Xuân
vọng cố hương
Hoa Trần
Thắm thoát
một năm trôi qua, đồng hương
chúng ta lại mừng đón chúa xuân về.
Xuân về khắp mọi nơi. Xuân mang đến cho nhân gian bao
niềm tin và hy vọng.
Đồng hương
chúng ta hy vọng những gì? Chúng ta hy vọng một
ngày mai tươi sáng trên đất nước thật sự thanh
bình, toàn dân được ấm no, hạnh
phúc, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau để
chúng sức xây dựng một nước Việt Nam
hùng cường và giàu mạnh.
Riêng mỗi
gia đình, con cái hy vọng cha mẹ già luôn
mạnh
khoẻ để sống lâu trăm tuổi, hy vọng đàn con trẻ học
hành siêng năng để sớm được
thành tài.
Và hy vọng
của quý vị cao niên là được hưởng những mùa
xuân
an bình trên quê cha đất tổ, không còn
ưu tư khi phải đón xuân nơi đất khách
quê người.
Mỗi
độ xuân về trên đất khách
Mấy ai trọn vẹn được niềm vui !
Nhìn
thiên hạ rộn ràng mua sắm để đón xuân, cũng
với chợ hoa
đây những lan, huệ, cúc đào, với bánh chưng
bánh tét, giò chả, bánh mứt ê hề,
đủ cả hoa quả tốt tươi, nhưng không làm cho ta quên
được cái Tết nơi quê nhà.
Đất
Bình Dương cây lành trái ngọt
Dân Bình Dương chất
phát hiền hoà.
Quê hương
tôi có người nông phu cần cù lao động,
có thợ làm
đồ gốm khéo tay. Hơn nữa thêm những nghệ nhân miệt
mài sáng tác nhiều tuyệt
phẩm sơn mài nổi tiếng, không những ở trong nước mà
gần khắp nơi trên thế giới.
Bình Dương
cũng có lắm nhân tài, đã được các
đồng hương kể
qua trong đặc san trước. Bình Dương cũng có các
nhà ái quốc, từng bị thực dân
bắt đi tù đày. Họ là những vị anh hùng mang
lại niềm tự hào cho con cháu Bình
Dương.
Bình Dương
hay Thủ Dầu Một ngày xưa, tuy cách Sài Gòn
có 30
cây số, nhưng thời đó giao thông chưa rộng mở, trong
tỉnh chỉ có rất ít xe đưa
rước hành khách. Bến xe nằm ngay cạnh Phòng
Thông Tin, trước tiệm bán hủ tiếu
cà phê Đức Thành Hưng. Gần bến xe là
nhà ga xe lửa, đối diện ngay nhà hàng Nam
Bắc Hiệp.
Tôi
còn nhớ lúc nhỏ, có một lần vào ngày
mùng ba Tết, tôi
được ông nội dẫn xuống Lái Thiêu để đáp lễ
bạn bè, và đi bằng xe lửa.
Ông tôi áo dài khăn
đóng, tay xách cây ba ton, chân mang
giày hàm ếch. Còn tôi xúng
xính trong
chiếc áo dài bông xanh trắng, bâu cổ
và tà áo viền hồng, chiếc quần hàng mới
trắng tinh, chân mang đôi hài đỏ thêu cườm.
Bà nội còn đeo cho tôi chiếc kiềng
vàng chạm long phụng nửa.
Mua vé
xong, ông cháu lên xe. Đúng giờ xe khởi
hành. Sau 3
hồi còi, xe bắt đầu chuyển bánh phát ra tiếng
kêu xình xịch. Còi hụ vang rền.
Khói bay mù mịt.
Xe lửa ngày
xưa không nhiều toa như bây giờ, chỉ có một đầu
máy và 6 toa thôi. Ba toa đầu gồm có hạng
nhứt nhì và ba. Còn ba toa sau dùng
chở hàng hoá.
Xe chầm chậm lướt
qua hai bên phố chợ, thẳng đến hông Nhà
Làng Phú Cường một khoảng
dài mới bắt
đầu tăng tốc lực. Tôi thích ngồi gần cửa sổ để nhìn
cảnh vật hai bên đường. Xe
chạy lướt qua thấy toàn ruộng đồng vườn tược, lâu
lâu mới có vài mái tranh ẩn
hiện cùng đồng cỏ mênh mông.
Xe chạy qua ga
Phú Văn, Búng, Bình Nhâm, rồi đến ga
Lái
Thiêu. Ông cháu xuống xe đi ngang qua chợ.
Ngày Tết, thiên hạ đều y phục chỉnh
tề, tấp nập đi thăm bà con, đi lễ chùa hay đi xem
hát. Các cô thiếu nữ áo dài
ngắn đủ màu sắc e thẹn đi nép vào nhau. Còn
trẻ nít chạy tung tăng với quần áo
mới, tay cầm phong pháo chuột vừa đốt vừa reo cười.
Trước cửa
nhà hai bên phố chợ, nhà nào cũng để hai
chậu bông
thọ hoặc bông mồng gà, thêm đôi liễn đỏ
dán hai bên cột. Xác pháo hồng rải
rác
khắp mặt đường, khiến cho cảnh vật ngày Tết thêm vui nhộn.
Khỏi chợ một
quãng đường hơi xa thì chúng tôi rẻ
vào một con
đường nhỏ có trồng đầy những hàng tre. Sâu
vào trong nữa thì thấy có một căn
nhà ngói lớn. Vào đến ngỏ thì nghe tiếng
chó sủa vang. Chủ nhà là một ông lão
tóc bạc phơ bước ra thấy ông tôi thì mừng
lắm. Ông nội bảo: "Thưa ông Sáu
đi con". Tôi khoanh tay lễ phép chào. Ông
Sáu cười và xoa đầu tôi.
Mời ông
tôi vô nhà ngồi xong, ông Sáu
vào trong mặc thêm áo
dài ra tiếp khách. Ông nội tôi xin
phép để đốt nhang ba bàn thờ. Trong lúc đó
ông Sáu đứng bên cạnh đón cắm vào lư
hương.
Xong hai ông
ra ngồi ở bộ trường kỷ uống trà đàm đạo. Còn
tôi ngồi bộ ván kế bên đưa mắt quan sát chung
quanh. Nhà nầy gồm ba gian thật
rộng. Bên trái lót một bộ ván gõ lớn.
Bên phải là một bộ bàn ăn. Giữa nhà đặt
một bộ trường kỷ với chiếc ghế dựa dài. Chỗ dựa chạm trổ
giây nho đầy chùm trái
thật tinh xảo. Bốn chiếc ghế vuông có tay dựa đặt
vòng theo chiếc bàn cẩn đá
cẩm thạch.
Phía
sát vách trong là ba bàn thờ cẩn ốc
xà cừ lấp lánh đủ
màu có hình bát tiên, hình ngư
tiều canh mục. Ở bốn góc cạnh tủ có bốn ô
vuông
nhỏ với những hình phong cảnh thật đẹp. Trên mỗi
bàn thờ đều có bộ lư và hai
chân đèn bằng đồng thật lớn được đánh bóng
sáng trưng. Cái chân bồng bằng gổ
mun trên đó có dĩa quả tử lớn chưng đầy trái
cây. Phía bên kia là chiếc lục
bình cao cắm đầy bông đủ màu.
Trên
xà ngang treo bức trướng đỏ có ba vòng tròn
có ba chữ
Phước Lộc Thọ viết kiểu hoa hoè, kim tuyến thêu
lóng lánh kèm theo hoa lá thêu
đủ màu nữa. Hai bên cột có hai dây vải đỏ
thắt lại thành hai cái bông thật lớn
thả dài xuống. Đây là kiểu trang hoàng của
nhà giàu trong dịp Tết.
Có tiếng
lao xao ngoài ngỏ. Ông Sáu nói: "Nhà
tôi với
các cháu về đó." Bà Sáu thấy
ông tôi thì chào hỏi lăng xăng. Còn
các cô
chú thì chắp tay chúc Tết. Tôi đứng dậy
khoanh tay chào cả nhà.
Bà
Sáu biểu đứa cháu nội gái tên Trang
cùng lứa tuổi với tôi
đưa tôi đi dạo chung quanh. Cái nền nhà nầy cao
có tới mười bực thềm. Hai bên
thềm có hàng lan can hình bán nguyệt. Nối
theo là hai hàng lan can dài trước
thềm nhà. Bước xuống thềm tôi chợt nhìn thấy một
gốc mai thật lớn phía sau bàn
thiên, mà lúc vào tôi bị chó
sủa quá nên không để ý. Gốc mai đầy
chùm nụ, bông
vừa nở vàng tươi. Lộc non đâm chồi nâu thẩm. Rải
rác là vài chiếc lá xanh non.
Thấy tôi
đứng mê mải nhìn gốc mai, chị Trang hớn hở khoe là
ở vùng nầy chưa nhà nào có được gốc mai đẹp
như vậy. Ông nội chị nói năm nay
hên lắm, sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc dồi dào.
Trước nhà
chưng đầy chậu bông dọc theo cả hai lối đi. Nào là
mồng gà, thược dược, vạn thọ, cúc hồng ... lại còn
thêm những chậu bông giấy đủ
màu tím, vàng, cam, đỏ, trắng uốn cong thật thấp
đặt nghẹt những chùm bông. Chị
Trang cho tôi biết nhà chị Tết nhứt không tốn tiền
mua bông. Từ hai, ba tháng
trước Tết, ông nội chị đã gieo hột. Khi cây
lên thì chiết ra trồng. Còn bông
giấy thì được cắt uốn, vun phân tưới nước nên
có được nhiều bông. Ngay giữa sân
có mấy cái chậu thật lớn trồng cây thiên tuế,
chùm nụm và bông sứ. Cây chùm nụm
được uốn hình con thỏ, con gà, con voi thật khéo.
Vòng ra sau
nhà là một khoảng vườn trồng nào mận, chôm
chôm,
bưởi, mãng cầu, dâu, mít... Riêng một
góc đầy những cây chuối sai oằn những
quày nặng trĩu. Trong vườn, cây nào cũng dán
hình trái bầu bằng giấy vàng bạc.
Tôi cứ nghĩ mùng ba Tết nhà thôi, nhưng xuống
đây biết là có vườn nữa.
Trang dắt
tôi vào nhà bếp trong lúc đang chộn rộn
xào nấu.
Trên bếp nồi lớn nhỏ lu bù. Một bộ ván lớn ở
sát vách, phía trên gác một cây
tre dài treo đầy bánh tét. Tôi hỏi Trang
bánh tét nhiều vậy ăn sao cho hết. Chị
cười nói đó là chỉ còn phân nửa
thôi. Năm nào cũng vậy, trước hai bữa Tết, bà
nội chị nhờ bà con hàng xóm tới phụ gói.
Lớp cho lối xóm, lớp bạn bè, và còn
nhiều con cháu nữa. Trang nói nhà chị ăn Tết tới
qua mùng 8 lận. Mùng 4 đưa ông
bà xong nhưng bà con ở xa tới trễ, thành ra cũng
phải đãi đằng và lúc về còn
làm quà một cặp bánh tét nữa. Mùng 7
hạ nêu xong nhà chị mới dứt Tết.
Ông nội
kêu tôi lên đi về, nhưng ông Sáu cứ
nài nỉ, mời ông
tôi ở lại dùng cơm, khiến ông tôi cũng
khó chối từ. Thế là dưới bếp bưng lên
một mâm đặt lên chiếc bàn ăn. Tôi thấy cũng
có ổ qua hầm, thịt kho dưa giá, nem
chua, kèm theo dĩa thịt gà xé phay trộn rau răm
bắp chuối. Ông Sáu mời ông tôi
vào bàn. Ông tôi hỏi sao không mời chị
Sáu lên ăn luôn thể. Ông Sáu nói
để bà
ấy ăn với tụi nhỏ được rồi. Tôi cùng cả nhà ngồi
lên bộ ván dưới bếp dùng cơm.
Lạ nhà nên tôi hơi ngại. Bà Sáu biết
ý cứ gắp thức ăn cho tôi. Bà biểu đừng
ngại, cứ tự nhiên ăn cho no. Còn Trang vừa thấy
chén tôi sắp hết thì chị mau
mắn lấy chén bới cơm ngay. Xong bữa ăn có bánh
ít và kẹo đậu phọng tráng miệng.
Bà Sáu cho tôi cái bánh ít
biểu tôi ăn. Bánh do bà gói ngon lắm, nhưng
vì quá
no nên tôi cám ơn và xin miếng kẹo nhỏ
mà thôi.
Lên
nhà trên tôi thấy hai ông còn đang
nhâm nhi ly rượu với
gà xé phay. Tôi nghĩ bữa ăn nầy chắc cũng
còn lâu nên theo chị Trang đến nhà
chị Khá là bạn học cùng lớp nhà cũng ở gần
đó.
Nhà chị
Khá lợp tranh, có hai gian một chái, nền đất,
vách
bằng tre đan. Giữa nhà là một cái ghế thờ đặt
sát vách, trên để chiếc lư hương
bằng sành. Bên cạnh là một bình bông
thọ. Bên kia có cái dĩa chưng một nải
chuối và mấy trái quít. Một bộ bàn ghế cũ
để gần sát cửa, bên kia là bộ ván
mỏng có ba tấm.
Nhà vắng
quá, Trang kêu to: "Khá ơi, có nhà
hôn".
Từ đàng sau có tiếng trả lời và hai mẹ con bước
ra. Trang giới thiệu "Dì
Hai, chị nầy là cháu nội của ông Tư ở trên
chợ Thủ, bữa nay xuống thăm ông nội
con. Con dẫn qua đây chơi với Khá". Tôi chào
và chúc dì năm mới được
phát tài., luôn mạnh giỏi. Dì cười ngất
nói:" Có gì mà phát tài.
Cám ơn
cháu chúc luôn mạnh là mừng lắm rồi.
Thôi ở đây chơi, dì đi có chuyện một
chút".
Trong lúc
dì Hai nói chuyện thì Khá đứng nhìn
tôi trân trối.
Nhìn cổ, nhìn quần áo, nhìn xuống
chân tôi. Tôi theo làm quen để chị khỏi tủi.
Tôi nghĩ gia đình nầy chắc không khá giả lắm
nên Tết mà chị chỉ mặc chiếc áo
tay ngắn và chiếc quần đen bạc màu.
Ba đứa tôi
dắt nhau ra ngồi trên chiếc giường tre ngoài hè
trò chuyện. Trang khoe Khá học giỏi lắm, luôn đứng
đầu lớp, được thầy thương
bạn mến, năm nào cũng lãnh thưởng. Còn Trang
thì học dốt nên bị ba rầy hoài.
Tôi thấy Trang thiệt thà quá, không dấu diếm
cái dở của mình.
Khá kể
tôi nghe ba làm công nhân lò
chén, lương cũng không
nhiều. Hôm nay chủ lò cúng Tết nhà, sẵn
đãi công nhân luôn, nên ba chị dắt
thằng Đủ em trai sáu tuổi đi theo. Còn má chị mua
trái cây trong xóm gánh ra
chợ bán . Ba má vất vã như vậy mà vẫn
nghèo, vì thằng Đủ luôn bịnh hoạn nên
phải lo thuốc thang cho nó. Ba chị đặt tên cho con
là Khá và Đủ với ước mong
đời sống trong gia đình được như ước nguyện. Khá
còn khoe với tôi là nhà có
nuôi con heo nay được ba tháng. Má giao cho
Khá lo con heo. Sáng dậy sớm cho
heo ăn rồi mới đi học. Chị dẫn hai đứa ra chuồng sau nhà coi con
heo ăn no nằm
ngủ phơi cái bụng no tròn. Tôi khen con heo dễ
thương quá. Khá như trúng tủ nói
về con heo không dứt. Nào là con heo không
kén ăn, chỉ cần độn chuối cây với
cám vô là nó táp lia. Ăn xong rồi
thì ngủ nên nó mau lớn. Mỗi ngày chị đều tắm
cho nó. Nghe tiếng chị đi học về là nó ịch ịch như
kêu chị vậy. Má chị bàn con
heo nầy mau lớn quá, chắc độ vài tháng nữa
là bán được rồi. Nghe vậy chị rất
buồn. Chắc chừng bán nó chị sẽ khóc dữ
lắm.
Từ chuồng heo đi
ngang qua nhà bếp. Ngày Tết mà bếp núc vắng
hoe. Trơ trọi dưới đất có hai cái lò làm
bằng mấy cục gạch chất chồng lên, trên
có hai cái nồi đất nhỏ. Một đống cành cây
khô chất dưới cái ghế dài đóng bằng
thân cây cau. Nồi niêu, chén dĩa đều úp
lên đó. Vách trong nhà được ngăn bằng
lá buông. Đi ngang qua phòng ngủ thấy có một
giường cây lớn và một giường tre
nhỏ đặt song song với nhau, quần áo vắt trên sợi dây
kẽm cột sát vách.
Nhà chị
Khá nghèo thật. Tôi thấy thương chị quá.
Nhưng chắc
ba má chị cũng an ủi vì có con siêng năng
chăm học.
Chị Trang, chị
Khá ơi, đã hơn 60 năm rồi, ai còn ai mất
không được biết. Hơn nữa qua bao năm giặc giã lu
bù, hai chị có còn ở chỗ cũ
hay không ?. Nếu tình cờ mà nơi đây hai chị
cũng là đồng hương Bình Dương, khi
đọc những dòng nầy, thì hy vọng chúng ta có
ngày tương hội.
Ở chơi cũng
khá lâu, sợ ông nội trông, tôi từ
giã Khá, cùng
Trang quay về.
Ông
Sáu sai người kêu một cổ xe ngựa đậu sẵn ngoài lộ.
Ông nội
tôi kiếu từ ra về. Ông Sáu tiễn ông nội
tôi tận ngoài đường.
Hai ông
cháu lên xe chạy thẳng đến gần chợ Búng. Ông
nội tôi
kêu chú đánh xe ngừng lại đợi để ông
ghé thăm người quen một chút. Tôi ngồi
trên xe nhìn đâu cũng thấy nhà nhà đều
có trồng mai trước ngỏ. Mai vàng rộ nở
đầy cành. Đàn bướm lượn khắp chốn. Những cây
nêu nghiêng ngả theo chiều gió,
phất phơ tờ giấy hồng điều. Lại có tiếng ca vọng cổ phát
ra từ nhà ở cạnh bên
đường, lắng tai nghe kỷ là tuồng San Hậu. Hồi đó
nhà tôi có cái máy hát dĩa,
loại
máy mà cứ mỗi lần hát thì phải lên
giây thiều, hể hết dây thiều là nghe nhão
nhẹt, hoặc cà lăm nghe tức cười lắm. Ông tôi mua đủ
bộ dĩa cải lương như tuồng
San Hậu, Xử Án Bàng Quý Phi, Phạm Công
Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính, Trang Tử thử
vợ ... Tuồng hát do các nữ tài tử như các
cô Tư Sạn, Năm Cần Thơ, Ba Vĩnh Long
và cô Hồng Hoa. Phía nam tài tử có
kép Tám Thưa, Tư Út và còn nhiều lắm
nữa mà
tôi không nhớ hết. Lúc đó nhà
nào gã con gái thì bữa nhóm họ,
người ta thường
để dĩa hát vọng cổ bài : "Mẹ khuyên con về
nhà chồng" do cô Tư Sạn ca
thật hay. Lời ca lại quá cảm động, làm cho cô
dâu mũi lòng phát khóc.
Tôi
và chú đánh xe ngồi im thưởng thức tiếng ca
lãnh lót của
cô Tư Sạn trong vai bà thứ phi Nguyệt Kiểu. Dĩa hát
vừa chấm dứt thì ông nội
tôi ra. Lần nầy xe chạy thẳng một mạch về chợ Thủ. Hồi xưa hai
bên đường vắng
lắm, lâu lâu mới thấy một mái nhà. Vừa qua
khỏi Phú Văn tôi chợt nhớ người lớn
nói với nhau, đường vô chùa Hang có ma.
Chùa Hang ở
phía trái từ chợ đi xuống. Chùa khuất bên
trong,
cây cối um tùm. Nghe nói lúc trời mưa
lâm râm, mấy chú đánh xe bò đi ngang
qua
là thấy có một cô gái đứng bên đường
xin có giang một đổi. Xe không có mui. Cô
gái ngồi phía sau đâu lưng với chú
đánh xe. Chân cô bỏ thõng xuống đất. Xe
đương đi tự nhiên chú cảm thấy có vật gì
trơn ướt lướt trên mặt. Chú quay lại
thấy cô gái vẫn ngồi như cũ, nhưng le cái lưỡi thật
dài vòng qua liếm mặt chú.
Chú hết hồn đánh con bò chạy thục mạng và
la làng inh ỏi. Nghe rồi sợ lắm, nhứt
là khi đi ngang qua đây. Sẳn đó tôi hỏi
ông nội về con ma chùa Hang. Ông nội
tôi cười nói: "Con nít bày đặt nói
tầm phào".
Về tới nhà
thì cũng xế chiều. Cổ xe thay vì chỉ có 5 cắc,
nhưng vì ông nội tôi bắt ghé Búng đợi
hơi lâu nên ông trả cho chú một đồng.
Chú
đánh xe mừng rỡ cám ơn ông tôi rối
rít. Trong nhà mẹ tôi đang dọn cơm lên
cúng
ông bà. Cơm xong thì trời đã tối. Sau một
ngày đi theo ông nội, tôi đà thắm
mệt, vừa nằm xuống là ngủ liền.
Bữa sau
mùng bốn, cả nhà rộn rịp nấu nướng đưa ông
bà. Chiều
đó hạ hết bông quả trên bàn thờ xuống, chưng
gần cả tuần nên bông bắt đầu muốn
hư hết. Tôi cảm thấy buồn vì không được đi chơi nữa,
còn phải tiếp tục đến
trường.
Ăn Tết xong, học
trò vào lớp vẫn còn nuối tiếc những ngày
vui đã qua. Nhưng còn
ngày rằm tháng
giêng nữa, sẽ có những cuộc vui khác, như xem
múa lân và thỉnh Bà vòng quanh
chợ. Pháo sẽ còn nổ dài dài.
Thủ Dầu Một
ngày xưa vui quá. Mơ ước sao thời gian quay lại
để dược trở về với tuổi ấu thơ, hầu được hưởng những ngày Tết an
bình trên quê
hương yêu dấu.
Mơ
ước chỉ là ước mơ thôi.
Ngày
xanh kỷ niệm đã qua rồi.
Mong
làm chi nữa thời xưa ấy.
Mơ ước chỉ là ảo mộng thôi
!./.