XỨ BÚNG NGỌT NGÀO

Nguyễn-công-Tế
 
(Viết để nhớ về Búng và gởi các bạn từ xa tới Búng trọ học xem có ở trong trường hợp giống tôi không)
 


    Quê hương. Có người bảo Quê hương là nơi mình được cha mẹ sinh ra ở đó , nghĩa là nơi nào mình được sinh ra, nơi đó là quê hương của mình. Nhưng cũng có người nói : quê hương là chỗ cha mẹ mình chết và mai táng ở đó. Riêng đối với tôi, cả hai trường hợp trên đều không đúng, mà đối với riêng tôi, Quê Hương tôi là chỗ tôi có nhiều những kỷ niệm êm đềm nhất, có nhiều người thân yêu nhất, nơi đã ghi vào hồn tôi những hình ảnh thân yêu không thể phai mờ, và cho tôi một cuộc sống an bình nhất. Vâng, tôi có một quê hương thân yêu, cho dù tôi đã được sinh ra ở miền Bắc Việt Nam, đã ở nhiều nơi, từ Bắc, Trung, Nam và ở cả vùng Nam bán cầu là xứ Úc Châu nầy đã nhiều năm, có lẽ còn lâu hơn ở Việt Nam nữa, nhưng chỉ có xứ Búng, Bình-Dương là Quê hương của tôi, mặc dầu tôi chỉ ở đó khoảng 10 năm thôi. Mời các bạn cùng tôi ôn lại vài kỷ niệm thân thương đã cột chặt tôi vào cái xứ Búng nầy . Khởi đầu là trường Trịnh-Hoài-Đức.
   Trịnh-Hoài-Đức là một trường công lập lớn nhất tỉnh Bình-Dương , nhưng lại xây dựng ở Búng, sát quốc lộ 13, cách Bình-Dương khoảng 6 cây số và cách chợ Búng chừng hơn cây số. Đây là một vùng quê một trăm phần trăm. Người dân ở đây chuyên sống về nghề nông. Đất đai nông nghiệp được chia làm hai loại , đất bưng và đất giồng. Đất bưng là những vùng đất gần nhưng sông lớn, có kinh, lạch dẫn nước thủy triều vào, nên đất bưng thường được lập vườn, khai mương, trồng cây ăn trái. Tuy cùng là nhà nông, nhưng vườn cây trái thường trù phú , cây lành trái ngọt nhiều, nên người dân ở vùng bưng có vẻ "mượt mà " hơn, công viẹc ít tấp nập hơn. Nếu lấy quốc lộ 13 làm chuẩn, đứng ở chợ Búng nhìn về Bình Dương thì vùng đất bưng nằm về phía tay trái.
   Ngược với đất bưng là đất giồng. Xưa kia những vùng đất nầy chỉ trồng lúa, năm một vài vụ và thường làm với phương cách con bò đi trước , cái cày theo sau nên có mòi vất vả . Sau nầy ngoài vụ lúa chánh, nông gia còn tỉa thêm hoa màu phụ như dưa leo, mướp khía, củ sắn nước...nên công việc càng tấp nập thêm, nhưng thu nhập cũng khá hơn. Xưa nhờ nước trời tưới lúa, sau người dân đào giếng để cất nước lên tưới. Nhiều gia đình có máy tưới nên công việc cũng đỡ nặng nhọc hơn.
   Nhìn chung ta thấy xứ Búng có những điểm rất đặc biệt, dễ thương. Chẳng hạn vào khoảng tháng 5-6 là mùa trái cây, có hằng hà xa số trái cây thơm ngọt, như mít tố nữ, sầu riêng,chôm chôm, măng cụt... Đó thường là sản phẩm của đất bưng. Vào những tháng khác thì có những trái cây khác của vùng đất giồng như mít, vú sữa, xoài...Nói tóm lại, mùa nào thứ đó, Búng có đầy đủ những thứ thơm ngon đầy quyến rũ lòng người.
   Những trái cây thơm ngon ở miền Nam thường thì rất nhiều nơi có. Nhưng có một sự ngọt ngào, êm ái tuyệt vời của người xứ Búng, chắc rằng khó có đâu sánh bằng.
   Tuy sống rất cần cù, vất vả , hầu hết về tiền bạc mọi người sống rất eo hẹp, nhưng người Búng lại có tấm lòng bao dung, rộng lượng vô biên ! Nhất là đối với học sinh từ mọi nơi tụ về học ở Trịnh-Hoài-Đức.
   THĐ, một ngôi trường quá lớn, có từ lớp Đệ Thất tới Đệ Nhất, tổng cộng vài ngàn học sinh thì cái xứ Búng nông nghiệp nầy làm sao có đủ học sinh cho trường. Vì thế số học sinh từ các nơi đổ về đây học đông hơn hẳn số học sinh của xứ Búng .Vậy mà hầu hết số du học sinh tới Búng trọ học đều được ở miễn phí. Ở hết năm nầy qua năm khác, hết tốp nầy qua tốp kia, không ai làm lợi gì cho chủ nhà, mà không bao giờ có điều tiếng xấu gì cả. Có một điểm rất đặc biệt là một tốp học sinh đang trọ học ở một nhà, nếu có một người nào đó muốn đi nơi khác, rồi một vài tuần hay vài tháng trở về lại, chủ nhà vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra.
   Tôi là một thằng bé Bắc kỳ 9 nút ( 54 ), đang học ở trường công lập Phan-Bội-Châu ở Phan-Thiết . Khi gia đình chuyển về Bến Cát, tỉnh Bình-Dương , tôi xin vào trường trung hoc THĐ học . Ngày học đầu đối với tôi thật vô cùng "kinh dị". Mọi người nói giọng hoàn toàn khác. Tôi nói đi "về" thì họ nói đi "zìa", tôi nói "ăn" thì họ nói "ăng". Tuy đã có nhiều năm sống với người miền Trung ở Bình-Thuận, Phan-Thiết, nhưng ở ngoài đó tôi có nhiều người đồng hương nên không cảm thấy lạc loài. Vậy mà chỉ hơn một tuần sau tôi đã trở nên thân quen với cái thế giới xa lạ đó . Các bạn tôi ai cũng nhìn thấy tôi rất khác họ. Nhưng với bản tính hiền lành của người miền Nam, họ thực sự muốn gần và giúp đỡ tôi. Tôi cảm thấy an tâm và yêu đời.
   Qua 7 năm học ở đây tôi mến thương mọi người mà cho đến nay nghĩ về họ tôi vẫn bồi hồi, xúc động...
   Tôi lại muốn khoe với các bạn về cái xứ Búng ngọt ngào của tôi : gia đình chúng tôi có 8 người, gồm 5 trai là Vùng, Môn, Nam, Bảo, Tế và 3 gái là Mừng, Trai, Phượng . Chúng tôi là những người ở xa tới Búng trọ học. Thật là một duyên may trời sắp xếp, kẻ Bắc, người Nam lại qui tụ thành một gia đình . Chúng tôi ở chung, góp gạo, góp tiền mua đồ ăn, củi ... tự nấu nướng như một gia đình. Thương yêu nhau như ruột thịt, ở chung bao nhiêu năm mà không bao giờ có một vẩn đục giận hờn...Lại thêm bà Năm, chủ nhà thật tuyệt vời. Bà chỉ có một mình ở cái nhà quá lớn ngay cổng trường nữ trung học THĐ, các con bà đã lớn, ở riêng cả . Bà cho chúng tôi ở và cho chúng tôi mọi tự do như nhà mình . Sau nầy cứ gặp người nào ở ngoài đời tốt bụng với tôi, tôi đều nói họ là người xứ Búng của tôi.
   Tôi tin rằng các bạn từ xa đến xứ Búng học đều có được những cảm tình nồng hậu và tình yêu thương tuyệt vời mà người Búng dành cho mình, nên lòng biết ơn sẽ không bao giờ phai lạt.
   Môt điều in đậm nét trong hồn tôi mà xứ Búng đã ban cho tôi , tôi biết chắc là nếu có linh hồn, tôi sẽ đem món quà này về bên kia thế giới khi tôi ra đi. Đó là Búng đã cho tôi một bà mẹ thật đúng nghĩa, thật tuyệt vời.
   Đó là bà "Cô Ba" của người bạn cùng lớp, tên Nam. Một bữa kia Nam dẫn tôi về thăm cô Ba nó. Từ chỗ chúng tôi trọ học tới nhà "Cô Ba", tức là từ ấp Thạnh-Bình tới ấp Thạnh-Phú, gần cầu Móng, cách vài cây số . Ngày gặp cô lần đầu cũng là ngày định mệnh. Gặp Cô , bà vui vẻ, niềm nở ra mặt ( lúc nầy tôi đã nghe tiếng Nam giỏi rồi , nhưng giọng tôi còn "Bắc Kỳ" quá nên có nhiều khi muốn nói chuyện với bà tôi lại mắc cỡ không dám nói ) . Bà đem trái cây nhiều thứ cho chúng tôi ăn, rồi dẫn đi vòng vòng trong vườn. Khi về, bà còn đưa một túm để cho tôi đem về . Bà bảo " Khi nào mầy rảnh cứ tới đây chơi. Có thằng Nam cũng được mà không thì mình mầy tới “.
   Thế rồi ngày tháng trôi mau , tôi cũng không nhớ mình ra vô nhà Cô Ba bao nhiêu lần nữa, nhưng nhớ có lần cả "gia đình" học trò chúng tôi kéo tới nhà Cô Ba, trừ mấy đứa con gá i. Đứa nào tới đây bà cũng đối xử ngọt hơn nước dừa, trái cây xứ Búng. Có một thời gian tôi đã tới nhà Cô Ba ăn dầm nằm dề ở đây để đi học mà không hề đưa cho bà một đồng bạc để mua thêm đồ ăn mà bà hoàn toàn vui vẻ , không nói một lời nào . Bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi đều tự hỏi : Sao lại thế được , sao hồi ấy mình ngu vậy ?
   Ngày tháng qua đi. Tôi thi đậu, ra trường rồi bị động viên vào lính. Đến lúc hết chiến tranh , sau gần sáu năm đi tù cải tạo tôi được thả về .Tôi là người hoàn toàn không có quê hương, nhà cửa, không có một chỗ nương thân hay hộ khẩu. Tôi đem gom tất cả quần áo, nữ trang của vợ , bán đi mua một chiếc xuồng nhỏ, sống bấp bênh trên sông nước để kiếm sống qua ngày.. Nhưng xuồng cũng phải có bến đậu .Tôi lại về đậu xuồng ở vàm Cô Ba , gần nhà bà . Biết bao nhiêu người muốn hạch hỏi , làm khó, nhưng bà như một con gà mái lúc nào cũng dang rộng đôi cánh che chở cho bầy con khỏi bị quạ vồ .Tôi nhớ mãi những lần tôi cột xuồng dưới gầm cầu Móng , bà đi vào rẫy về thường trao cho tôi những bó cải thật tươi non . Tuy không đắt giá nhưng nó biểu lộ tấm lòng yêu thương vô bờ của bà đối với tôi... Tôi ở dưới cánh của con gà thương yêu được hơn một năm thì tôi qua Úc . Dù ở xa hàng ngàn cây số nhưng hình ảnh của Bà luôn luôn ở trong hồn tôi , và xứ Búng chính là quê hương ngọt ngào của tôi.
 Tôi luôn liên lạc về "Cô Ba", và luôn coi Bà là mẹ hiền . Bà luôn nhắc tôi hãy về một chuyến. Bà nói " Tao đã chín mươi tuổi rồi, mầy về đây đi, ở nhà tao cũng được hay muốn cất nhà riêng tao cho đất cất nhà . Đừng để đến khi tao chết rồi mới về ".
 Rồi bất ngờ vào lúc 10 giờ đêm ngày 19/10/2007 tôi nhận được điện thoại từ Việt Nam báo "me" đã mất tại nhà thương vì tai nạn xe cộ .Toi điếng hồn và có làm bai thơ tả tôi cùng mẹ , đăng trong báo Nhân Quyền it ngày sau đó. Bài thơ như sau :
Mẹ !
Thôi thế từ nay xa thật rồi
Dù bên xác mẹ vẫn xa xôi
Ngàn trùng cách biệt dù bên mẹ
Mẹ đã xuôi tay, giã từ đời.
 
Dù bao ngày qua phải xa xôi
Con vẫn còn mẹ nơi chân trời
Ngàn trùng xa cách nhưng tim vẫn
Bên cạnh mẹ yêu. Mẹ yêu ơi !
 
Bây giờ thì thật là xa rồi
Dù có gào thét mãi không thôi
Muôn đời con vẫn xa mẹ thật
Làm sao cho con khỏi ngậm ngùi ?
 
Chỉ mới hôm nào mẹ gọi con:
"Về đi thôi, thăm mẹ một lần"
"Hay là mầy để cho tao chết"
"Rồi mới về đây, phải không con ?"
 
Tưởng chỉ là lời trách thương thôi
Ai ngờ lại là lời cuối đời
Mẹ ơi, con mẹ dù còn sống
Bao lâu quên được mối hận lòng ?
 
Con giờ có khóc cũng bằng thừa
Của quí trong tay bao lâu xưa
Như quên, như nhớ trong hờ hững
Mất rồi mới thấy đau không ngờ !!
 
Hồn con luôn tựa bóng mẹ hiền
Tự nhiên bóng mẹ không còn yên
Mẹ ơi hồn con thật sự đã
Không còn đứng vững, không còn nguyên !!.
 
     Vậy là tuy không có nhà ở Búng, nhưng trong hồn tôi có hai căn nhà ân tình ở đây thật rõ ràng. Một là căn nhà mẹ nói về cho đất để cất. Mới gần đây con cháu mẹ cũng nhắc lại lời hứa cho đất của bà, vì họ thương mẹ quá, mà họ biết mẹ thương tôi nên muốn làm vui lòng mẹ .
    Còn một căn nhà ân tình thứ hai tôi ít khi nhắc tới, nhưng lại vô cùng rõ nét trong hồn tôi . Khi ở Úc, lúc được 14 năm tôi trở về thăm lại Việt-Nam, Tám Mèo, người bạn học rất thân, ngày còn đi học tôi thường tới nhà hắn ăn dầm nằm dề ở đó để luyện thi . Bà má đầu tóc bạc trắng lúc nào cũng vui cười, mà còn muốn làm mai một cô bé hàng xóm cho tôi nữa chứ . Mỗi khi nhắc tới tôi đều cảm thấy mình được vào sống trong một thế giới kỳ diệu, đầy tình thương yêu, theo tôi nghĩ, chỉ có xứ Búng mới có . Khi đi tù về , Tám cũng là thằng bạn đầu tiên mà tôi gặp . Lúc đó hắn đang coi cái bệnh xá ở Búng. Lúc đầu, tự nghĩ thân mình giờ bọt bèo, gặp chắc hắn chẳng thèm nhìn. Nhưng ngược lại, tình cảm hắn với tôi vẫn không hề thay đổi.
   Khi tôi ở Úc về , Tám vẫn làm việc như xưa, nhưng buồn một điều là không còn má nữa . Tám bảo tôi :" mầy về đây đi , về đây tao để cho mầy miếng đất cất nhà , chúng mình ở gần nhau cho vui . Thế là tôi có hai căn nhà ân tình . Cái nhà hay miếng đất thật sự không quan trọng , vì mình có thể mua sắm nó được , nhưng ân tình thì không thể có tiền của nào mua được . Hai căn nhà ân tình mà người xứ Búng ban cho tôi , tuy chưa biết hình dáng chúng ra sao , nhưng lúc nào nó cũng là những an ủi êm đềm , mến thương đầm ấm mà tôi luôn mong muốn được báo đáp những ân tình đó .
   Khi qua đến Úc , tôi đã nhận nơi đây làm quê hương . Tuy thời gian tôi ở Việt-Nam lâu hơn ở Úc, và tôi ở Búng chỉ khoảng gần 10 năm , nhưng lại là nơi tôi yêu thương nhất . Vì đã cố ý nhận Úc làm quê hương nên tôi thấy sự trở về sống ở VN thật xa vời . Chính vì thế khi mẹ và bạn kêu cho đất để cất nhà , tôi không dám nhận , nhưng lòng vô cùng xúc động .
   Gần 10 năm ở Búng , tôi có 1001 chuyện yeu thương để kể , và có lẻ kể đến suốt đời vẫn chưa hết được. Thôi thì chỉ còn biết nói " giấy ngắn , tình dà i" vậy . Có một điều Búng luôn luôn vẫn là nơi đầy yêu thương , ngọt ngào của tôi .
 
 
Melbourne, 1/11/2012


Chút ân tình về xứ Búng
Người Xứ Búng
Tặng tác giả bài  "Xứ Búng ngọt ngào"

Người xa xứ viết bài hay quá ..!
Đọc xong bài nước mắt tôi rơi
Tấm chân tình người Mẹ quê tôi
Thương anh quá ân tình chưa trả
Ray rứt cả đời nhớ mãi khôn nguôi
Thời gian đó làm ta lỗi hẹn...
Để ngày về, bóng Mẹ còn đâu ?
Trong tim anh Mẹ vẫn in sâu ...
Nơi xứ lạ... .quê hương anh nhận !
Vẫn còn người cảm nhận nỗi đau
Thời gian sẽ xoá dần ký ức
Để tim thôi ray rứt vì nhau
Của những người không chung giòng máu
Nhưng có chung nhau một tấm lòng ....

(3/2014)