Ngày Đó Xa Rồi

Nguyễn Văn Lâm (K12)
 
Thời gian qua quá nhanh, mới đó mà sắp cuối tháng mười một của năm Bính Thân. Chẳng còn mấy ngày nữa Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ về trên quê hương của chúng ta. Nghĩ đến đó tôi phải chạy đua với thời gian, nỗ lực để hoàn thành mọi công việc trước ngày 30 Tết, đón những ngày Xuân yên vui cùng với muôn hoa khoe sắc. Khi những giọt sương mai còn đọng lại trên những chiếc lá cuối đông, vào buổi bình minh, một ánh nắng vàng phản chiếu trên những cành cây lấp lánh rồi rơi nhẹ xuống sau một cơn gió thoáng qua. Tuy sắp cuối đông, nhưng cái lạnh vẫn còn len vào da thịt của buổi ban mai. Đang suy nghĩ vu vơ, bỗng nghe tiếng vui đùa của mấy cô cậu học sinh tung tăng đến trường làm tôi chạnh nhớ lại thuở nào cách nay vừa tròn năm mươi lăm năm, khi tôi còn cắp sách đến trường làng. Hình ảnh này là hiện thân của tôi thời thơ ấu. Nhớ quá, thương nhiều, dù đã trải qua biến đổi của cuộc đời, nhưng ký ức chẳng bao giờ phai.
Thuở cắp sách đến trường làng đến hết tiểu học, rồi lại chia tay nhau đến một ngôi trường mới, một ngôi trường trung học bậc nhất của tỉnh Bình Dương thời bấy giờ mang tên Trịnh Hoài Đức. Ngôi trường nầy đã góp thêm nhiều nhân tài cho đất nước, những công dân có ích cho xã hội, những chiến sĩ đã đóng góp máu xương để bảo vệ đất nước làm rạng rỡ quê hương.
Mãi suy nghĩ mênh mang, trong lúc tôi đang chùi dang dỡ bộ lư đồng. Công việc hiện tại hối thúc tôi phải trang hoàng nhà cửa để đón xuân về, cho nên cái gì cũng phải mới. Bộ lư đồng phải sáng chói trên bàn thờ. Đồ đạc phải sạch sẽ ngăn nắp và những ngày tiếp theo là phải sơn lại ngôi nhà. “Tết” thì cái gì trong nhà cũng phải được làm mới, để cho những ngày xuân được trang nghiêm, tươi đẹp, ấm êm và hạnh phúc cho cả năm được may mắn phúc lộc đầy nhà. Đồng thời đây cũng là cách dạy cho con cháu phải biết đến ơn của tổ tiên, ông bà đã có công gìn giữ phong tục tập quán văn hóa nầy hàng ngàn năm trước, mà ngày nay ta phải phát huy và duy trì để nó còn hiện hữu mãi trong mỗi người và trong mỗi gia đình của chúng ta. Mọi người thăm viếng, chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, an khang, phát tài, vạn sự lành v.v… và qua đó cũng là cơ hội dạy cho thế hệ sau biết bảo tồn văn hóa phong tục tập quán của người Việt Nam mãi trường tồn. Ngày cuối năm công việc nối tiếp nhau nào là trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết, đưa ông Táo về trời chầu Ngọc Hoàng, đi tảo mộ và cuối cùng là ngày 30 Tết làm lễ rước ông bà về nhà theo phong tục của chúng ta. Thôi thì đủ mọi thứ.
Dù cho công việc có bộn bề như thế nhưng lúc nào đầu óc tôi cũng nhớ về quá khứ, một kỷ niệm êm đềm, chỉ đến một lần trong đời mà thôi. Nhớ thuở xa xưa, tuổi học trò thơ ấu … để bây giờ điểm lại chỉ biết tiếc nuối, chỉ tìm lại những hình ảnh cũ qua trí nhớ với tâm trạng bồi hồi. Thời gian trôi qua có bao giờ trở lại, bạn bè thân thương ngày nào ngồi bên nhau, chung trường, chung lớp vui buồn có nhau, giờ mỗi đứa một phương trời, mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận trên vạn nẻo đường đời như áng mây chiều bay theo gió chẳng biết về đâu. Những người thầy, người cô đã hết lòng dạy dỗ cho ta nên người giờ đây đã già yếu theo cùng năm tháng và có những người đã ra đi mãi mãi. Muốn được đến bên thầy bên cô để nói lên những lời tri ân nhưng làm sao có được. Tất cả đã ra khỏi tầm tay, nghìn trùng xa cách vì “ngày đó xa rồi”.
Giờ đây, nhân dịp xuân về , qua Đặc San Xuân Đinh Dậu 2017 gởi theo gió mùa xuân đến với quý thầy cô lời cảm ơn kính mến, lời chúc sức khỏe đầu năm mới của người học trò bé nhỏ cách đây nửa thế kỷ, gởi đến bạn bè cùng lớp những lời chúc thắm thiết thắm đượm tình nồng của “những ngày xưa thân ái” mà bây giờ nhớ nhau chỉ biết tìm về kỷ niệm mà thôi.
Tình bạn bè bắt nguồn từ ghế nhà trường cũng đồng hành với ta đi hết quảng quãng đời còn lại. Chúng tôi rất thân thiết vì mỗi ngày đều gặp nhau. Lớp tôi có bạn Huỳnh Xuân Khai là một “tổng đài truyền tin”. Bạn rất sốt sắng, sẵn sàng phát tín hiệu cho tất cả các bạn biết nếu gia đình của người nào có việc chẳng lành, để tất cả các bạn kịp thời chia sẻ và hổ trợ về tinh thần cũng như vật chất. Thay mặt tất cả bằng hữu xin thành thật cảm ơn nghĩa cử cao quí của bạn Huỳnh Xuân Khai. Tiếp theo là bạn Ong Náo. Anh cũng là một người bạn thật tốt bụng, luôn luôn vui cười và hay kể chuyện vui tạo thành những tiếng cười thật dễ thương hòa đồng với tất cả. Chính Ong Náo cũng đứng ra kêu gọi các bạn lớp “B4” họp mặt vào mỗi đầu xuân, để anh em gặp nhau trước là chúc mừng, hỏi thăm sức khỏe, đời sống của từng người. Đó trở thành là một thông lệ của mỗi năm. Mong rằng việc làm nầy được kéo dài mãi để tình bạn được bền chặt thân thiết. Hơn 50 năm trôi qua, một chặng đường quá dài mà tình bạn được sinh ra và lớn lên trong một ngôi trường thân thương mang tên Trịnh Hoài Đức. Ngoài ra còn có Lê Hữu Tâm nay là một cán bộ thú y thường xuyên liên lạc với bạn bè. Mỗi năm Tâm đều mang đến cho tôi Đặc San Xuân của trường, với tính tình hiền lành dễ mến, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong mọi hoàn cảnh. Nhờ có thông tin của Lê Hữu Tâm nên tôi mới biết được cuộc họp mặt của cựu học sinh Trịnh Hoài Đức trước 1975 vào ngày 01/05 được tổ chức thường xuyên mỗi năm. Cho nên lần đầu tiên tôi được họp mặt ngày 01/05/2016 cũng là ngày kỷ niệm thứ 50 của khóa chúng tôi khóa 12. Trở về trường sau 43 năm xa cách, lòng tôi bồi hồi xúc động cũng giống như cái ngày đầu bước chân đến trường vào lớp đệ thất. Cảm giác thật bồi hồi. Trường năm nay thay đổi nhiều quá, to và đẹp hơn trường cũ, đầy đủ tiện nghi. Hôm đó tôi đến trường hơi sớm nên đứng ở ngoài cổng chờ mấy bạn quen. Mãi đến gần 10 giờ Lê Hữu Thọ và Lê Thanh Sơn đến, ba đứa chúng tôi mới đi vào ngồi cùng bàn. Cả khóa chúng tôi hôm ấy chỉ có hơn 30 người. Thật là một con số khiêm tốn vì thời đó khóa chúng tôi có 5 lớp, mỗi lớp khoảng 40 đứa trung bình là 200 học sinh mà hôm nay họp mặt không đầy một lớp. Thật đáng buồn!. Đặc biệt năm nay 2016, khóa chúng tôi được gắn kỷ niệm chương 50 năm do nhà trường trao tặng. Đây là lần thứ hai được gắn huy chương trong đời, lần thứ nhất tại chiến trường và lần thứ hai tại trường cũ. Thật là một cảm xúc khó tả không thể nào nói hết bằng lời, nơi đây là cái nôi của văn hóa, của tri thức để trở thành một con người hoàn thiện có đầy đủ nhân cách. Mấy khóa đàn anh lại càng thưa người hơn. Tôi thấy có khóa chỉ có 2 người. Nghĩ thế mà thương cho các bạn, người thì ở phương xa, đứa vì hoàn cảnh gia đình, đứa không nhận được thông báo và có đứa đã đi vào cỏi cõi vĩnh hằng. Trường cũ đây rồi mà bạn cũ thì muôn phương, biết tìm đâu bây giờ. Các bạn ơi có nhớ về trường xưa của chúng ta không? Dù ở nơi nào và nếu hoàn cảnh thuận tiện chúng ta hãy cố gắng dành chút ít thời gian, trở về thăm trường cũ, thăm thầy cô. Bạn bè gặp nhau, để chúc nhau những gì tốt đẹp nhất vì những ngày còn lại của chúng ta không còn dài nữa, mong các bạn thông cảm, hiểu cho nhau. Không có gì quí hơn tình bạn thời niên thiếu, vui buồn vu vơ bây giờ nghĩ lại thấy tiếc nuối, thương quá!. Ngày tháng qua mau, tuổi đời chồng chất, ước gì bánh xe thời gian ngược về thập niên 60 của thế kỷ trước để chúng ta trở về hình bóng cũ đầy yêu dấu.
Cuộc họp mặt năm nay 01/05/2016, tôi đặc biệt cảm động và thương kính nhất với hai thầy đó là thầy Nguyễn Bé Tám và thầy Trần Khắc Cung.
Sau 1975 vào khoảng năm 1983 khi hội chợ Quang Trung mới mở, phần đông mọi người đều đến đó để mua nhu yếu phẩm. Có người mua về xài, nhưng cũng có nhiều người mua để bán kiếm lời, trang trải cho cuộc sống khó khăn của thời đó. Một hôm trên đường đi làm, bất chợt thật ngỡ ngàng, tôi phải kêu lên “Chào thầy”.  Đó là thầy T. với một chiếc xe đạp cũ kỹ, phía sau là một thùng chất đầy các thứ mà thầy đã mua ở hội chợ Quang Trung. Thầy dừng lại rồi nhìn tôi nhưng thầy cũng chẳng biết tôi là ai, tại sao lại biết thầy? Quá mừng trong nghẹn ngào, tôi mới thưa với thầy: “Em là Lâm, học trò của thầy niên học 1966-1967 ở trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương”, sau đó thầy mới nhớ ra. Thầy nói trước hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày thầy phải đạp xe trên 60 km để mua hàng về bán. Có hôm thầy phải đi hai chuyến từ Bình Dương đến hội chợ Quang Trung. Trông thầy rất tiều tụy, thấy thương thầy quá, ước gì có phép màu nào đó tôi sẽ chia sẻ bớt một phần gian khó đối với thầy. Còn nhớ ngày đó, thầy đến trường với chiếc xe “RUMI” cùng với đám học trò còn thơ ngây, ngoài dạy nhạc lý thầy còn dạy cho chúng tôi cách sống làm người sao cho có đạo đức, biết thương và giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình. Những lời thầy năm xưa tôi còn nhớ mãi không bao giờ quên. Chia tay thầy trong nỗi xót xa, tôi vẫn đứng đó nhìn theo khi bóng thầy đã khuất ở cuối đường. Chân tôi bước đi mà lòng bùi ngùi đau xót, chỉ biết nguyện cầu cho thầy được bình an, nhiều sức khỏe để vượt qua những khó khăn.

Ba mươi ba năm sau, ngày 01/05/2016 trong cuộc họp mặt cựu học sinh tôi gặp lại thầy T. trong nỗi nghẹn ngào. Hôm đó thầy đi đứng không được bình thường, tay chân thật là yếu. Được biết thầy vừa trải qua cơn bạo bệnh, tiếng nói cũng không được rõ vì sức yếu tuổi cao. Tất cả bạn bè chỉ chia sẻ với thầy qua ánh mắt, với một nỗi niềm thương kính một người thầy đã hết lòng vì học sinh thân yêu.
Người thứ hai là thầy Trần Khắc Cung, một giáo sư Pháp Văn mà tôi đã học bắt đầu học từ năm đệ thất 1966-1967. Thầy rất nghiêm khắc nhưng hết lòng với học trò. Nếu ai đã từng học với thầy mới thấy được sự hy sinh của thầy đối với học trò. Thầy dạy từng con chữ, nghĩa, văn phạm rất rõ ràng và dễ hiểu, được tất cả học sinh hết lòng kính mến. Rồi cũng 50 năm sau, ngày họp mặt cựu học sinh 01/05/2016 được gặp lại thầy, giọng nói không được rõ, đi đứng phải có người dìu kế bên, vì thầy cũng đã trải qua một cơn tai biến nhưng may mắn là thầy còn đến tham dự với chúng tôi những học sinh trước năm 1975, chỉ mong sao cho thầy có thật nhiều sức khỏe để mỗi năm thầy trò được gặp nhau, dù không làm được gì nhưng để nói lên tấm lòng kính trọng và biết ơn với tất cả các thầy cô đã suốt đời hy sinh cho học trò thơ ngây. Xin thay mặt cho khóa 12 chúc cho các thầy cô nhiều sức khỏe của những ngày tháng còn lại.
Trước khi tạm biệt thầy cô và các bạn, tôi cùng Lê Hữu Tâm và Nguyễn Thanh Sơn đi một vòng xung quanh trường để nhớ lại hình bóng cũ của ngôi trường mà chúng tôi đã gắn bó suốt 7 năm trung học. Phòng thí nghiệm xưa bây giờ không còn nữa, cái quán bán nước ở sát hàng rào phía sau trường cạnh đồng ruộng rồi dời lên sau phòng hiệu trưởng lần cuối cùng ở kế phòng thí nghiệm. Tất cả đã đi vào quá khứ. Nhà chờ xe ở trước cổng trường nay chỉ còn trong ký ức, chỉ có tượng “Trịnh Hoài Đức” còn nguyên vẹn như xưa. Nếu ai đi xa vắng một thời gian lâu hôm nay trở về thăm trường chắc khó nhận ra vì đã hoàn toàn khác hẳn với trường xưa. Ba đứa chúng tôi đi hết chỗ này đến chỗ khác để hình dung lại hình ảnh xưa. Nhìn từng cảnh vật, trong lòng mỗi đứa lại thấy bùi ngùi, thương về thời quá khứ của tuổi thơ êm đềm và thơ mộng. Biết bao giờ thời gian đó trở lại trong đời của chúng tôi, lúc đó ba đứa chúng tôi tựa như ba đứa trẻ mặc dù tóc đã hai màu, tha thẩn đi đến nơi nào đều nhớ đến kỷ niệm xưa, cảm giác đó thật không thể diễn đạt bằng lời.
Sau một hồi lâu chúng tôi phải chia tay ra về. Tạm biệt thầy cô, bạn bè trong muôn ngàn nỗi lưu luyến. Trên đường về lòng tôi cảm thấy xao xuyến và thầm ước tôi có đủ sức khỏe để mỗi năm về thăm trường, thầy cô và bạn bè vào ngày 01/05. Tôi cũng cảm ơn Lê Hữu Tâm, nhờ có bạn Tâm thông tin nên tôi mới biết được buổi họp mặt “biết ơn thầy cô” được tổ chức vào cuối năm do Nguyễn Văn Minh một cựu học sinh khóa 12, nay làm Tổng Giám Đốc Công Ty 3-2. Minh đã mời tất cả thầy cô và các bạn cùng khóa đến công ty họp mặt và tri ân những người hết lòng vì sự nghiệp trồng người, là một việc làm hết sức ý nghĩa và đạo đức. Trước khi năm mới đến, thể hiện lòng “Tôn sư trọng đạo”, đây là một nghĩa cử hết sức cao quí, mặc dù chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, điều kiện kinh tế có giới hạn không thể hiện được việc đó nhưng trong tim luôn nhớ đến thầy cô và bè bạn. Xin thay mặt tập thể khóa 12 chúc bạn Minh sức khỏe, gặt hái thật nhiều thành công trên con đường kinh doanh, hạnh phúc để tạo điều kiện cho các bạn được gặp nhau trước khi xuân về trên quê hương của chúng ta.
Cứ mãi suy nghĩ vu vơ mà tôi quên mất công việc của mình ở hiện tại. Cơn gió thoáng qua mang hơi lạnh của mùa đông, một tia nắng vàng nhạt len qua cửa sổ của buổi bình minh như thúc giục tôi phải cố gắng làm xong việc của mình để đón nàng Xuân hòa chung niềm vui của cả dân tộc. Xuân về nhớ chuyện ngày xưa, nhớ về quá khứ nhiều kỷ niệm để góp một món quà tinh thần nhỏ vào “Đặc San Xuân Đinh Dậu” . Trước thềm năm mới tôi xin kính chúc quí thầy cô thật nhiều sức khỏe, an khang. Chúc các cựu học sinh trước 1975 hạnh phúc, thành đạt. Chúc các bạn học sinh sau 1975 sức khỏe, học thật giỏi, thành đạt vì các bạn là tương lai của đất nước.
Sài gòn, cuối đông 2016.