Chuyện ông Carnot

Vĩnh Xuyên
 
 
Ngày còn học tiểu học, tôi rất say mê câu chuyện trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư kể về ông Carnot (1) , một vị quan to làm tể tướng nước Pháp.
Câu chuyện và hình vẽ ông Carnot trong sách làm cho trí non nớt của tôi in đậm lòng tri ân quý trọng thầy cô giáo. Những bậc thày toàn tâm, toàn ý, hết lòng dạy dỗ tôi nên người.
Mặc dù ông Carnot làm quan to nhưng khi đoàn quân đi ngang qua ngôi trường cũ - ngày xưa ông học, ông bèn xuống xe, bỏ mặc đoàn tùy tùng, đi bộ thẳng vào trường mừng sức khỏe thày cũ của mình:
“Carnot ghé lại ngôi trường xưa
Bỏ mặc tùy tùng kẻ đón đưa
Chạy thẳng chào thầy mừng sức khỏe
Vòng tay cúi lễ: Con xin thưa”…
 Đương nhiên, ông thầy râu tóc bạc phơ, ra tận cửa lớp đón học trò, hả dạ vui mừng vì có người học trò ngoan, chẳng bõ công mình dạy dỗ. Hình ảnh đẹp ấy đã ghi đậm vào tâm trí các thế hệ chúng ta cho đến tận hôm nay.
Ngày ấy chưa có ngày 20/11 như bây giờ, nhưng tinh thần nho giáo đã thể hiện trong văn hóa dân gian “Quân, Sư, Phụ”. Từ đó  dân tộc Việt Nam chúng ta  có ngày Tết thầy:
Mồng một là Tết nhà Cha
Mồng hai nhà Mẹ
Mồng ba nhà Thầy
Nói chung ba ngày nầy là thiêng liêng nhất.
Ngày mồng một đầu năm phải là nhà bên nội. Mồng hai Tết vẫn đậm đà, đó là lúc về thăm quê mẹ, quê ngoại để chúc Tết các bậc bề trên. Mồng ba vẫn còn Tết nên vẫn còn cho nghỉ lễ, để thăm hỏi chúc mừng… Và đặc biệt ngày này chính là ngày của học trò đi thăm và chúc Tết Thầy.
Dù ngày nay là người nông dân tay lấm chân bùn hay ông nọ bà kia, lên xe, xuống ngựa, xênh xang mũ áo…và cho dù, nay vẫn ngụ ở nơi làng quê hoặc đã muôn dặm hải hồ, kinh thành hoa lệ, tới năm châu bốn biển… người học trò đều tự cảm thấy mình có nghĩa vụ phải đi chúc Tết Thầy, nói gọn là “Tết Thầy”
Theo phong tục, từ trước Tết nhiều ngày, học trò thường đến nhà thầy, mang theo chút lễ vật gọi là chút tình nghĩa, có khi đơn sơ, cây nhà lá vườn hay một phong bánh , gói trà ngon … Để rồi mồng ba đến nhà thầy lễ trước bàn thờ, sau đó cầu chúc thầy cùng gia quyến an khang, thịnh vượng…
 
 Đi Tết Thầy, nếu còn nhỏ có ba mẹ đi cùng. Nếu trưởng thành, tự đi một mình hoặc cùng đi với bạn đồng môn. Đến nhà thầy phải áo quần chỉnh tề, nói năng nghiêm trang, lễ phép… Nếu thầy nhờ trò đi pha trà thì xem như đó là một vinh dự, vì vẫn được thầy coi mình là học trò cũ như ngày nào…
Thường là, càng có học vị, có quyền cao chức trọng, người học trò xưa càng khiêm nhường lễ phép
Tết Thầy là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời, đã ăn sâu vào ý thức, từ học trò đến các bậc cha mẹ học trò. Người xưa nói: “Chỉ lễ bạc tâm thành là được”. Điều đó có nghĩa: “Không cần vàng bạc châu báu, mâm cao, chỉ cần tấm lòng chân thành, thể hiện nhân cách sống là đủ”
Ngày nay, con người và nếp sống có đổi khác nhưng có một điều không khác là tình thầy trò vẫn được giữ y nguyên lễ giáo. Thầy vẫn ra thầy, trò vẫn ra trò.
Tuy về sau, phong tục Tết Thầy đã bị mờ nhạt đi phần nào, nhưng trên khắp mọi miền đất nước, mỗi độ xuân về, các nếp sống đẹp lại có điều kiện phục hồi và phát triển. Tục Tết Thầy là một trong nét đẹp ấy, đang được phục hồi và phát triển ở khắp nơi như các trường học tổ chức “Mừng Ngày Nhà Giáo”, để người học trò có dịp bày tỏ tấm lòng tôn sư trọng đạo, thể hiện sự tri ân, quý trọng Thầy Cô…
Người viết bài nầy, dưới góc nhìn có phần chủ quan và thật khiêm tốn, để phải công nhận rằng, các thầy trò trường Trịnh Hoài Đức, từ lâu đã gìn giữ, phát huy và tôn vinh nét đẹp văn hóa ấy bằng các việc làm hết sức có ý nghĩa, thiết thực: “Mở trang mạng liên lạc CGS & HS THĐ (Website: trinhhoaiduc.netfirms.com), thành lập Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh, tương thân tương trợ và tổ chức các buổi họp mặt ở hải ngoại cũng như ở trong nước thường xuyên, thường kỳ mỗi năm v.v…” làm cho tình thầy trò ngày càng thấm đậm và sâu sắc.
Nhân ngày xuân Đinh Dậu, nhắc lại một nét đẹp xưa, một thuần phong mỹ tục lâu đời, âu đó cũng là “giữ gìn và phát huy cái hay, cái đẹp truyền thống mà bao đời ông cha ta đã truyền lại”.
 
“Tôi nay ở tuổi cổ lai hy,
Thấy mạng trường mình sung sướng chi,
An ủi cuộc đời vui nghiệp giáo…
Tục xưa, nét đẹp mãi còn ghi”.

(1)    Tên vị quan to thời Pháp.