Gặp lại
Thanh Chí
Lần đầu tiên tôi về thăm lại quê hương Việt Nam sau 30 năm xa cách là vào
mùa hè năm 2008.
Trước đó, mỗi khi rạo rực với nỗi niềm thương quê nhớ nước, thương nhớ Bình
Dương xưa thì tôi hay vô Google Earth để nhìn lại cái dãi đất hình chữ S
của Việt Nam mình từ trên cao xuống thấp dần và tha hồ bay đi dạo chơi khắp
nơi cho đỡ thèm, thậm chí tôi còn bay ra tận các hải đảo xa xôi…
Nhớ lại lần đầu tiên khi log vô đó và tìm thấy tỉnh Bình Dương với dòng sông
Sàigòn uốn lượn từ phía Bắc xuôi về chảy ngang tỉnh lỵ, tôi mừng rỡ vô cùng,
tôi sà xuống thấp hơn (zoom) và tôi thấy rõ thành Công Binh, rồi ngôi trường
Kỹ Thuật thân yêu nằm ngay chỗ ẹo ềnh bên lở bên bồi của dòng nước. Rà con
chuột chạy dọc theo đường bờ sông, tôi nhận ra ngay ngôi nhà thủy tạ đặc
trưng của Bình Dương và Biên Hòa. Tôi lần theo đường ra tới chợ, và trời
đất ơi tôi thấy rất rõ ngôi nhà lồng chợ Bình Dương với cái đồng hồ chợ cao
lớn mà hồi xưa tôi nhìn thấy nó mỗi ngày nên không lầm lẫn với chỗ nào khác
được, rồi tới dãy phố nơi ngày xưa là phòng thông tin, có tiệm Quý Hữu, tiệm
hớt tóc cùng với mấy xe sinh tố, nem nướng… Nỗi xúc động dâng trào làm tay
tôi run rẩy khi kéo con chuột xéo qua chút xíu về phía cái ngã ba Lý Thường
Kiệt thì nước mắt tôi đã rơi tự hồi nào, khi nhìn thấy lại địa điểm của ngôi
nhà (cũ) của gia đình mờ mờ qua dòng lệ. Lau nước mắt, tôi zoom tới lui để
nhìn lại nơi tôi đã sống suốt quãng đời thiếu niên hoa mộng cho đến khi ngậm
ngùi rời Việt Nam trong vội vã, muộn phiền. Tuy ngôi nhà đó không phải là
nơi tôi sanh ra nhưng là nơi tôi được má ẳm về sau khi sanh tôi ở nhà thương
"Bà Năm Chi", cho nên đó đã là nơi đáng lưu luyến nhất. Tôi tự nhủ lòng là
khi nào có dịp về lại Bình Dương sẽ xin những người chủ mới cho mình được
ngắm rờ lại nó, chụp hình nó với đủ mọi góc cạnh… vì tôi thương nhớ nó lắm...
Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi qua… Mãi cho đến đầu mùa hè năm 2008 tự nhiên bà
xã tôi muốn theo vợ chồng người anh của bả để đi du lịch Việt Nam, hai đứa
con (đã trưởng thành) của tôi cũng rất hào hứng, thích thú với ý định nầy
vì tụi nó chỉ biết quê cha đất tổ qua những lời kể chuyện mà thôi, tôi thì
còn lắm nỗi ưu phiền cùng vài lý do tế nhị khác nên không muốn đi,. Tôi nói
với bà xã hãy thu xếp dẫn hai đứa con theo anh chị về Việt Nam chơi cho tụi
nó biết, tôi sẽ ở lại coi nhà. Lúc đầu thì bà xã tôi đồng ý như vậy, nhưng
sau đó không biết bàn tình với người chị dâu thế nào mà bả lại đổi ý bắt
tôi phải cùng đi, với lý do là không yên tâm khi bỏ lại tôi một mình nơi
xứ lạnh quê người! Biết tôi rất ghét các thủ tục rườm rà để xin visa trở
về Việt Nam (hồi thời đó) nên bà xã tôi tự lo liệu hết, tôi chỉ việc soạn
valy quần áo cá nhân tới ngày là lên đường. Trong hơn ba tuần lễ chuẩn bị
cho chuyến đi, hầu như ngày nào tôi cũng log vô Google Earth để coi lại phố
xá nhà cửa nơi chốn quê xưa, tôi nhận ra hết những con đường cũ và tìm hiểu
thêm những con đường mới dẫn vào những khu vực dân cư mới trong thị xã mà
ngày xưa chỉ là những vùng hoang vắng thưa người, đồng thời tôi thông báo
với các bạn bên nhà là tôi sẽ trở về thăm lại bạn cũ trường xưa... ai cũng
nao nức hân hoan. Những ngày rộn rã trước khi lên đường, tôi bồi hồi tưởng
tượng đến cái giây phút đầu tiên khi mình thực sự nhìn thấy lại đất nước
Việt Nam thân yêu từ trên cao lờ mờ qua làn mây trắng, chắc chắn là mình
sẽ cảm động lắm và khi máy bay đáp xuống phi trường, rồi mình được đặt bước
chân ngập ngừng đầu tiên trên vùng đất mẹ thì chắc là mình sẽ bật khóc vì
sung sướng... Mỗi đêm tôi đi ngủ với niềm mơ mộng đó. Và chỉ là mơ mộng thôi
vì thực tế không là như vậy, bởi tôi không chịu nhớ là theo lộ trình thì
mình sẽ tới Tân Sơn Nhứt vào ban đêm thì làm gì mà thấy được dải đất quê
hương lờ mờ qua làn mây trắng!
Rồi cũng tới ngày lên đường. Sau hơn 22 giờ bay dai dẳng với hai lần đổi
máy bay, một lần ở New York và lần nữa ở Nhựt Bổn rốt cuộc tôi cũng về đến
Việt Nam trong đêm tối. Khi máy bay gần hạ cánh, nhìn ra cửa sổ xuyên màn
đêm, đèn Sàigòn dần dần hiện rõ, rồi "rẹt" một tiếng, bánh phi cơ chạm đường
băng phi đạo, ngon trớn chạy rào rào rồi chậm dần cho đến khi ngừng hẳn...
lòng tôi bồi hồi, xúc động với những nỗi niềm khó tả. Tôi tự nhủ lòng hãy
bình tĩnh, đừng có khóc nghen, khi bước ra hãy cho những người đi đón thấy
mình tươi rói. Mà quả tình tuy rất xúc động lúc ban đầu, nhưng tôi không
thể khóc nổi khi rời phi cơ bước trên đường dẫn để ra ngoài. Những người
đồng hương đầu tiên mà tôi chạm mặt là các cô mặc áo dài xanh đứng như trời
trồng trên lối đi chắc là làm nhiệm vụ chào khách như ở các phi trường quốc
tế khác, nhưng khác với những phi trường mà tôi đã đi qua, các cô nầy không
có nụ cười chào đón, không lẽ họ được dạy phải tạo bộ mặt lạnh lùng như thế?
Nếu tôi là sếp thì tôi sẽ chọn các cô nào có nụ cười thân thiện cởi mở mới
cho ra đứng ở đó, còn các cô mặt mày lạnh tanh thì cho đứng xớ rớ ở chỗ đó
làm gì, nên biên chế họ qua ngành công an! mang bộ mặt hình sự để đón khách
thì không hay chút nào mà còn làm du khách mất cảm tình với nơi vừa tới.
Ngồi trên xe từ phi trường về Bình Dương, chúng tôi thích thú ngắm lại Sàigòn
thân thuộc đã thay đổi sau bao thế sự thăng trầm, cùng bàn tán về những tên
đường xa lạ. Ngày xưa khi ra khỏi cầu Bình Triệu là bắt đầu vắng vẻ, bây
giờ những quãng đồng không mông quạnh giữa đường Sàigòn - Bình Dương đã được
lấp kín bởi vô số nhà cừa, tiệm tùng... Quả là có tiến bộ! Mặc dầu trời đã
khuya lắm rồi, nhưng tôi vẫn xin anh tài xế lái vòng ra chợ để tôi nhìn lại
ngôi nhà xưa cũ thân thương. Tôi đã được tận mắt nhìn lại nó, nhưng sao bây
giờ nó xa lạ quá, hình dáng bên ngoài đã thay đổi, một trong các hiệu tiệm
hồi xưa là ở căn giữa vẫn còn nhưng đã bị chuyển ra căn bìa... Tất cả đã
đổi thay, lòng tôi chợt nguội lạnh, mất đi nỗi xúc cảm trong tưởng tượng
thuở nào. Hôm sau và những lần sau nữa tôi vẫn đi ngang qua đó nhưng với
tâm trạng dửng dưng như tôi và nó chưa hề đã từng có mối tình nồng thắm với
nhau, mặc dầu nó là do cô Ba và ba tôi gây dựng nên và do chính tay ba tôi
vẽ kiểu cũng như đích thân trông coi xây cất lại từ ba căn phố ngói cũ đặc
thù của dãy phố chợ hồi xưa.
Đêm đó là đêm đầu tiên của tôi về lại quê hương sau nhiều năm xa cách, tôi
chập chờn trằn trọc, mặc dầu vẫn được ru êm bởi tiếng ngái quen thuộc nhẹ
nhàng sau chuyến bay dài mệt mỏi... Mới chưa đầy năm giờ sáng tôi đã trở
dậy vì những tiếng ồn ào rất Việt Nam mà tôi đã nghe rất quen tai tự thuở
nào, bước ra balcon tôi nhìn lại cảnh sinh hoạt sáng sớm của đồng bào lao
động, cùng với lũ lượt nhiều nhóm người đi bộ thể dục, trong sương sớm có
mùi cà phê của quán cóc ven đường lẫn với mùi đống un đâu đó tạo nên một
cảm giác thân quen mà đã từ lâu tôi không làm sao tìm lại được nơi xứ người.
Bà xã tôi chắc vì lạ chỗ nên cũng thức dậy sớm, nàng bước nhẹ đến ôm lấy
lưng tôi rồi thỏ thẻ: "Hết nhớ nhà chưa anh. Em biết anh phải về lại đây,
nhìn lại nhà xưa xóm cũ thì anh mới yên được..."