Trở về 3
                   Thuỳ Vương
 
        Tôi đã trở về, và giờ đây tôi đang có mặt cùng các bạn trong một chuyến viễn-du.
        Ngạc-nhiên quá phải không? Anh Từ-Minh-Tâm đang đưa chúng mình  đi đấy...
        Lúc trở về, tôi thấy mình phiêu-diêu giữa con thuyền  mong-manh, lãng-đãng. Cảm-giác mơ-hồ luôn bập-bềnh trong tâm-trí của tôi, bởi ngày-tháng chập-chùng tiêu-hao biết bao mối cảm-hoài. Thoáng chốc ngỡ-ngàng, làm sao ta có thể tiếp nhận nổi một thực tại như mơ. Trở về với bao hình-ảnh chất-chồng như những thước phim không lời, tuôn-trào vội-vã, chen-lấn vào nhau, tranh-dành để được ra mặt và lên tiếng...
        Tôi đã tới đây cùng các bạn, mình đã nói với nhau cũng khá nhiều rồi, đã gởi cho nhau bao tâm-tình, bao kỷ-niệm. Trang nhà nầy đây, anh Tâm của mình đây. Ôi sao mà hạnh-phúc, chuyến đi đã có một ông thuyền-trưởng lo-lắng sẵn-sàng cho tất cả mọi người. Chúng mình chỉ cần bước lên, rồi ung-dung tự-tại. Anh muốn nói gì, em muốn nói gì, cứ nói đi, muốn khóc, muốn cười, muốn than, muốn thở...muốn nhỏ to tâm-sự, muốn sầu-lắng một mình, muốn tự-tình một cõi, hay muốn hồ-hởi tôn-vinh... Ở đây, anh Tâm luôn mỉm cười đón nhận. Ở đây, không có chế-độ kiểm-duyệt, kiểm-soát, kiểm-tra, kiểm-điểm, kiểm-kê, kiểm-định, kiểm-chứng, kiểm-dịch... hay kiểm-thảo cái chi chi cả...
        Như các bạn đã đọc biết, những "đồng-nghiệp đồng-nghề" của thầy hiệu-trưởng Lê-Tấn-Lộc của chúng ta, đã từng hành-xử với nhau vì rất nhiều lý-do trong đời sống văn-nghệ. Trên danh-nghĩa, dù là " đồng..." cái gì gì đó với nhau, người ta vẫn cứ sẵn-sàng xâu-xé nhau, đạp-đổ nhau, bôi-bẩn nhau. Người ta đâu dễ đồng-hành trên cùng một vuông chiếu ấy, dù là vuông chiếu của nàng văn-chương. Có chăng, còn đứng chân trên đó, chỉ còn một nước là "đồng-đấu", "đồng-đá" với nhau thôi, để dành một chỗ đứng, để kiếm một chỗ ngồi, hay để bồi thêm chút lợi-nhuận. Nhưng thầy chúng ta thì không, nên ông đã giã-từ, dứt bỏ, quay đi... Vẫy chào những người đã một thời "đồng..." đủ thứ, chỉ giữ mỗi nàng văn-chương vì cái nghiệp muôn-thủa của mình thôi.
        Đó, các bạn đã thấy đó, thầy hiệu trưởng chúng ta đang gặp đây, đang trao đổi, đang nói chuyện, dù muôn trùng xa cách. Có ai ngờ được đâu, giữa bấy nhiêu không-gian, thời-gian cùng biết bao đổi-dời hỗn-độn, mọi sự với chúng ta dường như đã hóa hư-vô. Cả tôi, cả bạn, cả thầy nữa, chỉ trước khi chưa có cái mảnh đất diệu-kỳ nầy, thử hỏi chúng ta có tưởng-tượng nổi có một ngày  như hôm nay chúng ta được đối mặt cùng nhau không? Trên một không-gian sống-động, tương-tác, tương-đồng và tương-ái nữa. Bởi chỉ có cái tình ẩn-sâu trong con tim của mỗi phận-đời mới dẫn-dắt nổi chúng ta tìm về một mối.
        Thầy đã có mặt trước tiên hết trong cuộc hành-trình nầy, thầy đã mời gọi chúng ta , đưa chúng ta cùng đi từ vùng hoài-niệm xanh, nơi chính thầy đã vẽ lại cho chúng ta, đã tô thắm lại cho chúng ta, rồi dìu  lại từng bước như thưở nào xa-xưa khi ta còn đứng chung nhau dưới mái trường trung-học Trịnh-Hoài, có thầy hiệu-trưởng Lê-Tấn-Lộc, thật phong-lưu, thật tao-nhã.
        Tôi vẫn nhớ thầy, dù cho đến bao giờ, vì với thầy tôi đã vướng vào một chút nợ-duyên từ cái bản trường-ca Lửa-Thiêng ngày ấy. Tôi nợ thầy một lời tạ-lỗi, cái lỗi của cô học-trò ngỗ-ngáo, thất-thường, luôn cứ tưởng mình "là ai" đấy, đã gây phiền-phức và khó-khăn cho thầy, chỉ... cũng chẳng để làm gì!..
        Gặp được thầy nơi đây, lòng chỉ mong nói lên lời tạ-lỗi sau những năm dài ray-rứt trong đời. Dù em vẫn biết, với tâm-hồn dung-dị thanh-thản cùng những trải-nghiệm nghiệt-ngã của đời sống chắc không có chỗ cho thầy nhớ chi đến cái chuyện nhỏ-nhặt, tầm-thường và tẻ-nhạt thế nầy. Có chăng, chắc thầy cũng đã bỏ qua, cũng đã tha-thứ từ lâu..
        Nhưng riêng em, giây-phút được nói với thầy, với các bạn, là lúc hạnh-phúc thật lòng.. Trong nỗi mong chờ dường như vô-vọng, hun-hút, chơi-vơi; nhiều khi tưởng chừng phôi-phai, mờ-nhạt, nhưng nghe sao nó vẫn loi-nhoi ẩn-tiềm trong ký-ức làm con người khó nỗi an lòng. Cho nên, chuyến hành-trình nầy với em mang thêm giá-trị ngoạn-mục của một cuộc vượt-thoát, con tim đã được vui lại như thời bé dại...
        Cũng lần đó, vì thiếu một chút tự-tin, thiếu một chút tham-vọng, thiếu một chút quyết-liệt, em đã không dám thể-hiện trong chương-trình gây quỹ của trường theo đề-nghị khuyến-khích của thầy, một ca-khúc Pháp nổi tiếng đương thời của Françoise Hardy, Tous Les Garcons Et Les Filles. Bài hát có ý-nghĩa thật dễ-thương mà thế-hệ ấy rất yêu-thích, cả thầy nữa, phải không thầy? Lúc đó, thầy đã dạy em cách phát-âm, cách nhấn-giọng trong tiếng Pháp. Và thú thật, dân-gian thường nói "có mắt không tròng" chính là em lúc đó, đã không nhận ra ngọn Thái-Sơn hùng-vĩ, cao-đẹp đang sừng-sững bên mình...
        Nhưng không sao, em tự nhủ, dù với một lần thầy đã chỉ dạy, những khi lặng-lẽ ngồi cảm-nhận, vẫn nghe niềm kính-mến dâng-trào, giọng đặc chất Sorbonne của thầy vẫn còn mãi theo em từ thời-khắc đó. Và em càng yêu hơn dòng nhạc Pháp những năm 60 -70, mỗi bài mang theo một chặng thương-yêu và kỷ-niệm. Đến giờ, mỗi khi nghe lại những Tombe La Neige, Mal, Adieu Mon Pays, Les Feuilles Mortes, Quelque Chose Dans Mon Coeur... thật như có gì lay-lắt trong tim. Còn Maman, La Plus Belle Pour Aller Danser, Poupée De Cire Poupée De Son... nữa chứ, dễ-thương, nhí-nhảnh làm sao. Và cũng không khỏi ngậm-ngùi... vì mình đã không còn cái tháng ngày dễ-thương nhí-nhảnh nữa...
        Em lại chợt thấy thoáng hiện một bóng hình bé nhỏ khác, đang cặp sách trên vai, chân nhảy-nhót tung-tăng như bầy chim sáo, băng qua khu vườn Luxembourg vào một sáng mùa thu, gió xào-xạc, lá vàng rơi từng chiếc, từng chíếc trên vai những pho tượng trắng. Hình ảnh ngày khai-trường của cậu bé Anatole France đã hằn sâu  vào tiềm-thức em từ những năm đầu học tiếng Pháp. "Je vais vous dire ce que me rappelle tous les ans... Je vais vous dire ce que je vois..." Ôi thế là em cứ nhớ, như đứa bé học trò ấy vẫn  nhớ. Nhớ như đang lật từng trang Français Élémentaire, và thấy những chiếc cầu nhỏ-nhắn nối hai bờ sông Seine thơ-mộng êm-đềm, lượn-quanh bao khu-phố cổ-kính của Paris tráng-lệ, có điện Elysée, có Khải-Hoàn-Môn, có nhà thờ Đức Bà Paris, có quảng-trường Concorde... và như có cả một mối giao-tình từ vạn cổ, để khi hát Paris, Tu M'as Pris Dans Tes Bras, nghe hồn phiêu theo dòng nhạc valse ngây-ngất, nghe như ta đã từng đón gió bên bờ sông Seine mơ-mộng, từng lang-thang giữa lòng Paris thao-thức, từng băng ngang vườn Lục-Xâm-Bảo trữ-tình. Chỉ cần nhắm mắt thôi, mọi thứ sẽ đến với em như ước-lệ...
        Ước gì ở cái thời bé dại ấy, em nhận ra được cái lỗi của mình, để đừng vấp phạm...
        Ước gì ở cái thời bé dại ấy, em mạnh-mẽ hơn, chỉnh-chu hơn, để bước tiếp vững-vàng...
        Nhưng không, vì em biết, mình không thể đạt được cái gì, và cũng không đạt đến đâu. Phải chăng đó chính là bản-chất mà cuộc-sống kéo dài đến bây giờ em mới hiểu được chính mình. Em không bao giờ là người chiến-thắng trên bất cứ một trận-địa nào, bởi không có khả-năng chiếm-lĩnh, không có khả-năng cưởng-đoạt, không có khả-năng tranh-dành, không có khả-năng khát-vọng, không có khả-năng đòi hỏi, càng không có khả-năng van-xin... Mọi thứ cứ đến được với em là điều tự đến, tự-nhiên, tự-nguyện, ngay cả khi em đã chạm tay vào nó, nhưng có khi vẫn không muốn cầm giữ bởi cảm-nhận rằng giữ nó quá khó-khăn... Cho nên, ngày em càng muốn sống giản-dị với những gì mình có thể có. Cho nên, mất-còn cũng giản-dị như bàn tay xòe-nắm giữa đời. Cái gì tới lúc ta đang sẵn-sàng đón nhận, nó là của ta, ta được. Rồi một ngày nó không mong ở lại, lòng ta hờ-hững buông-trôi, ta vuột-mất, nó không còn. Có nghĩa gì, khì ta cố níu giữ trong tay, khi thực ra nó đang là của ai đó. Ôi không, em đang nói lung-tung gì vậy, em chỉ mong nói lời tạ lỗi cùng thầy thôi mà.
        Thưa thầy, em xin nói với thầy lời tạ-lỗi, dù vẫn biết lòng bao-dung của thầy sẵn-sàng tha-thứ, không loại-trừ một ai, thầy đã đồng-hóa các em cùng như nhau, chúng em đã được bước lên một bước, được cùng thầy đồng-hành trên chuyến lãng-du nhiều hứa-hẹn có những thương-yêu nồng-thắm của tình-nghĩa thầy-trò, bè-bạn.
 
******
          Vậy là chúng-ta vẫn đang có nhau, vẫn đang có mặt trên một chuyến đi thật bình-an, thanh-thản. Tôi thấy mình thật sự hạnh-phúc, vô-tư và hồn-nhiên, tôi tin các bạn cũng thế. Nên dù có đồng-thanh, đồng-khí hay không, tôi và các bạn vẫn có thể cùng ngồi lại với nhau trong chuyến đi nầy, bởi lẽ tất cả chúng ta đang đi về cùng một cõi... Vậy là chúng ta đang đồng-hành đó chứ gì? Bởi bất cứ ai trong chúng ta đều không thể quay ngược lại mà đi, hay rẽ vào bất cứ một lối riêng nào. Bởi một trong mỗi chúng ta đều chỉ có thể bước xuống, ngừng lại chuyến đi, tại một sân ga nào đó...Nhưng phải chăng đó là điều bất-định, cái điều chưa ai thật sự mong-muốn, cái điều chưa chắc có ai muốn mà đã được. Bởi chúng ta được bảo-đảm một chuyến đi an-toàn nhất, sẽ không có một “sự cố” nào, sẽ không có tai-nạn nào, dù nhỏ-nhoi hay thảm-khốc, và dĩ-nhiên sẽ không có chuyện “ầm” một cái,  chúng ta đi tới một lượt đâu!
        Mà nói vậy chớ, cũng có thể lắm. Ở đời mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Bất chợt, người ta cho rải một loạt bom nguyên-tử trên cùng khắp cái hành-tinh xanh nầy. Khi ấy những con người nhỏ bé của chúng ta sẽ vùi-vập chung cùng với bao thân-phận con người nhỏ bé khác trong một thảm-họa tàn-khốc nhất của nhân-loại . Số-phận con người được đặt trong tay những kẻ đang ngồi trên những chiếc ghế quyền-lực tối-cao của nhân-loại. Họ có trong tay cái quyền bấm chiếc nút hủy-diệt sự sống con người. Bởi họ hành-động gì thì cũng nhân-danh dân-tộc, công-lý, tình-yêu, nhân-loại...v.v..
        Ủa, mình đang nói chuyện xa-xôi gì vậy?
        Mà ví-dầu như ngày ấy có đến y như thế. Chúng ta cùng hạnh-phúc ra đi. Có sao đâu? Vậy chúng ta thật sự là những kẻ đồng-hành , đang đồng-điệu đưa nhau đến cánh cửa hẹp cuối-cùng của thiên-đàng. Còn có vào thiên-đàng được hay không lại là chuyện riêng của từng người...
        Cùng anh Tâm, chúng ta đã đi, và tất nhiên, chúng ta sẽ đến. Có thể mỗi người sẽ mang theo mình dù một gói hành-trang hay một gánh hư-không thì chúng ta cũng vẫn đến. Như anh Chu-Ngạn-Thư trong “Yêu hành”, tôi nghe thấm hương trải-nghiệm cuộc lữ-thứ trần-gian. Anh đi và mang nặng trái tim thương-cảm những phận đời khoắc-khoải trên dãy đất đau-thương nhiều hệ-lụy, bạn-bè, mẹ già, em dại. Anh đi và mang hoài-mộng đưa tất cả đến miến đất hứa với trái tim chính-khí luôn trải rộng cho đời.
                      ... trong cuộc lữ-hành về đất thánh,
                     ( mảnh đất tình-yêu giữa cuộc đời )
                     bạn thấy đời ta bao quang gánh
                     gánh hoài hành-lý, trái tim ta.
 
********         
        Là cuộc hành-trình, mỗi người vẫn đi, dù với hoài-bảo hay ý-hướng gì, chúng ta vẫn đang bên nhau, thật gần-gũi.  Nầy, bạn đang kể tôi nghe vài kỷ-niệm, đang chuyển cho tôi những vần thơ. Rồi có một hôm nào, bạn trao tôi những bông hoa trang-trí tuyệt-đẹp bên những lời danh-ngôn thêu hoa dệt gấm... Hay một bài thơ nào đấy, TTKH, Nguyên-Sa… với giọng ngâm mượt-mà của Hoàng-Oanh giữa tiếng đàn tranh dập-dờn, khoắc-khoải.
        Ôi, dường như chúng ta đang ngồi trên băng ghế nhà trường, đang lén-lút đổi-trao thì-thầm những hẹn-hò sau buổi học..., đang nghịch-ngợm chọc-phá mấy đứa bạn hiền... Trời đất, sao mà khăng-khít, mà thân quen, mà gần-gũi như vầy...
        Chuyến đi hẳn còn dài, nhưng không biết với riêng từng người, cái sân ga cuối cùng của riêng từng người sẽ đỗ lại khi nào? Thì giờ đây, từng giây, từng phút, từng tháng, từng ngày, còn được thong-dong trên lộ-trình gió bụi, hãy trân-trọng trao gửi những kỷ-niệm, những ấp-ủ yêu-thương, những xúc-cảm hằng đến giữa dòng đời, những trải-nghiệm từng ngày trong cuộc sống. Làm sao biết, hôm nào tôi sẽ bước xuống sân ga, cái sân ga hôm nào đó sẽ chỉ đón có riêng tôi, lúc không-gian và thời-gian sẽ đi cùng tôi vào miên-viễn. Thì bây giờ, ta gởi lại nơi đây, những ký-gởi êm-đềm như nhật-ký hành-trình. Anh Tâm đã lo sẵn cho chúng ta rồi đó, chiếc hộp đen kỳ-diệu, nó sẽ cất giữ từng nghĩ-suy thao-thức, từng thương-cảm nguôi-ngoai, từng trăn-trở miệt-mài, theo từng bước ta đi trải dài theo nhịp sống.
        Từ-Minh-Tâm ơi, xin cảm ơn anh, dù lời cám-ơn nghe có khách-sáo như cách nghĩ của Đinh-Thúy, tôi vẫn nói, khi chúng ta đồng-thời là những người bạn, đồng-thời cùng dẫm bao lần những gót chân chưa nhuốm bụi đường trên cái sân chơi ngày xưa của trường trung-học Trịnh-Hoài, cái sân chơi đã khép lại hơn 30 năm dâu-biển, chúng ta đồng-thời bị đánh mất.
        Giờ đây, anh lại mở cửa mời-mọc bạn-bè cùng anh bước chân vào một sân chơi kỳ-diệu khác, đề mình cùng được trở về, cùng được dẫm chân trên mảnh đất mới-mẻ nầy, với thấp-thoáng hình ảnh cái sân trường xưa cũ, thấp-thoáng những bóng dáng yêu-dấu xa-xăm, đã len-lén thêu-dệt vào hồn ta bao niềm hoài-cảm…
        Bước vào cái sân chơi mới với nhiều trải-nghiệm, chúng ta nghiễm-nhiên trở-thành những diễn-viên sành-sỏi, được tôi-luyện trên biết bao sàn đấu cũng như sàn diễn cuộc đời. Nhất là với thế-hệ chúng ta, cái thế-hệ phải kinh qua một cuộc đổi đời tàn-khốc nhất trong bộ Việt sử mà chúng ta đã từng học. Bởi ngoài cái cuộc đổi đời hoang-phí, chúng ta buộc phải nhuộm đỏ cả cơ-cấu tư-tưởng đang độ non xanh trong tâm-thức con người... Ôi! Có là mùa thu đâu mà bao chiếc lá phải úa vàng, để rừng thẩm ngàn cây xanh kia phải đứng chết lần trong oan-nghiệt.
        Hôm nay, trên cái sân chơi mới-mẻ nầy, tôi được nhìn-ngắm, trao-đổi, gặp-gỡ nhiều hơn, với bạn-bè hay với thầy cô ngày xưa tôi chưa từng được ngồi chung một lớp... Bởi nếu nói xa, thì chúng ta cũng rất xa, nhưng nếu nói gần, thì chúng ta thấy cũng thật gần. Biết sao đo-lường được những khoảng-cách, những yêu-thương; mà riêng mỗi chúng ta như những ngôi-sao đang cùng nhau quần-tụ trên vòm trời, hay đang lẻ-loi nhấp-nháy đằng xa tít kia, chúng vẫn nghĩ về nhau, vẫn nhớ-thương nhau, vẫn ngầm chia xẻ cho nhau bao điều muốn nói…
        Bởi vậy, có cần chúng ta phải gặp mặt nhau không? như thầy Nguyễn-Đức-Cẩm chia-xẻ tâm-tình với học-trò thật thắm-thiết. Đến cuối ngưỡng cuộc đời, thầy vẫn tin, và thấy lại chúng ta vẫn trẻ-trung, mắt sáng, má hồng, môi cười rạng-rỡ, tung-tăng đùa-giỡn trong khuôn-viên sân cỏ Trịnh-Hoài. Và thế thì "tái-ngộ cũng tốt, mà không tái-ngộ cũng tốt".  Phải chăng chỉ cần đồng-hành trên chuyến đi nầy, chúng ta đã có nhau rồi?
 
*******
       
         Chuyến đi hẳn còn dài. Nhưng là bao lâu? Anh biết không? Chị biết không? Em biết không? Còn tôi nữa, làm sao có thề định được bao lâu cho chuyến đi của chính mình? Như Nhỏ-Mít-Ướt nói đó, chúng ta đã gánh đến gần hai lần cái 30 trên đỉnh đời ... Nhưng chúng ta vẫn đi và cùng đi với nhau chứ? Vẫn với những mộng-mơ trong hoài-niệm một thời?
        Và bây giờ tôi đang gặp cô Hoa-Trần đây, người hàng-xóm kế bên nhà mà đến giờ, khi bước chân đồng-hành tôi mới nhận ra. Cô ơi, em cũng ở trên đường Trưng-Vương nè. Nhà cô đối-diện Trần-Trung hí-viện, thì nhà em cũng nằm cắt mặt rạp hát ấy, ngay góc cua quẹo có trụ đèn đường to nhất đó. Cho nên cái xóm ấy, những con đường loanh-quanh khu chợ và rạp hát ấy, đang làm lòng em rạo-rực ngổn-ngang, bao hồi-ức xa-xưa bỗng sống lại rộn-ràng...
        Có một con nhóc lao-nhao, chỗ nào cũng có nó, lễ hội chùa Bà, lễ Hai bà Trưng, lễ Quốc-Khánh, hay  những đêm gánh hát cải-lương về. Còn không thì hàng ngày người ta cũng không khỏi thấy nó nhởn-nhơ lòng-vòng quanh rạp hát, có tiến thì mua vé, không tiền thì len-lỏi làm sao nó cũng vào trong cho được, bằng cách nào thì giờ tôi cũng không thể nào biết nổi. Bởi bắt đầu mỗi buổi trưa thì cái loa phát thanh của rạp hát đã phóng ra những bản nhạc mê-hồn, quyến-rũ. Nếu chiếu phim cao-bồi ta sẽ được nghe những dòng nhạc heo-hút mạnh-mẽ cùng những tiếng vó ngựa miên-man của miền viễn-tây Huê-Kỳ, tinh-cảm thì có nhạc Tây, còn phim Ấn-Độ thi ôi thôi, những điệu nhạc cuồng-quay, những tiết-tấu dập-dồn réo-rắt làm cái tâm-hồn trẻ con như nó cứ bay-bổng phiêu-diêu vào tận cõi nào đâu.... mơ-màng với hình-ảnh những cô diễn-viên trẻ đẹp mê-hồn, nhẹ-nhàng, uyển-chuyển lắc-lư cái đầu, cái cổ, cái bụng, cái mông, mắt thì đong-đưa, lung-liếng gợi tình.
        Còn những tấm áp-phích nữa chứ, chúng như có ma-lực vô-hình cuốn hút nó vào trận-đồ bát-quái, mang nó đi theo hình-ảnh của từng cuốn phim; nào là phim tâm-lý tình-cảm xã-hội hay thần-thọai Ấn-Độ ăn khách nhất thời-đại, nào là phim cao-bồi có những chàng chăn bò, tay cầm cương, tay cầm súng, hiên-ngang xông-xáo trên lưng ngựa giữa những cánh đồng hoang-vu gió cuốn bụi mù...  Và còn nữa, những cặp tình-nhân trên màn-bạc một thời làm nao-nao lòng người, những Ava Gardner, Audrey Hepburn, Vivien Leigh, Brigitte Bardot... những chàng tài-tử gạo-cội thời ấy nữa, rất nhiều nữa nó làm sao nhớ được những cái tên, nhưng nét đẹp não lòng của bao nàng minh-tinh màn-bạc những năm 30, 40, 50 vẫn hoài làm xao-xuyến cái tâm-hồn bé-bỏng đa-cảm ấy...
        Cô Hoa-Trần ơi, các thứ đã ngủ quên trong ngăn tim nhỏ bé kia rồi, đáy vực thời-gian đã vùi-lấp chúng mất đi rồi... Từ hôm trở-về, bạn-bè đã làm sống dậy bao hồi-ức êm-đềm. Giờ đến cô nữa, cô lôi tuột em đi quá xa rồi, cô làm em điêu-đứng mất, không biết mình đang đứng nơi đâu giữa những khoảng lặng chờ-chực bất-ngờ quanh trí nhớ. Em hồi-hộp, đưa tay lên xoa-dịu nhịp tim.
         Ngày xưa như những thước phim lãng-mạn, trữ-tình, mơ-hồ, lãng-đãng; dẫn-dắt mình lướt trôi qua những vùng không-gian bao-la, mờ-ảo mà chàng đạo-diễn tài-ba nào đã dựng nên. Em, và cô, và chúng ta sẽ còn say-đắm đến bao giờ trong cái hun-hút mênh-mông xưa cũ đó? Nó đang làm cái "con bé" của hơn 40 năm về trước rưng-rưng trong cảm-giác hoàn-đồng, chơi-vơi, lạc-lõng... giữa dòng chảy thời-gian.
        Thời-gian ơi, thời-gian, mi là bạn thân hay kẻ cướp mà cứ mãi âm-thầm đeo-đẳng theo ta. Mi lặng-lẽ lấy mất dần bao cái thanh-xuân, bao tình thân-ái, bao kỷ-niệm êm-đềm, bao hương-vị yêu-đương tuổi-trẻ.
        Nó nuốt-chửng, nó lấy đi nhiều thứ. Và chúng ta trách-cứ nó.
        Nhưng sao nhìn cái vẻ lấm-lét hiền-lành của nó, thấy dễ-thương và tội-nghiệp làm sao. Bởi trong từng phút, từng giây, ta vẫn gặp, vẫn đối mặt, vẫn đồng-hành với nó trong bất-cứ không-gian hay hoàn-cảnh nào. Nó trở nên gần-gũi quá, thân-thiết quá. Đánh giá nó thế nào đây? Nếu chúng ta chưa thấy hết những việc làm của nó.
        Có những góc nhìn mà ở thế đứng riêng từng con người, ta khó nhìn được rõ hết. Khi ta chưa sống trọn-vẹn với nó. Khi ta chưa cảm-nhận hết được nó. Khi mà góc nhìn chúng ta chưa đạt tới mức-độ toàn-cảnh, thì thời-gian ơi, mi thật-sự chỉ là một tên hủy-hoại, mi cướp mất, mi soán-đoạt lần hồi hết của-cải thanh-xuân của chúng ta..., mi đưa lần chúng ta đến hủy-diệt...
        Ôi không, nó còn lấy của chúng ta nhiều hơn nữa đấy. Nó vừa là kẻ cướp, cũng vừa là kẻ trộm, đã lấy mất nhiều cái mà ta đâu hay biết. Nó lấy mất đi cả những u-mê, tăm-tối, ngu-muội của chúng ta từng ngày. Nó lấy bớt đi bao ghen-ghét, thù-hận, ganh-tỵ, tham-lam... Nó bào-mòn cả những đen nám, sần-sùi, xấu-xí mà gương mặt tâm-hồn chúng ta từng lăn trải trên cõi đời nầy thành chai đá.
        Cùng với bao vết lăn trầm ấy, thời-gian đã đánh bóng lại tâm-hồn tôi. Tôi dần thấy tâm-hồn mình bớt sần-sùi, bớt đen nám, bớt xấu-xí đi nhiều. Nó đã chà-xát vào nỗi đau-thương ấy, làm cho bớt nặng-nề hơn, bớt u-ám hơn.Tôi thấy được tâm-hồn mình ngày càng trong-sáng. Tôi biết nhìn những người chung-quanh với tình-cảm nhẹ-nhàng hơn. Đời chung-quanh trong mắt tôi cũng bớt tang-thương, khổ-ải hơn.
        Và rồi, tôi chợt thấy tên đồng-hành nầy thật duyên-dáng và ý-nhị làm sao. Tôi muốn làm quen và chơi thân với nó, bề nào thì nó vẫn hàng ngày đi bên tôi, sát cánh với tôi từng bước đây mà. Vậy mình là bạn nhé? Mi cho ta cái nầy, lấy lại của ta cái kia, trao-đổi công-bằng và bắt tay nhau chung bước nhé.
        Lòng bỗng dưng vui, nhẹ-nhàng, thư-thái, an-bình. Còn bạn thì sao? Vẫn cùng đi chứ, kể cả với anh bạn thời-gian đang kè-cặp bên mình?
 
********
        Từ-Minh-Tâm ơi, anh hào-phóng giao cho chúng tôi chiếc hộp đen kỳ-diệu,  hào-phóng dàn-dựng một chuyến đi đầy thân-ái nhiệt-thành. Anh đã dẫn đầu và bày đặt cho cả đám “con nít cụ” tụi mình, đang rảnh-rỗi, láo-ngáo lơ-ngơ ở cái tuổi chẳng còn xanh bước vào cuộc chơi mới đầy ấp xúc-cảm và yêu-thương. Nè, tung-tăng đi, dung-dẽ đi nếu còn có thể, ngại gì, chỉ có mình với nhau thôi mà… Hay cứ nghêu-ngao như đang dạo chơi khắp nơi thâm-sơn cùng-cốc đi. Đây nầy, “nào rượu, nào thơ, nào địch, nào đàn, đồ thích chí chất đầy trong một túi…” Phải vậy không anh Tâm? Ở một góc nào đó, anh đang lôi chúng ta đến tìm Ông Hoàng-Thạch. Mà ở độ tuổi ngất-ngưỡng nầy có gi khiến lòng ta tiêu-tao hơn cái thú trà-rượu, thơ-văn tao-nhã đó! Cho nên dù sân chơi bây giờ có lẽ không rộn-rã như ngày xưa, nhưng tôi chắc nó sẽ cao-sang, thanh-nhã hơn nhiều, bởi nó cho ta tận-hưởng cái thú tiêu-dao trên đỉnh đồi tuổi-tác, thanh-thản nhìn về cuối chân dốc dài, thấy những tháng ngày đi qua như vẫn còn thoáng hiện…         
           Trên chặng đường đi, ta cảm-nhận được hưởng quá nhiều ưu-đãi của một thời-đại mới, Cái thời-đại @ với nền công-nghệ thông-tin tiên-tiến nhất, nó đưa chúng ta đến gần nhau quá, gần nhau đến bất-ngờ. Vậy sao ta có thể nào hờ-hững với nó chứ? Tôi từng là một kẻ lạc-hậu và sợ-hải nó nhất. Tôi không dám đến gần, không dám đụng chạm, không dám thâm-nhập vào nó. Vả lại có nhiều lần cố công tiếp-cận nó, tôi như chạm phải một lực cản vô-hình muốn chống-đối và gây khó-khăn rắc-rối cho tôi.
          Tôi chán-nản , thậm chí bài-xích nó… Thư cho ai, “mail” à, sao đơn-giản vậy? Phải viết chứ, bằng những dòng chữ chân-tình, bằng từng con tem thư trau-chuốt, đến tận bưu-điện gửi đi, thì mới thấy hết được lòng mình…
           Đến khi trở về với các bạn, mắt tôi đã mở ra một tầm nhìn, đã thấy được hết cái kỳ-ảo của nền công-nghệ mới… Còn đâu khái-niệm chia-ly, xa cách, nghìn-trùng, khi mỗi thành-phần trong chúng ta giờ đây hấu như hiện-diện rải-rác khắp mặt địa-cầu nầy. Vậy mà trong thoáng-chốc, mọi ý-nghĩ, mọi lời nói đều được bạn tiếp-nhận rõ-ràng nhất, nhanh chóng nhất. Mọi nơi, mọi lúc, chúng ta vẫn có thể nói và nghe nhau như đang sống cùng một không-gian thân-thiết gần-gụi.
         Ôi thế-giới bỗng dưng nhỏ bé và kỳ-diệu làm sao! Các nhà khoa-học đã làm nó trở nên kỳ-diệu, mà anh Tâm của chúng ta lại làm một điều kỳ-diệu hơn :  cho chúng ta tận-hưởng được cái điều kỳ-diệu ấy!
         Trở về, với anh Tâm, được đồng-hành cùng các bạn, còn gì thanh-thản hơn được nói, được nghe, được chia-xẻ với nhau. Đâu phải ai ở quảng đời còn lại như chúng ta còn có thể hạnh-phúc hơn. Khi mà thế-hệ chúng ta hơn 30 năm trước đã thấm-thía tận đáy tâm-hồn cái cảm-giác đau-đớn của sinh-ly, tử-biệt, thế nào là cảm-giác xa-cách nghìn-trùng…Giờ thì bao khái-niệm ấy đã hầu như phai nhạt và tan biến đi tự lúc nào. Cái không-gian mà chúng ta cùng chia-xẻ với nhau đây, các bạn có nghe ấm-áp hơn không? Các bạn có thấy mình chợt ngỡ-ngàng vì bất ngờ găp lại một gương mặt thân quen trở về từ xa-xôi ấy? Lòng bỗng dâng-tràn cảm-xúc khôn-nguôi khi chạm tay vào từng cánh cửa yêu thương của từng bạn-bè xưa cũ. Nó đang sắp-sửa hé mở đón mời tôi bước vào khung trời hôi-ngộ “ như chưa hề có cuộc chia-ly”
          Nước mắt đổ tràn cho hạnh-phúc ngất-ngây, cho cái điều dường như không-tưởng của kiếp người nhỏ bé giữa vũ-trụ bao-la không biết đâu là bờ-bến. Điều kỳ-diệu đã đến theo từng bước chân kỳ-diệu của gã công-nghệ thông-tin mà anh Tâm đang mang đặt vào tay chúng ta đó…
          Nó đưa từ những khoảng không-gian lặng-lờ mờ-mịt, cái giá chừng vài chục bước chân, giữa một đám đông hoảng-loạn đang trôi theo dòng chảy thảm-khốc tương-tàn, con người thất-lạc nhau. Nó đưa từ những khoảng thời-gian vằng-vặc bao năm dài xa cách, tưởng chừng không còn đủ kịp vươn tay nắm-níu. Tất cả đã chùng lại, như một phép mầu, và theo nó quay trở về, hội-ngộ cùng những phận đời “như chưa hề có cuộc chia-ly” ấy… Bàn tay kỳ-diệu nào đã ưu-ái nâng-niu, ban cho ta nhiều ân-sủng sau bao thử-thách cam-go của cuộc trần-ai.
        Bây giờ thì ta đang ngồi vào một chuyến, đi cho hết cái cõi-người còn không biết bao lâu. Và đùa giỡn với cái bóng hoàng-hôn đang liệm-tắt cuối chân trời. Và cũng dường sống lại một thuở hoàng-kim trong ký-ức. Đâu rồi Thương Thương Trần-Hoài? Đâu rồi Nguyễn-thị Văn-Dung?.. Đâu rồi ?.. Đâu rồi?...
        Đâu rồi …một khung trời xa-xưa áo trắng?
        Tôi chờ được nhìn thấy các bạn, thân-ái trở về, bước lên cùng một chuyến đi…
 
VƯƠNG