Kỷ niệm học trò     
Trần Đông Thành – K4

 
      Tôi, học sinh trường Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương, học ở đó vào thập niên 50 nhưng không nhớ năm; già lú lẫn rồi nhưng kỷ niệm bạn bè thì không bao giờ quên. Sao lạ vậy? Có lẽ vì là những kỷ niệm lưu luyến khó quên phải thế không các bạn mình?
      Nè,  kỷ niệm này làm sao quên được vì rất gắn bó cuộc đời tôi sau nầy. Kỷ niệm thế này đây:
      Giờ học sinh ngữ sĩ số học sinh ít nên tới giờ nam và nữ “Hòa hợp” học chung một lớp. Tuổi nhỏ láu táu lại là thư ký trong lớp nên “Xông lên” tinh thần của chàng trai “Khí khái” theo lời đề nghị các bạn trong lớp:
      -Thành! Mầy đại diện cho lớp yêu cầu lúc dạy Pháp văn thì grammaire thầy nên giảng bằng tiếng Việt cho mấy em dễ hiểu. Dạy lecture thầy giảng tiếng Pháp, cám ơn thầy!
       Tôi mạnh dạn giơ tay đứng lên góp ý thì bị ngay thầy N.T. Trừng, nghe nói xưa kia thầy tốt nghiệp Xách-sơ-lu-lô-ba, tiếng Việt không rành, hậm hực chỉ mặt đứng lên:
       -Comment “sắp bel-lơ tu?”
       -Je “mấp-bel-lơ” Thành!
       -Trò kia! Học đây đã mấy năm?
       Nghe giọng thầy giận, mặt tôi xanh lét.
       -Dạ d..ạ! Em học 4 năm!
       Thầy kéo mắt kiếng trố mắt nhìn tôi cho rõ mặt:
      -Hừm! Học 4 năm mà yêu cầu tôi “Học tiếng Pháp lại giảng bằng tiếng Việt! Ô! làla!  Parler de Francaise chỉ một câu cũng très fault!
       Tôi hãi hùng như thấy ma trước mặt. Run hơn sậy mía:
        -Dạ! Tụi nó biểu em!
       Thầy nhịp thước cái “cạch” khô khan làm tôi dựng tóc gáy.
       -Ai trong lớp này đề nghị em này phát biểu ý nghĩ quái gở đó?
       Cả lớp thấy thầy biểu tượng “Hỉ, nộ, ái, ố” “ Sừng”, tụi nó hoảng hồn hoảng vía ngồi nín khe, có đứa nhìn xuống hộc bàn dấu mặt tránh đối diện bạo lực của sát thủ.
       -Thành! Trả bài bài côn-ru-gê du verbe!
       Lúc đó mạng tôi như Ngọc Hoàng giũ sổ, riu ríu lên gần bụt bàn thầy chờ án tử tù.
      -Côn-ru-gê đu verbe “Se finir” mode “Subjonctif” temp “Imparfait”.
      -Dạ thưa thầy! Je finis, tu finis, il finit. Nous finis-sion, vous finissiez, Ils…fi-nís….a..aa!
       Thầy phát cáu:
       -Hổng thuộc bài hả? Làm biếng mà còn nói là lớp yêu cầu. Imformidable!
       Tội của tôi 1: “Nói dối”, 2: hổng thuộc bài! Quỳ gối tới hết giờ! Cuối tuần Con-sil.
       Chuyện thứ hai như sau:
       Học hết một giờ chuông reo ra chơi, năm ba đứa một nơi tụ họp. Giỡn. Hỏi bài. Chọc ghẹo. Nói dóc.
        Ở bên này bàn, trò Trương Văn Dịp bất thình lình lên cơn” bất tử hỏi tôi:
        -Tao đố mày tao dám liệng cục phấn qua đó trúng mấy đứa con gái chơi?
        Nó chỉ đám tôi ở bên kia chỗ học trò gái tụ họp “đía” cho qua giờ chơi. Các bạn nhớ không tụi mình  con trai “Thích gái” nhưng rất “Nhát gái”. Nghe thằng này nói bặm trợn có vẻ “Gan lì”  dám “Hô hào” chọc phá con cái Bà Trưng bà Nhị. Gan thật! Anh hùng đó chứ!
Tôi khoái tê người có trai anh hùng đảm đang đi tuyến đầu vô hang cọp. Tôi thách:
      -Đố mày dám! Bà Nên, bà Sớm,  bà Tuyết cả bà… “Lưu Kim” Đính nữa đó! Tay chiến không nhe mậy!
       Để chứng tỏ kẻ nam nhi  “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc”, nó liệng nửa viên phấn trúng vai “Bà Võ thị Bạch-Tuyết “Răng nanh”. Bả ngó qua phía chúng tôi trợn mắt tròn xoe:
       -Đứa nào liệng phấn trúng tôi đó hử?
       Bên trai nín khe.
       Đứa thì dòm ra balcon chạy tội, nhìn đám bông bụp mà vì hoảng hốt không thấy màu sắc gì cả. “Anh”  Huỳnh Văn Một đẹp trai, tướng tá hùng dũng, thừ mặt như vừa mới từ nhà thương Chợ Quán ra. “Ông” Dịp mắt hí,  “Con cháu mấy mẫu đất măng cụt” mặt mày phờ phạc như nguời cung trăng xuống trần gian “Điếng hồn điếng vía” thiếu điều tìm chỗ trống chui xuống đó trốn!
      Không biêt bà nào ở bển “phang” một cây tên lửa:
      -Hổng cho biết tên hả? Được!
      Bà Sớm bửa:
      -Dám ăn thì dám chịu! Học Kiều mà không theo gương Từ Hải!
      Tới bà Tuyết “Final” ra quyết định “trừng trị”:
      -Moa đưa chuyện này ra văn phòng cho ông hiệu trưởng Trương Văn Di giải quyết! Thầy Hoàng Văn Nam giám thị đối phó!
      Bãi học, đi xe đạp trên đường về, thằng Dịp chạy song song tôi, đăt câu hỏi của kẻ tử tù sắp lên máy chém.     
       -Con Tuyết nó đòi thưa, rồi tao có sao không Thành?
       Tôi cũng lo lắng sợ bị liên lụy:
        -Ai mà biết!
       Thằng Một đi bên cạnh “chõ miệng” nhảy vào miệng anh em:
      -Bị đuổi học là cái chắc! Về nhà hốt mương vác sình non giúp bố mẹ!
      -Chết cha!
      -Ai kêu mày chọc gái mà không coi ngày!
      Tôi giúp ý kiến:
      -Đám mình lợi nhà con Bạch Tuyết xin lỗi nó chắc được mà!
      -Nhưng nhà nó ở đâu?
      -Trước nhà thằng Nguyễn Văn Thi đó!
      -Thi còi hả?
      -Mấy đứa hỏi:
      -Sao tụi tao không biết nhà con Tuyết?
      -Chỉ có một mình mày biết nhà con Tuyết, sao vậy mậy?
      Tụi nó kháo nhau:
      -Trời mà biết! Thế gian chỉ có thằng Thành với con Tuyết biết mà thôi!
      Thằng Một cười tủm tỉm:
       -Thì thằng Thành nó giữ sổ Khuyên điểm nam sinh còn con Tuyết giữ sổ Khuyên điểm nữ sinh. Tới giờPháp văn tụi nó giữ điểm của thầy cô cho, sau đó về lớp ghi lại rồi hai đứa nó sáp nhau có gì là lạ!
*****

 Nhớ chợ Búng Thủ Dầu Một

Trần Đông Thành – K4

Anh ở Sài Gòn,
Em nơi xứ Huế,
Hỡi du khách!
Đi Lái Thiêu thưởng thức bún bánh bèo
Ghé Mỹ Liên giới thiệu bì da heo
Ướp tiêu hành đỉnh ngon lên tới óc
Vài tép giập xác phơi trên mặt cuống
Muỗng nước nước mắm cay cay lưỡi tê tê
Vị  thơm nồng  re ré mát làn da
Cải dưa chua đăng đắng dài thế kỷ
Còn món nữa bì cuốn kèm tép tỏi
Dĩa thịt quay thòm thèm lua bánh hỏi
Lưỡi the the khoan khoái tận trời xanh
Một thứ khác nem chua ớt còn chua
Thấy miếng nem rào rạt tiết tâm linh
Sớ đo đỏ tiêu hột trắng phau phau
Cắn một miếng thấu Trời con nhớ Phật!
Một ngụm đế hồn say lạc Diêm Vương!
Bốc miếng nữa hồn lìa ngót Tây phương
Như Tam Tạng cầu kinh đang thấy Phật
Kìa bờ sông gió mát nước trong xanh
Buổi chưa tàn ai nỡ đóng Hoàng thành
Cô gái quê chèo xuồng nẻo An Sơn
Bộ ba đen che đậy nét ngại ngùng
Xuồng ba lá trái cây đầy ăm ắp
Nụ cười tươi rực rỡ nụ tầm xuân
Chiếc nón lá nghiêng nghiêng râm mắt bướm
Mấy chuỗi dâu lưu luyến khách nhàn du
Đu đủ tròn gợi nhớ trai tứ xứ
Chùm bòn bon mời gái Bắc Trung Nam
Thủ Dầu Một đậm nét một bài thơ
Ai đến đó hoài vọng không muốn về
Đây là nam đó nữ giữ câu thề
Duyên Phú Cường còn tình tỉnh Bình Dương
Cậu học trò vương vấn mãi còn vương
Thương quá thôi thương thật thương rất thương
Vọng quê hương!
Hoài cố quốc!