Theo áng mây trôi

Sầu Riêng



(Gửi chút tình cho trường cũ người xưa của Trịnh Hoài Đức)

Giống như người lữ hành trên dặm đường dài, tâm trí còn mải mê với cảnh vật mới lạ, đầy quyến rũ, cứ đi, đi mãi... cho đến lúc nào đó cảm thấy mỏi mệt, dừng chân nhìn lại nơi đã từng đi qua, từ xa xâm đó từng cơn gió nhè nhẹ thổi về, làm lao xao những kỷ niệm của một thời mới lớn.

Thửơ ấy vào giữa thập niên 60, tôi thi đậu vào Trịnh Hoài-Đức, một trường trung học công lập lớn nhất trong tỉnh Bình-Dương. Quê tôi ở Lái-Thiêu, một quận lỵ nhỏ, tuy gần Sài-Gòn hơn Bình-Dương nhưng dân cư thưa thớt và nhà quê hơn. Tôi cũng vậy, nhút nhát và ngây ngô hơn nhiều bạn cùng lớp ở tỉnh lỵ. Từ năm đệ thất cho đến đệ tứ, tôi chỉ chơi thân với vài bạn trong lớp sinh ngữ Pháp văn như mình. Cứ mỗi buổi sáng đi học, tôi phải cuốc bộ ngang qua một khu phố chợ dài đến trạm xe đứng chờ cùng với nhiều học sinh khác, để đón chuyến xe đò từ Sài- Gòn lên Bình-Dương chạy qua Lái-Thiêu. Nhiều khi xe đến nơi thì đã chật ních, bọn học trò con trai chúng tôi phải cố gắng chen lấn lên chiếc xe cá hộp, có khi  một tay ôm lấy càng xe, một tay ôm cặp, bất chấp lời la hét của anh lơ xe, cứ thế đu đưa trên đoạn đường dài năm sáu cây số cho đến lúc tới cổng trường mới xuống trả tiền xe được. Có những ngày xe đò đến quá trễ, chúng tôi phải đi kiếm xe lam ba bánh đến trường nhưng xe chỉ đến trạm ở chợ Búng và bọn học trò lại phải lội bộ hơn một cây số nữa mới đến trường.

Ngày đó, trường nam THĐ nằm trên quốc lộ 13, chung quanh toàn đồng ruộng, còn trường nữ thì gần chợ Búng hơn nhưng cũng phải lội bộ vào hơi xa. Trường nam có hai dãy nhà, dãy chánh có hai tầng, gồm phòng Giám Thị, phòng giáo sư và các lớp học. Một dãy phòng học trệt khác nằm xa hơn gần hàng rào kẽm gai. Riêng văn phòng thầy Hiệu Trưởng và Giám Học như một ngôi nhà nhỏ nằm gần cổng. Gần trường bên kia đường chỉ có một ít hàng quán và nhà dân chúng. Chợ gần nhất là chợ Búng, nổi danh với món bánh bèo bì Mỹ-Liên và cứ vào cuối tuần là tiệm ăn đông nghẹt khách từ Sài gòn lên. Mỗi năm sau mùa gặt, nông dân trong vùng thường trồng các thứ huê lợi khác, nhất là sắn dây ở các thửa đất quanh trường. Vào mùa nắng, trời nóng như thiêu đốt mà trường lại ít cây to bóng mát. Học trò chúng tôi vào giờ ra chơi, không lẽ cứ quanh quẩn mãi trong lớp hoặc dưới hành lang có bóng mát, nên nhiều đứa, có tôi nữa, đã lao ra sân tham dự vào các trò chơi thể thao như bóng chuyền hoặc đá banh. Cứ tưởng tượng sau giờ chơi vui, lũ nhóc con ai cũng mồ hôi nhễ nhại, cổ họng khô ran, đứa nào có tiền thì mua một ly chanh muối hoặc hột é giải khát, không có tiền thì uống nước phông tên, và rồi bọn học trò rắn mắt đã nghĩ ra trò đi mót sắn. Thường sau mùa sắn, thửa đất trông trụi lủi, khô khan và nhiều cây dại bắt đầu mọc lố nhố. Lúc đầu chỉ có vài tên học trò, sau trò chơi bắt đầu lan rộng. Giữa ban trưa trời nắng chang chang như thiêu đốt, từng toán nhỏ, quần xanh áo trắng mở hàng rào kẽm gai sau dãy phòng học trệt bước qua các thừa đất khô, bước lom khom và bắt đầu mót sắn. Phải khá tinh mắt mới nhận ra những đọt sắn nhỏ xíu lẫn trong đất. Khi đọt sắn được khám phá và củ đào lên, lột vỏ sạch và ăn ngay tại chỗ thì lúc ấy không còn gì sung sướng hơn cho cậu học trò tuổi nhỏ ! Và chính cái trò mót sắn nầy đã gây ra một vụ đánh nhau giữa những tên học trò tí hon nhưng ba gai với những cậu bé chăn trâu trong vùng. Nhưng cũng may là các thầy đã biết và chận đứng kịp lúc nên đã không có gì đáng tiếc xảy ra và rốt cuộc lũ chúng tôi bị cấm không được ra khỏi hàng rào trong giờ chơi để mót sắn hay kiếm dế đá nữa. Đến đây tôi cần phải mở một ngoặc nhỏ là trong vụ nầy, thầy Em (không phải thầy Giám Học Em) khi nghe chuyện chúng tôi choảng nhau, thầy cười có vẻ thích thú (và đồng loả ?) chứ không la mắng chúng tôi. Thầy Em dáng người hiên ngang, khoẻ mạnh, hay đòi kéo tay với ông bạn Xuân của tôi và sau nầy được chúng tôi tặng cho biệt danh là ông thầy Libido khi học môn Triết với thầy. Thườ ấy những người bạn thân mới của tôi thường ở xa như Thạnh, Quế ở Bình-Dương, Quyền, Xuân ở chợ Búng, gần nhất thì có Thông ở Bình-Nhâm. Sau nầy lại có thêm những bạn khác như Hoàng, Nam, Tâm cũng ở Bình-Dương. Ngay Lái-Thiêu thì tuy có biết những bạn khác như Thành, Minh, Chương, Đức nhưng vì khác lớp nên không có dịp làm thân. Lại nữa vì hồi đó tôi còn nhút nhát và khờ khạo, chỉ thích ở nhà đọc truyện, việc chơi thể thao như đá banh, bóng chuyền và bóng bàn thì cũng xoàng nên không có dịp làm thân với nhiều bạn khác.
Hồi đó có thầy Viên làm giám thị, tuy thầy đã hơi có tuổi nhưng sức khoẻ vẫn còn khá. Bằng cớ là thầy hay mang giày ba-ta trắng để đi hoặc chạy cho nhanh và mỗi sáng hay ra đứng trước cổng hoặc đi vòng quanh trường trong giờ chơi để kiểm soát phù hiệu và đồng phục của học sinh như áo phải bỏ trong quần, phù hiệu phải mang hoặc may dính trên túi áo. Năm đó lớp tôi được học môn Vật-Lý với thầy và tôi còn nhớ mãi buổi sáng đó sau khi chào cờ xong, giờ học về con lắc bắt đầu sớm, tuy đang đứng dạy trong lớp nhưng mắt thầy vẫn thỉnh thoảng nhìn ra cổng.  Cả lớp đang chăm chú nghe thầy giảng ... Trời nóng con lắc nó dài ra, trời lạnh con lắc nó co lại ... rồi thình lình thầy bỏ lớp chạy ù ra phía cổng trường trong sự ngơ ngác của lũ học trò. Tò mò cả lớp đứng nhìn theo thì thấy hai ba tên học trò đang đi rón rén vào cổng, bỗng nhiên đứng khựng lại rồi bỏ chạy ngược ra khi nhìn thấy thầy Viên đang vừa đi vừa chạy đến gần. Thì ra đó là những cậu học trò ba gai, không thích bỏ áo vô quần hay không thích hoặc quên mang phù hiệu, đã đến trường sớm nhưng không dám vào ngay, ngồi ở quán bên đường chờ giờ học bắt đầu mới tà tà lén lút đi vào để tránh thầy Giám Thị, còn có biệt danh là thầy Ba Viên. Không tóm được cậu nào, thầy trở vào lớp dạy tiếp ..trời lạnh con lắc nó dài ra (hay co lại ?), trời nắng con lắc nó co lại (hay dài ra ?).. trong khi miệng đọc mà mắt vẫn nhìn ra cổng, và chúng tôi đã có được một dịp cười không quên.

Năm đệ tứ, giờ Việt văn, chúng tôi được học Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du với cô Kiệm (?). Cô trông rất duyên dáng nhưng cũng khá nghiêm khắc. Thỉnh thoảng cô hay gọi vài học trò lên trả thuộc lòng một đoạn thơ nào đó. Trong lớp đã có vài anh học trò chuẩn bị làm người lớn, bắt đầu để râu mép và tập tành uống la-ve hoặc rượu nếp than. Lần đó anh Thành trưởng lớp, chững chạc, đẹp trai, ăn mặc bảnh bao, được (hay bị) kêu lên trả bài. Khổ nỗi trước đó trong giờ chơi, hình như anh đã được nhấm nháp một chút rượu nếp than do tên nào lén lúc mang vào nên đến lúc mang tập lên bàn cô trả bài, anh cứ đứng cười chúm chím và mặt thì đỏ hay hay. Vài đứa trong lớp biết chuyện anh say nên bắt đầu cười khúc khích. Anh chầm chậm trả bài, đọc đến hai câu...Sè sè nấm đất bên đường, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh... thì bỗng nhiên bị tịt và điệp khúc ..sè sè ... đã được lập đi lập lại nhiều lần. Than ôi, câu thơ tượng hình đó đã làm tâm trí chúng tôi đi hoang, tưởng tượng đến những hình ảnh về việc Thuý Kiều đang làm, hoàn toàn khác với ý cụ Nguyễn Du và cứ thế chúng tôi gục mặt xuống bàn, ôm bụng cười đã đời.

Cũng năm đệ tứ, môn Sử-Địa lớp tôi do cô Đàn-Hội người Huế phụ trách. Tên cô nghe hay hay, dáng đi tha thướt, giọng nói nghe lạ tai và thật êm ái. Vì thế, dù không thích môn nầy lắm nhưng đến giờ cô thì không anh nào chịu cúp cua, ngồi nghiêm chỉnh chăm chú nghe giảng bài và ngắm cô. Có lần chúng tôi nghĩ ra một trò phá cô bằng cách rũ nhau bỏ trốn sang lớp trống bên cạnh, chỉ để lại hai ba đứa. Vào đến lớp thấy vắng teo, chắc cô đã nghĩ là đám học trò chúng tôi không thích học giờ của cô nữa nên đã bỏ lớp đi về. Phần bọn tôi ở phòng kế bên cứ lâu lâu thò đầu qua nhìn, đến khi thấy cô rời lớp đi xuống văn phòng thì cà bọn chạy túa ra kêu um sùm. Lúc cô quay trở vào lớp dạy thì thấy hình như ánh mắt hơi ướt. Tôi đoán chắc là dạo đó đã có vài anh học trò lớn trường tôi đã tập .. làm học trò nhưng không sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ ...

Lên đến đệ tam thì theo truyền thống trường có nhận thêm một số học sinh xuất sắc của các trưởng tư thục trong tỉnh như Nghĩa Phương, Nguyễn Trãi v.v...hoặc đổi từ trường công lập đệ nhất cấp ở Phú-Giáo về. Tôi lại biết thêm một số bạn khác như Nam, Bình, Tâm, Gao, Tới v.v...Năm nay học sinh chúng tôi phải quyết định chọn Toán (ban B) hay Vạn-Vật (ban A). Đa số nữ sinh chọn ban A nên những cô học trò nào thích Toán thì phải qua học bên trường nam và từ đó nhiều chuyện lộn xộn đã bắt đầu xảy ra.  Ở đệ nhị cấp thuở đó, môn Vạn-Vật mà được học với thầy San là tuyệt ! Cách giảng giọng bắc của ông rất rõ ràng mạch lạc, lại tếu tếu nên học trò ai cũng thích. Gần đến ngày thi Tú tài, thầy bảo chúng tôi lên nhà riêng vào cuối tuần để ôn bài thêm. Môn Việt văn thì có thầy Phước, hiện giờ là nhà văn Võ Kỳ-Điền. Những bài giảng về văn chương, thơ  phú của thầy thật là hấp dẫn. Nhà thầy ở tận Bình-Dương nên các bạn của tôi ở tỉnh may mắn hơn là đã có được dịp đến thăm thầy và nghe chuyện văn chương vào dịp giao thừa. Ở lớp đệ tam, lần đầu tiên tôi được dịp đi cắm trại ngũ lại đêm với các bạn cùng trường ở  chùa Hội-Khánh. Bên ánh lửa trại, thầy Cao đã tận lực chỉ chúng tôi các trò chơi ngoài trời của Nghĩa Sinh, Hướng Đạo...Bài hát thầy dạy đêm nào vẫn còn văng vẳng đâu đây...Ta ra thăm đồng đêm tối không trăng sao...Trăng lên cao cao, cao cao gió đưa vi vu... Nhờ đó mà tôi trở nên dạn dĩ hơn và cũng tập tễnh bắt chước các bạn chọc gái nhưng vẫn là thằng nhút nhát nhất trong đám bạn thân.

Năm đó khi nghe tin là sẽ được học với thầy Em môn Triết, lớp chúng tôi ngạc nhiên vô cùng. Thầy trông người rất lực sĩ, võ biền, không giống với trí tưởng tượng của học sinh để dạy môn nầy. Thầy hay gọi học sinh chúng tôi là mầy và xưng tao như bạn bè ngang hàng. Trong lớp tôi bấy giờ có Xuân dáng to con và có học võ nhu đạo, biệt danh là Xuân mập. Thỉnh thoảng thầy vẫn thách Xuân kéo tay để xem ai mạnh hơn. Nhờ sự thân mật và vui vẻ của thầy nên môn học đở khô khan hơn, nhất là có nhiều câu hỏi hóc búa có tính cách triết lý của bạn Tâm, và những thắc mắc có liên quan đến cái Libido của con người. Và từ đó lớp tôi đặt cho thầy biệt danh là ông thầy Libido.

Không rõ bắt đầu từ năm nào, hàng năm trường có tổ chức văn nghệ mừng Xuân. Thầy Bé Tám được phụ trách việc chọn lựa các nữ sinh từ trường nữ để thầy huấn luyện việc múa và hát. Những năm trước chúng tôi đã có dịp được học môn âm nhạc với thầy. Có lần trong giờ học thầy hát cho chúng tôi nghe bài nhạc Người con gái Việt Nam Da Vàng, bản nhạc mới ra lò của Trịnh Công-Sơn và nước mắt thầy đã âm thầm chảy theo từng lời ca. Tâm hồn tôi đã gắn bó với đất nước mến yêu trong nhiều năm tha hương cũng chính nhờ những điệu nhạc đầy tình tự quê hương của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Chổ để thầy tập hát cho nữ sinh nằm trong dãy phòng thí nghiệm đã bỏ trống nhiều năm và các cửa luôn được đóng kín để tránh sự tò mò của đám nam sinh mới lớn hay phá phách như chúng tôi. Hôm đó, tôi và vài bạn chịu hết nổi với tính tò mò của mình, lén đi vòng ra phía sau giương mắt nhìn qua khung cửa kiếng bể thì than ôi, thầy Bé Tám đang giận dữ la mắng các cô em gái ngây thơ của chúng tôi. Như thế thì thật là quá quắt, máu anh hùng của bọn tôi đùng đùng nổi dậy. Cần phải nói thêm một trong những nguyên nhân sâu xa cho chuyện động trời tôi sắp kể ra sau đây là vào lứa tuổi mới lớn nầy, những thằng con trai ngây ngô như chúng tôi thấy con gái nào cũng hiền lành dễ thương cả thì cảnh tượng các em mặt mũi buồn hiu hắt, cúi đầu nghe những lời mắng nhiếc nặng nề thì thử hỏi làm sao mình không động lòng cho được. Thêm vào đó là đã hơn hai ba năm qua, tôi đã lỡ ngấu nghiến không biết bao nhiêu là truyện anh hùng trừ gian diệt bạo trong các truyện tàu như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Nhạc Phi, Thuyết Đường v.v... và những truyện lãng mạn tuổi thơ của Duyên Anh, Từ Kế Tường cho nên khi thấy việc bất bình trước mắt thì phen nầy quyết phải ra tay. Sau khi bàn tính với nhau xong, một sáng chủ nhật bọn tôi sáu đứa, Thông, Quyền, Xuân, Hoàng, Nam và tôi đã hẹn gặp nhau tại nhà Nam để quay ronéo một số tài liệu có nội dung phản đối thầy Bé Tám. Bằng phương tiện hết sức thô sơ, chúng tôi đã in được một số truyền đơn viết theo lối chữ in để không bị nhận ra. Sau đó chúng tôi đã kiếm một số quần áo cũ rách mặc để giả dạng, đội nón lá che mặt đèo nhau trên xe đạp xuống trường. Chúng tôi cẩn thận xuống xe đi bộ một khoảng xa, băng vòng qua đường ruộng rồi phá rào ở mặt sau vô trường. Sau đó mấy thằng tôi chia nhau ôm truyền đơn, bụng đánh lô-tô, đi lom khom từ lớp nầy sang lớp khác rải bừa vào. Xong xuôi, cả bọn vội vã chạy ra lối cũ chuồn về nhà Quyền ở chợ Búng, hả hê ăn cơm rồi chia tay.

Tuổi học trò ngày thêm lớn thì chiến tranh cũng trở nên khốc liệt hơn. Mùa hè đỏ lửa, đồng bào tị nạn lũ lượt chạy về tá túc trong những căn lều được vội vã dựng lên ở vùng Phú-Văn. Lũ học trò đệ nhất chúng tôi sống trong lo âu và khắc khoải, một số đã nhập ngũ, số còn lại không biết khi nào đến phiên mình. Học sinh trong các lớp cũng ít đi, phần do thi rớt, phần bị động viên, vì vậy học sinh hai ban Anh và Pháp văn được dồn lại để học chung các môn chính như Toán, Lý-Hoá và Vạn-Vật. Tôi lại làm thân được với vài bạn mới như Tâm, Hảo. Mặc dù năm nay thi tú tài phần hai, nhưng thỉnh thoảng lúc được ra lớp sớm, tôi và vài bạn như Quyền, Thông, Hoàng đã rũ nhau lên trại tị nạn làm các việc như đào lỗ vệ sinh, rải vôi sát trùng hay phụ phát thức ăn cho đồng bào tị nạn. Buổi chiều ra về, chúng tôi sung sướng lội dưới cơn mưa về nhà Quyền và được đãi một bữa ăn tuy đạm bạc nhưng tôi còn nhớ mãi.

Thấm thoát mà đã ba mươi năm trôi qua. Người lữ hành chợt đưa tay dụi mắt. Những chiếc hoa đốm từ từ trôi xa dần trên không rồi lẫn vào áng mây xưa. Bóng trường thân yêu còn thấp thoáng mà người năm cũ nay trôi dạt phương nào ? Trên con đường dài đăng đẳng, có bóng người đang lặng lẽ bước đi.