Năm lớp mười
Niên khóa (1969-1970)
Từ Minh Tâm
 

 
Kết thúc năm đệ Tứ, chúng tôi không cần phải thì Trung Học Đệ Nhứt Cấp vì lúc đó bằng cấp nầy đã được bãi bỏ. Mùa hè năm 1969, chúng tôi vui chơi thoải mái mà không cần đi học thêm vì chương trình sang năm học đệ Tam tương đối nhẹ. Thật ra, tôi có ý muốn học thêm Anh Văn mà ở Bình Dương lúc đó không có thầy dạy thêm môn nầy.

Tham dự  đại hội thể thao học sinh ở Vũng Tàu:
Hè năm 1969, Bộ Thanh Niên tổ chức Đại Hội Thể Thao Học Sinh vùng 3 chiến thuật tại Vũng Tàu. Tham gia đại hội có học sinh các tỉnh thuộc vùng 3 như Bình Dương, Biên Hoà, Tây Ninh, Phước Tuy … Đoàn thể thao học sinh Bình Dương có sự tham gia của đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức, bên vũ cầu có Liên, Nguyện, và các vận động viên chạy bộ như Bình, Hoà… Ở Bình Dương lúc đó có anh Bình học sinh Trịnh Hoài Đức, nhà ở xóm Cầu Mới, anh nầy người trông ốm yếu nhưng chạy đường dài rất khá, mỗi khi có thi chạy trong tỉnh thì anh nầy thắng luôn cả người lớn.
Trong giải bóng chuyền, đội Trịnh Hoài Đức thắng Phước Tuy để vào chung kết với Tây Ninh. Trận đấu đang hồi ngang ngữa thì xảy ra mưa lâm râm. Trọng tài lại thiên vị Tây Ninh nên hay bắt lỗi THĐ là “dính banh”. Kết quả đội Trịnh hoài Đức thua Tây Ninh chiếm hạng nhì. Kỳ nầy không có ông bầu Đoàn Phế đi theo mà chỉ có các huấn luyện viên của Ty Thanh Niên nên không ai khiếu nại vụ trọng tài ăn hiếp Trịnh Hoài Đức và cũng không có ai để chỉ đạo cho đội thay đổi cách đánh cho phù hợp với thời tiết. Thật đáng tiếc cho một trận bóng mà kết quả có thể khác đi rất nhiều vì thực lực của đội THĐ khá mạnh chỉ thiếu kinh nghiệm và thiếu người dìu dắt.
Cũng trong giải nầy, do thiếu người chỉ dẫn nên một vận động viên nữ của Bình Dương là Hoà (lai Mỹ – đã đi định cư ở Mỹ) chạy 100 mét rút khi về tới mức đến trước các vận động viên khác rất xa. Đáng lẽ cô ta hạng nhứt, nhưng khi tới mức đến, Hoà lại dở sợi dây giăng ngang để chui qua thay vì phải làm đứt sợi dây. Trọng tài không cho Hoà hạng nhứt. Các huấn luyện viên phải tranh cãi mãi thì ban trọng tài mới đồng ý cho Hoà huy chương vàng.

 
Đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức trong giải thể thao học sinh Vùng 3 tại Vũng Tàu với Nhãn, Hậu, Dũng, Lực, Phước, Thạnh, Tuấn
(ảnh Từ Minh Thạnh)

Tháng 9 năm 1969, chúng tôi trở lại trường để bắt đầu niên học mới. Lúc nầy chương trình trung học được đổi lại và các lớp được gọi theo số. Lớp Năm tiểu học gọi là lớp Một. Đệ Thất gọi là lớp Sáu. Đệ Tam gọi là lớp Mười.     Lên đệ nhị cấp, chúng tôi phải chọn ban. Trường Trịnh Hoài Đức niên khóa 1969-1970 chỉ có hai ban A và B. Ban A là khoa học thực nghiệm (môn chính là Vạn Vật, Lý Hoá). Ban B là khoa học Toán (môn chính là Toán, Lý Hoá). Hai năm sau, khi có nhiều giáo sư và học sinh, trường mới mở thêm ban C (môn chính là Việt Văn và Sinh Ngữ - Anh hay Pháp).
Học sinh lớp Đệ Tứ A5 chúng tôi đa số chọn ban B. Chúng tôi trở thành lớp 10 B5 (sinh ngữ chính là Anh Văn). Ngoài ra, còn có lớp 10 B4 (sinh ngữ chính là Pháp Văn) và lớp 10 A3. Ba lớp Mười học buổi sáng ở dãy lớp học có 3 lớp gần trường Cộng Đồng.
Năm nay, lớp 10 B5 có thêm một số bạn mới từ các trường khác chuyển về. Chúng tôi có thêm: Đinh Quang Hạnh, Hoàng Ngọc Định, Võ Văn Nhãn, Nguyễn Đức Tập … Bên lớp 10 B4 có thêm các bạn: Dương Tiểu Nam (từ Nghĩa Phương vô), Trần Văn Tới, Hoàng Văn Tâm, Trần văn Gao … (từ Phú Giáo xuống)… Ngoài ra còn có một nữ sinh con ông Trưởng Ty Ngân Khố (tên Hoa). Cô nầy học rất giỏi, nhứt là môn Pháp Văn. Hoa học rất siêng năng và không thua Từ Minh Thạnh chút nào. Sau nầy bạn Hoa chuyển qua ban A và hình như thi đậu vào Y Khoa (không biết bây giờ ở đâu?). Bên trường Nữ, hai lớp P1 và A2 đều trở thành lớp ban A là 10A1 và 10A2.
Những bạn mới vào tạo không khí ganh đua trong học tập và các bạn ấy cũng đóng góp nhiều vào sinh hoạt học đường như: Nhãn (bóng chuyền và văn nghệ), Tập (văn nghệ), Nam (văn nghệ và báo chí)… tạo sinh khí mới cho hoạt động của trường.
Năm nay, thầy Nguyễn Trí Lục đổi về Sài Gòn. Thầy Lê Tấn Lộc lên làm hiệu trưởng. Thầy Lộc là người có nhiều sáng kiến, năng nổ nên sinh hoạt của trường Trịnh Hoài Đức trong hai niên khoá 1969-1970 và 1970-1971 nổi bật. Thành tích nầy giúp thầy thăng chức lên làm Trưởng Khu Học Chánh Vùng 3 vào năm 1971.
Thành phần Ban Đại Diện lớp 10B5 không đổi. Trần văn Lực cũng được tín nhiệm làm Trưởng Lớp.
Theo học bạ của tôi, danh sách thầy cô dạy lớp Mười B5 niên khóa 1969-1970 gồm:
Việt Văn: thầy Nguyễn Tư Sán
Công Dân Giáo Dục: Thầy Nguyễn Văn Phúc.
Anh Văn: Thầy Đặng Lâm Hùng (cũng là GS Hướng Dẫn)
Pháp Văn: Thầy Võ Kim Lân
Sử Địa: Thầy Nguyễn văn Hộ
Toán: Thầy Nguyễn Văn Đô
Lý Hoá: Thầy Chu Bá Cao
Vạn Vật: Thầy Nghiêm Toàn Thanh.
Chương trình học năm nay khá nhàm chán vì không có môn nào quan trọng sẽ thi Tú Tài nên học sinh học lơ là.
Môn Việt Văn do thầy Nguyễn Tư Sán dạy. Năm lớp 10 học lại phần văn chương bình dân và truyền khẩu. Phần nầy hơi trùng lắp với chương trình Việt Văn lớp đệ Thất. Thầy Sán có vẻ thích bài thơ thằng Bờm nên giảng rất kỹ bài nầy. Nhờ đó, vào cuối năm, bạn Nguyễn Đình Dũng làm một bài luận và gởi về tuần báo Thằng Bờm của ông Nguyễn Vỹ để dự thi một giải thưởng của báo. Bài luận Thằng Bờm của Dũng được giải nhứt vào mùa hè năm 1970. Qua năm lớp 11, khi vào học niên khoá 1970-71 thì  Dũng và gia đình đổi về Sài Gòn nên trường không có dịp để tuyên dương bạn và cũng ít ai biết học sinh Trịnh Hoài Đức đã đoạt được giải nhứt văn chương toàn quốc do một tuần báo có uy tín tổ chức.
Thầy Sán còn dạy về Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc… nhưng chúng tôi thích nhứt là thể Thơ Mới là loại thơ tự do hơn thơ Đường luật. Chúng tôi được học những bài Tình Già, Nhớ Rừng, Tiếng Thu… và nghe tâm tư thổn thức (nhưng chưa có thơ Hàn Mặc Tử trong chương trình học phổ thông). Ngoài ra, thầy còn giới thiệu về chuyện tiếu lâm. Tôi nhớ thầy có kể chuyện sau đây:
“Có một ông sư đi khất thực. Dọc đường ông khát nước nên ghé một nhà kia để xin nước uống. Chủ nhà là một thiếu phụ. Cô nầy mời nhà sư uống nước. Cô đưa cho nhà sư một bình nước mà chưa kịp lấy ly. Do khát quá, nhà sư cầm bình nước và uống thẳng. Cô chủ nhà mới nói:
- Khoan, khoan. Sư ơi, sư đừng có tu nữa. Để tôi lấy cho.”
Chuyện nầy thật ra không có gì vui lắm, nhưng vì thầy dạy trong một lớp phổ thông nên không thể kể những câu chuyện tiếu lâm bậy bạ hơn. Hiện giờ thầy Sán ở San Diego và không được khoẻ lắm nên ít khi có dịp du ngoạn với CHS chúng ta. Nếu không thì thầy sẽ nghe đám học trò quỷ của thầy kể những câu chuyện BB* hơn nhiều.
Môn Công Dân Giáo Dục học về Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và cơ cấu chánh quyền dân chủ như ở Mỹ và các nước Tây Phương. Nhờ học môn nầy mà khi tôi xin vô quốc tịch Mỹ thì không cần học những lớp dạy thi quốc tịch mà cũng thi đậu dễ dàng.
Môn Vạn Vật: học địa chất. Hồi đệ ngũ đã học rồi, năm nay học lại. Không biết quý vị giáo sư ở Bộ Giáo Dục soạn chương trình như thế nào mà trùng lắp như vậy.
Môn Toán: chúng tôi học thầy Nguyễn Văn Đô. Môn Hình Học thì học về hình học phẳng: phép tịnh tiến, vị tự, hàng điểm điều hoà… Môn Đại Số thì học về Bất Đẳng Thức, Bất Phương Trình … Bạn Nguyễn Hoàng còn nhớ thầy khuyên đám học trò chúng tôi như sau: “Các em muốn ăn cái gì thì cứ ăn, đừng để dành tiền. Tuổi thầy (chừng 40 ngoài lúc ấy) mà cái lưỡi đã chai, ăn hết ngon rồi!”. Hình như thầy biết sức khoẻ thầy không tốt nên mới khuyên như vậy. Thầy Đô là người có tư tưởng cấp tiến. Sau nầy thầy ra ứng cử Hội Đồng Tỉnh với dấu hiệu Sách Đèn. Trên bích chương vận động tranh cử có hai câu lục bát:
(không nhớ câu lục)
Sách đèn ta chọn thầy Đô ta bầu.
Chỉ mới ra ứng cử có một lần, thầy đã đắc cử. Điều nầy cho thấy uy tín của thầy rất cao. Mấy năm trước nghe tin thầy đã mất ở Bến Cát, quê thầy.
Môn Anh Văn: học thầy Đặng Lâm Hùng, thầy người Bắc.
Môn Pháp Văn: học thầy Võ Kim Lân. Tuy thầy nói tiếng Pháp không hoàn toàn như Tây nhưng thầy dạy đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, nghĩa là thầy dạy theo cách phân “thế” để học sinh có thể thi Tú Tài kiếm điểm cao chớ không phải là để giao dịch với người Pháp. Nhớ lúc học Pháp Văn thầy hay nói: “Người Việt mình nói như vầy… nhưng Tây nó nói khác… Thí dụ chữ “đi” thì mình chỉ có một chữ duy nhứt, nhưng mà Tây nó chia ra tùy theo chủ từ là ai mà sẽ nói khác. Rồi còn lúc nói là bây giờ hay trong quá khứ, tương lai… mà cũng khác. Khó nhứt là đồ vật cũng có giống đực, giống cái, muốn nói cho đúng chỉ có cách học thuộc lòng và nói hoài cho nhập tâm mà thôi”.
Đến năm lớp 12, chúng tôi còn học thầy Lân một lần nữa, không phải môn Pháp Văn mà là Quân Sự Học Đường. Đó là chuyện sau.
Môn Lý Hoá: do thầy Chu Bá Cao đảm trách. Thầy nói nhiều về những thí nghiệm được đề cập đến trong sách giáo khoa mà thực tế không thể hoặc rất khó thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Không có hội Tết:
Năm nay, chiến tranh lan rộng qua Campuchia, do tình hình an ninh nên trường không tổ chức hội Tết và cấm đốt pháo. Ngày cuối năm, lớp vắng vẻ có chừng 20 học sinh, đa số trốn học ở nhà phụ gia đình đón Tết. Giờ chơi, bạn Tăng Chí đem vô một phong pháo nhỏ rồi khích: “Đố thằng nào dám đốt”. Dĩ nhiên có đứa gan. Phong pháo được đốt nổ lạch bạch. Thầy Lộc nghe được, từ trên văn phòng đi xuống. Trưởng lớp Trần Văn Lực nói: “Chết rồi, thầy hiệu trưởng xuống. Thằng nào đốt pháo vậy?”. Cả đám lo sợ ngồi im re. Từ lúc thấy thầy đi từ văn phòng xuống lớp thì cũng gần 10 phút. Ôi ! lúc nầy thời gian như ngừng lại. Cả bọn sợ muốn chết, không biết thầy sẽ phạt như thế nào. May thay, thầy xuống tới nơi thì cũng không nói điều gì, chỉ khuyên tụi tui giữ kỷ luật mà không phạt.

Các sinh hoạt học đường:

Đánh bóng chuyền ở Thủ Đức:
Năm này, đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức bắt đầu chơi rất tiến bộ. Trận đầu tiên, chúng tôi được ông Bầu Đoàn Phế dẫn đi Thủ Đức để đánh với đội bóng học sinh của Tu Viện An Phong. Bên An Phong coi bộ có thể lực và cao lớn hơn Trịnh Hoài Đức nhưng chúng tôi thắng trận bóng  chuyền giao hữu với tỉ số 2-1.

Đánh bóng chuyền ở Trường Công Binh:
Nhân dịp có một lễ gì đó trong Trường Công Binh, chúng tôi được mời vào đánh bóng chuyền giao hữu. Xe từ Trường Công Binh xuống tận trường để đón chúng tôi. Ngoài các cầu thủ, phái đoàn còn có các ủng hộ viên nữ sinh nữa. Thảo nào, dù đối thủ của chúng tôi là mấy ông lính cao lớn, chúng tôi vẫn lên tinh thần và đánh banh rất hay, bọc lót rất kín và thắng đội Trường Công Binh dễ dàng. Tức cười là chúng tôi biết bên kia có ông Đại Uý Kiệt là tay đập chính nên lo chặn ổng rất kỹ nên ổng không làm gì được. Thế mà, mấy tay nâng banh bên Công Binh vì nể ông Đại Uý nên cứ đưa banh cho ổng đập hoài. Mệt quá, ổng mới nói: “Đưa thằng khác, đưa thằng khác!”. Còn đại tá chỉ huy trưởng là ông Phan Văn Điển thì khuyến khích chúng tôi: “Mấy em ráng hạ đội Công Binh cho “tụi nó” biết tay”.

Thi đấu thể thao giao hữu với trường Ngô Quyền – Biên Hoà:
Vào một ngày đẹp trời khoảng trước Tết Kỷ Dậu, chúng tôi đi Biên Hoà để đấu thể thao giao hữu với trường bạn. Đoàn thể thao Trịnh Hoài Đức do thầy Lê Tấn Lộc hướng dẫn có sự tham gia của thầy Trần văn Em. Chúng tôi đi bằng xe đò với các cầu thủ bóng tròn, bóng chuyền, bóng bàn và dĩ nhiên không thiếu các bạn nữ sinh đi ủng hộ. Buổi sáng chúng tôi thi đấu bóng bàn và bóng chuyền. Đội bóng bàn có Trần công Hảo, Võ Thành Hậu … đánh không lại đội Ngô Quyền Biên Hoà. Trong khi đó bóng chuyền thì thắng Ngô Quyền dễ dàng ngay trên sân trường Ngô Quyền dù có sự ủng hộ rất mạnh của khán giả đội bạn, chúng tôi vẫn không nao núng và chơi rất đẹp. Sau khi ăn trưa, hai đội bóng tròn gặp nhau trên sân bóng của Biên Hoà. Do lạ sân nên Trịnh Hoài Đức thua Ngô Quyền 1-0.

Trại họp mặt thanh niên ở Phú Lợi:
Năm nầy, Ty Thanh Niên tổ chức một trại họp mặt thanh niên trong tỉnh ở Phú Lợi. Tham gia trại có Trịnh Hoài Đức, Nông Lâm Súc, và các hội đoàn thanh niên ở Bình Dương như: Nghĩa Sinh, Nhu Đạo, Hồng Thập Tự, Hướng Đạo… Trại được tổ chức hai ngày cuối tuần và có đốt lửa trại đêm thứ bảy. Trong kỳ họp mặt nầy, nhóm thể thao Trịnh Hoài Đức có tham gia. Tuy không đem về giải thưởng gì cho tập thể vì các hội đoàn bạn rất giỏi các môn như văn nghệ, chơi trò chơi lớn … nhưng lại xuất hiện một bản nhạc tự sáng tác. Đó là bài Hành Khất Du Ca.

Ta là Hành Khất Du Ca
Hành Khất du ca bốn phương là nhà
Nào về đây cùng Trịnh Hoài Đức
Nào về đây cùng ban Thể Thao
Cất cao tiếng ca vang trời…

Trong khi hát bài nầy thì một bạn xách nón đi vòng vòng để xin tiền (Hành Khất mà). Tiền nầy sau đó sẽ đi mua đậu, đường để nấu chè cho cả đoàn cùng thưởng thức.
     Năm học 1969-1970 trôi qua êm ả. Chúng tôi kết thúc năm học 1969-1970 trong thầm lặng.
Mùa hè năm 1970 chúng tôi đi học thêm ở nhà thầy Nguyễn Tường Huy môn Toán và Lý Hoá. Nhà thầy Huy ở trên đường Hùng Vương, khoảng giữa phòng trưng bày của sơn mài Thành Lễ và chùa Ông. Phòng học ở phía trong, phía ngoài để xe. Do trời nắng nên lớp hay đóng cửa. Một buổi chiều, sau khi học xong thì mới khám phá ra kẻ gian đã ăn cắp chiếc xe gắn máy của Thạnh. Thật là buồn vì tôi cũng được Thạnh chở đi học nhiều lần với chiếc xe nầy…
     Ngoài học thêm Toán Lý Hoá, tôi còn đi học thêm Pháp Văn (sinh ngữ 2) với thầy Võ Kim Lân ở trường Nguyễn Trãi. Sinh ngữ 2 chỉ có hệ số 1 trong kỳ thi mà thôi nhưng vì rảnh rỗi và cũng thích thầy Lân nên đi học thêm. Mà thầy Lân dạy cũng hay và nhờ đó chúng tôi có căn bản nên về sau khi thi Tú Tài Một và Tú Tài Hai tôi đều có điểm khá cao môn Pháp Văn (19/20), còn khi lên đại học thì cũng đọc được sách kỹ thuật viết bằng tiếng Pháp tuy phải lật tự điển khá nhiều (sinh ngữ 2 mà như vậy là khá rồi). Còn bây giờ sau mấy chục năm thì Pháp Văn đã trả lại cho thầy hết rồi, khi nào nghiên cứu lịch sử có câu tiếng Pháp nào khó thì email hỏi bạn Lâm Thuý Vân ở Canada (hay nhờ Google dịch dùm).
Đi học thêm thì nam nữ học chung, từ đó nảy sinh tình cảm. Bên lớp Pháp Văn sinh ngữ một có những chuyện tình nhiều mơ mộng. Nếu bạn muốn biết thì có thể tìm trong bài viết Tản Mạn Thời Mới Lớn của NMU đăng trong trang nhà THĐ.

 Chuyến du ngoạn Đà Lạt:
Mấy năm trước, có một người bạn gởi cho tôi một email với ba tấm hình chụp đoàn du ngoạn Đà Lạt năm 1970. ( Anh không phải là cựu học sinh Trịnh Hoài Đức, rất tiếc tôi đã lạc mất địa chỉ, nếu đọc được bài nầy xin anh liên lạc lại để chúng tôi cám ơn đã gởi những tấm ảnh rất quý). Trong hình tôi nhận ra quý thầy Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Trọng Nhượng, Đoàn Phế và vài CHS như Từ Minh Thạnh, Thanh Diệu, Minh Lan, Kim Oanh, Cúc Hương, Ngọc Tuyết… Tôi không có dịp tham gia chuyến đi nầy, tuy nhiên theo lời kể của Thạnh thì đây là một chuyến đi không suông sẻ. Chiều ngày đầu tiên, khi xe qua khỏi Lâm Đồng thì bị hư dọc đường và không thể sửa được trong ngày. Đoàn phải xin vào ngủ tạm ở một trường tiểu học lân cận. Tối hôm đó, tiếng súng từ một tiền đồn gần đó nổ râm rang khiến cho nhiều thành viên nữ của đoàn đã sợ đến phát khóc. May là sáng hôm sau thì xe sửa được và đoàn đến Đà Lạt trong sự vui mừng của các thành viên. Đây là một chuyến đi nhớ đời của thời học sinh. Nghĩ lại thấy thương những thầy cô đã chịu khó tổ chức những chuyến đi như vậy vì trách nhiệm của quý vị rất nhiều, nhứt là trong thời kỳ chiến tranh đầy bất trắc.

Đánh bóng chuyền ở Nhà Bè:
Cũng trong mùa hè năm 1970, hãng xăng dầu Nhà Bè mời tỉnh Bình Dương xuống thi đấu thể thao giao hữu với ba môn: bóng chuyền, quần vợt, bóng bàn. Đội quần vợt Bình Dương do quý vị công chức ở trên tỉnh đại diện (không biết có cá độ hay không). Bộ môn bóng bàn có thầy Là và cô Loan. Đại diện cho đội bóng chuyền là đội bóng chuyền của Ty Tiểu Học nhưng có sự tăng cường hai cầu thủ Trịnh Hoài Đức là Võ Văn Nhãn và Trần Văn Lực. Thế nhưng tất cả cầu thủ của đội Trịnh Hoài Đức cũng được đi theo để ủng hộ và tôi cũng có mặt trong chuyến đi nầy. Trong trận bóng chuyền, Bình Dương thắng Nhà Bè 2-1 nhưng hai môn kia thì thua. Nhãn và Lực đã giúp đem lại một chút vinh dự cho tỉnh nhà.
Hết mùa hè năm 1970, chúng tôi trở lại trường với tinh thần sảng khoái, bắt đầu lo học thi Tú Tài Một. Ngoài ra, chúng tôi chơi bóng chuyền càng ngày càng hay và có nhiều thành tích đáng kể trong năm tới. Đó là chuyện sau…