Tản mạn tháng Giêng
Thúy Đinh
(Viết cho Tím K20 và bằng hữu K9)
Ở một nơi không có Xuân-Hạ-Thu-Đông, chỉ có mùa mưa vừa đi qua và
những ngày cuối năm lặng lẽ đến mà không biết vui hay buồn. Hai bàn tay đan
khẽ khàng tiếc nuối khi nhìn những tờ lịch mỏng dần, mỏng dần. Đôi mắt bỗng
cay xè như buổi chiều về ngang trường học cũ. Tôi lại hỏi thầm mình, mùa
xưa và bằng hữu mất hút phương trời nào rồi? Còn ai nhớ sân cỏ xanh tháng
mười hai lao xao những bước chân áo trắng không?. Còn ai nhớ con đường nắng
vàng với nón lá tóc dài không? Còn ai nhớ những chuyến xe lam xe đò đông
vui nhiều kỷ niệm không? Những gương mặt năm-mươi-bốn năm ẩn hiện, môi cười
và mắt khóc, đứa gần đứa xa... đã lâu chưa gặp lại. Có người đã khuất bên
kia trời, có người từng ngày chống chọi bệnh tật nguy nan.
Thời gian, như một người bạn từng nói, là điêu khắc gia khó tính,
cứ làm thay đổi mọi thứ. Ngoái nhìn lại ngỡ ngàng, đôi khi bỗng hững hờ,
có lúc cũng bất ngờ ngoảnh mặt. Nước mắt có hôm chảy dài, có ngày cạn kiệt
mà không biết vì sao. Thế nên sau một năm, thêm một tuổi thì chữ nghĩa cũng
dần quay lưng. Tay tôi cứ gõ gõ, xóa xóa. Ý tưởng thì lòng vòng, tìm không
ra lối vào vườn Xuân của Tâm. Hay rồi mình lại làm kẻ đứng bên ngoài bờ rào
nhìn bạn bè rong chơi ríu rít ở đó? Hay rồi mình lại làm người trễ tàu trên
sân ga nhỏ chiều ba mươi Tết nhỉ!
Phải gọi ngày xưa quay về cho tôi góp một chút gió dịu nhẹ, đưa một chút
dư âm kết nối với mọi người. Mười hai tháng chìm nổi theo mưa nắng cuộc đời,
những lo toan chưa nhẹ gánh giống như một đường ray trong vẽ phối cảnh. Chạy
dài, mù xa và mất hút. Ở đó tôi thấy những hình ảnh mờ mờ ảo ảo, thực thực
hư hư của nhiều thân quen cũ. Ở đó tôi đi qua đường 13, qua Lái Thiêu có
Long, Bình, Hùng, Nhung. Qua Bình Nhâm ngang lối vào nhà Phát, Thiện, Tâm,
Đế, Bé. Qua Búng có Thúy Trần, Bá, Phụng, Huỳnh Hoa, Nhung, Mỹ, Tín... Là
Trịnh Hoài Đức Nữ, Nam mấy mùa hè họp mặt không về. Là nụ cười hiền lành,
là dáng thầy cô hao gầy thương khó.... Qua đồi Thiên Tôn có một thời khăn
tím tơi bời lộng gió xuôi đường An Sơn, có quê hương những năm tuổi thơ tôi
âm thầm thương cha nhớ mẹ. Qua Phú Văn nhìn không ra nhà Dung, còn mỗi bạn
hiền Vân cô đơn sau ngày không còn từng chiều sánh bước bên Nết nữa. Qua
Gò Đậu cũ mất dấu chỗ thầy San, thấy lung linh mắt cận Tiểu Nam cặm cụi làm
báo cuối năm, nhớ bát canh cải xanh nấu giò lụa trắng của Bích Liên ngày
nào xa lắc xa lơ. Qua Bình Dương nghe rôm rả tiếng cười tiếng nói vang nhà
Nga mỗi lần họp mặt. Nào Tiếng, Diệu, Hậu, Hồng, Quang, Hương, Ánh, Châu,
Hồng, Hiếu, Lệ, Gấm, Tươi, Phượng, Hường... rồi Nên, Bì, Oanh, Gái, Dung
ngày trở về vẫn tình nghĩa thân thương. Qua dốc Nhà Thờ, ngang lối vào chùa
Hội Khánh nhớ Bình áo trắng và những chuyện mà hai cậu cháu nói hoài chưa
hết. Qua cầu Ông Đành nghe như có tiếng thầy Đô còn vang vang ngày hè dạy
toán cho bọn học trò tinh nghịch khóa 9. Qua Ngã tư Thành Quan là nhà Trí
Dũng ngập đầy hoa Tết, tách trà nóng và thố mứt mãng cầu mồng 5 của Thơi
còn nguyên vị ngọt trên môi cười bạn hiền. Phía bên kia ngày xưa là con đường
sỏi đỏ chạy ngang nhà Dũng Tống để tới Ô Mai của một thuở học trò A2. Qua
Suối Giữa có quán cà phê Moka mấy lần Tiếng mời bạn bè họp khóa để được cùng
nhau ngồi ôn lại đủ thứ chuyện trên đời, để được sống lại thời trung học
ngàn năm không thể quên với Trịnh Hoài Đức yêu dấu.
Rồi tôi lại bắt đầu nơi vùng đất mới, cái tên Bưng Cầu vừa quen vừa lạ. Những
con dốc nhỏ, đường cũng nhỏ, tình người cũng nhỏ. Nơi mẹ tôi lặng lẽ mỗi
ngày ngồi tựa cửa chờ con. Những chuyến xe tôi miệt mài đi về nặng trĩu buồn
lo, làm sao yên khi nhìn dáng mẹ gầy guộc quá, phiền muộn quá, cô đơn quá
đỗi trong căn nhà rộng vắng người. Có phải mẹ tôi đang đi đến cuối đường
đời mà tôi thì cứ loay hoay hoài không thoát ra được sợi chỉ rối bời ngang
chân để chạy đến dắt dìu. Mùa Xuân hay Tết rồi sẽ như mây bay qua trời, mang
phận người lãng du về chốn khác. Xin năm mới bước thật chậm, xin gió tháng
Giêng nhẹ nhàng lay thật khẽ chiếc lá mong manh trên cành khẳng khiu. Xin
cho tôi được hoài nâng niu bàn tay chi chít gân xanh, được vuốt mãi mái tóc
bạc phơ với gương mặt ngơ ngác buồn của mẹ hiền.
Rồi tôi lại chìm trong những giấc mơ màu tím, bát ngát tím hàng bằng lăng
bên đại lộ. Nỗi đau vẫn còn nặng lòng dù bão tháng Tư đã cuốn phăng khăn
tím qua bờ đại dương xa. Dù năm mươi năm cũng đã có một chiều tím thẫn thờ
đi tìm dĩ vãng, cũng tìm ra người ở lại tội nghiệp muôn đời. Cho tôi thấy
một góc vườn cao su của Tâm xanh trời Bến Cát mà nhớ Lai Khê xưa quá. Những
giấc mơ ngắn ngủi không đủ khô nước mắt thương một thời tuổi trẻ đã qua
phải không Dung? Đông lạnh ở đó có làm Dung tiếc nhớ gì không? Hay chỉ là
chiêm bao thôi cho người cũ nhìn nhau như người lạ. Nhiều năm, rất nhiều
năm chưa gặp lại, áo trắng áo xanh cỏ tím đã phai tàn. Cuộc đời trôi ngang
cây cầu định mệnh bắc qua dòng sông ký ức một cách lạnh lùng kỳ dị. Cái cõi
riêng mỗi người cũng tàn nhẩn như muôn nghìn lưỡi dao băm nát một thời vàng
son. Không còn lại gì ngoài những hoài niệm thấm đẫm tiếng thở dài buồn
tênh của kẻ dại khờ chôn chân chốn cũ..
Mùa Xuân giống như mây trắng bay qua vùng kỷ niệm, nhắc chừng tuổi lớn chờ
ngoài song cửa vàng úa nắng chiều. Làm sao để bình an cho ngày mới? Làm sao
để nỗi nhớ nhẹ nhàng đậu xuống vai bạn bè? Để cùng nhau quay lại tung tăng
chào Tết với áo dài mới đi từng nhà mừng tuổi, nhớ không Cúc Hương, Thanh
Diệu? Để cùng nhau đứng trên thềm cao ngôi giáo đường nhìn xuống dòng đời
ngược xuôi bên dưới những ngày đầu năm yên ã. Để thấy góc phố Ngô Quyền
và khu cư xá nhỏ của Tâm Nhơn vẫn rộn ràng đợi chờ chiều ba mươi sum họp.
Để nghe tiếng ai cười, giọng ai hát ngọt ngào những khúc tình ca muôn thuở.
Cho tôi đạp những vòng xe qua bờ sông lộng gió về ngồi đúng chỗ xưa em gái
nhỏ ngã xuống... mà nhớ. Thế thôi, cũng đủ gom hết thổn thức vào tim, cũng
đủ bâng khuâng gọi thầm từng ngày từng đêm.
Mùa Xuân bỗng dưng lạc mất lối về, tôi nhìn trên tay những đường chia nam
rẽ bắc, thấy một chỗ thật khuất chiếc bóng trắng em tôi thanh thoát mù sương.
Còn đó không môi cười, còn đó không mắt khóc, còn đó không ... hay đã không
còn gì... Chỉ có tôi, một mình lặng thinh, không tìm thấy lối ra để bay đi
thật xa đến nơi bình yên mong muốn. Bên kia là bờ bao la sóng nước. Bên
này là đường mòn cỏ khô che chắn, không còn dấu xưa hồn cũ nữa. Bao nhiêu
năm đã mang những niềm vui sang sông để lại những mùa không có Tết lặng lẽ
đến. Rồi cũng qua thôi, áo trắng cũng phai màu, ngăn kéo ký ức cũng khóa
lại giấu tiếng thở dài xuống tận cùng đáy lòng. Đã lâu thật lâu tôi cứ làm
một viên gạch rêu xanh nằm yên bên góc sân. Không còn chờ nghe tiếng chân
ai về, không còn đợi thấy dáng ai qua ngang. Không còn nâng một chậu mai
vàng, không còn kê vai một cành lan tím. Những giọt mưa đã xói mòn viên gạch
cũ trên nền đất mềm như đã oằn nặng hơn nửa phận người.
Mùa Xuân như khách không mời mà đến và tôi vẫn viết lan man, không diễn tả
được hết tâm trạng những ngày cuối năm này. Muốn gửi một chút nắng ấm cho
đông lạnh nơi xa, muốn gửi một lời chào cho bè bạn ở quê nhà mà sao khó quá.
Rồi chỉ là một tản văn lung tung ý tứ, tôi cứ đi loanh quanh, cứ ngược xuôi
vô lối, không biết dừng lại hay tiếp tục thế nào nữa. Hình như vẫn còn vang
vọng tiếng chuông nhà thờ đêm Giáng Sinh vừa qua. Hình như mãi còn đong đầy
thanh âm những bài Thánh ca tháng mười hai. Chưa sẵn sàng chia tay một năm,
chưa thể bắt đầu bước xuống một đoạn dốc mới với mớ hành trang cũ mèm mang
theo.
Thôi xin tháng Giêng và Tết làm tri kỷ đi, đưa nhau qua những cung đường
lạ để đến từng miền nhớ nhớ thương thương. Tháng Giêng bay qua khung trời
Trịnh Hoài Đức để được mơ thấy mình nhỏ lại tuổi mười lăm mười sáu háo hức
mừng xuân. Tháng Giêng kết hoa lên áo bằng mây tím bàng bạc năm mươi năm
và chân bước ngập ngừng về ngang đồi đất cũ. Tháng Giêng tôi ngồi lại thềm
nhà ngoại nghe một khúc tình ca ngọt ngào dỗ dành mình bình yên mùa mới.
Tháng Giêng cho tôi gửi lời chúc an lành hạnh phúc đến tất cả mọi người thân
quen. Xin mãi là những ngày học trò áo trắng bên nhau, không quên... không
quên./.
Xuân nhớ...
(tặng bằng hữu K9)
Tôi về gom hết mùa xuân cũ
Gói giấy hoa vàng gửi gió mây
Gió treo trên nhành cây cổ thụ
Mây ngẩn ngơ buồn lặng lẽ bay
Còn đâu thềm vắng chân người bước
Nắng chói chang đùa với bóng xưa
Tím trời mưa ngâu cầu ô thước
Khăn lụa phai màu vạt áo trưa
Năm mươi năm đó giờ xa vắng
Biển hóa nương dâu, cỏ úa tàn
Nhánh sông buồn hanh khô thầm lặng
Người đợi người bao giọt lệ tan
Sầu xưa còn mãi xuôi dòng chảy
Chở Tết về ngang bến ngóng đò
Chút lao xao chiều ba mươi dậy
Con sóng xô bờ trắng bụi tro
Bây giờ là tháng giêng mùa mới
Chẳng có hương quê tối giao thừa
Với tay tìm hư vô ngồi đợi
Đêm vẫn là đêm, Tết vẫn chưa
Đôi khi hờ hững nghe buồn lạ
Gọi cố nhân, bằng hữu có nghe
Có ai vào chiêm bao màu lá
Chìm giữa xuân xưa lạc lối về...
Thúy Đinh
(Tết Đinh Dậu 2017)