TRƯỜNG XƯA TRONG TRÍ NHỚ

GS Nguyễn Đức Cẩm


Bút Ký Mùa Giáng Sinh 1995

(Thân tặng
Các bạn cựu học sinh Trinh Hoài Đức
Thuộc các niên khoá cuối thập niên 1950 )
    
    Tôi suy nghĩ đôi chút trước khi  quyết định dùng đại danh từ “các bạn” trong bút ký này.

    Bốn mươi năm trước đây, các bạn và tôi có mối dây ràng buộc, với Bình Dương, với Búng, với Trịnh Hoài Đức. Đó là mối liên hệ với ngôi trường lẻ loi bên lề Quốc Lộ 13, giữa khoảng đồng trống có mầu xanh đậm, nhạt thay đổi từng mùa, từ màu xanh lá mạ của lúa non đến màu xanh cỏ già của lá khoai mì. Những lớp học trống trải và lạnh lẽo trơ trọi, đến với những người ngược xuôi trên con đường mang một con số thường được cho là không may mắn đó, lại là nơi chốn thật đầm ấm, thân thương đối với chúng ta.    
   
    Chúng ta đã cùng làm việc chung ở đấy, nhưng có nhiều cái riêng, nhiều cái khác nhau. Các bạn ngồi trên những ghế dài của học sinh, tôi đứng trên bục giảng. Bôï bàn ghế gỗ đơn sơ kê trên bục rất ít khi được tôi sử dụng. Những người học sinh cũ, chẳng cần tinh ý nhiều, cũng nhận thấy là tôi không bao giờ ngồi để giảng bài. Các bạn ngồi nghe và tôi đứng trên bục giảng. Các bạn ngồi ghi chép tôi đứng trên bục đọc cho các bạn ghi chép. Các bạn lên bảng “Trả bài” Và tôi ngồi nghe, kiểm tra lại, và cho điểm. Đấy là những giây phút ít ỏi và duy nhất tôi được ngồi, phải ngồi trong giờ học. Các bạn là những người ngồi ghi nhận kiến thức. Tôi là người đứng truyền đạt kiến thức. Thuở đó các bạn là các cô, các cậu ở lớp tuổi 13, 14,15 còn tôi là một thanh niên 25,26 tuổi. Các bạn gọi tôi là thầy, xưng em, còn tôi thì xưng hô ngược lại. Có lẽ đó là điểm khác biệt lớn nhất. May mắn quá, điểm khác biệt lớn ấy không hề là hố sâu. Cho đến nay, gần 4 chục năm đã trôi qua, tôi vẫn thành thật mà nói rằng thuở đó, tôi luôn coi học sinh, lớp lớn cũng như lớp nhỏ, y như những người em út cho nên, tôi rất ngại ngùng khi phải phê một điểm nhỏ, và chẳng bao giờ phê điểm “Số không” Cả. Phải công bằng, dĩ nhiên, nhưng mỗi khi cho một điểm quá nhỏ, tôi  thường nhìn trộm xem phản ứng trên nét mặt của cô hay cậu học sinh kém may mắn. Tôi luôn luôn nghĩ họ kém may mắn, vì một cớ nào đó quên bài. Chứ không nghĩ họ lười và không bao giờ nghĩ họ kém thông minh. Thật ra, hồi đó, học sinh Trịnh Hoài Đức rất siêng năng và đặc biệt có tinh thần ganh đua, cho nên tôi ít khi phải buồn theo cái buồn của các học sinh được điểm nhỏ. Ngoài ra tôi có một số học sinh, có nhiều học sinh, vì thích học những giờ tôi giảng, nên có thể đã lười biếng đôi chút trong những môn học khác, nhưng lại đặc biệt chăm chỉ, vì muốn làm vui lòng người dạy. Tôi linh cảm được, nhận thấy được những tình cảm trong sáng và dịu dàng đó. Cho đến nay, lúc ngồi viết những dòng này, ở một chốn không gian khác hẳn, mịt mù và xa lạ, lúc tuổi đời đã chỉ còn rơi rớt như một chút nắng xế, tôi vẫn cảm thấy lòng bồi hồi, tiếc một cái gì quý báu đã mất. Cái gì quý báu đó không một kho tàng nào có thể mua nổi . Đọc tới đây các bạn có lẽ cũng ngừng lại để tâm trí đi ngược về quá khứ. Tôi biết có nhiều bạn đang cùng một xúc động như tôi …..

    Vậy thì chúng ta đã cùng nhìn lại về trường xưa với một cái nhìn như nhau, một tình cảm như nhau. Giữa chúng ta không có mối liên hệ thầy trò nữa. Đã bốn chục năm qua. Kiến thức tôi đứng lại. Các Bạn đã trưởng thành, cùng ra đời, sinh hoạt trong xã hội từ lâu. Ai cũng có gia đình, con cái, nhiều người có dâu, rể. Có người có cháu nội, ngoại. Tôi thấy gần những học sinh cũ của tôi hơn. Tôi coi đấy là những người bạn …

    Có nên kể lại những kỷ niệm của quá khứ chăng ? Như những kỷ niệm các bạn cùng kể, mỗi khi có dịp cùng ngồi lại . tôi đã làm việc tại nhiều nơi, từ trên bốn mươi năm qua. Đấu tiên là Châu Đốc, rồi Bình Dương, Gia Định. Rồi tới Nha Trang, lại Gia Định, rồi Sài Gòn. Tới những năm ở xa quê hương, cũng trải qua ba, bốn chỗ khác nhau. Nhưng ở nước ngoài, tôi không có kỷ niệm, nói cho đúng hơn, không có gì đáng gọi là kỷ niệm. Chỉ ở quê hương mới có, mới có thật nhiều. Bình Dương là nơi nhiều kỷ niệm nhất. Tôi còn nhớ tên, nhớ hình dáng, cử chỉ, nét mặt, lối nói năng, chỗ ở … của nhiều người. Nhưng tôi sẽ không kể tên một cá nhân nào ở đây. Tôi không muốn nhớ người này mà quên người khác. Nếu có cái gì hay hay đáng nhắc lại về ai đó, tôi cũng không nêu rõ danh tính ra. Các Bạn muốn hiểu sao cũng vẫn là đúng.

    Có nên kể lại những kỷ niệm trong lớp học, giờ học chăng ? Mấy trang đầu của bài viết này đã tạm đủ rồi . Tôi chỉ muốn thêm một chi tiết là lạ trong cách soạn bài giảng của tôi. Tôi cho là khác lạ vì tôi nghĩ rất nhiều Bạn học sinh Trịnh Hoài Đứccũ, sau trở thành nhà giáo, có nhiều cách soạn bài nhưng chắc ít ai soạn bài giống tôi . Hồi đó tôi luôn luôn cố gắng làm sao để mỗi buổi giảng phải có cái gì vui vui đáng nhớ. Một chuyện khôi hài , một từ ngữ lạ, một tư tưởng hay … Không cần liên quan đến bài học, tôi tìm cách móc nối để nói ra cho cả lớp hưởng chung. Tôi không biết có ai tinh ý nhìn thấy đặc điểm này chăng ?

    Có thể không ai còn nhớ nữa, 40 năm rồi ! Chịu đựng từng trải hết bao vui buồn, khó khăn, biến chuyển khác thường, nếu ta có quên thì cũng là lẽ thường thôi. Vậy tôi kể một  chuyện nhỏ này để gợi lại. Số là , mới hôm qua, có mấy người, xưa học ở Trịnh Hoài Đức tới thăm. Có ai đó nhắc đến tên một nhà giáo Bình Dương, con của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Tức khắc, cái méo mó nghề nghiệp “ sưu tầm chuyện lạ” của tôi được đánh thức dậy. Tôi nói: “Có ai biết tại sao có tên Bình Nguyên Lộc không ? Ông Bình Nguyên Lộc quê ở Đồng Nai. Bình Nguyên tức là cánh đồng, tức là “ Đồng”. Còn Lộc là con nai.” Một người hiện diện xác nhận nhà văn này quê ở Biên Hoà, có lúc gọi là tỉnh Đồng Nai. Đấy, đại cương về những chuyện “ Lượm lặt” Của tôi là như vậy. Chỉ cần chịu khó đọc, chịu khó nhớ, chịu khó liên tưởng, nhìn ra cái ẩn giấu giữa những hàng chữ, là có được 01 bài giảng, lâu lâu lại có 01 nét vui vui,  đỡ làm cho người nghe ngủ gục giữa giờ.

    Có nên kể những kỷ niệm về các hoạt động báo chí của chúng ta hồi đó chăng ? Chắc là nên. Tôi đã làm việc tại nhiều trường, sau này có trường lớn gần trăm lớp, chưa có nơi nào mà bích báo phong phú như ở trường Trịnh Hoài Đức nhỏ xíu ngày ấy. Tôi nhớ lại một trường ở Gia Định, nhà trường cấp giấy, mực vẽ, tiền bạc, thúc giục, khuyến khích …, Nhưng bích báo chỉ cố được hai trang, hai tờ thì đúng hơn. Bích báo Trịnh Hoài Đức qua mặt tất cả, hàng chục trang giấy croquis khổ lớn, dán kín tường cầu thang, lối lên lầu. Mầu sắc đẹp, sắp xếp cân đối, nghệ thuật như những bức tranh. Còn bài vở thì, tương ứng với cấp lớp hồi đó có thể gọi là rất hay được. Mà chúng ta làm gì được cấp ngân khoản báo tường; Làm gì nâng đỡ … Nhưng chúng ta thích, chúng ta yêu quốc văn, chúng ta biết sắp xếp công việc. Và chúng ta đã làm được.

    Có nên kể đến tờ nội san  của chúng ta chăng ? Chắc là nên các trường lớn nhỏ thường có nội san vào dịp Tết, hay dịp cuối niên khoá. Trịnh Hoài Đức không cần đợi dịp nào cả. Tờ nội san “ Bút Ngày Xanh” in ronéo , dự tính ra định kỳ, hoàn toàn không có một phương tiện nào. Không biết còn ai giữ được một tập nào không nhỉ ? Còn ai nhớ nội dung chăng ? Về phần tôi, cho đến nay tôi có viết rải rác một số bài đằng báo và có tật quên hết những gì mình viết mà chỉ nhớ văn người. Bởi vậy, khi có người nhắc lại  bài “Dâu Bình Dương” Thì tôi mới nhớ mình đã cho in một bài trong nội san “Bút Ngày Xanh”. Những tôi hoàn toàn quên nội dung bài đó không rõ dài ngắn, hay dở ra sao ? Hồi tưởng mãi thì hình như tôi kết luận bằng mấy chữ  “…… vẽ dịu dàng và tha thướt của Bình Dương”. Thì phải. Mô tả vẻ đẹp của Bình Dương bằng mấy, từ ngữ “ Dịu dàng và tha thướt”,tôi không rề chỉ cố viết cho bóng bẩy,chải chuốt.Tôi thật sự cảm nhận vẻ đẹp đó,qua cái nhìn riêng của tôi,vào những năm cuối thập niên 1950.

    Độ mười năm sau,có một cuốn phim khá nổi tiếng hình như quay nhiều cảnh ở Bình Dương:đó là phim “Người Đẹp Bình Dương”.Danh từ “người đẹp Bình Dương” Trở nên rất phổ biến. Người ta tưởng tượng ra đất Bình Dương là xứ sở của người đẹp. Hồi đó, ngồi trong một quán cà phê vỉa hè Sài Gòn, rải rác ven những đại lộ lớn quanh khu vực Bến Thành, thoáng thấy một thiếu nữ với nét mặt thanh tao, “dịu dàng và tha thướt” đi qua, người ta bảo nhau:

    - Này một người đẹp Bình Dương.

    Dần dần, Bình Dương không còn là một danh từ, một địa danh nữa. Bình Dương trở thành một tỉnh từ, chỉ đặc tính vẽ đẹp của một thiếu nữ quê quán ở đâu đó cũng được, chứ không cần phải là sinh trưởng tại Bình Dương.

    Hồi tưởng lại, những năm xa xưa ấy, tôi đã có một niềm vui nho nhỏ khi nghe quanh tôi thành ngữ “ Người Đẹp Bình Dương” Được nói đến, trong những dịp chuyện trò vui vẻ giữa những người bạn trẻ. Tôi vui vì tôi đã ở, đã làm việc, đã sống với lớp học sinh thơ ngây, lớp tuổi học trò ở Bình Dương. Tôi đã viết về Bình Dương, đã ca ngợi Bình Dương, đã biết và nhìn ra nét đẹp “Dịu dàng và tha thướt” Của Bình Dương từ hàng chục năm trước.

    Nhưng thời gian cứ trôi đi. Cuộc sống hối hả, đầy biến động đã đẩy lùi hình ảnh Bình Dương cũng như nhiều hình ảnh khác vào ẩn nấp đâu đó, trong tiềm thức tôi. Cho đến gần đây, có người cho tôi biết vài học sinh Bình Dương cũ, sau trở thành nhà giáo, đã lấy một số đoạn văn tôi viết về Bình Dương để làm bài giảng văn cho các lớp trung học. Có người còn nhớ và đọc thuộc lòng vài đoạn văn đó. Khi hay biết mấy chuyện này, tôi đã thực sự bồi hồi cảm xúc. Tôi không bao giờ tưởng tượng và mơ ước rằng những ý nghĩ, tình cảm tôi ghi vội trên giấy ngày nào đã được đón nhận, sử dụng và in ấn trong ký ức một cách ưu ái đến như vậy, một cách bền bỉ và sâu đậm đến như vậy. Phải rất bền bỉ thì mới không bị khoảng thời gian gần 40 năm làm tan rã trong lãng quên. Phải rất sâu đậm thì mới không bị phai mờ bởi những thăng trầm khắc nghiệt, những quá độ của nỗi vui buồn mà ai cũng phải trải qua hàng mấy thập niên. Cần dài dòng như vậy thì mới làm nổi bật niềm xúc động của tôi. Xin gửi ở đây một lời cảm ơn chung những ai đã hiểu tôi và đã yêu tôi.

    Khi nói về những người làm văn thơ, cổ nhân ta đã có câu đại khái như sau :

     “Thế gian nghĩ cũng nực cười
     Văn minh mới đẹp, vợ người mới xinh”

    Hai câu này có hai ý. Thứ nhất là “Chỉ có văn của mình mới đẹp” Ai đã làm thơ viết văn thì có thể đồng ý lắm lắm. Trước hết là ngâm, là đọc, là rung đùi, đắc ý. Sau đó, là mừng rỡ thấy bài mình gửi được báo đăng. Vội vàng chụp in lại nhiều bản cho bạn bè, ngồi nhà chờ đợi lời phê bình, khen ngợi “Chỉ có văn mình là đẹp” thôi mà!

    Nhưng tôi thì hơi khác. Tôi nghiêm khắc với chính tôi , đôi khi tôi thấy văn xuôi của tôi tạm được. Còn thơ của tôi thì quá tệ, cho nên, như ở trên đã nói, tôi chỉ nhớ thơ văn người khác mà quên hầu hết các bài tôi viết, kể cả những bài đăng trên báo. Bởi vậy tôi còn vui hơn nữa khi biết rằng văn của mình được hiểu, được sử dụng, được nhớ.

    Còn về ý thứ hai cả hai câu thơ trên, “Vợ người mới xinh” Cổ nhân có nhận xét thật sâu sắc. Quả đúng là thế gian nực cười thật, mâu thuẫn thật, không cho bất cứ cái gì mình có là đẹp tất cả đâu! Ai viết thơ văn cũng tự cho mình là “ hay về cả ý lẫn lời” Nhưng ít khi phân tích về cái đẹp của vợ mình. Đến chỗ đông người, dù có vợ kè kè bên cạnh, khi thấp tháng thấy một bóng dáng “Dịu dàng tha thướt” Là phải cố nhìn với ý nghĩ :

    - Xem cô ta, bà ta mặt mũi ra sao ?

    Rất nhiều lần, câu tự trả lời vẫn hàm ý : “ Vợ người mới xinh” Câu chuyện ngoại tình của ông Hoàng Charle và bà vợ “Sắc nước hương trời” Ở bên Anh là một thí dụ có thể coi là vượt cả thời gian và không gian.

    Nhưng còn tôi, tôi đã không “Nực cười” Như thế gian, tôi không cho thơ văn tôi mới là đẹp, vậy thì tôi cũng không thể cho vợ người mới là xinh. Nói ngược lại tôi chỉ thấy có vợ tôi mà thôi, có đúng không ? Tôi không trả lời câu hỏi này mà xin kể cho các Bạn một câu chuyện tâm sự của vợ chồng tôi.

    - Anh muốn tụi mình có một đứa con gái. Ngoài những nguyên nhân tình cảm bình thường của mọi cặp vợ chồng muốn có con gái, Anh còn có một ao ước riêng. Anh muốn rằng, sau này, khi chúng mình huống tuổi, anh vẫn còn được thấy hình ảnh của Em hồi còn là một thiếu nữ, qua hình ảnh của con gái chúng ta lúc ấy đã trưởng thành.

    Tôi không tin rằng những người bình thường ở thế gian này cũng có ý nghĩ độc đáo và cực kỳ lãng mạn như của tôi. Và như thế, hình như tôi đã lại có trả lời các bạn rồi.

    Tới đây tôi đã đi quá xa câu chuyện về báo chí, về nội san, về bài “ Dân Bình Dương” của tôi thuở nào. Nguyễn Tuân ngày xưa gọi những bài bút ký của ông là tuỳ bút, sau này gọi là “Ký”. Bài bút ký này của tôi quả thật là một bài tuỳ bút. Tôi đã để dòng ý tưởng tự do đi đâu thì đi, để cho ngòi bút được tuỳ ý lang thang vô chủ đích – nhưng lang thang xa quá rồi thì cũng phải trở lại với trường xưa.

    Ngày ấy, ở Bình Dương, tôi đã viết về Bình Dương với bao nhiêu niềm xúc động dạt dào. Ngày nay, ở một chốn không gian khác hẳn, mịt mù và xa lạ, tôi còn viết về quê hương không ? Vẫn còn, và sẽ còn. Nhưng tôi nhìn quê hương bằng cặp mắt bao quát hơn, tôi nghĩ về quê hương bằng những ý nghĩ dạt dào thấm thía hơn. Tôi không viết về một địa phương nào đó nữa, không về sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng.  Không riêng về trái măng cụt Thủ Dầu Một, về nước mắm Phan Thiết, về hoa đào ở ngoại ô Hà Nội …

    Tôi chép lại dưới đây một đoạn trong một bài viết của tôi được đăng trong báo ở đây, vài năm trước. Trích đoạn này là lời một người cha thủ thỉ với đứa con trưởng thành ở nước ngoài :

    - “Mai này, con sẽ hiểu. Đất nước không chỉ là núi cao, sông rộng, tiền rừng, bạc biển. Đất nước còn là những gì nhỏ bé, bình thường. Như một hạt đậu phọng vương vãi đâu đó còn sót lại trên cánh đồng mầu. Như một con bướm trắng chập chờn trên nụ hoa cải vàng chớm nở, còn ẩm ướt mưa bụi đầu Xuân.    

    “Một mai này, con sẽ hiểu. Con sẽ được học hỏi về những kỹ thuật khoa học tài tình, những áng văn chương tuyệt tác xứ người. Con sẽ được thăm nhiều cảnh trí vĩ đại, nhiều kiến trúc to lớn, quan cổ kính hoặc tân kỳ. Con sẽ được ăn phở, ăn bánh cuốn, ăn chè khoai… ở Pháp, ở Mỹ, ở Úc…Nhưng con cũng rất cần được nhìn cái cối xay lúa, cái võ, cái dậm… của tổ tiên xưa để lại. Con cũng cần đọc và hiểu thấu Truyện Kiều hay cung Oán Ngâm Khúc…Con cũng cần biết ý nghĩa nét kiến trúc của một ngôi chùa rêu phong lưng chừng một trái đồi nào đó ở miền Trung Châu đất Bắc. Con cũng cần biết thưởng thức tô phở Sài Gòn trong không khí và âm thanh thành phố ồn ào và đông đúc đó. Hoăëc bún bò Huế tại Huế, hoặc bánh tôm cổ ngư tại một quán bên Hồ Tây Hà Nội. Hoặc nước chè tươi trong một cái bát sành ở một quán nước dưới gốc đa, bên một bến đò Sông Hồng, Sông Thương. Tất cả những gì cha vừa kể, dù quen quen, dù xa lạ, đều có một cái chung, cái chung đó gọi là Việt-Nam, con ạ !”…

    Đến đây, tôi thấy bài tuỳ bút này có thể tạm ngưng sau khi tôi trả lời một câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra.

     - Bao giờ trở về thăm quê hương ?

    Vâng, nếu tôi đã có thể dài dòng về “ Trường xưa trong trí nhớ” thì hiển nhiên về thăm lại quê hương nói chung, trong đó có Búng, có Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, những địa danh mộc mạc nhưng thân mật và gần gũi là một chuyện cần được đặt ra.

    Tưởng nên nói chi tiết đôi chút để trả lời câu hỏi “ Về thăm quê hương” này.

    Tôi sinh ra ở Cẩm Khê, một địa danh còn ghi lại trong sử sách, nơi hai bà Trưng hi sinh vì không muốn lọt vào tay giặc.

    “… Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo chị em thất thế phải liều với sông…”

Cẩm Khê là một làng Trung Châu miền Bắc nước ta. Về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn lại là một địa danh lẫy lừng như vậy, tôi hiển nhiên không thể bỏ qua. Nhưng nguyên quán của tôi lại ở một làng ở châu thổ Sông Hồng, nơi có mồ mả ông cha. Tôi lại học hành ở Hà Nội, thời thơ ấu ở đất Phong Châu.

    “ Bà Trưng quê ở Châu Phong
    Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên …”

    Toàn là những nơi chốn gợi nhớ, gợi thương, trải rộng nhiều nơi xa nhau trên miền Bắc.

    Còn về thời gian làm việc, tôi đã sinh sống rải rác ở nhiều địa phương từ ngoài Trung cho đến trong Nam, nơi nào cũng có nhiều kỷ niệm đẹp, đẹp nhất là ở Bình Dương như đã nói, và không thể ai chối cãi được. Nhưng tôi vẫn muốn đến, thăm hết, chuyện trò, hỏi thăm tất cả. Một cuộc hành trình dài Bắc chí Nam như vậy không thích hợp với một người lớn tuổi mà lại mang một căn bệnh hiểm nghèo mà 6,7 năm nay. Chỉ riêng một chuyến bay về Việt Nam cũng trên sức chịu đựng của tôi, trong một tương lai gần. Còn vài năm nữa, biết đâu sức khoẻ tôi chẳng khả quan hơn…?

    Tới đây, bút ký này có thể chấm dứt. Nhưng giống như người có bạn đến thăm, khi chi tay còn bịn rịn, tiễn chân đến tận cửa xe mà còn chuyện chưa nói hết, tôi lại muốn đưa ra một hình ảnh nữa.

    Tôi muốn nhắc đến niềm ao ước có con gái của vợ chồng tôi. Ước mơ đó không thành sự thực, vì chúng tôi chỉ có hai con trai. Lúc huống tuổi, tôi đã không được nhìn thấy dáng dấp thiếu nữ mảnh khảnh, nhanh nhẹn và tươi cười rộn rã của người bạn đời trăm năm của tôi, qua hình ảnh của người con gái mà chúng tôi không bao giờ có. Nhưng tôi không buồn. Không buồn, vì chẳng có hình ảnh hiện thực thì tôi tưởng tượng. Những người bạn Trịnh Hoài Đức thuở nào hãy hình dung và lưu giữ hình ảnh tôi như là hình ảnh một người thầy học cao và gầy, bốn mươi năm trước, trong lớp học, có một lối giảng bài dễ hiểu, đôi khi văn hoa một chút, và ngoài lớp học thì thân mật cởi mở như một người anh lớn tuổi. Còn tôi, tôi không nhìn các bạn như những người trung niên đã có chồng, có vợ, có con, cháu, tay bồng tay mang. Tôi muốn thấy trước tôi những nam, nữ sinh rạng rỡ ánh mắt, hồng hào đôi má, im lặng chăm chỉ trong lớp học và ồn ào vui đùa, trò chuyện ngoài sân trường.

    Và như vậy, tái ngộ thì rất tốt , mà không tái ngộ thì cũng tốt thôi ./.

    NGUYỄN ĐỨC CẨM