Giá Trị Giáo Dục ở Các Ngôi
Nhà Cổ
Phan Thanh Đào
Giới thiệu:
Ở Bình Dương có những ngôi nhà cổ. Đây là niềm tự hào của tỉnh nhà
về kiến trúc, văn hoá, giáo dục… của người xưa. Một trong những tác phẩm viết
về những ngôi nhà nầy là “Nhà Cổ Sông Bé” được hoàn thành năm 1995. Đây là
công trình nghiên cứu của hai tác giả là GS Phan Thanh Đào & GS Nguyễn
Hiếu Học. Tài liệu nầy viết về kiến trúc, sự thẩm mỹ, giá trị giáo dục và
đi sâu vào chi tiết của những ngôi nhà cổ ở Bình Dương. Đặc san Trịnh Hoài
Đức xuân Bính Thân xin đăng lại một phần của tác phẩm nói trên để tưởng nhớ
về GS Phan Thanh Đào, một vị giáo sư khả kính của trường chúng ta cũng là
một nhà nghiên cứu chân thành có nhiều bài viết rất xuất xắc về lịch sử Bình
Dương. Nếu có điều kiện, những phần tiếp theo sẽ được đăng tải vào đặc san
những năm sau.
*****
Nhà cổ ở Bình Dương
Từ xưa, dân tộc ta đã thấy vai trò quan trọng của gia đình trong việc hình
thành nhân cách con người, bởi vì cuộc sống trong gia đình đặt cơ sở trên
những tình cảm vừa có tính bẩm sinh như một thứ bản năng, khó cắt nghĩa, lại
có tính chất thiêng liêng như một thứ đạo lý mà con người, thiếu nó khó có
thể gọi là một nhân cách. Đó là tình nghĩa vợ chồng, tình yêu thương giữa
cha mẹ và con cái, giữa ông bà và cháu chắt. Gia đình còn là một đơn vị kinh
tế. Mọi thành viên trong gia đình gắn bó với nhau cả về quyền lợi lẫn trách
nhiệm. Họ lại có cùng huyết thống, cùng sống dưới một mái nhà… Do đó, sự giáo
dục nhắc nhở, khuyên răn rất có hiệu quả.
Gia đình còn là tế bào của xã hội, là hạt nhân cơ bản tạo nên sức
sống và cả bản sắc của một cộng đồng xã hội. Gia đình lành mạnh, yên vui và
sung túc nhất định xã hội sẽ phồn vinh. Chính vì lẽ đó mà người xưa đã đề
ra châm ngôn như một nguyên tắc cho sự gắn bó hữu cơ giữa gia đình và quốc
gia. Châm ngôn tiêu biểu xuất hiện ở sách Đại Học là: “Dục trị kỳ quốc, tiên
tề kỳ gia” (muốn đất nước ổn định, thì gia đình phải có nề nếp kỷ cương).
Công việc “tề gia” tức giáo dục trong gia đình chẳng những đã thể hiện trong
ngôn ngữ giao tiếp, trong lễ nghi ứng xử, trong nếp sống hàng ngày…. mà còn
thể hiện cả trong kiến trúc, nhất là trong trang trí nội thất.
Mục tiêu của giáo dục trong gia đình là tạo cho được “gia phong”
hay nếp nhà, tức là tạo nên bản sắc riêng của gia đình, từ đó gây niềm tự
hào và ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng cho mọi thành viên trong gia đình
khiến cho bất cứ cá nhân nào trong cộng đồng ấy cũng sẽ cảm thấy áy náy,
bất an một khi có cách sống, cách hành động trái với cái “nếp nhà” đã được
khẳng định.
Nội dung của nền giáo dục gia đình ngày xưa là ở chữ LỄ, chữ HIẾU,
ở tinh thần tự trọng, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và óc tự lập…
Lối kiến trúc nhà xuyên trính với nhiều hàng cột và mái nhà thấp
cùng sự phân bố trong thờ tự là biểu hiện chữ lễ. Nhưng trang trí bên trong
ngôi nhà mới nói rõ tính giáo dục gia đình rõ hơn tất cả. Đó chính là những
hoành trướng, liễn đối, những bài thi, văn nơi bức thờ, nơi những bức tứ
bình… Những hình thức chữ viết ấy chẳng những là hình thức trang trí độc
đáo, giàu tính thẩm mỹ mà còn tạo không khí trang nghiêm nói lên dụng ý khuyên
răn, nhắc nhở và nói theo ngôn ngữ ngày nay thì đó là hình thức “khẩu hiệu
hoá” rất có hiệu quả trong việc giáo dục gia đình, bởi những “khẩu hiệu”
ấy thường nói lên những quan niệm, những tình cảm, ước mơ, mong mỏi… rất
chân tình, nghĩa là thể hiện cái TÂM hay tấm lòng của người xưa trong việc
giáo dục mọi người trong gia đình .
Một trong những nguyên tắc tạo nên hiệu quả trong giáo dục nhân cách
và cả trong nhận thức là sự lặp đi lặp lại. Những hoành, trướng, liễn đối
trang trí trong nhà tạo nên không khí trang trọng trong ngôi nhà và những
câu, những chữ ấy luôn luôn đập vào mắt mọi người tạo sự nhắc nhở lặp đi lặp
lại hàng ngày trong tâm tưởng mọi người, dần dần ngấm sâu vào tiềm thức âm
thầm hình thành, uốn nắn nên nhân cách của mọi thành viên trong nhà từ đó
tạo nên cái ta gọi là nếp nhà. Nếu ở mỗi quốc gia, người dân tự hào và cố
duy trì cái bản sắc riêng của đất nước mình, thì trong mỗi gia đình nếp nhà
chính là nguồn nuôi dưỡng lòng tự trọng cho mọi cá nhân trong gia đình đó.
Điều đó có ý nghĩa giáo dục rất lớn miễn là đừng biến lòng tự trọng ấy thành
sự tự cao, cục bộ ích kỷ mà hậu quả là tự cô lập với xóm giềng, làng xã…
Nội dung những khẩu hiệu ấy thường nhằm rèn luyện óc tự lập, tinh
thần khiêm tốn, sự tự trọng, đức hiếu thảo, biết thương yêu, tôn trọng tình
nghĩa, tôn trọng đạo lý…
Bước vào nhà cụ bác sĩ nha khoa Trần Công Vàng ở phường Phú Cường,
chúng ta thấy tấm hoành treo trân trọng ở căn giữa nhà thờ với hai chữ CHÁNH
TRUNG viết lối đại tự nói lên tinh thần cốt lõi của gia đình, biến thành tên
hiệu của gia đình nầy.
Nội dung hai chữ Chánh Trung nầy xuất hiện ngay ở cặp đối nơi hai
trụ cổng ngõ trước khi bước vào sân của ngôi nhà như nhắc nhở cả khách lẫn
chủ nhà:
CHÁNH TÂM VI TIÊN XUẤT NHƯ THỊ NHẬP NHƯ THỊ
TRUNG LẬP BẤT Ỷ NGÔN Ư TƯ HÀNH Ư TƯ.
(Với tấm lòng ngay lành, thẳng thắn thì vào cũng thế, ra cũng thế.
Giữ cái tâm ở mực trung, không dựa cậy, nói như thế, làm cũng như
thế.)
Nhưng muốn hiểu rõ dụng ý của chủ nhân ngôi nhà khi viết nên hai
chữ ấy, có lẽ chúng ta nên đọc hai câu đối treo ngay nơi hai cột bên dưới
tấm hoành kia:
CHÁNH TÂM VI TIÊN, MINH ĐỨC TRIỆU CƠ TRUYỀN THẾ VIỄN
TRUNG LẬP BẤT Ỷ, THÁNH NGÔN THUỲ HUẤN LỊCH NIÊN TÂN.
(Lấy tâm chánh trực làm đầu, lấy đức làm nền, truyền đời dài lâu
Đứng vững ở thế trung lập - tức giữ vững bản lãnh, nhân cách - đừng
cậy dựa, lời thánh nhân xưa dạy lại còn mới mãi với thời gian).
Chữ ở tấm hoành cũng như ở hai câu đối trên đều xuất phát ở sách
Đại Học và Trung Dung, hai tác phẩm kinh điển vào loại hàng đầu của Nho giáo
mà nội dung chủ yếu của nó là nhấn mạnh việc giáo dục cái TÂM của con người:
Lấy thành ý, chánh tâm làm cơ sở, luôn cố nuôi dưỡng cho sáng cái đức làm
người, trong tư duy, hành động luôn giữ mực trung, mà chữ trung trong sách
Trung Dung hiểu theo nghĩa ngày nay tức là tinh thần nhân bản vậy.
Nhưng khi đề cao óc tự lập, tự cường, không nương dựa, ỷ lại… hoàn
toàn không đồng nghĩa với sự kiêu căng, ngạo mạn, tự cô lập mình, mà ngược
lại phải biết khiêm tốn, biết tự chế bản thân… Ý nầy thể hiện ở đôi câu đối
được trang trí hai bên bàn có đặt tấm ảnh lớn của cụ chủ nhân ngôi nhà, bên
chái phía trái của ngôi nhà thờ, viết trên vỏ thân cây cau già bửa đôi khá
độc đáo:
XỬ THẾ VẬT KIÊU NHÂN
TU THÂN NGHI THIẾT KỶ.
(Trong xử thế chớ kiêu ngạo với người
Việc tu thân chủ yếu là nên tự chế mình)
Nội dung nầy phù hợp với lời khuyên của người xưa là cần “nghiêm
với mình mà khoan với người” trong đạo xử thế. Thế nhưng tự chế, khiêm tốn
không phải là tự hạ, tự ti mà là tự trọng, khoan dung.
Tinh thần tự trọng nầy thể hiện ở một số ngôi nhà cổ thuộc thị xã
Thủ Dầu Một là ở chỗ mỗi ngôi nhà có một tên hiệu nhằm nói lên tinh thần trọng
tâm của ngôi nhà ấy. Chẳng hạn ngoài nhà cụ Trần Công Vàng với hiệu Chánh
Trung như đã trình bày ở trên, chúng ta còn thấy ở những ngôi nhà khác như
nhà cụ Trần văn Tề với hiệu là TRƯỜNG CỬU, tức là lâu dài. Cặp đối ở hàng
cột thứ hai, gian giữa sẽ nói với chúng ta về nội dung ước mơ của gia đình
thể hiện trong hai chữ ấy:
TRƯỜNG PHÁT KỲ TƯỜNG, QUẾ PHÚC LAN HINH QUANG THẾ TRẠCH
CỬU TRIÊM TUẤN ĐỨC, GIAO ĐẰNG PHỤNG KHỞI CHẤN GIA THINH.
(Mãi mãi nảy điềm lành, danh thơm hiển đạt làm sáng ân huệ cho đời.
Luôn luôn thấm đức dày, rồng bay phượng múa rạng rỡ tiếng tăm nhà).
Ý nghĩa của đôi câu đối nầy nói lên dụng ý khuyên răn con cháu luôn
cố gắng nuôi dưỡng tinh thần tự trọng vì chính sự tự trọng mới giữ được “gia
thinh”, mới khiến mọi thành viên trong gia đình phải sống sao cho khỏi tổn
thương đến danh dự gia đình.
Còn tấm hoành được treo trang trọng ở gian giữa nhà thờ cụ Trần Ngọc
Cân, cũng ở phường Phú Cường thì đề ba chữ: VĨNH THẾ XƯƠNG (Rạng rỡ nhiều
đời), mà muốn rạng rỡ nhiều đời thì mọi người trong nhà cần tôn trọng đức
hạnh hơn tiền tài, xem việc làm điều thiện như là tích chứa cải quý trong
nhà. Cặp đối ở căn giữa ngôi nhà thờ đã nói lên điều đó:
TÍCH ĐỨC THẮNG DI KIM, XỬ THẾ ĐƯƠNG TUÂN TƯ MÃ HUẤN
DUY THIỆN DĨ VI BÁO, CƯ GIA THƯỜNG CẨN SỞ NGÔN THU.
(Chứa đức hơn để vàng, trong việc xử thế nên theo lời dạy của Tư
Mã – tức Tư Mã Quang, đời Tống
Chỉ có điều thiện là quý hơn cả, việc cư xử trong nhà nên trọng sách
của người nước Sở - Ý nói đến tinh thần trọng đạo đức, trọng sự khiêm nhường
mà Lão Tử đã đề cao trong Đạo Đức Kinh).
Hai câu đối trên chắc người xưa đã dựa váo sách Minh Tâm Bảo Giám,
một cuốn sách thuộc loại giáo dục phổ thông khá sâu sắc vì những tư tưởng
trong ấy rất “cận nhân tình” hợp với đạo lý làm người. Sách nầy đã trích lời
của Tư Mã Quang, tước hiệu là Ôn Công:
“Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ. Tích thư dĩ di tử
tôn, tử tôn vị tất năng đọc. Bất như tích âm đức ư minh minh chi trung dĩ
vi tử tôn trường cửu chi kế”.
(Dành dụm vàng bạc để cho con cái, chưa chắc chúng đã giữ được. Để
sách vở cho con cháu, chưa chắc chúng đã đọc. Sao bằng âm thầm để đức lại
cho con cháu mà làm kế lâu dài).
Còn Lão Tử thì viết:
“Thiện nhân bất thiện nhân chi sư
Bất thiện nhân thiện nhân chi tư.”
(Người thiện là thầy của kẻ bất thiện.
Kẻ bất thiện là dụng cụ của người thiện - tức là để cho người thiện
uốn nắn, dạy dỗ).
Ở nhà cụ Trần Văn Chứa, ấp 2, xã Tân An nơi tấm hoành chính chỉ ghi:
TRẦN MIÊU DUỆ (Con cháu going họ Trần). Trong ba chữ ấy chỉ mới khẳng định
tộc họ chứ chưa đề ra ý nghĩ gì rõ rệt, nhưng khi đọc đôi câu đối mà theo
chúng tôi là rất đặc biệt vì tinh thần giáo dục gia đình ở cặp câu đối nầy
vừa thực tế vừa hợp đạo lý:
GIÁO TỬ DĨ NGHĨA PHƯƠNG, NGU TẮC CANH HIỀN TẮC ĐỘC.
SANH TÀI HỮU ĐẠI ĐẠO, CẦN VU LỄ KIỆM VU GIA.
(Dạy con theo đường nghĩa, kém cỏi trí năng thì theo đường cày ruộng,
thông minh sáng trí thì theo đường học vấn.
Làm ra của cải theo đúng đạo lý, siêng năng theo lẽ phải, tiết kiệm
hợp gia phong).
Từ “Nghĩa Phương” xuất phát từ sách Tả Truyện của Tả Khâu Minh thời
Chiến Quốc. Sách ấy có câu: “Thần văn ái tử, giáo chi dĩ nghĩa phương" (Tôi
nghe rằng trong việc yêu thương con cái, chủ yếu là phải dạy chúng đi theo
con đường nghĩa). Còn từ “Đại Đạo” theo Kinh Lễ thì: “Đại đạo chi hành dã,
thiên hạ vi công..” (Làm theo đại đạo tức là phải xem thiên hạ là của chung).
Vậy làm ra tiền tài hợp với đại đạo nghĩa là hợp với công lý. Nói theo ngày
nay tức là làm giàu một cách minh bạch, hợp pháp.
Người sáng tác câu đối này tuy có sử dụng chữ của sách xưa, nhưng
đã vận dụng một cách sáng tạo, xuất phát từ những suy nghĩ sâu sắc: Lao động
chân tay hay trí óc đều tốt, miễn sao phải phù hợp với đạo lý. Làm giàu mà
không trái đạo, cần cù siêng năng hay tiện tặn, tiết kiệm nhưng phải giữ gìn
nhân cách, hợp lễ nghĩa và gia phong.
Căn nhà của ông Nguyễn Tri Quang ở ấp 1 xã Tân An, thị xã Thủ Dầu
Một xây năm Kỷ Tỵ, tức năm 1869. Tấm hoành treo ở căn giữa nhà thờ đề 3 chữ:
TRUNG NGHĨA ĐƯỜNG. Lạc khoản ghi làm năm Canh Dần, tính ra là năm 1890 với
đôi câu đối dặn dò con cháu:
THANH PHƯỚC DI HẬU CÔN, TỔ ĐỨC TÔNG CÔNG VẠN ĐẠI PHẤT THẾ.
HÔNG CƠ THIỆU TIỀN NGHIỆP, PHỤ TRUYỀN TỬ KẾ BIẾN DIỆP BẤT THUYÊN.
(Phước đức thanh cao để lại cháu con công ơn tiên tổ không gì thay
thế được.
Nền móng lớn nối nghiệp xưa, cha truyền con nối mãi mãi không đổi
dời).
Ngôi nhà của ông Nguyễn Tri Quang còn nhiều hạng mục mang tính chất
lịch sử, chúng tôi sẽ đề cập trong một bài giới thiệu riêng về ngôi nhà ấy.
Ở đây, chúng tôi nói thêm về tinh thần giáo dục gia đình mà người xưa quan
tâm: ngoài việc chú trọng đến gia phong lễ giáo, chú trọng đến đạo đức , đến
tinh thần tự lập… Điều căn bản nhất trong giáo dục gia đình là CHỮ HIẾU. Người
xưa từng công nhận: “Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên” (Trong mọi tính nết,
đạo đức của một con người thì chữ hiếu đứng hàng đầu). Nhiều sách vở đã ngợi
ca những tấm gương hiếu thảo. Một kẻ bất hiếu với cha mẹ thì không còn xứng
đáng là con người nữa. Họ sẽ bị dư luận lên án, có khi còn bị luật pháp trừng
trị nữa. Thế nhưng nội dung chữ hiếu cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, đặc
biệt ở các ngôi nhà cổ, qua trang trí nội thất như thiết trí những bàn thờ,
trang hoàng những bức thờ, treo những tấm hoành, những câu đối … đều trực
tiếp hoặc gián tiếp đề cao chữ hiếu, trong đó nổi bật là sự thờ cúng tổ tiên.
Trong việc thờ cúng nầy, người xưa đã sớm vượt lên trên tinh thần bái vật,
tức thờ cúng bằng một niềm tin thô sơ, nặng óc tha cầu, nghĩa là tin cầu
vào những thế lực ngoại tại, mà người xưa đã có một quan niệm rất hợp lý
và hợp tình người. Ông cha ta chú trọng tinh thần của cúng tế chứ không phải
hình thức của cúng tế. Họ xem cúng giỗ là cách biểu hiện lòng tri ân các
đấng sinh thành, là cách biểu hiện sự hoàn thiện nhân cách chứ không phải
là hình thức “lo lót” hay thương hại. Sách xưa nói: “Phù tế giả, phi vật
tự ngoại chí giả, tự trung xuất, sinh ư tâm dã” (Trong việc cúng tế, không
phải từ bên ngoài đến mà tự chính trong tâm mình sinh ra vậy).
Xin dẫn chứng đôi câu đối khác ở nhà ông Nguyễn Tri Quang đã phần
nào nói lên tinh thần đó:
CÚC DỤC ÂN THÂM THIÊN HẢI TRỌNG.
CHUNG THƯƠNG LỄ ĐÁP LẠP TI KHINH.
(Bồng bế dưỡng nuôi, ơn sâu tựa như là trời biển.
Lễ cúng báo đáp nhẹ, chỉ như hạt thóc sợi tơ).
Rõ ràng là người xưa đã tiên liệu, dặn dò con cháu: “Hãy nhớ rằng
chứ hiếu chủ yếu là tinh thần là thái độ ứng xử, hành động đáp đền chứ không
phải là hình thức cúng tế rườm rà, linh đình, thịnh soạn”.
Ngày nay, cuộc sống có nhiều đổi thay, thế nhưng tinh thần của chữ
hiếu chắc chắn còn nguyên giá trị, bởi đó là đức tính đầu tiên, mà cũng là
đức tính tối thiểu cho một con người được công nhận là người!