Nhớ Những Mái Trường - (tt)
Từ Minh Tâm

Đặc san xuân Trịnh Hoài Đức năm Bính Thân 2016 đã trình bày về các trường phổ thông ở Bình Dương. Năm nay xin tiếp tục nói về các trường dạy nghề và trường của người Hoa.

Các trường dạy nghề:

Trường Mỹ Thuật:
Đây là một ngôi trường có lịch sử lâu dài. Trường do người Pháp thành lập năm 1901với tên gọi là École d’Art Indigène de Thudaumot (Trường Mỹ Nghệ Bản Xứ Thủ Dầu Một ). Đến năm 1932 trường đổi tên là École d’Art Appliqué de Thudaumot (Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Thủ Dầu Một). Dân gian thường gọi đây là trường Bá Nghệ, tuy nhiên lúc đầu trường chỉ đào tạo 4 ngành chính là:
Làm mộc, đóng bàn ghế.
Sơn mài.
Điêu khắc.
Vẽ kiểu mộc và trang trí.
Năm 1964, trường được viện trợ của Mỹ giúp thêm nhiều máy móc và đổi tên là Trường Kỹ Thuật  Bình Dương với một số ngành nghề mới như kỹ nghệ sắt, điện kỹ nghệ … (Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng trường đổi tên là Kỹ Thuật thật ra cũng không đúng lắm vì dạy Mỹ Thuật nhiều hơn và số lớp học về Kỹ Thuật còn ít và chưa đáp ứng đúng nhu cầu của một trường Kỹ Thuật).
Từ khi thành lập trường Mỹ Thuật đào tạo không nhiều nghệ nhân nhưng họ đã đem lại tiếng tốt cho tỉnh nhà. Học sinh tốt nghiệp từ trường đã mở nhiều cơ sở kinh doanh thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm lừng danh khắp nơi như các hãng sơn mài: Thanh Lễ (Trương văn Thanh, Nguyễn thành Lễ), Trần Hà, Lại Lô (Đặng Thành Nghị), Văn Thoạt, Sông Gianh, Phát Anh, Cảnh An… Nhiều điêu khắc gia, hoạ sĩ tốt nghiệp từ trường đã trở nên nổi tiếng như: Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Thạnh, Lê Thành Nhơn, Hồ Hữu Thủ, La Toàn Vinh…
Ngày nay, trường có tên là Trường Trung Cấp Mỹ Thuật Bình Dương đào tạo hệ trung học cơ sở (4 năm) và trung học phổ thông (2 năm) với các ngành:
Đồ hoạ công thương nghiệp.
Sơn mài trang trí.
Điêu khắc trang trí.
Thiết kế đồ gỗ và Trang trí nội thất.
Thiết kế thời trang.


Một số thầy của Trường Kỹ Thuật Bình Dương trước 1975
(ảnh của Tài Nguyễn)

Trường Nông Lâm Bến Cát:
Bên cạnh Trường Giáo Dục Thiếu Niên Ông Yệm, năm 1897, ở Bến Cát còn có Trung Tâm Thử Nghiệm Canh Nông Ông Yệm. Đây là nơi trồng thử các loại cây mà người Pháp dự định sẽ trồng ở Nam Kỳ như cà phê, ca cao, cao su … Năm 1917, Pháp mở trường Nông Lâm Bến Cát với mục đích đào tạo nhân viên trung cấp về nông lâm nghiệp để trở thành đốc công, giám thị cho các đồn điền tại các địa phương lân cận. Chương trình học sẽ là 2 năm. Năm 1918, tuyển lớp đầu tiên với 28 học viên và có 16 học viên tốt nghiệp. Do chiến tranh, sau nầy trường nầy không còn hoạt động.

Trường Nông Lâm Súc:
Tiền thân của trường Nông Lâm Súc chính là trường Cộng Đồng. Học sinh trường Cộng Đồng Búng sau khi hết tiểu học được tiếp tục học lên trung học tại trường. Đến năm 1964 thì trường Nông Lâm Súc được chánh thức thành lập. Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Trần Hồng Đức sau đó là Kỹ Sư Huỳnh Kim Ngọc. Lúc đó, cơ sở của trường được xây cất thêm một dãy lầu ở phía sau trường Cộng Đồng nhưng phương tiện chuyên môn hay các nhà trại về các ngành nông, lâm, súc đều rất thiếu thốn. Tuy nhiên thầy cô và học trò của trường lại rất thân mật và tìm biện pháp thích ứng bằng cách nhờ các gia đình có đất đai ở địa phương để làm chỗ thí nghiệm trồng trọt, chăn nuôi... Học sinh Nông Lâm Súc dù nam hay nữ đều mặc đồng phục với chiếc áo sơ mi màu nâu để đi học. Để khuyến khích, về hoãn dịch, học sinh Nông Lâm Súc được thêm một tuổi so với học sinh phổ thông. Năm 1974, trường nầy được nâng lên bậc Cao Đẳng Nông Lâm Súc và bắt đầu dạy năm thứ nhất bậc Cao Đẳng. Do mới thành lập nên trường Nông Lâm Súc chưa có nhiều học sinh tốt nghiệp hay thành tài. Trường có hai học sinh tương đối có nhiều người biết ở Bình Dương là Trương Công Chánh (sau là hiệu phó trường chuyên Hùng Vương) và Lâm Minh Châu “Đen” (vì lai) Anh nầy chơi thể thao rất giỏi (đã đi Pháp sau năm 1975). Tuy gần nhau nhưng học sinh hai trường Nông Lâm Súc và Trịnh Hoài Đức hầu như không liên hệ với nhau nhiều, thậm chí có thể nói là không thích nhau, có thể vì mỗi lần tranh giải đá banh học sinh thì Nông Lâm Súc hay thắng.
Sau 1975, trường Nông Lâm Súc bị đổi tên nhiều lần. Hiện nay là Trường Trung Cấp Nông Lâm Bình Dương. Có lúc cơ sở của trường lại là Đại Học Thủy Lợi.


 
Cổng trường Nông Lâm Súc

Ngoài trường Nông Lâm Súc ở Búng, thập niên 1970, kế bên trường An Mỹ có phát triển thêm một trường Nông Lâm Súc nữa, trường chỉ mới đang trong giai đoạn khởi đầu mà thôi nên chưa có thành tích gì nổi bật.

Các trường của người Hoa:
Trước 1975, người Hoa ở Bình Dương có dân số khoảng 20,000 người sinh sống ở Thủ Dầu Một, Tân Khánh, Lái Thiêu. Để phục vụ cho việc giảng dạy tiếng Hoa cho cộng đồng của họ, các bang hội đã xây dựng các trường tiểu và trung học như sau:

Trường Trung Dung:
Trước khi có trường nầy người Hoa có một ngôi trường khác trên đường Nguyễn Tri Phương nhưng bị người Pháp chiếm làm trại lính nên trường Trung Dung có thể coi như là một trong ngôi trường đầu tiên của người Hoa ở Bình Dương. Trường do bang Hẹ xây dựng khoảng những năm 1920 và được ông Quảng Xương giúp xây rộng thêm. Trường có 4-5 phòng học nằm trên đường Hai Bà Trưng, gần trường Nghĩa Phương. Sân trường tráng xi măng làm thành sân bóng rổ. Sau năm 1975, trường chuyển thành trường Mẫu Giáo Hoa Lan.

Trường Nghĩa An:
Do bang Triều Châu xây năm 1955 và được trùng tu nâng cấp năm 1965. Trường nằm trên đường Võ Tánh (Văn Công Khai). Cơ sở của trường là một toà nhà to lớn với nhiều lớp học và một sân bóng rổ. Hiệu trưởng của trường Nghĩa An là ông Thái Kiến Sanh. Sau 1975, trường chuyển thành trường Mẫu Giáo Sơn Ca.

Trường Việt Trí:
Nằm trên đường Nguyễn Tri Phương đối diện hãng mực Song Long. Trường được bang Quảng Đông xây dựng năm 1942 và có tên là trường Quảng Triệu. Đến năm 1972, trường được xây lớn thêm và đổi tên là Việt Trí. Lúc đó, ngoài chương trình phổ thông của Bộ Giáo Dục, trường còn dạy thêm tiếng Hoa bậc sơ, trung cấp do các giáo viên trong tỉnh và từ Sài Gòn lên dạy. Sau 1975, trường Việt Trí đổi thành tiểu học Lê văn Tám.

Trường Bình Dân: là một trường nhỏ ở khu Lò Chén.

Trường của người Hoa ở Lái Thiêu:
Xin trích facebook của Hội Người Quảng Đông Lái Thiêu:
Khoảng những năm đầu thập niên 40 thế kỷ 20, ở Lái Thiêu trong mỗi nhóm phương ngữ đều có trường học riêng: người Quảng Đông có trường Dục Tài (Dục Tài học hiệu) dạy ngôn ngữ Quảng Đông, người Triều Châu có trường Triều Quang (Triều Quang học hiệu) và trường Dục Anh (Dục Anh học hiệu) của người Phước Kiến cùng dạy ngôn ngữ phổ thông Trung Hoa. Đến năm 1969 con em cả 4 bang đều tập trung học tại trường Dục Anh cho đến năm 1975, các trường Triều Quang và Dục Tài không còn hoạt động.
Bên trong sân trường Dục Anh có sân bóng rỗ. Đây là nơi sinh hoạt thể thao của cộng đồng người Hoa ở Lái Thiêu.

Trường cho người khuyết tật:
Trường Câm Điếc Lái Thiêu:

Đây là một trường đặc biệt và hình như cũng là trường duy nhứt ở Miền Nam trước 1975 để dạy cho học sinh câm điếc. Trường được linh mục chánh xứ họ đạo Lái Thiêu tên là Azema thành lập năm 1886 sau khi gởi một người điếc tên là Nguyễn văn Trường sang Pháp để học về phương pháp dùng ký hiệu ngôn ngữ điệu bộ. Năm 1903, trường được giao cho các nữ tu dòng Thánh Phaolồ tiếp tục quản lý và giảng dạy cho số học sinh khoảng 250 đến 300 em (nhiều nhất là 600 em (niên học 1972-73). Các em được ở nội trú và học tập về cách giao tiếp để có thể hội nhập với xã hội. Trường còn dạy thêm các nghề thủ công như thêu, may, vẽ, lọng, mộc để các em có thể kiếm việc làm khi trưởng thành. Ngày nay, trường đổi tên là Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Thuận An do trường Đại Học Sư Phạm TPHCM quản lý.
Trên đây là một số  hiểu biết ban đầu của người viết khi tìm hiểu về các trường học ở tỉnh nhà, đặc biệt là khu vực xung quanh thị xã Phú Cường và quận Lái Thiêu. Bài viết chắc chắn có nhiều thiếu sót, mong bạn đọc bổ túc thêm để giúp thế hệ mai sau biết ít nhiều về giáo dục ở Bình Dương trước 1975.

Tham khảo:
1.    Website trường Trung Cấp Mỹ Thuật Bình Dương: http://violet.vn/thpt-trungcapmythuat-binhduong/entry/show/entry_id/6125792
2.    Người Hoa ở Bình Dương – Hội Khoa Học Lịch Sử tỉnh Bình Dương -TS Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên – năm 2010.
3.    Kỷ yếu Giáo xứ Lái Thiêu, Giáo phận Phú Cường, 2012
4.    Trang nhà ĐH Sư Phạm TPHCM: http://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5709%3Atrung-tam-giao-dc-tr-khuyt-tt-thun-an&catid=2535%3Acac-n-v-trc-thuc&Itemid=4357&site=144
5.    Dấu xưa Đất Thủ - Nguyễn Hiếu Học – Nhà xuất bản Trẻ và Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Bình Dương xuất bản năm 2009.
6.    Facebook: Hội Người Quảng Đông ở Lái Thiêu .
7.    Bài viết có sự đóng góp bổ túc của các bạn Hồ thị Kim Ngân, Lưu Thanh Bình và Huỳnh Hoàng Anh (2013).