Thư của GS Nguyễn văn Phúc gởi cho GS Lê tấn Lộc (12/2009)


Anh Lộc thân mến,

Như anh đã biết, cách đây mấy hôm - là cái hôm anh nhận được tin báo từ Hùng (tức Chu Ngạn Thư, chồng của Kim Anh) - tôi nhận được tin ông Trầm, người tùy phái cũ của chúng ta, cũng là mẫu người tiêu biểu nhất của THĐ xưa đã qua đời. Tối hôm đó tôi đến thăm gia đình, cũng là để vĩnh biệt một con người rất đỗi thân thương và cũng rất đáng trân trọng (về nhân cách, tất nhiên), mà gần 40 năm qua, từ sau ngày 30-04-75, tôi không có được một thông tin nào là đang ở đâu và còn sống hay đã mất. Tối hôm đó tôi mới biết - lần đầu tiên sau gần 40 năm - là, tuy không còn ở chỗ cũ nhưng gia đình ông ấy đã quay về sống gần khu vực Cầu Ngang, không xa chỗ ở cũ là bao. Điều đáng vui mừng hơn nữa là gia đình ông ấy, với mười người con, mà hầu hết đều trưởng thành từ THĐ, đã vượt qua được mọi thử thách của thời gian và hoàn cảnh, vẫn còn đông đủ và vẫn sống rất tử tế. Điều này hiếm có ở Việt Nam sau cuộc chiến vừa qua. Đặc biệt là bà Trầm - người phụ nữ chân quê ngày xưa vẫn chăm lo bữa ăn trưa thật chu đáo cho anh em chúng ta, như một người quản gia nhân hậu - tuy già yếu, do tuổi tác và lam lũ, nhưng hãy còn rất minh mẫn và hồn hậu, vẫn còn nhớ rõ các diễn biến, các sự việc khó quên của những ngày tháng khó thể nào quên được đó của THĐ xưa.

Tối hôm đó, do quá xúc động, vì cả hai, bà ấy cũng như tôi, đều ngỡ rằng không bao giờ còn có ngày gặp lại nhau, đã nói chuyện với nhau rất lâu, mặc dù mấy hôm ấy sức khỏe của bà ấy không được tốt và lúc ấy trong nhà rất đông người.

Cũng ở đó, buổi tối hôm đó tôi được biết nhiều người trong số những con người của THĐ cũ đã đến thăm viếng trước tôi, kể cả những người ở xa như cô Xuân (Y tế THĐ) từ Thủ Đức, Thơm (Đặng Văn Thơm) từ Long An…

Trong tâm trạng xúc động bồi hồi, khi về đến nhà tôi gọi điện thoại cho Hùng nhờ nhắn mail cho anh biết tin kèm theo số điện thoại nhà bà Trầm để anh có thể gọi về thăm hỏi. Cũng trong buổi tối hôm đó trên đường về nhà tôi đã suy nghĩ miên man về bao nhiêu chuyện và chợt nhận ra mấy điều mà suýt nữa mình đã để cho nó trôi tuột vào bóng tối hun hút của thời gian.

Thứ nhất: Cách đây còn chưa lâu, đã có một thời anh em mình được sống những ngày thật tươi đẹp và tràn đầy hy vọng, cùng làm một công việc thật đáng tự hào và điều quan trọng hơn hết là luôn nhận được sự cộng tác, trợ lực của thật nhiều những con người quá đỗi tuyệt vời. Những con người quý hóa đó, những Phạm Ngọc Em, Ngô Thành Tươi, Trần Thị Hương, Hồ Minh Hoàng, Đặng Văn Thơm, Nguyễn Thị Cang, Đoàn Văn Vượng, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Bé Tám, Nguyễn Thị Lệ Thu, Nguyễn Thị Kim Anh, những Trần Khắc Cung, Lê Đức Cửu, Võ Thị Muôn, Nguyễn Văn Mẹo, Trần Bá Hổ, Phạm Minh Châu, Nguyễn Trọng Nhượng, Đoàn Phế, Phạm Đức Liên, Bùi Thế San… và bao nhiêu những con người đáng thân mến khác, từ công việc họ làm đến tác phong phục vụ, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức… tất cả đều đáng trân trọng và ngợi khen dù họ ở bất cứ vị trí công tác nào. Chúng ta chưa một lần nào thất vọng về họ, chúng ta cũng chưa hề nghe họ phàn nàn hay yêu sách bất cứ một điều gì cho riêng bản thân họ. Cho đến hôm nay tất cả những người đó đều xứng đáng có một tượng đài tôn vinh, dù lớn dù nhỏ, trong khuôn viên trường THĐ, bên cạnh tượng đài danh nhân Trịnh Hoài Đức hiện nay. (Hiển nhiên là cho đến nay các thế hệ học sinh THĐ và nhân dân tỉnh Bình Dương còn nợ ông Trương Văn Di, vị hiệu trưởng huyền thoại của trường thời kỳ đầu (1956-1963) một tượng đài trang trọng như vậy!).

Điều tiếp theo tôi muốn nói là bản thân tôi cảm thấy vô cùng có lỗi và nợ những người vừa nhắc đến ở trên, cả những người còn sống lẫn những người đã mất, một món nợ tinh thần rất lớn. Bởi một lẽ rằng tôi là người duy nhất có thể nói lên một điều gì đó để cho tất cả mọi người (đặc biệt là cho những thế hệ mai sau) biết về những con người đáng được mọi người mang ơn và tôn vinh, bởi những cống hiến tận tụy, hào phóng và cao thượng của họ. Vậy mà mấy mươi năm qua kể từ sau ngày lịch sử sang trang, tôi vẫn im lặng, không có một lời nào hay có bất cứ một việc làm nào dù nhỏ nhặt, khả dĩ làm ấm lòng những con người đã từng cùng với mình trải qua những tháng  ngày vinh quang cũng như cay đắng.

Tôi thật sự hối tiếc về những gì đáng lẽ ra tôi đã phải làm, ít ra là để cho mọi người thấy rằng những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta làm được cho Đời, những gì thuộc về Chân lý, về cái Thiện, cái Đẹp không bao giờ mất đi, không bao giờ vô ích, và dĩ nhiên không ai có thể phủ nhận nó, dù họ nhân danh bất cứ điều gì.

Những lời nói này của tôi hôm nay tuy có muộn màng nhưng chưa phải là quá trễ. Trong một chừng mực nào đó những lời này cũng góp phần khẳng định một sự thật, mang vóc dáng của một chân lý: Từ hơn nữa thế kỷ qua trường THĐ đã có một vị trí không ai có thể phủ nhận, trong trái tim và khối óc của mọi người, đặc biệt là những ai từng có ít nhiều dính dáng đến Bình Dương, Búng, Lái Thiêu. Mà trong lịch sử đã xuất hiện và trưởng thành một ngôi trường vẻ vang như vậy, thì những ai đã góp phần làm nên sự vẻ vang và bất tử đó sẽ được lịch sử ghi nhận và biết ơn mãi mãi dù đó là những đóng góp âm thầm của những con người vô danh.

Thư đến đây đã khá dài, xin hẹn anh thư sau.

Về việc đưa phân ưu lên báo hay lên mạng, tôi cho rằng như thế không thực tế lắm, chỉ cần gọi điện thoại trực tiếp chia buồn với gia đình là đủ (ĐT nhà bà Trầm:06503.720381)
Tuy nhiên, nếu anh vẫn giữ ý định gởi phân ưu lên mạng hay lên báo thì tôi sẽ cung cấp cho anh mọi dữ kiện cần thiết.

Thân ái.

Nguyễn Văn Phúc.