Trở về 4

Thùy Vương

 
Hôm qua, ngày 2 số 9, tức 9-9, tình-cờ sao có  hai chuyển-tiếp đáp xuống mail của tôi, hai bài viết của Nguyễn-ngọc-Tư.
Cái người mình đã từng nghe danh về Cánh Đồng Bất Tận đây.
Cái cô gái Cà-Mau đã làm run-rẩy bao tâm-hồn đang khánh-kiệt trên những lối mòn, ngõ cụt giữa đời chiều...
Tôi bắt được một nhịp tim, nghe hao-hao hơi thở của mình...
Đọc xong hai đoản văn, thấy khoan-khoái như được dẫm gót chân vui trên bờ cỏ mát.
   1-   “ Mẹ, con và…”  (đây là phần một của Trở Về 4, phần nầy và phần 3, người viết xin giữ lại cho mình, mong các bạn thứ lỗi )
   2-          “Cúi xuống vùng non xanh mát...”
 “và nghe tiếng hát xua cơn ưu-phiền tan”…
Trái tim tôi sao cũng có mấy nhịp-điệu giống Cô Tư. Nghe những bài hát văng-vẳng, cổ xưa, thanh-trong, mộc-mạc chợt thấy lòng lâng-lâng khoái-cảm gì đâu...
Tôi theo chồng về miệt ruộng-đồng khỉ ho cò gáy, không điện, không đèn mãi đến hơn mười năm, nên nhà còn chiếc AIWA chạy bằng pin hát băng casette là ngon-lành lắm. Gặp thời buổi ngăn sông cấm chợ, vùng quê tôi xôn-xao với cảnh "săn-bắt rô-bô", tức là những người dân buôn chuyến qua trạm, các loại nhu-yếu-phẩm đều là hàng cấm hàng gian, nên họ băng-bó  các món hàng vào người để qua trạm, nào thịt heo, thịt bò, gạo, nếp, đậu, thuốc lá, bột ngọt... cũng vui mà cũng nước mắt lắm…
Nhà tôi còn giữ vài cuồn băng Khánh-Ly cũ, một tủ sách đủ thỏa-mãn thú mê đọc của tôi. Trái lại, tôi trắng tay chẳng còn thứ gì gọi là của đam-mê ham-thích cho riêng mình. Vì vậy mà tôi mê nhà tôi ở điểm nầy, là có nhiều thứ cho tôi mê, và tôi cứ tha-hồ mê nhiều thứ...
Đáng kể là cây đàn gỗ hồng-đào, hai vợ chồng chở nhau xuống tận Sàigòn chọn mua cho được sau cái trận đổi tiền lần hai.
Sau nầy, nhà tôi buôn-bán giao-hàng hàng ngày dưới chợ, cứ nghe biết băng nhạc nào mới, hay, hợp goût tôi, anh mang về đủ, Khánh-Ly, Ngọc-Lan, Lê-Uyên-Phương… Nhờ đó tôi thỏa-mãn được mớ ham-thích của mình...
Nhưng cũng từ đó, tôi không còn nghe lại được cái hồn vọng-cổ của thời hoàn-kim từng  đưa trái tim nhỏ-bé của tôi, lúc vừa bước chân đi học, lúc-lắc cảm-tình theo từng điệu sáu câu mùi-mẫn.
Từ sáu tuổi, tôi đã biết nghe Lắng Tiếng Chuông Ngân của nghệ-sĩ Thanh-Nga, cô hát cho cha cô là nghệ-sĩ Năm-Nghĩa, một danh-tài cổ nhạc miền Nam đã mất. Giọng ca não-nuột trầm-buồn làm tâm-hồn con bé như tôi đã phải sầu ngơ-ngẩn.
Rồi nhìn được hình cô trên cuốn cổ-nhạc trải bán trên hè phố, tôi càng mê-mẩn thần-hồn, ngây-ngất yêu-thương Cô.
Đến khi số phận nghiệt-ngã cướp đi cái nhân-dáng lộng-lẫy cao-sang, nhẹ-nhàng thư-thái, cương-nghị thanh-tân, uyển-chuyển dịu-dàng, trẻ-trung nhí-nhảnh, quắc-thước anh-thư, u-sầu trắc-ẩn…
Tôi mất đi một Mỹ-Nhân của Loạn-Tướng, một Diễm-Lệ của Đôi Mắt Người Xưa, một Phà-Ca của Người Vợ Không Bao Giờ Cưới,  một Giáng-Hương của Sân Khấu Về Khuya, một The của Nửa Đời Hương Phấn, một Cô Hai của Tấm Lòng Của Biển…
Hay bởi ông trời cũng quá ngưỡng-mộ Cô, một đóa hoa thanh-sắc vẹn-toàn. Sanh hoa mà, đâu nỡ giận  hoa. Chỉ muốn mang Cô đi xa-lánh cái trần-gian bạc-nhược phũ-phàng nầy.
Vì từ đây sẽ còn một vai diễn nào xứng-đáng cho Cô hóa-thân trên sân-khấu hằng đêm nữa không?
Vì từ đây sẽ có một soạn-giả nào đủ tầm-vóc thanh-tân, khai-sáng khung trời nghệ-thuật cho cuộc-đời cải-lương của Cô nữa không?
Và từ đây, Cô phải đi thôi, phải từ-giã cái chốn chẳng còn những bậc trí-giả thân-yêu đã từng ngày hà-hơi ấm cho những vai-diễn để đời, để Cô sống hoài trong lòng công-chúng..
Cô đã vĩnh-viễn ra đi.
Ðể khỏi phải chạnh-lòng khi chợt nhận ra, ôi Ta còn vai diễn nào nữa đây...
Ðể khỏi phải chạnh-lòng khi từng đêm nghe cải-lương khóc thầm ai-oán số-kiếp lãnh cung.
Ðể khỏi phải chạnh-lòng khi từng đêm thấy tóc bạc dần, luyến-tiếc khôn-nguôi những phận đời Cô đã hóa-thân, từ nay sẽ không bao giờ còn sống lại trên sàn diễn nữa.
Hay cái chết của cô chính là sự tận-diệt một mầm sống cải-lương thứ-thiệt, đã được dưỡng-dục từ chiếc nôi của một gia-đình nghệ-sĩ chính-thống, yêu nghề, quê-hương, yêu dân-tộc, không  chấp-nhận diễn những tấn-tuồng đi ngược lại những vai diễn đã từng sống với cô trên sân-khấu.
Cô ra đi khi vẫn là một giai-nhân tuyệt-sắc, hồn thanh-xuân sống mãi với nhân-gian :
            “ Mỹ-nhân tự cổ như danh-tướng .
              Bất hứa nhân-gian kiến bạch đầu.”
 
Vậy đó,
Mê cổ-nhạc là mê nhiều thứ, nói chung là cải-lương, là gánh-hát, là Hữu-Phước Thanh-Nga, Thành-Được Út-Bạch-Lan, Bạch-Tuyết Hùng-Cường, Lệ-Thủy Mỹ-Châu, Việt-Hùng Ngọc-Nuôi, Thanh-Hương Hùng-Minh, Hoàng-Giang Kim-Giác, Nam-Hùng Thanh-Thanh-Hoa, Diệp-Lang Phương-Liên. Là Ba-Vân, Tám Vân, Ngọc Giàu... là sân-khấu, là đèn màu, là trống, là kèn, là đờn, là phách, là nhịp song-lang, là áo-quần lấp-lánh, là décor diễm-ảo, là cánh-gà lung-linh, là hậu-trường hỗn-độn , là son-phấn phơi bày, là sắc-thái muôn-màu tô-vẽ nên bao cảnh đời thiên-hình vạn-trạng...
Mà độc-đáo nhứt là những ngón đờn tuyệt-kỹ, nhảy-nhót diệu-kỳ trên cần đờn sáu dây của cây ghita phím lõm.
Đúng phải là cây ghita phím lõm, là lục-huyền-cầm của vọng-cổ sáu câu, mới lột hết được ngón nhấn lay-lắt thần-sầu ở cuối nhịp câu hai, câu ba quyện cùng tiếng nhị, tiếng kìm, tiếng độc huyền ngân-vọng xa-xăm làm người lỡ bước nhớ nhà, lỡ yêu nhớ bạn,… ruột-rà…tâm-can…quặn-thắt…
Mỗi khi có gánh-hát về, trái tim tôi không cách nào nghỉ-yên nếu không trà-trộn vào dòng người mê-đắm xô cuốn về phía cửa rạp, chết-trân theo sức-hút mãnh-liệt đó...
Ở đó có tấm màn nhung đỏ thẩm cất dấu những tầng ô cửa mở cho tôi bao giấc-mộng tuyệt-vời ...
Là lúc tôi vào học lớp năm trường Nữ-Châu-Thành (bây giờ là lớp một), nhà ở trại-gia-binh Hùng-Vương.
Lần đầu tiên nghe giọng hát Hương-Lan, là Bé Hương-Lan mới đúng, cái giọng trẻ con còn hơi ngọng-nghịu, vậy mà nghe xao-xuyến gì đâu.
Tôi nhớ mãi điệu Mẫu-Tầm-Tử ấy, vào hồi kết của tuồng Nhạc Lòng Năm Cũ, soạn-giả Anh-Lân, nghe hoàì đến thuộc-lòng luôn,. Vì  "đây là chương-trình cổ-nhạc Nam-Phần trên đài tiếng nói Việt-Nam, phát-thanh từ thủ-đô SàiGòn, trưa từ 11 giờ và chiều từ 4 giờ.."
         " Đã hai buổi không tiền lo...
            than-thuốc cho mẫu-thân.
            Nên dù cho trời mưa làm sao,
            Con cũng chạy ra ngoài kho chợ.
            Để hát kiếm tiền, đem về cho mẹ hiền..."
Rồi giọng cô Thanh-Nga, nghẹn-ngào tức-tửi :  " Đừng, đừng đi con...Trời mưa... mà con Hà đòi đi hát... Kiếm tiền về lo thuốc-than cho chị... "
Tôi lấp-ló bên ngoài cửa sổ nhà người ta, nghe mà...khóc…
Hương-lan ơi, chắc lúc đó cô chỉ chừng 5 tuổi thôi, tôi đoán thế, vì giọng cô non-nớt ngây-thơ lắm.
Vậy mà nội cái lời bài hát cùng giọng ca khờ-khạo đó đã làm lay-lắt trái tim tôi, trái tim suýt-soát hơn cô chừng chưa đầy 2 tuổi...
Càng lớn, tôi thuộc tuồng tích càng nhiều. Vọng-cổ 6 câu cứ mỗi cuốn 1 đồng. Nguyên tuồng cải-lương thu dĩa được in thành 4 cuốn tức 4 đồng được một tuồng. Tôi phải chọn tuồng hay lắm, bản vọng-cổ hay lắm mới mua, vì phải nhịn ăn bánh mới có tiền mua nhạc.
Thường các bài-bản rời 6 câu của soạn-giả Viễn-Châu và Quy-Sắc. Là những bản vọng-cổ trứ-danh dành riêng cho những giọng-ca gạo-cội hái ra tiền cho mấy hãng dĩa nhựa thời đó.
Còn tôi, chỉ nghe radio bên nhà hàng xóm thôi.
Thế là Tình Anh Bán Chiếu, Gánh Nước Đêm Trăng, Thoại-Ba Công-Chúa, Thoại-Khanh Châu-Tuấn, Hương Cau Quê Ngoại, Lắng Tiếng Chuông Ngân... nối-tiếp ra đời.
Thế là bên mình tôi lúc nào cũng có một chồng nhạc cổ.
Có tuần học buổi sáng, trưa về cơm nước xong-xuôi, bổn-phận tôi là hát ru em ngủ. Nhịp võng cứ đong-đưa, bắt chước ca-sĩ trên đài phát thanh tôi hát hết bài nầy qua bài khác.
Chừng lối 4 giờ, tôi lại ẵm em vẩn-vơ dọc xóm dưới, chờ nghe chương-trình cổ-nhạc buổi chiều.
Tuồng-tích thì khỏi nói, tôi đóng luôn các vai có sẵn trong cuốn nhạc, ngâm thơ, nói lối, vô vọng-cổ, xuống Xàng-Xê, ca Nam- Ai, Nam-Xuân, hát Khốc-Hoàng-Thiên, Xàng-Xư-Líu, Xuân-Tình, lã-lướt với Sương-Chiều tình-tứ, ai-oán với Lý-Con-Sáo buồn-mênh-mang...
     " Ôi.. cao-xanh,
        Sao ông nỡ phụ-phàng chi hoa?...
        Sanh hoa rồi giận hoa.
        Gieo số-kiếp phũ-phàng
        Từ sơ-sinh cho đến lúc rụi-tàn
        Thà muôn đời làm thân cỏ-cây
        Sống vô-tư chết không buồn đau
        Còn hơn là làm thân sắc-hương
        Để hóa-công mãi gieo sầu-thương!!! "
Trời ơi, giọng cô Út-Bạch-Lan nghe sao mà não-nuột. Giữa đêm khuya, hương tàn khói lạnh, trùng-trùng xa cách cố-nhân, chẳng phải làm người ta đứt-ruột đau-lòng lắm sao?
Mà cái mùi tận-mạng của vọng-cổ sáu câu nó thấm-đẫm cảm-xúc vô từng làn da sớ thịt là vậy,… mới gọi là mùi-tận-mạng...
Lâu-lâu bất-chợt bên nhà hàng-xóm vẳng lại câu hò Tình Anh Bán Chiếu.
          “Hò…ơi …
             Chiếu Cà-Mau nhuộm màu tươi-thắm.
         Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi-dầu,
             Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu,
         Tìm cô không gặp, tôi gối đầu từng đêm…”
Cái buồn tình mênh-mông da-diết tựa con sóng phù-sa chảy miết theo bờ sông cái, buông lái theo thuyền dọc các bến đục trong.
Hỡi ơi, anh bán chiếu chơn-chất nặng lòng, trao tình làm chi cho bãi-bờ lao-đao con sóng!
Để rốt cùng, ôm mối tình chẳng ai người hay biết rãi khắp mặt sông dài, gieo tê-tái vào lòng khách thương-hồ xuôi-ngược, lặng người nghe mãi giọng Út-Trà-Ôn nặng đục cả lòng...
         “ Sông sâu bên lỡ, bên bồi,
      Tình anh bán chiếu trọn đời không phai…”
Ôi, cái giọng nặng-đục ân-tình ấy, đến nay chưa từng nghe ai hát Tình Anh Bán Chiếu qua nổi Út-Trà-Ôn...
Cũng cái giọng nặng-đục ân-tình ấy, người ta sẽ nghe tiếng Tướng-Quốc Phạm-Công  chiến thắng Sầm-Hưng dẫn hai đứa con thơ là Nghi-Xuân Tấn-Lực trở về hỏi tội Tào-Thị, cũng với điệu Mẫu-Tầm-Tử thắc-tha thắc-thẻo mà trúc-trắc hận lòng:
              " Sao em đứng một thành hai ?
                Ngực thấp mà bụng cao?
Tào-Thị :  " Vậy chàng nghi rằng em đã thọ thai!"
P-Công :  " Vợ-chồng cách-biệt mà nàng có thai được.
               " Thật giỏi vô-cùng!
               " Đồ bạo-tàn lăng-loàn! "
 
Vậy đó,
Còn biết bao vần-điệu đối-đáp tài-tình trong những tuồng-tích làm say-đắm  lòng  mộ-điệu bốn-phương.
Người ta chen vai thích-cánh mua cho được những tấm vé. Để được ngồi vào những hàng ghế thượng-hạng hay cá-kèo. Để được thưởng-thức những màn ca-diễn mùi-mẫn của các nghệ-sĩ  tên tuổi lẫy-lừng, xứng-danh  nền ca cổ Miền Nam, với những vở-tuồng nghệ-thuật, uyên-bác thanh-cao của dàn soạn-giả tài-danh như Năm-Châu, Hà-Triều Hoa-Phượng, Thu-An, Nhị-Kiều, Yên-Lang...
Hàng loạt vở tuồng làm chao-đảo tình-đời: Tiếng Trống Sang Canh, Mỹ-Nhân Và Loạn-Tướng, Tiếng Hạc Trong Trăng,  Sân Khấu Về Khuya, Tấm Lòng Của Biển, Tuyệt-Tình-Ca, Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Nửa Đời Hương Phấn, Đôi Mắt Người Xưa, Thuyền Ra Cửa Biển, Mắt Em Là Bể Oan-Cừu...đã lấy đi nước mắt triệu-triệu khán-thính-giả đương-thời với trái tim rực-lửa yêu-thương và hâm-mộ.
Tôi nghĩ mình cũng diễm-phúc, dù chỉ là con bé con nhà nghèo tỉnh-lỵ xa-xôi, nhưng được sống sát rạp-hát lớn của tỉnh.
Cái rạp-hát mà người Pháp xây-dựng đúng như một công-trình tạo-tác nghệ-thuật.
Cái rạp hát Thanh-Bình giữa lòng chợ Thủ Bình-Dương.
Ai có một lần đến hay một thời ở đấy sẽ nhớ in những họa-tiết, hoa-văn cổ-kính trên từng đầu cột ôm lấy những mái vòm cong, trên từng khung cửa ngoài hay trên từng ô cửa sổ. Ngoài mặt tiền, hai bên chớp lầu cao, đặt tượng điêu-khắc hai người đờn bà ngồi thẳng lưng tựa bên vách, chân xuôi theo mắt nhìn về hai phía xa-xa, tay khải đàn tì-bà ôm đứng dọc  thân mình. Đôi mắt hai người nhìn vào mông-lung xa-vắng, tạo cho không-gian thêm chút lãng-mạn u-trầm.
Ở giữa lòng chợ Thủ, nếu nói về những công-trình nghệ-thuật văn-hóa cổ thì đây đúng là một trong những số đó.
Thế nhưng, với những kẻ lạ người xa lòng quá đổi vô-tình, đâu thiết giữ-gìn, không buồn bảo-trọng, phũ-phàng như món đồ phế-thải đã vội-vàng đánh đổ nó đi.
Để lại một vết thương-đau nơi trái tim tôi.
Để lại trên nền đất cũ một hoang-địa chỏng-chơ không người lui-tới...
Riêng tôi, vẫn ngắm nhìn nó như viên ngọc quý đời mình, cố giữ trong tim như của riêng để dành chiêm-ngưỡng.
Những lúc phải sống xa cái không-gian sống-động ấy, tôi vẫn riêng mình, tự quay về, tự bươi-móc từ mớ hỗ-lốn ấy cái dòng sống tuôn-chảy mãnh-liệt từng ấp-ủ tâm-hồn miên-man thơ-dại của tôi, dưỡng-nuôi nó nên phong-phú tinh-tươm như bây giờ.
Tôi nhớ những soạn-giả tài-ba đã rót vào máu tim tôi từng giọng-thoại  ca cổ thâm-trầm, có khi mùi-mẫn ngọt-ngào, có khi hận-thù rực-lửa, có khi hóm-hỉnh chua-cay, có khi thăng-hoa biến-ảo. Người nghe không tài nào quên nổi nên nó cứ tự-nhiên ở mãi trong lòng, rồi trở-thành cái vốn sống tiềm-tàng làm giàu có thêm lòng nhân-nghĩa giữa đời.
Như đoạn đối-đáp trong Nửa Đời Hương Phấn giữa Bà Năm cho vay nặng lãi vớí ông Tư xích-lô, tôi nhớ thế nầy:
Khi Bà Năm bảo tiền của bà là mồ-hôi nuớc mắt, ông Tư trào một hơi cà-khịa:
     " Là mồ-hôi nước mắt, của mấy thằng cha đi vay tiền,
       Để lo cho vợ đẻ, con đau. Suốt ngày
       chạy đổ mồ-hôi, nước mắt tuôn-rơi,
       thở không ra hơi...
Bà Năm :
     " Xí..., nói sao nghe được, họ mới cho vay, cho mượn chớ
     " Vậy tiền là mồ-hôi, nước mắt chớ sao! "
Tôi không nhớ nổi tên điệu-ca nầy, có lẽ là Kim-Tiền-Bản, nhưng không chắc, chỉ biết nó được soan-giả kết-hợp tài-tình giọng-nói, lời-lẽ, âm-điệu một cách trào-lộng đủ in vào lòng người cái cảnh đời khắc-nghiệt bôn-ba, kiếm sống giữa chốn phồn-hoa đô-hội.
Những đối-đáp của chị em Cô The, cô Diệu và Tùng bằng giọng Khốc-Hoàng-Thiên trong Nửa Đời Hương Phấn, khiến người nghe không khỏi xót-xa cho duyên-phận bẽ-bàng của họ :
 The : “ Dẫu biết em thành-hôn với dượng ba đi nữa…
             Thì chị cũng ráng về với em…
             Để mừng ngày em xuất-giá, cho vui lòng của ba-má.
             Chị cũng được nở mặt-mày với lối xóm bà con.
             Còn dượng ba đây, là một thanh-niên có học-thức lại đàng-hoàng.
          Chị vô cùng sung-sướng. Thấy em có một người chồng cũng như lòng chị ước-mơ.                     
Tùng: “ Chị hai ơi, chị nói chi câu ấy thêm đau lòng.
                Ai kia cũng đau-khổ muôn-phần. Chớ nào phải đâu người ta phụ-bạc.
                Số trời, biết nói sao hơn…
Diệu : “Anh nói chuyện ai mà em đây không hiểu được.
               Anh nói rõ ngọn-ngành, kẻo mà em đây phải thắc-mắc với mình”  
Tùng (nói)  : Em Diệu à…
The : “ Nếu thương người, thì xin đừng có nói ra, mà tội-nghiệp cho em của người ta.
               Thà khổ một mình chớ đừng để sầu cho em”
Diệu (nói) : “Chị biết chuyện nầy hả chị hai. Chị nói cho em nghe đi chị hai”.  
Tùng : “Đau-đớn thay, muốn gọi em mà gọi chẳng nên lời,
                Em hãy nghe đây là sự-thật. Chị hai đây là,
Diệu :  “Chị đây là chị ruột của em….”
 
Rồi với ông Cò quận 11 chạm-trán nẩy lửa với cô con gái TrườngAn (lúc ông chưa nhận ra) bị ông bỏ rơi trong vở Tuyệt-Tình-Ca;
 
Trường-An:   “ Xin ông chớ bận-tâm rào-đón.
                         Vì tôi ngồi đây là tôi đã sẵn-sàng nghe.”
Ông Cò:         “ Vậy tôi xin bắt đầu…
                         Chắc cô cũng biết gia-đình của ông Sa,
                         Ổng có một vợ và bốn con…”
Trường-An:   ” Dẫu ông Sa có một trăm con và hai chục vợ,
                         cũng không hề dính-dáng đến tôi.
                         Đó là tôi nói rất thật lòng. Xin ông đừng nhắc lại làm chi.”
Ông Cò :       “ Thì tôi nói đây cũng rất thật tình,
                         Chỉ mong làm ích-lợi cho đôi bên”
 
Nói làm sao hết cái tinh-túy của cải-lương vọng-cổ, cái thứ văn-hóa quốc-hồn đã ăn sâu vào đời sống từ những hạng bình-dân, lao-động, ruộng-đồng rẫy-bái, đến những lớp quyền-quý cao-sang có mặt hàng đêm trước cánh màn nhung rộn-ràng nhạc-hiệu.
Từ những hàng ghế thượng-hạng, đến hàng ghế hạng nhất, rồi hạng nhì, hạng ba, rồi cá-kèo, rồi coi cọp, rồi thả-dàn… Không thiếu bộ mặt nào trong xã-hội...
Sân-khấu cải-lương đó.
Phải là sân-khấu mới làm nên cải-lương đúng hình-thái văn-hóa, nghệ-thuật của nó, mới phát-tíết hết cái tinh-hoa và cảm-xúc của nó.
Tôi nghĩ y-như Cô Tư, mà chắc nhiều người cũng vậy. Cảỉ-lương là  phải diễn trên sân-khấu, phải có màn nhung, phải có cánh gà, phải có décor, phải có hậu-trường, phải có bàn-thờ tổ, phải có đèn màu phực đỏ lúc xuống vọng-cổ sáu câu...
Phải có thanh-la mỗi lúc buông sáo thay màn, đổi cảnh...
Phải có kịch-bản đủ thần-hồn sống-chết với tình người.
Mọi thứ, trước mắt, ai cũng biết là giả cả đấy, nhưng cảm-xúc len vào thịt da thì rất thật.
Mọi thứ trên ấy rất dễ đánh-động vào mắt, vào mũi, vào tim gan, ruột rà, phèo phổi con người ta.
Mọi diễn-xuất trên ấy rất dễ làm run-rẩy những thương-cảm xót-xa, rất dễ làm vỡ-òa bao dòng-lệ nóng...
Đó là một dạng-thức đặc-biệt có linh-hồn riêng của nó không thể lẫn-nhầm vào bất-kỳ một hình-thức nghệ-thuật nào khác.
Càng không phải là kịch.
Càng không phải là phim.
Người ta cố tình đưa nó thành "phim cải-lương", giống như... thắc sợi dây thòng-lọng vào cổ nó, kéo lên cao cao cho mọi người dễ thấy... Cải-lương đây! Cải-lương đây !...
Tôi, thà chỉ nghe thôi. Nghe giữa xế trưa êm-ả. Nghe giữa đêm thanh-vắng mịt-mùng.
 
Rồi sau đó…
Dân-chúng xác-xơ với ác-mộng đổi-đời. Ai cũng phải lăn-lộn hàng-ngày kiếm sống, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lấy tiền đâu mua vé coi cải-lương.
Mà nói cho cùng, có ai cho diễn những tuồng-tích nổi-tiếng kỳ-cựu thời trước đâu mà coi. Chứ nếu cho, khán-giả cải-lương cũng không đến nổi bỏ ngành nghệ-thuật yêu-mến của mình chết dần chết mòn giữa dòng đời bon-chen nghiệt-ngã vậy đâu.
Nhìn lại tuồng-tích sau nầy, đúng là thiếu hẳn cái thần-hồn sáng-tác.
Còn người cũ sao đủ tinh-thần làm soạn-giả nữa, ngay khi cuộc đổi-đời đã là một tấn-tuồng bi-đát, đau-thương diễn hoài chưa hết, dưới sợi dây trói buột là cái ý-thức-hệ đảo-điên làm nó dẫy chết từng ngày...
 
 THÙY VƯƠNG