Đi học ở Mỹ
Từ Thị Cảnh
   
       Nền giáo dục của Mỹ là một nền giáo dục nhân bản và tiên tiến nhất trên thế giới. Cho nên, khi định cư ở Mỹ, tôi bắt đầu đi học để tìm một tương lai tốt đẹp cho cuộc sống ở xứ người .
       Thời gian đầu ở Mỹ rất là khó khăn vì chưa tìm được việc làm. Cho nên trong 8 tháng đầu định cư ở Mỹ, gia đình tôi nhận được tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ để được đi học tiếng Anh và tìm công việc làm để ổn định cuộc sống. Nghĩ mình cũng đã từng tốt nghiệp trường Sư Phạm Saigon và đã trải qua 28 năm dạy học ở Việt Nam, nên sau khi có giấy tờ hợp lệ, tôi đã dự tính sẽ trở lại nghề giáo, nhưng chuyện đầu tiên là ghi tên học lớp Anh Văn bổ túc - English as a Second Language (viết tắt là ESL) - ở trường Davis gần nơi tôi cư ngụ ,
       Đi học ESL ở Mỹ rất vui. Mỗi ngày đi học từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa từ thứ hai đến thứ sáu. Lớp học nầy chủ yếu dạy cho những người ở nước ngoài mới nhập cư vào Mỹ, nên lớp học có đủ sắc dân  như người Mexico, người  Đại Hàn, người Lào, người Campuchia, người Việt Nam, người Nhật v.v .. Trước khi vào học, chúng tôi phải thi trắc nghiệm về khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh để trường xếp lớp cho đúng trình độ và không phí thời gian đi học. Người Việt mình thường đọc viết khá nhưng nghe nói thì dở vì ít có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài. Cô giáo Mỹ dạy những lớp học nầy rất nhiệt tình và tận tâm,chủ yếu cho học sinh nghe, nói, đọc, viết thành thạo để giao tiếp với người bản xứ khi xin việc làm. Khi đã thông thạo nghe, nói tiếng Anh và có thẻ xanh thường trú, tôi đi lấy test để vào học trường đại học cộng đồng Orange Coast College ở gần nhà. Muốn lấy test ở trường nầy, tôi phải gọi lấy hẹn để thi 2 môn Toán và Anh Văn. Khi đã có kết quả thi rồi thì mình mới được ghi tên vào để lấy lớp học theo trình độ.
       Học  đại học cộng đồng (college) ở Mỹ không bị hạn chế về tuổi tác. Tùy theo trình độ, chúng ta sẽ được ghi danh học ở những lớp English tương đương, nhưng đến cuối học kỳ, nếu mình không được điểm C thì coi như không đậu. Trước khi vào trường college, chúng ta phải gặp người counselor (người hướng dẫn). Thầy sẽ hỏi mình muốn học ngành gì và lập bảng kế hoạch sẽ học những lớp nào, để khi tốt nghiệp chúng ta mới đủ các lớp theo quy định, và được phát bằng để xin việc làm. Sau khi hoàn tất các lớp học, sinh viên phải ghi tên với nhà trường để làm lễ ra trường vào cuối tháng 5 mỗi  năm.
       Tuy chỉ cần ghi tên là được học đại học nhưng việc học ở Mỹ không phải dễ, sinh viên phải chăm chỉ, chịu khó, siêng năng, không được vắng mặt nhiều ngày. Tôi ghi danh học ngành Early Childhood Education để ra dạy trường mẫu giáo từ infant, toddler, đến  preschool nghĩa là học cách săn sóc và dạy trẻ từ sơ sinh tới mẫu giáo. Ngoài việc học lý thuyết những lớp ở trường, tôi còn phải đi thực hành ở những trường mẫu giáo bên  ngoài. Tôi học ở trường Orange Coast College. Mỗi  năm có 3 mùa học, mùa thu, mùa xuân và mùa hè. Những  lớp có trong chương trình chính chỉ mở vào mùa thu và mùa xuân mà thôi vì mùa hè đa số sinh viên phải đi làm thêm để kiếm tiền đi học cho nên không đủ số sinh viên để mở lớp.
       Muốn lấy được bằng tốt nghiệp, tôi phải học hơn 30 tín chỉ chuyên môn và thêm nhiều tín chỉ phụ khác nữa. Sách học rất mắc, nhưng sinh viên có thể mua sách cũ để học. Sinh viên học trong lớp tiếng Anh rất đông, nhưng khi qua lớp học nghề thì rất ít sinh viên Việt Nam. Nhìn chung trong lớp học, đa số sinh viên Việt Nam học rất chăm chỉ và siêng năng, làm bài tập ở nhà đầy đủ cho nên ít bị ở lại lớp. Sinh viên trẻ già cùng ngồi chung một lớp. Ở Mỹ, những  sinh viên có lợi tức thấp được xin tiền trợ cấp học tập trong mỗi học kỳ kèm theo tiền mua sách và tiền làm thêm (work study) ở trường. Trong trường college có rất nhiều việc làm để giúp sinh viên nghèo có tiền đi học như làm ở thư viện, phòng thí nghiệm… Ngoài ra họ còn được miển đóng tiền học phí cho các lớp học. Sinh viên phải học đủ 12 tín chỉ một học kỳ mới được hưởng tiền trợ cấp .
        Sau khi hoàn tất chương trình học, sinh viên phải ghi tên ở văn phòng của nhà trường để được tham dự vào lễ ra trường. Mỗi năm trường tổ chức lễ tốt nghiệp vào cuối tháng 5 dương lịch. Việc làm sau khi ra trường, sinh viên tự tìm lấy.
       Nhìn chung học ở Mỹ không khó cũng không dễ, chủ yếu là mình phải chịu khó nghe bài giảng của thầy, học hỏi kinh nghiệm của các bạn, nghiên cứu sách vở và chịu khó hoàn tất những bài làm trong lớp thì mính sẽ lấy được bằng tốt nghiệp.
       Trên đây là những gì tôi đã trải nghiệm học tập trong 4 năm ở trường Orange Coast College. Nhưng có điều là khi qua Mỹ có người học được, có người vì hoàn cảnh khó khăn phải đi kiếm việc làm để kiếm tiền nuôi  gia đình như phải trả tiền mướn nhà ở, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại v.v. cho nên những người đó không thể đi học được.
       Sau khi ra trường và đi làm  việc, tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm dạy trẻ và đến tuổi về hưu, tôi tiếp tục dạy các cháu nội ngoại của tôi. Nhờ vậy, hiện các cháu nội ngoại của tôi có đứa đã vào học đại học và đa  số  cháu tôi đều học giỏi . Đó là niềm vui của tôi trong tuổi già vì dù sao chăng nữa khi qua Mỹ định cư, tôi cũng đã góp một phần nhỏ trong việc đào tạo thế hệ trẻ cho nước Mỹ.
   Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi để các con và các cháu của tôi có một tương  lai tốt đẹp như ngày hôm nay. Nhân dịp xuân Đinh Dậu sắp đến, thân chúc các thầy cô và các bạn có một mùa xuân an bình và hạnh phúc trên quê hương và ở nơi mình đang sống.



Thơ

Tưởng Nhớ
Giáo Sư Bác Sĩ Đặng Quang Điện


Vĩnh Xuyên

Tôi xin bày tỏ bài thơ muốn viết
Về giáo sư Đặng Quang Điện, Bình Dương
Tên tuổi thầy nức tiếng với muôn phương
Đã khai sinh ngành học Nông Lâm Súc

Thuở xa xưa Pháp là nơi du học
Luôn nhớ mình An Thạnh ở địa phương
Bác sĩ Thú y thầy chẳng chịu nhường
Sang Đan Mạch, Scotland: di truyền cải thiện.

Về nước phát huy chuyên ngành đi tiếp
Thành lập trường Nông Lâm Súc nhiều nơi
Công ơn Thầy to lớn luôn đắp bồi
Ngày nhà giáo xin ghi sâu nhớ mãi…