Đó là quán Alaska, 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP HCM.
Đến ăn ở đây bạn sẽ
được thưởng thức món ăn theo cách chế biến chính thống
kiểu Tây như: cá hồi hun khói, cá hồi sống… hay các món
được Việt Nam hóa như cá hồi cuộn ba chỉ, cá hồi kho
tộ, lẩu cá hồi nấu theo kiểu canh chua…
Món lẩu cá hồi khá đặc
biệt, khác với cái vị ngọt, dai, nồng của loại gỏi cá
ăn với mù tạt, thịt cá hồi khi đưa vào lẩu trở nên mềm
và hơi nhạt vì vị ngọt của chúng đã hoà trong nước dùng.
Thế nhưng một mùi vị không lẫn vào đâu được của lẩu
cá hồi chính là mùi của mỡ cá, chỉ dùng qua một lần là
phân biệt được ngay. Không tanh, không nặng mà cũng không
thơm, rất lạ.
Ngoài ra, bạn có thể ăn các
kiểu lẩu canh chua nấu bằng loại cá này để thay đổi khẩu
vị. Vị của nó chua, hơi cay nhưng cá béo và khác hẳn so
với cá lóc, cá bông lau.
Các loại rau dùng kèm với
lẩu vẫn là dọc mùng, rau đắng, rau muống cọng, nhút…
Giá một lẩu lớn 90.000 đồng, lẩu nhỏ 70.000 đồng.
Một đặc sản khác của quán
chính là bạch tuộc, người Việt Nam ít dùng, nhưng bạch
tuộc là món khoái khẩu của người Nhật. So với mực thì
món này có độ giòn và mềm hơn. Thử món bạch tuộc xào
sa tế bạn sẽ cảm nhận được thịt bạch tuộc với vị
ngọt, giòn lại cay cay.
Cấu trúc của quán Alaska khác
hẳn những quán ăn nằm gần khu vực dinh Thống Nhất. Nội
thất với những lan can, vách ngăn hoàn toàn bằng tre, có vẻ
cũ kỹ với chừng dăm bộ bàn ghế gỗ phủ một lớp véc
ni màu cánh gián tạo nên một không gian gần gũi mà dân dã.
Quán cuối
tuần: Hủ tiếu Sài Gòn
Đây là món ăn rất được
ưa chuộng đối với người dân Sài Gòn. Bạn có thể ghé
vào bất cứ một hàng ăn nào trong thành phố và gọi một
tô hủ tiếu theo giá từ 8.000-25.000 đồng với nhiều lòng
heo và mỡ béo ngậy...
Quán Hồng Phát, 389 đường
Võ Văn Tần, luôn bán hủ tiếu cỡ... đại với giá cao nhất
Sài Gòn - 25.000 đồng/tô, ngoài ra còn có bánh bao xíu mại
giống như tại các cửa hiệu của người Hoa. Hủ tiếu Kim
Tháp, số 475 Nhật Tảo, giá 15.000 đồng/tô, cũng là một
địa chỉ khá quen thuộc và luôn đông khách. Nếu như bạn
muốn ăn kiêng, không thích béo, hãy thử đến tiệm hủ tiếu
cá Nam Lợi, số 43 Tôn Thất Đạm. Bỏ ra 15.000 đồng, bạn
sẽ có ngay một tô hủ tiếu nóng thơm lừng, với thành phần
chủ yếu là da gà và cá.
Gần đây, Sài Gòn lại có
thêm địa chỉ mới dành cho những người… kén ăn, vừa
ngon, vệ sinh, lại rẻ, thuận lợi cho những khách đi xe máy,
đó là hủ tiếu Nam Vang. Khách sành ăn dù ở quận 1 hay tận
Phú Nhuận cũng tìm đến số 319 Lý Thường Kiệt, quận 10
để thưởng thức tô hủ tiếu Nam Vang của anh Ti-Lum, cựu
đầu bếp Hoàng gia Campuchia. Theo lời anh, trung bình mỗi buổi
sáng từ 7h-9h, quán bán khoảng 300 tô. Cũng có không ít khách
thích ăn hủ tiếu khô sau đó gọi thêm một chén xí-quách
mềm chấm xì dầu. Giá ở đây chỉ khoảng 8.000 đồng/tô
và đặc biệt không tốn tiền gửi xe. Khi được hỏi về
bí quyết làm sao để có tô hủ tiếu đúng hương vị Nam
Vang, chủ quán cười và nói: “Tất cả phải rất tự nhiên,
từ xương, tủy, thịt, rau... không được dùng mì chính hay
hóa chất"
.Chương trình
tiệc buffet ngày tình yêu
Nhiều đơn vị thuộc Tổng
Công ty Du lịch Sài Gòn đã chuẩn bị sẵn chương trình phục
vụ các cặp tình nhân với nhiều hình thức hấp dẫn. Hầu
như đơn vị nào cũng có tiệc buffet trong thời gian suốt ngày
và đêm 14/2.
Khách sạn (KS) Majestic có “Tiệc
nướng Valentine”, giá 150.000 đồng/người. KS Grand có “Buffet
ngày tình yêu” nhiều món ngon, giá vé 90.000 đồng/người
lớn, 60.000 đồng/trẻ em. KS Kim Đô cũng thực hiện buffet
20 món tự chọn, giá khá cao: 160.000 đồng/người kèm hoa hồng
tặng bạn nữ và phần quà cho bạn nam. KS Thiên Hồng với
thế mạnh về món ăn Hoa có tiệc “Buffet Valentine” 33 món
ăn Hoa - Việt, giá tương đối rẻ: 55.000 đồng/người lớn,
30.000 đồng/trẻ em.
Cháo trắng
ăn đêm
Nếu chú ý một chút, người
đi đường tại TP HCM có thể dễ dàng nhìn thấy những quán
bán cháo đêm với tấm bảng hiệu “Cháo trắng lá dứa”,
“Cháo đậu”... dưới ánh đèn neon nằm rải ở nhiều đường
phố.
Gọi là quán, song hầu hết
các điểm bán cháo đêm này không có tên, chỉ là một chiếc
xe đẩy, phía trên là kệ đặt thức ăn (có kính che chắn
bụi khói thường) nằm nép trước hiên nhà, bàn ghế thì...
cơ động - có khách thì bày ra lề đường, không có khách
thì xếp gọn lại. Nhiều điểm đã có mặt khá lâu và hoạt
động đều đặn với lượng khách gần như quen thuộc, chứng
tỏ người dân thành phố có sở thích và nhu cầu ăn cháo
ban đêm. Ngoài cháo trắng, một số nơi còn nấu thêm cháo
đậu (đậu xanh, đậu đỏ) có thêm nước dừa để thay đổi
khẩu vị cho khách. Món ăn kèm với cháo thì gần như nhau:
thịt kho, cá cơm kho tiêu, trứng vịt muối, bắc thảo, thịt
chà bông, dưa món, củ cải muối, dưa mắm...
Có nơi còn thêm món ba khía
như dãy quán cháo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần ngã
tư Hàng Xanh. Tại quán cháo Thị Nghè, cách cầu Thị Nghè
100 m, bán cả ban ngày cho đến nửa đêm, có tới hơn chục
loại cháo. Ngoài món chính là cháo trắng, còn có cháo cá
(đầu cá, ruột cá), lươn, thịt, hến, cóc... Thường có
khách gọi, quán mới pha chế thêm các loại thịt, chứ không
nấu sẵn. Đặc biệt, ở quán này, hằng ngày còn dành 50
phần cháo dinh dưỡng miễn phí dành tặng cho các cháu nhỏ
bị suy dinh dưỡng. Khách ưa ăn cháo đêm thường là người
đi chơi hoặc đi làm về khuya, đang ăn kiêng hoặc do ý thích.
Đa phần ý kiến trong số khách ăn cháo đêm được hỏi đều
giải thích gần như nhau: ăn cháo đêm vừa nhẹ bụng - dễ
ngủ - ngon miệng và cũng... nhẹ tiền.
Từ lâu cháo vẫn được xem
là món ăn... hiền bởi dễ tiêu hóa, nam phụ lão ấu đều
dùng được. Giá cũng bình dân: 500-1.000 đồng/tô cháo trắng
hoặc cháo đậu, thức ăn đi kèm: 1.500-2.000 đồng/dĩa; cháo
thịt các loại 4.000-6.000 đồng/bát.
Quán cuối
tuần: Món Bắc ở Hương Xưa
Nhiều người chú ý đến
Hương Xưa (84 Bùi Thị Xuân, Q.1, TP HCM) chỉ vì khung cảnh,
cách bài trí. Những bộ bàn ghế bằng tre tạo cảm giác giản
dị, êm ả. Dù không gian quán không rộng lắm nhưng người
ta cũng cố gắng đưa vào thật nhiều cây cảnh để làm dịu
không gian.
Hương Xưa bán chủ yếu là
những món ăn Bắc. Có thể tìm thấy trong thực đơn những
món thông dụng như riêu cua rau muống chẻ, xáo măng ngan, cá
chưng tương kho riềng, giả cầy, tép rang khế, các món nộm…
đến những món đặc sản như chả rươi, chả cá lăng, dê
tái chanh, ba ba um chuối xanh, nướng riềng mẻ…
Cách nấu nướng, khẩu vị
ở đây có thuần Bắc hay không, điều này còn tuỳ thuộc
đánh giá của mỗi thực khách. Nhưng trong chừng mực nào
đó, Hương Xưa giữ được cách chế biến cầu kỳ, kỹ lưỡng
không chỉ từ cách lựa chọn nguyên liệu, cách sử dụng
gia vị mà còn cả những chi tiết.
Có khi, cùng một món ăn quen
thuộc có nhiều quán, như món lươn băm xúc bánh tráng, ở
Hương Xưa, nhờ chế biến theo khẩu vị Bắc, cho thật nhiều
sả băm, món ăn trở nên thơm hơn, ngon hơn.
Giá tham khảo:
- Riêu cua rau muống chẻ: 10.000
đồng/phần
- Xáo măng ngan: 15.000 đồng/phần
- Cá bống tượng chưng tương:
40.000 đồng/phần
- Giả cầy: 20.000 đồng/phần
- Cá chép kho riềng: 17.000/phần
- Tép rang khế: 12.000 đồng/phần
- Ba ba: 350.000 đồng/con
- Chả rươi vỏ quýt: 40.000
đồng/phần
Bình Quới
- Độc đáo làng "Ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ"
Cách trung tâm TP HCM chưa đầy
10 km về phía đông bắc, sau khoảng 15-20 phút thong dong trên
đường, bạn sẽ lạc vào một bán đảo nhỏ với diện tích
gần 3 ha cây xanh, thảm cỏ và kênh rạch ven sông Sài Gòn
- nơi lý tưởng để thư giãn, ăn uống và giải trí.
Làng du lịch Bình Quới - thuộc
phường 28, quận Bình Thạnh - được bao phủ bởi một màu
xanh bạt ngàn của cây trái, đó đây thấp thoáng những nếp
nhà tranh vách nứa, chõng tre, rặng dừa, mấy nhịp cầu tre
lắt lẻo trên những con kênh. Song cái vẻ đẹp gần gũi của
thiên nhiên ấy chỉ là một phần sự cuốn hút du khách. Nét
độc đáo ở đây chính là chương trình “Ẩm thực khẩn
hoang Nam Bộ”.
Từ chiều thứ 7 và trưa chủ
nhật hàng tuần, du khách sẽ được đón tiếp theo đúng phong
cách của thời khẩn hoang lập ấp xa xưa. Sau khi qua cổng
(không phải mất tiền mua vé), bạn hãy hít thở một hơi
thật sâu rồi sảng khoái rảo bước trên con đường sạch
sẽ thoáng mát bên rặng dừa xanh và dòng kênh thơ mộng. Văng
vẳng trong không gian là những câu ví, giọng hò Nam Bộ phát
ra từ hệ thống loa được khéo léo giấu trong bụi cây, hay
sau những lu nước rửa tay đặt rải rác ven đường.
Để được thưởng thức
chương trình ẩm thực bạn cần phải mua vé với giá 65.000
đồng. Thực đơn khẩn hoang có 42 món: đủ cả nướng, luộc,
rán, xào, cơm, bún, xôi, chè, cháo, bánh, bò, gà, cá, lươn
và thậm chí… cả chuột. Tất cả được chế biến theo
kiểu dân dã, truyền thống thuở khai hoang lập ấp, được
bày biện đẹp mắt trên chõng tre, mẹt, thúng lót lá chuối
đặt rải rác hai bên đường đi, trên bãi cỏ, dưới gốc
cây và cả trên thuyền. “Tuyệt chiêu” của Bình Quới là
các món nướng mang hương vị độc đáo của thịt bò, gà
lẫn với mùi tre tươi ăn kèm các loại rau quả, gia vị vừa
hái trên cây, tiếp theo là cá lóc nướng trui, cánh gà nướng
sả và chuột đồng nướng... Cơm vắt mo cau, bún mắm, bún
riêu cua hay bánh xèo… sẽ là món chính của bữa ăn. Cuối
cùng khi bụng đã lưng lửng, bạn hãy dừng lại ở món tráng
miệng với các loại bánh ngọt, bánh bò, bánh ít, bánh tét,
chè bắp, khoai môn, chè bà ba…
Có tới 3 phương tiện giúp
bạn dạo quanh khu du lịch, gồm: xe ngựa, xe đạp bốn bánh
và thuyền. Thú vị nhất có lẽ là xe đạp bốn bánh. Trước
hết nó có hình dáng của một chiếc ô tô cổ bốn chỗ ngồi,
hai vô-lăng, phanh tay kiểu xích lô, bốn bánh của xe máy và
vận hành theo nguyên lý của xe đạp, song có điều là bốn
người ngồi trên xe đều có thể cùng đạp một lúc. Bạn
có thể điều khiển xe thong dong vòng quanh làng để thưởng
thức phong cảnh thiên nhiên, cười nói, tán gẫu, hò hát...
và đến khi đã mỏi chân bạn có thể tìm một bãi cỏ hay
chiếc võng được mắc sẵn đâu đó dưới những lùm cây
để ngả lưng đôi chút.
Để chuyến đi được trọn
vẹn, bạn hãy chèo thuyền trên dòng kênh yên ả dưới những
tán cây râm mát. Và quay trở lại bên sông Sài Gòn trước
khi kết thúc một ngày thú vị đầy sôi động với tiết
mục thả đèn lồng trên sông.