TẢN MẠN MÙA
VU LAN
Lưu Thanh Bình
CHỮ HIẾU
Rằm tháng bảy là ngày lễ Vu lan-báo
hiếu. Khi hành lễ tụng kinh, thiện nam tín nữ chia
hai: còn cha còn mẹ một bên, mồ côi cha mẹ
một
bên. Cứ nhìn đoá hoa cầm tay là biết người
đó cha mẹ còn hay mất. Có người năm trước
hãy còn đứng bên đây, năm nay đã đổi
bên rồi. Lần nào phe mồ côi cũng khóc trước
mặc dù đã có nội quy cấm khóc. Đọc trang
nhà CHS THĐ, thấy anh Nhung còn bỏ mùng cho mẹ mỗi
đêm mình nể lắm. Ở nhà mình, em trai
mình cũng làm vậy. Và trong lớp có bạn
Nhiều, bạn Hùng B cũng chăm sóc cho cha mẹ rất tốt.
Có nhà, khi mẹ cha còn thì lơ là,
xem
như tội nợ. Khi “hốt hụi chót” thì giành nhau chỗ
đặt quan tài. Không hiểu sao người đời cứ mong đẻ con
trai. Theo mình thấy, con gái có hiếu hơn con trai
nhiều. Những săn sóc nho nhỏ như mua cho ba cái áo
thun, đôi dép nhựa, thay cái mắt kiếng hư hay sai
con mang qua cho ông ngoại bà ngoại tô kiểm. Con
trai
đời nào. Ba khỏe hôn ba, má khoẻ hôn
má. Chấm hết.
Nói thêm về bước thứ tư trong đời người: tử. Có ai
tự định đoạt được cho mình ngày nào chết và
chết như thế nào đâu. Thoáng như Châu
Âu
mà còn cãi nhau rần rần về “cái chết
êm ái” cho người bệnh hết thuốc chữa. Cho nên khi
nghe người nào đó ngũ một đêm rồi đi
luôn, người ta thường nói người đó có
phước, không làm khổ vợ con. Nhưng trường hợp đó
hiếm. Thường thì ai cũng phải trải qua giai đoạn nằm một chỗ.
Bắt
đầu việc đổ bô, đút cháo, cho uống thuốc, lau
mình, trở người, thay tã, xoa bóp xức dầu, thay
nệm
nước và xức thuốc chống loét lưng. Cũng may người ta
đã sáng chế ra tã mặc một lần rồi bỏ nhưng chỉ
người có tiền mới chịu nổi. Tuổi già, nhiều hành
vi
trở lại giống thời con nít: hay hờn mát, đi chập
chửng,
ăn có người đút, tắm rữa thay đồ có người lo.
Cha mẹ nuôi con Biển Hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày
Hầu như người Việt Nam đạo Phật nào cũng biết tích Mục
Liên Thanh Đề, còn tôi cứ nhìn cái
gáo dừa là nhớ truyện người con giúp cha hồi
tâm. Ông nội tay run, ăn cơm cứ làm bể tô
hoài. Con mới lấy cái gáo dừa bổ đôi
làm chén cơm cho cha. Quay qua thấy thằng con ( tức
cháu nội) cũng đang loay hoay gọt cái gáo dừa. Hỏi
mày làm cái chi? Thưa rằng làm cái
tô bằng gáo dừa để sau này cha già yếu
thì lấy đó đựng cơm!. Người cha hồi tâm,
không
bạc đãi cha mình nữa. Dù tôi không
theo
đạo Phật nhưng tôi rất tâm đắc luật nhân quả của
nhà Phật. Gieo cái hột nào thì hưởng
cái trái đó mà thôi. Làm sao
trồng hạt đắng mà mong thu quả ngọt được. Số cán bộ
ngày đêm lo làm giàu mà gặp cảnh
“phá gia chi tử” cũng là ứng với luật nhân quả
đó.
Năm ngoái họp lớp, có bạn thống kê thì thấy
trong lớp số chỉ còn mẹ mất cha là nhiều nhứt (có
bạn nói tại đàn ông làm lụng vất vả
nên chết trước, có bạn nói tại đàn ông
ăn nhậu nhiều). Kế đến là số bạn còn cha mất mẹ và
mồ côi cả cha lẫn mẹ. Số còn đủ cả cha lẫn mẹ như bạn T.
là còn rất ít. Lớp B5 vẫn có truyền thống
phúng viếng tứ thân phụ mẫu các bạn khi hữu sự. Một
truyền thống đầy tự hào! Và bạn Hùng B, thủ quỹ
lớp
thấy rõ nhứt: cứ càng về sau này thì số
lượng phúng viếng càng tăng. Biết làm sao! Then
tạo
hoá đã an bài. Buồn quá, xin kể qua chuyện
vui vậy. Khi ba mình nằm một chỗ, cần người chăm sóc trực
24/24, nhất là ban đêm thì mình lẹ miệng
chọn ca 2 từ hai giờ khuya đến năm giờ sáng. Chỉ có ba
tiếng. Trong khi ca 1 là từ đầu hôm đến hai giờ. Nhưng
thực
ra đầu hôm thì còn đông người, lại thêm
có truyền hình… nên thời gian qua mau. Còn
ca
2 đêm khuya thanh vắng, mà cây kim đồng hồ nó
cũng buồn ngũ không chịu chạy, nên sao mà đêm
dài ơi là dài. Một kinh nghiệm quý
báu, xin tặng miễn phí cho các bạn.
ĐẠO VÒNG VÒNG
Nhiều người hay nói đùa khi được hỏi theo đạo nào:
tôi theo đạo “dòng”. Người miền Nam giọng nói
không phân biệt âm d và âm v. Đạo
“dòng” là …không theo hẳn đạo nào cả.
Nôel hả ? Tới nhà thờ đi …vòng vòng. Tết tới
hả? Đi chùa hoặc đình thắp nhang , xin lộc.
Ngày
rằm, mùng một ăn chay. Trong nhà chỗ nào trang
trọng
nhất thì có bàn thờ ông bà cha
mẹ. Trước sân có bàn thiên. Đám giỗ
còn gọi là “kỵ cơm”, nghĩa là ăn đủ thứ, trừ
cơm. Bây giờ kẻ có đạo dòng xin mạn
phép nói vòng vòng nhân mùa Vu
lan sắp tới.
Đạo nào
cũng dạy người ta làm lành tránh dữ, hướng thiện
và giúp đỡ tha nhân. Có lần, tôi cắc
cớ
hỏi người bạn học cùng lớp ( khoá 12) nay đã đi
tu: Tu hành thì phải vô núi, tìm nơi
vắng vẽ cất chùa mà tu, ăn uống thanh tịnh mà diệt
dục. Sao bây giờ chùa chiền nào cũng hoành
tráng quá sức, sư nào cũng mập ú, trắng đỏ
và cứ nhè gần… chợ mà cất chùa là
sao? Thế là anh ta (đúng ra nên gọi là
sư
ta) mới thuyết giãng cho tôi một thôi một hồi; đại
ý chùa chỉ là cái công cụ, cái
phương tiện vật chất để hướng người có lòng thành
về cõi phật; cũng như mấy bức tượng phật đó: là
tượng trưng thôi chứ có ai thấy ông phật thật bao
giờ. Khi đức phật lấy ngón tay chỉ trăng, thì ngài
có bảo chúng đệ tử rằng chớ có lầm, ngón
tay ta không phải là trăng. Và khi người ta
đã ngộ rồi thì dù có đứng trước công
trình to lớn nào thì cũng như không thấy.
Chỉ
là những hạt bụi mà thôi. Sắc sắc không
không là như thế. Còn chùa ở gần chợ
là vì ở đó chúng sinh có …nhiều tội
lỗi chứ sao. Phi thương bất phú mà. Nói chung
mình cũng tạm chấp nhận lời nói của anh ta dù
không thỏa mãn lắm. Nhớ lại, mình hay đùa
bạn
Quốc khi nghe bạn từ chối đi nhậu vì hôm nay ăn chay: Bồ
tội gì mà phải ăn chay?!. Các bạn có nhớ
bài tự kiểm điểm của nhà thơ Tú Xương không:
Một trà,một rượu,một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái nào hay cái nấy
(suy nghĩ một lúc)
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Hoan hô
nhà thơ Tú Xương, nếu nhà thơ còn sống,
mình xin đá ngang ( không phải ly tua) với
ông một ly. Như vậy mới là con người.
Còn nhớ, khi tôi sinh hoạt trong phong trào Hướng
Đạo, tới giờ tâm linh là tôi nhảy qua bên HĐS
Công giáo, đọc kinh lạy Cha, kinh Kính mừng ngon
lành. Tôi còn biết cả các lễ khác
ngoài Noel, Phục sinh như lễ Tro, lễ Lá, lễ đốt
đèn… Các bạn không hề biết mình ngoại
đạo. Chẳng qua mình có học nội trú La san Đức Minh
một thời, giáo lý nhừ như cháo và đi
nhà thờ Tân Định thường xuyên.
Tại Thị xã TDM, tôi có người bác dâu
nhà ở đường Võ Tánh ( nay là Văn Công
Khai), là tín đồ ruột của chùa TT. Khi tôi
lên tiếng phàn nàn: tu hành gì
mà có vợ có con, thì bà giận lắm,
mầy biết cái gì. Tội nghiệt kiếp trước, kiếp này
người ta phải trả. Đi không trọn đường tu, mầy phải thương cho
ổng. Dù không dám cải, nhưng tôi nói
thầm trong bụng: Trời đất, phải chi kiếp trước mình làm
vài ba cái …tội, bây giờ đỡ quá.
Dì Sáu, em của má tôi, dân chợ
Lái Thiêu thường gọi là dì Sáu guốc (
bán guốc) , rất siêng đi chùa. Dì đã
thọ giới quy y, có pháp danh đàng hoàng.
Mỗi
lần thấy dì chuẩn bị đồ đi chùa là thế nào
tôi cũng tìm cách chọc ghẹo vài
câu. Và dì ghét nhất là câu
“Vái trời vái phật hai vái bằng nhau”. Xin nhắc
lại,
người miền Nam giọng nói không phân biệt âm d
và âm v. Bây giờ dì đã qua Mỹ
đoàn tụ, nhưng rằm tháng giêng nào cũng về
tham dự cộ Bà.
Lại nói về chùa Bà ở Thị xã TDM. Người Hoa
có tục vay tiền của Bà, lấy hên làm ăn gọi
là cầu tài. Tiền lì xì đó đặt trong
mấy cái nia lớn lắm, mọi người tự giác lấy sau khi
đã hương khói xong. Sau này khi làm ăn
khá thì trả lại cho Bà gấp năm gấp
mười. Mình tranh thủ lấy hai cái, mỗi phong bì
là năm trăm,vị chi một ngàn. Đổ được hai lít xăng.
Đó là năm 1971. Đến nay cũng chưa trả nợ cho
Bà. Nghèo quá lấy gì trả, không trả
nên nghèo hoài (?!!).
Nếu bạn nào có học thêm ở trường Bồ Đề chắc
còn nhớ thầy Trí (sư thầy Thuyền Quang) với cây roi
mây ác liệt lắm. Hiện thầy trụ trì chùa Phổ
Tịnh, gần bệnh viện 512 giường. Học trò cũ tới thăm thầy mừng
lắm. Nhiều người nhờ thầy coi ngày coi tuổi dựng vợ gã
chồng cho con hoặc cất nhà… Có năm, rằm tháng Bảy
mình và mấy bạn ghé chùa thăm thầy
và xin bữa cơm chay. Thầy lăng xăng rối rít thật
là
cảm động làm sao.
Vô chùa thấy Phật muốn tu
Về nhà thấy mẹ (hoặc vợ) đi tu không đành
XÁ TỘI VONG NHÂN
Rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong
nhân. Theo truyền thuyết, ngày hôm đó
Diêm vương thả cho cô hồn các đảng lên trần
gian, nên ma quỷ đầy đường. Để tránh bị quấy
phá, người ta phải cúng để được yên
thân. (Cõi âm mà cũng có ăn hối lộ
nữa. Ngộ hén).
Ở chợ Lái Thiêu, mấy dãy phố người Hoa không
khí rất nhộn nhịp. Nhà nào cũng bày
bàn thờ trước nhà. Đồ cúng ngoài giấy tiền
vàng bạc, còn có mía, kẹo, bánh, đậu
phộng và một chồng bạc cắc (tiền thật). Gần tàn cây
nhang thì đốt giấy vàng mã trong cái
chậu sành. Và màn vui nhất của bọn con nít
bắt đầu : gia chủ vãi gạo muối, kẹo bánh và bạc
cắc. Tha hồ chen lấn, lăn lộn mà giành nhau. Thường
thì để đạt chiến lợi phẩm, phải đánh đổi bằng đứt quai
dép, rách áo và trầy xước đầu gối,
cùi
chỏ. Không hề chi. Chỉ tội cho mấy bà xẩm, vừa quay đi
là đồ cúng bị xớt hết chỉ còn lại bình
bông và dĩa gạo muối. Hiện nay các xí nghiệp
có chủ là người Hoa trong các KCN, nhất là
KCN Việt Hương vẫn giữ tục lệ này.(Khu công nghiệp Việt
Hương tập trung đa số các xí nghiệp nhỏ và vừa của
người Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng kông và sau
này là Trung Quốc. Khác với KCN Việt Nam
–Singapore
có hạ tầng tốt hơn và hàm lượng chất xám
nhiều hơn.).
Cuối cùng, nếu Trịnh Công Sơn mất ngày 1.4 dl
là ngày cá tháng tư tức là
“ngày nói láo” thì ngày rằm
tháng bảy gợi nhớ đến nhà văn Sơn Nam, cây đại thụ
của văn học miền Nam :
.…13 giờ ngày 13.8.2008, ông già Nam bộ Sơn Nam
đã vĩnh biệt văn đàn. Ông ra đi khi lịch âm
chỉ còn 2 ngày nữa là đến đại lễ Vu lan. Vì
yếu tố này mà tôi chợt nhớ những năm đầu thập
niên 80 thế kỹ trước, Sơn Nam đã bị âm phủ “bắt lầm”
trong chuyện… tiếu lâm. Chuyện kể rằng : Sau ngày rằm
tháng 7 xã cảng cho các vong hồn dưới âm phủ
được
lên thăm thú trần gian, một số vong hồn đã
không chịu quay lại cõi âm. Diêm vương
bèn sai ngưu đầu mã diện lên trần gian bắt về.
Âm binh giả dạng thành người, ngồi xe hơi rảo qua
các đường phố, cứ thấy con ma nào lang thang trên
đường là bắt đem về. Chợt thấy một cái bóng
xiêu vẹo, ốm nhách, xấu xí tập tễnh đi bộ
trên
vĩa hè. Âm binh lập tức tắp vào, kéo
cái bóng ma kia lên xe. Nhưng chúng
không ngờ bị cái bóng ma kia phản ứng dữ dội: ”Tui
là nhà văn Sơn Nam chứ đâu phải …ma cỏ
gì”. Dân văn nghệ TP HCM bịa ra chuyện trên xuất
phát từ hai thuộc tính của Sơn Nam là ông
chỉ biết… đi bộ và có bộ dạng .. xấu xí khó
ai bì kịp…(Theo Hồ thi Ca -báo Pháp Luật).
LÀM PHƯỚC
Có nhiều hình thức làm phước khác
nhau. Người thích mua chim phóng sanh. Người phát
tâm in vài trăm hoặc vài ngàn quyển kinh cầu
an cầu siêu, sám hối cúng ngọ hoặc kinh báo
hiếu, Vu lan cúng dường cho chùa. Có người chọn bố
thí cho người nghèo khó. Má mình
chọn
cách này. Trước đó mấy hôm, má
đã cho phân phối thẻ ( là mấy tờ giấy nhỏ có
ghi số thứ tự) nhận quà. Đa số là dân nghèo
xóm Vườn Nhãn, xóm Chùa Ông,
xóm Xe Bò… Gạo trắng ( không phải gạo mốc) đựng
trong từng túi vải 5 ký, 10 ký phát
tận tay, không cho lãnh giùm. Phát xong
thì cả người nhận lẫn người bố thí đều hễ hã, vui
mừng. Đó là trưa ngày 16 tháng 7 âm
lịch
hàng năm. Bây giờ má tôi yếu lắm
rồi, không còn duy trì việc này nữa nhưng
mọi
người vẫn hay nhắc.
Ngày trước, khi còn sinh hoạt trong phong trào
Hướng Đạo, mình hay theo các anh chị lớn đi làm
việc thiện ở các trại trẻ mồ côi. Người thì cắt
tóc – chỉ cắt thôi, không có cạo-người
thì cắt móng tay hoặc làm vệ sinh quanh
trại. Các chị lại rất khoái mặc đồ -quần áo cũ
quyên được- cho các em. Mình còn nhỏ
nên được phân công hướng dẫn ca hát. Điều duy
nhất còn đọng trong ký ức là những đôi mắt
đen láy như hột nhãn và những mái
tóc bum bê. Cũng có khi các anh chị hướng
dẫn
mình vô sinh hoạt trong trường câm điếc Lái
Thiêu. Trong hội trường có mấy tấm bảng phấn treo
dài theo tường. Các em rất thích chuyện
trò, viết chữ rất nhanh. Chữ rõ nét và đẹp.
Đặc biệt rất sành tiếng Anh. Bây giờ (7-2009) nhà
nước chưa cho sinh hoạt Hướng đạo trở lại, mặc dù theo
mình đó là một phong trào giáo dục
hổ trợ rất tốt cho nhà trường và gia đình.
Cuối bài, xin có lời tôn vinh các sư thầy ở
chùa Kỳ Quang và các sơ ở trung tâm Mai
Hoà. Thật là gương hy sinh cao cả, quên mình
vì đồng loại. So với họ thì mình nhỏ bé
làm sao. Các sơ không nề hà cực khổ
lây
nhiễm đút từng chén cháo cho những bệnh
nhân AIDS thời kỳ cuối bị gia đình ruồng bỏ hay các
sư nuôi dạy trẻ mồ côi ở các cơ sở Phật
giáo. Cứu một người bằng xây mười cảnh chùa. Tiếc
thay, người ta lại thích đi chùa hơn là làm
từ thiện. Mong sao đức bác ái thấm nhuần cộng đồng, thế
gian bớt đi những cảnh khổ đau và mỗi chúng ta có
góp vào một phần nhỏ nhoi trong đó.
LƯU THANH BÌNH
Mùa Vu Lan - Kỷ Sửu 2009
Bài đọc thêm:
Điều luật thứ 3 : Hướng Đạo Sinh có bổn phận giúp
ích mọi
người.
Bài đăng trên tập san Thiệp Hoa số 115-tháng 3-2009
Mùa hè năm 2005 ,khi cây cao su đã thay
lá và vô mùa cạo mới thì việc khai
thác chế biến gỗ cao su cũng chấm dứt. Thời gian rảnh rổi
có nhiều, nên khi bà chị vợ đề nghị mình
làm tài xế xe ôm chở chị đi thành phố HCM
khám bịnh thì mình nhận lời ngay. Chị bị tai biến
nhẹ do huyết áp cao, chữa khỏi rồi nhưng để lại di chứng
là điếc đặc. Bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng nằm
trên đường Trần Quốc Thảo. Trong thời gian chờ đợi, mình
đi
tới đi lui và lâu lâu lại sờ túi cảnh
giác bọn Lý Thông. May là bệnh viện
có
bố trí nhiều dãy ghế ngồi dọc theo hành lang
nên mình thong thả ngồi đọc báo và
tán gẫu với những người không quen nhưng cùng cảnh
ngộ. Một lát sau có hai cha con đến ngồi kề, thoạt đầu
mình cũng không chú ý lắm cho đến khi người
cha nói hơi lớn tiếng:
- Đi về, về. Tiền
đâu mà đóng…
Vừa nói anh vừa nắm cánh tay thằng bé, lôi
ra khỏi ghế,và đứa bé trai cỡ 13,14 tuổi ghì lại
một cách yếu ớt. Lúc này mình quan
sát kỹ, người đàn ông trạc hơn 40 tuổi, mặt
rám nắng rõ là dân lao động chuyên
nghiệp; còn đứa bé sao cứ ủ rũ như con gà mắc
dây thun vậy?. Thế là mình chủ động thăm hỏi (ở
bệnh
viện khi bạn thăm hỏi không sợ người ta mắng cho là nhiều
chuyện mà còn được thông cảm nữa) :
- Sao đã đến
đây mà không chữa vậy anh ?
- Tiền đâu
mà đóng, giờ còn có nhiêu đây,
sao đủ.
- Thiếu nhiêu?
- Hai trăm ruởi.
- Nó bị
gì?
- Hóc xương. Ăn
cơm với măng kho cá hấp. Giờ xương nằm ngay giữa cổ, bác
sĩ
nói để lâu quá nên nhiểm trùng, phải
mổ ngay. Giờ về bán xuồng rồi mới có tiền ..
Mình biết ở miền Tây,chiếc xuồng là phương tiện
kiếm sống hàng ngày, giống như xe gắn máy ở miền
Đông mình vậy. Tận cùng mới bán
xuồng. Mà nếu bán được xuồng ( loại xuồng ba lá,
bán giỏi lắm được cở ba bốn trăm ngàn) thì liệu
thằng bé có chịu đựng được không?. Mình thấy
nó thở không bình thường mà cứ lấy hơi
lên, và có tiếng rè rè trong cuống
họng. Lúc này đầu óc mình suy nghĩ lung
lắm,
điều luật thứ ba và điều luật thứ mười một* cứ đấu tranh trong
đầu. Sau cùng thì điều luật thứ ba thắng. Và
mình cũng không ngờ là nãy giờ có
nhiều người đã lắng nghe hết câu chuyện trao đổi
giữa anh ta và thằng cha nhiều chuyện là
mình đây. Nên khi mình đề nghị được
giúp đỡ và móc bóp lấy tiền ra thì
có chị phụ nữ cũng rút ví và ủng hộ trăm
rưởi, phần mình là một trăm (sao không thấy anh
nào cả mà toàn là chị không
hà). Có vài chị đề nghị được ủng hộ thêm
nhưng anh cám ơn và nhất định không lấy thêm.
Đúng là nét chân chất của dân
quê (Sau này mình hơi ray rứt không biết
làm sao anh xoay sở để chăm sóc cho cháu sau hậu
phẩu. Những số phận gặp nhau tình cờ trên đường đời như
vết
cắt chéo, sau đó đường ai nấy đi chẳng bao giờ gặp
lại). Ngay sau đó, mình phải đem toa thuốc của bà
chị đến quầy thuốc bệnh viện, chờ lấy thuốc và thanh toán
tiền. Lần cuối mình còn được nghe thông tin về hai
cha con là khi đi ngang qua hành lang để ra bãi
gởi xe, có người cho biết anh có kiếm mình để cảm
ơn và bệnh viện đã lên lịch mổ trưa nay./.
Lưu Thanh Bình