Quán cuối
tuần: Đến Bí Đỏ dùng bữa
Bí Đỏ nằm ở 105, K1, Giảng
Võ, Hà Nội, là nơi lui tới của giới nhân viên văn phòng
bởi đặc sản nổi tiếng nhất ở đây là món cơm đĩa.
Buổi trưa, rủ thêm vài đồng nghiệp hay bạn bè ra Bí Đỏ
quán vừa tán gẫu vừa dùng bữa, chắc chắn nhiều người
sẽ cảm ơn bạn vì bữa cơm ngon miệng.
Khách vội đi làm đến đây
thường hay dùng cơm đĩa với những món lạ như bò dầu sò
(thịt bò xào với dầu sò của Trung Quốc), tôm Samba (xào
với nước xốt cay của Singapore)… giá 25.000-30.000 đồng.
Nhà hàng có cơm đĩa thịt
lợn khâu nhục rất tuyệt. Miếng thịt được ướp bằng
nhiều loại gia vị rồi đem hấp khoảng 5 giờ cho ra bớt
mỡ. Khi bày ra đĩa, người ta rưới lên một loại nước
xốt đặc biệt có màu vàng sậm, trông rất hấp dẫn. Khách
sẽ cảm nhận được vị thơm đậm của miếng thịt, ăn
không thấy ngấy một chút nào.
Nếu có thời gian, bạn hãy
thử những món hải sản của nhà hàng như: sò điệp xốt
cay, sò điệp xào tương X.O, sò điệp om thịt cua (giá 32.000-37.000
đồng/đĩa)…
Các món mực ở đây cũng
không hề “thua chị kém”. Nào là mực rán muối ớt, mực
xào ngũ sắc, mực xào điệp cỏ rau xanh (25.000-37.000 đồng/đĩa).
Mách nhỏ bạn một món tưởng chừng như bình dân nhưng lại
là hàng độc của Bí Đỏ: đậu phụ trứng mặn (17.000 đồng).
Đây là loại đậu phụ được chế biến nguyên liệu và
phương pháp của Nhật. Sau khi rán, đậu được rưới nước
xốt chưng từ trứng muối lên trên. Món này vừa có vị thơm
ngậy của đậu phụ, lại vừa có vị ngọt bùi, mằn mặn
của trứng muối thật ngon.
Quán cuối
tuần: Đến Vạn Xuân ăn cơm Việt Nam
Toạ lạc tại 15A Hàng Cót,
Hà Nội, Vạn Xuân là một trong số ít nhà hàng chỉ bán món
ăn Việt Nam. Ở đây bạn có thể thưởng thức đặc sản
ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Bếp trưởng Đỗ Đình Được
là người gốc Bắc sinh ra và lớn lên ở Huế, học nghề
và từng làm việc ở TP HCM nên anh thể hiện món ăn đặc
trưng của từng miền rất khéo léo.
Ở Vạn Xuân có nhiều món
lạ nhưng có lẽ tâm đắc nhất đối với thực khách là
món bánh ướt hương cốm. Trên nền chiếc bánh ướt của
xứ Huế, người đầu bếp đã thổi vào đấy một hương
vị chỉ có ở miền Bắc - hương cốm mới. Đó là loại
bánh 2 miền có màu xanh đầy hấp dẫn.
Đến Vạn Xuân mùa thu này
mà không thử qua món gỏi bưởi tôm thịt thì thật là uổng.
Những tép bưởi được tách cẩn thận trộn với thịt lợn
sấn luộc và tôm nõn pha nước xốt muối đường chua ngọt.
Thực khách có thể cảm nhận được rất nhiều hương vị
từ món ăn này.
Với sức chứa tới 250 chỗ,
Vạn Xuân có 3 khu với nội thất được thiết kế riêng.
Ấn tượng nhất là khu chính với hệ thống cột trụ, làm
liên tưởng đến cung đình Huế xa xưa. Mỗi tối (19h15'-20h45'),
nhà hàng đều phục vụ chương trình ca múa nhạc dân tộc.
Vào thứ bảy và chủ nhật
nhà hàng có thực đơn gia đình với nhiều món ngon mà giá
cả hợp lý. Mỗi thực đơn có ít nhất 5 món với giá từ
50.000 đến 70.000 đồng/người.
Và nếu bạn yêu cầu, đích
thân bếp trưởng sẽ hướng dẫn nấu một món ăn trong thực
đơn do bạn tự chọn.
Lang thang cùng những hàng ăn
đêm Hà Nội
Ngoài những công trình kiến
trúc đặc trưng như Cột Cờ, chùa Một Cột, hay những danh
lam thắng cảnh nổi tiếng như hồ Tây, người Hà Nội còn
có thú ẩm thực, nhất là những hàng ăn đêm nổi tiếng
từ xa xưa.
Số lượng quán ăn ở Hà
Nội nhiều tới mức khó lòng thống kê nổi và những món
ăn đêm cũng hết sức đa dạng, từ các món bình dân đến
các món thượng hạng. Phổ biến hơn cả có lẽ là phở.
Muốn ăn một bát phở đêm ngon không đâu bằng tiệm Nguyễn
Khuyến ở gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Quán này chuyên
bán phở bò tái, chín. Sức hấp dẫn của phở ở đây là
nồi nước dùng ngon, ngọt do bí quyết gia truyền trong pha
chế. Hằng đêm, chập tối tới 1-2 giờ sáng, khách vào ra
tấp nập. Ngoài quán này ra, muốn ăn phở đêm ngon, bạn có
thể tìm tới phở Thìn ở đầu phố Lò Đúc, hay phở Thịnh
ở Tôn Đức Thắng, phở Mậu Dịch ở Lý Quốc Sư. Phở ngon,
dễ ăn, giá lại hợp túi tiền mọi giới, mọi lớp người.
Một du khách người Đức, tên Luts, nói: “Phở rất ngon,
hầu như lần nào tới Hà Nội, tôi cũng lang thang đêm để
ăn phở...”.
Ngoài phở, một số món ăn
cũng rẻ, ngon và dễ ăn là bún bò, bún măng ngan, cháo gà
nổi tiếng ở khu vực Cửa Nam, Trần Quý Cáp, đầu phố Hai
Bà Trưng... Tại các “trung tâm bún ngan”, nồi nước dùng
mới tuyệt vời làm sao bởi nước luộc của hàng trăm con
ngan cộng thêm nhiều gia vị như hành khô, măng, thảo quả.
Còn thịt ngan ở đây thì miễn chê, dày mình, chắc và ngọt.
Nếu muốn nhâm nhi một chút hơi men, bạn có thể gọi một
đĩa thịt ngan luộc, hay bát tiết canh ngan... Nếu là mùa đông,
đi chơi đêm, bạn chớ bỏ qua phố ẩm thực Việt Nam (phố
Cấm Chỉ). Phố này mới mở thêm 3-4 quán bán cháo gà nổi
tiếng. Cơm rang thập cẩm bán đêm ở phố này cũng rất ngon.
Trong các món ăn đêm bình
dân ở Hà Nội, còn có nộm bò khô ở phố Hồ Hoàn Kiếm.
Từ xa đã nghe tiếng kéo lách cách mời gọi khách, nghe thật
hấp dẫn. Một chút đu đủ, cà rốt nạo, chút thịt bò khô
cắt mỏng và nhỏ như sợi tăm, cùng nước chan là dấm, đường,
mắm, có rắc thêm ít kinh giới và lạc rang giã nhỏ, thế
là được một đĩa nộm, giá 5.000 đồng. Mấy cô sinh viên,
học sinh thích món này hơn cả. Ban đêm, Hà Nội cũng có vô
số những chỗ nhậu lai rai bình dân, đó là những hàng mực
nướng và chân gà nướng suốt tới tận sáng sớm. Đầu
phố Hàng Gai - Lương Văn Can có tới gần 20 hàng mực nướng.
Khi mùa thu, mùa đông se se lạnh tới là lúc hàng mực nướng
đắt hàng. Đám thanh niên 5-7 người đi chơi đêm thường
mua một vài con mực, một chai rượu, ngồi quây quần lai rai
cho tới nửa đêm. Mấy quán chân gà nướng hoặc luộc ở
phố Hàng Dầu, Đinh Tiên Hoàng, Mai Hắc Đế... cũng đông
khách quanh năm. Đêm nào về qua những khu vực này, tôi cũng
thấy đông đảo thanh niên ngồi quây quần trên chiếc chiếu
trải ở vỉa hè để gặm chân gà. Chỉ cần 50-70 nghìn đồng
là đủ cho 4-5 người nhấm nháp...
Ngoài những món ăn, món nhậu
trên, ẩm thực đêm ở Hà Nội còn phong phú hơn bởi các
món quà dân dã được bán theo mùa như: ngô nếp nướng, ốc
luộc, quẩy nóng, bánh chuối...
Bạn có thể tìm thấy những
món ăn trên ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước,
song được thưởng thức những món ăn đặc trưng của Hà
Nội, lại do chính bàn tay tài ba của người Hà Nội chế
biến, bạn sẽ thấy thú vị và ngon miệng hơn rất nhiều.
Ăn gì, ở
đâu?
Bạn là người thuộc trường
phái tâm hồn ăn uống, với sở thích khám phá những quán
ăn mới, những món ăn đặc biệt, chúng tôi xin giới thiệu
đến các bạn một vài địa chỉ có món ăn độc đáo và
hấp dẫn.
Cơm gà biến tấu
Ở quán 2000 trên Ban Mê Thuột,
cơm gà được nhuộm hồng, miếng gà được chiên vàng. Cơm
gà lừng danh Hai Chùa ở Nha Trang thì gà được xối mỡ, mỗi
đĩa đúng 1/4 con, ăn kèm xà lách, cà chua và hành tây. Cơm
gà ở Phan Thiết lại là đĩa cơm có một ít thịt gà đã
xé nhỏ bỏ lên trên. Ở Phan Rang có một quán cơm gà độc
đáo trên đường Thống Nhất, khi khách vào gọi cơm thì mang
ra đĩa gà luộc nguyên con, chặt thành tám miếng, mỗi miếng
7.000 đồng. Gà ở đây chấm với muối tiêu và cả nước
mắm gừng.
Mực, cá
Tại quán Cửu Long ở Tuy Hoà,
cá thác lác được chiên sau khi băm, còn ở quán Cầu Dứa,
Nha Trang cá được cuốn lá lốt. Món cá thác lác chiên cơm
cháy hoặc hành cũng chẳng đâu giống đâu. Mực chiên giòn
đúng ra để nguyên con thả vào chảo mỡ đang sôi, chờ chín
cong thì dọn ra, xé từng sợi chấm tương ớt. Nhưng nhiều
nơi lại xắt miếng nhỏ ra chiên. Tại nhà hàng Cà Ty ở Phan
Thiết, món này trở thành “mực tẩm bột chiên ròn” ăn
kèm rau.
Bún với mì phá cách
Sự phá cách của bún là khôn
cùng. Nếu bún riêu trên lề đường Buôn Ma Thuột không hề
có riêu cua mà chỉ có trứng (giả làm cua) ăn với rau ghém
thì ở Phan Thiết, nó lại có thêm chả lụa, giò và cả huyết
heo, kèm theo giá, sà lách, ngổ và rau chuối. Đến Quảng Ngãi
ăn tô bún luôn được kèm theo chiếc bánh tráng nướng. Cách
bóp vụn bánh tráng trộn vào tô bún hình như chỉ có ở vùng
này.
Đa số hình dung sợi mì Quảng
màu vàng, nhưng chính quê Tam Kỳ, sợi mì lại màu trắng.
Các quán mì Quảng Tam Kỳ chỉ bỏ vào tô mì duy nhất một
thứ thịt lợn nạc luộc, ở Nha Trang lại có chả cá và
trứng cút. Riêng tô mì Quảng ở sông Vệ lại tổng hợp
5 màu khác nhau, nước lèo đặc sệt đầy tóp mỡ giòn, chả
lụa, thịt luộc, lạp xường...
Chợ hải
sản Sầm Sơn
Là chợ nhưng không phải gặp
cảnh mua bán xô bồ, đó chính là nhà hàng chợ hải sản
Sầm Sơn, 77 Bát Cổ, Hà Nội. Chợ nằm trong ngôi nhà cổ
rộng 1.000 m2 được thiết kế cho người nhìn có cảm giác
như đứng giữa thung lũng bốn bề núi cao, rừng sâu, suối
trong, thác đổ và đôi khi là những đợt mưa mù.
Đón khách ngay phía cổng ngoài
là trái núi giả cao ngất mang hình dáng của một vị thần,
bên tay trái là chiếc cối giã gạo bằng sức nước của
đồng bào dân tộc. Một chiếc cầu cong dẫn du khách bước
vào trung tâm của ngôi nhà, nơi kê đặt hàng chục bộ bàn
ghế lớn phục vụ khách đến thưởng thức những món hải
sản tại nhà hàng.
Tuỳ theo sở thích, bạn có
thể gọi món tiêu biểu của vùng biển chế biến theo công
thức khác nhau. Xúp hải sản, cá song, cá trình hấp, bò tò,
tôm hùm, tôm he hấp, hào chiên bơ, canh ngao, cháo ngao, cua,
ghẹ, du hài, sò huyết.
Nhà hàng còn có một sân khấu
rộng thiết kế như mái đình của vùng quê Bắc Bộ. Nơi
đây sẽ vang lên những làn điệu dân ca quen thuộc hoặc những
bản hoà tấu nước ngoài...
Giá: cá trình, cá song 280.000
đồng/kg, tôm hùm 758.000 đồng/kg...
Quán cuối tuần: Độc đáo
Liễu Giai
Nằm trên con đường đẹp
nổi tiếng của thủ đô, cà phê Liễu Giai có địa thế rất
tốt. Điều đặc biệt thu hút khách đến đây chính là phong
cách thiết kế độc đáo. Diện tích chừng 200 m2, ba anh chàng
nghệ sĩ nghiệp dư đã sáng tạo cách bài trí không giống
quán cà phê nào ở Hà Nội.
Quán được chia thành hai khu
vực chính, trong nhà và ngoài trời. Ta cũng dễ dàng nhận
thấy ở đây có hai phong cách kiến trúc khác nhau. Phần trong
nhà được thiết kế theo kiểu Á đông với các vật liệu
thuần Việt như gạch phồng, ngói, gỗ mộc... Phần sân vườn
lại mang phong cách và hơi hướng của những khu vườn thời
La Mã cổ. Lối đi được lát đá, bàn ghế trang trí kiểu
gô tích và một hồ nước có đài phun.
Sẽ là khiếm khuyết và tước
đi đến 50% vẻ đẹp cà phê Liễu Giai nếu không nhắc đến
hệ thống ánh sáng tuyệt diệu nơi đây. Đèn cũng mang một
phong cách đặc biệt. Nếu tinh ý bạn sẽ thấy cà phê Liễu
Giai có dụng ý khi đặt một hệ thống đèn hình vuông, tam
giác trong một ngôi nhà hình ống.
Thưởng thức
món ăn tại "Bán đảo Tây Hồ"
Quán nằm ở 292 Lạc Long Quân
(Hà Nội) trong khuôn viên rộng, thoáng đãng, sát bờ hồ.
Những món nổi tiếng được chế biến từ hải sản đủ
loại như tôm nướng, cá hấp, cua rang muối. Có cả thịt
thú rừng như dúi, kỳ đà, ba ba ướp gừng nấu chuối và
dấm bỗng.
Khung cảnh sân vườn rất
thơ mộng. Bước qua cổng, khách thấy ngay 6 chiếc lán lợp
lá cọ trông lạ mắt. Phía dưới bày những bộ bàn ghế
tre xinh xắn. Nếu đi cùng bạn bè, bạn có thể gọi các món
lẩu với giá rất bình dân. Nồi lẩu hải sản giá trung bình
100.000 đồng, các loại lẩu khác giá từ 50.000 trở lên.
Thưởng thức
lẩu Thượng Hải
Lẩu, món ăn truyền thống,
đặc trưng ở những vùng khí hậu hàn đới của Trung Quốc,
từ lâu đã được biết đến như một đặc sản. Các món
lẩu thường gắn với tên địa phương và mỗi loại đều
có hương vị đặc trưng. Lẩu Tứ Xuyên hấp dẫn bởi vị
tê, cay đọng lại đầu lưỡi. Người Bắc Kinh thích ăn lẩu
tái dê. Còn người thích vị chua lại tìm đến với lẩu
Quý Châu. Riêng về sự thanh đạm thì lẩu Quảng Châu là
nổi tiếng nhất.
Trung tâm kinh tế, thành phố
Thượng Hải, nơi gặp gỡ đông tây của Trung Quốc, tuy không
có loại lẩu riêng, nhưng lại tổng hợp, chắt lọc được
những nét tinh hoa của văn hoá ẩm thực khắp mọi miền.
Mới đây, nhà hàng Làn sóng xanh (thuộc khách sạn Hà Nội)
đã giới thiệu món lẩu cùng với những món ăn Thượng Hải
đặc trưng. Ông York Yang, Giám đốc nhà hàng Làn sóng xanh,
cho biết: "Đây chính là mô hình thu nhỏ của Làn sóng xanh
ở Trung Quốc, một địa chỉ ẩm thực đã có 100 năm tuổi.
Người Thượng Hải nói đi ăn ở Làn sóng xanh nghĩa là ăn
lẩu. Lẩu Thượng Hải thường không cay, hướng về sự thanh
đạm, nhưng rất bổ bởi nước dùng thường có hương vị
của các loại thuốc bắc như hoài sơn, kỳ tử... Hương vị
của lẩu Thượng Hải cũng khá hợp với khẩu vị người
Việt Nam nên trước mắt, chúng tôi cũng không gia giảm thêm.
Thực khách có thể thưởng thức loại lẩu này với hương
vị nguyên thuỷ".
Ngoài 4 loại "lẩu uyên ương",
"lẩu cá rau chua", "lẩu vịt già hoài kỷ", "lẩu đầu mè
bạch ngọc", bạn có thể chọn loại lẩu cao cấp hơn như
lẩu rắn, lẩu ba ba... Trong không khí đầm ấm, bên nồi lẩu
toả ra thứ hương vị thơm hấp dẫn, mỗi người một khẩu
vị, bạn có thể chọn bất cứ loại thực phẩm nào để
ăn kèm... và cùng thưởng thức một hương vị mới mẻ. (Giá:
100.000đ/người, bia tươi miễn phí. Rượu, nước ngọt, nước
khoáng giảm giá 20%. Địa chỉ: Nhà hàng Làn sóng xanh, Khách
sạn Hà Nội, D8 Giảng Võ, ĐT: 8452270, fax: 8459209, e-mail: kshanoi@hn.vnn.vn)
Quán cuối
tuần: Quán Ông già
Ở Quảng Bá có tới 4 quán
ăn mang tên Ông già: Ông già cũ, Ông già Quảng Bá, Ông già
chính hiệu, Ông già chính..., nhưng người sành ăn chỉ muốn
tìm đến quán Ông già của ông chủ Đức. Nằm sát bên bờ
Hồ Tây, quán nổi tiếng với món ốc hấp thơm mùi thuốc
bắc và hương sả.
Khi còn là một quán nhỏ bé,
phục vụ chủ yếu lượng khách hàng đến hồ Quảng Bá bơi
vào mùa hè, quán ốc hấp thuốc bắc “Ông già” vẫn chưa
có tên gọi. Rồi món quà ấy với vị thuốc bắc quyện sánh
ngày càng trở nên nổi tiếng, thì lúc đó, người chủ đất
đòi lại hàng quán để tự kinh doanh. Năm 1995, ông Đức,
một trong những người làm tại quán, quyết tâm xây lại
quán mới của mình cùng với bạn bè. Quán mang tên “Ông
già”. Vẫn với món ăn độc đáo: ốc hấp thuốc bắc. Những
ngày đầu ông Đức ra tận cửa đón khách quen cũ, rồi người
này giới thiệu cho người khác nên vẫn thu hút khách hàng
như xưa. Quán ăn lại trở về vị trí độc tôn ở vùng này.
Năm nay ông chủ quán Từ Sỹ Đức đã 75 tuổi. Tuy tuổi cao,
không còn trực tiếp vào bếp, nhưng khi chuẩn bị đưa vào
thực đơn một món mới, ông chỉ đạo chế biến, trực tiếp
nếm thử rồi mới “phê duyệt”. Còn những việc kinh doanh,
đối ngoại của quán đều do một tay ông đảm nhiệm.
Cũng bát ốc hấp với thuốc
bắc, nhưng bằng sự cảm nhận tinh tế ông khéo léo gia giảm
gia vị theo ý của mình khiến món ăn trở nên đặc biệt
hơn. Miếng thịt gà luộc ở quán ông khác hẳn những miếng
thịt gà luộc thông thường, mới hấp dẫn người sành ăn.
Thậm chí ngay cả cái tên gọi của quán cũng gợi cho người
ta nghĩ đến một điều gì đó rất thú vị, rất nghệ thuật.
Ông cho biết: “Từ khi tôi
còn làm ở quán ăn nhỏ ở phía trong khu Quảng An này, khách
hàng luôn gọi tôi là ông già ơi mang cho cháu món này. Ông
già ơi làm thế nào mà ngon thế. Riết rồi thành quen cứ
coi đó là cái tên của mình và đặt cho nó là quán Ông già”.
Khi nhiều quán ông già mọc
lên, ông già Đức lại đổi tên quán là “Ông già chính
hiệu” và nếu không cẩn thận khách ăn vẫn sẽ vào nhầm
quán ông già nào đó. Quán Ông già chính hiệu ở số nhà
35 cổng Hồ bơi Quảng Bá (ĐT: 8290560), đến đây bạn sẽ
được thưởng thức các món ăn với giá hợp lý. Một bát
ốc hấp thuốc bắc: 7.000 đồng. Một con cá nướng hoặc
cá hấp bia giá: 80.000-95.000 đồng. Một con gà quay, nướng
giá: 65.000 đồng. Đặc biệt ông già Đức luôn dành riêng
một phòng để tiếp khách, nhận những ý kiến phản hồi
từ khách hàng.
Đi ăn mì vằn thắn, sủi
cảo
Với diện tích hẹp chỉ đủ
kế 8 chiếc bàn nhỏ, nhưng quán mì sủi cảo, vằn thắn ở
phố Hoà Mã lúc nào cũng đông nghịt khách. Bà vợ của ông
chủ quán là người Trung Quốc vốn nấu ăn ngon, lại được
gia đình truyền cho bí quyết pha chế nước dùng nên khách
hàng chỉ cần ăn ở đây một lần cũng đủ nghiền.
Bát mì vằn thắn nóng hổi,
thơm phức thịt xá xíu, trứng luộc, nấm hương, hẹ quện
với vị ngọt đặc sắc của nước dùng. Giá một bát mì
vằn thắn và sủi cảo tuỳ thuộc vào yêu cầu của khách
hàng, nhưng thấp nhất là 6.000 đồng và cao nhất là 10.000
đồng.
Quán chỉ mở cửa trong 3 tiếng
đồng hồ buổi sáng, từ 6h đến 9h30' tại số 100 phố Hoà
Mã, Hà Nội.
Phố nộm
Từ bao đời nay, nộm bò khô
là thứ quà vặt thân quen xuất hiện ở khắp các ngõ phố,
các chợ của Hà Nội. Nhưng để tìm được vị ngon đặc
sắc đúng vị, đúng mùi của món quà dân gian này thì phải
tìm đến phố Hồ Hoàn Kiếm, nơi chuyên bán nộm thịt bò
khô ngon nổi tiếng khắp Hà Thành.
Thật ra, trước kia ở phố
Hồ Hoàn Kiếm này mới chỉ có một vài nhà là bán nộm bò
khô trong đó nổi lên là nhà ông Long Vĩ Cường, còn lại
là kinh doanh mặt hàng khác, nhưng dần dần thấy lượng khách
ngày một đông, nhiều nhà cũng chuyển sang bán theo. Đến
bây giờ con phố nhỏ dài vẻn vẹn không đến 300 m mà có
tới gần chục quán hàng bán thịt bò khô với hàng lô dãy
bàn ghế để san sát trên vỉa hè.
Cũng là đĩa nộm bò khô với
những nguyên liệu như đu đủ xanh nạo, thịt bò, rau thơm,
lạc rang, nước sốt nhưng khi ăn ở những quán này, bạn
sẽ cảm nhận rất rõ được vị giòn của đu đủ xanh nạo,
vị thơm ngon hơi dai của những miếng thịt bò rán khô được
tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng, vị béo ngậy của lá lách,
vị sừn sựt của gân, sách, vó bò và đặc biệt là vị
chua cay mặn ngọt pha rất vừa phải của nước sốt.
Ngoài ra khác với những nơi
khác, những quán nộm bò khô trên phố Hồ Hoàn Kiếm này
còn bán thêm chim sẻ, chim câu quay để chiều lòng thực khách
có nhu cầu thay đổi khẩu vị. Các quán nộm bò khô này mở
hàng bắt đầu từ 5 giờ chiều và kéo dài đến tận 11-12
giờ đêm.
Cơm hến
Huế
Thiên nhiên đã hào phóng ưu
đãi cho đất cố đô một loại hến ngon nổi tiếng. Loại
hến này không biết vì sao từ xưa đến nay lại ưa thích
tụ tập nơi Cồn Hến để định cư. Người Huế từ thế
hệ này sang thế hệ khác rất ưa dùng hến ở Cồn Hến để
nấu món cơm hến nổi tiếng của đất kinh kỳ.
Cơm hến Huế có một phong
vị rất riêng, rất khó lẫn với các nơi khác và không biết
từ bao giờ đã thâm nhập một cách sâu đậm vào khẩu vị
và lòng người xứ Huế. Ăn cơm hến muốn đúng điệu phải
ăn vào buổi sáng, lúc cơ thể có thể thưởng thức được
tận cùng của chữ "ngon" sau một đêm dài. Buổi sáng tinh
mơ khí trời lành lạnh, gánh cơm hến với nồi canh ngào ngạt
toả hương quyện theo bước chân kĩu kịt của các mệ, các
o rồi đậu xuống từng góc đường quen thuộc.
Bưng bát cơm hến nóng ấm
toả mùi thơm quyến rũ trên tay vừa nghe các mệ, các o nhỏ
to tâm sự về cách chế biến món ăn này bằng cái giọng
Huế ngọt ngào của mình, du khách sẽ có cảm giác như thể
mình là người thân quen từ bao năm xa cách trở về dù rằng
mới chỉ lần đầu "đến với Huế mộng mơ".
Hến xúc ở dưới sông lên,
luộc rồi tách cái (con hến) và nước hến thành hai món chính.
Cơm trắng để nguội, đơm vào đọi (bát) rồi bày rau sống,
bắp chuối, đậu phụng (lạc), mè (vừng) rang giã nhỏ bày
lên trên. Một tô nước hến múc ra có màu lam đục, nhưng
đã kịp đổi sang một màu đỏ gạch của ớt khi được
chan vào bát cơm. Khách ăn có thể nêm thêm gia vị như mỡ,
ruốc, muối rang, mè... và ăn kèm khế chua, rau sống, chuối
sứ xắt nhỏ tuỳ theo khẩu vị của từng người. Lúc đó,
các mùi vị hỗn hợp như ngọt, bùi, chát, chua, cay tưởng
như xung khắc mà lại rất hữu ý với nhau sẽ cùng toả trên
bát cơm hến làm cho người có cái "gu" ẩm thực dù kỹ tính
đến mấy cũng phải hài lòng.
Các món ăn
miền Trung và nghệ thuật ăn uống Huế
Với bờ biển dài, bề ngang
hẹp của miền Trung, mắm ruốc, cá kho, đã đi vào mâm cơm
của số đông thay cho "tương cà gia bản" truyền thống của
miền Bắc. Món cá ngừ kho chan bún, bánh tráng là đặc sản
của dọc suốt duyên hải miền Trung.
Món cá kho phần nhiều là
cá biển và thường kho lẫn với các loại rau quả như khế,
cà chua, dưa hường, mít non... Món gỏi cũng được chế biến
từ cá biển và các loại hải sản như tôm, mực...
Suốt miền Trung cho đến miền
Đông Nam Bộ có món gỏi mít non hấp dẫn. Từ đất Quảng,
món mì Quảng giành được khẩu vị của tất cả các tỉnh
miền Trung và tiến vào Sài Gòn với vị trí đặc sản.
Một trung tâm ăn uống lớn
của miền Trung là Huế. Món ăn nơi đây là sự chọn lọc
các món từ đàng ngoài và cải tiến, nâng cao cho phù hợp
với thổ nghi, sản vật Huế.
Cuộc sống vua chúa với nhu
cầu hưởng lạc cao chính là thời cơ vàng để các món ăn
Huế phát triển. Có thể nói các món ăn Huế là tiêu biểu
cho văn minh ăn uống Việt Nam cuối thế kỷ 18 sang thế kỷ
19.
Món ăn Huế được chế biến
công phu, tinh tế. Nhiều người cho rằng ăn các món Huế là
thưởng thức cái đẹp, cảm nhận cái hồn của Huế không
còn thấy cần tìm sự no nê. Ngay những thứ như lòng lợn,
lòng bò vào tay các bà nội trợ Huế cũng trở thành những
mỹ vị cao sang. Món cá kho của bình dân ba miền khi đến
Huế cũng mang màu quý phái: cá bống thệ lẫn thịt ba rọi
rau răm, ớt bột, tiêu, đường, nước mắm, nước màu, cho
lửa liu riu và con cá kho khi lên đĩa nhìn trong suốt như hổ
phách...
Có hàng trăm món Huế và ngày
nay, cả nước đều biết đến tiếng mắm tôm chua Huế ăn
với thịt lợn luộc kèm khế, vả và các loại rau thơm. Bún
bò Huế, cơm hến tré, bánh lá... là những món ăn bình dân
Huế, nhưng ngày nay đã là món đặc sản trong thực đơn các
khách sạn sang trọng...
Bát trân trong ẩm thực cung
đình Việt Nam xưa
Những năm gần đây, người
phương Tây có khuynh hướng nghiên cứu, học tập những nét
tinh túy trong ẩm thực Việt Nam. Đây là một nét văn hóa
đặc sắc mà phải trải qua hàng nghìn năm, dân tộc ta mới
vun đắp được. Miếng ăn, thức uống của vua chúa không
những phải ngon, đẹp, tinh, giàu chất dinh dưỡng mà còn
mang tính chất y lý trong từng nguyên liệu sử dụng để đạt
được sự trường thọ cho người ăn.
Bát trân là 8 món ăn quý hiếm
mà xưa kia chỉ dành cho giới vua quan. Bao gồm:
1 - Nem công: Nem là món ăn
đặc biệt của người Việt được chế biến không qua nấu
nướng. Thực phẩm tự chín bằng sự lên men vi sinh do tác
động của các gia vị có tính nóng (riềng, tỏi, tiêu...)
phối hợp vào nguyên liệu chính là thịt đùi công được
giã mịn.
Công là một loài chim có bộ
lông đẹp, thường sống ở các cây cao hoặc gò cao. Đến
mùa giao tình thường xòe cánh múa vũ điệu để gọi bạn.
Con người rất thích thưởng ngoạn các vũ điệu ấy. Việc
săn bắt công để cung cấp thịt hàng ngày phục vụ chế
biến thức ăn không phải dễ dàng. Thịt công có tính giải
độc. Khi ăn nem công, thịt công hấp thụ vào máu có khả
năng giải các thứ độc tố mà người lỡ ăn phải. Chính
đây là điều then chốt để hiểu vì sao nem công lại là
món ăn quý.
Như trên đã nói, tính mạng
của các bậc đế vương luôn được đặt hàng đầu. Việc
tranh giành ngôi báu khiến con người cố sát, đầu độc nhau
trong lịch sử của nhiều triều đại không phải là không
có. Do đó, món ăn này được xem như "thần hộ mạng".
2 - Chả phượng: Chim phượng
là chim đực. Chim cái được gọi là hoàng. Loài chim phượng
chỉ sống ở núi cao, ít người trông thấy. Thịt phượng
được giã mịn, nêm gia vị, gói vào lá chuối thật kín rồi
hấp chín. Cũng như chim công, thịt chim phụng vừa có chất
dinh dưỡng, vừa có tác dụng dược tính nhằm bảo vệ tối
đa sức khỏe.
3 - Da tây ngưu: Loại thú tây
ngưu hay còn gọi là tê ngưu chỉ sống ở trong các rừng sâu,
ăn toàn loại cây cỏ có gai. Hình dạng tây ngưu rất xấu
xí. Người xưa kể rằng, mỗi khi ra suối uống nước, tây
ngưu nhìn xuống suối, thấy bộ dạng mình xấu xí quá, con
vật hổ thẹn quậy cho nước thật đục rồi mới uống.
Da tây ngưu cứng, dày, duy nhất ở nách có một đám da rất
mỏng. Nếu biết bắn hay đâm vào điểm ấy mới làm con vật
chết. Phần da nách ấy, ngâm nước cho mềm, nấu thành món
ăn rất ngon và bổ dưỡng.
4 - Bàn tay gấu: Gấu đực
gọi là bi, gấu cái gọi là hùng. Thú vật này có cổ dài,
chân cao, đi được bằng hai chân. Gấu có sức mạnh, có thể
dùng hai chân trước khuân cả tảng đá lớn. Chúng rất giỏi
leo cây, thích ăn mật ong ở các tổ trên cành cao. Lúc đói
hoặc lúc trú đông, gấu có thể ở trong hang không ra ngoài,
không có thực phẩm thì chỉ liếm bàn tay (hai chân trước)
để sống. Bàn tay gấu là một món ăn rất ngon và bổ dưỡng.
5 - Gân nai: Loài nai lớn hơn
loài hươu. Giống nai đực có gạc. Nai ưa xuống ở núi. Vào
tiết hạ chí, nai đực thường rụng sừng. Sừng non của
nai gọi là lộc nhung, là một vị thuốc tráng dương, bổ
thận, tăng sinh lực, nhưng phải biết cách bào chế và sử
dụng. Gân nai lại được dùng để chế biến món ăn, rất
ngon.
Khi làm thịt, dùng lửa thui
đùi nai, cạo sạch lông. Cho giò vào nước luộc mềm. Dùng
dao nhọn xẻ tách gân ra khỏi phần bắp thịt. Cho gân nai
vào phiêu trong nước có ít muối và dấm cho trắng. Khi gân
đã mềm, cắt khúc, hầm chung gân nai với các nguyên liệu:
tôm khô, măng củ đậu, chả lụa... trong nước hầm gà đã
lọc trong veo. Nêm gia vị vừa ăn khi các nguyên liệu đã chín
mềm.
6 - Môi đười ươi: Đười
ươi là một giống khỉ lớn, có thể đi bằng hai chân như
người. Theo sách An Nam chí thì đười ươi chỉ ưa sống trong
hang núi, không bao giờ đi theo một đường nhất định. Muốn
bắt được đười ươi, con người phải lừa đặt be rượu
và các đôi dép da trên đường chúng đi qua. Giống đười
ươi hay bắt chước nên uống rượu rồi mang dép như loài
người mà nó đã từng thấy. Lúc này chúng vừa say vừa đi
xiêu vẹo, người săn thú mới dễ dàng bắt được.
Môi đười ươi ngon, dùng
chế biến các món sơn hào dâng vua chúa. Ngày nay, giống thú
này rất quý hiếm, cần phải ra sức bảo vệ.
7 - Thịt chân voi: Voi là loài
vật to nhất trong loài thú bốn chân. Nó rất thông minh, lanh
lợi. Thịt voi rất nhạt nhẽo, người đời vẫn thường
nói "mười voi không được bát nước xáo". Khi voi chết, người
ta thường chỉ lấy ngà voi. Ở bàn chân voi có một lớp thịt
gân mềm, chế biến thành món ăn rất ngon. Nó là một thực
phẩm rất khó kiếm nên chỉ dành dâng vua chúa thưởng thức.
8 - Yến sào: Là tổ của loài
chim hải yến (én biển) là một thực phẩm cao cấp vô cùng
quý giá: Việt Nam là một trong 8 quốc gia trên thế giới có
yến sào.
Yến sào có nhiều loại: yến
huyết, quan địa, bài... mỗi loại đều có giá trị chất
lượng khác nhau, nhưng tất cả đều có giá trị dinh dưỡng
cũng như giá trị kinh tế lớn.
Bản thân yến sào không phải
là một món ăn ngon, mùi yến sào tanh tanh, vị nhạt nhạt
nhưng ăn nó sẽ được bồi bổ thần kinh, gân cốt, chữa
bệnh kiết, chống suy nhược và kéo dài tuổi thọ.
Yến sào có thể chế biến
nhiều món ăn:
- Chè yến.
- Chè yến sào hạt sen.
- Yến thả.
- Bồ câu tiềm yến sào.
Ngày nay, trong 8 loại thực
phẩm quý hiếm trên chỉ còn yến sào là vẫn dễ dàng tìm
kiếm và được phép sử dụng. 7 thứ còn lại, một số loài
đã tuyệt chủng hoặc nếu còn, đều thuộc danh mục các
thú vật quý hiếm phải hết sức bảo vệ và gìn giữ. Nhưng
chúng ta vẫn còn có thể tái hiện các tiệc cung đình bằng
chính những nguyên liệu cao cấp mà nguồn tài nguyên phong
phú của Việt Nam có thể cung cấp: yến sào, vi cá, bóng cá,
hải sâm, cua gạch, tôm hùm, sò huyết, bào ngư để thu hút
nguồn khách quốc tế khi họ đến với Việt Nam.
Bánh xèo
cây phượng
Đây là quán ăn nổi tiếng
ở Phan Thiết với món bánh xèo. Dù 15h30' quán mở cửa thế
mà cỡ 16h bạn mới đến thì khó có thể kiếm được một
bàn trống cho 2-3 người bạn cùng ăn.
Món ăn đã dọn lên gồm một
đĩa 5 chiếc bánh, 1 tô nước chấm, một đĩa rau thơm gồm
lá húng nhũi, ngò gai, rau diếp... Khi gắp một miếng bánh,
cho một gắp rau thơm, chan một ít nước chấm vào và lùa
thì quả thật là là ngon. Bánh dày mà giòn, thơm vị béo của
nước cốt dừa, vị thơm của đậu xanh, có tôm, thịt, mực
tươi... Món nước chấm thì thật tuyệt mặn vừa, ngọt vừa,
chua vừa, cay cũng rất vừa, lại thoảng cái bùi bùi của
đậu xanh xay nhuyễn. Dường như món nước chấm làm nên cái
ngon của món bánh này vậy.
Quán có 3 bếp lò đổ bánh,
mỗi lò có 6 khuôn nhỏ. 3 người phụ nữ đều tất bật
với công việc. Đầu tiên rót mỡ vào khuôn, xong rồi cho
tôm, thịt, mực tươi, một ít hành tây thái mỏng, đảo cho
đồ mồi chín tái xong mới đổ bột vào, cho thêm giá rồi
đậy nắp, chờ một chút dỡ nắp, lật bánh. Thế là xong
một chiếc. Cứ thế luân phiên 3 lò mỗi lúc cho ra 18 chiếc
bánh thế mà vẫn không kịp cho khách ăn.
Chị Võ Thị Kim Loan, chủ
quán, cho biết cái ngon của bánh trước hết là ở khâu làm
bột. Gạo phải lựa thứ ngon, nhà tôi vẫn dùng loại gạo
móng chim, loại gạo đặc sản của Hàm Thuận Bắc, nó nhỏ
hạt, dẻo và rất thơm. Sau khi ngâm kỹ gạo được đem xay,
pha lẫn nước cốt dừa, đậu xanh, cho chút bột cà ri, nêm
thêm chút muối. Bộ làm kỹ thì khi chiên bánh sẽ xốp, giòn.
Đồ mồi cũng phải chọn lọc tôm sú, mực phải thật tươi,
thịt ngon nạc dăm. Quan trọng nhất là nước chấm dù nguyên
liệu vẫn chỉ gồm nước chấm, muối, tỏi, ớt, đường...
thế nhưng không phải pha chế thế nào cũng được. Nước
mắm phải là loại nước mắm nhĩ, ớt phải chọn loại chín
kỹ, tách hột, đem luộc chín rồi xay nhuyễn, đường cát
thắng cho keo lại mới dùng pha nước mắm. Mỗi thứ làm đều
có bí quyết riêng để khi hợp lại mới thành món nước
chấm vừa ăn.
Công phu là vậy nhưng mỗi
chiếc bánh xèo chỉ 1.200 đồng, giá thật bình dân. Bởi thế
vào mỗi buổi chiều đây là điểm hẹn của cả gia đình,
bè bạn, nhưng đông nhất vẫn là những cô cậu học trò,
những ngày cuối tuần lại thêm những du khách đến họ không
chỉ vui đùa với sóng nước, ăn các món ăn đặc sản mà
còn tìm đến để thưởng thức món bánh xèo vừa rẻ, nhưng
cũng rất ngon.
Gỏi ốc giác Phan Thiết
Ốc giác là loại hải sản
khá quen thuộc của người dân vùng biển miền Trung. Một
con lớn trung bình từ 1,5 đến 2 kg. Từ ốc giác người dân
ở đây chế biến ra nhiều món ăn, đơn giản nhất là món
ốc giác luộc. Thịt ốc được cạo rửa sạch cho hết chất
nhờn, mang luộc chín rồi xắt mỏng chấm nước mắm gừng,
tỏi ớt pha sắn rất ngon.
Hấp dẫn hơn là món gỏi
ốc giác. Luộc chín ốc rồi xắt sợi, cùng với thịt ba
chỉ hoặc thịt lợn nọng (phần cổ) cũng luộc chín, xắt
sợi. Đu đủ sống bào mỏng, rau răm xắt nhỏ, hành tây,
đậu phộng rang, hành phi… nước mắm, tỏi, ớt, chua, ngọt.
Trộn đu đủ, rau răm, hành
tây và ốc, thịt luộc, rưới nước giấm đường pha lẫn
với nhau rắc đậu phộng và hành phi lên. Ăn kèm với bánh
tráng nước, có nhà ăn với bánh phồng tôm.
Ốc giác mới đánh bắt lên
bờ là ốc tươi, thịt ốc tiết ra chất nhờn thì thịt sẽ
ngon ngọt hơn tự nhiên. Còn ốc khô ráo là ốc đánh bắt
đã lâu ngày, thịt có mùi hôi.
Nếu bạn là khách phương
xa, có dịp về Phan Thiết thăm quan, du lịch, mời bạn ghé
vào các quán ăn đặc sản nơi đây để thưởng thức món
gỏi ốc giác hấp dẫn này và bạn sẽ cảm nhận được
hương vị thơm ngon của những món ăn miền biển khác nữa.
Tuy đơn sơ nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo của người
dân nơi đây, món ăn trở lên phong phú và hài lòng mọi du
khách gần xa.
Cháo vịt
Vân Đình
Mỗi lần đi qua Vân Đình
(Ứng Hòa, Hà Tây), chẳng mấy du khách quên ghé vào quán nhỏ
bên đường thưởng thức bát cháo vịt cho ấm bụng.
Vịt luộc chín, chặt miếng,
còn nước luộc dành để nấu cháo. Để có được một nồi
cháo thật sánh, ngậy thơm, có màu vàng nâu, đó là kinh nghiệm
và bí quyết gia truyền của người làm.
Khi bát cháo còn nóng hôi hổi
được đặt trước mặt, người thưởng thức vội vàng đảo
đều từ dưới lên sao cho thịt, hành lá, rau răm và chút
nước mắm thơm lừng quyện đều vào nhau, làm tăng thêm vị
đậm đà, thơm ngon, vừa lòng cả những thực khách có thói
quen “ăn bằng mắt”.
Thưởng thức cháo vịt, muốn
cảm nhận hết cái ngon của món ăn qua các giác quan, người
ta phải đến vào các buổi chiều. Còn khách sành ăn khi qua
Vân Đình sẽ bắt đầu bằng bát tiết canh, hay nhâm nhi vài
chén cay với đĩa thịt vịt vàng thơm, béo ngậy, rồi sau
đó mới nếm chút cháo cho ấm dạ, ấm lòng. Có gì tuyệt
hơn khi trên quãng đường dài mỏi mệt, ta cùng người thân
dừng lại chốn này, xì xụp bát cháo còn nghi ngút khói trong
tiết chiều muộn nơi thôn dã.
Khô bò, đặc
sản trứ danh Châu Đốc
Châu Đốc có nhiều đặc
sản quý, nhưng có một đặc sản mà du khách tham quan hay dự
lễ vía bà Chúa xứ Châu Đốc, trên đường về chắc chắn
không thể thiếu cho bè bạn người thân. Đó là món khô bò,
một đặc sản trứ danh của vùng quê này.
Đi vòng quanh chợ Châu Đốc,
hầu hết các quầy bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, các cửa
hàng rượu, bia các nhà hàng cao cấp... đều có bán khô bò.
Có 3 loại khô bò:
- Loại màu vàng cứng và giòn.
- Loại màu nâu sẫm cứng
mà không giòn.
- Loại màu nâu xốp, giòn
và dẻo
Để làm ra miếng khô bò ngon
đạt phẩm chất, người sản xuất phải chọn lọc nguyên
liệu tốt. Khi chọn bò làm khô, thông thường không chọn
bò bị ngộp hơi, chọn những con chắc thịt, sử dụng phần
thịt đùi trong con bò, sau khi lóc còn khoảng 200-250 kg. Quy
trình sản xuất khô bò thật đơn giản, chủ yếu là thủ
công. Khâu quan trọng quyết định cho chất lượng sản phẩm
là cách ướp, tẩm, sấy. Tuỳ theo công thức và bí quyết
riêng của mỗi cơ sở, mỗi loại khô bò có đặc trưng riêng
không thể nhầm lẫn.
Đây là loại lương khô rất
hấp dẫn trong các bữa tiệc, liên hoan, mùi vị phong phú,
đầy đủ đạm tố với các chất mặn, ngọt, béo, cay, thơm...
dùng làm món khai vị trước khi nhập tiệc. Đặc sản khô
bò Châu Đốc được tặng Huy chương tại Hội chợ Giảng
Võ Hà Nội và nhiều năm liền được Ủy ban Khoa học Kỹ
thuật An Giang công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cao,
với quy trình sản xuất hiện đại, hợp vệ sinh.
Bánh canh
Trảng Bàng
Trảng Bàng (Tây Ninh) là một
trong những địa phương có nhiều làng nghề, phố nghề thủ
công truyền thống. Nổi tiếng nhất vẫn là bánh canh Trảng
Bàng với nhiều lò thủ công gắn liền với các hoạt động
kinh doanh dịch vụ du lịch.
Để có bánh canh Trảng Bàng
phải qua công đoạn rất công phu. Đầu tiên, bánh canh phải
được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng
Thơm (Chợ Đào). Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một
đêm để đạt đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm, gạo
được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột. Công đoạn cuối
cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành
những con bánh canh trắng muốt. Điều đặc biệt dễ nhận
thấy ở làng nghề Trảng Bàng này là các lò làm bánh hoạt
động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh
canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi,
không quá sớm và cũng không quá trễ, tránh trường hợp con
bánh bị chua, mất đi hương vị độc đáo.
Mỗi tô bánh canh khi được
bày lên bàn cho thực khách phải đảm bảo cả về chất lượng
lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt,
tiêu, sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được
vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh
cộng với vị chua của nước mắm.
Trên tuyến TP HCM - Tây Ninh,
bánh canh Trảng Bàng đã trở thành một sản phẩm du lịch,
một điểm dừng chân thân thuộc đối với khách du lịch.
Mùa cá linh
- bông điên điển
Hàng năm, mùa mưa tháng 8 là
lúc lũ đầu nguồn sông Cửu Long cuồn cuộn tràn về phủ
ngập những cánh đồng trũng lưu vực sông Tiền - sông Hậu.
Đồng ruộng Thoại Sơn chìm trong biển nước, bông điên điển
trổ vàng trong mưa, cá linh ở Biển Hồ (Campuchia) theo lũ ồ
ạt tràn về. Dưới sông Thoại Giang, các xuồng thả lưới
đánh bắt từng mẻ cá linh trắng bạc. Có khi một mẻ lưới
đánh được gần 3 kg cá linh.
Bông điên điển giòn thơm,
thịt cá linh mềm béo ngậy trắng đầy trong nồi canh chua
bốc khói, là nguồn đạm dồi dào mà giá rẻ của người
nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Cá nhiều ăn không hết,
người dân ở đầu nguồn sông Cửu Long này lại chế biến
thành món cá khô, mắm để ăn dần quanh năm.
Các thứ rau như: rau chóc,
lục bình, bông súng ăn kèm với mắm linh có đủ bốn mùa...
Hết mùa khô, đến mùa mưa cá lại tràn về. Bông điên điển
có thể gọi là món rau lạ. Nó nấu canh chua vẫn giữ được
mùi thơm và giòn, dùng làm dưa muối có mùi chua ngọt thơm
rất thích! Và có thể nấu món luộc ăn làm mát cơ thể và
tạo giấc ngủ ngon lành.
Bánh canh chả cá Nha Trang
Bà bán hàng múc tô bánh canh
nghi ngút khói, bỏ vào mấy miếng chả cá chiên vàng rộm,
một ít hành lá xắt nhỏ, hành củ chẻ sợi, rắc ít tiêu,
hành phi... Gọi thêm một đĩa chả hấp, thực khách vắt vào
tô một ít chanh, chút mắm ớt tỏi đậm đặc rồi xì xụp
húp.
Chả cá ở thành phố biển
này ngon nổi tiếng bởi được làm từ các loại cá mối,
cá thu, cá thửng, cá chuồn, cá cờ... tươi rói, nhưng nguyên
liệu ngon nhất vẫn là cá thu, cá mối và cá rựa.
Có 2 loại chả cá: hấp và
chiên. Người thích ăn chả chiên thì cho rằng nó dậy mùi
thơm đặ biệt, người thích ăn chả hấp lại nghiện vị
ngọt của nó. Nhưng dù là món nào thì những miếng chả luôn
dai, mềm, ngọt và sẽ đậm đà hơn khi bạn chấm thêm một
chút nước mắm tỏi ớt đậm đặc.
Làm chả cá rất đơn giản,
chỉ hơi nhọc công ở khâu giã. Cá tươi rửa sạch, nạo
lấy thịt. Hành, tỏi, tiêu, gia vị giã nhuyễn; bỏ cá đã
nạo vào quết thật quánh - càng quết nhuyễn, thịt càng dai
- đến khi thấy nặng tay thì thôi. Chả được vê lại thành
viên để chiên. Nếu hấp thì cho thêm ít mỡ khổ cắt hạt
lựu, một ít mộc nhĩ cắt nhỏ, trộn đều. Hấp đến khi
gần chín thì đập vào một quả trứng cho bề mặt có màu
vàng.
Bánh canh thường có 3 loại:
bánh canh bột gạo, bánh canh bún và bánh canh bột lọc. Bột
lọc được làm bằng bột mỳ hay bột năng và loại này thường
được nấu với cua. Bánh canh bột gạo làm như bánh phở;
bánh canh bún là một loại bún sợi to.
Miếng chả là nguyên liệu
chính của bánh canh hay bún cá. Sau khi đã lọc hết thịt,
xương cá được dùng để ninh lấy nước, làm nên vị ngọt
đặc trưng. Nếu bạn ăn bún cá, trước khi ăn đừng quên
cho thêm vào ít hành tây, cà chua và hãy ăn kèm với rau sống.
(Theo Ăn Uống)