Ngày tháng cũ phôi phai …

Cao Quế Lâm
 
Bạn thân,
Gởi bạn bài viết ngắn. Nếu đâu đó trong những dòng tự sự đơn sơ, bạn có thoáng gặp bóng hình mình, thì cứ xem như tôi đang viết dùm bạn về một khoảng đời đã qua, đã xa….

Tôi trở mình ngồi dậy, với tay bật công-tắc đèn ngủ đầu giường, uống vội viên thuốc cảm.  Trận cúm “định kỳ” cuối năm vật tôi tơi tả hơn con mèo mắc nước ngày mưa.  Lơ đãng liếc nhìn xung quanh, ánh mắt tôi chạm vào màu đỏ của tờ lịch trên tường: 20 tháng Chạp. Ngày gì ta ? Cố định thần để nhớ : Ồ! 20 Tết rồi sao ?. Vậy là chỉ còn đôi ba hôm nữa là đưa Ông Táo về trời.  Gần Tết rồi.  Cuộc sống tất bật, đa đoan đã làm tôi quên đi ngày tháng.  Bất giác, những kỷ niệm cũ ùa về như nước lũ tràn bờ …..
   ….. Tôi đã trải qua những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, bình yên ở Bình Dương.  Đó là những năm đầu của thập niên 1980. Cuộc sống khó khăn của những năm đầu thời bao cấp đã làm cho những đứa trẻ đang lớn như tôi cũng phải bương chải và năng động sớm hơn.  Do thiếu thốn mọi điều nên đứa nào cũng mong đến Tết.  Sẽ được ăn ngon hơn ngày thường, khỏi phải làm công chuyện, được mặc áo mới và được cả tiền lì xì. Vì vậy chuẩn bị đón Tết- như một thông lệ- đã được chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó.  Khi tiết trời bắt đầu se lạnh, chừng đâu mùng 9, mùng 10 tháng Chạp gì đó là tôi khởi đầu bằng việc lặt lá mai.  Những  năm đầu do không biết canh tiết trời nên mai không nở đúng ngày. Sau nhờ cậu Tám tôi chỉ bảo nên năm nào mai cũng nở đúng ngày Nguyên Đán.  Canh tiết trời là vầy: sau khi lặt lá, nếu thấy nụ búp quá thì tưới thường hơn bằng nước ấm, thúc mai mau nở. Còn nếu nụ căng thì hãm bớt lại bằng cách tưới nhiều nước lạnh.  Cứ thế mà cội mai vàng năm cánh của tôi năm nào cũng mãn khai như ý đúng ngày đầu năm.  Lật bật vài hôm thì đến ngày thu hoạch kiệu. Từ 3 giờ sáng, má con tôi đã lui cui trong công việc dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu mang theo. Cảm giác lạnh chen lẫn với cơn buồn ngủ, cộng thêm phần sình bùn nhớp nháp và thêm những con bù mắt bé tí nhưng chích ngứa kinh hồn làm tôi chán nản hết sức.  Nhưng cứ nghĩ tới ít tiếng đồng hồ nữa là sẽ có tiền sau khi cân bán cho thương lái, là tôi lại lên tinh thần ngay.  Công việc thu hoạch kéo dài cả tuần lễ, và có tiền tươi ăn Tết lớn rồi.  Sau khi đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp là tôi đi lùng xin chặt nhánh mai về chưng trong nhà.  Cùng là chòm xóm, có nhau những lúc tối lửa tắt đèn, nên không ai lấy tiền, mà chỉ cho không. Tôi lựa những cội mai già, cành to mà chặt. Mai không được chặt cù nhầy, mà phải chặt thật ngọt bằng dao bén. Sau đó, phải hơ vết chặt bằng lửa liền để nụ không rụng và sau đó là bông lâu tàn. Cắt tỉa gọn gàng nhánh mai đầy nụ, thả thêm vào trong  chiếc độc bình thêm 2 viên Aspirin thì cứ yên chí lớn thể nào bình mai  cũng sẽ nở vàng một góc nhà đúng ngày đầu năm.  Càng gần đến Tết thì thời gian chừng như sắp hết mà công việc thì như lại thêm ra.  Việc làm tôi sợ và ngán nhất là phải lau chùi lư hương bàn thờ tổ tiên. Những chiếc lư đồng xám xịt sau một năm ám đầy bụi bặm và khói nhang được tôi tỉ mỉ đánh bóng bằng cát suối mịn màng, phải hơn buổi mới xong.  Tới 26 Tết thì má con tôi bắt tay vào làm mứt.  Năm nào cũng vậy, má tôi phụ trách làm mứt tắc (trái hạnh) và mứt chùm ruột. Thì cây nhà lá vườn mà, đỡ tốn tiền để mua.  Còn tôi thì phụ trách phần làm mứt dừa.  Cây dừa đầu ngõ của má tôi cho những trái có cơm rất dầy.  Bình Dương thời bao cấp cúp điện triền miên, các bác công ty “nhà đèn” cúp điện những nơi xa như xóm nhà tôi không cần nguyên tắc hay qui tắc gì cả.  Chỉ cần biết tới tối bật công-tắc bóng đèn mà không thấy ánh sáng thì có nghĩa là bị các bác cúp điện rồi.  Đơn giản quá hen ? Nhưng gì thì gì, như một kỷ luật má tôi đã đặt ra, có điện hay không thì cũng làm mứt vào đêm 26.  Má tôi làm việc rất nghiêm túc nên phần mứt nào bà làm xong cũng đều rất đẹp và ngon.  Tôi phần thì chểnh mảng, phần thì lười biếng bẩm sinh, nên khi sên xong chảo mứt dừa thì cháy xém mất 7 còn 3.  Lại bị la thêm một phen tắt bếp.  Nhưng mà đâu có sao, chảo mứt đó chui vô bụng tôi gần hết như đoạn cuối của một kết cuộc “có hậu”.  Sau đó, má tôi phải bỏ ra một đêm để làm chảo khác.  Đầu năm khách đến chơi, ai cũng trầm trồ những sợi mứt trắng, dài, giòn rụm. Và không cần phải hỏi thì cũng cứ y như rằng cái thằng tôi sẽ vênh cái mặt lên trời và “vô tư” nhận rằng:”Con sên mứt đó, đẹp không…?”.  Má tôi cười cười, chêm thêm :” Ừ, thì nó làm đó…”. Chỉ có người trong cuộc mới rõ sự tình, nhưng có mẹ nào nỡ bêu xấu con mình - dù rằng nó không xứng đáng - phải không?  Cao điểm của những ngày chộn rộn đón Tết của tôi là đêm 29 (năm nào tháng Chạp thiếu thì sẽ là đêm 28).  Đặc biệt vì đó là đêm thức canh nồi bánh tét.  Những đòn bánh tét má tôi tự gói lấy bằng tất cả công sức và sự tự hào của bà.  Này nhé, trước hết là lá chuối và dây buộc.  Từ mấy hôm trước, má tôi đã chuẩn bị cắt tỉa lá từ những cây chuối hột sau vườn. Phải là chuối hột thì bánh mới thơm. Kế đến là nếp, đậu xanh, đậu đen… Tất cả những thứ đó cũng là do má tôi ra công trồng lấy.  Ngay cả mớ lá dứa để bánh được xanh và thơm thêm thì cũng được trồng ngay dưới sàn rửa chén sau hè.  Ngay cả thịt, mỡ làm nhân bánh cũng không phải mua.  Năm nào má tôi cũng bán heo thịt khoảng 20 tháng Chạp, người mua cho lại vài kí ân tình cộng thêm vài kí bán giá tượng trưng.  Vậy là trọn vẹn nồi bánh ngạt ngào rồi nhé.  Phần cuối cùng là củi lửa cho cả một đêm.  Từ nhiều tháng trước, tôi và anh Tâm tôi đã moi một gốc mít già. Củi từ thân mít rất mau tàn, mất công phải coi tiếp thường xuyên. Củi chẻ ra từ gốc cháy chậm, lâu tàn, giữ lửa rất lâu.  Má tôi gói bánh gần suốt cả ngày, tới chập tối là cho vô nồi.  Bên bếp lửa bập bùng, tôi cứ loi choi như con gà giò ngứa cổ cứ đòi gáy sáng báo bình minh.  Về khuya, chịu hết nổi, tôi bỏ cuộc, nằm ngáy khò khò… Sáng thức dậy, nhìn mấy chục đòn bánh tét đẹp đẽ treo tòn ten trên khúc tầm vông chờ ráo nước mà cứ tiếc hoài :” Sao má không kêu con dậy vớt bánh.  Thiệt là….”….
      … Thời gian cứ thế trôi qua, ngày vui rồi cũng trôi xa.  Mùa hè 1989, gia đình tôi rời Việt Nam sang Mỹ định cư, bắt đầu một chương mới của cuộc đời.  Tạm biệt ánh lửa hồng của nồi bánh tét cuối năm.  Giã từ những ấp ủ, mộng mơ của thời mới lớn… Tôi lăn xả, lao đầu vào cuộc mưu sinh.  Cuộc sống chừng như là tam giác khép kín giữa giảng đường, chỗ làm và chiếc giường nhỏ qua đêm.  Thành phố nơi tôi ở khi ấy xa khu người Việt, phần thì bận rộn với công việc và học hành, nên Tết cũng chỉ là sự kiện thoáng qua, như trăm ngàn sự kiện thoáng qua.  Nồi bánh tét của má tôi bây giờ  không còn được chăm bên bếp lửa bập bùng, vật liệu giờ toàn là hàng chợ được nấu trên bếp ga tiện nghi và tôi cũng không còn cái cảm giác háo hức, chờ đợi thâu đêm… Cơ may đưa đẩy, 10 năm sau, gia đình tôi dọn về Little Saigon.  Có lẽ không nơi nào trên trái đất này - ngoài lãnh thổ Việt Nam- người Việt ăn Tết tưng bừng, nhộn nhịp như người Việt nơi đây.  Sau tiếng pháo giao thừa mở màn của những chùa lớn trong vùng, cả khu Little Saigon như bùng lên trong cơn mưa pháo Tết.  Suốt gần nửa tiếng đồng hồ sau Giao Thừa, tiếng pháo rền vang khắp nơi.  Ban đầu những con chó còn lạ lẫm sủa nồ, sau nghe pháo nổ lớn và gần quá nên chúng chui vô góc nhà trốn biệt, vì gần như nhà Việt Nam nào cũng đốt ít nhất vài phong. Cư dân Mỹ, Mễ trong vùng chừng cũng “quen”, nên cũng chẳng than phiền chi cả.  Và cứ thế, tiếng pháo cứ đì đùng, râm ran suốt cả 3 ngày Tết.  Màu đỏ xác pháo vương đầy lối những cơ sở thương mại quanh vùng….
       … Tiếng hát rộn ràng của bé Xuân Mai kéo tôi về với hiện tại :”…. Tết, tết, tết, tết đến rồi.  Tết đến trong tim mọi người.…”.  Chợt nhớ thêm rằng một hôm nào đó, con tôi đã hỏi để được đi chợ Tết Bolsa mà tôi đã vô tình lơ đãng, quên ngang… Mắt nặng dần, thuốc đã thấm… Tôi đang chìm vào giấc ngủ muộn màng.  Mơ hồ xa xa có bếp lửa bập bùng nồi bánh cuối năm, người mẹ châm củi và cậu nhỏ loi choi.  Có tiếng hát, có nụ cười và cả tuổi thơ bay….
(Westminster, Jan. 30, 2016)