Thư tín về đặc san năm Đinh Dậu 2017


Nguyễn văn Diệp (K 5):
Đặc san năm nay nói chung là rất phong phú và phù hợp với tinh thần ái hữu và hoài niệm của đa số hội viên đặc biệt là sự đóng góp bài vở ngày càng nhiều hơn của quý thầy cô. Những bài sưu tầm về văn hóa và lịch sử trong đặc san THĐ luôn gây hứng thú cho tôi khi đọc. Bài viết về các trường học ở Bình Dương rất có giá trị. Hình thức và hình ảnh cũng trang nhã và tươi đẹp không kém nội dung.

Võ Ngọc Lan Chi (K 14):
Lan Chi đã nhận được đặc san Xuân của Anh Tâm gửi. Tờ báo năm nay đẹp quá, LC cám ơn Anh Tâm thật nhiều.
Tuần vừa qua, ở đây có tuyết rơi, lạnh quá và nhìn tuyết rơi buồn quá. Hãng LC làm việc cho nhân viên về sớm vì sợ khi tuyết rơi xuống nhiều, giao thông đi lại rất khó khăn. Về nhà sớm, mới hơn 1 giờ  trưa, có tí thời gian rảnh, LC tìm đọc lại Đặc san Xuân của hội cựu HS THĐ mấy năm trước. Đọc lại các bài viết, bài thơ của các bạn, của các anh chị, bài nào cũng hay ơi là hay. Riêng Anh M. Tâm có các bài viết thiên về nghiên cứu văn hoá lịch sử của xứ sở Bình Dương rất có giá trị.   Còn LC về khiếu viết văn hay làm thơ LC dở lắm. Lần này LC quả là  "gan cùng mình ", làm mấy câu thơ "con ếch, con nhái" gửi cho Anh M Tâm . Các bạn làm thơ đăng trên đặc san mấy năm trước, lời thơ thật là trau chuốt, ý tưởng thật là phong phú. Các bạn mà đọc thơ của LC sẽ cười LC cho mà coi, vì ý tưởng trong mấy câu thơ của LC quá nghèo nàn, lời thơ rất là thô thiển. Chỉ mong sao, sư phụ Minh Tâm cười LC ít ít mà thôi. Còn 2 tuần nữa đến Tết Nguyên Đán, LC chúc gia đình Anh Minh Tâm vui thật nhiều, hạnh phúc thật nhiều.
…Từ sáng hôm qua, từ khi nhận được tờ báo Xuân của Anh Tâm gửi đến, LC cười hoài không thôi, cười vì 4 bài thơ con ếch con nhái của LC, được "sư phụ Minh Tâm " cho đăng hết trong tờ báo quý giá này. Mặc dầu các câu thơ của LC không hay, nhưng nhờ nó , sẽ làm nền cho các bài văn bài thơ khác nổi bật hơn. Cám ơn Anh Minh Tâm nhiều lắm. Kính chúc sức khỏe.

Trần Kim Hoàng (K 2):
Xin thành thật cám ơn Minh Tâm đã gởi cho tôi đặc san Trịnh Hoài Đức Xuân Đinh Dậu. Đây sẽ là một kỷ vật quý giá cho CGS và CHS TH Đ. Thân mến cầu chúc quý bạn trong BBT một năm mới Đinh Dậu thành công và hạnh phúc. Thân mến.

Hoàng văn Tâm (K 12)
Cảm ơn tấm lòng chí tình, chí nghĩa của Tâm nhiều nghen. Một Thiên Sứ! Thân chúc Tâm, gia đình, người thân mạnh khỏe, bình an, nhiều niềm vui, may mắn, hạnh phúc.

Lâm Thúy Vân (K 11)
Cám ơn Tâm nhiều lắm. Báo xuân năm nay thật hay, bài vở phong-phú, lại có sự đóng-góp nồng-nhiệt của thầy cô, thật là một bức tranh đẹp làm mềm lòng người xem. Tôi đọc một vèo cho đến trang cuối. Nhớ trường cũ, thầy bạn vô-cùng. Rất cảm-kích và biết ơn những con tim, những bàn tay đã gây-dựng nên tác-phẩm nầy. Kính chúc thầy cô và thân chúc các bạn một năm Đinh Dậu đầy an-lạc.

Huỳnh xuân Khai (K 12):
Đặc san có nhiều bài vở và hình ảnh kỷ niệm rất quý của trường.

Ngọc Bích:
Đọc đặc san như gặp lại một người bạn cũ sau bốn mươi năm xa cách.

Từ Minh Thạnh (K 11):
Xem hình bìa đặc san THĐ thì thấy, có mặt tôi trong ảnh nè! Ngồi thứ 4 từ trái sang? Ngồi cạnh bên phải tôi là Thầy Đoàn Phế. Đứng giữa đeo kính râm là Thầy Nguyễn Văn Phúc. Thầy lùn lùn là Thầy Nguyễn Trọng Nhượng (dạy Pháp Văn). Chuyến nầy xe bị hư láp ở Núi Voi, phải ngủ ở trường học dọc đường, nửa đêm nghe súng nổ, nữ sinh khóc quá xá...

Thanh Chí:
Vừa mới xem qua Đặc san Xuân của THĐ, với những bài vở thật là hay và súc tích... Khâm phục anh TT và ban biên tập... Qua đặc san nầy cũng nhận ra được vài người quen... Cám ơn anh TT đã cho TC có cơ hội đóng góp. Cám ơn anh Tâm đã đăng bài, chúc trang web THĐ luôn vững mạnh... tiếc là hồi xưa mình không có học THĐ nên không có viết nhiều về ngôi trường nổi tiếng nầy. Nhớ hồi khoảng 20 năm trước lúc nhà văn Kiệt Tấn qua Montreal chơi, thầy Lộc có rủ mình đến nhà gặp gỡ...

GS Nguyễn Trí Thành:
Anh Chị Minh Tâm thân mến,
Rất cám ơn Anh chị về quyển Đặc San Trịnh Hoài Đức - Xuân Đinh Dậu.
Xuân nào trường Trịnh Hoài Đức cũng có "Đặc San" của năm đó. Đấy chính là một điểm son của Trịnh Hoài Đức chúng ta.
Nhờ công sức của Anh Chị đã hô hào với các Anh Chị CHS THĐ và thu thập được những bài viết đầy chất lượng vui của mùa Xuân và sắp xếp để cho ra một Đặc San THĐ Xuân Đinh Dậu thật xuất sắc. Người đọc không những cám ơn đến từng người viết bài mà đồng thời cũng cảm kích thời giờ Anh Chị Tâm miệt mài nhiều buổi tối cho Đặc San sau giờ đi làm về. Thật là một công lao đáng trân trọng.
Nhân đây chúng tôi cũng xin gửi lời chúc đến Anh Chị và gia đình, một năm Đinh Dậu Sức Khoẻ tốt, Bình An và Vạn Sự Như Ý.
Thân quý,
Nguyễn Trí Thành
 
Vĩnh Xuyên (K 2):
Đặc san xuân năm nay rất đặc sắc.

Trần Định (K 16):
Cảm ơn anh Tâm và các Thầy cô, cùng các cựu HS THĐ đã dành nhiều công sức để biên tập đặc san. Theo suy nghĩ của tôi Đặc San THĐ là vốn quý. Cái cần truyền lại cho thế hệ HS. THĐ. BD là truyền thống tôn sư trọng đạo của các thế hệ học sinh đi trước và tấm lòng yêu thương quí mến hết lòng vì học trò của các Thầy Cô. Nhằm góp phần vào công cuộc giáo dục học sinh hiện nay…
… Xin bổ túc hai câu thơ lục bát của thầy Nguyễn văn Đô:
"Non sông gấm vóc điểm tô,
Sách đèn ta chọn thầy Đô ta bầu."
(Nhớ câu lục này vì lúc đấy hay ra xem Thầy Đô và các Thầy đánh bida ở nhà Ông Út Ga trước nhà trong xóm Cầu Mới)
Trong Đặc san có nhắc: Thầy Sán dạy Văn người Bắc, Thầy Danh có bài thơ... dạy Hoá, có nhắc đến Cô Giáo người Huế dạy môn Sử Địa ? Anh còn nhớ cô tên gì không ạ. Khi đó học sinh cũng ái mộ cô lắm .. Có bạn nói: “ Cô dạy sử địa cho tôi năm lớp 8. Cô mặc áo dài đẹp vời. Cô nói tiếng Huế “nghe chết được”. Gần 50 năm giờ vẫn nhớ như mới hôm qua.

Lê Quang Phước (K 11):
Mấy bữa nay hơi lu bu nên đọc đặc san chút đỉnh, sẽ đọc thêm từ từ … Bài các trường xưa rất hay, rất nhiều giá trị văn hóa dân sinh. Kỳ này không thấy Thạnh, Dũng viết gì vậy cà.

Lê Thị Hoàng Mai (K 11):
Rất phục tài và tâm của bạn.

Nguyễn văn Thể (K 12):
Cám ơn Minh Tâm gởi cho đặc san THĐ Đinh Dau 2017. Đọc và nhớ lại những kỷ niệm xa xưa.

Lê thị Phùng (K 11):
Đặc san quá xuất sắc, đầy ý nghĩa và thật tuyệt vời ! Cám ơn bạn rất nhiều !! P rất thích ! Đối với P đây là món quà về mặt tinh thần vô giá.

Lê tích Tố (K 3):
Minh Tâm ơi,
Cám ơn thật nhiều đã gởi Đăc San Trịnh Hoài Đức.
Nhân dịp Tết Con Gà, mến chúc Minh Tâm cùng gia đình tràn đầy sức khỏe, tràn đầy may mắn và vạn sự như ý.

Nguyễn Minh Lan (K 9):
Cảm ơn Minh Tâm nhiều lắm đã nghĩ đến cách gây ngạc nhiên cho mấy bà chị về chiều của THĐ. Nhìn trang bìa của đặc san, thấy hàng chữ ghi chuyến đi Đà Lạt 1970 là chị nhớ ra đúng là chuyến đi của tụi chị hồi đó rồi. Nhưng thật tình nhìn hình thì hơi ngờ ngợ chứ không nhận ra được. Thời gian có khác phải không Tâm?
Bây giờ thì chị nhận ra được Cúc Hương, Thanh Diệu, Oanh, chị, thầy Phế, thầy Phúc và thầy mặc nguyên bộ vest màu trắng có phải là thầy Nhượng dạy Pháp Văn không hả Tâm? Nếu phóng lớn tấm hình ra chắc chị có thể nhận biết thêm được nhiều các anh chị khác đó Tâm. Hồi đó ai nhìn cũng dễ thương hết hả Tâm ? Mà hình này ai đã còn giữ lại được vậy Tâm?

Bích Liên (K 12):
Cám ơn anh Tâm đã gởi đặc san THĐ năm Đinh Dậu. Anh Tâm gởi cho BL xin mấy tấm hình chuyến đi Đà Lạt năm 1970 đăng trong đặc san.

Võ Ngọc Lan Chi K 14):
Đặc san THĐ năm Đinh Dậu càng đọc càng thấy hay, ngoài các bài văn, bài thơ còn có một số hình ảnh đẹp và quý. Hình cô Cảnh với nụ cười thật tươi, gương mặt hiền từ. Xin gởi lời hỏi thăm cô Cảnh. Riêng anh Tâm, tuy lâu rồi không gặp nhưng hình trên đặc san thấy không thay đổi gì nhiều.

Vương Ngọc Ẩn (K10):
Cám ơn bạn Tậm đã gởi đặc san THĐ năm Đinh Dậu. Khi nào có dịp họp mặt với sự hiện diện của thầy Phạm Đức Liên và Đoàn Phế xin vui lòng thông tin. Tôi ước ao và mong muốn trong cuộc đời còn lại của mình sẽ có dịp được gặp lại hai thầy một lần.  Có thể hai thầy sẽ không nhớ và biết tôi là ai. (Tôi học với hai thầy vào những năm đầu tiên thầy vừa tốt nghiệp sư phạm và về với Trịnh Hoài Đức, sau đó hai ba năm gì đó tôi phải nhập ngũ KQ).  Nhưng hai thầy đã làm thay đổi tư duy, suy nghĩ cũng như cách sống của tôi rất nhiều và vẫn tồn tại đến bây giờ và mãi mãi. Hôm tháng 7 vừa rồi tôi về VN để làm tang lễ cho má tôi. Cũng có gặp nhiều bạn hữu THĐ.  Tên hai thầy, những thầy cô khác, cũng như tên những bạn hữu THĐ ngày xưa được mang ra nhắc những kỷ niệm, cười rơi nước mắt... Và có một người quen gởi lời thăm chị Kim Nên  (Bác sĩ Long và Dũng Bệnh Viện Đa khoa BD,  tu nghiệp ở Houston những năm trước và được sự giúp đỡ của chị Kim Nên). Một lần nữa cảm ơn các bạn, anh chị em đã bỏ ra nhiều công sức để cố giữ lại Một Chút Gì Để Nhớ.

Ngô thị Nguyệt (K 14):
Đặc san Xuân Đinh Dậu năm nay xem chừng màu sắc phong  phú và chất hơn những năm trước (tuy còn thiếu sự góp sức của các nhạc sĩ). Các bài khảo cứu của thầy Phan Thanh Đào, của anh Minh Tâm, Lưu Thanh Bình thật kỳ công, thật trí tuệ đáng ngưỡng mộ. Em thích bài của cô Nguyễn thị Tâm, chị Hà Huỳnh. Đặc biệt là bài “Vua Quang Trung đại thắng quan Thanh, 1789” của thầy Phạm Đức Liên em ấn tượng lắm về những ẩn tình trong bài viết và xem như một tôn chỉ. Hy vọng mọi người cũng cảm nhận được lời tâm huyết của thầy. Em lại yêu văn phong của chị Thúy Đinh và em phải đọc lại lần nữa… Ôi chao ! Sao mà nhiều bài hay quá vậy nè !. Cám ơn thầy cô, mọi người, và nhất là anh chị trong Hội và BBT đã cùng chung tay góp sức làm nên đặc san năm nay.

Nguyễn thị Yến (K 13):
Yến mới đọc sơ và xem vài hình ảnh thầy cô trường lớp mà thấy cảm động nhiều muốn một lần nữa cảm ơn “chủ bút” đã giữ gìn những tình cảm đẹp của trường xưa bạn cũ….

Từ Thanh Hưng (K 14):
Đã đọc một mạch cho đến hết đặc san, cám ơn Anh Chị Em và các bạn đã góp phần vào đặc san nầy, nhiều bài viết thật cảm động nhớ về tuổi học sinh ở trường THD dấu yêu, nhớ các bạn, thầy cô đã dạy dỗ mình nên người, kỷ niệm này không bao giờ quên. Kính chúc thầy cô, gia đình anh Tâm các anh chị em và các bạn năm mới dồi dào sức khỏe an khang thịnh vượng và vạn sự như ý để năm sau tiếp tục có được đặc san THĐ nữa.

Trần Ngọc Sương (K12):
Đã đọc đặc san. Hay lắm. (Mèo khen mèo dài đuôi!!)….

Huỳnh thùy Linh (K 14):
Đã đọc đặc san. Hay lắm, có nhiều bài đọc làm em nhớ ngày xưa quá, các anh chị thật đáng ngưởng mộ.
Lê thị Hồng Loan (K19):
Loan mới đọc một số bài trong ĐS THĐ 2017. Ban biên tập và cộng tác viên đều là những người yêu mến và gắn bó thật nhiều với ngôi trường THĐ xưa. Có lẽ điều kiện sống xa quê hương khiến tình hoài niệm của các anh chị mạnh mẽ hơn, lai láng hơn... Những câu chuyện, những kỷ niệm, những cái tên ... về thời đã xa, hay về hiện tại đều khiến cho những ai từng là học sinh ở đây thấy xúc động... Càng có tuổi, con người càng trân quý những kỷ niệm đẹp thuở niên thiếu... Khóa của tụi Loan không biết nhiều thầy cô  và học sinh thời của anh Tâm. L. biết vài thầy cô hay ghé quán nhà L. ăn sáng như thầy Mẹo, cô Tâm, cô Hương, thầy Lân. Trang 84, bài “Nửa đêm về qua trường cũ”, dường như có nhắc đến chị P. của L ? Biết là qui luật thời gian, nhưng sao vẫn chạnh lòng khi sức khỏe của mọi người ngày càng đi xuống. Anh Tâm nghe bài "Rồi cũng già" của Vũ Thành An chưa? Rất thực tế! Không lãng mạn và cũng không hay như những bài không tên trước đây. Rồi cũng già! Là một may mắn khi được sống đến già! Đâu phải ai cũng có may mắn này...
Tấm ảnh tập thể ở Đà Lạt 1970 mở đầu đặc san có anh Tâm không? Anh ngồi ngoài cùng, bên trái phải không? Thật vui khi nhìn thấy ảnh xưa THĐ nữ! Phần trệt phía sau là căn tin, có để một bàn bóng bàn. Cả trường mà có một bàn bóng bàn! Nghe chuông ra chơi là chuẩn bị... nắm vạt áo dài... chạy xuống giành bàn!
Các anh chị thật hay khi xa quê đã lâu mà không thấy lỗi chính tả trong bài viết. (Trong toàn bộ bài L. xem, chỉ có từ “tập tểnh” là thấy lạ mắt...).

Trần Định (K 16):
Đặc san nhắc chuyện đoàn thể thao Bình Dương đi thi đấu ở Vũng Tàu, tôi có tham gia đoàn nầy và còn nhớ vài kỷ niệm như sau:
Đoàn Thể thao Bình Dương ở tại sân vận động Lam sơn Vũng Tàu. Có thầy Em và cô Nho đi theo. Chị Hòa (đen) thì trong đoàn gọi là Hòa Bokassa. (Lúc đó đang có chuyện tổng thống Bokassa tìm con). Ngoài ra còn có anh Út Lé nhà ở đường Ngô Quyền.
Tôi và bạn Khương (ở gần nhà - đã mất) thi chạy tiếp sức 100 m được hạng huy chương đồng.
Có bạn Như thi chạy bộ. Cô nầy có bộ giò rất đẹp nên anh H. làm bộ chạy lại bóp dầu nóng dùm.
Có chị Nông Thị Ngọc Điệp là người đẹp cầm cờ cho đoàn. Chị thi đấu bóng bàn đôi nữ và chạy đua 200 mét, … nhưng không thắng …

HDV:
Vô tình đọc bài “ Chuyện giờ mới kể “ trong đặc san THĐ xuân Đinh Dậu thấy bài viết của BT - khi đọc tôi thấy không khí bài viết rất thân thuộc vì đâu đó nó có 1 quãng đời quá khứ của mình với những giờ học bên giá vẽ và mùi nồng hắc của sơn dầu – BT là người mà tôi chưa từng 1 lần trò chuyện - dù rằng tôi và bạn có 1 thời đi chung 1 con đường: từ lần đầu đi thi tuyển vào Trường Mỹ Thuật, và sao đó là 1 chặng đường dài học tập, chung 1 mái trường cùng gần phòng học, nhưng chưa 1 lần đối diện: vì khi đó với tôi BT là 1 người xa lạ pha lẫn chút kiêu sa kiêu kỳ ( không biết có đúng không ? ) nên vô tình có 1 khoảng cách nào đó – dù rằng các người bạn của BT tôi đều quen biết, trong số đó có vài người tôi rất thân…. Và cứ thế theo thời gian, bạn bè chúng tôi giã từ mái trường, rồi mỗi người đi mỗi ngả….
Gặp lại BT trên Facebook những chuyện cũ kỹ niệm của BT được trải lòng trên Face những kỷ niệm xưa ở BD …. Những người thầy và bạn bè cũ …… và 1 lần nữa khi đọc - tôi cũng thấy đâu đó có người bạn quen người thầy của mình… ngôi trường, từng con đường, góc phố, hàng cây … tất cả đã gợi lại cho tôi những kỷ niệm xưa êm đềm…. dù sao cũng cám ơn bạn nhiều – người bạn mà chưa 1 lần đối thoại .

Nguyễn Ngọc Điệp (K 1):
Cảm ơn chị Cảnh, cám ơn Minh Tâm đã gởi đặc san. Nằm một chỗ mà có báo từ Mỹ gởi về đọc chơi mới hay chứ !. Nhất là thấy bạn nhắc tới Bến Thế, Tương Bình Hiệp quê mình, thân thương làm sao !. Xin đa tạ tất cả !

Nguyễn Thanh Nga (K 15)
Cám ơn anh Tâm đã gởi “báo xuân” cho em. Em đọc báo và thầm hỏi: “Mai mốt khi anh Tâm già, ai sẽ là người thay thế anh đây ?”.

GS Lê Phát Triển:
… Thức đọc hết 2 quyển Đặc san , điểm tên từng cựu GS THĐ, mình nhớ, thương quá nhất là quý GS ở nước ngoài, gần 40 năm , có bạn hơn 40 năm không gặp... Nhờ các em , mình mới biết tin mấy thầy cô đã theo ông bà. Biết rằng "sinh ký, tử qui" ; nhưng sao thấy buồn quá!...

GS Phạm Đức Liên:
Báo xuân Trịnh Hoài Đức: bài hay, in đẹp. Cám ơn rất nhiều. Love you all.

Lưu Thanh Bình (K 12):
Đọc qua bài của Huỳnh Thu Hà, tui biết người này là dân Lái Thiêu chánh cống, vì  các nhân vật đã kể đều có tiếng ở chợ Lái Thiêu (trước 75).

Vĩnh Xuyên (K 2):
Đặc san năm nay nhiều bài rất đặc sắc. Bài anh viết về ông CARNOT đưa trang đầu thật hay vì lấm lòng quý trọng thầy cô. Ý hay! Bùi Thế San đã mất nay anh mới biết. Học cùng  lớp sư phạm. Thôi đành tiễn bạn thân về cõi nhớ, vĩnh hằng viên mãn!!! Anh dành lời khen tặng em và em Kim Nên hội trưởng. Chúc xuân Đinh Dậu vui nhất. Năm sau có thể thêm sớ Táo Quân, Minh Tâm cẩn tấu là “trên cả tuyệt vời”.

Nguyễn Hòa Nam (K 12):
Đặc san THĐ năm 2017 hay lắm. Trình bày nhã nhặn, đẹp mắt. Nội dung phong phú với những hình ảnh rất quý. Rất thích ảnh cũ của hai cô, cô Hương và cô Tâm, mặc áo dài trắng. Bài viết "Mùa Xuân...bạn" của Lưu Thanh Bình rất hay và cảm động. Là thành quả được đóng góp bởi nhiều người, nhưng nhiều nhất chắc chắc phải là của anh Tâm rồi, thiệt thán phục đó

Đỗ Thị Năm (K 11):
Đã đọc dặc san 2017 rồi, như đưa mình về những ngày xưa đó, trường học, thầy cô, bạn bè..., Búng, Bình Dương... Hẹn một ngày nào đó gặp lại... Chúc mừng năm mới bình an, hạnh phúc.

Nguyễn Kim Oanh (K 9)
     Kể với Tâm chuyện vui, vào những ngày đầu tháng 12, thấy Tâm bắt đầu quảng cáo báo Xuân, chị theo dõi ráo riết, hy vọng được đọc … sớm chút nào hay chút nấy, cũng như mọi năm, ai dè, năm nay Tâm... đổi kiểu, nhất định "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tới lúc Tâm gửi báo thì cái "còm" của chị đình công, phải mất thêm hai tuần nữa, đến cuối tuần vừa qua, tụi nhỏ về, chị mới có thể xem báo Xuân THĐ. Tâm phải nhớ là... “Thuở chờ đợi, ôi thời gian rét lắm !”
Năm nay, Quý Thầy Cô tham gia mhiều nhất so với mọi năm phải không Tâm? Đây là điều thật quý hóa Tâm nhỉ. Thú thật với Tâm, mỗi năm, khi được đọc báo Xuân THĐ, chị vẫn thấy... áy náy vì mình có vẻ hơi ... ích kỷ và... vô tích sự ! Chỉ biết thưởng thức công trình tim óc của Quý Thầy Cô và quý anh chị em CHS THĐ, biết sao bây giờ, mình thuộc loại văn dốt, vũ nát, trí óc, chữ nghĩa đã ra đi từ hồi... nẳm mất rồi. Đành gửi lời xin lỗi đến Quý văn nhân, thi sĩ của THĐ và cũng xin "Quý vị nhận nơi đây, lòng biết ơn rất sâu xa của một cụ độc giả trung thành từ miền Bắc Mỹ ".
Cuối cùng, xin chúc Tâm Anh và gia đình nguyên một năm Đinh Dậu an vui, như ý.
Kim Oanh.

Lý Thành Phước (K 10):
Đọc xong bài Năm Lớp Mười cũa bạn Tâm mình thấy có vài chi tiết phải chỉnh sửa và bổ sung như sau :
1.Trên bích chương tranh cử của thầy Đô có hai câu lục bát là:
Giang sơn gấm vóc điểm tô
Sách đèn ta chọn thầy Đô ta bầu
2. Còn tên thầy Nguyễn Tường Huy mình nhớ không lầm thầy tên Võ Tường Huy.
3. Và bài viết Năm Lớp Mười: nó là một phần chi tiết về trường THĐ của đặc san mình thích lắm, nhưng những chi tiết về trường thì có muôn hình vạn trạng viết cho đủ không biết bao giờ mới hết, mình thấy các bạn nên vận động thêm thầy cô và các bạn mình viết thêm thật nhiều những chi tiết kỷ niệm của những ngày xưa thân ái không bao giờ có lại của mỗi người chúng ta …

GS Trần Ngọc Bích:
Anh Minh Tâm thân mến,
…Tôi đã đọc trong Đặc san Xuân Đinh Dậu bài viết của Anh về các trường dạy nghề ở Bình dương trước đây, trong đó Anh nói là trong đặc san Xuân Bính thân 2016 Anh đã giới thiệu các trường phổ thông rồi. Tiếc là tôi chưa được đọc bài đó. Anh có thể giúp gửi cho tôi được không ?
Mong tin Anh. Cảm ơn nhiều.
…Cảm ơn Anh Tâm nhiều, cảm ơn cả về những số báo xuân mà anh gửi cho tôi, tôi và cả bà xã nữa, hằng ngày thay phiên nhau ngồi trên máy computer đọc say sưa những bài viết thật hữu ích, nó làm chúng tôi thấy trẻ trung và thật thú vị. Một lần nữa cám ơn ban tổ chức và các cộng tác viên. Thân ái,

Võ Quang Triệu (K 3):
Trong bài viết Nhớ Những Mái Trường, Minh Tâm có nhắc tới trường Phan văn Hùm ở Lái Thiêu nhưng còn sơ lược quá, tôi xin bổ túc một số điều về trường nầy - đặc biệt về việc vận động xây trường - như sau:
Trường Phan văn Hùm: Tên chính thức của trường là Trung Học Tỉnh Hạt Phan Văn Hùm. Trường nằm giữa đường từ Lái Thiêu ra Cầu Ông Bố. Đây là trường công, Bộ Giáo Dục bổ nhiệm Bam Giám Đốc, quý vị Giáo sư nhưng các phòng học thì phụ huynh học sinh phải tự lo liệu. Lúc đầu, trường tiếp nhận được 4 phòng học và tuyển 100 học sinh cho hai lớp 6. Năm 1973, tôi vận động xin được thêm 4 phòng học từ Chương Trình Bình Định và Phát Triển do Hội Đồng Tỉnh cứu xét. Trường có Hội Phụ Huynh Học Sinh do tôi làm Hội Trưởng và anh Đỗ Thái Bình làm Hội Phó Nội Vụ. Sau đó ông Hiệu Trưởng và Hội Phụ  Huynh Học Sinh họp mặt và đề nghị Hội PHHS sẽ lo việc vận động xây cất thêm phòng học.
Lúc đầu chúng tôi dự định nếu buộc mỗi học sinh đóng góp 10,000 đồng thì gần đủ kinh phí cho việc xây thêm 2 phòng học, nhưng đối với học sinh trong quê thì số tiền nầy quá lớn và ước tính sẽ có phân nửa phải bỏ học. Do đó, chúng tôi đồng ý là phải vận động xin học bổng giúp cho các học sinh nghèo để đóng vào quỹ xây cất (việc nầy khó vì mấy năm trước, khi chúng tôi vận động xin tiền để làm lễ phát thưởng thì không nhận được bao nhiêu).
Tôi viết thơ cho các mạnh thường quân trình bày nhu cầu và xin học bổng toàn phần 10,000 đồng, bán phần 6,000 đồng và cho biết sẽ gởi danh sách học sinh để quý vị mạnh thường quân chọn. Như vậy người cho và người nhận có dịp biết mặt nhau. Đây là cách giải quyết tâm lý được người khác biết đến việc làm của mình. Nếu Hội xin tiền cấp hoc bổng, người cho có thể vì nể vì mà bỏ ra vài ngàn nhưng họ sẽ không vui bằng bỏ ra 10,000 đồng mà có người biết đến mình.
Kết quả thật khả quan. Trong vòng một tuần lễ đã có 1/3 số thư gởi đi được hồi báo chấp nhận làm người bảo trợ, sau đó lác đác có người hồi báo tiếp theo. Số hứa được khoảng 50 phần, chỉ đợi sau khi tuyển sinh sẽ xúc tiến việc nhận học bổng. Phụ huynh học sinh có con em học tại trường cũng được yêu cầu đóng góp tùy khả năng với hy vọng sẽ đủ tiền để xây thêm 4 phòng học cho học sinh mới vào lớp 6 và sẵn sàng cho các em tiếp tục học lên tới lớp 10.
Một tháng sau, khi tôi đang làm việc ở ngân hàng thì nhận được điện thoại của một người lạ. Ông cho biết mới đi Đài Loan về và có thấy thư xin học bổng của tôi. Ông cho biết chỉ có khả năng giúp 10 phần học bổng cho năm nay nhưng hứa qua sang năm có thể tăng lên 20 hay 30 phần.
-  “Tôi đành xin lỗi cậu vậy. Cậu thấy có ít quá không ?”. Có lẽ thấy tôi im lặng ở đầu dây bên nầy, nên người đàn ông mới hỏi thêm như vậy. Sự thật, tôi không nói gì hết vì đang nghẹn lời. Lời đề nghị ngoài sự mong đợi của tôi. Có lẽ tôi hơi lắp bắp một chút khi trả lời:
- “Bác rộng lượng quá, phần học bổng bác cho ngoài sự mong đợi của cháu rồi”. Nên nhớ lúc đó, lương một đại úy chỉ có 30,000 đồng/tháng. Mười học bổng tức 100,000 đồng không phải là số tiền nhỏ.
Người đàn ông đó là ông Trần văn Thanh, chủ nhân Thực Phẩm Gia Súc Vifaco và Trại Gà An Bình ở Lái Thiêu.
Hội định sẽ xây cất sớm hơn vì đã có sẵn một số tiền. Tháng 3/1975 đã họp xét duyệt đồ án để gọi thầu xây cất. Đây là phiên họp cuối cùng./.