Trên Sông
Khói Sóng
Nguyên Thảo
(Viết tặng Thầy học, bạn bè và những người thuộc tàu
PB. 959,
Và những ai tha hương đã có lần nhìn một dòng
sông).
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi xa nhà là lần tôi
bắt đầu bước chân vào trường trung học. Vì vốn dĩ thuộc
thành phần mà người ta gọi là "học tài thi phận",
tôi đã rớt trong cuộc thi tuyển vào lớp Đệ thất của trường
trung học Trịnh Hoài Đức vào năm ấy, mặc dù ở lớp nhứt
trình độ của tôi thuộc về loại rất khá. Không ai
ngờ tôi lại rớt, nhưng đối với tôi, tôi cảm thấy mình
quá sợ sệt lo âu khi bước vào phòng thi, đó
là yếu tố khiến cho tôi không thể vượt qua được kỳ thi
cộng với bài luận văn kém cỏi của mình, thường chúng
bị lạc đề hay đúng hơn triễn khai quá xa đề.
Tôi cảm thấy khá buồn và ba tôi lại cũng buồn!
Ông ráng tìm và xin cho tôi vào trường
nào mà sang năm tôi có hi vọng thi dễ đậu. Ông
cố chạy xin cho tôi vào trường Cộng Đồng học lại lớp tiếp liên
để sang năm thi vào trường Trịnh Hoài Đức dễ hơn vì
Ban Giám Hiệu của trường Cộng Đồng cũng đang là Ban Giám
Hiệu của Trường Trịnh Hoài Đức. Học được chừng hơn nửa tháng,
bạn bè kháo nhau xin về trường An Mỹ học Đệ thất trường tư
của Ông dân biểu Trần văn Trai vì có tin Ông
Trai đang vận động biến trường An Mỹ thành trường công thuộc
chi nhánh của trường Trịnh Hoài Đức. Thế là bạn bè
rút lần khỏi trường Cộng Ðồng, tôi về nói với ba
tôi. Ba tôi quyết định cho tôi về trường tư An Mỹ để học,
nhưng phải đóng tiền trường mỗi tháng.
Thế rồi vẫn chưa yên! Một ngày kia những đứa bạn được tin trên
tỉnh mới đang tuyển học sinh thi vào lớp đệ thất của trường Trung
học Phước Thành thuộc tỉnh mới Phước Thành mới mở.
Tôi vẫn lặng thinh, nhưng ba tôi đã đi theo những đứa
bạn của tôi viết đơn, ký tên thay tôi và
đã nộp đơn rồi. Tới ngày thi cả mười mấy đứa học chung trường
làng xúm nhau khăn gói lên đường đi thi. Thi ở
mãi quận Tân Uyên, tức là địa danh Thủ Đồng Sứ
ngày xưa mà đã có lần tôi ru em tôi
ngủ bằng câu hát mà bây giờ tôi không
nhớ hết chỉ nhớ được là "...về chợ Thủ bán hũ, bán ve.
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu".
Tới ngày có kết quả, chúng tôi đậu được cũng khoảng
gần mười đứa. Thế là ngày nhập học chúng tôi phải
đi xa nhà. Ấy là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi
đi ở xa.
Trước ngày nhập học mấy hôm, ba tôi nhờ người đóng
cho tôi một cái ghế bố với các trụ giăng mùng
và tôi chuẩn bị khăn gói, quần áo, tập, cặp sẵn
sàng cho chuyến đi học xa.
Từ sáng sớm ba chúng tôi gồm bốn người dẫn năm đứa con
đón xe đò đi lên Tân Uyên. Sau hơn một giờ
đồng hồ chúng tôi đã đến bến xe trước đầu chợ. Ba chúng
tôi tìm nơi gởi tạm đồ đạc, rồi mới dò hỏi nơi trọ. Hỏi
mướn nhà thình lình như thế nầy không là
chuyện dễ, mà kiếm nơi trọ cho năm đứa con nít học trò
lại khó hơn. Nhưng cũng may, trong thời gian ba chúng tôi
dẫn chúng tôi đến chùa hỏi ở tạm một thời gian rồi tính
sau, thì trời lại đổ cơn mưa. Trong lúc ấy có bà
đi chợ về ngang bị mưa lớn quá nên vào đụt mưa. Sau khi
biết chuyện bà sẵn sàng cho chúng tôi về nhà
bà ở trọ không lấy tiền.
Sau khi căn dặn những điều cần thiết xong ba chúng tôi cám
ơn bà Út chủ nhà và lên xe trở về làng
quê. Chúng tôi gồm mấy đứa nhỏ quây quần với nhau
lo soạn sách vở, sắp xếp mọi thứ của cá nhân rồi bắt
đầu chuẩn bị nấu cơm chiều.
Khoảng thời gian buồn nhất cho kiếp sống xa nhà là khi màn
đêm bắt đầu buông xuống, trời mù mù, cảnh mờ mờ
xa dần, trời hiu hiu lạnh cái lạnh của rừng hòa lẫn của đồng
rung chung quanh, những nhà cheo leo trong xóm đã lên
đèn. Ánh đèn vàng chập chờn khiến mình
càng buồn hơn. Tiếng ếch nhái lại nỗi lên. Chúng
tôi vào nhà trãi ghế bố, giăng mùng soạn
đi ngủ sớm để ngày mai nhập học. Lòng có nhiều nỗi lo.
Muốn ngủ nhưng không tài nào ngủ được, cứ thao thức nhung
nhớ một cái gì rồi nước mắt tự dưng dâng trào.
Nằm yên trên ghế bố, úp mặt vào gối mà nghe
lòng mình thổn thức. Những đứa bạn tôi cũng vậy, họ cũng
đang thút thít như tôi. Đó là lần đầu tiên
chúng tôi mới biết đến nhớ nhà!
Ban ngày thì bận rộn đi học, lo việc cùng nhau nấu nướng,
hoặc giúp việc lặt vặt phụ chủ nhà để gọi là đáp
lại ân nghĩa, tình thâm. Ban đêm thì lo học
bài cho sáng hôm sau. Nhưng chúng tôi cũng
vẫn có thời gian để ngồi mà buồn, nỗi buồn nhớ nhà mông
lung. Có những chiều khi mặt trời sắp lặn, khuất bên kia ngọn
đồi Bình Hóa, chiếu lên không những tia nắng vàng
ững, rồi dần tắt lịm với màn đêm. Nhìn vào bìa
rừng hướng Ông Đông Bà Tri, những mãng khói
lan tỏa lưng chừng mờ mờ, trắng đục trong âm vang của chim kêu
hoặc ếch nhái mà đứa nào mắt cũng buồn vời vợi. Ôi!
Nỗi nhớ nhà sao mà nhanh chóng đến và thâm
trầm quá vậy! Chúng tôi chỉ xa nhà có mấy
ngày trong một tuần lễ thôi mà! Thế nhưng, chúng
tôi cũng được tận hưởng những giây phút gọi là
"nhớ cố hương"! Rồi với cảm giác, sự bồi hồi ấy mà tôi
đã hiểu được tâm tình của những tác giả khi học
đến các bài kim văn trong các giờ giảng văn trong bài
"Nhớ cố hương" của ViTa trích từ "Mây Ngàn" với cánh
cò vụt bay lên từ cánh đồng khiến tác giả nhớ
đến hình ảnh "Cố Hương"; hay trong bài "Trường Giang" của Huy
Cận "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"
mà Thầy dạy giảng văn đã đưa về điển tích bài
"Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu: "Nhật mộ hương quan hà
xứ thị - Yên ba giang thượng sử nhân sầu" và Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu đã dịch hai câu nầy như sau: "Quê hương
khuất bóng hoàng hôn - Trên sông khói
sóng cho buồn lòng ai". Chúng tôi được tận hưởng
sự nhớ nhung ấy trên con sông Đồng Nai vào những chiều
hơi lành lạnh, khi bến sông còn ít người tắm,
mặt nước chiều tối không nổi sóng nhiều nữa, nhìn
bên kia sông dưới bóng những cây dừa là trại
cưa thuộc cù lao Bình Hưng, rồi nhìn lại mặt sông
những khói tỏa mù mù từ mặt nước bốc lên, đúng
là "Yên ba giang thượng" khiến lòng mình bùi
ngùi lại nhớ làng quê. Nhìn về hướng Tây
chúng tôi còn định hướng được thôn xóm của
mình vẫn còn hơn là "Nhật mộ, những lời thêu dệt
về những chủ nghĩa đem lại công bằng, hạnh phúc và kể
cả các chủ thuyết đại đồng cho mọi người và nhân loại
hương quan hà xứ thị?".
Hai ba năm sau chúng tôi cũng quen dần, quen thầy quen lớp.
Mọi người trở nên thân thích và sự nhớ nhung làng
quê không còn là một vấn đề hằn sâu trong
tâm khảm nữa. Năm cuối cùng tôi đủ sức lớn và đi
xe đạp mỗi ngày cùng với bạn bè, không còn
ở trọ.
Cách nhiều năm tôi lại đi về thành phố trọ học. Cũng
nhìn khói sóng trên sông rạch sống lại những
bồi hồi năm xưa, nhưng bây giờ tôi lại trưởng thành hơn
nên không còn cái cảnh úp mặt vào
gối mà "nghe lòng mình nhỏ lệ". Tôi lại được thêm
một lần đi xa khi ra trường về quận Dầu Tiếng để nhìn khói
sóng trên sông mà hướng về làng quê
để nhớ, ít nhất cũng là trong những ngày tháng
ban đầu.
Thế rồi với thời cuộc đưa đẩy, tôi đưa gia đình đi Vũng Tàu
cùng với nhà trường vào năm cuối cùng. Tôi
không hiểu tại sao lúc ấy tôi nhìn ra biển xa nhìn
theo những chiếc tàu ra khơi đánh cá, chúng nhấp
nhô trên sóng biển đến khi mất hút không
còn nhìn thấy mới thôi. Ai ngờ đó lại là
lần sau cùng tôi đứng trên bờ nhìn ra biển, để
rồi vào tháng 7 tôi lại đi trên tàu ra khơi
nhìn lại vào bờ. Tôi nhìn những ngọn núi
tại bờ biển Vũng Tàu xa và mờ dần mà trong lòng
lại ngậm ngùi, hai dòng nước mắt bắt đầu tuôn rơi. Tôi
đi lần nầy nếu mà trót lọt thì không biết đến
bao giờ mới nhìn lại được quê hương. Tôi cố mở trí
nhớ rộng ra và làm sao thu tóm được hình ảnh
đại diện cho quê cha đất tổ được hằn sâu vào ký
ức. Sau những ngày lênh đênh trên mặt biển trong
đói, khát, gian nguy tôi thật sự đã xa quê
hương thật rồi! Bỏ lại cha mẹ, vợ con thân thuộc và tất cả những
kỹ niệm thời ấu thơ, những bạn bè đồng cam cộng khổ trong từng hoàn
cảnh. Tôi là một kẻ đang khởi đầu cho mình một kiếp lưu
vong. Đôi lúc tôi ngậm ngùi vì đâu
tôi phải ra đi sau khi đất nước được thanh bình, chiến tranh
hoàn toàn chấm dứt. Trong tôi đang dần hiện lên
một sự hoài nghi to lớn nhất đối với xã hội loài người!
Tôi hoài nghi mọi triết thuyết xã hội!... Những chiều
nhìn mặt trời dần lặn trên biển cả mênh mông, những
đám mây đen che phủ một khoảng bầu trời, nhìn những cơn
sóng nhỏ nhấp nhô, tôi ngồi trên boong chiếc tàu
cây nhỏ bé với nỗi buồn vô hạn!
Cuối cùng chúng tôi đã vào được bến bờ
Mã Lai, ở cửa biển của vùng Dungun lúc nửa đêm.
Sáng hôm sau được nhìn khói, sóng trên
sông lần đầu tiên nơi đất khách quê người. Qua các
thủ tục hành chánh, chuyển tiếp chúng tôi 123
người lớn nhỏ được đưa qua đảo Bidong để chờ gặp các phái đoàn
đúng vào ngày kỷ niệm ngày cưới của
tôi ở vào 13 năm về trước.
Ở trên đảo cứ mỗi chiều bước lên Ðồi Tôn Giáo
để ngồi trên mõm đá nhìn vào đất liền,
nhìn khói sóng trên biển, nhìn những đàn
cá ngừ vùng vẫy nước biển văng tung tóe và bên
trên những con hải âu, loài chim biển đang nhào
xuống như làm một cuộc chiến tranh giữa cá và chim.
Rồi sau đó lòng lại ngậm ngùi nhớ làng cũ, quê
xưa. Ở đó cha mẹ, vợ con đang lo lắng không cùng. Và
ở đó mọi người đang phải vật lộn với kiếp sống lầm than từ năm nầy
sang tháng khác chẳng biết đến bao giờ. Tôi chỉ biết
trách người tạo nên một lý thuyết thật là đẹp
là mộng mơ, là một thiên đàng; nhưng thiên
đàng ấy đầy dẫy những thương đau xương máu và hận thù.
Như thế tôi chắc thiên đàng kia không phải là
một thiên đàng hạnh phúc vì hận thù luôn
mãi là hận thù tiếp nối và hận thù khó
thể mờ phai trong một sớm một chiều.
Sau gần chín tháng, tôi rời trại chuyển tiếp Sungei Besi
cùng hơn 30 người để đáp chuyến bay về thành phố Adelaide
của tiểu bang phía nam nước Úc để chọn nơi nầy làm quê
hương; quê hương chính của tôi trở thành quê
hương trong trí nhớ. Và ở đây tôi lại được ngồi
nhìn khói sóng của dòng sông Torrens nhỏ
bé vào những buổi chiều tà hay lắm lần tôi được
nhìn khói sóng của dòng sông Murray để
trầm ngâm đọc khe khẻ câu thơ "Nhật mộ hương quan hà xứ
thị - Yên ba giang thượng sử nhân sầu" hay ngâm cho mình
nghe nho nhỏ "Quê hương khuất bóng hoàng hôn -
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai".
Tôi ngồi mãi đến khi sương bắt đầu xuống lành lạnh mới
lần ra xe để trở về nhà. Chân bước đi mà lòng
buồn man mác...!
Nguyên Thảo