Vua Quang Trung
toàn thắng quân Đại Thanh, 1789
GS Phạm Đức Liên
Đón xuân Đinh Dậu (2016), toàn dân Việt Nam hướng về Mùa Xuân Kỷ Dậu (1789):
trưa ngày mùng 5 Tết, dẹp tan 20 vạn quân Tàu, Đại Đế Quang Trung và binh
sĩ, nhân dân, … cùng ăn Tết Kỷ Dậu ở Thăng Long (Hà Nội), Đại Việt sạch bóng
quân thù.
“Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan, thủ bại hư !”
(Lý Thường Kiệt)
A. Dẫn nhập:
1. Lịch sử Việt Nam là một chuỗi năm tháng dài thật dài đầy mồ hôi nước
mắt, máu đổ thịt rơi, nhiều khi đến tủi nhục… Có đến hàng chục triệu đồng
bào đã hy sinh cho tổ quốc để:
a. Đấu tranh cho sự trường tồn của nòi giống Lạc Hồng. Từ khởi thủy,
hàng trăm bộ lạc (Bách Việt) sống rải rác ở bình nguyên sông Dương Tử (còn
gọi là Trường Giang – Yangtze River dài 6,300 km). Thế rồi Hán tộc, một bộ
lạc hùng mạnh nhất, dữ tợn nhất đã đồng hóa, đè bẹp tất cả. Không chịu khuất
phục, nhóm người Lạc Việt đã âm thầm theo đàn chim Lạc Việt (mỗi mùa đông,
chim bay từng đàn về phía nam ấm áp), men theo những con sông, những thung
lũng nguy hiểm mà xuôi Nam: “Châu thổ Hồng Hà là cái nôi của dân tộc Việt
Nam”, cho giống nòi được tồn tại.
b. Tranh đấu không ngừng cho bành trướng và bảo vệ lãnh thổ: từ Ải Nam Quan
đến Mũi Cà Mau = Vietnam our beloved country. Vietnam, our great people.
2. Dân tộc Việt Nam đã chiến đấu cam go, có nhiều lúc tưởng chừng như
mất nước vì quân thù Bắc phương mạnh quá, thâm độc lắm!, nhưng với sức mạnh
toàn dân, chúng ta đã có những chiến công vang dội. Một trong những cuộc
đấu tranh oai hùng đó là: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh (1789).
B. Chiến thắng năm Kỷ Dậu:
I. Quân Thanh xâm chiếm nước ta:
1. Tháng 4 năm 1788, vua Lê Chiêu Thống (do Nguyễn Huệ tôn lên làm vua từ
tháng 7, 1786 sau khi vua Lê Hiển Tông băng hà) đã trốn khỏi kinh đô Thăng
Long chạy qua Tàu cầu cứu vua Càn Long của nhà Thanh. Được thời cơ và muốn
chiếm nước Nam, vua Càn Long sai Tổng Đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng
Tây) là Tôn Sĩ Nghị cùng tướng Sầm Nghi Đống đem 200,000 quân Thanh hộ tống
Lê Chiêu Thống qua Ải Nam Quan để về nước tháng 11 năm 1788.
Quân Thanh như vũ bão, đông và mạnh, tiến vào Thăng Long như chỗ không người.
Tôn Sĩ Nghị dự định ngày mùng 6 Tết Kỷ Dậu (1789) sẽ tiếp tục Nam tiến để
tiêu diệt Tây Sơn. Tướng Ngô văn Sở di tản chiến thuật về cố thủ ở Tam Điệp.
1. Thời điểm nầy là lúc vô cùng khó khăn cho Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn
Huệ, Nguyễn Lữ khởi nghĩa từ Bình Định năm 1771):
a. Vua anh (Nguyễn Nhạc – Thái Đức - từ năm 1778) qua đời vì tuổi già,
tất cả quyền lực về tay Nguyễn Huệ.
b. Mặt trận Nam hà nguy kịch: từ tháng 7, 8 năm 1787, chúa Nguyễn Ánh từ
Xiêm La (Thái Lan) về chiêu mộ binh sĩ lấy lại Gia Định khiến Nguyễn Lữ phải
bỏ thành rút về Quy Nhơn để tướng Phạm văn Tham một mình buồm lái với cuồng
phong !
2. Để an lòng dân, tại Phú Xuân (Huế) ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22
tháng 12 năm 1788), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đăng quang lên ngôi hoàng đế
lấy niên hiệu là Quang Trung và tổ chức duyệt binh khiến lòng quân nô nức,
lòng dân phấn khởi. Vua Quang Trung là một nhà lãnh đạo đại tài, rất lanh
trí, cực kỳ thông minh và giải quyết vấn đề thật nhanh. Ngài và bộ tham mưu
lấy quyết định: Bắc tiến, diệt quân xâm lược trước. Ra lệnh cho tướng Phạm
văn Tham đánh cầm chân Nguyễn Ánh chờ ngày tổng phản công ở Nam hà.
Vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế
II. Hành quân ra Bắc:
Từ Phú Xuân (Huế), đại quân Quang Trung tiến ra Bắc ngày 22 tháng 12
năm 1788:
1. Ngày 26 tháng 12, 1788 (29 tháng 11, Mậu Thân) đoàn quân quyết thắng
tới Nghệ An:
a. Quang Trung tuyển thêm lính và huấn luyện thần tốc.
b. Chỉnh đốn lực lượng. Quân số lên đến 100,000 (mười vạn) và đội tượng binh
với 200 voi chiến.
2. Ngài chia quân lính ra làm 5 đạo: Tiền quân (Đô Đốc Bảo), Trung Quân
(Quang Trung), Hữu Quân (hai Đô Đốc Lộc và Tuyết), Hậu Quân và Tả Quân (Đô
Đốc Long). Xin độc giả theo sát bản đồ hành quân của đoàn quân đại thắng
do tác giả vẽ (trang sau).
3. Ngày 15 tháng 1, 1789 (20 tháng chạp năm Mậu Thân), Quang Trung đến
Tam Điệp (rặng núi đá vôi chạy theo hướng tây bắc – đông nam dài 80 km bề
ngang chừng 3-8 km và cao khoảng 200 mét là ranh giới giữa bình nguyên sông
Hồng và châu thổ sông Mã đồng thời cũng là ranh giới hai tỉnh Ninh Bình và
Thanh Hóa) gặp tướng tư lệnh tiền phương Ngô văn Sở. vua tôi ôm nhau hẹn
giờ vào Thăng Long.
Ngài rà soát lại 5 đạo quân (trung bình mỗi đạo tương đương một quân đoàn
với 2 sư đoàn), cho binh sĩ nghỉ ngơi và ăn Tết Kỷ Dậu (1789) trước rồi
hẹn: “Đến ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu sẽ toàn thắng ở Thăng Long ăn Tết nữa”.
III. Đại thắng quân Thanh:
Từ Tam Điệp ngày 30 tháng chạp, Mậu Thân, Quang Trung khai hỏa cho cuộc tổng
tấn công tiêu diệt quân Thanh.
1. Mặt trận chính:
a. Ngày đêm 30 tháng chạp, năm Mậu Thân Đô Đốc Bảo đã tiêu diệt hoàn
toàn những tiền đồn phía nam Thăng Long của Lê Chiêu Thống (vòng ngoài),
không cho một quân địch chạy thoát. Rồi quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh
ở những chốt Giản Khẩu, Nguyệt Khuyết, và Nhật Tảo …
b. Quang Trung áp sát đồn Hà Hồi, tấn công ào ạt và Hà Hồi thất thủ đêm mùng
4 Tết Kỷ Dậu, 1789.
Xin nhìn sang mặt trận phía tây của Đô Đốc Long: cùng đêm mùng 4 Tết Kỷ Dậu,
quân Tây Sơn từ Nhân Mục (Mộc) chọc thủng phòng tuyến quân Thanh ở chốt Khương
Thượng khiến tướng Sầm Nghi Đống phải tự tử và quân Đại Thanh chết như rạ.
Xác chết chất thành đống và được gọi là Gò Đống Đa (hàng vạn lính)
Sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Quang Trung tổng công kích đồn Ngọc Hồi (ngõ
vào Thăng Long) các tướng của địch chết gần hết. Quân Thanh chạy tán loạn
và rút lui qua ngả sông Hồng. Để chặn quân Tây Sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị
ra lệnh cắt cầu phao!. Quân Thanh chết hàng vạn, xác chết bềnh bồng trên
dòng sông.
Trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Quang Trung vào thành Thăng Long sớm hơn dự
tính 2 ngày.
2. Mặt trận phía tây:
a. Như đã trình bày ở trên (mặt trận chính): đêm mùng 4 Tết Kỷ Dậu.
b. Ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) Đô Đốc Long vây sát chốt Tây Long và Tây
Long thất thủ khiến Tôn Sĩ Nghị phải vội vã chạy thoát thân không kịp đem
theo ấn tín! Vua Lê Chiêu Thống cũng chạy theo cùng tàn quân Đại Thanh qua
Tàu.
3. Mặt trận phía đông:
Đúng như kế hoạch hành quân của vua Quang Trung, hai Đô Đốc Lộc và Tuyết
dùng tàu thuyền vượt biển, vượt sông để đến phía bắc sông Hồng chặn đường
rút lui của địch. Quân Tây Sơn đã đuổi quân Thanh ra khỏi Ải Nam Quan của
Đại Việt. Người dân Tàu dọc biên giới quá sợ hãi đã tranh nhau bồng bế chạy
loạn vì sợ quân Nam tràn qua biên giới tấn công.
Thủy bộ đã hành quân nhịp nhàng cho toàn dân Đại Việt và Đại Đế Quang Trung
đến thắng lợi cuối cùng. Quả là một chiến công hào hùng, oanh liệt !
Sơ đồ hành quân Bắc Tiến của vua Quang Trung ( do tác giả vẽ)
C. Lời kết:
1. Thiên tài dân tộc:
a. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi
hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, ngài đã tổ chức một cuộc diễn binh
vĩ đại ở Phú Xuân :
- Như để đánh dấu ngày Lễ Đăng Quang, ngay sau lễ duyệt quân.
- Cho lòng quân phấn khởi, cho lòng người nô nức. Ngài là một nhà chiến tranh
chánh trị tài ba. Ngài hiểu “lòng dân là ý trời” và “Dân vi quý, xã tắc thứ
chi, quân vi khinh”… Quang Trung = vì dân, bởi dân, cho dân…
Ngay sau lễ duyệt quân, thì Quang Trung xuất quân để Bắc Tiến tiêu diệt quân
Đại Thanh (trực chỉ Nghệ An rồi Tam Điệp): quân dân một lòng.
Trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu: Quang Trung vào thành Thăng Long ăn mừng sau
khi dẹp tan 200,000 quân Tàu. Áo ngự bào của ngài còn sặc mùi thuốc súng
!. Ôi oai phong, ôi lẫm liệt biết bao !
Giữa tiếng hò reo vui mừng của quân sĩ, áo bào còn vương mùi thuốc súng,
vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long sau khi quét sạch 200,000 quân
Thanh ra khỏi Đại Việt.
b. Chỉ trong 31 ngày, nhân dân Đại Việt và Vua Quang Trung đã chiến thắng
quân Thanh của Càn Long. Đây là một cuộc chiến thần tốc, hỏa tốc, một cuộc
chiến thiên thần có lẽ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Khí thiêng
sông núi và hồn thiêng dân tộc đã hun đúc ý chí của toàn dân vượt lên tất
cả bão tố trong lò khói lửa của chiến trường”. Đại Việt vạn tuế!. Quang Trung
vạn tuế! Ngài là danh tướng bách chiến bách thắng, hơn cả người cùng thời
là Đại Đế Napoléon Bonaparte (1769-1821) của nước Pháp (tuy Napoléon đánh
thắng nhiều trận ở Châu Âu nhưng đã từng thua quân Nga (năm 1812) và Anh
trong trận Waterloo (năm 1815) và bị đày ra đảo St. Helene).
2. Bài học lịch sử:
Lịch sử hôm qua là bài học hôm nay, thế nhưng nhiều nhà chánh trị đã quên
!!
a. Làm chánh trị thì phải luôn ghi nhớ: “Dân vi quí” – ý dân là ý trời.
Phải đi sát với thực tế. Phải tam cùng với dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm
để mà hiểu lòng dân. Ở Mỹ, giai cấp trung lưu chiếm 51% lực lượng lao động
với lợi tức trung bình $83,500. Họ là thành trì của xã hội tư bản. Thế nhưng
càng ngày cuộc sống của họ càng khốn cùng (không nuôi nổi con học đại học!).
Trong suốt 15 năm qua, các chánh trị gia của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ
cũng như giới truyền thông (media) đã không hiểu lòng người vì:
- Dân chủ = đảng của giới quí tộc (Party of Elites).
- Cộng Hòa = đảng của giới thượng lưu (Party of Elites).
- Truyền thông = truyền thông của giới giàu sang ( Media of Elites).
Điều buồn nhứt là những chánh trị gia còn trẻ (sinh năm 1961, 1964…) xuất
thân từ giới tiện dân, người nghèo… mà lại say sưa với bả vinh hoa phú quí
lúc ở chánh quyền mà quên dân nghèo !
b. Không hiểu lòng dân nghèo (70%) là một lỗi lớn lắm cho quí vị chánh trị
gia. Sanh ra trong nhung lụa, sống trong nhung gấm (gia tài 3.7 tỉ đô la
theo Forbes, August 2016) thế nhưng đi sát với dân nghèo (dân vùng xa, nhà
quê, thành phố nhỏ..) và hiểu dân: Trump đã thắng.
Xem chánh trị nước Mỹ phải chăng cũng là bài học cho nước nhà!.
*****
Đầu năm Đinh Dậu kính chúc quý vị giáo sư và CHSTrịnh Hoài Đức cùng quí quyến
một năm mới mạnh khỏe, ấm áp tình người, và một mùa xuân Đinh Dậu tường thụy
và đầm ấm tình thương./.