Du Lịch Việt Nam 2

Về lại Trà Vinh thăm bảo tàng chim
Vượt qua quãng đường hơn 40 km từ thị xã Trà Vinh về ấp Giồng Ông Lớn (xã Đại An, Trà Cú), là ngôi chùa Nôdôl của đồng bào Khmer Nam Bộ, còn được gọi là chùa chim. Giữa cái nắng nóng của tháng 8, khung cảnh tĩnh mịch mát mẻ du khách sẽ cảm thấy thanh thản hơn khi vào thăm chùa chim.
Một vị sư cả cho biết, gọi là chùa chim vì nơi đây từ bao đời nay, xung quanh luôn luôn có hàng nghìn con chim lớn, nhỏ cư ngụ, sinh con đẻ cái. Lớn lên, chúng ra các rẫy màu kiếm ăn, cuối đời lại treo xác trên bụi tre già để gửi thân lại nhà chùa.
Chùa Nôdôl là một ngôi chùa cổ lớn, tọa lạc trên diện tích gần 3 ha, được xây dựng từ lâu đời. Xung quanh chùa, từ nhà chánh điện đến các khu sinh hoạt, nơi ăn ở của các vị sư, trên nóc mỗi căn nhà các loại chim đều đậu kín. Đông nhất vẫn là cò. Các loại chim khác như cưỡng, sáo, bồ nâu cũng chung sống bình yên với cò tại đây từ nhiều năm trước.
Giữa khung cảnh chùa tĩnh mịch, tiếng đọc kinh hòa lẫn với tiếng chim chóc giống như một bản hòa tấu hiếm có. Điều lạ lùng là ở Trà Vinh có tới hơn 140 ngôi chùa lớn nhỏ nhưng chim chóc chỉ chọn ngôi chùa này để sinh sống. Vị sư cả lý giải: "Ngoài cảnh quan nhiều cây cối mà chùa Nôdôl có giống như các chùa khác ở Trà Vinh, thì ý thức bảo vệ thiên nhiên của nhà chùa của nhân dân ấp Giồng Lớn và cả xã Đại An - huyện Trà Cú rất tốt".
Chim an phận gởi mình tại đây và hòa quyện với khung cảnh thanh bình của cây cối. Chỉ thấy mỗi lúc chim lại tụ đông hơn. Nhiều loại chim quý hiếm cũng chọn cảnh tĩnh mịch của chùa để làm nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời của mình. Từ bao nhiêu năm nay từng đàn chim tụ hội về đây, sinh sôi, nảy nở làm nên bức tranh bảo tàng chim độc nhất vô nhị này ở Trà Vinh.

Thăm chùa Khmer ở Trà Vinh
Trà Vinh nằm gọn giữa rừng cây cổ thụ, là tỉnh có nhiều chùa cổ Khmer với 142 công trình rải rác khắp thị xã và 7 huyện. Mỗi chùa là một phong cách kiến trúc khác nhau, in đậm bản sắc của dân tộc này.
Chùa Phật Thích Ca bao gồm luôn trường học và nơi tổ chức các lễ hội. Chính điện có mái uốn cong đuôi rồng với những đỉnh tháp nhọn hình núi Xôme và nhiều hình tượng quen thuộc như Richu, thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kayno, Mahaknot... Quanh chùa có tháp đựng cốt, nhà hội và nhiều công trình khác.
Nhiều chùa nổi tiếng như Samrongek, tương truyền được xây từ năm 642, còn lưu giữ một số tượng cổ Noria bằng đá quý. Chùa Angkorette Pali (còn gọi là chùa Âng), chùa Kamponynixprdle (tên khác là chùa Hang), chùa Mồng Rầy là những ngôi chùa đẹp nổi tiếng từ lâu với nhiều nét đặc trưng của kiến trúc Khmer.
Những công trình cổ kính ở nơi đây còn là giang sơn của các loại chim, cò. Tiêu biểu hơn cả là chùa Nodol còn gọi là chùa Cò hay chùa Giồng Lớn với đủ loại chim, cò nhiều đời tiếp nối, cư ngụ trên những ngọn tre, dừa, sao, dầu, sến...
Khách đến Nodol thường đi lúc xế chiều để được ngắm từng đôi, từng đàn chim xao xác ùa về tổ. Sau chùa có phòng dành riêng chăm sóc những chú nhỏ mồ côi. Thi thoảng, du khách có thể bắt gặp những tên lười nhác, suốt ngày chỉ ngủ hoặc thơ thẩn rong chơi. Chiều về, khi cò cha cò mẹ ríu rít mớm mồi cho con, thì hắn tha thẩn dưới gốc cây chờ nhặt thức ăn vương vãi.

Du lịch văn hóa ở Trà Vinh
Là địa phương có nền văn hóa đậm đà bản sắc Khmer với những lễ hội, công trình kiến trúc cùng các vườn cây trái xanh tốt bốn mùa, Trà Vinh ngày càng được nhiều người biết đến.
Nằm cách thị xã Trà Vinh chừng 6 km về hướng tây nam, ao Bà Om có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, với mặt nước phẳng lặng rộng khoảng 12 ha, được phủ đầy hoa sen, súng. Bao quanh ao, hàng nghìn cây sao, dầu cổ thụ, có hình thù lạ mắt, tỏa bóng mát xuống thảm cỏ xanh mượt.
Ao Bà Om kết hợp với Bảo tàng Văn hóa Khmer và chùa Âng thành một khu du lịch liên hoàn. Hằng năm, vào những dịp lễ tết, nơi đây là điểm hẹn của hàng nghìn người trong và ngoài tỉnh. Họ đến tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời chiêm ngưỡng nét độc đáo của kiến trúc Khmer. Ngoài ra, du khách còn có thể tìm hiểu đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh qua hội thả đèn gió ở ao Bà Om, lễ cúng trăng, lễ triệu tuổi.
Ở Trà Vinh có hàng trăm ngôi chùa Khmer, đình chùa người Việt, người Hoa... mang đậm sắc thái các dân tộc. Chùa Giồng Lớn ở xã Đại An (huyện Trà Cú) tập trung rất nhiều cò, nên thu hút nhiều du khách.

Bãi biển cát trắng Ba Động
Cách TP HCM 260 km, Ba Động có phong cảnh hữu tình, đẹp thơ mộng với bờ cát trắng dài gần 50 km, trải rộng trên 3 xã Trường Long Hoà, Vân Thành và Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh).
Nhiều người nói rằng Ba Động là một miền Trung thu nhỏ dập dồn, cuộn trào, sôi động, khác hẳn với ngọn sóng đu đưa, nhè nhẹ thường gặp ở những cửa biển miền Tây. Gió ở đây mặn đậm mùi nước biển, khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng khi chỉ vài phút trước đó, trên con đường tới đây, là mùi hương cây trái, mùi lúa chín thoang thoảng quen thuộc của miền đất phù sa.
Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã khai thác tiềm năng du lịch của Ba Động qua việc xây dựng ở đây một nhà mát, làm điểm nghỉ ngơi cuối tuần cho các quan tỉnh, quan huyện và các sĩ quan ở miền Tây. Ngày nay, điểm du lịch này có thể kết hợp với một chuyến tham quan cầu Mỹ Thuận hay du lịch sinh thái ở Vĩnh Long.
Ba Động có nhà hàng hải sản, cung cấp những món ăn cá mực theo kiểu Tây Nam Bộ đánh bắt từ biển lên. Món đặc sản mắm còng, sinh vật sống rất nhiều trên những bãi bồi cửa sông, ăn với chuối chát, khế chua, rau sống, bánh tráng, thịt luộc... luôn làm say lòng các thực khách.
Trên bãi biển có những chòi lá, với những ghế nghỉ tạo cảm giác thoải mái cho du khách. Tại đây cũng có chỗ nghỉ đêm với giá khá mềm (60.000-80.000-100.000 đồng/đêm). Du khách còn có thể dạo chơi trên những đồi cát trập trùng, mênh mông với những sóng cát dập dờn bất tận. Những điểm tham quan khác là hải đăng, các trại nuôi tôm, những cù lao... Trên bãi biển bao la trắng xoá trong gió chiều miên man, bạn có thể thả diều, chơi các trò chơi thể thao. Đến Ba Động bạn đừng quên đem theo bóng nhựa, hay cặp vợt cầu lông. Phóng xe gắn máy tốc độ cao trên bãi biển vắng lặng và dài bất tận cũng là một cái thú khó tìm thấy ở các bãi biển khác.

Vườn cò Trà Vinh - một nguồn sinh thái quý giá
Đã có cách đây hơn 300 năm, nằm trên địa phận xã Đại An huyện Trà Cú (Trà Vinh), vườn cò Trà Vinh có một diện tích không lớn lắm, trên dưới 2 ha, bao chung quanh một ngôi chùa có tên là Giồng Lớn.
Ở đây có khoảng 10 loại cò, trong đó có cò quắm xám - một loài chim quý. Các loài chim, cò ở đây gần như chung sống với mọi người, khách du lịch có thể đứng ngắm nhìn chúng cách xa chưa đầy 5 m.
Đây thực sự là một nguồn sinh thái phong phú, quý giá và cần được bảo vệ. Nước ta có một di sản đồ sộ với 11 vườn quốc gia, song, công tác bảo vệ, bảo tồn từng nơi còn nhiều vấn đề nan giải. Cần có một bài toán dựa vào dân để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Yên Tử - lưng trời một cõi phù vân
Cách trung tâm thị xã Uông Bí, Quảng Ninh 14 km, ngọn núi này xưa kia gọi là Tượng Sơn (Núi Voi), có lẽ bởi hình dáng tựa như một con voi khổng lồ. Sử sách cũ lại gọi Yên Tử là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng). Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ mùng 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.

Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội, được tổ chức ngay dưới chân núi Yên Tử, là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh cao nhất của ngọn núi này (1.068 m). Trong dòng người thập phương đổ về đây, có nhiều người tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài. Có những người đến Yên Tử để ngưỡng cảm ý chí thông tuệ và đức độ thanh cao của các bậc cha ông. Có người chỉ để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí thanh bình. Nam nữ thanh niên đi Yên Tử để khám phá, chinh phục. Nhiều Việt kiều lâu lâu về thăm quê lại đắm mình trong những giá trị nhân văn, tinh hoa dân tộc. Rất nhiều khách nước ngoài đã biết đến vùng này như một điểm du lịch tôn giáo, văn hóa và sinh thái.
Bất kỳ ai đến với lễ hội Yên Tử, nhất là lên được đến chùa Đồng, đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Với thời gian trung bình 3 giờ leo núi, đường lên đỉnh như một cuộc thử thách, kiểm chứng lòng thành của khách hành hương. Đến chùa Đồng, phật tử hay du khách đều có cảm giác mãn nguyện như bước vào chốn đào viên - nơi Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền đạo cho các bậc hiền triết của trần gian.
Ngay từ thế kỷ XVII-XVIII, trên đỉnh Yên Tử đã hiện diện ngôi chùa Thiên Trúc Tự mái lợp ngói đồng (nên còn có tên là chùa Đồng). Bên cạnh chùa có một phiến đá lớn, bằng phẳng gọi là Bàn cờ Tiên, cùng một chữ Phật khổ lớn khắc vào vách đá... Tất cả tạo nên sự linh thiêng, huyền bí và sức cuốn hút kỳ diệu. Hiện nay, chùa cũ không còn, dấu tích để lại là một khám thờ nhỏ bằng đồng, được làm lại vào tháng 4/1994.
Rải đều trên các cung bậc của hành trình lên Yên Tử là những chùa, bia, am, tháp... lúc náu mình trong rừng cổ nguyên sinh, khi phô bày giữa không gian thoáng đãng hay ẩn hiện trong mây, huyền ảo quyến rũ như mời gọi, khích lệ tinh thần du khách. Khách lên đỉnh Yên Tử tựa như tới cổng trời, được cưỡi mây nhìn xuống hạ giới. Phóng tầm mắt ra phía đông, vịnh Hạ Long mênh mông với hàng nghìn đảo đá nhấp nhô như chuỗi ngọc. Nhìn về phía nam là thành phố Hải Phòng với dòng sông Đá Bạch, Bạch Đằng lững lờ như một dải sa tanh lấp lánh. Trông về tây là đồng bằng trù phú Hải Dương, Bắc Ninh, còn trời bắc lại ngút mắt với điệp trùng rừng núi.
(Theo Du Lịch Việt Nam)

Trà Cổ - bãi biển trữ tình nhất Việt Nam
Với bãi tắm rộng và bằng phẳng, nền cát trắng mịn hoà trong nền nước biển xanh biếc suốt bốn mùa, Trà Cổ là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo thành.
Trà Cổ nằm ở cực Đông Bắc đất nước thuộc tỉnh Quảnh Ninh, kề sát biên giới Trung Quốc, cách thị xã Móng Cái và cửa khẩu Móng Cái 8-9 km. Bằng ca nô hay tàu thuỷ chạy từ Hải Phòng đến Móng Cái với quãng đường 206 km hoặc từ Hồng Gai với hành trình 132 km, bạn sẽ đến bãi biển này. Nếu bạn đi đường bộ từ Hà Nội, theo đường 18, Hà Nội - Hòn Gai đến Tiên Yên rồi rẽ đường số 4 đi xã Móng Cái để ra bãi biển Trà Cổ.
Bên bờ biển là những cồn cát cao từ 3 đến 4 m, có làng ấp và dân cư trú đông đúc, chủ yếu sống nghề nông và chài lưới. Sát bờ biển là các dải rừng phi lao chắn gió, râm mát giữ cát và gần đó còn có hệ thống sinh thái rừng ngập mặn.
Bờ biển Trà Cổ dài tới 17 km từ mũi Gót ở phía bắc đến mũi Ngọc ở phía nam, đủ sức chứa hàng vạn khách du lịch đến nghỉ mát, tắm biển. Do cách xa các thành phố, khu công nghiệp, bến cảng, nên Trà Cổ có khí hậu mát mẻ, nồng nàn hương biển, không gian tĩnh mịch và còn mang đậm nét hoang sơ. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 22,7 độ C, có 4 tháng nhiệt độ xuống 20 độ C (vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau), tháng nóng nhất vẫn là nhiệt độ lý tưởng với mức từ 26 đến 28 độ C. Ở nơi đây, chưa hề thấy sự hiện diện của "bãi biển thương mại", rất ít hàng quán, hàng bán rong. Nếu bạn muốn thưởng thức hải sản tươi sống, có thể mua được ở ngay bên bờ biển khi thuyền chài ngư dân đánh bắt về.
Nếu kỳ nghỉ của bạn đúng vào dịp cuối tháng 5 âm lịch, bạn sẽ được tham gia "Hội làng Trà Cổ" diễn ra từ ngày 30/5 đến 6/6. Sáu ngày lễ hội tưng bừng này mang nét đặc trưng của đời sống ngư dân vùng biển.


Xem tiếp phần 3