TẢN MẠN CHIỀU CUỐI NĂM


Lưu Thanh Bình
 


Trước hết , mình xin lỗi bạn vì đã bỏ về nữa chừng làm hỏng cuộc vui.Cố tật nóng nảy của mình là một thói xấu đã làm mình bao phen khốn khổ mà vẫn không chừa. Nhưng thật lòng mình rất muốn hỏi bạn một câu : cái khom mình bắt tay ấy là thật hay đùa ? Nếu là thật thì bạn thán phục cái gì nơi kẻ ấy? Chắc là thán phục kẻ đã làm-được-điều-mà-một-ông-thầy-không-làm-được? Như vậy mình đã nổi nóng đúng, không phải vì ganh tỵ, mà vì thái độ quỵ lụy của bạn, một kẻ sĩ, một nhà giáo khom mình trước một tay nhà giàu mới phất. Còn nếu đó là một cái bắt tay bông phèn ngụ ý mỉa mai một cách hóm hỉnh thì lại là một thái độ đùa không đúng lúc và thiếu lịch sự nơi công cộng. Nhưng sau đó thì chính phát biểu của bạn đã xác nhận tất cả.

Không ai cấm bạn ngưỡng mộ một tài năng thiên phú, một đức tính cần cù tháo vát, một tư duy nhạy bén, một doanh nhân đã tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Nhưng chúng ta cũng có lòng tự trọng, có phẩm giá của một trí thức. Vồ vập một kẻ có nhiều tiền và miệt thị người thấp kém không phải là thái độ đúng. Ít nhất là theo mình nghĩ như vậy.  

 Hồi này người ta hay thích dùng từ “thành đạt”. Thế nào là thành đạt? Một lần mình hỏi gặng lại thì được trả lời rằng “ thì họ giàu, họ có nhiều tiền, họ có xe hơi…”. À ra thế. Vậy thì số người thành đạt hiện nay hơi bị… nhiều. Như vậy mình tạm định nghĩa thành đạt theo ý thông thường là “thành danh đạt lợi”. Mà hai cái “thằng” này thường hay bổ túc cho nhau”. Thằng “danh” hổ trợ cho thằng “lợi”, ngược lại thằng “lợi” phải dựa vào thằng “danh”. Không ai cho không ai cái gì, tất cả đều có cái giá của nó. Nhất là hiện nay, sân chơi chưa phải là bình đẳng cho tất cả. Thương trường là chiến trường, đầy âm mưu thủ đoạn, nơi mà chữ lợi được đưa lên hàng đầu. Một chủ doanh nghiệp sẵn sàng trương bảng đóng góp hàng tỷ vào quỹ từ thiện trên TV nhưng không đồng ý với kiến nghị của công đoàn, đề nghị nâng thêm 500 đồng mỗi suất ăn trưa để thêm chất rau xanh, giúp công nhân ăn thêm được một chén cơm với rau và nước chấm. Người ta sẵn sàng đóng góp vào quỹ hổ trợ vì người nghèo nhưng cũng sẵn sàng áp giá đền bù rẻ mạt cho người dân mất đất vì quy hoạch. Người ta sẵn sàng hổ trợ xây nhà tình nghĩa nhưng cũng tìm mọi cách tránh né đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân. Người ta tài trợ cho những cuộc đua xe đạp nhưng cũng ép công nhân tăng ca tăng giờ mà không tăng lương.

Có thể sâu trong tiềm thức bạn, có một mơ ước làm giàu, có một khao khát thi thố tài năng kinh bang tế thế, để xoá đi mặc cảm chỉ là một nhà giáo tầm thường. Quả thật nếu gọi một kẻ thủ đắc vài tỷ, vài chục tỷ, vài trăm tỷ là thành đạt thì không bao giờ có một người thầy thành đạt dù người đó đã được phong là nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Đơn giản bởi chúng ta đã chọn nghề dạy học làm sự nghiệp, chọn câu “lương sư hưng quốc, minh sư hưng đạo” làm hành trang vào đời, chấp nhận làm người kỹ sư tâm hồn, đào tạo các thế hệ trẻ thì nghĩa là chúng ta đã chấp nhận làm một vai diễn thầm lặng trên sân khấu cuộc đời rồi. Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Không có luồn lọt nịnh bợ, không có âm mưu thủ đoạn, không giấu đao kiếm trong bụng, không lừa thầy phản bạn, không bè phái xu nịnh, kể xấu và đè đạp người khác để tiến thân. Bạn muốn làm một Lệnh Hồ Xung tiếu ngạo giang hồ chăng? Nhưng chỉ sợ chốn giang hồ hiểm ác,với chút ít kiến thức chính thống bạn chẳng thể “ thành đạt” được đâu. Ngay cả đôi khi, dù không muốn bạn cũng phải có những quyết định tàn nhẫn lạnh lùng của một kẻ máu lạnh, những quyết định đi ngược hẳn với những gì chúng ta đã học trong nghề sư phạm. Như vậy thành đạt cũng có cái giá của nó, và không phải ai bước vào thương trường cũng đều thành đạt.

Ở đời ai lại không thích hưởng thụ tiện nghi vật chất. Chỉ khác nhau ở cái cách mưu cầu tiện nghi đó mà thôi. Cái khác của người trí thức so với người bình thường là biết tự nhìn lại bản thân để điều chỉnh hành vi thái độ ứng xử cho phù hợp với đạo làm người, còn nếu người trí thức đã chai sạn hay xác lập cho mình tinh thần lãnh cảm trước nỗi đau của đồng loại thì sự phát tác cái ác sẽ rất kinh khủng, hơn gấp hàng trăm , hàng nghìn lần kẻ võ biền. Chừng nào người ta còn chưa hiểu ra rằng thỏa hiệp với cái ác cũng là một tội lỗi, còn tiếp tục làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại, không động lòng trước những nỗi oan trái bất công hay đơn giản không cứu giúp người bị nạn ngoài đường vì sợ dây vào phiền toái; còn chấp nhận an phận, co vòi lại để bảo toàn sự yên ổn thì cái ác còn mặc sức tung hoành. Một người thầy tôn vinh quá mức vật chất, coi đó như thước đo giá trị con người và đánh giá sự thành đạt bằng quy mô của cải thì sẽ hướng những tâm hồn trong trắng đi về đâu ? Chòi đạp để làm giàu bằng mọi giá ư? xếp hạng cao thấp bằng danh và lợi ư? Cũng bởi lấy việc chiếm hữu vật chất làm thang điểm xếp loại thành đạt nên mới có cảnh bắn nhau để giành than thổ phỉ, thả chó cắn chết người mót cà phê rụng. Mình nhớ mới đây thôi,khi dư luận rộ lên vụ Hiệu trưởng mua dâm và môi giới mại dâm nữ sinh (Hà Giang) thì có một vị quan chức trong ngành giáo dục lên tiếng “đe” ngay, đại ý đừng có lấy một trường hợp cá biệt mà đánh giá toàn ngành. Nhưng chính Khổng Tử, vị Thánh vạn thế sư biểu cũng từng nói “ ta lấy một điều để quán triệt tất cả, dùng một nguyên lý để xét đoán mọi việc” đó thôi.

Lứa chúng ta nay đã qua tuổi tri thiên mệnh, giàu nghèo đã xác lập, thật khó cãi mệnh trời. Cũng không cần thiết phải thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan đã định hình qua bao năm tháng. Đường công danh của mấy mươi anh em trong lớp như một biểu đồ hình tháp, càng lên trên càng rơi rụng dần. Đa số nay đã quy điền, chỉ còn số ít đang mê mãi thu hoạch cuối đời. Mình mong vài năm nữa ( 2014), khi tất cả đã về hưu, buổi họp lớp sẽ vang lên những tiếng cười hào sảng vô tư bất vụ lợi. Năm sáu mươi tuổi, son phấn trôi tuột hết rồi thì người ta mới có dịp tĩnh tâm nhìn lại cuộc đời đã qua, những gì làm (coi) được, những gì làm (coi) không được. Như dòng sông chảy vào nơi tĩnh lặng sau bao thác ghềnh, bùn lắng xuống dưới để mặt nước trở lại trong xanh, trước khi hoà vào biển lớn. Một đóa hồng ngày 20 tháng 11, một cuộc viếng thăm ngày mùng 3 Tết, một tiếng gọi thầy khe khẽ trên giường bệnh. Khi ấy thì bạn mới thấm thía giá trị cao quý của  tình nghĩa thầy trò, và cũng khi ấy có thể gọi là bạn đã thành đạt rồi đó. Thành nhân và đạt đạo.

Xin hãy vững lòng đừng chao đảo, đừng xoay theo chiều gió. Gió ấy là gió chướng, chỉ thổi một mùa thôi mà. Xin bạn hãy tự bằng lòng với bản thân, sáng sớm đi tản bộ bên bờ kè sông mới lát gạch, ghé Hưởng Ký làm một cốc cà phê, mua một tờ Tuổi trẻ, tắm táp rồi đến trường, lên bục giảng. Chiều làm vài chai Heineken đàm đạo sự đời. Tối xem xong tin thế giới rồi lăn ra ngũ. That’s enough.

Trong bài viết về thầy cô trường Trịnh Hoài Đức của Hoàng Anh có hai câu thơ rất hay, mình xin mượn để kết thúc bài ở đây:

Những phường bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.
 
Lưu Thanh Bình
Cuối năm Kỷ Sửu - 2009