Chân sáo đến trường
Nhật Lệ Nguyên Thy
    
Hôm nay, trong bước đi vội vã, trong sự nao nức và niềm vui choáng ngợp cả lòng, tôi tìm đến và làm thân với một ngôi trường thật xa làng quê nhỏ yên lành của mình: ngôi trường Trịnh Hoài Đức, nơi sẽ đánh dấu một bước ngoặc mới trong đời tôi. Sao lòng tôi nghe rạo rực một cách kì lạ… Mình đã là cô học sinh lớp đệ thất rồi ư! Ô hay, sao lạ lùng thiệt nhen, chỉ là đi học thôi và đã trải qua bao nhiêu ngày khai trường rồi mà hôm nay mình lại phập phồng và lo lắng gì đâu á? Thức dậy từ 4 giờ sáng, loay hoay bên chồng sách không biết hôm nay sẽ học môn gì, thôi thì đem tất tần tật cho xong. Tôi quyết định như thế và nhanh tay kiểm lại chiếc cặp mới tinh với mấy quyển tập đã bao bìa dán nhãn cẩn thận còn thơm mùi giấy, thêm vào đó là vài ba cây viết đã soạn sẵn đôi ba ngày trước, bỏ theo mấy ngàn đồng làm lộ phí cho 2 chuyến xe, thế là tạm ổn.
       Trời đang còn sương sớm, đường đi lúc này còn lờ mờ dưới bóng cây, con bé vận một bộ áo dài trắng thoăn thoắt đi về hướng bến xe đò lở Bến Thế - Bình Dương. Nó vào ngồi tuốt trong góc, chung quanh toàn là người lớn gánh gồng buôn bán. Mui xe chất đầy hàng hóa, thoắt tí là xe lăn bánh ngay. Mọi người nói chuyện xã giao rân ran. Một bác gái ngồi góc bìa chợt hỏi: “Con gái nhà ai sao đi học sớm quá vậy con?” Hồn đang lãng đãng trên ngọn cây, con bé giật mình quay lại: “Dạ, hôm nay là ngày khai giảng, trường con ở tận dưới Búng nên con đi sớm để giành chỗ ngồi tốt bác ạ”. Một bác khác la lớn: “Úy, con đậu vô trường Trịnh Hoài Đức hả? Giỏi à nghe, đi sớm để giành bàn nhứt phải hôn? Vậy mới được chớ!”. Con nhỏ nhoẻn miệng cười tươi rói đáp lại: “Dạ, tại con nhỏ thó quá, ngồi bàn dưới hỏng thấy được bảng bác ạ”.
      Xe bon bon chạy, buổi sáng mùa thu trong lành quá, cây cối ven đường chuyển mình thay áo mới, lá vàng rơi rụng trải khắp lối đi. Tới ngã ba Sở Gà, bỗng dưng xe loạng choạng. Khách trên xe hết hồn. Gì vậy bác tài? Thì ra xe bể bánh. Con nhỏ học trò ra chiều bất an mắt láo liên không biết tính sao… Trời càng lúc càng sáng. Không có xe nào để quá giang. Mười lăm phút. Cái bánh xe mới đã được thay vào. Con nhỏ thở phào nhẹ nhõm.
“Lên xe, lên xe bà con ơi!” Tiếng tài xế oang oang. Thoắt một cái mọi người gọn gàng trong xe. Rước vài ba người khách dọc đường nữa, chiếc xe bờ rô 12 chỗ (nhưng chứa thêm 6 người ngồi ở băng giữa nữa là 18 người) phóng nhanh trên con đường đất đỏ nhiều ổ gà khiến nó lắc lư thân thể già nua kẽo kẹt rên rỉ đến tội tình.
       Đến bến xe Bình Dương (giờ là công viên Phú Cường), con nhỏ học trò thoăn thoắt đi như chạy, kịp leo lên chiếc xe đò 45 chỗ khởi hành đầu tiên đi Sài Gòn. May quá, nó nhìn quanh, mọi nhà dường như còn ngái ngủ, đâu thấy ai đi học sớm như mình? Không còn lo lắng nữa, nó đưa mắt nhìn bâng quơ rồi thầm ánh lên niềm tin chắc mẻm là bàn nhất đầu bàn về phần mình rồi, ha ha…
       Gần đến chợ Búng, anh lơ xe cho con nhỏ xuống ngay ngã ba. Tụt xuống xe, có chút bỡ ngỡ, con bé ngơ ngác băng qua đường, rẽ trái rồi nhảy chân sáo hướng về ngôi trường hiện ra trong màn sương mỏng, giữa cánh đồng lúa và sắn bao la, xanh mát. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe đạp chở hàng ra chợ. Đoạn đường đất đỏ cỡ ba, bốn trăm mét lúc này nghe bình yên chi lạ. Con bé thoáng thấy bóng vài tà áo dài trắng. Nó hồ hởi nên bước nhanh hơn. Cái cổng trường hiện ra to đẹp và ngôi trường mới của nó cao rộng, ngạo nghễ chễm chệ làm sao…! Không kịp ngắm nhìn gì thêm, con nhỏ tập trung tìm lớp của nó. Sơ đồ các lớp đây rồi. Nó nhanh chóng mở cửa phòng trên có tấm biển nhỏ “Đệ thất A3”. Chưa có ai hết, mình đến sớm nhất cơ !  Nó chọn ngồi đầu bàn thứ nhất cạnh bàn thầy cô để dễ tiếp thu lời giảng dạy hơn. Bỏ cặp bồi vào hộc bàn, yên tâm, nó ra ngoài hành lang hồi hộp chờ đón bạn cùng lớp. Một, hai, ba rồi hơn mười bạn vào lớp… Không ai chọn ngồi bàn nhất hết, nó thoáng tiếc công dậy sớm của mình… nhưng rồi nó cũng vào chỗ ngồi và đưa mắt, mỉm cười làm quen, nói vài câu xã giao với các bạn. Chỉ toàn là con gái (trường nữ Trịnh Hoài Đức mà!) và chỉ mươi phút sau bàn nào cũng chật ních cả rồi.
Năm học bắt đầu bằng việc cả lớp chép thời khóa biểu học tập. Giáo viên hướng dẫn  cho bầu ban đại diện lớp, bạn Hứa Mai người Việt gốc Hoa xinh đẹp, gương mặt sáng sủa, cao to hơn cả giữ chức trưởng lớp, bạn Lâm Thị Mỹ Ly nhỏ nhắn, hiền lành lại viết chữ đẹp được bầu làm thư ký. Thầy cho tất cả đứng lên và xếp chỗ ngồi theo chiều cao và thị lực, rồi dặn dò đôi điều cần thiết. Nó chăm chỉ ghi nhớ và quyết tâm nỗ lực học tập không chỉ vì nó vào trường này với điểm số cao ngất ngưỡng: “thủ khoa”.
       Những ngày sau đó, sau những giờ học tập thú vị, nó cùng các bạn cột hai tà áo dài vướng víu ngồi bẹp dưới góc lớp chơi đánh đũa, chơi bún thun. Nó thích tham gia sinh hoạt lắm, nhất là làm thơ đăng bích báo lớp, báo Xuân của trường, tham gia đội văn nghệ. Có lần nó cùng chị Khánh, bạn Võ Ngọc Lan Chi… đi hát giúp vui cho các anh chiến sĩ đóng quân ở Lái Thiêu (Ngã Ba Cây Liễu đi vào). Đoàn văn nghệ học sinh THĐ do anh Trương Công Bình, anh Nguyễn Văn Đông hướng dẫn. Thích nhất là lần cắm trại tại chùa Hội Khánh với anh tổng thư ký Nguyễn Hữu Lâm. Hai ngày trại đầy vui thú khắc sâu trong tiềm thức nó mãi đến ngày nay. Nó được hát những bài ca tập thể: “Nối vòng tay lớn, Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Lý cây bông…” và vô số những bài ca sinh hoạt cộng đồng  khác. Nó lại được chơi những trò chơi dân gian hào hứng, thú vị, được rèn kĩ năng sống giao hòa với thiên nhiên, được giao lưu, học hỏi ở quý thầy cô, các anh chị trong ban chấp hành trường như anh Võ Văn Nhãn, anh Dương Tiểu Nam, anh Võ Hồng Khanh, được nghe giọng hát trong trẻo, cao vút tuyệt vời của chị Huỳnh Thị Thùy Vương v.v… Tối hôm đầu tiên nhằm ngày thứ bảy, nó được tham gia sinh hoạt đốt lửa trại rồi quây quần bên nhau hát ca ầm ĩ, làm những trò thật ngộ nghĩnh, đáng yêu: “Ta là vua, ha ha ha…(vuốt râu, vỗ bụng - mỗi người tự chế một kiểu thật sôi động và thú vị)”…
   Ơi! những ngày tháng của năm Đệ thất A3 dưới mái trường Trịnh Hoài Đức dấu yêu trong tôi sao mà dễ thương quá đỗi. Tuổi thơ vụng dại của tôi đầy ắp kỉ niệm bên thầy bạn, bên những yêu thương mộc mạc, hiền lành thuở nào, bên khung trời Thủ Dầu Một thân thương - một góc quê hương luôn đáng yêu, đáng nhớ…
                                                                                       20/ 11/2016