Tân
Khánh: Quê Hương Thời Tôi Lớn!
Nguyên Thảo
Mỗi con
người, ai cũng có một thời thơ ấu và thời thơ ấu
đó gắn liền với quê hương của
mình. Tôi cũng không ngoại lệ! Quê hương
chính của tôi ở một xẻo đất nhỏ với vài
chục gia đình gọi là ấp Phước Lương. Lạ một điều, ấp nầy
là mũi nhọn thọc sâu vào
trong bưng biền của xã Phước Thành giáp với
xã Tân Phước Khánh, Tân Hóa
Khánh và
Thái Hòa, nó gần như cô lập với xã về
mọi phương diện. Sự di chuyển và chợ búa,
giao thông thường đi vào Tân Khánh qua
ngõ Phước Lộc hay gò Sở, hàng tre dài.
Thời thơ
ấu của tôi ở quê hương chính hay là quê
nội không lâu và không có nhiều kỷ
niệm,
vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ. Tôi
chỉ nhớ mang máng cái dáng nhà của
ông bà cố, cái
đống gạch ngói vụn căn nhà của ông nội tôi
mà tụi Tây đi bố đã đốt, và căn nhà
không kín đáo mà ba tôi đã dựng
lại để ở. Tôi không biết và không nhớ ếch,
nhái,
ễnh ương có kêu rang vào ban đêm ra sao?
Nhưng tôi lại nhớ, nhớ rõ cái đêm trăng
mà ba tôi đã đánh xe trâu để tản cư,
rời bỏ ấp Phước Lương chuyển về nơi khác ở
nhằm được yên ổn hơn. Đêm đó có cả bà
út em của ông nội tôi nữa.
Tôi về
quê ngoại chắc vào lúc ngoài ba tuổi,
vì khoảng năm tuổi tôi đã ý thức được
ít
nhiều. Quê ngoại tôi là xã Vĩnh Trường.
Bìa xóm trên là sân bay của sở Con
Rồng
ngày xưa mà quân đội Nhật đã phát
triển lớn hơn. Bên kia sân bay và cánh đồng
Bà
Bèo là xã An Mỹ, Phú Hữu ở đầu ngoài
nầy, còn đầu trong là xã Phú Chánh.
Cánh đồng
ấy ngày tôi còn nhỏ theo má và mợ ba
đi sang xã Phú Hữu sao mà nó lớn và
xa ơi
là xa. Nhưng đến ngày tôi lớn về sau nầy nó
chẳng xa là mấy! Và sau nữa, những
nơi, con đường ấy là những đoạn đường tôi phải qua
hàng ngày để đến trường
Trung học An Mỹ.
Nhà ngoại
tôi thuộc xóm dưới, băng qua hai gò mã,
và một cánh đồng ruộng gò, lội qua suối
thì đến xóm lò chén để ra chợ Tân
Khánh. Chẳng có gì khó khăn cả, chỉ
cách khoảng
hai cây số mà thôi! Những vuông tre và
những con đường làng đất đỏ bụi mù vào mùa
nắng, cũng như lầy lội vào mùa mưa chạy xuyên
vào ruột của những hàng tre hay
bao quanh các hàng tre chạy vào mãi trong
Tân An. Vĩnh Trường cũng tương đối là
nơi khá an bình trong những cuộc chiến.
Nhưng tùy
theo tình hình chiến sự mà người ta có được
yên ổn hay không? Sự xung đột của
hai phe “kháng chiến” và “thực dân” đôi
lúc làm cho quê ngoại tôi trở thành
nơi
khó ở cho những người thanh niên; cũng như gia đình
tôi phải bỏ quê nội chỉ vì
bị Tây vào đốt phá cùng bắn pháo,
oanh kích bất cứ lúc nào. Tản cư! Một danh từ
quen thuộc trong thời chiến tranh. Ba má tôi quyết định
dời về chợ Tân Khánh, lúc
đó tôi lên bảy. Từ quê nội, về quê ngoại
để rồi tôi lại được chọn nơi có nhà thương
mình sanh ra để làm quê hương: Nhà thương
của Bà Mụ Công ở xã Tân Phước Khánh!
Ba má tôi
chuẩn bị khá lâu cho cái nhà nầy. Trước kia
nó là con đường hẽm giữa hai cái nhà,
nơi người ta qua lại để đi chợ, ba má tôi phải xin miểng
hộp từ trong lò chén
chở về đổ vào chỗ trủng, rồi đổ đất lên cho tương đối bằng
phẳng để dựng cột, cất
nhà, do đó khi nhà thành hình
các mái chái bên hông của hai
nhà hai bên nó vẫn
còn hiện diện trong nhà của ba má tôi.
Nhà trở nên âm u và hẹp lại do vấn đề như
vậy.
Tôi không
nhớ rõ, ba tôi cho tôi đi học vào lúc
nào trong năm lên bảy nầy; học ở trường cây
gòn do ông Thầy giáo Khai lập nên. Ông
thầy giáo Khai ở trong khu riêng của người
theo đạo Cao Đài, phía sau Thánh Thất đối diện với
trường học qua con đường từ
Thủ (Dầu Một) về. Ngày hai buổi ông từ trong ấy ra trường
và về nhà. Ông Thầy
giáo Khai dạy lớp Nhất, Thầy giáo Khòm (tại
vì ông bị khòm lưng, chứ tên thiệt
của ông là ông thầy giáo Giỏi) dạy lớp
Nhì. Lớp Ba là thầy giáo Thăng, lớp Tư là
Cô giáo Khai, còn tôi là lớp
“chót bẹt” lớp Năm Đồng Ấu của ông Thầy giáo
Sáu. Ở
Tân Khánh lúc đó chỉ có trường Việt
của ông Thầy giáo Khai và trường Tàu dạy
tiếng
Tàu của cộng đồng người Hoa Kiều, về sau nầy có Thầy
giáo Chấn nhập cư Tân Khánh
và mở thêm một trường tiếng Việt nữa.
Khi xin
vào học tôi đã bị chê là nhỏ,
không biết là nhỏ con hay nhỏ tuổi và sau nầy ba
tôi có kể lại là hay bị “mắng vốn” vì
vào lớp tôi thường hay ngủ. Không biết tôi
học với ông Thầy giáo Sáu trong bao lâu,
nhưng sau đó thì tôi cũng được lên lớp
Tư. Lúc bấy giờ người ta không dạy vỡ lòng bằng
các sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư
nữa, mà học theo quyển “Em Học Vần” thì phải. Cho đến
bây giờ tôi hãy còn nhớ rõ
hình dáng của ông Thầy giáo Sáu
ôm bụng làm ra vẻ đau bụng trong bài “C-am
Qu-ít
Ng-ọt” khi ông nói về ăn quá nhiều; hoặc là
ông làm kiểu cỡi ngựa chạy trong bài
“Y-ên C-ỡi Qu-ất”. Một việc làm tôi nhớ nhất trong
khoảng thời gian nầy là tôi
bị “làm tội”. Một bữa nọ, đang ngồi học thì anh Tư Sơn,
con Cậu Ba ở kế nhà, từ
trên lớp Nhất của ông thầy giáo Khai xuống xin với
ông Thầy giáo Sáu triệu hồi
tôi lên gặp ông Thầy giáo Khai. “Gặp ông
Thầy giáo Khai” tôi sợ lắm! Nhưng khi
vào lớp bên cạnh bàn, ông thầy giáo
Khai hỏi tôi: “Tại sao lấy cái kéo của thợ
may bỏ vào cặp của thằng Bự”, tôi thành thật: “Dạ
thưa Thầy, con đâu có lấy bỏ
vô”. Ông hỏi tôi nhiều lần lẫn làm dữ, nhưng
tôi đâu có làm việc đó. Cuối
cùng,
ông cầm kéo hù tôi: “Có hôn?
Nói thiệt đi, không thầy đâm kéo vào
cổ”, Tôi trả
lời trong nước mắt ràn rụa: “Dạ thưa Thầy con hỏng có!”.
Sau đó thầy cho tôi về
lớp! Những năm đó gợi cho tôi nhiều kỷ niệm, ở lớp Tư của
Cô giáo Khai có thằng
Sinh em của ông trưởng đồn bót Cây Trắc ở trong
Tân An thường hay hát cho tôi
nghe vào lúc cuối giờ, nhưng nó sửa lời “tầm bậy
tầm bạ”, sau đồn bị Việt Minh đánh,
không biết nó còn sống hay chết. Rồi lớp Nhì
của ông thầy Khòm với thằng Tư gà
học “tối quá” nên bị đòn thường xuyên,
và lần lần tôi cũng bò lên lớp Nhất nửa
chừng thì đến năm hòa bình, bắt đầu vào
thời kỳ mới. Sở dĩ, học trò học nhanh
như vậy là vì học ngày hai buổi, gần như cứ mỗi
nửa năm là lên lớp. Tôi và một
số bạn bè không biết học giỏi hay dở nhưng khi đến lớp Ba
lúc đó không có thầy
dạy thì trường cho nhảy hết lên lớp Nhì, để rồi nửa
năm sau đó lên lớp Nhất.
Đất nước
hòa bình nhưng bị chia đôi, khi miền Nam có
nhiều thay đổi từ Quốc Trưởng Bảo Đại,
Thủ Tướng Ngô Đình Diệm; đến truất phế Bảo Đại và
Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì
trường sơ cấp Tân Phước Khánh được thành
hình đồng thời với các trường ở Hóa Nhựt,
Phước Lộc, chiếu theo khai sanh mà học trò được nhận
vào học trong lớp nào. Tôi
trở về học lớp Ba với thầy Nguyễn Văn Hòa, cô Thọ dạy lớp
Tư, thầy Hạ Ngọc Thơ ở
ngoài Thủ vào dạy lớp Năm cũng là Hiệu Trưởng
(Trưởng giáo?). Một số bạn bè trước
kia, ai thích học ở Tân Khánh thì học, ai
không thích thì chuyển ra học ở trường
Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng. Số đi cũng khá nhiều! Năm sau
trường Sơ cấp Tân Phước
Khánh biến thành trường tiểu học Tân Phước
Khánh vì có lớp Nhì, số học sinh từ
trường Hóa Nhựt (Xã Tân Hóa Khánh)
dồn ra. Thầy Phạm Văn Trọng ở Lái Thiêu phụ
trách. Năm này vừa học vừa văn nghệ tưng bừng, vì
Thầy Trọng giỏi đàn Măng-Đô-Lin,
và cô Thọ trổ tài dạy múa. Năm sau trường
khá lớn, lớp Nhất chúng tôi học trên
cơ sở trường mới trước rồi sau đó các lớp sau mới
lên theo, cô Vũ Thị Hồng Ngọc
người Bắc về dạy lớp Nhất chúng tôi, cô Nga dạy lớp
Nhì, và Hiệu Trưởng là Thầy
Nguyễn Văn Tâm từ Búng vào.
Đó là
chuyện trong trường học. Còn cái “thời con nít”
thì bao thầu ở nhiều nơi và nhiều
trò. Bắt đầu lớn lên thì đi theo những người lớn
hơn mà chơi. Mình làm “lon
ton”. Những đêm trăng sáng chơi “u bắt mọi” hay “u”
thì mình được phân công “u”
trước để bị bắt và những người lớn có sức hơn “cứu bồ”,
hoặc đồng lứa tuổi thì
chơi “cốt kiếm” (trốn bắt), “bỏ khăn”, “rồng rắn”, hay ngồi nghe kể
“chuyện ma”
để tối không dám ngủ, vậy mà vẫn thích nghe
kể. Tôi cũng đã từng theo phe nầy
phe kia để chửi lộn, để làm tay sai cho bọn nó. Có
lẽ thời con nít thích thú nhứt
là đi dạo xóm làng, đi cùng các hang
cùng ngõ hẽm, dẫn nhau thành bầy đi ra tận
các nhà có trồng điều ở Phước Lộc, hàng tre
dài, gò mã bịt bùng, hay lên tận
Bình
Hòa để “vặn” cắp hột điều về chọi đáo hột điều; có
lúc đi đào dế, bắt cá lia
thia về cho chúng đá chơi. Bưng biền, rừng chồi
luôn được rảo qua, các cây trâm
bầu, trâm bột vào mùa trái chín đầy
tiếng la, tiếng kêu ỏm tỏi. Xong rồi về ghé
vào cái mội nước nào đó để tắm. Từ mạch
chú Khọt, đến mạch chú Rách, ông Ca,
ngay cả mạch Chợ là mạch lớn nhất để cho cả xóm
gánh nước về xài, nấu ăn cũng
được nhào xuống để tắm, có lúc bị “dí” chạy
cùng đường. Con suối con Tân Khánh
khởi nguồn từ Lồ Ồ ở sân bay chạy qua Bình Hòa được
tiếp tế do nhiều mội nước
thành con suối khá lớn, nước trong, dọc đó
có nhiều nơi trong mát, tắm rất thú
vị. Có nơi sâu quá đầu người mà bọn con
nít chúng tôi hay đùa giỡn, tập bơi lội.
Qua sau năm Thìn bão lụt, suối cạn dần vì mưa lớn
lôi miểng hộp, miểng chén dĩa
xuống lấp mất độ sâu của dòng suối. Những guồng quay cối
xay giả hồ để làm nước
da của lò chén theo sự tiến bộ của cơ giới cũng mất dần
làm vẻ nên thơ và hấp dẫn
của Tân Khánh cũng lần lần bị kém đi. Tân
Khánh ngày xưa không có ấp Bình
Hòa,
Bình Hòa thuộc xã Bình Chuẩn, còn
khu Nhà Thơ cùa Bình Chuẩn ngày nay
là của Tân
Khánh ngày xưa chạy ra tới mãi miễu Bưng Cù
chạy về Hố Đá, hàng Tre Dài. Xã Tân
Khánh giáp với xã Tân Ba, Thái
Hòa, Tân Hóa Khánh, Vĩnh Trường và
Bình Chuẩn.
Ngày đó, tôi không biết là có
bao nhiêu ấp, nhưng khi dồn vào ấp chiến lược thì
có ấp Khánh Thạnh, Khánh Lợi, Khánh Lộc,
Khánh Long, Khánh Hội và Bình Hòa.
Tôi
chỉ nhớ được là như vậy mà thôi!
Cái sân
bay ở bìa trên Bình Hòa và
cánh đồng Bà Bèo ngày xưa là nơi tập
của lính nhảy dù,
có khi hàng tuần, chúng tôi phải đạp xe đạp
thật nhanh để xem lính nhảy dù từ
trong máy bay nhảy ra, và đếm coi được bao nhiêu
người. Có lúc họ tập trận giả
bắn súng nghe cũng rất ư là dữ dội! Lâu đến thời
gian sau, không còn có lính và
máy bay nhảy dù nữa; mà là nơi để
máy bay chong chóng (Skyraider) tập oanh kích
mục tiêu, từ bom nổ cho đến bom lửa. Trong thời kỳ nầy dân
hai bên xã Vĩnh Trường,
An Mỹ, Phú Hữu chết cũng nhiều vì tranh lấy ngù đồng hay cưa bom để lấy sắt vụn.
Có người chết chẳng toàn thây Và từ
ngày quân đội Mỹ chiếm vùng sân bay
làm căn
cứ của Sư Đoàn Không Kỵ số 1 thì con đường đi ngang
sân bay bị ngăn lại và Vườn
Bà Đôn bị biến mất. Bây giờ vẫn vậy, muốn đi
lên Bình Dương, Phú Lợi phải đi đường
vòng qua ấp Bình Quới (xã Bình Chuẩn) đường
kéo dài thêm hai cây số nữa. Những
khu rừng chồi, kể cả rừng Cây Chàm mà thuở nhỏ
chúng tôi thường cùng nhau len lỏi
để hái trái cơm rượu, trái giấy, trái
táo gai, trái sim, trái mua... thường bây
giờ đã biến mất nhường cho nhà cửa, hảng xưởng và
người ta. Những gò mã, ngôi mộ
lẽ loi ngày xưa làm con nít chúng tôi
“sợ ma” vào những buổi trưa nắng chang
chang cũng lần phải di dời, người chết phải nhường đất đai lại cho
người sống.
Bây giờ
Tân Khánh đã có rất nhiều đổi thay. Sau hơn
16 năm đi xa, khi trở về tôi không
thể nhìn ra những nơi mà ngày thơ ấu, ngày
còn ở nhà mình đã từng lội qua lắm lần.
Nhìn mãi, nhớ moi ký ức để rồi: “Lạ quá,
nhìn mãi mà không nhớ ra nỗi!”. Nếu
mà
Bà Trà, Ông Ất, Ông Giá mà
có sống lại thì họ cũng không nghĩ là
Tân Khánh mà một
thuở họ đã lưu danh đã là như thế nầy!
15/12/09.