Thi vào đệ thất trường Trịnh Hoài Đức.

Từ Minh Tâm


Gần đây, có chị Kim Nên ở Texas và chị Minh Lan ở Canada qua Cali chơi và có ý muốn họp mặt cựu học sinh Trịnh Hoài Đức. Qua việc liên lạc các cựu học sinh Trịnh Hoài Đức đang sống ở Cali,  tôi mới biết là cựu học sinh Trịnh Hoài Đức ở đây ít quá. Nguyên nhân là muốn vào học trường Trịnh Hoài Đức thật không dễ dàng gì. Bởi vì chúng tôi đã phải vượt qua một cửa ải thật trần ai: đó là kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất. Bây giờ xin kể chuyện học và thi vào đệ thất của tôi ...

Năm 1965, cả tỉnh Bình Dương có vài ngàn học sinh đang học tiểu học. Sau khi hoàn tất lớp Nhứt thì chúng tôi hoàn tất chương trình tiểu học mà không phải thi Tiểu Học như hồi xưa. Bây giờ chúng tôi có hai lựa chọn: thi vào trường An Mỹ (xa và không an ninh) hay thi vào trường Trịnh Hoài Đức. Cả hai trường sẽ chọn khoảng 400-500 học sinh. Riêng Trịnh Hoài Đức năm 1965 tuyển 5 lớp đệ thất tức khoảng 250 học trò. Tỉ lệ thi đậu vào trường công chắc ở khoảng 10 lấy 1.

Năm lớp Nhứt tôi đang học trường Nam Châu Thành. Nhưng lúc nầy phải đi học tận trong Cây Sao Quỳ, kế bên văn phòng Quận vì trường Nam ở gần Nhà Thờ đã hết chỗ. Phòng ốc phải dành cho các lớp nhỏ hơn từ lớp Năm lên tới lớp Ba mà thôi. Lên tới lớp Nhì là phải đi học xa thêm mấy cây số.

Đã vậy mà phải học một ngày hai buổi mới mệt chớ. Buổi trưa được nghỉ khoảng 2 tiếng để về nhà ăn cơm. 1:30 trở lại trường học tiếp. Học tiểu học mà cực quá !!!

Sau khi hết niên khoá tôi đứng hạng nhứt lớp (bạn Lê Thuận Cảnh thứ hai). Tôi được lãnh phần thưởng do chính tay ông Tỉnh Trưởng trao tặng. Năm nào, hai trường Nam và Nữ Châu Thành cũng cùng nhau tổ chức lễ phát thưởng lớn lắm. Lễ nầy có ông Tỉnh Trưởng tham dự đọc diễn văn và có một chương trình văn nghệ rất hay (nhờ cô Phú, thầy Thu và nhiều thầy khác tổ chức). Ông hiệu trưởng trường Nam lúc đó là thầy Nguyễn văn Mãn, còn trường Nữ do bà Đinh thị Phạn làm hiệu trưởng.

Sau khi lãnh thưởng thì chúng tôi lo nộp hồ sơ thi đệ thất. Đây là lần đầu tiên tôi đi chụp hình để làm giấy tờ. Tấm hình 4x6 nầy tôi còn giữ đến ngày nay. Để chọn sinh ngữ. Tôi xin học Anh Văn vì lúc đó người Mỹ đã đến Việt Nam khá nhiều, anh chị trong nhà tuy học Pháp văn nhưng đều khuyên tôi nên học Anh Văn. Ngay cả họ cũng đang lo học thêm tiếng Anh vì tiếng Pháp lúc đó đã mất ảnh hưởng rồi.

Nghỉ hè, chúng tôi không nghỉ học mà tiếp tục luyện thi. Một nhóm bạn gồm Tâm, Cảnh, Sơn, Hà ... tiếp tục đi học thêm ở nhà Thầy Vân trong xóm Bưng Cải để chuẩn bị thi vào lớp đệ thất. Chương trình thi gồm ba môn: Câu Hỏi Thường Thức (lịch sử, địa lý, cách trí, vệ sinh ...), Luận Văn, và Toán. Thú thật hồi nhỏ, tôi chỉ học tà tà theo đúng sách vở và làm đủ bài vậy thôi chớ không cố gắng gì cho lắm.

Về môn toán, chúng tôi học theo cuốn 666 Bài Toán Đố. Phần buôn bán, tính tiền theo tỉ lệ hoặc hình học thì tôi khá, còn hai phần toán Giả Thử và Đồng Hoá thì mù tịt (tới bây giờ cũng không hiểu cách giải toán theo hai phương pháp nầy). Thầy Vân cũng không nhấn mạnh hai loại toán nầy vì nó quá khó, ông nghĩ là không bao giờ người ta lại hỏi tới. Mà có dạy thì chắc học sinh cũng chẳng hiểu. Đó là một sai lầm.

Môn luận văn thì chúng tôi học tủ về cách làm các bài bình luận như bình luận câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” .... sau nầy đi thi cũng trật tủ luôn.

Môn Câu Hỏi Thường Thức thì chỉ là học thuộc lòng nên tôi không ngán vì tôi siêng năng. Tôi học bài thuộc đến nổi khi nói tới câu nào là nhớ như in cả trang sách, cách trình bày ... Đúng là học từ chương, thuộc bài như ... cháo. Lâu lâu ông anh lại khảo bài. Ổng lật sách ra bất kỳ trang nào rồi hỏi tôi. Tôi đọc xuôi rót. Chắc ổng nghe đã lỗ nhỉ lắm nên ổng chỉ hỏi sơ rồi ... đi nhậu với bạn bè.

Tới ngày thi, tôi được xếp đi thi ở trường Nghĩa Phương.

Buổi sáng thi Câu Hỏi Thường Thức và làm Luận Văn. Như đã nói ở trên, phần Câu Hỏi Thường Thức tôi làm ngon lành từ đầu tới cuối. Bài luận thì trật tủ vì người ta ra để là : ”Em hãy viết một lá thư để thăm hỏi một người bạn bị bịnh”. Tuy trật tủ nhưng sẵn “thông minh có thừa”, tôi cũng viết được một thư dài hơn một trang giấy.

Phần thi buổi chiều mới te tua. Đề toán gồm hai bài, một bài hình học thì tôi làm hoàn hảo. Bài thứ hai là bài về “Giả Thử” là thứ mà tôi tịt. Do đó ngồi làm xong bài hình học rồi thì “bí” riết cho tới khi hết giờ thì nộp bài mà lòng buồn rười rượi.

Chiều hôm đó trời mưa lâm râm, ra về mà lòng buồn quá vì làm bài không được. Lại bị ông anh chưởi là học dở nên chán đời hết sức. Tôi cứ lo là nếu mình rớt phải đi học trường tư thì cha mẹ tốn tiền nhiều lắm. Gia cảnh mình không khá giả gì, không biết việc học tương lai của mình rồi sẽ ra sao ? Tánh tôi là như vậy. Mới hết Tiểu Học mà đã lo xa quá. Bây giờ già rồi cũng vẫn còn lo xa, và ăn xài rất tiết kiệm. Mấy người bạn Mỹ trong sở cứ cười hoài. Họ nói: "Mầy già thì có chánh phủ lo hơi đâu mà hà tiện !". Nghe cũng có lý, nhưng đã thành tật rồi, khó sửa lắm.

Tôi hơi lạc đề rồi. Xin trở lại chuyện thi cử. Thi xong tôi không dám đi coi kết quả vì sợ ... rớt. Vậy mà, vài tuần sau bạn bè đi coi kết quả về báo là tôi đã thi đậu vào đệ thất. Tôi mừng quá. Bây giờ mới hết lo. Thật ra, tại tôi hơi quá bi quan chớ đây là kỳ thi tuyển, đề thi khó thì ai cũng không làm được chớ không phải một mình tôi. Tôi chỉ cần làm tốt bài Câu Hỏi Thường Thức và Luận Văn là đủ điểm rồi. Hầu hết các bạn khác học khá cũng đều thi đậu. Như Lê Thuận Cảnh (đậu vào trường An Mỹ), Lê Quang Phước, Trần Công Hảo, Huỳnh Francoise, Sơn, Hà ... đều đậu vào Trịnh Hoài Đức. Em chú bác của tôi là Từ Minh Thạnh cũng đậu vào năm nầy cùng một lượt với chúng tôi sau khi bị rớt một lần năm ngoái.

Tháng 9 năm 1965, tôi tựu trường vào đệ thất trường Trịnh Hoài Đức. Đó là một niềm vui, một hạnh phúc thật lớn của tôi. Từ đây, tôi được gặp những bạn mới. Họ học rất giỏi khiến cho tôi phải siêng năng hơn. Mấy năm sau tôi mới theo kịp họ và  sau đó thì ... qua mặt để chiếm hạng nhứt lớp từ năm đệ ngủ trở đi. Được vào học Trịnh Hoài Đức, tôi được học những thầy cô thật giỏi nhờ đó tôi có căn bản tới bây giờ. Tôi nhớ nhứt là những thầy dạy Anh Văn như thầy Huỳnh Ngọc Anh, Đặng trần Hào, thầy Lâm, thầy Đinh Đức Vượng, cô Hà Thị Liên ...

Nhắc lại chuyện thi đệ thất vào Trịnh Hoài Đức để bạn (những CHS THĐ) cùng tôi hãy tự hào là chúng mình thuộc lớp giỏi đã từng ... hạ bao nhiêu người khác để được vào học trong một trường công lập nổi tiếng của tỉnh nhà.

Đó không phải là tự kiêu là là một ... tự hào chính đáng phải không bạn ?

(7/09)