Tản mạn thời …mới lớnI
Năm đó,nhỏ 15 tuổi , bắt đầu lên Ðệ Ngũ. Ôi chao ! Cái tuổi 15 ấy người lớn không ra người lớn mà con nít hong phải con nít thiệt là khó ,lại càng khó cho nhỏ hơn vì nhỏ thuộc dạng …ốc tiêu nên có muốn làm người lớn cũng hong ai nhìn nhận mình là người lớn cả . Tuy vậy,nhỏ cũng bắt đầu biết làm dáng,biết e lệ thẹn thò mỗi khi bị người khác phái …ngắm nghía.Hồi đó tuy mang tiếng là ở nhà quê nhưng ba má nhỏ vốn không phải gốc nông dân được sinh ra và lớn lên tại địa phương nên không có đất đai điền sản để canh tác như người ta,vì vậy, đối với việc ruộng nương rẫy bái nhỏ bù trất,nhỏ ăn rồi chỉ biết đi học nên …trắng da dài tóc,nhỏ lại có khiếu thẩm mỹ nên dù gia cảnh thanh bạch,nhỏ vẫn có lối phục sức trang nhã hài hòa khiến dáng dấp nhỏ cũng dễ coi, ưa nhìn .
Vào thời điểm giữa thập niên 60-70, áo dài phụ nữ theo kiểu mẫu rập khuôn của bà Cố Vấn Ngô Ðình Nhu - áo dài thậm thượt,cổ cao chống hàm,thắt eo chật bó, ống quần 10 phân hẹp té bắt đầu được đổi mới bằng cách trở lại kiểu xưa - dài lưng lửng quá gối,không chít eo,cổ ba phân, ống quần rộng bằng nửa khổ vải.Trong khi các bạn khác vẫn trung thành với kiểu bà Nhu thì nhỏ chấm cái kiểu rộng rãi thoải mái này hơn,thêm vào đó, ông cụ nhà nhỏ vốn bảo thủ,cụ ghét cay ghét đắng cái kiểu áo chống hàm, thắt eo và túm ống,cụ cứ hăm he là hễ cụ mà thấy nhỏ may sắm kiểu đó là sẽ …xé hết.Cụ đâu ngờ nhỏ …hợp nhãn với kiểu cách …mới mà xưa này hơn,nhỏ yên chí mặc áo cổ ba phân và quần ống rộng nhét ba con chó vào cũng lọt mà đi học, nhờ thế mà trông nhỏ … “mi nhon” ra phết,không đến nỗi …quê mùa và ông cụ nhỏ thấy vậy cũng hài lòng lắm.
Mỗi chiều tan học, nhỏ với đám bạn kéo nhau đi bộ ra chợ Búng. Ða số các bạn chơi chung một nhóm đều ở loanh quanh chợ Búng nên khi ra tới bến xe chỉ còn lại nhỏ với hai bạn T, G. Hồi ấy tụi nhỏ thường hay đứng ở trạm tại chợ Búng chờ xe đò từ trên Bình Dương xuống để đi cho tiện.Vì tuyến đường xe đò chạy một mạch từ Bình Dương tới Sài Gòn,qua khỏi chợ Lái Thiêu tới xóm nhà nhỏ trước,rồi tới nhà bạn T.,sau cùng mới tới xóm bạn G.Nếu đi xe lam thì phải xuống ở chợ Lái Thiêu rồi còn phải mất công,tốn tiền đi thêm một chặng xe nữa nên ngoại trừ các bạn nhà ở tại chợ Lái Thiêu hay leo lên xe lam đi về liền,bọn nhỏ ưa đi xe đò hơn.Chỉ khi nào liên tiếp nhiều chuyến xe xuống mà không còn chỗ trống và giờ giấc bắt đầu muộn màng thì bọn nhỏ mới phải bất đắc dĩ leo lên xe lam đi về .Thường thường buổi chiều vào giờ tan học,chợ Búng tràn ngập những tà áo dài trắng phất phơ trong nắng úa hoàng hôn,chỗ này một nhóm vài ba đứa,chỗ kia một lũ bốn năm tên.Ai về Lái Thiêu hay xa hơn thì đứng bên này chờ xe Bình Dương xuống. Còn ai về Bình Dương thì đứng bên kia chờ xe Sài Gòn lên,mặc dù tuyến đường về Bình Dương có thể đứng tại cổng nơi đầu đường dẫn từ trong trường ra để chờ xe chạy ngang mà đón,nhưng đa số học sinh đều chịu khó thả bộ ngược xuống chợ vì lên xe tại bến dễ có chỗ ngồi hơn,nếu ngó thấy xe nào đầy quá thì ta …tà tà chờ chuyến sau, đón ở dọc đường ít khi có chỗ trống.Bên này ngó qua,bên kia ngó lại, nam có nữ có nên đôi khi dù không học cùng lớp vẫn hay gặp gỡ nhau,biết mặt nhau là thường.Vị trí của trường Nam nằm cách chợ Búng một quảng khá xa, đúng ra là quý vị học trò con trai không cần phải lội xuống chợ Búng để chờ xe nhưng có lẽ vì muốn ngắm mấy tà áo trắng thướt tha trong gió lộng chiều hôm nên vẫn thấy thấp thoáng đây đó mấy bộ đồng phục quần dài xanh áo sơ mi trắng. Ðứng lơ ngơ ở đấy chắc hẳn không thiếu vài vị con trai đang lầm bầm lẫm bẫm mấy câu thơ đại loại như :
Nắng vàng xao xuyến lay tà áo,
Gió lùa phơ phất trắng mây bay.
Tiếng cười rộn rã chân chim sáo,
Em khiến hồn ta say ngất ngây.Hay là :
Hè phố rộn ràng muôn áo trắng,
Ðâu áo người em dáng hững hờ
Em đi lãng đãng trong chiều nắng,
Không biết ta đây cứ đợi chờ.Hoặc :
Con mắt đó sao vô tình quá đỗi,
Biểu nhìn đây mà hỏng chịu nhìn.
Nhìn chi trời,trời muôn thủa vẫn xanh,
Nhìn chi nắng,nắng đâu mà biết nói….Hay :
Ơi cô em tóc thề nho nhỏ,
Hai con mắt sáng như đèn pha.
Má lúm làm chi mà sâu thế ?
Ta té vào không biết lối ra.Có phải thế không các bạn ?
-------
Tới năm đó thì hai bạn T. và G. đã trở thành thiếu nữ nên đôi khi hai bạn ấy còn cặp kè rị mọ đâu ở tuốt đằng sau thì nhỏ đã ba chân bốn cẳng ra tới bến xe rồi.Có hôm nhỏ ra trước mấy phút,gặp chuyến xe xuống còn chỗ ngồi,nhỏ leo lên đi về trước cho hai bạn ấy đi sau tha hồ …thủ thỉ tâm tình. Nhà nhỏ ở mãi dưới cây số 17.Thường mỗi ngày nhỏ lên xe đò ở chợ Búng cùng với các bạn T. G.Xe chạy từ Búng về qua Cầu Ngang thì đổ xuống mấy bạn,xong là đến trạm Bình Nhâm,thêm một vài bạn xuống đấy,chạy một đỗi nữa thì đến ngã ba nhà Thờ,ngã ba nhà Ðỏ,ngã ba Cây Liễu, đến đây thì đã sắp tới chợ Lái Thiêu.Tới chợ Lái Thiêu thường có hai trạm để xuống, một trạm là Thầy Bảy Tri, đa số các bạn về Lái Thiêu đều xuống trạm này,thêm một quảng nữa thì tới rạp chiếu bóng Phương Lạc.Sau trạm rạp hát tới cây số 18,xe thường ngừng ngay cây xăng.Thêm một cây số nữa thì nhỏ xuống ở tua 17,bây giờ có thêm cái tên là Mũi Tàu(nhỏ cũng không biết sao lại có cái tên này).Bạn T. ở ngay đình Vĩnh Phú,bạn G. tuốt dưới tua 15 .Vì quảng đường từ chợ Lái Thiêu về ngang xóm nhà nhỏ và bạn T., G. là quảng đường mà tụi nhỏ phải đi trưa chiều hai bận hằng ngày nên tụi nhỏ biết rõ là ngoài ba đứa này không còn bạn nào khác cùng trang lứa,thế mà một hôm …Ơ hơ ! nhỏ vừa xuống xe thì có một …bộ áo sơ mi trắng,quần xanh …bước xuống theo.A ! Anh chàng này mặt mày tên tuổi cũng không lạ lắm,nhỏ vẫn thường gặp đâu đó trên đường đi học,nhưng hình như hắn thường hay xuống xe ở Bình Nhâm kia mà.Ban đầu nhỏ cũng không để ý vì tưởng hắn đi thăm bà con nào ở gần xóm nhà nhỏ chăng.Ai dè,sau khi đi dọc theo quốc lộ một đoạn,nhỏ rẽ vào con đường mòn trong xóm để về nhà thì cái bóng ấy cũng …lẽo đẽo …theo sau ! Ui !Nhỏ bỗng dưng đâm ra …hồi hộp quá chừng,người ta đi cách một quảng đường,chẳng nói chẳng rằng mà sao …trống ngực của nhỏ …đập …thình thịch. Trời ! Người …gì mà …gan góc,dám …theo tui xuống tới chỗ này há,hong sợ bị mấy ổng…bắt cóc.Nhỏ …biết là hôm nay tự dưng mình …có cái đuôi,trong lòng cũng hơi …vui vui,thinh thích nhưng mà nhỏ cũng lo …ngai ngái. Nói nào ngay,nhỏ hong phải …tử tế lo cho người ta bị bắt cóc mà lo rủi ro nếu có ông bà hàng xóm nào bắt gặp cái cảnh này rồi …mét lại cho ông cụ nghe thì chắc nhỏ …bị ăn roi mây quá,mà ăn roi mây cũng hong đáng sợ bằng bị …cho nghỉ học.Nhỏ …ba chưn bốn cẳng vừa đi lè lẹ vừa…vái thầm trong bụng đừng ai thấy chớ hong thôi …chết nhỏ.Rốt cuộc,vào cổng nhà rồi,nhỏ mới ôm ngực thở phào một cái,nhỏ cất cặp xong chạy ra nhà sau …khều con em kế,bảo nó chạy ra ngoài cổng coi …hắn đang làm gì . Cái con em kế này tánh tình thiệt không giống nhỏ …nhát hít đâu,nó chạy ra cổng một hồi rồi chạy vào …báo cáo: “Em …đuổi ảnh đi rồi”.Nhỏ hỏi nó “ Cưng nói làm sao để …đuổi người ta đi vậy” Nó bảo em nói “Anh ơi,ba tui …khó lắm á,anh mà còn đứng …xớ rớ ở đây một hồi ba tui …vác …roi mây ra là anh …chạy hong kịp đó”.Nói xong nó ôm bụng cười ngặt nghẽo,nhỏ …lầm bầm …rủa nó “ Nhỏ này …ác thiệt”.Nhỏ thấy hơi …xốn xang trong bụng nên nấp sau màn cửa sổ nhìn ra đường coi hắn còn đó hay đã đi về rồi,nhỏ thấy anh chàng đứng …tần ngần bên cổng rồi …đi qua đi lại một hồi,sau đó …lủi thủi trở ra quốc lộ.Nhỏ nhủ thầm nếu mai mốt có tình cờ gặp hắn đâu đó sẽ …níu áo hắn lại,hỏi coi bửa đó mắc chứng gì mà …lẽo đẽo …theo tui chi, sao …hong nói hong rằng gì hết (ha,nghĩ cho …oai thôi chứ nếu mà có gặp tận mặt chắc nhỏ cũng hong dám …níu áo hỏi đâu,mắc cở chết).Nhỏ không ngờ từ đó về sau nhỏ không gặp lại anh chàng lần nào nữa,dường như hắn đã nghỉ học hay chuyển đi nơi khác không chừng,nhỏ không biết được.Mãi đến bây giờ,nhớ đến hình ảnh lủi thủi quay lưng đi về của anh chàng nhỏ vẫn có cảm giác ngậm ngùi.Nếu bây giờ anh ta vẫn còn sống đâu đó, tình cờ đọc được những dòng chữ này của nhỏ,biết mình chính là nhân vật năm xưa,chắc hẳn anh ta cũng sẽ có một cái xúc cảm nhẹ nhàng nào đó vì anh ta không ngờ rằng bước chân …lẽo đẽo thời niên thiếu ngây thơ trong sáng ấy có người vẫn còn nhớ cho tới mấy chục năm sau.Ừ mà hỏng biết hồI đó anh ta có ngâm mấy câu thơ như vầy hong nữa .Lẽo đẽo hương chiều vương lối nhỏ
Ngập ngừng chân nắng bước nao nao
Bao nhiêu mây trắng bay đâu đó
Không thốt giùm ta một tiếng nào !
II
Năm đó, bọn nhỏ vẫn nghe nói rằng đệ ngũ là năm có quyền phè phởn vì không phải lo thi cử cuối năm nên bọn nhỏ tha hồ dung dăng dung dẻ dắt nhau đi chơi chỗ này chỗ nọ và thời gian thấm thoát trôi,tựu trường chẳng mấy chốc thì bắt đầu vào Xuân,bọn nhỏ lại lo ăn Tết.Năm này, bọn nhỏ được học môn Quốc Văn với thầy Huỳnh Thành Tâm, Pháp Văn với thầy Nguyễn Hiển. Hồi đó các thầy cô được sắp xếp dạy theo chương trình nhất định cho mỗi môn và mỗi lớp.Năm Ðệ Ngũ học Pháp Văn với thầy Hiển thì năm Ðệ Tam nhất định sẽ gặp lại thầy. Ðó là chương trình đã định trước, và ai ngồi lớp nào thì môn gì sẽ được học với ai, bọn học trò đều biết rõ 80%,90% .Thầy cô nào có những nét đặc biệt thì bọn học trò cũng đều biết …tỏng tòng tong. Bọn nhỏ nghe các chị lớp Ðệ Tứ kháo nhau cô Ðàn Hội dạy Sử Ðịa có mái tóc đẹp và nói giọng Huế dễ thương lắm nên khi còn ngồi Ðệ Ngũ bọn nhỏ cứ ao ước chóng lên Ðệ Tứ để được học với cô Ðàn Hội, để tha hồ mà …ngắm cô,thiệt là …con nít phải không các bạn.
Trở lại với môn Quốc Văn,năm đó bọn nhỏ được hân hạnh làm học trò của một nhà văn đương thời mà nào có biết.Thầy Huỳnh Thành Tâm viết văn lấy bút hiệu là Huỳnh Phan Anh.Hồi đó,mặc dù đã 15 nhưng bọn nhỏ bé tí tẹo hãy còn đang đọc truyện …cổ tích nên khi thầy Huỳnh Phan Anh đưa tác phẩm của thầy vừa hoàn tất về trường phổ biến thì nhỏ …thờ ơ lắm, đọc thử tựa đề, lật ra đọc một mạch vài chương thấy chả hiểu được gì nên đành …im hơi lặng tiếng.Hồi đó,mỗi năm vào khoảng tháng 12,tháng giêng, các trường học vẫn hay có truyền thống em gái hậu phương viết thư cho chiến sĩ ngoài tiền tuyến nhân dịp Xuân về nên trường THÐ cũng không ngoại lệ .Hôm ấy,thầy Tâm có giờ dạy lớp bọn nhỏ, thầy bảo “Hôm nay các em không phải trả bài làm bài,nhưng hãy đem giấy bút ra để viết thư cho các anh chiến sĩ ”. Bọn nhỏ mừng húm vì lâu lâu mới được một bữa tha hồ …rù rì rủ rỉ.Bọn nhỏ đứa nào đứa nấy …rù rì chán rồi quay ra …ngồi cắn bút,ráng …nặn óc nghĩ những câu văn thật cảm động để viết vào bức thư của mình.Mặc dù chả biết là bức thư của mình sẽ phiêu dạt đến đơn vị nào,vào tay ai trong số bao nhiêu con người đang cầm súng đối mặt với sinh tử từng giờ từng phút ngoài mặt trận, nhưng những tâm hồn bé nhỏ trong trắng của lứa tuổi ngây thơ học trò như bọn nhỏ vẫn tràn đầy hoa mộng, vẫn cứ ước mơ sao có một ngày,có chàng chiến sĩ từ nơi sa trường trở về khi đất nước hết binh đao,và ngày kia khi lập thành gia thất, chàng tình cờ khám phá ra người vợ của chàng là chủ nhân lá thư Xuân mà chàng đã nhận và vẫn giữ bên mình giống như điển tích lá thắm duyên lành hồi thưở xa xưa .
Trong khi bọn nhỏ đang lúi húi viết thư thì bỗng dưng một bóng người xuất hiện ở cửa lớp và ào vào nhanh như cơn gió.Thầy Tâm giật mình toan đứng dậy thì người ấy đã tới sát bên thầy. Ðó là một người thanh niên dáng dấp thư sinh nhưng kiểu cách ăn mặt lại không giống thư sinh trói gà không chặt.Bộ quần áo màu nâu đen trên người anh ta lấm lem giống như vừa từ dưới đất chui lên,nét mặt của anh ta trông có vẻ phong sương rắn rỏi thêm bên hông anh ta thập thò một khẩu súng ngắn đen ngòm khiến cho toàn thể con người anh ta toát ra một vẻ …lạnh lùng ghê rợn…Ây da ! Bọn nhỏ im thinh thích,nhìn nhau lo sợ,không biết chuyện gì sẽ xảy ra.Không ai kịp có một phản ứng nào thì người ấy đã lên tiếng vắn tắt trấn an và mời tất cả thầy trò bọn nhỏ tập trung về khu vực trống ở chân cầu thang cạnh văn phòng để nghe nói chuyện.Bọn nhỏ thường ngày ngoài giờ học vốn ồn ào như ong vỡ tổ vậy mà hôm đó riu ríu kéo nhau đì một cách ngoan ngoản.Khi đến nơi chỉ định thì bọn nhỏ thấy các bạn những lớp khác cũng lục tục kéo đến và không phải chỉ một mà còn nhiều người lạ mặt khác với kiểu cách ăn mặt và võ trang như nhau đứng rải rác quanh đó khiến bọn nhỏ mặt mày đứa nào đứa nấy đều lộ vẻ thất thần lo sợ.
Thật tình mà nói,không biết các chị ở những lớp lớn có ấn tượng gì với buổi nói chuyện hôm ấy chăng,riêng cá nhân của nhỏ,nhỏ chẳng có tinh thần để nghe xem quý vị ấy muốn nói điều gì,chỉ thầm mong cho sự việc sớm kết thúc trong yên lành.Cho tới giờ phút đó bọn nhỏ cũng không hề biết nó là dấu hiệu báo trước một biến cố cho nên sau khi những người lạ mặt kia biến mất trong nháy mắt,bọn nhỏ được phép ra về thì những mái đầu xanh của bọn nhỏ cũng có xôn xao giây lát rồi qua ngày hôm sau là quên bén mọi sự cho tới khi biến cố Tết Mậu Thân xảy ra. Lúc nhỏ giật mình nghĩ ra nguyên nhân sự xuất hiện của những người lạ mặt kia thì mọi sự cũng đã kết thúc với ít nhiều tang thương và bọn nhỏ phải nghĩ học một thời gian dài cho đến khi tình hình được ổn định .
Khi bọn nhỏ được lệnh đi học trở lại thì nhà trường khuyến cáo nên học thêm ngoài giờ để theo kịp bài vở bù lại thời gian nghỉ Tết quá lâu .Thế là bọn nhỏ một đám kéo nhau đi học thêm mấy môn chính như sinh ngữ,toán ở trường ngoài .Có môn thì bọn nhỏ kéo lên trường Nguyễn Trãi ở Bình Dương,có môn thì sang trường Nam học với các thầy cô khác,cho đến khi nghỉ hè bọn nhỏ vẫn phải tiếp tục theo lớp học hè và lớp sinh ngữ của thầy Võ Kim Lân bên trường Nam .Có lẽ nhờ học thêm lớp sinh ngữ Pháp với thầy Lân mà nhỏ biết thêm một số bạn nam sinh,trong số các bạn này có một anh chàng hay ngâm câu thơ “ Tôi thương mà em đâu có hay”sau lưng nhỏ mà nhỏ không biết mãi tới …ba chục năm sau , điều lạ là nhỏ nhớ tên anh chàng cũng kỹ lắm nhưng nhỏ không biết nguyên nhân nào khiến nhỏ có thể nhớ cái tên đó trong khi bao nhiêu người khác nhỏ quên sạch. Chỉ còn lại đôi ba cái tên rơi rớt đâu đó trong hóc kẹt ký ức của nhỏ mà tên anh chàng lại đứng đầu .
Thời gian học hè ở trường Nguyễn Trãi tuy ngắn ngủi nhưng cũng là một thời êm đềm đáng nhớ của lứa tuổi học trò .Hồi ấy bọn con gái đều suýt soát tuổi 15,16,bọn con trai cũng cùng một lứa nên lắm cô lắm cậu mơ mộng ngây thơ, đi học mang theo những đàn những nhạc hát hò rỉ rả .Hôm ấy,vào học chưa được bao lâu,trong khi giáo sư còn lay hoay chuyện gì đó trên bảng thì bọn con gái tụi nhỏ ngồi ở mấy dãy bàn phía trên bỗng nghe vang lên mấy giọng ồm ồm đồng thanh hát một đoạn trong bản nhạc thời thượng mới vừa nổi tiếng Mùa Thu Chết của Phạm Duy … “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo,em nhớ cho mùa thu đã chết rồi . Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo,em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em,vẫn chờ em,vẫn chờ em,vẫn chờ …,vẫn chờ …đợi em …” Ôi,buổi trưa hè thoang thoảng hương nồng ,trong lớp học im ắng bỗng dưng vang lên điệu nhạc bổng trầm thế kia dù không đàn không trống mà sao nghe hay chi lạ,nhỏ nhát hít quá,chẳng dám quay đầu xuống nhìn xem …thủ phạm là ai nhưng trong lòng cũng phải thầm công nhận là bài nhạc hay và cái bè giọng của ban hợp ca …Ba Con Ểnh Ương (1) đó cũng ra trò lắm,nhỏ …kết bản nhạc Mùa Thu Chết kể từ hôm nghe được trong lớp học hè kia .Nhỏ nghe nói anh chàng “tôi thương mà em đâu có hay” cũng là một cây văn nghệ văn gừng hát hỏng điệu nghệ nhất nhì trong trường dạo ấy nhưng nhỏ không biết được trong ban hợp ca …Ba Con Ểnh Ương kia có mặt anh chàng hay không ? Cho tới giờ, những khuôn mặt đó ai còn ai mất và nhớ những kỹ niệm này không biết có ai ?
Chao ôi ngày tháng nhanh như chớp,
Ngoảnh lại đâu rồi bóng dáng xưa,
Hỏi lòng trong sáng tinh khôi ấy
Ai nhớ gì chăng tuổi mộng mơ ?III
Năm này,vào học được đôi ba tháng,lớp học của nhỏ bắt đầu có tiếng xì xào bàn tán nhỏ to sau lưng mà nhỏ nào có hay.Nhỏ cũng mường tượng được nguyên nhân của nó nhưng tính nhỏ vốn ít oi,không hay bắt chuyện hoặc tò mò chúi đầu vào những tâm sự tỉ tê nên nhỏ không dám chắc đúng như linh cảm của nhỏ ,mãi về sau bạn T. mới …nháy mắt tiết lộ cho nhỏ biết .Chẳng là trong giờ dạy của thầy H,khi cắm cúi viết bài,nhỏ vẫn hay cảm nhận rằng dường như có người đang ngắm nhìn mình. Úi chao ơi,nhỏ nhút nhát quá chừng chừng nên không dám ngước lên xem sự thật thế nào,nhỏ nhủ thầm chắc là mình bị ảo tưởng chứ làm gì có chuyện đó .Nhỏ con nít con nôi thấy mồ mà,chẳng lẽ nhỏ lại lọt vào mắt xanh của ai sao .Nhưng mà từ đó nhỏ bắt buộc phải làm siêng với cái môn học trong giờ dạy của thầy bởi vì nhỏ hay bị …chiếu cố lên bảng trả bài .Nhỏ cũng không đến đỗi nào ngu ngốc quá lại thêm có trí nhớ dai nên nhỏ cũng tiến bộ với môn học này lắm,lần nào lên bảng cũng không đến nỗi phải…xấu hổ.
Ban đầu tình trạng ấy chỉ một vài bạn nhận xét được nhưng rồi thời gian sau đó dường như ai cũng biết cả,nhưng biết thì biết chứ có ai dám hó hé tiếng nào,bởi vì mọi việc xảy ra rất lặng lẽ và kín đáo,chỉ có đôi mắt nào tò mò tọc mạch ưa …dò xét thì mới nhận ra được những ánh mắt lạ thường của thầy H ,mặt khác nhỏ cũng làm như …vô tư vô tình hong biết gì hết nên cũng chẳng có ai động cập gì tới nhỏ,và thời gian trôi qua thêm ít lâu nữa thì nảy sinh thêm một vấn đề khác có liên quan đến việc này và một bạn cùng chơi chung trong nhóm.Không biết bạn ấy nghĩ thế nào mà bỗng dưng đâm ra …ganh tị với nhỏ.Bạn ấy lại ngồi phía sau lưng nhỏ nên nhỏ không thấy được thái độ của bạn trong giờ thầy H.Nhỏ chỉ biết là bạn ấy hay tranh điểm với nhỏ lắm,nghĩa là bài làm của nhỏ được điểm cao là bạn ấy không chịu thua,mỗi lần thầy chấm bài xong là bạn ấy phải kỳ kèo hỏi cho bằng được số điểm của nhỏ . Nhưng thái độ của bạn ấy rồi cũng không chạy khỏi những cặp mắt tinh tường của các bạn đàn chị như bạn T nối khố của nhỏ,nhỏ biết được câu chuyện qua bạn T và sự biểu đồng tình của vài bạn khác(dĩ nhiên là biểu đồng tình sau một thời gian dài kín đáo nhận xét của…. ba bốn cặp mắt …sáng trưng như đèn pha).Kết quả cuộc …trưng cầu dân ý là …sự việc có thật …99% .Mà rồi dù sự việc có thật đi chăng nữa thì cũng chẳng ai xác định được điều gì,ngày tháng cứ trôi qua, ánh mắt trìu mến khác thường kia cứ âm thầm lặng lẽ,và nhỏ cứ …vô tình giả đò hong biết,còn mấy cặp mắt sáng trưng vẫn cứ âm thầm …theo dõi cho đến mùa nghĩ hè thì mới tạm thời …chấm dứt. Nhỏ đâu ngờ rằng chút ánh mắt lạ lẫm đó là sự mở đầu của một mối tình đơn phương âm thầm mà dai dẳng cho đến khi kết thúc đã đeo đuổi nhỏ mãi tới ngày hôm nay.
NMU
(1) Ban hợp ca …Ba Con Ểnh Ương là do NMU đặt tên cho đấy,hi hi,uềnh oang phải biết .