Du Lịch Việt Nam

Suối Bang - điểm hẹn mới của du lịch sinh thái
Là một trong số ít những điểm du lịch còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ nhờ nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh của huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, suối Bang đang là địa điểm hấp dẫn du khách.
Từ TP HCM, xe đến suối nước nóng Bình Châu. Tại đây luôn có các phương tiện đưa bạn vào suối Bang như xe gắn máy, máy cày..., nhưng dùng xe bò là thú vị nhất. Nếu đi bằng phương tiện dân dã này, xuyên qua rừng bằng con đường cát trắng mịn, bạn có thể nghe được tiếng khỉ kêu, hươu gọi bầy, chim rừng ríu rít...
Ấn tượng đầu tiên là dòng suối Bang trong vắt mát lạnh, luồn lách qua các lùm cây và những tảng đá khổng lồ, bằng phẳng. Độc đáo nhất là giữa dòng có một rặng tre rừng, ngăn thành 2 khu cho "quý ông" và "quý bà". Tắm suối thú vị hơn tắm biển, sông hay ao hồ, vì bạn được đắm mình trong thiên nhiên hoang dã với hương thơm của cây rừng và vô vàn âm thanh vui tai.
Với lợi thế này, suối Bang nhanh chóng trở thành khu vui chơi của các bạn trẻ, những người yêu thích kiểu du lịch bụi.

Núi Minh Đạm, điểm du lịch sinh thái và về nguồn
Từ thị xã Bà Rịa (Vũng Tàu), rẽ trái về hướng biển Long Hải chừng 30 km, du khách sẽ bắt gặp một dãy núi chạy dài gần 10 km nằm ở phía đông nam huyện Long Đất, mang tên Minh Đạm. Núi có địa thế tự nhiên, rừng cây um tùm xanh tươi.
Khách du lịch có thể lên núi bằng hai cách. Đi ôtô theo con đường trải nhựa ngoằn ngoèo cao dần lên gần tận đỉnh, đến khoảng hai phần ba đoạn đường đèo, du khách sẽ có cảm giác ngỡ ngàng khi đột nhiên toàn cảnh biển Long Hải bao la mở ra trước mắt. Phía dưới là khu du lịch Thùy Dương và rừng hoa anh đào đỏ thắm.
Còn nếu bạn "đủ bản lĩnh", nên chinh phục núi qua các bậc thang đá xuyên rừng, sẽ thích thú hơn. Đó cũng là một cách để bạn rèn luyện thân thể, thể hiện ý chí của mình. Đi bộ, du khách được len lỏi dưới những tán cây, gộp đá ngoạn mục, nghe tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách. Sự mệt nhọc sẽ tan biến ngay khi bạn rửa mặt, ngâm chân trong dòng nước mát lạnh, tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng.
Năm 1993, khu căn cứ Minh Đạm được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Minh Đạm hôm nay đã trở thành địa điểm khá lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch như leo núi, dã ngoại, và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên.
(Theo NLĐ)

Sức hấp dẫn của khu du lịch Kỳ Vân
Ở giữa rừng và biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), khu du lịch Kỳ Vân nằm gọn trong 13 ha rừng, cách TP HCM 110 km. Nơi đây có nhiều điểm hấp dẫn du khách và một bãi tắm sạch đẹp luôn rực rỡ bởi bạt ngàn hoa anh đào của vùng rừng nhiệt đới.
Năm 1997, Công ty Du lịch Long Hải được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép liên doanh với Công ty TNHH Hoàng Cung (TP HCM) cải tạo khu căn cứ mà một thời vua Bảo Đại làm nơi nghỉ dưỡng thành khu du lịch sinh thái với tên gọi Kỳ Vân. Cuối năm 1998, khu du lịch này chuyển thành công ty cổ phần với sự liên doanh tay ba: Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH Hoàng Dung, bà Anoa Dussol Perran (Việt kiều Pháp) và được gắn thêm tên giao dịch quốc tế: Anoasis Beach Resort.
Toàn bộ khu du lịch là một quần thể biệt thự và nhà gỗ độc lập xen giữa những vòm cây ăn trái, cây lấy gỗ đủ chủng loại. 100% trang thiết bị và trang trí nội thất trong khu du lịch Kỳ Vân đều là hàng Việt Nam chất lượng cao. Hệ thống điện nước trong khu du lịch này được thiết kế khá độc đáo, tất cả đều được đi ngầm trong lòng đất và được lấy từ các lỗ khoan có độ sâu hàng trăm mét. Nhờ có các bể xử lý hóa chất và lắng lọc hiện đại mà nước sau mỗi đầu van đều có thể uống ngay được. Hệ thống xử lý nước thải trong khu du lịch Kỳ Vân bảo đảm một cách tuyệt đối cho môi trường và tất nhiên để tiết kiệm, toàn bộ nước thải sau xử lý đều được tưới trở lại cho cây cối...
Giám đốc Khu du lịch Hoàng Thị Phương Dung quả quyết: "Chúng tôi biết rõ lợi thế địa lý của khu du lịch nhưng không vì thế mà ỷ lại. Phương châm của chúng tôi là đưa du khách trở về với không gian thoáng đạt, có sự giao hòa giữa hoang sơ và hiện đại với một chất lượng phục vụ hoàn hảo nhất".
Và sau 4 năm hoạt động, khu du lịch Kỳ Vân đã đón tiếp gần 500 đoàn khách cao cấp trong, ngoài nước đến tham quan tĩnh dưỡng đồng thời là nơi thường xuyên được chọn làm nơi hội họp, đàm phán, ký kết các hợp đồng quan trọng, trong đó có các đại sứ, lãnh sự, ngoại giao đoàn của nhiều nước như Pháp, Mỹ, Thụy Điển...
Trong thời gian tới những người quản lý khu du lịch Kỳ Vân sẽ hoàn thiện các khu du lịch kết nối như khu dưỡng sinh, khách sạn cao tầng, sân bay trực thăng và bến cập tàu cánh ngầm phục vụ du khách đi về trên tuyến Vũng Tàu - Long Hải - TP HCM với tổng vốn đầu tư gần 34 tỷ đồng.
(Theo Du Lịch)

Du lịch Côn Đảo hướng đến tương lai
Từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm là mùa du lịch trên hòn đảo tuyệt đẹp giữa biển khơi này. Ngoài các di tích lịch sử, văn hoá, Côn Đảo còn có ưu thế phát triển du lịch sinh thái như leo núi, tham quan rừng nguyên sinh và các rạn san hô dưới biển.
Đường từ sân bay Cỏ Ống về đến khách sạn Saigon Tourist dài 12 km vừa được tráng nhựa nâng cấp, mở rộng lên 7 m vẫn còn in rõ dấu vết xẻ đá, bạt đồi. Nhưng đẹp nhất ở Côn Đảo là đường Tôn Đức Thắng mới được nghiệm thu và đưa vào sử dụng ngày 20/3. Hai bên đường lắp đặt đèn chùm trang trí và hơn 1,6 km kè biển có bề mặt rộng 1 m được rải đá chống sóng biển lớn.
Đường từ sân bay Cỏ Ống về đến khách sạn Saigon Tourist dài 12 km vừa được tráng nhựa nâng cấp, mở rộng lên 7 m vẫn còn in rõ dấu vết xẻ đá, bạt đồi. Nhưng đẹp nhất ở Côn Đảo là đường Tôn Đức Thắng mới được nghiệm thu và đưa vào sử dụng ngày 20/3. Hai bên đường lắp đặt đèn chùm trang trí và hơn 1,6 km kè biển có bề mặt rộng 1 m được rải đá chống sóng biển lớn.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khu vực Côn Đảo, cho biết, khó khăn nhất trong việc xây dựng mở rộng đường ở đây là bảo vệ cảnh quan di tích của hòn đảo. Phải chỉnh sửa nhiều lần các thiết kế mỹ thuật để giữ nguyên trạng hàng cây bàng được trồng từ thời Pháp, giữ nguyên hàng rào nhà chúa ngục, hàng rào khu nhà các giám thị coi tù và ngôi nhà công quán...
Theo ông Phạm Hoàng Oanh, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo, năm 2000 có 15.200 lượt khách đến tham quan nơi đây, nhiều hơn ba lần dân số ở Côn Đảo (3.600 người). Trong đó có hơn 4.200 khách nước ngoài, tăng 385,3% so với năm trước. Lượng khách quá đông nên hầu hết nhân viên hướng dẫn thuyết minh di tích lịch sử đã phải làm việc ngoài giờ mới đáp ứng yêu cầu.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Năm ngoái, một con tàu du lịch chở khoảng 400 du khách nước ngoài ghé Côn Đảo nhưng chỉ neo đậu ở đây một ngày. Theo các viên chức địa phương, do Côn Đảo chưa mở điểm vui chơi nào khác nên không thể níu kéo du khách ở lại thêm. Chỉ cần một ngày khách có thể tham quan hết các di tích của hòn đảo từng là nhà tù thực dân, đế quốc này như toà nhà chúa đảo, các trại tù, nghĩa trang Hàng Dương, cầu cảng 914... hay vài địa chỉ văn hoá khác như miếu bà Phi Yến, miếu Cậu... Còn lại chỉ là thú vui tắm biển.
Thế nhưng nếu với lượng khách như vậy ở lại, thì cũng không đáp ứng được bởi đảo chỉ có ba khách sạn quốc doanh (ATC, Saigon Tourist và Phi Yến) với 44 phòng ngủ và một nhà trọ tư nhân với 10 phòng. Có lúc các đoàn khách phải nhờ hội trường của cơ quan chính quyền địa phương làm nơi tá túc qua đêm.
Phương tiện vận chuyển cũng hạn chế du khách đến với Côn Đảo vì mỗi tuần chỉ có ba chuyến bay trực thăng (mỗi chuyến chở được 24 khách với giá vé 500.000 đồng/người), lại phải đăng ký trước 3-4 tuần mới mua được vé. Tàu khách của Côn Đảo chở được 200 khách đi từ TP HCM, nhưng chạy với tốc độ chậm, lại không thể đi được khi biển động.
Theo một số cán bộ địa phương, nếu có được chủ quyền sử dụng đất, nhiều tư nhân sẽ bỏ vốn xây dựng nhà cửa, mở rộng hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà trọ để tiếp đón du khách. Sân bay Cỏ Ống dự kiến sẽ khởi công nâng cấp để máy bay có sức chở 70 khách hạ cánh và khi đó giá vé sẽ còn khoảng 300.000 đồng/người. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thành lập Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, đồng thời đang xây dựng một dự án làm đường liên hoàn nối liền các núi trên đảo để du khách có thể tham quan toàn bộ cảnh quan Côn Đảo.
(Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật)

Về miền Tây ăn trái cây
Từ Sài Gòn, đi khoảng 70 km, du khách sẽ đến ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) - cửa ngõ vào đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây tỏa đi các ngả, bạn sẽ tha hồ chiêm ngưỡng những vườn cây trái sum sê, giá cả lại cực rẻ.
Từ năm 1679, Mỹ Tho đã là nơi buôn bán sầm uất của người Việt. Cùng với Cù Lao Phố (Biên Hòa) và Hà Tiên, Mỹ Tho là một tam giác thương mại lớn nhất Nam Bộ thời kỳ đó. Từ đây đi thuyền máy ra Thới Sơn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vườn trái cây sum sê, cơ man nào là nhãn, sầu riêng... Bạn tha hồ lựa chọn và ăn thỏa thích vì mùa này, nhãn ở Thái Sơn chỉ 1.500 đồng/kg.
Cũng theo đường thủy, du khách đến chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). Khu chợ này lúc nào cũng nhộn nhịp với khoảng 400 xuồng ghe. Các loại hoa quả như chôm chôm, sầu riêng, nhãn sẽ từ chợ nổi này sẽ tỏa đi Sài Gòn, Hà Nội, Campuchia, Trung Quốc.
Từ Vĩnh Long xuôi về Cần Thơ, còn một chợ nổi nữa là Phụng Hiệp. Đặc sản ở đây ngoài trái cây là rắn, rùa. Bạn sẽ được mời rượu rắn và xem những màn múa rắn vui mắt.
Nếu muốn đi du lịch nơi này, bạn hãy liên hệ với Công ty Dã ngoại Lửa Việt, 170 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM. Một chuyến du lịch sông nước Tây Nam Bộ 2 ngày, 1 đêm giá 299.000 đồng. Tour Cà Mau - Sóc Trăng, 2 ngày 3 đêm giá 650.000 đồng. Tour Long Xuyên - Châu Đốc 2 ngày, 1 đêm giá 295.000 đồng. Tour Hà Tiên thập cảnh 3 ngày, 2 đêm, giá 569.000 đồng.
(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

GIA LAI
Cưỡi voi thăm bản làng
Trên đất Gia Lai có loại hình du lịch trên lưng voi rất hấp dẫn và độc đáo. Để thưởng thức thú vui này, bạn hãy đến với làng voi Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, cách thành phố Pleiku khoảng 65 km về phía nam.
Ngoài sự thú vị khi được ngồi trên lưng voi, hưởng cảm giác lắc lư bồng bềnh giữa không gian vắng lặng, du khách còn được hít thở không khí trong lành, thuần khiết của núi rừng.
Chặng nghỉ chân trong rừng của du khách nằm ngay dưới chân thác Ia Nhí - một thác nước tự nhiên tuyệt đẹp với cột nước cao hơn 50 m. Tại đây, trước khi dùng bữa trưa, du khách có thể đắm mình dưới hồ nước xanh mát, thư giãn và nghỉ ngơi trong những tán lá rừng. Trở về nhà, cảm giác lâng lâng vẫn còn đeo đuổi khiến ai nấy đều muốn trở lại để được đùa giỡn cùng những chú voi hiền lành này.
                               (Theo Du Lịch Việt Nam)

LONG AN
Núi Đất - di tích đẹp ở Long An
Sở dĩ có tên gọi như vậy vì nó không phải là núi tự nhiên, mà do chính bàn tay của con người đắp nên. Từ thị xã Tân An (Long An) đi theo tỉnh lộ 49 khoảng 65 km đến thị trấn Mộc Hóa, gặp ngã tư Biên Phòng, rẽ trái chừng 500 m là gặp Núi Đất. Chưa tới nơi mà gió núi đã phả vào mặt mát lạnh.
Đây chính là những ngọn núi giả được những tù nhân chính trị thời Ngô Đình Diệm đắp từ những năm 1957 - 1960, nằm trong kế hoạch chấn chỉnh địa lý hành chính và xây dựng tỉnh Kiến Tường ở Mộc Hóa.
Từ xa, Núi Đất như hòn non bộ khổng lồ nổi giữa một hồ nước trong xanh, êm đềm và thơ mộng. Khu di tích này có ba tiểu đảo: Tiểu đảo 1 có núi lớn cao khoảng 10 m, núi nhỏ cao 5 m với nhiều tảng đá ong rêu phong phủ kín. Xen lẫn trong những cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi là đường lên xuống làm bằng đá.
Tiểu đảo 2 là một ngọn núi nhỏ cũng được đắp bằng đất nối liền với đảo 1. Đảo còn lại nằm cạnh một hồ sen, dáng vẻ như hòn non bộ có hai cây bồ đề phủ lên. Hai nhà nổi trong lòng hồ sẽ giúp du khách thư giãn tuyệt đối khi cùng ngồi trong bóng mát và trò chuyện. Trên bờ là nhà làm việc, tiếp khách, khu ăn uống, trồng hoa, nuôi chim thú...
Công ty Du lịch Gió Nam (33 Đinh Tiên Hoàng quận 1 - TP HCM) vừa khai thác tour TP HCM - Mộc Hóa có tham quan Núi Đất, kết hợp với đi chợ Mộc Hóa cách đó 1 km, chợ biên giới Campuchia (cách 7 km) và nhiều điểm du lịch khác ở Đồng Tháp Mười.
                                                                                              (Theo Người Lao Động)

Hồ Tuyền Lâm - thắng cảnh từ bàn tay con người
Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm rộng hơn 360 ha, đã được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Hồ nằm cách Đà Lạt 6 km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại.
Mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ.
Ai thăm Đà Lạt cũng ghé Thiền viện Trúc Lâm để từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng, phóng tầm mắt về phía đông nam, chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng, được tạo bởi bàn tay con người này. Có người dành cả ngày để du ngoạn trên hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự tĩnh lặng quý báu. Trên bờ, khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, đốt lửa trại; tham gia lễ hội cồng chiêng; ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc gỗ; thư giãn trên những ngôi nhà sàn, nhà dài lộng gió; bắn cung và thám hiểm rừng sâu.
Cùng với trò chơi hóa trang thành các chàng trai, cô gái miền sơn cước, du khách thường rất hứng thú với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bóng đá một gôn, bóng chuyền trên cát, nhà dù, câu cá, cưỡi voi, cưỡi ngựa. Hiện có 5 con voi đang sống tại khu du lịch Tuyền Lâm và khu dã ngoại Đá Tiên, đều đã thuần dưỡng. Nhiều loại thú hoang dã mất dấu nhiều năm nay đã quay về như khỉ, sư tử mặt đỏ cùng nhiều động vật khác sống thành đàn.
Năm 2001, có gần 100 nghìn khách tham gia các tour du lịch trên hồ, khoảng 15% là du khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu. Họ thường chọn những chương trình thám hiểm rừng sâu để quan sát chim thú và ghi âm những âm thanh của núi rừng. Vào xuân, hồ Tuyền Lâm lấp lánh màu ngọc bích, tô đậm thêm nét thơ mộng, lãng mạn của Đà Lạt vốn đã xinh tươi.

Thác Cửa Thần Đà Lạt
Đứng dưới một thung lũng sâu, cỏ lau ngập đầu, cây cối hoang sơ, ngước nhìn lên, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một dòng thác cao khoảng 20 m đang cuồn cuộn đổ xuống. Đó là thác Cửa Thần, nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp gắn liền với một giai thoại thú vị.
Khởi hành từ Đà Lạt, du khách theo đường rừng vào huyện Tà Nung, rồi vượt lên 800 m đường nữa thì gặp thác Cửa Thần.
Tương truyền, ngày xưa, bộ tộc người Srê sống ở đây gặp năm mất mùa, già làng phải đi vào rừng tìm cái ăn cho dân. Sau khi băng qua nhiều núi, nhiều rừng, già làng mệt, ngồi xuống nghỉ thì bỗng trông thấy một vị thần hiện ra trên đỉnh thác. Vị thần dắt già làng đến vách núi có hai bờ đá cao vút như cái cổng khổng lồ, tới một hồ nước lớn. Tại đây già làng đã bắt được rất nhiều cá tươi đem về cứu đói cho dân. Từ đó thác nước này mang tên Cửa Thần.
Phía bên trái thác còn có một nhánh suối khác tràn xuống nền đá hoa cương được thiên nhiên sắp xếp thành 3 tầng, tạo nên dòng thác thơ mộng được gọi tên là thác Ba Tầng. Từ thác Cửa Thần, ngược dòng thêm 200 m, vượt qua ghềnh đá cheo leo, luồn dưới những lùm cây um tùm, bạn sẽ gặp một dòng thác thấp hơn, êm đềm hơn có tên gọi là thác Khát Vọng. Tên gọi này được lấy theo tên của một loài cá chiều chiều vẫn thường lao lên khỏi mặt nước trên dòng thác.
Đến Tà Nung du khách còn có dịp tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng cao qua bộ tộc Srê - cư dân nơi đây.
(Theo Tổng Cục Du Lịch)

Cẩm nang khi lên xứ sở sương mù
Đà Lạt là nơi nghỉ mát lý tưởng cho mọi người, nhất là vào những ngày hè nắng nóng, khi mà bầu không khí ở thành phố trở nên ngột ngạt, oi nồng. Dưới đây là một vài kinh nghiệm cho các bạn trước khi tới xứ sở sương mù này.
Về phương tiện di chuyển, tại TP HCM, ngoài máy bay, bạn còn có thể chọn xe khách chất lượng cao.
- Khởi hành 7h30' mỗi ngày tại 246 Đề Thám, quận 1; về lúc 8h tại Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, liên hệ Sinh Coffee (8367338). Giá vé: 74.000 đồng/lượt.
- Khởi hành 7h30' và 9h30' tại 270 Đề Thám, quận 1; về lúc 9h15' và 12h15' tại 9 Lê Đại Hành, Đà Lạt. Giá vé 73.000 đồng (đi), 80.000 đồng (về). Liên hệ Dalat Toseco.
Nếu muốn mua tour trọn gói, liên hệ Morning Sun Travel: 7714031-7714032.
Về giá khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng: giá phòng đôi khoảng 400.000-500.000 đồng (Novetel, 7 Trần Phú, ĐT: 825777); 200.000-250.000 đồng (Golf 2, 114 đường 3/2, ĐT: 826031); 150.000-20.000 đồng (Tân Tiến, 1 Phạm Ngũ Lão, ĐT: 822790).
Bạn có thể ăn cơm phần 20.000 đồng/suất tại nhà hàng Ngọc Hải (6 Nguyễn Thị Minh Khai, ĐT: 825252). Hoặc cơm phần 35.000 đồng trở lên tại Long Hoa (6 đường 3/2, ĐT: 822934).
Mã số điện thoại Đà Lạt: 64, taxi: 835583, phòng vé Vietnam Airlines: 833499. Sân bay Liên Khương: 822895. Mỗi ngày có một chuyến bay từ TP HCM lúc 13h50', từ Đà Lạt lúc 15h20'. Giá vé: 230.000 đồng/lượt.
(Theo TT&GĐ)


Xem tiếp phần 2