Vài đặc điểm của Nhà Cổ Bình Dương
GS Phan Thanh Đào
(theo Nhà Cổ Bình Dương – cùng tác giả)

 

... Những ngôi nhà cổ ở Bình Dương (có lẽ những nơi khác cũng thế) mà chúng tôi tìm hiểu đều có mái nhà thấp, nghĩa là nhìn từ ngoài vào toàn bộ ngôi nhà, hiên nhà, nhìn ra sân. Để giải thích điều nầy nhiều người cho rằng mái nhà thấp là để ngừa gió bão và ánh nắng chiếu vào ngôi nhà, (mái nhà thấp gió khó lồng vào để hất tung mái lên), nhưng chúng ta thấy rằng đất Nam Bộ thường ít bão, đa số những ngôi nhà ở đây đều quay mặt về hướng Nam hoặc Đông Nam, nghĩa là hướng không bị gió bấc rét buốt thổi vào, cũng không bị ánh nắng nóng gắt của buổi chiều trong ngày chiếu vào, cho nên theo thiển ý của chúng tôi thì mái nhà thấp trước hết là do mái nhà dài, nóc nhà khá cao nhưng các vì kèo thường làm theo lối lưỡng đoạn, tam đoạn, thậm chí có ngôi nhà có đến hơn 3 đoạn kèo. Cứ một đoạn kèo đặt trên hai hàng cột tạo ra một lòng căn của ngôi nhà, ở những ngôi nhà mái thấp thường có hàng hiên hẹp, nếu bởi hiên rộng ra nữa thì mái nhà lại phải kéo dài ra khiến mái nhà càng thấp thêm, nhà lại lợp ngói, nên không thể nông mái lên như kiểu lợp tole, và còn phải theo kích thước (hay còn lý do gì nữa chăng?).
Còn môt cách giải thích về cái mái nhà thấp nầy: Đó là tinh thần trọng lễ của người xưa. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì người xưa luôn gắn liền cái đẹp với chữ Lễ trong mọi cách sống, cách ứng xử. Mái nhà thấp để cho người khách hay bất cứ ai bước  vào nhà đều phải cúi người, một hình thức tỏ sự khiêm tốn, tôn trọng chủ nhân và nơi thờ tự thiêng liêng (thường phần tiếp khách và phần thờ tự cùng chung trong bộ phận ngôi nhà tức phần nhà trên), chúng tôi còn thấy cái mái nhà thấp kia dễ gây cho chúng ta cái không khí thâm nghiêm như một trạng thái tín ngưỡng vậy (Tất nhiên những ý kiến trên chỉ là những phát hiện cần được thảo luận thêm)…
… Hầu hết các ngôi nhà cổ ở Bình Dương đều có bộ khung sườn được kết cấu theo lối nhà xuyên trính, nhưng chỉ ở phần nhà trên để thờ được chú trọng nhiều hơn. Nhà ngang hoặc các bộ phận khác, nếu có cũng có dạng giống như thế nhưng giản đơn hơn nhiều.
Nhà xuyên trính còn gọi là nhà “đâm trính”, nhà “trính trổng”, nhà “cối chày”, nhà “rường”.

Kiểu nhà Xuyên Trính thông dụng ở Bình Dương
Bộ khung sườn của kiểu nhà nầy không có cây cột cái đứng giữa mà là hai hàng cột đứng hai bên, nối nnà theo chiều ngang bởi một bộ phận gọi là cây trính được uốn cong với hình dạng mềm mại, uyển chuyển, giữa cây trính thẳng lên đòn dông là bọ trổng, cối. Cối là một bộ phận có chạm (hoặc để trơn), đẽo hình bốn góc gần giống như cái cối giã gạo ngày xưa. Trên cối là cái chài, hai đầu nhỏ ở giữa phình ra, một đầu chài đứng trên cối, một đầu đội cây đòn dông. Tại đầu trổng đỡ đòn dông có lắp một bộ phận gọi là cánh dơi hay còn gọi là “áp quả” để cây trổng đỡ đầu kè và đòn dông nơi nóc nhà. Chỗ giao nhau ấy có người gọi “giao kỷ”. Những cặp cây cột ở hai bên đòn dông có cây trính nối nhau ấy, người ta gọi là cột hàng nhất (có tiền, hậu), ở hai hàng cột cái ấy, người ta cho một cây xuyên nối xuyên tâm các cột cái lại với nhau theo chiều dọc của đòn dông khiến cho bộ khung nhà trở nên chắc chắn.
Cứ trên mỗi cặp cột là một vì kèo. Đa số những ngôi nhà nầy thì những vì kèo đều là lối kèo đoản, hai đầu của một đoạn kèo nằm trên đầu của hai cây cột. Ở hai chái nhà có những cặp đấm quyết. Những cây đấm nối từ đầu những cây cột thẳng ra chái nhà, còn những cặp quyết cũng nằm một đầu trên cây cột và có chức năng đỡ ở góc chỗ tiếp giáp giữa mái nhà và chái nhà. Những ngôi nhà tổng cộng có đến tám đấm, tám quyết người ta gọi là nhà “bát dần”. Nhà bát dần là loại nhà hoàn chỉnh về kết cấu, có quy mô lớn, mặt bằng tương tự như nhà năm gian hai chái.
Một đặc điểm nữa của sự kết cấu ở bộ khung sườn của các ngôi nhà cổ ở Bình Dương là nhà khá nhiều cột. Riêng phần nhà trên thôi đã thấy có trên dưới 50 cây cột. Hầu hết những cây cột ở đây là để đỡ khung nhà. Các cây cột chung quanh đều đứng cách tường, còn tường chung quanh có chức năng nâng đỡ phần cuối của mái nhà. Người xưa đã lợi dụng sự nhiều cột nầy để gắn hoặc treo những bộ phận trang trí bên trong nhà như những cái thùy, những bao lam, hoặc những cặp câu đối. Tất cả các cây cột , nhất là ở phần nhà trên đều là cột táng tức là cột được đặt trên những tảng đá được đẽo tròn và chạm khắc công phu. Ngoài những cột tròn, những ngôi nhà cổ ở bình Dương lại còn thêm những cây cột vuông để lắp ngạch ngưỡng và các khung cửa.
Riêng phần nhà ngang hay nhà dưới, bộ khung sườn giản đơn hơn, cũng dạng nhà xuyên trính nhưng các cây trính đều để thẳng, không uốn cong cũng không chạy gờ như ở nhà trên. Kèo đều là kèo suốt dài từ đòn dông xuống đến “giọt tranh” chứ không làm kiểu kèo đoản như ở nhà trên. Nếu cho rằng kiểu nhà xuyên trính có cây trính uốn cong là dạng nhà tìm thấy ở miền Trung thì khá phù hợp với những nhà cổ Bình Dương (theo gia đình ông Lê văn Ngọc cho biết thì nhóm thợ làm ngôi nhà của ông xưa kia là người từ Quảng Bình vào).
Riêng về vật liệu xây dựng thì hầu hết những ngôi nhà cổ Bình Dương, nguyên liệu chính trong xây dựng là gỗ, từ bộ khung sườn như cột, kèo, xuyên trính, các cây xà, đòn tay, rui mè cho đến cửa, ngạch ngưỡng, bao lam trang trí và cả vách nữa cũng đều bằng gỗ. Lý do là Bình Dương xưa kia có rừng phong phú các chủng loại gỗ. Người ta sử dụng các loại cây như gõ, sao, vên vên… để làm cột kèo, xuyên, trính, làm cửa, đóng tủ, bàn … Nhưng có lẽ một phần chịu thói quen chung của truyền thống, như kiến trúc sư Ngô Như Quỳnh đã viết trong cuốn Tìm Hiểu Lịch Sử Kiến Trúc ở Việt Nam: “Trong những điều kiện thực tế ở nước ta, kiến trúc cổ ít dùng đá và nếu dùng thì chỉ dùng vào bộ phận nhỏ của công trình như thềm, tảng kê cột, có khi làm cột hay mí cửa “. Dân tộc ta không phải không biết sử dụng đất đá để xây dựng nhà cửa, nhưng người xưa vẫn sử dụng gỗ là chủ yếu, ngoài lý do điều kiện địa lý và theo ý chúng tôi có lẽ việc kiến trúc gỗ còn lệ thuộc ở khả năng thợ mộc, ở quan niệm về mỹ thuật, nhân sinh … mà dân tộc ta, ngay như ở miền Trung với những tháp Chàm còn sừng sững đó, dân ta vẫn cứ xây dựng nhà cửa bằng cây, gỗ !
Hầu hết những ngôi nhà cổ ở Bình Dương, mái nhà lợp bằng ngói âm dương. Cũng có vài ngôi nhà lợp ngói khác, chúng tôi sẽ nói cụ thể trong phần giới thiệu từng ngôi nhà. Lợp ngói âm dương làm cho bên trong ấm áp vào mùa lạnh, và mát vào mùa nóng, nhìn ngôi nhà có vẻ cổ kính, nhưng có điều bất lợi là dơi thường chui vào ở dưới mái nhà làm bẩn nhà. Nền nhà lót gạch Tàu. Hiện nay một số nhà đã thay gạch bông tráng men, một số nhà có tường vôi, ở hàng hiên có những cây cột vuông cũng xây bằng gạch, vôi trộn nhựa vỏ cây theo kiểu truyền thống.
Những ngôi nhà cổ ở Bình Dương có đặc điểm là từ nóc nhà đến chân cột, không một hạng mục nào bằng gỗ trong ngôi nhà là không có bàn tay khéo léo của người thợ điểm tô, điều nầy khiến cho tính thẩm mỹ đã lấn át tính ích dụng của các hạng mục trong ngôi nhà.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn những cây trính, những bộ trổng, cối, những đoan kèo ở các ngôi nhà nầy thì thấy rõ công phu và sự khéo léo của người thợ. Cây trính, công dụng của nó là nối hai hàng cột ở hàng cột thứ nhât nhưng đã được uốn cong, tạo dáng mềm mại, uyển chuyển cho một đoạn gỗ lớn, khiến cho ta không còn thấy sự nặng nề của khối gỗ nữa. Công phu của người thợ biến khúc gỗ trở thành cây trính bằng cách tạo dáng uốn hơi cong với bề lưng nhỏ, bề dạ lớn, giữa lớn, hai đầu nhỏ để lắp vào hai cột, lưng trính lại đỡ cái cối được đẽo một cách hài hòa, đầu cây trổng với chiếc cánh dơi cũng được tạo dáng đẹp đẽ, khéo léo. Các đoạn kèo của từng vì kèo đều được đẽo từ cây nguyên khối có tạo dáng, chạy gờ, đầu kèo và thân kèo thẳng áp sát để đỡ đòn tay, còn đuôi kèo thì uốn thấp xuống và lắp vào cột, một chi tiết đáng chú ý là ở đuôi kèo có mộng lắp vào cột, còn hai bên là đuôi cá ôm thật sát vào cây cột với một độ sát khít gần như tuyệt đối (mọi chi tiết lắp ghép trong ngôi nhà đều dùng mộng, nêm chứ không dùng đinh hoặc bù lon). Một số nhà ở các vì kèo, kể cả đòn tay nữa đều có gắn bao lam trên xuyên, còn hai bên là những trái thùy áp sát vào hai cây cột, dưới chân hàng cột nầy từ mặt đá tảng trở lên người ta ốp vào đá hai miếng gỗ có chạm hình hồi văn, tạo sự cân xứng giữa chân cột và đầu cột...


  Chạm trổ tinh xảo trong nhà cổ Bình Dương

*****