Tôi Đi Thi

Lưu Thanh Bình
 

1. Cuộc đời một người có nhiều dấu mốc quan trọng không thể quên, trong đó thi cử là một trong số đó. Nhân mùa thi năm nay đang tới gần, lão học trò già này xin ghi lại những kỹ niệm thi Tú Tài mùa hè đỏ lửa năm 1972, một kỳ thi mà đối với người viết nó quan trọng hơn so với bằng cử nhân Quẩn Trị Kinh Doanh, tại chức Đại Học Sư Phạm, chứng chỉ C Anh văn, B Tin học hay kế toán trưởng sau này nhiều. Bụi thời gian  đã tô đậm nhạt hơi nhiều nên mong các bạn bỏ qua những thiếu sót nếu có.

2. Do đặc điểm tình hình của thời cuộc lúc đó, cái bằng Tú Tài không chỉ là một dấu mốc xác nhận trình độ học vấn mà còn là cái phao giúp bao người lách qua cánh cửa hẹp, trụ lại được sân trường với màu áo trắng học trò. Rớt Tú Tài đồng nghĩa với mất hết tương lai, tuổi trẻ. Do đó bọn mình lao vào học một cách điên cuồng. Học ở trường, học ở nhà, học nhóm ở nhà bạn, học ở nhà thầy, mua sách về tự học thêm và nhất là học ở các trung tâm luyện thi. Một kinh nghiệm học thêm là nên sắp xếp chương trình học chính khoá và học thêm gần nhau. Buổi sáng vừa học ở trường xong, buổi chiều lại được thầy ở trung tâm ôn lại, làm bài tập tại chỗ và cho đáp án tại chỗ. Tối về nhà, lôi ra một xấp bài in ronéo, làm cho kỳ hết mới được đi ngủ. Sau này chính các thầy cô dạy ở trường nhận xét rằng dạy học sinh công lập thật là dễ, chỉ cần nêu đại cương và trọng điểm bài học là các em nắm được hết. Tinh thần tự nguyện tự giác thật là cao. Thật ra còn phải kể thêm tinh thần thi đua ( không phải ganh đua), và nhất là tờ giấy hoãn dịch vì lý do học vấn nữa chứ. Mình nhớ, thầy H dạy môn sử rất hay; nghe nói trước kia thầy tốt nghiệp thủ khoa ĐHSP; luôn nhắc nhở bọn mình phải cố gắng học vì bao nhiêu cái bẫy cuộc đời rình rập ngoài kia. Một bước sẩy chân nghìn thu ân hận. Thầy Duật dạy văn hút hồn, thầy Em dạy toán rất mê thể thao, thầy Nhượng-lái chiếc xe con cóc- tự phê trung bình về mọi phương diện (!) mà thật ra hơi…lùn. Cô Sương dạy văn chê Thuý Vân quá xá, gọi đó là một con người không có …cá tánh. Bài vở trả thầy cô hết rồi , giờ mình chỉ nhớ nhiêu đó.

3. Sau Tết năm 1972, bọn mình bắt đầu chạy đua nước rút với thời gian. Buổi sáng, ngay sau khi từ trường về nhà là mình lua vội ba hột cơm rồi phóng nhanh xuống Sài Gòn học luyện thi. Các trung tâm luyện thi nổi tiếng đều có giăng các băng rôn phía trước, ghi rõ tên các thầy (rất ít cô) hướng dẫn luyện môn gì, môn gì nhưng thường chỉ cần một hai thầy “đinh” thôi, các thầy khác chỉ kèm cho đủ môn. Dĩ nhiên thù lao tỷ lệ thuận với sự nổi tiếng. Trung tâm luyện thi Minh Đức ở đầu đường Nguyễn Tri Phương, gần ngã ba với Trần Quốc Toản – nay là Ba tháng Hai. Mình nhớ có một thầy, dạy chánh môn toán ở Petrus Ký, nhưng rất đắt sô. Không phải thầy thông thái hơn các đồng nghiệp mà vì thầy có phương pháp dạy rất độc đáo, rất nhập tâm, nhấn rất đúng những điểm quan trọng, không có một câu thừa.Khi thầy chấm dứt bài giảng thì chuông reo cũng vừa vang lên. Đặc biệt thầy nhớ vanh vách những đề thi đã ra từ nhiều năm trước. Nhắc nhở học sinh chú ý những cái bẫy, những câu có thể ra đề năm nay kể cả kỹ thuật làm bài thi , làm từ câu dễ để lấy đủ điểm trung bình (10 điểm), sau đó mới đến những câu  khó, luôn luôn liếc nhìn đồng hồ để trước mặt, và không quan tâm đến người ngồi cạnh. Thầy tự lái một chiếc Dauphine  màu mận chín, sau này nghe nói thầy khạc ra máu ngay trên bục giảng vì bệnh loét bao tử hay lao gì đó. Ai nói những thầy dạy luyện thi là thợ dạy ? Mình vẫn tri ân các thầy, có thầy mới có cái bằng Tú Tài đó chớ. Theo mình, đó là một lao động lương thiện và thu nhập chính đáng.

Trường Văn Học ở đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ gần đường rầy xe lửa. Hiệu trưởng là thầy(?) – nhà thơ Nguyên Sa, dạy môn văn hay hết biết. Thầy ăn mặc giản dị, áo bỏ ra ngoài đội nón nỉ, giảng bài không cần giáo án. Chỉ hỏi kỳ trước học tới đâu rồi và thế là thao thao bất tuyệt.     Mấy bạn học chung từ Bình Dương xuống, vốn ngưỡng mộ nhà thơ Nguyên Sa từ lâu (thầy có bài Áo lụa Hà Đông, sau Phạm Duy phổ nhạc); quay sang thì thầm với mình: trời đất ơi sao ổng giống thằng cha lái xe…Lambro quá vậy! Nhà thơ Nguyên Sa và thầy Duật có lần bút chiến với nhau làm xôn xao văn đàn một dạo. Khiếp nhất là mỗi khi cô (?) vợ nhà thơ Nguyên Sa vô lớp đề nghị ngưng giảng để kiểm tra biên lai học phí. Không khác gì quân cảnh xét giấy. Không biết cô có phải gốc ở… Hà Đông không ?

Ngoài ra bọn mình còn học luyện thi ở trường Nguyễn Công Trứ, gần ngã tư Hai Bà Trưng-Hiền Vương ( nay là Võ thị Sáu), trung tâm toán lý hoá Lê Kim Luyện ở ngã sáu Lý Thái Tổ .v..v… nhưng chỉ một thời gian ngắn nên không có nhiều kỹ niệm.

 4. Mùa hè năm đó, mình phải bỏ hết toàn bộ các hoạt động vui chơi vườn măng, sinh hoạt Hướng đạo, đi bơi, xem phim… để dồn sức cho việc học thi. Đến bây giờ mình vẫn không sao quên được tiếng rè rè của ngọn đèn néon dù đã bao năm trôi qua. Vùi đầu học khi trăng vừa mọc, chỉ biết trời sắp sáng khi nghe tiếng xe xích lô máy và xe lam chở hàng bông nhóm chợ . Khi đã nhận phiếu báo danh và biết địa điểm thi thì tự nhiên mình …học không vô nữa. Đầu óc trống rỗng,lơ mơ và ăn không biết ngon. Bọn Trường, Cữu rũ mình đi … coi bói và xin xăm. Mộ bà Anna Sỹ ở Tân Quy Đông - ngày nay là Quận 2- rất nhiều thí sinh tới viếng. Dù đã mất cả trăm năm mà thân thể bà không rữa (thực ra là do chất đất), nên trở thành linh thiêng, khói hương nghi ngút. Mấy cô nàng áo dài trắng chắp tay lầm thầm rồi lại quay ra tìm cái gì không rõ. Mãi lúc sau bọn mình mới đoán ra “họ” tìm tờ giấy ghi số báo danh. Cười muốn bể bụng luôn.

Thi ở trường Hồ Ngọc Cẩn  gần chợ Bà Chiểu nên mình không lo chuyện ăn uống. Buổi trưa, mình qua Lăng Ông tìm bóng mát ngã lưng. Bài làm buổi sáng suông sẽ nên càng yên tâm hơn. Hôm sau, đề  Văn ra Nguyễn Công Trứ, lại trúng tủ nữa. Toán, Sinh, Sử Địa té ra lại không khó như mình nghĩ. Chỉ môn Hoá là dỡ, chắc là dưới trung bình. Kết thúc môn Anh Văn thì mình biết là đậu chắc. Về nhà nhẩm lại các bài nháp, nhân với hệ số mình tự cho mình đậu hạng …Bình. Khi niêm yết điểm thi thì là Bình thứ. Gần đúng. Chắc là tại giám khảo chấm lộn đó mà(!). Điểm niêm yết là trường gì đó trên đại lộ Thống Nhất nay là đại lộ Lê Duẩn, nhưng trường xưa giờ không còn. Trên đường về mình cứ muốn hét lên, nhưng phải kìm nén lại vì có người bạn thân đi cùng …thi hỏng. Kinh nghiệm là khi đi coi kết quả thi bạn hãy đi riêng, đừng đi chung với bạn. Cái mặt phởn phơ của kẻ thi đậu dù cố giấu cũng làm tan nát cõi lòng người thi hỏng. Tổng kết lại, lớp mình có bảy Bình thứ, ba Bình, hai Ưu . Thứ thì không nhớ hết, khoảng hơn hai chục. Với kết quả này, mình nghĩ có lẽ thầy cô cũng hãnh diện vì đã không uổng công dạy dỗ. Mình cũng không quên công lao các đấng sinh thành, âm thầm lo lắng , chăm sóc một cách lặng lẽ mà lúc đó bọn mình vô tư quá. Sau này khi có con cái đi thi thì mình mới hiểu được tâm trạng của người làm cha mẹ.

5. Dù đã đậu Tú Tài 1 nhưng đường học vấn của mình cũng chấm dứt vì tuổi mình không còn được hoãn dịch nữa. Ngay từ lúc chưa thi thì ngày nào trên radio cũng ra rã lịnh tổng động viên. Mình ngỡ chỉ có hai cửa hoặc Thủ Đức hoặc Đồng Đế. May mà đậu vào Sư Phạm Sài Gòn, vừa tự học chương trình lớp 12 để lấy luôn Tú Tài 2 (cũng Bình thứ) và ghi danh vào Đại học Luật  nhưng không còn hứng thú nữa. Bạn bè tan tác mỗi người một nơi, thỉnh thoảng lại nghe một tin dữ. Nghĩ lại, mình may hơn các bạn nhiều lắm. Còn những bạn ra nước ngoài sau 75, đều tiếp tục học lên và mau chóng hội nhập. Theo mình nghĩ, ngoài nổ lực bản thân còn nhờ một phần cái nền học vấn tốt mà các bạn đã hấp thu được từ trong nước. Trong đó công lao của thầy cô là không nhỏ. Cũng có một số bạn học giỏi nhưng vắn số vì thời cuộc, hay như bạn BL , em của thầy San ( một bông hoa nhỏ của lớp nhưng cũng gai dữ lắm) nghe nói đã nằm lại dưới đáy biển sâu rồi. Xin thắp nén nhang lòng tưởng nhớ các bạn và tri ân thầy cô.

Lái Thiêu, hè năm 2009