Hội chùa
Hương - lễ hội dài nhất trong năm
Thắng cảnh Hương Sơn ở
vào địa phận xã Đục Khê, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Nơi
đây tấp nập tưng bừng từ trung tuần tháng giêng đến hạ
tuần tháng 3 âm lịch. Mùng 6 tháng giêng là ngày khai hội
nhưng đỉnh cao thì từ ngày rằm tháng giêng đến 18 tháng
2 âm lịch.
Hội trải rộng trên 3 tuyến:
Tuyến Hương Tích: Du khách
chủ yếu đi theo tuyến này. Những gì đặc sắc nhất đều
tập trung ở đây. Khách ngồi đò từ bến Đục (còn gọi
là bến Yến) ghé lễ đền Trình. Sau đó tiếp tục đi qua
cầu Hội, hang Sơn thủy hữu tình, núi Đồi Chèo, núi Con
Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà... Cập bến Thiên Trù, khách rời
thuyền qua nhà bia vào chùa Thiên Trù (tục gọi là chùa Bếp
Trời hay chùa Ngoài). Từ đây, bắt đầu hành trình leo núi
lên chùa Tiên, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng (còn gọi là
đền Trấn Song) và đến đệ nhất động Hương Tích (chùa
Trong). Từ động này, khách có thể theo lối rẽ qua rừng
mơ lên chùa Hinh Bồng.
Tuyến Tuyết Sơn: Từ bến
Đục, khách rẽ làng Phú Yên gặp suối Tuyết, ra bến đò
của làng gọi là bến Phú Yên vào trình đền Mẫu Hạ gần
đó. Tiếp đến du khách ngồi đò qua núi Thuyền Rồng, núi
Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy đến
bến Tuyết Sơn rồi vào chùa Bảo Đài. Từ đây khách leo
núi đến Bạch Tuyết Môn, vào điện Cô và tới chùa Tuyết
Sơn (còn có tên khác là Ngọc Long động).
Tuyến Long Vân: Đò từ bến
Yến dừng ở đền Trình, sau đó rẽ sang một nhánh của con
suối này qua núi Ông Sư Bà Vải cập bến Long Vân. Khách thăm
viếng chùa Long Vân, leo núi thăm động cùng tên, đi nữa đến
chùa Cây Khế và cách đó chừng vài trăm mét là hang Sũng
Sàm - một di chỉ khảo cổ còn lưu lại dấu của người
xưa.
Chùa Hương là một danh thắng
nổi tiếng với những dãy núi đá ghồ ghề bên cạnh sự
mềm mại của các dòng suối. Quần thể núi non tạo ra những
hình dáng kỳ thú như hai con rồng đá tranh hòn Ngọc Ốc ở
cánh đồng Đục Khê; núi nổi trên cánh đồng nước cạnh
đền Trình tạo hình rồng, sư tử, rùa, phượng - 4 linh vật
trong tâm thức người Việt... Sự hấp dẫn của Hương Sơn
trong không chỉ ở bên ngoài, mà còn ở sự sâu lắng, giàu
triết lý dân gian bên trong các hang động.
Du khách đến chùa có cái
thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng bầu trời, cảnh bụt, hưởng
khoái cảm nhìn sông, ngắm núi như thu vào tầm mắt một góc
non sông lại như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Sau đấy
là thú vui trèo núi thật dân dã: trong tay cây gậy lụi, men
theo đường núi lấm tấm hoa dại, thảng hoặc nghe một tiếng
chim rừng. Hang động ở Hương Sơn là yếu tố cấu thành
quan trọng khiến quần thể du lịch này trở nên nổi tiếng.
Cả 3 tuyến tham quan trên đều khai thác các vị trí động
đá để thu hút khách.
Khách đến chùa Hương có
nhiều mục đích khác nhau nhưng hầu hết là để thưởng
ngoạn vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên và nhờ không
gian chùa để hướng tới những ước nguyện cao đẹp của
con người. Bởi trong tâm thức người Việt, Hương Sơn là
cõi Phật. Chính yếu tố này đã tạo nên sắc thái văn hóa
du lịch của hội chùa Hương.
Khu du lịch
sinh thái Thác Đa
Nằm trong quần thể du lịch
nổi tiếng Ao Vua, Suối Mơ, Suối Hai (Hà Tây), Thác Đa trải
rộng 100 ha sát chân núi Ba Vì với khung cảnh thiên nhiên hoang
sơ hùng vĩ, mang dấu ấn lịch sử cũng như những nét văn
hóa truyền thống.
Ra khỏi địa phận Hà Nội
60 km về phía tây, đến Thác Đa, du khách sẽ cảm thấy như
đang sống trong những bộ tộc của người Việt cổ. Khu trung
tâm rộng khoảng 100 m2, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt
động văn hóa nghệ thuật dân gian và hiện đại như chèo,
quan họ, ca múa nhạc tổng hợp... Quanh đó là những nhà nghỉ
theo mô hình nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, Thái
len lỏi giữa rừng cây ven núi.
Nét đẹp nhất của Thác Đa
là con suối chảy từ trên núi xuống tung bọt trắng xóa như
một dải lụa bạc khổng lồ nổi bật giữa màu xanh của
núi rừng. Những quán bar thiết kế kiểu nhà sàn cũng hết
sức độc đáo. Ở khu 2 có bể bơi, hồ câu cá, sân thể
thao, vườn trái cây, các món ăn dân tộc… hòa thành một
ấn tượng không dễ phai mờ.
Ông Đinh Hữu Đức, chủ nhân
khu du lịch cho biết sẽ xây dựng thêm khu 3 và khu 4. Khu 3
(40 ha) là trung tâm thể dục thể thao: tennis, bóng chuyền,
bóng đá, bể bơi... và một khu đất trồng cây để du khách
có thể cắm trại và nghỉ ngơi. Khu 4 nằm trên cao, sẽ được
xây thành "Đài vọng cảnh", có hệ thống cáp treo.
Đến với Thác Đa vào đúng
ngày lễ hội sẽ càng độc đáo hơn. Du khách cùng say sưa
trong men rượu cần của những đêm lửa trại, nhảy múa trong
tiếng sạp của những điệu “Sênh tiền” của người Mường,
“Chuông” của dân tộc Giao tiền, “Kèn lá gọi người
yêu” của dân tộc H'mông hay “Hát mừng năm mới” của
người Tày…
Chùa Hương
mùa không hội
Đường tới trung tâm xã Hương
Sơn khá thông thông thoáng, không có một sự cố tắc đường
nào như vẫn thấy khi mùa hội. Bến đò Yến Vĩ vốn nườm
nượp người vào ra, nay yên tĩnh đến ngỡ ngàng. Các nhà
trọ, quán hàng buông mành tĩnh lặng.
Những chiếc đò bằng tôn
xếp chồng chất trên những khoảng đất trống bên đường.
Nếu không có những đám rơm, đám thóc phơi tràn ra lòng đường,
dễ tưởng nơi này vẫn chìm trong giấc ngủ dài.
Du khách đa phần là người
nước ngoài, họ hăm hở, háo hức được đến một địa
danh nổi tiếng. Suối Yến ngát một màu xanh của... bèo. Vì
không phải mùa hội, nên khách được ưu tiên sử dụng xuồng
máy. Nhưng thật bất ngờ, sự cố ách tắc trên suối Yến
lại xảy ra bởi... những đám bèo khổng lồ. Chiếc xuồng
luôn gầm lên, đôi lúc như bất lực trước sức cản của
lớp bèo dày đặc. Mấy con đò nhỏ cố len lỏi, nhích dần
từng mái chèo. Một cán bộ của Ban quản lý di tích Hương
Sơn than thở: "Mùa này, cứ sau trận mưa là bèo sinh trưởng
nhanh lắm. Chỉ riêng trục vớt bèo cũng đã tốn bao công
sức, vậy mà cũng không xuể".
Hình ảnh
chân thực của Chùa Hương
Từ bến Trò đến trước
Nam Thiên Môn của chùa Thiên Trù, cảnh vật hai bên như hoàn
toàn mới lạ. Vuông đất rộng, bằng phẳng với những hàng
cây rợp bóng, đẹp như công viên nhỏ trước cửa chùa. Anh
cán bộ Ban quản lý giải thích: "Vào mùa hội, ở đây hàng
quán chen dày, làm gì còn khuôn viên rộng, đẹp thế này.
Các anh nhìn kìa, tan hội, hàng quán được dỡ ra xếp đống
cả đấy. Gần đến ngày khai hội, chúng lại được dựng
lên kín hết cả chỗ này". Theo hướng anh chỉ là những đống
tre, nứa được che đậy cẩn thận, đây đó còn những đống
rác lớn không biết đến bao giờ mới tự tiêu hủy được.
Anh cho biết, mai đây chỗ này sẽ không còn hàng quán mà được
cải tạo thành điểm dừng chân cho du khách vui chơi giải
trí.
Khi không gian xung quanh được
trả lại vẻ tự nhiên, tĩnh lặng vốn có của nó thì sự
hoành tráng, lộng lẫy của chùa Thiên Trù hiện lên giữa
sắc trời, núi non hùng vĩ. Không gian thanh tịnh, trang nghiêm
bao trùm ngôi chùa, khác hẳn với cảnh chen lấn, ồn ã khi
ngày hội. Đường lên động Hương Tích như thênh thang hơn,
dù vẫn gập ghềnh nhưng không trơn trượt. Rừng núi vắng
vẻ nhưng không hoang vu. Thỉnh thoảng còn thấy bên đường
những quán hàng ọp ẹp bỏ trống, họa hoằn mới có người
bán đồ giải khát, hàng lưu niệm.
Trong động Hương Tích không
ánh đèn điện, chỉ có ánh nến chập chờn nơi bệ thờ.
Sau một lát vào động, mọi vật như sáng dần lên. Người
ta đang cọ rửa lớp muội của khói bám vào nhũ đá. Giàn
giáo ngổn ngang như một công trường. Những cột đá, trụ
đá được "tắm rửa" sạch sẽ trở nên trắng ngần, tinh
khiết...
Chơi golf
ở "Đảo Vua"
Nằm dưới chân núi Ba Vì,
Sơn Tây, Hà Tây, cách Hà Nội 36 km, có một vùng đất mang
tên Đồng Mô. Quang cảnh nơi đây vẫn còn những nét hoang
sơ đẹp lạ lùng. Dưới ánh nắng óng ả, hàng đàn chim két,
chim le bay lượn soi bóng xuống làn nước xanh mặt hồ.
Chiếc cano lướt vun vút đưa
bạn tới một vùng cỏ xanh mướt, mịn màng. Đó chính là
sân golf "Đảo Vua". Sân rộng tới 350 ha gồm hai sân Bên Hồ
và Hướng Núi, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế
do kiến trúc sư người Mỹ, ông Robert Mo Farland thiết kế.
Hiện tại, chỉ có sân Bên
Hồ với 18 lỗ được đưa vào hoạt động. Theo ông Trần
Đức Tiến, Giám đốc sân golf Đảo Vua - Đồng Mô, sân Hướng
Núi sẽ được xây dựng trong tương lai gần, góp phần đưa
sân golf Đảo Vua trở thành sân lớn nhất tại Việt Nam. Hiện
đây là sân duy nhất ở miền Bắc và đang hoạt động rất
có hiệu quả thu hút được nhiều khách nước ngoài (95%).
Du khách ngoại quốc đến Đảo Vua đã nhận xét rằng, nếu
được đầu tư thích đáng, nơi đây không những sẽ trở
thành sân golf đẹp nhất châu Á, mà có thể là đẹp nhất
thế giới.
Yếu tố dẫn đến thành công
có lẽ vẫn chính là cảnh quan và thiên nhiên hoang sơ vốn
có của Đồng Mô. Nó khiến cho con người cảm thấy mình
có thể hòa lẫn và tận hưởng thiên nhiên.
Thành phố
Vạn Tường - Đà Lạt trên biển
Nhiều người ví von, sau khi
hoàn thiện, thành phố Vạn Tường (huyện Bình Sơn, Quảng
Ngãi), sẽ trở thành “Đà Lạt trên biển” bởi phong cảnh
ở đây thực hữu tình, vừa có đồi núi, vừa có biển cả
mênh mông. Đặc biệt, tại bãi biển sẽ có một khu du lịch
sinh thái gồm nhà nghỉ, khách sạn, biệt thự, sân gôn...
Thành phố rộng 2.400 ha, được
định hướng phát triển theo hướng công nghiệp - du lịch
- dịch vụ, nhằm phục vụ các chuyên gia, công nhân trong và
ngoài nước làm việc tại Dung Quất và dân cư địa phương.
Dự kiến năm 2010, nơi đây có khoảng 100.000 dân.
Ông Trần Lê Trung, Trưởng
ban quản lý Khu công nghiệp Dung Quất, cho biết, Vạn Tường
được xây mới hoàn toàn với kiến trúc hiện đại, nhưng
vẫn giữ nguyên địa hình đồi núi đan xen. Thành phố sẽ
gồm nhiều nhà cao tầng, biệt thự xen lẫn với các dịch
vụ như bể bơi, sân đỗ trực thăng, lâm viên...
Hai năm qua, thành phố Vạn
Tường được đầu tư 60 tỷ đồng làm một số công trình
như: đường nhựa, điện, hệ thống bưu chính... Dự kiến,
đến năm 2005, thành phố tiếp tục được đầu tư khoảng
1.500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đến thăm
"Đà Lạt của miền Tây"
Lữ khách từng đến núi Sam,
miếu Bà Chúa Xứ, hoặc đã một lần ngồi thuyền ngược
dòng sông Hậu đến thăm cù lao Ông Hổ, sẽ không thể bỏ
qua khu du lịch Núi Cấm. Ngọn núi này nằm trong dãy Thất
Sơn hùng vĩ, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang.
Xuất phát từ thị xã Châu
Đốc, lên ôtô đi theo hướng Tây Bắc, chỉ chừng 60 phút
sau du khách đã đến Núi Cấm. Khu du lịch này là điểm kinh
doanh chủ yếu của nhiều công ty và là điểm hẹn hấp dẫn
đối với mọi du khách, đặc biệt với giới trẻ thích tìm
cảm giác mạnh: vượt vách núi phía tây.
Ngay sau khi đến chân Núi Cấm,
du khách có thể dạo chơi trong không gian thoáng đãng của
thiên nhiên hoang dã, tham quan vườn thú vườn cây, soi bóng
hồ Thanh Long lặng lẽ uốn mình. Khoác hành trang gọn nhẹ
lên đường vào chân núi, khách để lại phía sau cái nắng
của vùng Tây Nam Bộ, hòa mình vào vùng khí hậu êm dịu của
rừng cây, dòng suối.
Chùa Phật Lớn là điểm nghỉ
qua đêm để các vận động viên lấy lại sức, để hôm
sau chinh phục Vồ Bồ Hong, đỉnh cao nhất của Núi Cấm. Buổi
sáng, sau khi vượt hơn 5 cây số đường núi, đứng trên độ
cao 716 m của Vồ Bồ Hong, Thất Sơn hùng vĩ tưởng chừng
cao vời vợi đã lọt vào giữa tầm mắt.
Vị trí này trông chếch sang
phía tây là đồng ruộng mênh mông, biên giới giữa Việt
Nam và Campuchia. Từ đây, bạn có thể đổ dốc với vách
núi nghiêng 50 độ, lởm chởm đá, cực kỳ hiểm trở. Tham
quan, tìm hiểu tập tục sinh hoạt và lễ nghi của cư dân
miền núi Campuchia là điều du khách nào cũng háo hức trông
đợi. Họ sống tập trung trong một ngôi làng nhỏ phía tây
mà khách phải mất hơn 2 tiếng nữa mới xuống đến nơi.
3 ngày 2 đêm là thời gian
vừa đủ để tham quan trên 20 địa danh nổi tiếng của vùng
Bảy Núi như thao trường vua Gia Long, Vạn Linh Tự, động Thủy
Liên, điện 13 tầng...
Được mệnh danh là Đà Lạt
của miền Tây với khí hậu mát mẻ quanh năm, khu du lịch
Núi Cấm thực sự thích hợp cho các buổi cắm trại và sinh
hoạt ngoài trời. Du khách có thể chọn tour, các chương trình
tham quan theo yêu cầu tại các công ty du lịch, hoặc kết hợp
đi các tuyến điểm khác với du lịch Núi Cấm.
Rừng Trà
Sư - điểm du lịch sinh thái tương lai
Vùng đất hoang phèn chua ngày
nào nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên (An
Giang), nay đã là một khu rừng tràm có tổng diện tích gần
900 ha.
Nơi đây có những cây tràm
trên 10 tuổi đã cao 5-8 m, tán rừng xanh thẳm thu hút nhiều
loài động vật đến trú ngụ. Đặc biệt, có 12 ha tràm tập
trung khoảng 62 loài chim cò với số lượng hàng trăm nghìn
con. Mặt nước trong rừng Trà Sư còn là nơi thích hợp cho
nhiều loài cá sinh sôi.
Trong tương lai, An Giang sẽ
có thêm một điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn. Rừng
Trà Sư là một mô hình khá thích hợp với những vùng đất
phèn trồng tràm, vừa đáp ứng nhu cầu chất đốt, cung ứng
vật liệu xây dựng, vừa tạo môi trường sinh thái trong lành.
An Giang: Du lịch "nghỉ tại
nhà"
Công ty Du lịch và Phát triển
miền núi An Giang vừa khai trương loại hình dịch vụ mới
này tại khu sinh thái xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên.
Du khách đi chơi cù lao Ông
Hổ sẽ quay về ăn uống, nghỉ ngơi tại nhà dân. Tại đây
được bố trí đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như ở thành
thị, nhưng lại mang đậm nét thôn quê, dân dã. Khách sẽ
được tổ chức đi chơi trong các khu vườn cây ăn trái bằng
xe đạp và ngồi xuồng dạo quanh sông nước.
Nét đặc biệt của loại
hình du lịch này là khách được trực tiếp giao lưu với
người dân địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, nếp
sinh hoạt đời thường của người dân miền quê Nam Bộ.
Cồn Cỏ
- một hòn đảo trù phú
Từ bãi biển Cửa Tùng (huyện
Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhìn ra phía tây có một hòn đảo
xanh lam nổi lên giữa biển như một chiến hạm. Đó là Cồn
Cỏ, còn có tên là Con Hổ, Hòn Mệ, một trong những hòn đảo
đẹp hiếm có của miền Trung.
Cồn Cỏ cách bờ biển Vĩnh
Linh khoảng 30 km, giữa đảo có một đỉnh đồi nhô cao 63
m. Rừng chiếm 3/4 diện tích đảo với nhiều loài cây lạ.
Có cây thân cao vằn vèo nhiều đốt, có cây thân thẳng nhẵn
như cây ổi, nhưng to cao, gỗ cứng và nặng, nhựa cây đỏ
như máu nên được mang tên dầu máu. Mùa thu, rừng bàng nhuộm
đỏ ối cả một vùng.
Thế giới động vật trên
đảo tuy không nhiều về chủng loại nhưng khá độc đáo.
Trên trời có chim cu cườm, én; dưới đất có rắn lục xanh
nhỏ, rất độc nhưng quý vì có thể dùng làm thuốc. Nổi
tiếng nhất là con cua đá to gần bằng bàn tay, đêm đến
bò ra rào rào, cũng chính là nguồn thực phẩm dồi dào và
quan trọng trên đảo.
Rắn biển Cồn Cỏ còn gọi
là con đẻn, chỉ dài khoảng một sải tay nhưng độc không
kém rắn lục. Dưới biển có hải sâm đen, trắng, to bằng
ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa
là món ăn cao cấp xếp ngang với yến sào. Ốc nón Cồn Cỏ
nhiều vô số, luộc ăn ngọt đậm; vỏ ốc được dùng làm
đồ trang sức, mỹ nghệ.
Hiện nay, trên đảo có rất
nhiều ngôi nhà khang trang, có sân chơi thể thao, đường cấp
phối. Thế giới động vật của đảo đang được bổ sung
không ngừng từ đất liền, cảnh quan cũng được cải tạo
thêm. Chỉ trong nay mai, Cồn Cỏ sẽ đón nhận những công
dân đầu tiên từ đất liền ra định cư. Họ sẽ là người
xây dựng Cồn Cỏ thành huyện đảo của tỉnh Quảng Trị,
đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
Thăm hòn
Chồng, nhớ tích xưa
Ở ngay thành phố, có thể
vừa leo núi, vừa ngắm cảnh biển và nghỉ ngơi, Hòn Chồng
(Nha Trang) có thể thoả mãn thú vui này của bạn. Đó là hai
khóm đá lớn: một nằm trên bờ, một dưới biển, nếu gọi
tách là hòn Chồng và hòn Vợ.
Khu vực này còn có một quần
thể những khối đá lớn nhỏ, nhiều tầng lớp với những
hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống
biển. Các khối đá như có một bàn tay khổng lồ sắp đặt,
tạo dựng trong một trò chơi xếp hình tinh nghịch. Vẻ chênh
vênh, hờ hững của những khối đá lớn nằm trên khối đá
nhỏ mang lại một cảm giác thật tự nhiên.
Lạ nhất là khối đá lớn
như một ngôi nhà tầng trên mỏm cao nhất. Mặt đá tương
đối bằng phẳng hướng ra biển, trên đó hằn sâu một dấu
tay khổng lồ. Như thể thuở mới tạo sơn đã có một bàn
tay nào vịn vào đó.
Truyền thuyết kể lại rằng,
có một ông khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy
tiên nữ đang tắm, ông dừng lại ngắm say sưa. Vô tình bị
trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi mạnh đến nỗi
cả sườn núi sụp đổ. Vết tay ông in tại đây, còn dấu
chân trượt ngã cũng đủ năm ngón lún vào đá thì ở tận
Suối Tiên.
Duyên dáng
Bãi Trũ
Du khách thường quyến luyến
nơi này bởi cảm giác được gần kề với đại dương, lại
như đang đứng trước cửa rừng. Bạn chỉ mất chừng 15
phút đi thuyền máy từ cảng Cầu Đá ở Nha Trang ra đây.
Bãi biển hiện ra đầy quyến
rũ chính bởi vẻ đẹp yên bình, khoáng đạt và đặc biệt
là độ tinh khiết của làn nước và bờ cát.
Đó là bãi tắm tự nhiên
trên đảo Hòn Tre (nay còn gọi là Đàm Mông, Hòn Lớn). Đứng
từ bờ biển Nha Trang nhìn ra, hòn đảo sừng sững như một
con cá sấu khổng lồ đang trườn xuống biển. Ít ai có thể
hình dung nơi đây lại có một Bãi Trũ đẹp tinh khiết và
nên thơ như thế.
Ở đây ít khi có sóng lớn
vì hướng về phía đất liền. Bờ cát thoải dần ra xa, trắng
và mịn lạ lùng, nước trong có thể nhìn thấu đến tận
đáy. Phía sau là núi Hòn Tre như bức tường thành chắn sóng
gió từ đại dương thổi về. Sau khi bơi lội, bạn có thể
thả bước trên bờ cát, lượm vỏ ốc, vỏ sò với rất
nhiều kiểu dáng lạ. Những ai thích hoạt náo có thể rủ
nhau đi câu hay lặn hCụp săn tôm, mực.
X.H
Du lịch
với tàu đáy kính ở Nha Trang
Chỉ mất chừng 45-55 phút,
từ bến của Viện Hải dương học tàu sẽ đến khu vực
hòn Mun (Khánh Hoà). Tàu sẽ giảm dần tốc độ gần như trôi,
từ mặt đáy kính cảnh quan của đáy biển hòn Mun bắt đầu
hiện dần ra.
Ánh sáng mặt trời lung linh
chiếu qua nước rọi xuống tận đáy, cho thấy cảnh thuỷ
cung với những loài san hô đủ các hình thù và nhiều màu
sắc, từng đàn cá cảnh loại nhỏ cùng nhiều loại sinh vật
biển khác đang bơi lượn, len lỏi ra vào những hang động
san hô...
Cuộc sống dưới lòng biển
quả thực sống động hơn rất nhiều so với những mô hình
thuỷ cung nhân tạo ở các khu giải trí mà ta đã biết đến.
Và điều thú vị nhất là bạn sẽ được chiêm ngưỡng quang
cảnh ấy ngay trong một phòng máy lạnh dài 19,5 m, rộng 5,2
m, chứa được 80 khách, đang di chuyển, được lắp đặt
7 ô cửa quan sát đáy biển qua lớp kính đặc biệt có độ
dày khoảng 5 cm. Boong tàu có mặt sàn phẳng, có bố trí bàn,
ghế để du khách ngồi thưởng ngoạn cảnh biển... Tàu phục
vụ cả vào ban đêm nhờ hệ thống đèn pha chiếu sáng có
công suất lớn lắp đặt dưới đáy.
So với nhiều dịch vụ du
lịch khác tại địa phương hiện nay, mức giá một tour tham
quan đáy biển hòn Mun khá "mềm": 150.000 đồng/người lớn
và 65.000 đồng/trẻ em.
Hòn Chồng ở Nha Trang
Ở ngay thành phố, lại có
thể vừa leo núi, vừa ngắm cảnh biển và nghỉ ngơi, Hòn
Chồng có thể thoả mãn yêu cầu này của bạn. Đó là hai
khóm đá lớn: một nằm trên bờ, một dưới biển, nếu gọi
tách là Hòn Chồng và Hòn Vợ.
Khu vực Hòn Chồng là một
quần thể những khối đá lớn, nhỏ nhiều tầng, nhiều lớp
với những hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau chạy từ
bờ cao xuống biển như có một bàn tay khổng lồ nào sắp
đặt, tạo dựng trong một trò chơi xếp hình tinh nghịch.
Có những khối đá rất lớn trên những khối đá nhỏ hơn,
nhìn rất chênh vênh, hờ hững. Lạ nhất là trên một khối
đá lớn như một ngôi nhà tầng nằm trên mỏm cao nhất, mặt
tương đối bằng phẳng hướng ra biển có in dấu một bàn
tay khổng lồ hằn sâu trong đá.
Một trong những truyền thuyết
dân gian kể lại rằng xưa có một người khổng lồ đến
xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông dừng
lại say sưa ngắm, vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay
vào núi mạnh đến nỗi cả sườn núi sụp đổ, đá văng
xuống hằn vết tay ông. Dấu chân trượt ngã cùng với đủ
năm ngón tay còn để lại dấu tích ở Suối Tiên.
Khánh Hoà
đóng tàu du lịch quan sát đáy biển qua kính
Công ty TNHH đóng tàu Sông
Lô (Nha Trang) đang tiến hành đóng một con tàu bằng vỏ composite,
dài 19,5 m, rộng 5,2 m. Tàu sẽ có đáy bằng kính trong, giúp
du khách có thể tham quan đáy biển Nha Trang.
Đây là tàu du lịch đầu
tiên ở Việt Nam được thiết kế theo kiểu này. Tàu được
lắp đặt hai máy, chở được 80 du khách, công suất thiết
kế 600 CV và có chiều sâu dưới mặt biển từ 8 đến 10
m.
Điểm du
lịch sinh thái Hòn Lao
Nằm giữa đầm Nha Phu thuộc
xã Lương Sơn (Nha Trang - Khánh Hoà), Hòn Lao là nơi nổi tiếng
có nhiều hải sản, nước trong xanh, quanh năm biển lặng,
cảnh trí hữu tình... Nơi đây đã được đầu tư, tôn tạo
thành khu giải trí dã ngoại với nhiều dịch vụ phục vụ
khách du lịch.
Khi đặt chân lên đảo, ấn
tượng đầu tiên là nét hoang sơ nhưng ngoạn mục của cỏ
cây, ghềnh đá, thấp thoáng đâu đó những lều tranh xinh
xắn nằm ẩn mình dưới những rặng dừa xanh bạt ngàn. Tiếng
khỉ kêu, tiếng ngựa hí... càng tạo nên cảnh trí thật thơ
mộng và hoang vu. Nét độc đáo của Hòn Lao là đàn khỉ hàng
trăm con. Trước kia đàn khỉ này nuôi để xuất sang Liên
Xô (cũ) với mục đích thí nghiệm. Nhưng dự án không thành,
đàn khỉ được chuyển qua biểu diễn xiếc phục vụ du khách
và được thả tự nhiên trên đảo. Khỉ ở đây có nhiều
giống: khỉ lông vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ
đuôi cụt, khỉ sư tử... Chúng có thể đem đến cho du khách
những giờ phút thú vị bởi sự thông mình, láu lỉnh, nhanh
nhẹn mỗi khi được cho quà hay những trò biểu diễn dưới
sự điều khiển của huấn luyện viên xiếc.
Trên đảo Hòn Lao có nhiều
dịch vụ giải trí cho khách như: chèo thuyền, câu cá, cưỡi
ngựa quanh đảo, cưỡi voi, xem xiếc voi... Ngoài ra còn có
nhà hàng ăn uống, giá cả không quá cao; những căn nhà trọ
bằng tranh hoặc gạch đủ tiện nghi, nằm riêng rẽ trông
xinh xắn. Trước mỗi căn nhà còn có giàn mướp, giàn hoa
giấy, đường đi lát đá sạch sẽ dưới bóng mát dừa làm
tăng thêm nét đẹp rất chân quê cho ốc đảo này. Hòn Lao
còn có khu cắm trại dã ngoại cho du khách không muốn thuê
phòng, có thể thuê võng hoặc lều để ngủ qua đêm.
Trong chương trình du lịch
đến Nha Trang, Hòn Lao đã dần trở thành điểm du lịch sinh
thái mới mẻ và có sức hấp dẫn riêng so với các nơi du
dịch khác.
Du lịch biển
- đảo Khánh Hoà thực sự hấp dẫn
Sở Du lịch - Thương mại
Khánh Hòa cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, hơn 3.000 phòng
của hệ thống khách sạn trong thành phố đã được đăng
ký vào những ngày nghỉ cuối tuần. Rất đông khách du lịch
lữ hành trong nước và nước ngoài đã chọn tuyến du lịch
đến các đảo để cắm trại, dã ngoại, đốt lửa trại...
Số lượng khách tăng vọt
- bình quân mỗi ngày thành phố biển Nha Trang đón khoảng
7.200 khách, nhu cầu dịch vụ cũng vượt trội - doanh thu khoảng
14 tỷ đồng/ngày...
Chất lượng du lịch ở tất
cả các tuyến và của hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch
tại Nha Trang đều đã được nâng cao. Ngoài những địa chỉ
quen thuộc như hồ cá Trí Nguyên, chùa Long Sơn, tháp Bà, hòn
Tằm, đảo Yến, hòn Lao, hòn Thị, hòn Hèo, suối Hoa Lan, nhiều
tour mới đã được mở đến các di tích, danh thắng ở Ninh
Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh... Tận hưởng thế mạnh trời cho,
hầu hết các tour đều gắn với du lịch sinh thái biển, đảo,
bơi, lặn...
Khoảng 3 năm gần đây, tỉnh
Khánh Hòa thực hiện chủ trương giao quyền quản lý các đảo
ven thành phố cho những đơn vị có khả năng khai thác, kinh
doanh du lịch. Nhiều công ty đã đầu tư từ vài tỷ đến
vài chục tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi, giải trí hoặc
nhà nghỉ trên đảo. Du lịch biển - đảo ở Nha Trang (Khánh
Hòa) đã và đang có sức hấp dẫn lớn đối với du khách
gần xa.
Trong 4 ngày nghỉ lễ vừa
qua, các công ty du lịch lớn không những không nâng giá mà
còn thực hiện bảo hiểm thân thể và đưa đón khách chu
đáo. Một số công ty còn áp dụng chính sách khuyến mãi như
tặng khách các loại kính lặn, áo phao, chân nhái... Riêng
khách sạn Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang đã tổ chức chương trình
ẩm thực "Đất phương Nam" đặc sắc và hấp dẫn. Một trong
những đơn vị đã có những đóng góp tích cực để phục
vụ khách du lịch tại đây là ngành giao thông vận tải. Từ
ngày 28/4 đến 1/5, ga Nha Trang tăng thêm 11 chuyến tàu vào -
ra TP HCM, riêng hai ngày cao điểm 30/4 và 1/5 tăng mỗi ngày
từ 3 đến 4 chuyến tàu. Các đơn vị bảo vệ an ninh trật
tự và vệ sinh môi trường thành phố cũng hoạt động hết
công suất nhằm bảo vệ môi trường du lịch.
Du lịch sinh
thái suối Hoa Lan
Với chiều dài 6 km và trong
một khoảng không gian không rộng lắm, suối Hoa Lan - (còn
gọi là suối Tử Sĩ) thuộc xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, tỉnh
Khánh Hòa - đã trải mình qua cả ba địa hình: núi cao, đồng
bằng và biển cả.
Cách thành phố Nha Trang 17
km về phía bắc, bắt nguồn từ nhiều suối nhỏ trong dãy
Hòn Hèo, chảy qua những ghềnh thác cheo leo và một vùng đất
bằng, diện tích khoảng 20 ha, Hoa Lan đổ nước trực tiếp
vào vịnh Nha Phu. Dọc theo con suối, đủ loại cây rừng mọc
quấn quýt bên nhau, thành tầng thành lớp và đặc biệt nổi
bật là hoa phong lan.
Cuối năm 1998 Công ty Khách
sạn Hoàng Gia, thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá Khánh
Hòa (Khatoco) đã tiến hành đầu tư xây dựng nơi đây thành
khu du lịch sinh thái. Mặt bằng dưới chân núi được san
ủi làm đường đi, xây nhà cửa, trồng cây xanh cho bóng mát,
xây hồ nuôi cá sấu. Nhiều nhà sàn, nhà nấm mọc lên, theo
thiết kế phù hợp với khung cảnh thiên nhiên. Một con đường
bộ dọc sườn núi được mở song song với suối, tại những
đoạn đường dốc có xây bậc để du khách lên xuống dễ
dàng. Ngoài ra còn có những đường nhánh đi xuống thác, lần
lượt từ thác số 1 đến thác số 4 giúp khách chiêm ngưỡng
được vẻ đẹp của đá, nước và cây rừng.
Trên tảng đá dưới chân
suối, dòng chữ Chàm cổ được khắc sâu rất đẹp, ghi lại
sự có mặt của một ông vua Chàm tại đây. Lần theo bước
chân người xưa, bạn sẽ bắt gặp những ghềnh đá kỳ vĩ.
Khi đã mỏi chân, bạn có thể ngả lưng trên những thạch
bàn, ngắm nhìn trời xanh qua kẽ lá, hoặc tắm mình trong làn
nước tinh khiết, mát lạnh của suối.
Với 30.000 đồng một người,
bằng tàu thủy, tour du lịch Hoa Lan sẽ đưa bạn bắt đầu
từ bến Đá Chồng, qua vịnh Nha Phu và cập bến Hòn Hèo sau
30 phút. Cuộc vui chơi của khách thường kéo dài từ 4 đến
5 giờ đồng hồ, nhưng rất nhiều người thích lưu lại ở
đây để được sống trong cảnh hoang sơ của rừng núi ban
đêm.
Hiện Công ty Khách sạn Hoàng
Gia đang chuẩn bị dự án phát triển môn leo núi ở Hoa Lan.
Dự án được Công ty ký với Didier, một doanh nhân người
Pháp thông qua sự môi giới của Công ty Lửa Việt ở TP HCM.