Ước Mơ Về Trường
Trịnh Hoài Đức
Nguyên Thảo
(Kính
tặng tất cả Thầy Cô, bạn bè ở 3 trường TH: Phước
Thành, An Mỹ, Trịnh Hoài Đức)
Có lẽ trong thế hệ của tôi cũng như trước đó hoặc
sau tôi còn nhiều năm nữa, trường Trung học Trịnh
Hoài Đức luôn là một ước mơ cho những ai còn
muốn tiếp tục đi học, hay bất cứ học sinh nào trong tỉnh
Bình Dương. Bởi một lẽ đơn giản vì trường Trịnh
Hoài Đức là trường Trung học công lập đầu
tiên và duy nhất trong tỉnh lúc bấy giờ, nói
là công lập tức là không phải đóng học
phí từng tháng, cho nên nó thật sự là
niềm ước mơ của bao nhiêu học trò nhỏ lẫn nghèo
trong toàn tỉnh. Có khi cả hai ngàn mấy thí
sinh mà chỉ chọn chừng hai trăm đứa mà thôi. Vượt
qua được kỳ thi đã là “gạo cội” lắm rồi! Vì thế
được tuyển vào trường Trịnh Hoài Đức vừa không tốn
tiền học phí mà cũng là chứng tỏ mình
có bản lãnh hơn người khác. Tôi, tuy
là học trò có trình độ học rất khá
trong lớp nhứt của trường Tân Phước Khánh, nhưng tôi
không được diễm phúc là học sinh của trường Trung
học Trịnh Hoài Đức sau kỳ thi. Đã hai lần tôi
không đáp ứng được kỳ vọng của thầy cô: Một
là kỳ thi học bỗng ở trường Nam Châu Thành
vào năm lớp Ba, tôi đã khiến thầy Hòa thất
vọng; lần sau cô Vũ Thị Hồng Ngọc lại hối tiếc cho tôi.
Tôi cũng ngậm ngùi với thân phận của mình!
Riêng ba tôi cũng có nhiều nỗi lo.
Tôi dự tính cũng như bao nhiêu bạn bè trong
lớp cùng số phận: Không học trường tư mà sẽ xin học
lại lớp nhất một năm nữa để cố thi vào trường Trịnh Hoài
Đức. Thế là khi bắt đầu năm học mới chúng tôi phải
đạp xe đạp đi ra tận Búng để học lại lớp tiếp liên ở
trường Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng. Chừng được hơn tháng,
không biết bạn bè nghe tin từ đâu ở An Mỹ ông
Dân Biểu Trần Văn Trai muốn gầy một trường Công lập thuộc
chi nhánh của trường Trịnh Hoài Đức tại xã của
ông. Vì uy tín của ông lớn, người ta rất tin
tưởng điều ấy xảy ra. Bạn bè và tôi lại một lần
khác cần chuyển trường “để đón gió”, hi vọng
mình được hưởng phước “ké” trong điều ấy, mặc dù
phải xin ba má đóng tiền học phí cho trường tư An
Mỹ lúc bấy giờ. Được chừng hai tháng sau, những bạn
bè cùng lớp ở làng bên cạnh - Tân
Hóa Khánh, trước thuộc tỉnh Bình Dương nay
tách ra thuộc quận Tân Uyên của tỉnh mới lập
là Phước Thành, tỉnh nầy gồm ba quận Tân
Uyên, Phú Giáo và Hiếu Liêm - cho biết
là tỉnh mới có nhu cầu tuyển học sinh vào lớp Đệ
Thất của trường Trung Học mới mở của tỉnh.
Chúng tôi đậu được mười mấy người, lớp thì
không đủ sức đạp xe đạp đi về mỗi ngày nên phải kiếm
chỗ ở trọ, còn số lớn đạp xe đạp đi về. Tôi thuộc
thành phần phải ở trọ. Lớp chúng tôi thuộc con cưng
của tỉnh vì là lớp đầu tiên của trường Trung học
công lập của tỉnh Phước Thành, không ngờ học
trò rớt của trường Trịnh Hoài Đức lại là con cưng
của một tỉnh lẽ cheo leo nơi vùng chiến khu D nhiều sôi
động. Ở đây tôi nghe nói nhiều về nhà văn
Bình Nguyên Lộc. Ông là Tô Văn Tuấn
quê ở Tân Uyên, có người bà con
là Tô Văn Trên và người cháu là
Tô Công Tâm cùng học lớp với tôi,
còn Tô Công Tước em Tô Công Tâm
học sau tôi một lớp. Người ta kể rằng bình nguyên
(cánh đồng) ở đây ngày xưa có nhiều nai
(lộc) ra ăn cỏ nên từ đó mới có Bình
Nguyên Lộc. Chỉ nghe kể thế thôi!
Ngồi học ở trường Tân Uyên nhưng lòng dạ cứ mơ về
trường Trịnh Hoài Đức, cái ngôi trường mà
tôi đã ước mơ được bước chân vào; nhất
là những lúc Nguyễn Văn Nghĩa, Thái Văn Tâm,
Lưu Văn Hòa... ngồi kể về chuyện giám thị hay thầy Trương
Văn Di bắt “concil” vào những ngày cuối tuần. Cuối năm
tôi làm đơn nộp vào trường Trịnh Hoài Đức để
xin chuyển trường, nhưng đơn chẳng được cứu xét.
Cũng cùng năm nầy, quả thật An Mỹ đã có lớp Đệ
Thất chi nhánh của trường Trịnh Hoài Đức gồm những học
sinh trong danh sách đậu dự khuyết của kỳ thi vừa qua, nhưng
tôi không biết lúc nào nó lại
tách ra thành trường Trung học Công lập An Mỹ, song
song với trường Tư Thục An Mỹ của ông Dân Biểu Luật sư Trần
Văn Trai. Cái ngộ của tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ
là có hai trường trung học Công lập, nhưng
không trường nào ở tại tỉnh lỵ cả. Một trường là
trường Trịnh Hoài Đức nằm tại Búng trên trục quốc
lộ 13, ba bên là ruộng nên người ta thường
trêu là trường ruộng, còn trường An Mỹ nằm trong
xã An Mỹ nhiều rừng tầm vông nên học sinh
kháo nhau là trường rừng. Mà dù thế
nào đi nữa, tôi vẫn không đủ tiêu chuẩn để
vào trường nào cả dù là trường rừng hay
trường ruộng.
Cuối năm Đệ Lục tôi cố làm đơn xin chuyển về trường Trịnh
Hoài Đức một lần nữa, nhưng cũng không được mà lần
nầy tôi lại thật là “quê”. Vốn sau khi nộp đơn một
thời gian khá lâu, gần vào đầu năm học mới,
tôi và chị Thay đến văn phòng của trường lúc
đó còn nằm chung bên trường Cộng Đồng Búng.
Chị Thay hỏi trước về hồ sơ của chị. Sau khi nghe trả lời hồ sơ của chị
đã bị “bác”. Tôi bỗng nhiên sợ hẳn làm
cho cô thư ký cười rộ lên, tôi cũng
không hiểu vì sao? Tiu nghỉu ra về, tôi hỏi chị Thay
tại sao cô thư ký cười tôi như vậy. Chị Thay
nói: Tại sao lúc đó mặt em xanh tái vậy?
À, thì ra tôi sợ hồ sơ của mình bị
bác như của chị Thay, nên tôi đã xanh mặt ra
như thế đó. Từ đó tôi mới hiểu nguyên
nhân vì sao tôi đã rớt, trong hai kỳ thi
trước kia mà thầy cô đã kỳ vọng nơi tôi
cùng với hai bài luận tôi tả hơi xa đề, chứ chưa
hẳn là lạc đề.
Năm nầy, Nguyễn Thành Long và em gái ruột
là Nguyễn Thị Kim Phụng được chuyển về trường Trịnh Hoài
Đức, họ đã được thỏa mãn ước mơ. Còn tôi với
Nguyễn Ngọc Thạch A, Trần Tấn Lực, Phan Văn Son, Nguyễn Văn Huệ, Phạm
Văn Chi hãy còn tiếp nối đoạn đường dài. Và
từ đây tôi không còn dám mơ về trường
Trịnh Hoài Đức nữa. Tôi đã mòn mõi về
ước mơ đó. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận với
các thầy cô Tạ Kim Anh, Trần Văn Khánh, Nguyễn
Thanh Tuyền, Nguyễn Thị Hồng, Trần Kim Vân, Mai Văn Phú,
Mã Sấm và Nguyễn Văn Thại. Chúng tôi
kéo dài niềm vui đó ở Tân Uyên cho đến
hết năm Đệ Tứ và đậu được bằng Trung học Đệ Nhất Cấp. Trong hai
năm nầy có một điều mà tôi không thể hiểu
được, cho đến giờ nầy tôi vẫn không thể suy luận ra được,
đó là câu chuyện của Nguyễn Ngọc Thạch A. Thạch A
vốn từ những năm Tiểu học cho đến lớp Đệ Lục, nó chỉ học
bình thường thôi, nhưng chỉ qua ba tháng nghỉ
hè, khi bước vào năm học mới (Đệ Ngũ) tự dưng nó
học giỏi đồng loạt tất cả các bộ môn, chỉ có hai ba
môn gì đó của nó tệ nhất cũng là hạng
tư trong xếp hạng cuối năm của các môn. Nó giỏi đến
năm Đệ Tứ, sang năm Đệ Tam Thạch A và Lực về trường Trịnh
Hoài Đức, còn tôi, Son và Huệ thì về
trường rừng An Mỹ làm lớp đàn anh của trường trung học
công lập An Mỹ. Khoảng thời gian nầy tôi không muốn
về trường Trịnh Hoài Đức nữa: Một phần vì trường xa
nhà hơn trường An Mỹ, hai là hoàn cảnh tôi
lúc ấy không thể cho tôi học theo nỗi với bạn
bè nếu tôi về trường Trịnh Hoài Đức vì học
sinh nơi ấy vốn đã là “gạo cội”.
Thế nhưng, sau hai năm tôi vẫn được ngang nhiên chuyển về
trường Trịnh Hoài Đức sau khi đậu Tú Tài I
vì trường An Mỹ chưa thể có được lớp Đệ Nhất để
hoàn tất năm cuối của bậc Trung học.
Ước mơ “được học” ở trường Trịnh Hoài Đức của tôi được
toại nguyện sau sáu năm dài đăng đẳng và chạy
lòng vòng chỉ vì mình thi rớt, nhưng may
mắn hơn là tôi chẳng phải mất một năm nào để “ở lại
lớp”.
Ngày đầu tiên nhập học lại trúng ngay giờ của
ông thầy Nguyễn Vũ Hải. Tôi vì nhỏ con nên
ngồi ở dãy bàn đầu, nhưng hàng dọc thứ ba
tính từ ngoài vào trong. Nhưng sát
vách và cửa sổ là anh bạn mới Từ Văn Nhung, anh
bạn có cái gương mặt trẻ hơn tôi, cái
dáng cao cao nhưng hơi ròm, lưng hơi tom tom. Tôi
không nhớ rõ lúc đó thầy Vũ Hải đã
nói gì, nhưng sau đó thì thầy nhìn
tôi và nói: “Sao mầy ngu thế, thế mà cũng
đậu được tú tài, mầy mua ở đâu thế!”. Tôi
không hiểu thầy đã nói với tôi hay là
với Từ Văn Nhung, nhưng điều ấy cũng làm cho tôi có
“ấm ức” trong lòng. Chúng tôi “sợ” thầy Vũ Hải hơn
vì thầy thật là nghiêm khắc! Có lần thầy
đuổi Nguyễn Thành Tri ra khỏi lớp chỉ vì không
làm được bài toán trên bảng. “Tao bảo mầy
về!”, cả lớp cứ tưởng Thành Tri bị đuổi về chỗ ngồi mà
thôi, nhưng khi Nguyễn Thành Tri vừa đặt đít
lên băng ngồi thì thầy Vũ Hải nghiêm nghị: “Tao bảo
mầy về, ôm cặp ra về!”. Thành Tri phải ôm cặp ra
ngoài trước sự ngạc nhiên của bạn bè. Nhưng sau
đó ít lâu nhân trong một dịp kẹt xe đò
từ Sài Gòn lên Bình Dương như thế nào
đó, thầy Vũ Hải phải đến lớp trễ gần nửa tiếng đồng hồ. Lỡ cổ,
thầy có một buổi giãi bày tâm sự, nói
chuyện đời, thời cuộc và từ buổi ấy cả lớp cảm thấy thương
và thích thầy hơn, chứ không giống như trước kia.
Có những kỷ niệm mà khiến cho tôi cũng như nhiều
bạn bè không thể quên trong năm học ấy như Thầy
Nguyễn Văn Phúc dạy Triết, vì là năm đầu
tiên ra trường về dạy hay là thói quen, thầy để
râu nhưng trong giờ thầy cứ hết đi từ bàn ra cửa rồi từ
cửa quay vào như một con thoi, cứ thế mà giảng cho đến
hết giờ. Thầy Phó Bá Long thì cứ “chắc chắc”
cái lưỡi khi giảng bài mà cái lớp cứ ồn
ào, nhưng lạ một điều khi ấy thầy lại nhìn lên trần
nhà phía sau, khiến một bửa nọ không hiểu tại sao
cả lớp lại ngoái đầu nhìn lên trần nhà
phía sau khi thầy Bá Long chắc chắc cái lưỡi,
khiến thầy ngạc nhiên hỏi: “Cái gì vậy?”, nhưng
không ai nói gì cả. Thầy buột miệng cười,
cái cười hiếm thấy ở thầy Bá Long. Thầy cười có
duyên “gớm!”, hèn chi người ta nói vợ thầy đẹp lắm.
Đố các bạn tại sao lớp làm như vậy? Thì ra, trong
lớp quay lại nhìn lên trần phía sau theo hướng
nhìn của thầy Bá Long là để nhìn xem coi
có con thằn lằn nào không? Chỉ có thế
thôi! Thầy Phạm Ngọc Em dạy vật lý rất dễ hiểu, nhưng mỗi
lần lên bảng quần thầy dính đầy phấn. Vài
tháng sau thầy Tuấn thay thế thầy. Thầy Nguyễn Trí Lục
thay cô Nguyễn Thị Hưng dạy Vạn Vật. Thầy Huyên dạy
Công Dân. Thầy Nguyễn Huy dạy Địa lý (sau thầy
lên dạy ở Đại Học). Điều tôi không thể quên
là thầy Nguyễn Ngọc Thạch dạy Pháp Văn, lúc
đó hình như thầy từ trên trường Phú
Giáo chuyển về thì phải. Trong lớp đã có
Nguyễn Ngọc Thạch A, B rồi lại thêm thầy Nguyễn Ngọc Thạch nữa,
thầy là tác giả bài thơ “Đừng kể bắc, đừng kể
nam...” gì gì nữa mà tôi không nhớ,
mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã phổ nhạc để cho thanh
niên hát trong những buổi sinh hoạt đó. Chuyện
lính địa phương làm khó Thầy cũng ồn ào ở
trường một thời gian
Riêng về bạn bè thì có lẽ là
Thái Văn Bạn là người mà khiến cho lớp nhớ nhiều
vì anh chàng hay trêu và nói những
câu tiếu lâm nhứt. Còn học giỏi thì
không ai qua được Nguyễn Ngọc Cẩn và Ngô Trọng Hải.
Người ta đi thi Tú Tài II chỉ cầu mong đậu là
quý lắm rồi, nhưng hai anh chàng nầy lại đậu “Tối Ưu”, đi
sang Úc du học (bằng học bỗng từ năm 66, 67).
Ước mơ được học ở trường trung học Trịnh Hoài Đức của tôi
ngay từ thuở còn học ở trường Tiểu học Tân Phước
Khánh chỉ gói gọn có một năm Đệ nhứt mà
thôi! Thế nhưng cũng đem đến cho tôi thật nhiều kỳ niệm,
những kỷ niệm dấu yêu của một thời mài đủn quần trên
ghế nhà trường.
Hôm nay viết lại để cùng bạn bè ôn về một
thuở xa xưa, để người ta không phải sai lầm khi nói “người
già thường hay sống về quá khứ”, một lần nữa mình
“cũng nên” giúp cho tư tưởng ấy được đúng phải
không các bạn?
Nguyên Thảo
3/12/09