Vài hồi ức về trường xưa

GS Nguyễn Thị Tâm
 
1.    Bức thư muộn gởi người đã khuất:
      (Kính gởi hương hồn cố giáo sư Nguyễn văn Mẹo )

      Khi em Huỳnh Xuân Khai báo tin cho tôi biết anh đã qua đời!. Tôi thật xúc động!. Đã từ lâu, tôi gần như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua các phương tiện thông tin hiện đại. Tôi nói với em Khai nếu có tổ chức gì thì cho tôi hay như lễ truy điệu chẳng hạn.
      40 năm nay, từ 1976 đến 2016, tôi ít khi viết tiếng Việt vì đâu có dịp nào để viết. Tôi chỉ biết dạy tiếng Pháp và tiếng Anh cho học sinh theo giáo trình do nhà nước biên soạn.  Rồi các học sinh thân thương đã đánh thức và làm tôi tỉnh dậy. Bỗng dưng tôi muốn được viết cái gì đó bằng tiếng Việt Nam.
      Tôi còn nhớ, trước khi bắt đầu dạy môn tiếng Anh và Pháp - theo yêu cầu của nhà nước . Tôi đã đến gặp anh và nói :
-     Hôm nay tôi có việc nhờ anh.  
-     Nếu chị có gì muốn tôi giúp thì tôi sẵn lòng.  
Tôi ít khi nói chuyện với anh nhưng thật lòng rất quý mến anh. Không hiểu sao tôi là “đàn em” nhưng lúc nào anh cũng kêu tôi là “chị”. Gia đình chị Mẹo với gia đình tôi không xa lạ gì nhau. Anh có cách nói chuyện rất đặc biệt. Anh hay cười,  có lối nói dí dỏm đặc biệt. Tôi đưa cho anh một tờ giấy trắng  có viết  một từ tiếng Pháp bình thường thôi.  
       Một tuần lễ sau, anh mới gặp lại tôi, giải nghĩa từ đó một cách rõ ràng, thận trọng. Tại sao phải một tuần lễ anh mới  giải thích một từ đơn giản? Tôi rất hiểu, Anh không nói  thẳng vào trọng tâm nhưng tôi ngầm hiểu ý của anh: dù  chỉ là một từ đơn giản thôi nhưng mình phải nghiên cứu cho kỹ. Một khi đã nói, đã dạy thì phải chính xác. Tôi nhớ mãi câu nói sau đây của anh: “Chị đừng bao giờ dịch ra hoặc nói với học sinh” “người giàu kẻ nghèo”, mà chị phải nói “người giàu và người nghèo”.
     Tôi có thể tra tự điển từ đó một cách dễ dàng để biết rõ các nghĩa của nó,  nhưng tại sao tôi lại không? là người thông minh nên anh rất hiểu: tôi muốn được học những kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ của anh. Anh là người đầu tiên cho tôi những kinh nghiệm quý báu đó. Về sau khi tôi dạy ở trường Phú Cường 1 (Bồ Đề) anh  lúc đó là chuyên viên ở Sở Giáo Dục, đã cùng phòng giáo dục đến dự một số tiết do tôi dạy. Anh góp ý  những tiết dạy đó  một cách chân tình …. Từ những kinh nghiệm đó, sau này khi tôi là tổ trưởng bộ môn, bồi dưỡng học sinh giỏi cho Phòng và Sở Giáo Dục. Tôi đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong công tác chuyên môn của mình. (Khi làm Hiệu trưởng, tôi phải dự giờ ở các trường. Cũng có lần tôi đi kiểm tra phòng giáo dục Lộc Ninh với Sở Giáo Dục.)
     Ngay sau 1975, các tài liệu nghiên cứu môn ngoại ngữ còn rất hiếm, Thầy Chuân và cô Hằng  lên Bình Dương, hướng dẫn chúng tôi cách dạy mới. Họ là những người biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh. Bộ giáo dục ra quyển sách nào bằng tiếng Anh tôi đều mua xem và nghiên cứu rất kỹ. Cuối cùng tôi đúc kết lại tất cả những sai sót trong sách giáo khoa và sách giải từ lớp 6 đến 9. Tôi quyết định đi Sàigòn  gặp thầy Chuân để cùng thầy chỉnh sửa những chỗ sai sót trong sách. Tôi cầm một bảng và thầy cũng cầm một  bảng chỉnh sửa do tôi cung cấp.Chúng tôi miệt mài làm việc đến tận trưa mới xong.
Thày nói với tôi: “Tôi chưa từng thấy  một giáo viên ngoại ngữ nào kỹ lưỡng, chu đáo như chị. Trung tâm vẫn có bộ phận để rà soát lại những sai sót, tại sao vẫn còn sai sót nhiều quá”.
Rồi thầy Chuân giới thiệu tôi với cô Hằng - người chủ biên sách giáo khoa Anh lúc bấy giờ . Cô Hằng hỏi tôi ở tại Saigòn chỗ nào?. Sau khi biết tôi từ Bình Dương xuống, họ vô cùng kinh ngạc và hỏi thăm rất nhiều về Bình Dương.
Thưa anh Mẹo ,
      Vậy là tôi đã làm đúng  những gì mà anh đã hướng dẫn cho tôi, có phải không anh?
       Sáng nay, ngày 07-07-2016, tôi đang tập thể dục thì nghĩ có lẽ tôi nên viết về anh sớm hơn dự định. Bởi đến khi hồi ký của tôi hoàn chỉnh thì thời gian đã quá muộn.
       Tuy hiện nay anh không có mặt ở đây, anh Mẹo. Nhưng tôi tin rằng trong lòng mọi người, các đồng nghiệp và các học sinh của anh, đều có hình ảnh vui vẻ, rộng mở của anh.
         Đây là nén hương lòng mà tôi kính  gởi đến anh, dù đã muộn.
*TB:  Anh chị Mẹo đã đóng góp để có quà cho các bạn ở Việt Nam trong dịp Tết. Chúng tôi xin “rất cám ơn” tình cảm của anh chị đã gởi cho chúng tôi.

2. Tôi về trường Trung Học Trịnh Hoài Đức:
     (Viết để cảm ơn ông Hiệu Trưởng Nguyễn Trí Lục và một số đồng nghiệp ở Trịnh Hoài Đức xưa)

    Năm 1967, tôi tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Chúng tôi cùng nhau đi chơi để chia tay. Tình cờ vào một ngôi chùa Ấn Độ. Các bạn cùng nhau xin xăm. Họ bảo tôi hãy thử. Tôi do dự vì từ xưa tới nay tôi chưa từng làm việc này. Vì các bạn nài nỉ sau cùng tôi cũng thử. Quẻ xăm nói đại ý đến mùa thu tôi muốn gì được nấy. Tôi bỏ qua vì không tin. Nhưng thật ra về sau đúng y như vậy. Ngẫu nhiên chăng?
    Các thầy bảo tôi có 3 lựa chọn:
    - Viện Khảo Cổ.
    - Trung Tâm Học Liệu.
    - Bộ Xã Hội.
    Trước đó tôi đã gặp Bà Đinh Thị Thu Ba và có sự vụ lệnh đi dạy ở Phú Hòa Đông nhưng tôi không nhận.
    Về Bình Dương tôi gặp người cháu họ đang dạy ở Trung học Trịnh Hoài Đức. Có địa chỉ của ông Hiệu trưởng Nguyễn Trí Lục ở Phú Nhuận, tôi đi thẳng đến nhà nhưng chỉ gặp ông cụ. Cuối cùng tôi cũng được ông Hiệu trưởng giải quyết giúp tôi về trường Trịnh Hoài Đức theo quyết định ra ngày 26 tháng 10 năm 1967, do ông Giám đốc Nha Trung Học là Đàm Xuân Thiều ký. Đến tháng 9 năm 1969, từ tư cách là GS dạy giờ, tôi có sự vụ lệnh cử tuyển làm giáo sư ngoại ngạch.
    Nhờ các thầy tôi giúp đỡ, tôi được bộ xã hội nhận, nhưng ký hợp đồng với người Đức (vì người Đức tài trợ trung tâm này). Tôi lãnh lương 20% của bộ Xã Hội và 80% là của Đức để chuyên nghiên cứu về tâm lý thanh thiếu niên Việt Nam phạm tội, tại Thủ Đức.
    Lẽ ra người mà tôi phải cảm ơn đầu tiên là ông Hiệu Trưởng Nguyễn Trí Lục. Nhưng việc tôi đã làm ngược “quy trình” đã cho tôi có cảm xúc và cảm hứng để viết lại Tiếng Việt là học trò của tôi ở Trịnh Hoài Đức. Còn anh Mẹo là người đã khuất nên tôi muốn trân trọng viết về anh trước.
    Tôi xin chân thành cám ơn ông Hiệu Trưởng đã giúp tôi về Trịnh Hoài Đức dạy, để tôi có một thời gian tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng nhiều kỷ niệm đẹp cho đến tận bây giờ.
    Người đồng nghiệp đầu tiên mà tôi gặp và có nhiều tình cảm là cô Trần Thị Hương. Để đảm bảo giờ giấc tôi phải từ Thủ Đức qua Trịnh Hoài Đức sớm hơn các đồng nghiệp khác. Tôi đang ngồi úp mặt vào cái bàn dài ở Phòng Giáo Sư thì nghe tiếng hỏi thăm: “Chị mới về trường à?”. Lúc đó hình như chị Hương có giờ dạy ở trường Nam. Có lẽ chị thấy tôi quá lạc lõng ở cái bàn dài và lớn. Từ đó cho đến giờ chúng tôi là bạn thân nhau. Về sau tôi quen thêm cô Phan Ánh Tuyết và cô Nguyễn Ngọc Sương.

    
Cùng cô Trần thị Hương
(sân trường Trịnh Hoài Đức nam)


Ở Trịnh Hoài Đức, tôi chỉ dạy những môn phụ, lại ít giờ nên hiếm khi có dịp tiếp xúc với các đồng nghiệp nhưng tôi không hề bị lạc lõng. Các đồng nghiệp có nhiều người giúp đỡ tôi. Tuy là những việc nhỏ nhưng tôi không bao giờ quên.
    Vì tôi không biết đi xe gắn máy nên khi về lại Thủ Đức, đôi lần tôi được anh Đoàn Phế giúp đỡ lúc anh thấy ai cũng về hết rồi mà tôi còn đứng ở lề đường đón xe. Anh Bùi Thế San cũng có lần giúp tôi đến Bình Lợi để từ đó tôi đón xe về Thủ Đức. Anh Võ Kim Lân, anh Nghiêm Toàn Thanh đưa tôi qua trường Nữ hoặc từ trường Nữ về trường Nam. Các anh tội nghiệp vì tôi đón xe không được phải đi bộ từ từ.
    Vì dạy ở trường Nam nhiều, tôi hay lên văn phòng chơi với các chị thư ký. Thấy có một công văn thông báo nhà trường cử người đi học trong trọng kỳ hè. Mỗi tỉnh chỉ cử một người. Tôi nói với anh Nguyễn Văn Phúc – lúc đó là Hiệu Trưởng – nhớ cho tôi đi học khóa này. Nghỉ hè năm đó, tôi xuống Sài Gòn học. Đó là khóa Hội Thảo về Kinh Tế Gia Đình do Bộ Giáo Dục và Thanh Niên tổ chức – từ 20/07/1974 đến 07/08/1974. Cuối khóa tôi được cấp chứng chỉ đàng hoàng.
    Ngoài anh Mẹo ra tôi còn có một người thầy khác nữa. Đó là anh Phạm Vĩnh Khương, dạy ở trường Trịnh Hoài Đức và Mỹ Thuật Công Nghiệp Bình Dương.
    Tôi không thích môn nữ công gia chánh lắm nhưng tôi cũng học và có bằng cấp, có thể dạy nữ công gia chánh. Thấy môn thêu thùa mất thời giờ quá, làm ra thành phẩm rất lâu. Tôi quyết định đi học vẽ. Tôi đến trường Mỹ Thuật Công Nghiệp để xin học. Khi được nhận vào rồi, tôi gặp anh Khương và nói tôi muốn được học vẽ với anh. Anh nhận lời. Nhưng rất tiếc tôi chỉ học được vài tháng thì ngày 30/04/1975 đến và Hiệu Trưởng mới không nhận người nghiệp dư. Tôi đành phải rời trường. Có điều trùng hợp là sau 1975 tôi là giáo viên được thỉnh giảng bộ môn AnhVăn ở Mỹ Thuật Công Nghiệp.
    Hai người cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến là hai Bác Trầm. Thỉnh thoảng tôi cũng có ghé quán của hai bác để ăn trưa. Vì từ Thủ Đức qua, bụng tôi thấy trống rỗng. Bác gái hỏi đến, biết tôi thích ăn gì. Mỗi buổi tôi có giờ ở Trịnh Hoài Đức, tôi thường được ăn canh chua cá lóc.
    Tôi chắc chắn, cho đến bây giờ,các đồng nghiệp không còn ai nhớ đến những việc đã giúp tôi. Vì họ chỉ coi đó là chuyện nhỏ, không đáng nhớ, nhưng với tôi thì không. Tôi xin chân thành cám ơn các đồng nghiệp quý mến của tôi, ngày xưa đó.

3.    Thầy trò gặp lại nhau:  
(Riêng  tặng  Th., M.H. và khóa 12 Trịnh Hoài Đức.)



Cùng các em học sinh lớp 11B4, niên khóa 1971-1972 (khóa 12)        

Trước và sau 1975, tôi có rất nhiều học trò, nhưng rất may các em đều là những học trò tốt. Có nhiều buổi họp mặt giữa thầy trò với nhau. Thường tôi chỉ thích gặp  những nhóm mà tôi trực tiếp dạy, như vậy mới thực sự thân thương. Có một nhóm được thành lập từ năm từ năm 1993 đến nay vẫn còn tiếp tục. Đó là nhóm các học sinh thuộc khóa 12 THĐ, tôi tạm gọi như vậy. Chỉ nhóm này được duy trì liên tục và lâu dài... Tôi muốn nói về hai học sinh trong số những học sinh thân thương nhất của tôi. Chúng tôi đã cách xa mấy mươi năm dài. Gần đây hai em ấy đã đến thăm tôi. Một em ở trong nước và một em ở ngoài nước.
        Khoảng 10 giờ sáng, tôi nghe có tiếng hỏi bên ngoài cổng: “Xin lỗi có ai ở nhà không?” và tiếp theo “Có phải đây là nhà cô T. không?”. Tôi nghĩ chắc là phụ huynh học sinh đăng kí cho con em học thêm. Tôi ra mở cổng, thấy em đang đứng nhìn tôi đăm đăm. Tôi loáng thoáng trong đầu sao em này có vẻ quen quá. Một lúc sau, tôi chợt nhớ ra em là ai nên vui mừng reo lên: “ Th. ! Cô vừa mới xem hình em hôm qua”.
        Hai chúng tôi đã đứng tại cổng lặng nhìn nhau. Em là người như thế, hay yên lặng, chỉ nói khi cần, giống như một khi em ra đòn  thì đòn đó phải chính xác. Tôi nhìn ra chiếc xe đậu bên ngoài và hỏi.
         - Em đi với ai vậy?
         - Em đi với M.H.
         - M.H. nào?
        Tôi vừa hỏi, em đang định trả lời, thì M.H. mở cửa xe bước ra chào tôi. Nhìn M.H.tôi có cảm tưởng hình như em đã tế nhị để thầy trò tôi có giây phút riêng tư khi gặp lại nhau lần đầu sau mấy mươi năm xa cách.
        M.H. vào cổng và nói:
- Em thích ngồi xích đu.    
- Vậy cô và M.H. ngồi xích đu, Th. ngồi băng đá.
- Để cô cho các em xem album hình ngày xưa.
     Th. chụp lại mấy tấm hình cần thiết. Một lúc sau, chúng tôi cùng chụp hình mới. M.H lên tiếng:
- Th. và em muốn mời cô đi ăn.
       Trên xe, Th cho tôi xem một số hình ảnh của gia đình em. Em nói: “Đây là các con của em, còn người này là vợ em”.
        M.H. xen vào cười nói: “Là người cao hơn”.
        Sở dĩ M.H. nói vậy là để trêu Th. vì lúc nãy tôi có nói với hai em, tôi đã đọc đâu đó trên báo “Một người đàn ông thành đạt là người đàn ông đi với phụ nữ cao hơn mình” và “Một người phụ nữ thành đạt là người phụ nữ đi với một người đàn ông thấp hơn mình”....
       Th. quan tâm tôi:
        - Vậy cô ăn uống làm sao?
        - Cho người mang thức ăn nấu sẵn đến tận nhà.
       Lúc còn đi học, cũng có khi em chở tôi về bằng xe gắn máy. Có lẽ em cũng còn nhớ kỷ niệm ngày xưa nên hỏi tôi:
        - Giờ cô đi lại bằng gì?
        -  Gần thì cô đi bộ, xa thì cô đi taxi.
      M.H cũng là một nữ sinh rất dễ thương, có chừng mực trong lời nói. Em cũng rất dịu dàng và ít nói như Th. Em cũng từng đi du học. Tôi thấy hai em có vẻ rất hiểu nhau, là một người bạn tốt. Sau 1975 M.H. có đến thăm tôi một lần khi em đi công tác ở Bình Dương và tôi cũng nhận ngay ra em làm em ngạc nhiên vô cùng.
      Chúng tôi đến quán Mỹ Liên. Th. bảo M.H. ngồi bên phải tôi, rồi các em gọi thức ăn. Tôi bảo gì cũng được, nhưng không thể ăn chả giò và bì cuốn. Hai em đều nói để bảo họ cắt nhỏ ra cho dễ ăn. Th. chu đáo tiếp thức ăn cho tôi. Em lúc nào cũng vậy, đều mang theo cử chỉ hành động của mình một sự chăm chút dịu dàng, khiến người ở cạnh em cảm thấy rất thân tình. Em hỏi tôi và M.H. còn muốn ăn gì thêm không?
     M.H. đề nghị đến quán “ Gió và nước” vì em thấy trên mạng giới thiệu cảnh đẹp quá! Sau khi đậu xe cẩn thận, Th đưa tôi và  M.H. vào quán, đi nửa chừng, em đứng lại quan sát chung quanh và quyết định không vào nữa vì sợ nhiều muỗi. Em  đưa chúng tôi đến quán ở đường Yersin mà em biết. Gọi đồ uống xong, chúng tôi ngồi lặng lẽ bên nhau. Một lúc sau, em bảo để em xuống xe lấy hình lên xem. Cho đến bây giờ tôi mới bắt đầu thấy giữa tôi và hai em không còn khoảng cách nào nữa mặc dù đã qua mấy mươi năm xa nhau.
    Th. lấy postcards và bảo chúng tôi chọn M.H. và tôi cùng xem. Cuối cùng tôi chọn một tấm tôi thích. M.H. nhận xét “Cô chọn  tấm có nhiều cây dừa”. Tôi thấy Th. có vẻ căng thẳng. Tôi đang cầm postcard mà tôi chọn trong tay thì Th. nhẹ nhàng cầm lại. Tôi nhìn bâng quơ phía dưới sân, khi quay lại Th. cầm postcard trả lại cho tôi. Vì thấy em cầm giữa tấm thiệp nên tôi cầm ở đầu tấm. Th. thấy vậy mới vui vẻ nói: “Cô cầm ở giữa thiệp đi, có quà tặng cho cô đó. Em không biết cô thích gì nên em gởi, cô muốn mua gì thì mua. Thì ra nảy giờ em đang nghĩ cách tặng quà cho tôi. Tôi bỗng nhiên nhớ lại vào năm 1993, khi lớp 12B5 (khóa 12) lần đầu họp mặt., em N.V.M. đại diện trao cho mỗi thầy cô một phong bì. Lúc đó tôi cũng rất bối rối - Chắc là cũng như Th. bây giờ. Nhưng tôi bối rối vì được tặng quà, còn Th. bối rối vì nghĩ cách tặng quà cho tôi.
     Em hỏi tôi và M.H. có muốn uống thêm gì không? Th. và M.H. bàn bạc cùng nhau nên đưa tôi về trước 2 giờ để có thời giờ nghỉ ngơi vì đến 3 giờ tôi có giờ dạy ở nhà.
     Đến trước nhà tôi, xe dừng lại, M.H. ân cần mở cửa xe cho tôi xuống . Đứng trước cổng Th. có vẻ lo: ”Cổng nhà cô để phía trên trống quá, người ta leo vào thì sao?”. Tôi vào cổng và dừng lại ở đấy để tiễn các em về. Chỉ còn lại giây phút ngắn ngủi này thôi. Không biết bao giờ mới gặp lại. Chúng tôi lặng lẽ bên nhau., đầy xúc động.
        Cám ơn M.H. đã giúp Th. tìm được nhà cô để thăm và tặng cô những giây phút êm đềm thân thương như thế. Cám ơn rất nhiều!
         Ở đây tôi muốn nói lời cám ơn các bậc phụ huynh học sinh đã sinh ra các em, nuôi nấng dạy dỗ đàng hoàng để các em trở thành những người đầy tình nghĩa. Cám ơn  các bậc phụ huynh một lần nữa vì đã cho tôi những quà tặng ngọt ngào như vậy.

Hiệp Thành, ngày 17-8-2016.