THÁNG NĂM MÙA TRÁI CHÍN

Lưu Thanh Bình

        1. Khoảng cách từ Sài Gòn đến Lái Thiêu theo Quốc lộ 13 chừng hơn mười cây số. Thật là lý tưởng cho các bạn trẻ thích chơi dã ngoại bằng xe đạp vào những ngày nghỉ cuối tuần. Mùa cây trái bắt đầu bằng những trái mít tố nữ thơm ngon ( khi ăn thì phải chấm muối tiêu), sau đó đến xoài ; trái ngon đầu mùa nằm chểm chệ trên bàn thờ ông bà. Sau những cơn mưa rào, từng giỏ “cần xé” dâu ta – trái tròn màu vàng - và dâu xiêm – trái thuôn dài màu xanh - đua nhau đổ bộ ra đường, mời chào khách thập phương. Ve kêu râm ran hai bên đường, nhắc nhở sĩ tử mùa thi tới gần. Trái chôm chôm chôm có giá không cao nhưng cây xoè tán lá tròn, rất đẹp và màu đỏ chín ( hoặc màu vàng) làm vườn cây thêm rực rỡ. Một vườn cây nếu thiếu chôm chôm là mất đẹp hết một nữa. Và khi các sạp trái cây mọc ra dài dài theo hai bên đường, từ Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Cầu Ngang đến chợ Búng đến tận An Sơn… thì cô nàng đỏng đảnh , hoàng hậu của mùa cây trái từ từ xuất hiện. Sao lại gọi là “ măng cụt ” ? Chị bán trái cây kề chân cầu Ngang cười, trả lời : “Ai biết,thì là măng cụt chứ măng…gì?”. Nhiều nhà vườn có kinh nghiệm cho biết, cuối năm khi tiết trời se lạnh là thời điểm cây măng cụt ra hoa. Càng lạnh thì hoa trổ càng nhiều, kể như năm sau trúng mùa. Còn nếu có vài cơn mưa muộn, kèm theo sương muối vào buổi sáng thì kể như ..toi.

          2. Mùa thi năm 1972, mình thường đến nhà bạn H, ở gần chùa Phước Lộc Thọ để ôn thi cho yên tịnh. Và nếu cần yên tịnh thì ở đâu bằng …trên ngọn cây măng ? Chỉ có lũ ve ve và mình thôi. Võ cây măng sần sùi, có mấu tròn tròn để cho người leo đạp mà leo lên. Nhánh cây bè ngang ra chứ không chỉa thẳng lên ngọn như những cây khác, rất dễ leo nhưng cũng rất dễ té vì có nhiều rêu bám vào võ cây. Việc làm đầu tiên khi mình leo tới ngọn, không phải là mỡ tập học ra đâu, mà là quan sát tìm măng nứt. Đó là những quả măng võ có những đường gân nứt nẻ, tươm mủ vàng ra bên ngoài. Ruột trắng hồng , rất thơm và dòn dòn chứ không mềm nhão. Khi đếm trái giao bạn hàng mua sĩ, nhà vườn thường giữ lại không bán để làm quà biếu. Ruột ăn rồi thì võ bỏ đi đâu ? Chẳng lẽ vứt xuống gốc cho mọi người thấy ? Thế là mình xếp chồng lên ( như xếp chén bát ấy mà), úp vào những chạc ba. Khi tạm ổn cái bao tử thì mắt mình nhíu lại. Thôi thì tạm chợp mắt vậy. Đến khi ý thức trở về nhắc nhỡ lý do tại sao đến đây thì mình bèn quờ tay ra sau, tìm quyển vở cuốn trong lưng quần. Tìm không thấy. Nó ở đâu? Nhìn xuống thì hởi ôi, “nó” nằm chành bành dưới gốc cây từ hồi nào rồi.

          3. Nếu đã có hoàng hậu thì dĩ nhiên phải có vua chứ? Vâng, có đấy nhưng mà ông ta gai góc dữ lắm và có mùi thơm ( hay thum thủm) rất đặc trưng. Và đúng là có phong cách của một ông vua: rơi từ trên cao xuống mái nhà hoặc đầu người ta. Nếu là mái nhà thì “ rảng”. Nếu là đất sình thì “ oạch”. Đầu mùa giá cao ngất ngưỡng nhưng vào giữa mùa thì giá hạ rất nhiều, người bình dân cũng mua được.Các bạn có từng thấy người nào ăn sầu riêng mà không mút ngón tay chưa ? Nhưng sầu riêng cũng có tánh nóng ( chứ không phải nóng tánh), nếu ăn nhiều thì sáng hôm sau ngủ dậy mắt có ghèn là cái chắc. Cuối cùng là dâu “miền dưới” và bòn bon. Khi hai loại này xuất hiện thì cũng báo hiệu mùa trái cây đi vào giai đoạn cuối. Mưa thường xuyên và dai dẵng hơn. Đi chơi vườn cây phải có áo mưa để trải ngồi tâm sự và nếu có mưa thì hai người đứng che một cái áo mưa là đủ rồi. Có khi hết mưa rồi mà “người ta” không chịu bỏ áo mưa ra. Một minh chứng cho sự trù phú của quê tôi : Mùa trái cây cũng là mùa thu hút khách ( chủ vườn ) của mấy tiệm vàng ngoài chợ Lái Thiêu: tiệm vàng Ngọc Thành, tiệm vàng Trương Lý, tiệm vàng Kim Nguyên , tiệm vàng Bảy Tháo. Hồi đó người dân chưa quen với ngân hàng  nên mua vàng trữ cho chắc ăn.

          4. Theo lẽ thường, sự gì đạt tới cực thịnh thì bắt đầu suy. Khi người ta tu sữa cây cầu Ngang bắt qua rạch Búng nối liền Hưng Định và Thạnh Quý ( hay Thạnh Quới)thì cũng xây thêm một lô cốt để thu phí qua cầu, mặc dầu nhà nước cũng chẳng có đầu tư gì mới. Đáng ra, nên khuyến khích người dân chăm sóc tốt vườn cây để thu hút du khách, như miễn thuế nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt hay vốn , giống; nhà nước sẽ thu lại bằng thuế kinh doanh. Quán xá thi nhau chặt chém du khách.Hai ly đá chanh giá hai chục ngàn ( 1990) hay một con gà ta nấu cháo bốn người ăn giá ba trăm ngàn (1995). Có người xót quá, đi khiếu nại với chính quyền thì được khuyên nên hỏi giá trước khi ăn…rồi thôi. Nếu bạn chê sạp này bán mắc, qua sạp gần đó trả giá thấp hơn thì người ta sẽ đồng ý bán ngay, nhưng khi về cân lại thì một ký chỉ còn bảy lạng thôi. Hệ quả thấy liền : đâu phải chỉ Lái Thiêu mới độc quyền giải trí cuối tuần. Còn Suối Tiên , còn Đầm Sen, còn Saigon Water Park nữa chi. Lại nữa mấy khu công nghiệp sau này thải nước ô nhiễm theo kênh rạch ra sông Sài gòn làm cây rụng lá chết dần. Độc hại có thua gì thuốc khai quang. KCN Việt Hương thải theo suối Chòm Sao. KCN VN-Singapore thải theo kênh cầu ông Bố ra sông Chợ, Dacco-Daso thải theo suối Đờn, KCN Đồng An thải theo kênh Ba Bò. Thông lệ,khi chấm dứt mùa trái cây thì nhà vườn thuê người hốt mương, làm cỏ, bồi sình mép mương, đắp gốc và rải phân. Nay cây trái thưa thớt không nuôi sống nổi nhà vườn nên người ta cũng không chăm sóc tốt trở lại cho nó. Dưới mương không còn cảnh cá lội thong dong quanh đám rong nữa*. Nên nhớ chỉ khi môi trường nước tốt thì mới có rong. Trẻ em ít khi được thấy con cá lòng tong, con cá bãi trầu, con cá lìm kìm hay cá sặc lá, nói gì tới cá lia thia, cá phướn. Sầu riêng chở từ Long Khánh về,chôm chôm và mít ở Long Thành qua. Vậy mà khi khách hỏi sầu riêng mới lấy trong vườn ra hả chị thì chị bèn gật đầu cái rụp. Hàng năm cũng có ngày hội trái cây vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch nhưng ở tận ... Suối Tiên ( Thủ Đức ) lận.

5. Có bạn đọc chê trang nhà của Từ Minh Tâm ít hình ảnh quá nên đọc hơi chán. Mình cũng định kèm theo bài này mấy tấm hình chụp cảnh vườn cây Cầu Ngang cho bạn coi chơi, nhưng nghĩ lại thôi thì các bạn cứ tưởng tượng ra đi. Có khi cảnh cũ lại đẹp hơn bây giờ, cũng như mấy cô hoa hậu trường nữ nhà ta bây giờ lên chức mẫu hậu hết rồi. Chấm hết./.



* Nhà văn Bình Nguyên Lộc lấy cảm hứng từ cảnh đẹp của vườn cây Lái Thiêu, có đưa vào một đoạn trong truyện “ Xô ngã bức tường rêu”.