Tôi Đi Học

Từ Minh Tâm

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính trong lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.".

Tôi không biết nhà văn Thanh Tịnh làm sao nghĩ được những ý tưởng thật hay khi nói về ngày đầu tiên đi học, còn tôi, tôi không có những ý nghĩ như vậy vì tôi phải bị ăn roi mây của ông ngoại tôi, tôi mới chịu tới trường, dĩ nhiên là vừa đi vừa khóc. Nhưng tôi không trách ông tôi, vì nhờ những trận đòn đó mà ngày nay tôi nên người .

Năm mẫu giáo của tôi thì không có gì để nói, chỉ có một điều là lớp tôi học nằm ngay Ty Thanh Niên sau nầy, trước nhà thờ Bình Dương. Cô tôi đẹp và hiền nên tôi học hành đàng hoàng, cuối năm lại có phần thưởng. Chỉ có một điều tôi còn nhớ tới bây giờ là hôm lớp được lịnh qua Trường Nam Châu Thành để chích ngừa đậu mùa, chỉ có một mình tôi "cà chớn"` nhứt định không đi, làm cho cô tôi rất khó xử, bỏ tôi lại trường một mình thì không tiện, mà tôi thì nhứt định khóc chớ không đi . Chiều về nhà, ba tôi cũng không rầy, nhưng anh chị trong nhà "hù" tôi, là nếu không chích ngừa thì bị mặt rỗ xấu lắm .v.v. khiến tôi phải nói với ba tôi chở đi chích trên nhà thương. Thật là cực khổ.

Vào lớp năm (tức là lớp một sau nầy), tôi học ở trường Nam Châu Thành, gần nhà thương, chưa vào học thì đã bị "hù" là mấy thầy ở đó "dữ" lắm, nào là bắt quì trên vỏ mít, đánh học trò bằng thước bảng .v.v.. thật ra, trường Nam Châu Thành, kỷ luật nghiêm, học sinh ngoan, ít khi có trường hợp phạt nặng. Ngày nay tôi chỉ còn nhớ tên mấy thầy nổi tiếng như thầy Sử nhà gần trường, thầy Phúc ốm mà "khó", thầy An "mắt kiếng", thầy Hoe (hay Que ? ) . .. đến năm lớp nhì vì trường đông quá nên chúng tôi phải đi học tận trong trường chi nhánh, gần văn phòng quận Châu Thành (Ngã Ba Cây Sao Quỳ). Từ tỉnh ra trường cũng khá xa, ngày ngày phải đi học hai buổi, ba má dặn phải đi ngoài đường lớn, nhưng tánh tuổi trẻ ham vui nên tôi đi học toàn bằng đường băng rừng phía sau trường về nhà qua ngỏ Bưng Cải, hay vòng qua Chùa Hội Khánh qua ngả Nhà Thương... Năm lớp nhì tôi học thầy Bình, năm lớp nhứt học thầy Vân là hai thầy dạy hay và hiền nên cuối năm lớp nhứt tôi đậu vào lớp đệ thất Trường Trịnh Hoài Đức tương đối dễ dàng.

Hiệu Trưởng trường Trịnh Hoài Đức lúc tôi học là thầy Nguyễn Trí Lục, ông còn trẻ và đẹp trai. Năm tôi học đệ lục, lớp đang thiếu thầy dạy Anh Văn. Một hôm chúng tôi đang đứng chơi trước lớp, thì thầy Lục đi lên cùng với một cô giáo rất đẹp, và giới thiệu với chúng tôi cô Liên sẽ dạy cho chúng tôi môn Anh Văn. Thường thì giáo viên mới tới thì cứ lên lớp dạy chứ đâu cần giới thiệu, trường hợp nầy là ngoại lệ chăng ?. Sau khi có cô giáo mới lớp chúng tôi học Anh Văn siêng hẳn, vì cô giáo dễ thương, hay cô dạy hay, hay cả hai thì không biết, chỉ biết vài năm sau thì cô lên xe hoa với ... thầy hiệu trưởng.

Đến năm đệ tứ, chúng tôi lại "học siêng" môn sử địa, môn nầy do cô Hoàng Thị Đàn Hội dạy. Cô người Huế nói giọng Huế rất dễ thương làm "bọn trẻ" mê mẩn tâm thần. Tiếc rằng cô dạy có một năm rồi đổi về Sài Gòn. Nói chung các thầy cô giáo Trịnh Hoài Đức dạy rất hay, vì thường học giỏi mới được bổ nhiệm về Trịnh Hoài Đức là trường gần Saì Gòn nhứt so với các tỉnh khác. Thầy Đặng Thanh Châu, Bùi Thế San (Vạn Vật), thầy Trần Bá Hổ (Lý Hoá), Thầy Nguyễn Minh Châu (Toán), Phạm Đức Liên (Sử địa), Lê Tấn Lộc (Triết) ... là những thầy dạy nổi tiếng cả ở Bình Dương lẫn Sài gòn.

Hiệu Trưởng Trịnh Hoài Đức sau thầy Lục là thầy Lê Tấn Lộc, rồi Nguyễn văn Phúc. Thầy Lộc là người đã tổ chức nhiều sinh hoạt như cắm trại Vũng Tàu, Chùa Hội Khánh.. Thầy rất gần gũi với học sinh và có nhiều sáng kiến. Năm tôi học lớp 11, trường Trịnh Hoài Đức thực hiện được một Đại Nhạc Hội mùa xuân và một chương trình văn nghệ trên đài truyền hình. Tất cả là nhờ tài ngoại giao của thầy. Đội bóng chuyền của Trịnh Hoài Đức dưới sự dìu dắt của thầy ĐoànPhế từng đoạt nhiều giải thưởng trong tỉnh cả về học sinh lẫn người lớn. Đội bóng đã từng hạ đội Trường Công Binh nhân một ngày liên hoan ngay trong Trường Công Binh Bình Dương. Qua chương trình phát triển sinh hoạt học đường (CPS) do thầy Nguyễn trọng Nhượng phụ trách, chúng tôi lại có dịp đi Đà Lạt cuối năm lớp 11, nhờ đó thăm Nha Địa Dư Quốc Gia và Trường Võ Bị Đà Lạt.

Ở Trịnh Hoài Đức, chúng tôi không những học văn hoá mà còn học được cách suy nghĩ như một người lớn, học cách "tự học", và tham gia các hoạt động xã hội như cứu trợ nạn lụt, giúp đồng bào chiến nạn từ Bình Long năm 1972 vào mùa hè đỏ lửa.

Năm lớp 12 có lẽ là năm "lộn xộn" nhất vì tụi tôi học ban B (chỉ có một lớp ban B duy nhất) nên đâm ra hơi kiêu ngạo. Học thì rất giỏi (cuối năm đó có tới 4 người đậu vào trường Kỹ Sư Phú Thọ, 1 người đậu vào Đại Học Sư Phạm trong số 30 học sinh), sinh hoạt cộng đồng rất hăng, như đã quyên được trên 5.000 đồng cứu trợ nạn lụt Miền Trung, nhưng cũng dễ nông nổi. Điển hình là vụ rải truyền đơn chống thầy Nguyễn Bé Tám. Thầy dạy nhạc nhưng về sau làm giám thị, đôi khi la rầy học sinh hơi quá đáng nên bị "mấy ông thần" lớp (12 B) rải truyền đơn nói xấu. Vụ nầy phải hỏi Nguyễn Hoàng, hiện ở Úc và Liêu Bữu Khương, hiện ở Mỹ thì rõ. Năm đó thầy Phúc làm hiệu trưởng. Ông chỉ họp cả trường lại rồi la rầy chớ không báo cho cảnh sát vì chỉ là chuyện nội bộ. Hú vía cho mấy ông "thần" học trò trẻ người non dạ.
 
Về giám thị, tôi còn nhớ Trường Trịnh Hoài Đức có một thầy Tổng Giám Thị rất siêng năng là thầy Nguyễn Đức Viên (học trò gọi là thầy Ba Viên). Thầy ở Sài Gòn mà đi làm rất sớm. Thầy tới trường trước cả học sinh và đứng ở văn phòng nơi chúng tôi vào trường. Cô cậu nào mà thiếu phù hiệu hay ăn mặc lôi thôi thì thầy nhắc nhở. Còn ai đi trễ thì bị thầy gọi laị nói chuyện. Thầy không la rầy gì nhiều nhưng bị đứng lại nói chuyện với thầy thì cũng "quê" lắm. Vậy mà có một cô học sinh (cô chớ không phải cậu, nhưng tôi quên tên rồi) sáng nào cũng đi trễ và bị gọi lại để nhắc nhở. Không biết cô ta có cố ý làm như vậy hay không. Bây giờ nhớ lại chuyện nầy tôi thấy thương thầy Viên quá.

Ngoài việc học trường công, năm nào tôi cũng đi học thêm. Lúc ở tiểu học thì học trường Trí Đức, Văn An ... Trung học đệ nhứt cấp thì học Bồ Đề (do thầy Nguyễn Kim Long dạy toán). Trung học đệ nhị cấp thì học Nguyễn Trãi (do thầy Phạm Ngọc Em dạy Lý Hoá, thầy Võ Kim Lân dạy Pháp Văn)... Học thêm có lợi là giúp học sinh không quên bài trong kỳ hè và biết trước kiến thức sẽ học trong năm tới . Như tôi, mùa hè học toán thầy Long rồi thì khi vào học chính khoá tôi không cần học toán nữa mà vẫn có điểm cao, còn học Pháp Văn với thầy Lân rồi thì vô trường khỏi cần học cũng làm bài được. Năm 1972, khi thi Tú Tài 2,  tôi làm bài Pháp Văn (sinh ngữ 2) được 19 điểm. Tất cả là nhờ công của thầy Lân.

Những năm trung học cũng là những năm bắt đầu biết mộng mơ, biết thầm yêu trộm nhớ. Nhưng vì cái giấy hoản dịch lúc nào cũng như tấm bùa hộ mạng nhắc nhở học trò thời chiến phải rán học nên ngay cả tình yêu cũng phải hoản lại. Thêm vào đó, học trò tỉnh nhỏ cũng nhát hơn nên nhiều khi bâng khuâng mà không dám nói. Đôi khi chỉ vì một cái nhìn, một câu nói của người bạn gái mình thầm thương mà thổn thức, và nhiều khi nằm mơ thấy "nàng" với những yêu thương thật nồng thắm. Người đẹp trong trường và trong tỉnh Bình Dương ở thập niên 1970 có: chị Xuân Mai, Minh Lan, Xuân Diệu, chị Lan (ở Lái Thiêu), Nguyệt (con ông chủ rạp hát Bình Minh), Trương thị Tuyết Đông, Nguyễn hữu Hiệp (con ông dân biểu Nguyễn Hữu Hào), Trần thị Bạch Vân, Võ Ngọc Lan Chi, Thuỳ Linh, Lê thị Hoàng Mai (con ông chủ trại cưa Đồng Phát), Lê thị Phùng, Nông Thị Ngọc Liễu, Lý thị Nhi, Hồ thị Liên Hoa... ... Mấy cô nầy đã làm cho nhiều cậu trai như Từ Minh Thạnh, Lê Quang Phước, Dương Tiểu Nam và bản thân người viết ... phải thất điên bát đảo vì thầm yêu trộm nhớ. Tình học sinh thật êm đềm và thơ mộng nhưng ít khi thành. Tôi thấy mấy cô ấy đẹp thì thích nhưng không dám tỏ tình. Đúng là nhát như thỏ đế. Mãi sau nầy khi gần tốt nghiệp đại học tôi mới thật sự có người yêu, mà lại không phải là người Bình Dương. Người  Đẹp Bình Dương đối với tôi đúng là chỉ có duyên mà không nợ ...

Nhớ lại những ngày còn đi học, lòng tôi lại nao nao về những tình cảm thời học sinh, đồng thời mới cảm thấy đào tạo một con người thật là khó khăn và tốn kém. Biết bao công lao của cha mẹ và thầy cô đã bỏ ra để cho ta có kiến thức như hôm nay. Viết những trang nầy tôi kính dâng lên quý thầy cô những lời cảm ơn chân thành nhất. Công ơn của quý thầy cô, tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Với các bạn hữu ngày xưa, bây giờ chúng ta đã hơn năm ... "bó" rồi. Nhắc lại chuyện xưa cho vui chớ chẳng có ý trêu chọc hay nói xấu ai. Do đó, nếu có điều chi sơ suất mong các bạn thông cảm và đừng có rủa kẻ hèn nầy là vô duyên vì:

"Bạn lòng hởi, trong cuộc đời học sinh ai không ghi một hình bóng ..."
(Lưu Bút Ngày Xanh - nhạc của Thanh Sơn)./.