Những tháng hè từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1968, ngoài việc vui chơi thể
thao, tôi và các bạn đi học thêm Toán Lý Hoá với thầy Nguyễn Kim Long.
Năm nay, chúng tôi được học ở trường Bồ Đề - năm sau chùa Cô Hồn - lúc
nầy có tên là chùa Thiện Đức. Trường mới xây, lớp học rộng rãi, học
sinh đông đảo và vui hơn khi học ở nhà riêng của thầy. Năm nay chúng
tôi học cách giải phương trình bậc hai, cuối khoá lại bắt đầu biết khái
niệm về lượng giác như sin, cos, tang… Nhớ năm ngoái học được căn số là
đã thấy hay rồi, năm nay còn hay hơn. Tôi thích học toán lắm vì qua đó
biết được thêm nhiều điều mới lạ. Mỗi lần thầy cho bài tập thì tôi,
Thạnh… là những người giải nhanh nhứt. Học thêm vào mùa hè vừa giúp học
sinh khỏi rong chơi quá nhiều mà có thời giờ rộng rãi hơn để làm
bài tập so với khi vào học chính thức, vì lúc đó môn học có thời lượng
ít ỏi, thời gian làm bài tập cũng ít hơn. Riêng về thầy Long thì khi
giảng bài, đầu tiên thầy đặt vấn đề, giới thiệu cách giải, sau đó đưa
thí dụ rồi cho bài tập tương tự nên học sinh dễ hiểu và làm được bài
tập dễ dàng. Sau nầy, tôi có dịp dạy lại cho các em học sinh trung học
ở Bình Dương thì cũng áp dụng cách dạy của thầy. Khi qua Mỹ thì thấy
cách dạy của họ khác hơn rất nhiều. Đó là để cho học sinh tự tìm hiểu
và tự phát triển. Cách nầy tôi thấy áp dụng ở đại học thì rất tốt vì
nhờ vậy mà học trò có thể giỏi hơn thầy, khoa học kỹ thuật phát triển.
Tuy nhiên học sinh trung học thì còn nhỏ quá chưa đủ khả năng tự tìm
hiểu và trong hoàn cảnh thiếu thốn sách vở như ở Việt Nam thì khó thực
hiện, nhứt là đối với các em mới học đệ nhứt cấp.
Học hè Toán Lý Hoá với thầy Long xong rồi, khi vào học chính thức ở
Trịnh Hoài Đức, chúng tôi rất tự tin và chỉ cần học tà tà cũng chiếm
thứ hạng cao, thời gian còn lại thì tham gia các hoạt động văn nghệ,
thể thao.
Tháng 9 năm 1968, tôi trở lại trường học lớp đệ Tứ.
Năm nay chúng tôi học buổi chiều, ở phòng học cuối cùng trên lầu. Lớp
hơi vắng, chỉ có chừng 40 học sinh. Thành phần ban bệ trong lớp không
đổi và bạn Trần văn Lực được anh em tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
Danh sách thầy cô gồm:
Việt Văn: Thầy Đoàn Phế.
Công Dân Giáo Dục: Thầy Nguyễn Tư Sán.
Vạn Vật: Thầy Bùi Thế San
Anh Văn: Thầy Đinh Đức Vượng (cũng là GS Hướng Dẫn)
Toán : Thầy Trần Bá Hỗ
Lý Hoá: Thầy Trần Bá Hỗ
Sử Địa: Cô Hoàng Thị Đàn Hội
Vẽ: Thầy Lê Văn Bình.
Giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm mới ra trường không được chọn nhiệm
sở ở Saigon. Tuỳ theo thứ hạng khi tốt nghiệp quý vị sẽ được chọn nơi
làm việc đầu tiên của mình. Những thầy cô học giỏi, hạng nhứt nhì sẽ
được ưu tiên chọn về dạy ở Biên Hoà, Bình Dương, Long An… vì đây là ba
địa phương gần Sài Gòn nhứt. Thầy Nguyễn Thiện Thuật là thủ khoa ban sử
địa, thầy Phạm Đức Liên hạng nhì đều chọn về dạy ở trường Trịnh Hoài
Đức. Quý thầy Đoàn Phế, Đặng Thanh Châu, Trần Bá Hỗ … đều là những giáo
sư học rất giỏi ở Đại Học Sư Phạm và ra trường thì dạy không chê vào
đâu được. Do đó, học sinh Trịnh Hoài Đức tiếp thu được kiến thức và thi
đậu nhiều cũng không phải là việc lạ.
Năm nay, có một giáo sư nữ về Trịnh Hoài Đức dạy môn sử địa. Đó là cô
Hoàng Thị Đàn Hội (theo CHS Ngô Thị Nguyệt thì thật ra, cô tên là Hoàng
Thy Đàn Hội). Cô còn trẻ, rất đẹp, nói giọng Huế. Lớp đệ tứ, chúng tôi
học lịch sử thế giới về Cách Mạng Pháp, Cách Mạng Tân Hợi…. Giọng nói
của cô thánh thót, bài giảng của cô hấp dẫn nên cả lớp đều học hành
chăm chỉ môn sử địa. Tới lúc thi lục cá nguyệt, cô cho thi trắc nghiệm.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi thi theo cách nầy. Đề thi dễ và chỉ có 20
câu nên nhiều bạn được 20/20.
Môn Anh Văn do thầy Đinh Đức Vượng dạy. Thầy là người Bắc, cao cao,
mang kiếng đen. Năm nay chúng tôi học cuốn English for Today quyển 3 –
The Way We Live, màu xanh lá cây trong đó có bài nói về cuộc sống trong
sa mạc. Mấy bạn nói nhỏ với nhau và đặt tên lóng cho thầy là “Chief
Omar” giống như một lãnh tụ bộ lạc trong bài học về cuộc sống ở sa mạc.
Tôi cũng không biết tại sao mà các bạn đặt biệt danh cho thầy như vậy?.
Thầy Đoàn Phế dạy Việt Văn. Thầy cũng hơi tiếu lâm. Tôi còn nhớ khi học
truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng câu: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở
nang” để tả khuôn mặt Thuý Kiều thì thầy dùng phấn vẽ luôn trên bảng
một vòng tròn (khuôn trăng đầy đặn) và hai cái chân mày to như con ngài
(nét ngài nở nang). Thầy nói Nguyễn Du tả Thuý Kiều như vậy đó làm cho
cả lớp cười khúc khích!
Thầy còn là ông bầu của đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức. Bắt đầu từ năm
nầy cho tới khi thầy đổi về Sài Gòn thì đội bóng chuyền lập được nhiều
thành tích mà vinh dự nhứt là Vô Địch Bóng Chuyền tỉnh Bình Dương năm
1970. Sau nầy khi thầy đổi về Sài Gòn, đội bóng cũng tan rã.
Thầy Trần bá Hỗ dạy Toán & Lý Hoá. Thầy dạy dễ hiểu. Tôi nhớ chữ
viết của thầy rất đẹp.
Thầy Bùi Thế San dạy Vạn Vật. Thầy là người đẹp trai, cao ráo. Năm nay,
chúng tôi học về cơ thể học của con người. Dịp nầy, bạn nào có thắc mắc
về những chứng bịnh căn bản (đặc biệt là những chứng bịnh của tuổi mới
lớn) thầy đều giải thích cặn kẽ nguyên nhân tại sao. Tôi còn nhớ thầy
nói: “Nếu thỉnh thoảng khi ngủ, mà mấy em có “Vẽ Bản Đồ Úc Châu” thì
cũng là chuyện bình thường của tuổi thiếu niên”. Thầy nói ẩn dụ như
vậy, mà đám trẻ cũng hiểu. Chắc các bạn ấy đã có kinh nghiệm rồi.
Khác với nhiều thầy khác ở Sài Gòn, sau khi dạy ở Trịnh Hoài Đức một
thời gian thì xin đổi về Sài Gòn. Thầy Bùi Thế San chọn Bình Dương làm
quê hương thứ hai. Thầy mở một tiệm sách có tên là Nhà Sách Khai Trí ở
gần Bến Xe Bình Dương. Đây là quán sách đầu tiên ở Bình Dương lúc đó và
là nơi đám học sinh chúng tôi hay dừng chân mỗi chiều. Sau đó, thầy lại
mua một căn phố ở Phú Văn nơi có dự án dời trung tâm hành chánh tỉnh về
đó.
Sinh hoạt học đường niên khoá 1968-1969:
Không có hội Tết:
Năm nay do không khí chiến tranh còn nhiều nên trường không tổ chức Hội
Xuân như các năm trước. Những ngày cuối cùng gần Tết thì việc học hành
cũng lơ là, và chúng tôi cũng tổ chức ăn Tết tại lớp. Có bánh mứt, uống
nước ngọt rồi ca hát chút đỉnh mà thôi chớ không vui như những năm có
Hội Tết.
Giải thể thao học sinh toàn tỉnh:
Gần hè, Ty Thanh Niên Bình Dương tổ chức giải thể thao học sinh toàn
tỉnh. Để chuẩn bị, ban giám đốc cử thầy Bùi Lý Hồng làm huấn luyện viên
bóng tròn, thầy Đoàn Phế làm huấn luyện viên bóng chuyền để tổ chức các
đội thi đấu với các trường bạn.
Kết quả thi đấu:
Bóng tròn:
Đội Trịnh Hoài Đức gặp đội Nông Lâm Súc. Trận đấu xảy ra ở làng Garden
gần chùa Tây Tạng. Bên Trịnh Hoài Đức gồm các cầu thủ của lớp chúng tôi
như Dương Quang Phước, Nguyễn Đình Dũng, Từ Minh Thạnh, Võ Thành Hậu,
Lê Quang Phước, và các bạn khoá 10 như Trần Thiện Nguyện (thủ môn) và
vài bạn khác tôi không biết tên. Vóc dáng thư sinh của Trịnh Hoài Đức
hơi lép so với bên Nông Lâm Súc có vẻ rắn rỏi và đen đúa hơn. Bên đó có
cầu thủ Châu đen (lai Phi Châu) nên khoẻ lắm. Không biết lúc đó
tại sao không có anh chị khoá 8, 9 tham gia. Chắc quý anh đó bận lo học
thi Tú Tài. Trận nầy có thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Trí Lục đến xem và ủng
hộ tinh thần.
Đội Trịnh Hoài Đức dẫn trước 1-0. Qua tới hiệp 2, trời đổ mưa lớn. Sân
ướt nên trận đấu chậm lại và kỹ thuật cũng bớt hay, nhưng thầy Hiệu
Trưởng và đám học trò THĐ chúng tôi cũng chịu ướt và lạnh mà coi để ủng
hộ cho đội nhà. Coi kìa, bóng đã qua phần sân bên nhà. Bên Nông Lâm Súc
sút một cú khá mạnh. Banh ướt, Trần Thiện Nguyện bắt vuột. Banh vào
khuôn thành trong sự ngỡ ngàng của ủng hộ viên đội Trịnh Hoài Đức. Đá
thêm giờ, hai bên vẫn hoà 1-1. Thầy hiệu trưởng tổ chức bốc thăm chọn
đội thắng. Nông Lâm Súc may mắn bắt được thăm thắng để vào vòng trong.
Hướng dẫn viên là thầy Bùi Lý Hồng cự nự bạn Nguyện quá: “Tôi đã nói
với em là khi nào trời mưa, bóng ướt thì mình đấm nó ra chớ đừng có
chụp. Vậy mà em không nghe”. Thầy Hồng làm huấn luyện viên khó lắm, mấy
cầu thủ bóng tròn sợ thầy một phép!. Nghĩ tội nghiệp cho Nguyện. Đá
banh thắng thì mấy cầu thủ tiền đạo được khen, còn thua thì chỉ có
“thằng bắt gôn” là bị chưởi.
Đội bóng tròn Trịnh Hoài Đức tại sân làng Garden
Bóng chuyền:
Trận chung kết là hai đội An Mỹ và Trịnh Hoài Đức. Đội Trịnh Hoài Đức
gồm các cầu thủ: Trần Văn Lực, Võ Thành Hậu, Phan Châu Tuấn, Từ Minh
Thạnh, Lê Quang Phước, Trần Thiện Nguyện, Nguyễn Đình Dũng, Từ Minh
Tâm. Đội An Mỹ có Võ Văn Nhãn, Dũng, Kiệm, … Trịnh Hoài Đức thắng An Mỹ
và giành chức vô địch. Tôi không nhớ tỉ số trận chung kết. Phần thưởng
là một bộ áo thun thể thao màu xanh lục viền vàng, số vàng. Anh em chia
ra mỗi đứa một cái. Tôi còn nhớ rõ, mấy bạn giành hết số nhỏ vì số nhỏ
- đặc biệt là số 1 chỉ thường dành cho người đánh hay nhứt - chừa cho
tôi số 8. Sau trận nầy, ông bầu của đội Trịnh Hoài Đức dụ dỗ cầu thủ
giỏi nhứt của An Mỹ là Võ Văn Nhãn về học Trịnh Hoài Đức. Sau khi anh
Nhãn về đầu quân thì đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức mạnh hẳn lên. Hai
năm sau đội chiếm giải vô địch bóng chuyền thanh niên tỉnh Bình Dương.
Tôi cũng có chơi bóng chuyền, nhưng lúc đầu, còn nhỏ, lại đánh dở hơn
mấy bạn khác nên chỉ đánh trong đội hình Trịnh Hoài Đức với vai trò dự
bị. Sau nầy, khi Nguyễn Đình Dũng về Sài Gòn, Trần Thiện Nguyện, Phan
Châu Tuấn không còn học Trịnh Hoài Đức nữa thì tôi mới vào hội và chơi
hay hơn. Sau nữa, tôi lại có dịp đánh trong đội bóng chuyền thanh niên
của tỉnh Bình Dương so tài với các tỉnh khác trong giải bóng chuyền khu
3. Về Sài Gòn tôi lại có dịp chơi trong đội bóng chuyền Đại Học Bách
Khoa Phú Thọ. Đó là chuyện sau, nói ở đây là hơi lạc đề.
Đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức chụp hình kỷ niệm với anh Nguyễn văn
Khiêm (TT Thanh Niên)
Vũ cầu: Trịnh Hoài Đức là vô địch với các đấu thủ: Liên, Nguyện, Quyền,
Phước (đã mất)
Bóng bàn: hạng nhứt Trần Công Hảo, hạng nhì: Từ Minh Tâm. Không biết
tại sao Châu (đen) bên Nông Lâm Súc không thi đấu, chớ có anh nầy thì
chúng tôi đánh không lại.
Du ngoạn Vũng Tàu:
Năm nầy, trường có tổ chức chuyến du ngoạn Vũng Tàu do thầy Nguyễn
Trọng Nhượng làm trưởng đoàn. Phụ tá là thầy Đoàn Phế. Trong đoàn có
thầy Lê Tấn Lộc cùng tham gia. Kỳ nầy đoàn đi khá đông. Thành phần tham
dự là các nam nữ sinh lớp Đệ Tứ trở lên, ngoài ra còn có ban Thể Thao
và đoàn hướng đạo sinh Lái Thiêu do thầy Nguyễn Lương Ích hướng dẫn với
các hướng đạo sinh như Nguyễn Văn Đức, Lưu Thanh Bình... Đoàn có chừng
150 người và đi bằng 3 xe nhà binh mượn của Trường Công Binh.
Tôi nhớ trong ngày đầu tiên, đoàn ghé chùa Đại Tùng Lâm dừng chân nghỉ
chơi trong nửa giờ. Buổi trưa đoàn ghé Long Hải để tắm biển. Buổi chiều
chúng tôi cắm trại ở khu đồi gần Bãi Ô Quắn. Bãi nầy rất đẹp, gần bãi
có những tảng đá, chúng tôi hay len lõi vào đó để bắt cua. Tối hôm đó
có lửa trại thật vui. Tôi thích nhứt là một màn kịch do Hướng Đạo Lái
Thiêu trình diễn. Mấy anh nầy chơi cắm trại nhiều nên sinh hoạt rất
hay, có kỷ luật và đoàn kết. Bạn Lê Quang Phước nhớ lại tối đó có một
tiếng ầm do sóng đập vào bãi ở phía dưới. Dương Quang Phước (có biệt
danh là Phước “hí”) xuống bãi bắt được một con cua khá lớn. Anh nầy đem
lên nướng cua bằng lửa trại và có cho Phước một cái càng. “Tối đó ăn
cái càng cua nầy sao mà nó ngon dễ sợ!. Ở nhà, ăn cua hoài, vẫn không
ngon bằng ở đây”. Đó là tâm sự của một học sinh được đi du ngoạn xa nhà
thời niên thiếu. Nghĩ lại nhớ ơn quý thầy cô đã tổ chức cho chúng tôi
có dịp đi chơi xa, gần gũi thiên nhiên, tăng cường tình cảm bạn bè và
nhờ đó có tinh thần tập thể, chia vui xẽ ngọt…
Ngày hôm sau, cả đoàn lại đi tắm biển Ô Quắn, sau đó tắm ở Bãi Sau. Có
một chuyện hơi vui xin kể ở đây. Hôm đó, có bạn Tăng Phước, người Hoa.
Anh nầy mặc quần đùi trắng mà không có quần lót. Tắm một hồi quần bị
ướt nên không tiện lên bờ vì có mấy cô nữ sinh đệ Tứ khác đang ngồi
chơi ở đó. Anh nhờ tụi tôi lấy cho anh một cái quần màu để anh thay, mà
tụi tôi cứ từ từ câu giờ làm cho anh ta phải ở ngoài biển hoài không
lên bờ được. Cả đám thì cười trong khi chàng ta mắc cỡ. Gần tới giờ tập
họp tôi mới thương tình đem quần cho Tăng Chí thay. Anh nầy hiền lành
nên bạn bè cũng thích chọc. Từ khi lập hội CHS THĐ tới giờ, không liên
lạc được với anh, không biết bây giờ Tăng Chí lưu lạc phương nào?
Chuyến đi nầy tôi có quen với anh Mạo, lúc đó làm Tổng Thư Ký Ban Đại
Diện Học Sinh. Sau nầy có gặp anh đang học ở Võ Bị Đà Lạt lúc đoàn học
sinh của trường đi du ngoạn trên đó năm 1971, sau nầy không biết anh ở
đâu.
Do cắm trại nơi nhiều gió nên một số trại sinh bị cảm. Tối hôm đó, đoàn
phải dỡ trại, về ngủ ở khán đài có mái che của Sân Vận Động Vũng Tàu.
Tôi ngủ gần bạn Cao Minh Huệ. Sáng ra, Huệ cho tôi kem để đánh răng.
Sau nầy Huệ là kỹ sư Nông Lâm Súc và về Lộc Ninh làm việc, rồi thăng
chức dần dần tới Giám Đốc Sở Địa Chánh tỉnh Bình Dương trước khi bị
thất sủng.
Ngoài bị cảm, một nhóm học sinh còn bị “Tào Tháo đuổi” khá nặng, phải
đi nhà thương để cấp cứu. Bạn Nguyễn Đình Dũng nhắc lại chuyẹn nầy như
sau: “Xin nhắc lại một sự kiện nhớ đời, không bao giờ quên: Lúc ở
ngoài lửa trại, không biết đứa nào nấu chè đậu xanh, đựng trong lon
Guigoz, và chuyền nhau mỗi thằng húp một miếng. Kết quả là tối hôm đó,
khi ngủ ở sân vận động Vũng Tàu, cả bọn bị Tào Tháo rượt suốt đêm. Đứa
nào lỡ có húp chè là phải vào bịnh viện Lê Lợi cấp cứu. Không bao giờ
quên cái đêm ở bịnh viện này. Ê mặt nhất là sáng hôm sau, xe đò chở cả
đoàn về đi ngang bịnh viện rước mấy nạn nhân quấn mền quanh cổ, mặt mày
hốc hác lên xe”. Quả là một chuyến đi đáng nhớ!
Ngày cuối cùng, đoàn đi tắm biển ở Bãi Dâu, sau đó đi thăm Thích Ca
Phật Đài trước khi về lại Bình Dương.
Đây là chuyến du ngoạn xa nhà lần thứ hai của tôi. Lần nầy thì má tôi
cho phép vì đã tin tưởng sự dìu dắt của quý thầy. Kỳ nầy trong đoàn có
các bạn nữ nên chuyến đi thêm phần thú vị. Tuy nhiên, do tắm nắng hơi
nhiều nên tuần sau, khi đi học, hầu hết bạn bè đều nhìn nhau cười vì
đứa nào cũng bị lột da mặt, da lưng hết trơn. Tội nghiệp mấy cô gái, da
mặt bị lột thì trông xấu lắm cả 10 ngày sau mới hết. Trong chuyến đi
nầy, tôi có kinh nghiệm là nhiều khi có những bạn mà mình không thân
lắm lại là đứa giúp mình rất nhiều so với những bạn mà mình thường chơi
thân với nó hàng ngày.
Lễ phát thưởng cuối năm:
Năm nay, lễ phát thưởng cuối năm được tổ chức ở Phòng Thí Nghiệm. Tôi
học hạng nhứt lớp Đệ Tứ A5. Về các lớp Đệ Tứ khác thì: Từ Minh Thạnh
hạng nhứt lớp Đệ Tứ P4, Lại Thế Thành hạng nhứt lớp Đệ Tứ P3, Lâm Thuý
Vân hạng nhứt lớp Đệ Tứ P1, không nhớ ai hạng nhứt lớp A2 nhưng biết Hồ
Thị Kim Ngân hạng nhì.
Riêng lớp Đệ Tứ A5, sau tôi là các bạn Nguyễn Đình Dũng, Nguyễn Hữu
Hiệp, Nguyễn Văn Đức, Trần Công Hảo, Lê Thiết Hùng, Cao Minh Huệ… Những
bạn nầy đều là những người học hành rất siêng năng, chăm chỉ. Sau nầy
lớp tôi cung cấp cho xã hội 4 kỹ sư, 2 giáo sư, 1 cán sự y tế, và
một số công chức trong các ngành khác ... Như vậy đây cũng là một lớp
giỏi.
Khi coi lại học bạ học năm Đệ Tứ tôi ngạc nhiên về thành tích của mình.
Trong 16 lần thi lục cá nguyệt, tôi có 10 lần hạng nhứt, 4 lần hạng
nhì, 1 lần hạng ba, 1 lần hạng tư (môn Việt Văn). Không có môn nào dưới
hạng 4.Với thành tích 10 lần hạng nhứt trong các môn thi Lục Cá Nguyệt
nên được lãnh phần thưởng Danh Dự Đệ Nhứt Cấp. Phần thưởng gồm một
chồng sách cao gần 1 mét. Phần thưởng Danh Dự Toàn Trường được trao cho
anh Trương Công Bình với 11 lần hạng nhứt trong các môn thi Lục Cá
Nguyệt (gọi là lần xướng danh).
Lúc nầy Bộ Giáo Dục đã bỏ kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp nên chúng tôi
không cần thi mà chỉ về nghỉ hè, chờ sang năm lên lớp 10 (tức lớp Đệ
Tam cũ).
Bài viết về sinh hoạt của trường Trịnh Hoài Đức năm tôi học lớp Đệ Tứ
(1968-69) xin kết thúc ở đây. Sang năm sẽ viết tiếp năm học 1969-70.
Bạn có thể hỏi: “Ủa còn chuyện yêu đương, tình cảm sao không thấy
nói?”. Xin trả lời: “Hồi học Trịnh Hoài Đức tôi rất nhát. Tôi yêu rất
nhiều bạn nhưng không dám nói với ai hết” . Bây giờ nghĩ lại thấy cũng
tiếc là mình không có những mối tình học trò lãng mạn để kể cho bạn
nghe, nhưng biết đâu nhờ vậy mà tôi cố gắng học hành tới thành tài. Chớ
yêu đương sớm quá có khi bị tan vỡ, thất tình và làm hại cả tương lai
phía trước !!!. Ngoài ra, viết bài nầy, tôi có ý ghi lại những hoạt
động của trường chúng ta trong từng niên khoá để chúng ta cùng nhớ lại
những kỷ niệm thời niên thiếu, chớ viết chuyện riêng vô đây thì có vẻ
cũng không đúng lắm phải không bạn?
(Tác giả xin cám ơn hại bạn Lê quang Phước và Nguyễn đình Dũng đã góp ý
và bổ sung)