Trinh Hoai Duc Nhung Ngay Vui

Hoài Hương

Người viết xin trân trọng cám ơn Giáo Sư Nguyễn Trí Lục (cựu Hiệu Trưởng trung học Trịnh Hoài Đức) đã cho phép chúng tôi sử dụng những hình ảnh kỷ niệm rất quý giá của những năm 60 về trường.
*****************

Vào đầu tháng tư năm nay - 2002, tôi có dịp cùng thầy Nguyễn Trí Lục đi thăm thầy Bùi thế San đang bị bịnh. Trong dịp nầy thầy Lục có cho tôi xem một số hình ảnh sinh hoạt của trường Trịnh Hoài Đức trong thập niên 60. Ký ức của tôi lại sống lại những ngày hoa mộng của tuổi học trò ...
 Nếu có ai hỏi tôi khi đi học ra trường thì nhớ cái gì,  tôi không ngần ngại trả lời ngay: "Thơ Kiều, công thức toán học thì đã trả hết cho thầy rồi, nhưng các sinh hoạt như cắm trại, văn nghệ, du ngoạn thì còn nhớ hoài". Chắc người đọc cũng vậy, mấy ai quên được những ngày thơ mộng của thưở học trò.
Vui nhứt có lẽ là các buổi cắm trại. Khi tôi học Trịnh Hoài Đức, tôi có may mắn được học các thầy trẻ, nhiệt tình mới đổi về trường như thầy Nguyễn trí Lục, Phạm đức Liên, Nguyễn tường Thụy, Chu bá Cao, Nguyễn Trïong Nhượng, Đoàn Phế ... Quý thầy nầy rất nhiệt tình trong sinh hoạt tập thể và thường tổ chức các buổi cắm trại ngay tại trường hay các nơi khác. Tôi còn nhớ hoài những buổi trại Tết tổ chức tại trường. Khi đó mỗi nhóm lớp đều tổ chức trang trí khu trại của mình, rồi thi đua văn nghệ cả ngày, thi vẽ tranh, triển lãm, thi đấu thể thao ... Trong các dịp nầy ai nấy đều cởi mở, vui vẻ. Các nhóm lớp được các thầy hướng dẫn quây quần thành vòng tròn, cùng chơi những trò chơi tập thể, hát những bài hát cộng đồng : "Nào về đây ta hợp đoàn cùng nhau, cuộc đời tranh đấu có lúc nầy thảnh thơi, anh với em ta cùng sống vui trọn ngày, rồi mai nầy chúng ta tạm biệt nhau".., hay "Từ Nam Quan Cà Mau, từ non cao rừng sau, gặp nhau do non nước xây cầu ....". Tiếng hát, tiếng ca, tiếng đàn, tiếng cười nói vui tươi vang động sân trường, làm tan biến đi những nhọc mệt của những đêm học bài thi. Tất cả những bận rộn, những ưu phiền đã tan đi trong niềm vui mừng năm mới với sinh hoạt tập thể của Hội Tết. Trường Trịnh Hoài Đức trong ngày nầy thật đầy màu sắc. Không khí vui tươi, phấn khởi khác thường.

 Cắm trại tại trường đã vui rồi nhưng vừa đi xa du ngoạn vừa cắm trại còn vui hơn nhiều lắm. Trong thời gian tôi học Trịnh Hoài Đức tôi có dịp nhiều lần cắm trại tại Vũng Tàu, Đà Lạt cũng như ở Chùa Hội Khánh, hay ở Phú Lợi (do Ty Thanh Niên tổ chức). Tôi nhớ rõ lần đầu tiên tôi được đi Vũng Tàu vào năm tôi học lớp đệ ngũ. Tối trước khi đi tôi không ngủ được vì tưởng tượng về những thắng cảnh trên đường đi và cảnh núi sông, cảnh biển cả... mà từ nhỏ tới giờ tôi chưa được thấy. Chuyến đi nầy trường chỉ tổ chức một nhóm nhỏ chừng vài chục học sinh thôi và do thầy Lộc, Tích, Nhượng ... hướng dẫn. Phương tiện di chuyển thì do Trường Công Binh cho mượn một chiếc xe nhà binh rồi thầy trò đem băng ghế học trò mà chất lên phía sau để ngồi. Nhưng chuyến đi quá vui nên ít ai chịu ngồi mà chỉ đứng và hát hò rất vui vẻ. Tức cười nhứt là mấy cô nữ sinh, khi mới tới Vũng Tàu thì còn e thẹn không dám tắm biển, nhưng rồi thấy mấy anh nam sinh chơi vui quá nên hôm sau tắm biển mê mệt, tới giờ về kêu lên thì mấy cô tiếc hùi hụi, nói rằng sao về sớm quá. Tôi còn nhớ một lần khác chúng tôi cắm trại tại ba ngày bãi Ô Quắn, Vũng Tàu, do trời mưa nên có một số bạn bị bịnh nên phải đi nằm nhà thương làm các thầy hướng dẫn rất lo lắng. Cũng may, sau đó mọi chuyện đều bình yên.

Nhưng lần du ngoạn tại Đà Lạt do thầy Nhượng và thầy Phế hướng dẫn mới là lần đi chơi có nhiều kỷ niệm. Bởi vì năm đó là hè năm lớp 11, chuẩn bị vào lớp 12. Tâm hồn tôi lúc đó trẻ trung, yêu đời, lại mới đậu Tú Tài một nên lúc nào cũng thấy một tương lai xán lạn đang chờ đón. Mấy bạn gái cùng đi theo đoàn kỳ nầy cũng rất đẹp và dễ thương nên làm cho chàng trai trẻ vừa mê cảnh, vừa say tình. Những thác Cam Ly, thác Prenn, hồ Than Thở, Thung Lũng Tình Yêu ... với khung cảnh trữ tình hợp cùng với vẻ duyên dáng của các Người Đẹp Bình Dương cùng lứa tuổi đã làm cho tôi ... yêu thầm và nhớ trộm. Sau chuyến đi nầy tôi bị bịnh hết cả tuần không biết vì cảm hàn hay cảm ... người đẹp. Những chuyến du ngoạn như vậy thật rất có ích vì giúp cho chúng tôi biết được non nước Việt Nam của mình rất đẹp và đáng yêu. Đó là bài học rất tích cực, bổ xung cho những kiến thức trong sách vở.

Nói chuyện vui mà không kể chuyện văn nghệ văn gừng thì thiếu sót lắm. Tôi cũng thuộc loại ham vui nên có tham gia vào các chương trình trình diễn văn nghệ do thầy Nguyễn Bé Tám hướng dẫn. Tôi hát trong ban hợp xướng của trường trong các lễ phát thưởng và trên đài truyền hình. Tập một bài hợp xướng bốn bè rất là cực. Bốn nhóm hát khác nhau, khi thì hát đuổi, khi thì hát bè, khi thì ... im lặng để một bạn khác solo . Nếu không chú ý (hoặc bị phân tán tư tưởng vì nghe các bạn khác hát) thì dễ hát sai lắm... Hát khó như vậy nhưng hợp lại thì bài hát rất hay. Nếu các bạn nào ở lứa tuổi của tôi chắc không quên những bài hợp xướng như Hè Về, Thiên Thai, Trường Ca Mẹ Việt Nam, Trường Ca Lửûa Thiêng ... là những bài hát rất hay đã được học sinh Trịnh Hoài Đức hợp xướng. Nhưng chuyện tập luyện cũng rất công phu. Do đó, đôi khi thầy Tám cũng nóng vì mấy cô, mấy cậu hát bậy và kết quả là bị thầy rầy la rất nặng. Nhưng cũng nhờ vậy mà khi trình diễn không có bất cứ một sai sót nào. Tham gia văn nghệ cũng vui vì có dịp trổ tài hát hò và được khán giả tán thưởng. Vui nhứt là sau khi đài truyền hình phát hình chương trình của Trịnh Hoài Đức thì hôm sau ra đường, tôi bị bà con "phỏng vấn" rất nhiều. Nào là: Đài truyền hình rộng hay không?, Máy thu hình như thế nào?, Thu hình bao lâu mới xong?, Muốn vô đó hát có dễ hay không ? ... Tỉnh Bình Dương là tỉnh nhỏ nên tự nhiên chúng tôi nổi tiếng "ngang xương".

Năm tôi học đệ ngũ, tại trường có một buổi văn nghệ do Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Miên Đức Thắng về hát và được học sinh rất hoan nghinh. Tuy rằng Khánh Ly lúc đó chưa nổi tiếng lắm, nhưng mời được phái đoàn nầy về hát thì Ban Giám Hiệu cũng ngoại giao giỏi lắm.

Chơi văn nghệ cũng hay, mà chơi thể thao cũng giỏi. Đó là học sinh Trịnh Hoài Đức. Tôi được vinh dự có chân trong đội bóng chuyền học sinh lừng danh của tỉnh nhà (tôi là cầu thủ dự bị thôi, lâu lâu anh em thương tình thì cho vô đánh một hiệp rồi ra). Đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức đã từng thắng đội trung học Chu Văn An, trung học Biên Hòa, đội học sinh tỉnh Phước Tuy, đội trung học Vũng Tàu ... chúng tôi chỉ thua đội học sinh tỉnh Tây Ninh, đem về huy chương bạc trong giải bóng chuyền học sinh các tỉnh Bình Dương, Biên Hòa, Tây Ninh, Phước Tuy, Vũng Tàu ... Những lần thắng trận thì chắc chắn ông bầu của đội là thầy Phế rất vui. Nhưng mấy cầu thủ (trong đó dĩ nhiên có tôi) cũng khoái lắm vì có dịp khoe tài với mấy cô học sinh đi theo ủng hộ. Riêng đội bóng tròn thì chúng tôi không mạnh lắm. Nhớ có một lần tranh giải học sinh cấp tỉnh chúng tôi huề với đội trường Nông Lâm Súc (mấy bạn nầy chắc cày cuốc nhiều lắm nên khỏe hơn), nhưng sau đó bốc thăm thì chúng tôi ... nhường cho các bạn ấy vào chung kết.
 Chuyện vui nhiều thì chuyện buồn cũng không ít. Tuy nhiên chuyện buồn nhứt là chuyện Trường Nữõ Trịnh Hoài Đức lại nằm tuốt bên trong, cách trường Nam cả cây số. Vừa không an ninh vừa bất tiện, khiến các cô nữ sinh phải lội bộ rất xa. Còn nam sinh chúng tôi thì như Ngưu Lang Chức Nữ, ít khi thấy được dung nhan các bạn nữ. Không biết hồi xưa, khi cụ Trương văn Di chọn vị trí xây trường cụ có tính đến những bất tiện đó hay không vì trường Nam vẫn còn rộng lắm vào thời điểm của thập niên 60. Hay là tại cụ nghĩ rằng "Nam nữ thọ thọ bất thân", nên cho các em nữ vào trong đó là "an toàn trên xa lộ", khỏi phải lo chuyện tình ái lăng nhăng, ai nấy yên tâm học hành.

Chuyện vui buồn thời học sinh còn dài, nhưng vì trang báo có hạn nên xin hẹn khi khác sẽ nói tiếp. Mong rằng vài ghi nhận ngắn trên đây sẽ làm các cựu học sinh Trịnh Hoài Đức nở được một nụ cười "mím chi" khi nhớ lại những ngày vui trên sân trường trung học.
(4/2002)
************