Trầm bổng chuông ngân

 Hạt Cát

---o0o---

Long lanh sương tụ ngọc,
Thanh thoát một hồi chuông.
Bình minh chim thức giấc,
Bảng lảng hồn muôn phương.

---o0o---

Gần đây, khi làm việc một mình trong phòng vắng canh khuya, tôi thường hay nối kết vào trang nhà Thiền Tông Việt Nam để nghe ba tiếng chuông ngân nga trầm bổng. Cũng không biết tại sao tôi lại thích nghe mấy tiếng chuông này. Hàng tuần tôi vẫn đến chùa lễ Phật, vẫn nghe đều đều tiếng mõ tiếng chuông, vậy mà những tiếng chuông tôi nghe ở chùa đã không lưu lại ấn tượng trong tôi nhiều như tiếng chuông mà tôi nghe được nơi trang Thiền Tông.

Có lẽ tiếng chuông ở chùa vang lên trong một khung cảnh mà con người bị chi phối ít nhiều bởi môi trường chung quanh. Dù mọi người đều trang nghiêm lễ lạy không ai nói với ai lời nào nhưng hình như âm thanh của tiếng chuông vừa vang lên đã bị lấn át bởi những tiếng động khác hoặc bởi va chạm với quá nhiều vật cản.Thỉnh thoảng vào các ngày lễ lớn, nhà chùa cũng có thỉnh mấy hồi chuông trống Bát Nhã, tiếng chuông trống trầm hùng ngân vang cũng khiến lòng người nao nao xúc động nhưng cảm giác đó hoàn toàn không như cảm giác khi tình cờ nghe một tiếng chuông thong thả ngân vang lúc mình đang làm một điều gì đó.  Tiếng chuông không chờ không đợi,ta nghe nó một cách hững hờ — mà để lại những ấn tượng khó phai trong ký ức ta .

Tiếng chuông đó gợi cho tôi một cảm giác thân thương êm đềm mà có lẽ đã từ lâu tôi không còn bắt gặp.Tiếng chuông dường như đưa tôi đi về một vùng trời bồng bềnh mây trắng chiều hôm, có nắng mông mênh phai vàng nhè nhẹ, có gió mơn man hai hàng tre trúc biếc xanh thấp thoáng mảnh trời trong vắt ở một chốn quê êm ả cuối ngày. Tiếng chuông tan loãng trên đầu cây ngọn cỏ sương khói chập chờn cô liêu man mác như những lời thơ chan chứa màu quê.

 Ðộ giang

 U yên thương trúc tạp quy nhân,
Cao để chung thanh bạc mộ vân.
Viễn khứ quan sơn trù triết điểu,
Hạp trà mạn mạn độ giang tân.

 (Hạt Cát)

Qua sông

Em về ngõ trúc xanh xanh
Chuông ngân mây trắng mong manh chiều tà
Chim bay ríu rít quan hà
Thong dong hớp một ngụm trà qua sông

 Ðang thơ thẩn đếm bước trên đường mòn xóm vắng chiều quê,rồi không dưng nghe được một tiếng chuông thong thả vang lên, hỏi lòng ai không xúc động rưng rưng. Cả đất cả trời dường như lắng động mà quyện lấy cái âm ba ngân vọng chơi vơi ấy. Bầy chim vừa tung cánh ríu rít bay lên dường như cũng đang vỗ cùng nhịp điệu bổng trầm của tiếng chuông về một phương trời thăm thẳm nào. Còn ta, đi hết lối mòn xóm quê, ghé vào quán cốc bên đường, hớp một ngụm trà, lắng nghe không gian tĩnh mịch, ta ung dung đợi chuyến đò sang … Ôi !Tiếng chuông  ngân thanh thoát trong một buổi chiều quê! Nhớ thương sao trời đất, âm thanh thuở đó.

Chuông ngân vàng sóng lúa,
Sương khói đọng hoàng hôn.
Bồng bềnh mây du tử,
Hiu hiu lòng nước non.
 
Tiếng chuông đưa tôi về những đêm rằm tịch lặng, thơm ngát hương trầm, pha lẫn ngọc lan,dạ lý.Tôi nằm ngủ lơ mơ dưới chân Phật Bà, trong Quan Âm Các lộ thiên lồng lộng trời mây. Hít thở không khí thơm lành, nghe tiếng chuông ngân văng vẳng bên tai. Không gian ấy, thời gian ấy sao mà êm đềm và chậm rãi bình yên biết bao.Tiếng chuông ngân nga trong giấc ngủ lơ mơ mới thật là kỳ thú, một cảm giác an lành tan loãng trong gió nhẹ thoảng hương tạo ra một thứ không gian trầm tịch vi diệu, tôi đắm mình trong giấc ngủ mơ màng, trong không gian trầm tịch đó.

 Đêm thẳm tình mây gió,
Man mác trăng ngọc lan.
Khói trầm thơm tiếng kệ,
Sâu lắng hồi chuông tan.

Thuở ấy tôi chỉ là một con bé 7,8 tuổi đầu. Ðối diện với nhà tôi, cách một khoảnh vườn và quốc lộ 13 là một ngôi chùa nhỏ. Vườn chung quanh chùa nằm sát quốc lộ, rộng vài ba sào đất. Trong vườn trồng vài loại cây ăn trái, bốn bên có rào có cổng. Mặt tiền chùa hướng ra đường, chiếc cổng dẫn vào khuôn viên chùa nằm sát đường, ở chính giữa khu đất. Lối đi từ cổng vào độ vài chục thước. Vào tới sân đánh một cái vòng cung quanh Quan Âm Các mới đến chánh điện. Hồi đó, tôi chẳng để ý chi tới chuyện của người lớn nên hoàn toàn mù tịt về lịch sử của ngôi chùa. Ai lập ra, hồi nào, ai đến ai đi, ai thường hay lui tới ? Tôi chỉ biết là khi tôi bắt đầu biết nhận thức thì ngôi chùa đã nằm ở đấy rồi. Gọi là chùa chứ thật ra có lẽ chỉ là một am đường do ai đó tạo lập cho một bậc trưởng thượng trong gia đình an dưỡng tuổi già. Bởi tôi vẫn thường hay sang chơi nhưng ít thấy thiện nam tín nữ nào đến cúng kiến lễ lạy gì cả. Chỉ có một vị sư bà,chúng tôi quen gọi là bà Chín, kinh kệ sớm hôm. Chùa chỉ có một gian. Mái lợp ngói âm dương, vách ván mỏng tanh. Bàn thờ Phật nằm giữa ngay cửa lớn ra vào, vách mặt trước phía trái trổ một khung cửa sổ chấn song nhưng không có cửa để đóng lại. Cạnh cửa sổ kê một bộ ván ngựa gỗ mỏng, chị em tôi thường hay ngủ trên bộ ván này. Vách phải cũng có một khung cửa sổ chấn song, một bộ bàn ghế cũ kỹ được kê sát khung cửa. Sau bàn thờ Phật là hậu liêu được ngăn ra bằng một tấm vách có hai cửa nhỏ hai bên đi vào. Phía sau lại có hai bộ ván gỗ nằm hai bên lối đi. Lối đi mở cửa ra sân sau kê đầy lu, ảng chứa nước dọc  hàng hiên. Qua hết mảnh sân con là nhà bếp. Nhà bếp chỉ có mái che và vách lá ba bên chứ chẳng có cửa nẻo gì cả. Ngoài mấy ông lò và ít cái nồi ám khói treo lủng lẳng trên vách, một bộ ván gỗ xấu xí nằm chỏng trơ, một chiếc bàn tròn thấp đã  nhẵn mặt kê cạnh chiếc tủ lưới con con, trong có mấy cái chén mấy cái đĩa, chẳng còn gì khác hơn. Chùa cũ kỹ, nhưng có lẽ Quan Âm Các vừa được kiến tạo nên hãy còn mới mẻ lắm. Mái lục giác lợp ngói lưu ly xanh biếc che phía trên, tượng Phật Bà Quán Âm cao gấp rưởi người thật, trắng muốt, đứng trên tòa sen, tay cầm bình nước Cam Lộ và nhành dương, mái cũng khá rộng trụ trên 6 cái cột to, chung quanh chân cột có xây bệ đá lên cao chỉ chừa khoảng trống cho lối đi vào ở phía trước và phía sau. Nền nhà được nâng khỏi mặt đất, có bậc tam cấp đi lên và lát gạch bông mát rượi, thừa thãi chỗ cho hai chị em tôi tha hồ lăn sãi trên tấm chiếu trải sau lưng tượng. Trên bệ đá và chung quanh chân cột chưng bày mấy chậu hoa, kiểng. Có hoa ngâu, hoa chùm nụm, hoa dạ lý, hoa lài, nguyệt quế, hoa mười giờ, hoa móng tay, hoa vạn thọ. Trong các loại ấy tôi thích nhất là hoa dạ lý. Dạ lý có lá nhỏ như lá cây chùm nụm, hoa  trắng, cánh li ti và nhọn hơn hoa mai rất nhiều. Ban đêm hương bay phảng phất ngọt ngào. Có lẽ vì vậy nên người ta gọi là hoa dạ lý hương chăng? Khoảng sân bên hông chùa còn có một cây ngọc lan rất to. Hai chị em tôi thường len lỏi trong mấy lùm cây ăn trái, tìm đến cây ngọc lan để hái hoa dâng lên cúng Phật. Hoa ngọc lan hay gọi nôm na là hoa sứ, từng búp hoa trắng muốt nõn nà như ngón tay con gái, tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng . Các cô gái vườn quê thuở đó muốn …điệu đà thường hay hái hoa ngọc lan cài vào mái tóc. Người ta vẫn thường hay nói hoa dạ lý và hoa ngọc lan sống lâu năm sẽ có tinh linh cho nên mấy loại cây đó ưa được trồng trong sân chùa.

Tôi cũng không nhớ rõ vì đâu, dạo ấy hai chúng tôi được lệnh sang chùa ngủ …cho có bạn với sư bà. Chiều chiều, chị hai tôi và tôi ăn cơm xong là chúng tôi ôm cặp chạy qua . Hồi ấy tôi học lớp Tư hay Ba nên bài vở không nhiều. Học bài xong, trời chiều hãy còn sáng. Trong khi chị hai tôi lịu địu trong hậu liêu với sư bà hoặc học bài của chị thì tôi hay thơ thẩn trong vườn chùa dưới mấy gốc cây ăn trái. Như ổi, xoài, phù quân. Hồi đó tôi mê trái phù quân lắm. Cái vị chua chua ngọt ngọt của nó hấp dẫn tôi hơn trái trứng cá và chùm giuột. Tôi cũng ưa săm soi mấy chậu hoa, kiểng và đi lang thang trên lối sỏi quanh Quan Âm Các. Có lúc tôi ngồi bệt xuống chân cột Quan Âm Các, mê mẩn ngắm vạt nắng cuối ngày le lói chiếu lên mấy cụm mây trôi lãng đãng trên nền trời trong vắt biếc xanh và tôi mường tượng rằng tiếng chuông của sư bà cũng đang chập chờn bềnh bồng trong những cụm mây ấy. Tôi thả hồn theo chuông, theo mây tưởng tượng ra những chân trời xa lạ có bà Tiên từ ái áo trắng thướt tha, có nàng công chúa đẹp tuyệt trần đang nằm ngủ say chờ phép nhiệm màu, v.v… Lúc ấy, bao nhiêu nhân vật tôi ưa thích trong truyện cổ tích đều được tôi cho trôi nổi bềnh bồng theo mây hết cả. Khi trời tối hơn chút nữa, chúng tôi đem chiếu ra trải trong Quan Âm Các nằm ngắm trời trăng mây gió và nói chuyện tào lao. Tôi thích nhất là vào những đêm rằm, nằm ngắm mặt trăng tròn dành dạnh treo lơ lững trong khoảng không gian huyền hoặc lấp lánh ánh sao. Cái trí óc bé bỏng của tôi lúc bấy giờ lại đầy ắp những câu chuyện thần tiên. Nhìn ánh trăng loang loáng chiếu xuống cây cành trong vườn tôi cứ tưởng chừng như có ai đem tráng một lớp ngân nhũ lên trên ngàn lá, tưởng chừng như tôi cũng đang là một cô tiên bé bỏng dạo chơi trong vườn Thượng Uyển của bà Tây Vương Mẫu ở cung Giao Trì.  Nằm ở đấy, tha hồ cho tôi hít thở không khí thơm lành đầy hương vị nhà thiền mà thuở đó tôi nào có biết. Nằm ở đấy, tôi nghe tiếng chuông ngân nga hòa lẫn tiếng dế giun ru êm trong đêm thâu tĩnh mịch cho đến khi ngủ lơ mơ. Tôi biết là tôi chỉ ngủ lơ mơ thôi, bởi vì khi đêm hôm chầm chậm đi vào sâu lắng hơn thì sư bà sẽ đánh thức, bắt chúng tôi dậy vào bên trong. Thường thì chúng tôi bỏ mặc chiếu ở đấy, mắt nhắm mắt mở chạy a vào bộ ván gõ kê phía trước leo lên ván tiếp tục mơ màng. Mọi vật trầm lắng, tĩnh mịch hơn. Không khí quanh tôi phảng phất hương huyền đàn lẫn với hương hoa ngoài cửa sổ hắt vào. Tôi đắm chìm trong giấc ngủ cho đến lúc lại chập chờn trong tiếng chuông khuya .

Chuông khuya vang trầm bổng,
Chân vọng tiếng ngân dài.
Lòng nhân gian chợt mở,
Quên sạch nỗi trần ai.

@@@

Thời gian ấy quả thật rất êm đềm đối với tôi, tôi cứ ước ao sao mỗi ngày đều được như thế. Nhưng rồi chuyện sang ngủ đêm bên chùa của chị em tôi chỉ kéo dài đâu được đôi ba tháng cho đến khi gia đình chúng tôi phải dời đổi chỗ ở xa hơn. Và rồi thời gian lại trôi qua một cách tình cờ, càng lớn lên, càng bận rộn với nhiều việc linh tinh khác. Tôi xa dần khung cảnh mái chùa xưa. Trong giấc mơ của tôi nhiều năm sau này vẫn hay thấy lại khung cảnh ngôi chùa nhỏ bé ấy. Tận thâm tâm, tôi biết đó là ngôi chùa cho tôi nhiều cảm xúc êm đêm tuổi thơ. Nhưng trong giấc mộng tôi không tìm thấy được những hình ảnh cũ, quá nhiều thay đổi. Hoa kiểng trong sân không còn được chăm chút xinh xắn gọn gàng ngăn nắp nữa. Thay vào đó là cây cối rậm rạp um tùm, Quan Âm Các và tượng Phật Bà biến đi đâu mất.

Tháng ngày chồng chất, tôi lớn lên lại đi biền biệt quê người. Biết bao năm tha hương đất khách, dù rằng tôi cũng có tham gia sinh hoạt tại ngôi Phật tự địa phương nhưng tôi thực sự chưa bao giờ nghe tiếng chuông ngân vang thong thả nào khơi động lòng hoài niệm của tôi. Nhớ nhà nhớ quê tôi tìm về nguồn cảm hứng thi ca, văn chương hoài cổ, tôi tò mò tìm kiếm những âm ba quen thuộc của tiếng chuông và tôi bắt gặp ít nhiều tiếng chuông đồng cảm nhưng vẫn thấy những tiếng chuông ấy không trọn vẹn, dường như thiêu thiếu một cái gì. Ðiều đó cũng dễ hiểu, tôi làm sao có thể tìm lại được khung cảnh và tâm thức như thời xa xưa bé bỏng kia. Nhưng mà rồi, tôi vẫn mơ, mơ một ngày nào được nghe lại tiếng chuông thời thơ ấu ấy. Cho đến lúc gần đây,tình cờ tiếng chuông của trang nhà Thiền Tông đã dẫn dắt tôi đi về chốn cũ và nhắc nhở tôi ít nhiều dư âm những tiếng chuông xưa.

 Xưa thật là xưa…Ta hãy lắng nghe tiếng chuông của Thi Phật Vương Duy đời Ðường khi ông về vui thú cỏ cây ở Võng Xuyên.

Là một trong ba đại thi hào lừng lẫy vào thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc và cả thi ca nhân loại, lại là một mệnh quan triều đình, đồng thời cũng là một cư sĩ, tiếng chuông của ông nhẹ nhàng thanh thoát và cũng mộc mạc giản dị vang lên giữa xóm làng yên ả chiều hôm mây trắng mênh mông, núi xa man mác, lão ngư ông tiều lác đác về thôn. Mây trắng, mây và mây, mây trên núi chiều vàng lãng đãng, mây bàng bạc che kín cửa sài khiến lòng người lâng lâng thoát tục. Mặc ai xa mã náo nhiệt phồn hoa, ông thong dong ngày tháng với cỏ cây hoa lá. Lăng thảo Dương hoa, thâm sơn bạch vân, ngư ông tiều giả, sơn tăng thôn phu v.v…với ông đều là bạn hữu. Ông nghiên cứu Phật học năm 30 tuổi và học thiền với Thiền Sư Ðạo Quang. Ông ăn chay trường. Thi ca ông chất ngất thiền ngôn, Phật tính nên người đời sau tặng ông danh hiệu Thi Phật để phân biệt với Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Ðỗ Phủ và Thi Quỷ Lý Hạ.

Quy Võng Xuyên tác

Cốc khẩu sơ chung động,
Ngư tiều sảo dục hi.
Du nhiên viễn sơn mộ,
Ðộc hướng bạch vân quy.
Lăng mạn nhược nan định,
Dương hoa khinh dị phi.
Ðông cao xuân thảo sắc
Trù trướng yểm sài phi

(Vương Duy)
 
Về Võng Xuyên làm (*)
 
Nhẹ nhàng chuông ngân thung lũng
Ngư tiều lác đác dời chân
Núi xa hoàng hôn lãng đãng
Ngõ về mây trắng mông mênh
Cỏ Lăng mềm mại khó vững
Hoa Dương nhẹ hẩng dễ lên
Bờ đông cỏ xuân thắm đượm
Buồn buồn liếp cửa gài then.

 Một tiếng chuông khác cũng vào thời nhà Ðường. Ðó là tiếng chuông của Giả Ðảo.Thời trẻ ông đi thi nhiều lần không đỗ bèn vào chùa làm tăng ở  Lạc Dương, pháp danh Vô Bản, đến kinh đô ngụ ở chùa Thanh Long. Vì vậy ta không lạ  gì khi tiếng chuông mà ông Giả nghe được là tiếng chuông trong đêm tĩnh mịch, non ngàn núi thẳm nơi mái chùa xưa lẫn khuất đâu đó khi mới sang thu. Nơi mà người thiền nghe dế gáy nỉ non quanh chỗ ngồi, khỉ vượn chuyền cành ngay trên chốn hạc dừng chân, tiếng chuông trầm hùng ngân vọng giữa canh khuya tịch mịch trên sông dường như đã khiến mặt nước rờn rợn sóng xao, màu trăng bàng bạc trên bến soi rọi khắp cùng thiên địa sáng quá, rõ quá làm lầu đá kia cũng toát lên một làn hơi lạnh lẽo, làm người và vật chẳng còn phân biệt đâu là chỗ của riêng ai. Ai chủ ai khách, đâu dế đâu người, đâu hạc đâu viên? Cả một không gian im lắng nhưng sống động nhiệm màu theo tiếng chuông khuya ngân vang trầm bổng. Có chăng ai nghe được tiếng chuông này mà lòng không chút rưng rưng ?

 Tảo thu ký đề Thiên Trúc Linh Ẩn Tự
 
Phong tiền phong hậu tự tân thu,
Tuyệt đính cao song kiến Ốc Châu.
Nhân tại định trung văn tất suất,
Hạc tằng thê xứ quải viên hầu.
Sơn chung dạ độ không giang thuỷ,
Đinh nguyệt hàn sinh cổ thạch lâu.
Tâm ức huyền phàm thân vị toại,
Tạ công thử địa tích niên du.

(Giả Ðảo)
 
Đầu thu gửi về chùa Thiên Trúc Linh Ẩn (*)
 
Sau trước non ngàn mới vẻ thu,
Cao ngất bên song ngắm Ốc châu.
Người thiền giun dế gáy rỉ rả,
Hạc đậu vượn hầu chuyền lau nhau.
Hiu hắt nước khuya trầm chuông núi,
Lạnh lùng trăng bãi rợp mái lầu.
Nhớ cánh buồm treo lòng chưa thỏa,
Ông Tạ từng chơi đấy năm nao.

Cùng thời với thi Phật Vương Duy, ta còn nghe được một tiếng chuông khác của Mạnh Hạo Nhiên. Mạnh Hạo Nhiên cũng là một đại thi hào của thời Thịnh Ðường, là người mà cả Vương Duy, Ðỗ Phủ, Lý Bạch đều kính trọng. Ông chuộng khí tiết nên hầu hết cuộc đời ẩn cư ở Lộc Môn. Thi ca của ông chan hòa hình ảnh u cư của người ẩn dật.

Tiếng chuông chùa núi văng vẳng hư không trên đường về Lộc Môn trong buổi chiều tà đã khơi dậy nỗi niềm bát ngát của thi hào Mạnh Hạo Nhiên. Bến Ngư Lương kẻ qua người lại tranh nhau ồn áo náo nhiệt đã chẳng ảnh hưởng gì đến tâm tình của người ưa thanh nhàn u tịch, bởi vì ở Lộc Môn đã có vầng trăng bàng bạc chiếu soi đầu cây ngọn cỏ sương khói lững lờ đang chờ ông. Lộc Môn ấy là chốn ẩn cư tịch mịch, cửa đá nẻo tùng quanh năm quạnh quẽ chỉ đón nhận bước chân của khách ưa chuộng thói tiêu dao tự tại lui tới.

Dạ quy Lộc Môn ca
 
Sơn tự minh chung trú dĩ hôn,
Ngư Lương độ đầu tranh độ huyên.
Nhân tùy sa ngạn hướng giang thôn,
Dư diệc thừa chu quy Lộc Môn.
Lộc môn nguyệt chiếu khai yên thụ,
Hốt đáo Bàng Công thê ẩn xứ,
Nham phi tùng kính trường tịch liêu,
Duy hữu u nhân tự lai khứ.

(Mạnh Hạo Nhiên)

 Khúc hát đêm về Lộc Môn (*)
 
Ngày tàn chùa núi tiếng chuông ngân,
Tranh vượt Ngư Lương lắm rộn ràng.
Người theo bờ cát về xóm bến,
Ta cỡi con thuyền xuôi Lộc Môn.
Lộc Môn trăng chiếu ngời cây cỏ,
Bỗng thấy Bàng Công chốn ẩn thân.
Cửa đá nẽo tùng luôn quạnh quẽ
Lui tới dành riêng kẻ chuộng nhàn .

Một thi nhân khác với tiếng chuông vang lên trong nắng hồng sương mai núi sâu rừng thẳm, đường lối quanh co vào cổ tự vắng vẻ thâm u, hoa lá che kín cửa thiền khiến khách ngẩn ngơ nhìn lại bốn bề, chỉ thấy chim chóc rộn ràng với ánh sơn quang, thấy bóng nước trong ao đầm yên tĩnh lặng lờ chẳng màng chi tới buồn vui nhân thế. Ðất trời tưởng chừng như vắng bặt trong cái vận chuyển không ngừng, nhưng không phải vậy, tuy thinh không vắng bặt mà đầy ắp diệu âm. Có ai đồng ý với tôi chăng ? Tiếng chuông vang lên trong không gian tĩnh mịch ấy cũng là một diệu âm. Ðó là tiếng chuông của Thường Kiến,thi nhân đời Ðường trong bài “Ðề Phá Sơn tự hậu thiền viện”.

Đề Phá Sơn tự hậu thiền viện

Thanh thần nhập cổ tự
Sơ nhật chiếu cao lâm
Khúc kính thông u xứ
Thiền phòng hoa mộc thâm
Sơn quang duyệt điểu tính,
Đàm ảnh không nhân tâm
Vạn lại thử câu tịch
Duy văn chung khánh âm

(Thường Kiến)

Ðề thiền viện sau chùa Phá Sơn(*)

Sớm mai vào thăm chùa cổ,
Rừng cao chơm chớm nắng hồng.
Lối quanh núi đồi lặng lẽ,
Cỏ hoa che kín thiền phòng.
Ánh núi ca vui chim chóc,
Bóng đầm chẳng bận tấm lòng.
Muôn tiếng thinh không vắng bặt,
Chỉ nghe ngân vọng khánh chuông.
 
@@@

Ðấy là một vài tiếng chuông của người xưa trong kho tàng thi ca Trung Hoa.

Trở về với thi ca hoài cổ Việt Nam ta, ta hãy ghé mắt, lắng tai nghe một tiếng chuông gần hơn, khoảng vài trăm năm sau Thi Phật nhà Ðường, Vua Phật Trần Nhân Tông đời Trần của Việt Nam ta. Một đấng quân vương, một bậc hùng tài vĩ lược, một người đã từng nắm trong tay quyền uy tối thượng, đứng đầu một triều đại làm kinh hồn khiếp vía đội quân viễn chinh hùng mạnh bậc nhất thế giới vào thế kỷ 13, đã từng sống trong điện ngọc cung son, rồi sau cùng là Tôn Tổ sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm trên đỉnh Yên Tử vẫn còn kế tục cho đến bây giờ. Thân danh như thế, uy quyền như thế …vậy mà tiếng chuông để lại trong tâm hồn Ngài, trong thi ca Ngài cũng lại là tiếng chuông ngân vang trên sông nước chiều hôm bóng tà cỏ áy, trong chốn thâm sơn tĩnh mịch lá úa hoàng hôn. Tiếng chuông mộc mạc đơn sơ mà giao hòa cùng khắp đất trời, có năng lực thẩm thấu tận ngọn nguồn tâm cảm, có công dụng phá tan ám chướng si mê. Tiếng chuông giản dị như chân lý thiền "Cơ tắc xan hề khốn tắc miên – “Ðói cứ ăn đi, mệt ngủ liền” của một Thiền Tổ gióng lên hẵn nhiên là ẩn tàng diệu dụng thâm sâu.
 
Vũ Lâm Thu Vãn

Hoạ kiều đảo ảnh trám khê hoành
Nhất mạt tà dương thuỷ ngoại minh
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc
Thấp vân hoà lộ tống chung thanh

(Trần Nhân Tông)

Chiều thu làng Vũ Lâm (*)

Suối khe lồng bóng cầu treo,
Long lanh ngấn nước nắng chiều nghiêng soi.
Núi non quạnh quẽ lá rơi,
Phôi pha sương khói mây trôi chuông rền.
 
Và cũng lại là mây, tiếng chuông bao giờ cũng ngân vọng xa xăm, tưởng chừng như có thể tan loãng ra trong những áng mây bàng bạc khiến cho mây đã bồng bềnh càng thêm nhẹ tênh, càng thêm bồng bềnh càng đưa lòng người  phiêu phiêu vô trước.
Tiếng chuông ngân vang từ một ngôi chùa cổ ở thâm sơn cùng cốc phải chăng nhắc nhở ta rằng nơi sâu thẳm nước non kia dường như đang tàng ẩn một chân lý huyền nhiệm khó thể kiếm tìm nào đó mà thật ra con người sống nơi ấy chẳng hề phí công tìm kiếm điều gì. Trăng ngàn gió núi, mây nước trời không, tặng vật của thiên nhiên trước mắt đã là chân lý muôn đời có sẵn.

Nếu không phải vậy,sao một ông tăng hỏi thiền sư Triệu Châu :

- Chân lý tối thượng là gì ?

Và thiền sư trả lời:

- Cây bách trước sân…
 
Lạng Châu Vãn Cảnh
 
Cổ tự thê lương thu ải ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắc mộ chung sơ.
Thuỷ minh sơn tĩnh bạch điểu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

(Trần Nhân Tông)

 Cảnh chiều Lạng Châu (*)

Mây thu lạnh lẽo chùa xưa
Thuyền ngư xao xác thoảng đưa chuông chiều
Cò bay non nước quạnh hiu
Gió yên mây nhẹ liêu xiêu lá hồng.

Tiếp theo tiếng chuông của vua Phật Trần Nhân Tông, tôi tình cờ bắt gặp tiếng chuông của một bậc hào sĩ, giữa ải quan mắng con chớ  khóc lóc theo nhi nữ thường tình mà hãy lo làm sao gầy dựng nên công nghiệp lẫy lừng để trả thù nhà nợ nước, là đấng sinh thành của một khai quốc công thần nhà Hậu Lê - Triều đại khiến quân xâm lược nhà Minh phải cuốn gói chạy dài. Ðó là Nguyễn Phi Khanh, bài thơ này của ông nằm trong phần phụ lục Ức Trai thi tập do phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa ấn hành năm 1972

Tiếng chuông chiều của Nguyễn Phi Khanh gióng lên ở chốn làng quê. Nhìn bóng tùng khóm trúc phất phơ. Nâng chung rượu ngắm màu thu man mác. Trời rộng trăng ngàn, mây cao nhạn tít, lang thang gậy trúc dạo bước chiều hôm bỗng nghe một tiếng chuông ngân lờ lững. Lòng nhân thế chợt lâng lâng quên đi phiền toái, phên trúc khép rồi là cách biệt nhân gian.

  Thôn cư

Tùng quân tam kính tại
Tuế vãn bạc ngôn quy
Bả tửu khan thu sắc
Huề cùng bộ tịch huy
Vân không sơn nguyệt xuất
Thiên khoát tái hồng phi
Hốt thính hôn chung báo
Hô đồng yểm trúc phi

(Nguyễn Phi Khanh)

Ở quê (*)

Bóng tùng xanh ba dãy,
Năm hết gửi ít lời
Ngắm thu nâng chén rượu
Chống gậy dạo chiều lơi
Mây cao trăng lấp ló
Trời rộng nhạn chơi vơi
Bỗng nghe chuông chiều vọng
Bảo trẻ gài phên thôi.

Và tiếng chuông tiếp theo là của một người họ Nguyễn vốn là con cháu ngoại tộc họ Trần, người từng một thời oanh liệt giúp nhà Hậu Lê dựng nghiệp, lừng lẫy với bài Bình Ngô Ðại Cáo, sau mười năm gian khổ kháng chiến chống quân Minh được liệt vào hạng đệ nhất khai quốc công thần, được phong tước Quan Phục hầu. Ðó là một trong những con người tài ba lỗi lạc của lịch sử mà năm tháng cuối đời lại bị một nỗi oan khiên bi thảm trong vụ án Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi là nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quân sự và một nhà tư tưởng lớn mà cả cuộc đời đã tận tụy lo cho dân, cho nước.

 Tiếng chuông của Nguyễn Trãi trong thời gian này có lẽ là lúc ông đã về trí sĩ ở Côn Sơn, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương năm 60 tuổi. Phải chăng đấy là tiếng chuông chùa Côn Sơn, nơi mà Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán, ông ngoại nhà thơ đã sống ẩn dật ở đó và cũng là nơi mà một phần tuổi ấu thơ của ông đã trải qua.

Trai phòng vắng lặng mưa gió suốt đêm thê lương ảm đạm, gối khách ngẩn ngơ nghe tiếng mưa rơi giọt giọt đếm canh tàn, nghe khóm trúc xạc xào cọ vào song cửa, tiếng chuông vang lên trong giấc điệp mơ màng khiến tâm tư con người không thể an nhiên chìm vào giấc ngủ say sưa. Cảnh này tình này, u tịch nào hơn, phải chăng đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh, quan trường sớm nắng chiều mưa, phú quý hiển vinh rồi cũng như mây trôi nước chảy. Án Lệ Chi Viên chỉ là một cái cớ của những sự tranh dành quyền lực chốn cung đình thâm sâu bí ẩn. Than ôi ! Công hầu khanh tướng ! Cho dù truyền thuyết rắn báo oán chỉ là một tấm bình phong che đậy những âm mưu chính trị nhất thời nhưng nó cũng đã soi rõ tính chất vô thường của vạn vật.

Thính Vũ

Tịch mịch u trai lý,
Chung tiêu thính vũ thanh.
Tiêu hao kinh khách chẩm!
Điểm trích sổ tàn canh.
Cách trúc xao song mật,
Hoà chung nhập mộng thanh.
Ngâm dư hồn bất mị,
Đoạn tục đáo thiên minh.

 (Nguyễn Trãi)

Nghe Mưa (*)

Mơ màng phòng trai vắng lặng,
Suốt đêm nghe tiếng mưa rơi
Giật mình xác xao gối khách
Ðếm canh từng giọt chơi vơi
Khóm trúc xạc xào song cửa
Chuông ngân mộng mị bồi hồi
Ngâm vịnh chán còn chưa ngủ
Nối,ngưng cho đến sáng trời

 Gần với thời đại chúng ta hơn, có tiếng chuông của một thi sĩ tiền bối ảnh hưởng ít nhiều triết lý thiền môn. Cố thi sĩ Quách Tấn (1910 – 1992) là một trong Bàn thành tứ hữu (dân Bình Định gọi Hàn Mặc Tử là Long, Chế Lan Viên là Phượng , Quách Tấn là Quy và Yến Lan là Lân), là người đại diện cuối cùng của trường phái thơ cổ điển Việt Nam tiếp theo thi sĩ Tản Đà. Tiếng chuông chùa đối vớI ông là một âm điệu nhu nhã thiêng liêng văng vẳng từ tiềm thức thâm sâu nên tiếng chuông thường hay trỗi dậy mỗi khi ông trông thấy phong cảnh u tịch của chùa chiền non nước …
 
“Trăng lên đồi Trại thủy
Chuông khua ngời âm ba
Bồi hồi mây khóa viện
Sân Bồ đề sương sa.”

Tiếng chuông trong hồn cố thi sĩ Quách Tấn là tiếng chuông mơ hồ nhận diện một cõi nhân gian hư ảo, chuông đã tạnh rồi nhưng không gian không ngừng âm ba của tiếng ngân trầm tịch, ngân mãi,ngân mãi với gió ngàn mây trắng chiều hôm…

Gió ru hồn mộng thiu thiu
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non."

Tiếng chuông rơi trong bóng chiều, rơi xuống cõi lòng nhân thế khiến tâm hồn con người thêm lãng đãng,niềm mây nước mênh mông,dạt dào tình cố cựu …

Mây nước nhuốm phong trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông ngân."

Chùa cũ, chùa cổ, mái chùa thấp thoáng tỏ mờ trong áng mây trắng bàng bạc xa xăm của bậc ẩn giả hạc nội mây ngàn tháng ngày phong nguyệt tiêu dao như hư như thực, tiếng chuông ngân vang như có như không. Kìa những vòng sóng long lanh trên hồ mây biếc liễu, vòng sóng hay âm ba của tiếng ngân vang vọng, vang vọng mãi ngàn năm. Có là không mà không cũng không nốt.

Chùa ẩn non mây trắng
Bóng in hồ liễu xanh
Mai chiều chuông đã tạnh
Vòng sóng còn long lanh."

(Giọt trăng – Quách Tấn)

 Lại thêm tiếng chuông của một thi sĩ thiền sư hiện đại, tuy bây giờ ông chẳng phải là một thiền sư đầu tròn áo vuông như ngày trước nhưng dù thế nào đi nữa, tiếng chuông trong thi ca, trong tâm hồn của ông vẫn đầy hơi hướm mê ngộ vọng chân, vẫn bâng khuâng khơi động tâm tư người ta tới tận cùng sâu thẳm.

Ta hãy nghe tiếng chuông ngân vọng theo sóng nước đêm trăng, màu thu bàng bạc, một chiếc thuyền con buông lái, trăng và chuông tan loãng vào nhau đi về cõi xa xăm tịch tĩnh. Hư vô chìm ngập không gian, đâu bến đâu bờ ?

Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào …
(Ðộng hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

 Chao ôi ! Hạt thiên thư ! Hạt thiên thư ! Tiếng chuông vang vọng chơi vơi dần dần thấm đẫm vào từng hạt bụi của thế giới này. Ôi ! hạt bụi nhỏ nhoi nhưng mà một khi thấm đẫm tiếng chuông ngân nó có khả năng làm đảo lộn diện mục của vũ trụ, đó chính là nguyên nhân tạo tác nên nỗi thiên thư bồng bềnh. Có phải thế chăng, hỡi bác Thiên Thư ? (Vạc rằng hỡi bác Thiên Thư, mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ ?)

Chuông ngân chiều lặng trầm tư
Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng
 
(Ðộng hoa vàng - Phạm Thiên Thư)
 
Và sau rốt, nói đến âm ba của những hồi chuông kim cổ mà quên nhắc tới tiếng chuông Hàn Sơn Tự quả là một thiếu sót lớn lao.

Hàn Sơn Tự là một cổ sát (cảnh chùa xưa) nổi tiếng ở phía Tây trấn Phong-Kiều thuộc tỉnh Tô Châu,Trung Quốc. Ðược xây dựng vào niên hiệu Thiên-Giám đời Lương (502-519) và đã được đặt tên là Diệu Lợi tự. Về sau chùa được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường vì có hai thiền sư là Hàn San và Thập Đắc đến trụ trì ở đó nên chùa lại được đổi tên là Hàn San tự. Chùa từ thời đó đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu nên không còn giữ được kiến trúc ban đầu nữa. Nếu so với các ngôi chùa khác ở Trung Quốc thì chùa Hàn San không có gì đáng kể về mặt kiến trúc nhưng lại rất nổi tiếng nhờ có bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.

Đây, tiếng chuông Hàn Sơn Tự, tiếng chuông trên bến Phong Kiều, trong lòng kẻ lữ thứ, đêm dài nằm trên thuyền nghe quạ kêu sóng vỗ, ngắm đèn chài leo loét sông khuya đắm chìm trong trăng tà sương lạnh mà ngậm ngùi thân thế, tất cả những thứ đó phủ trùm lên vạn vật một cảnh sắc thê lương nhưng tiếng chuông ngân tình cờ nửa đêm đã làm lữ khách ấm lại tấc lòng cô quạnh, đã khơi dậy hứng thú cho một giai thoại thi ca còn được truyền tụng ngàn năm. Ta hãy lắng nghe tiếng chuông này với tấm tình của một kẻ tha hương linh đinh sóng nước quê người mới thấm thía hết nỗi niềm của nó.

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bài thơ này đã có rất nhiều thi sĩ tiền bối dịch theo nghĩa chính rồi, tôi muốn thổi cho nó một luồng gió mới mát mẻ nên xin phóng dịch lại theo ý riêng gọi là hoài niệm cổ nhân vậy.

Quạ kêu sương lạnh trăng tà.
Đèn chài giấc muộn la đà bến sông.
Chùa Hàn trầm bổng hồi chuông.
Nửa đêm gọi khách bềnh bồng Cô Tô.

@@@

Trên đây chỉ là một vài tiếng chuông tiêu biểu kim cổ đó đây mà tôi biết được và nảy sinh niềm cảm khái với nó. Hẳn nhiên là còn hằng hà sa số tiếng chuông khác mà tôi chưa có cơ hội được nghe, vì vậy không tránh khỏi điều khiếm khuyết. Nhưng dù thế nào, nói tóm lại, nhân thế cổ kim đã gióng lên rất nhiều hồi chuông trầm bổng, người gióng chuông và người nghe không ai giống ai nhưng âm điệu bổng trầm của tiếng chuông thì muôn đời không khác.Tâm hồn của nhân gian cao khiết khinh an thì tiếng chuông là một âm giai thanh nhã dẫn đưa tới con đường giải thoát. Tâm hồn đầy si mê sân hận lọc lừa thì tiếng chuông là một âm thanh lanh lảnh dụng công thức tỉnh vô minh. Khi ông Huỳnh Trung Chánh viết rằng: “Tuy thiền tông tuyên bố là "bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền" và phủ nhận mọi hình thức lễ bái, mà tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh, tiếng tụng niệm, tiếng hét… của chư thiền tổ đều hàm chứa một diệu dụng vô song. Theo sơ tổ, rung động của âm thanh có thể tạo nên những sự rung động sâu xa nơi tâm thức. Âm điệu tán tụng đúng mức có diệu dụng thức tỉnh kẻ mê đắm dục lạc, hóa giải tham sân si, trao truyền an lạc. Nhịp mõ khoan thai phá tan loạn động, hồi trống dồn dập triển khai tinh tấn, và tiếng chuông thanh thoát nhiệm mầu. Âm ba đặc thù của tiếng chuông : ngân nga, bàng bạc, trầm sâu, xoáy chuyển, có công năng thẩm thấu tận đáy nguồn tâm thức, vừa cao vút thông suốt tam thiên, vừa xuyên thủng cõi u minh địa ngục. Điều đó đã giải thích tại sao, tiếng thác đổ ầm ỉ, tiếng trời long đất lở, tiếng trống kèn rầm rập của ba quân… không lay chuyển chư thiền sư trong cơn đại định, nhưng một tiếng chuông nhỏ lại có diệu dụng thức tỉnh vị ấy...” Trong truyện ngắn Tan Loãng Trong Mây ắt hẳn ông đã chiêm nghiệm được diệu lý đó.

Và như thế,mặc ai nghe ai không nghe, tiếng chuông vẫn làm đủ bổn phận của nó, vẫn hy vọng rằng một sớm một chiều nào đó mọi người đều nghe ra tiếng bổng trầm nhu nhã làm chấn động tâm tư và người ta sẽ nhớ ngẩn nhớ ngơ khi không gian vắng bặt tiếng chuông.

Và cuối cùng xin mượn 4 câu thơ của Thiền Sư Viên Học thời nhà Lý để kết thúc bài viết tản mạn lan man này.

 Văn chung

Lục thức thường hôn chung dạ khổ,
Vô minh bị phú cửu mê dung.
Trú dạ văn chung khai giác ngộ,
Lãn thần tĩnh khước đắc thần thông

(Viên Học Thiền Sư)

Nghe chuông (*)

 Sáu trần ám ảnh khổ đêm trường
Tối tăm che lấp mãi mơ mòng
Nghe chuông sớm tối lòng khai mở
Hết lười thì sẽ được thần thông

 Hạt Cát

(*) Bản dịch Hạt Cát

*************

Sách tham khảo

Vương Duy chân diện mục – Vũ Thế Ngọc.

Eastwest Institute Press.California 1987.

Văn học đời Trần – Ngô Tất Tố.

Văn học đời Lý – Ngô Tất Tố.

Ðường Thi Nhất Thiên Thủ - Lê Nguyễn Lưu. Nhà xuất bản Thuận Hóa 1997.

Giọt trăng – Quách Tấn. Quê Mẹ Paris 1984.

Phạm Thiên Thư – Ðộng Hoa Vàng.

Ức Trai Tập. Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá 1972